trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
25.1.2007
Trần Kh.
Franglais, Denglisch, vi tính, Việt kiều và vài thứ linh tinh khác
 
Cuộc tranh luận về hai chữ "vi tính" được mở ra trên talawas cách đây ít lâu đã lắng xuống, dù hình như vẫn chưa làm thoả mãn tất cả mọi người - nếu như tôi nhớ không lầm, thì nay lại thấy ông Dũng Vũ đem hai chữ "Việt kiều" ra tra vấn, và nhân đấy, một lần nữa, ông lại bầy tỏ sự bất ưng của mình về những thứ mà ông gọi là:

"sản phẩm ngôn ngữ vụng về, biến chất mà ngày nay từ giới có học cho tới giới bình dân lẫn giới truyền thông trong nước vẫn sử dụng và lạm dụng một cách tự nhiên, như "vi tính", "phần cứng", "phần mềm", "chí ít", "game thủ", "bèo", "di động", "điều hòa", "vô tư", "siêu rẻ", "siêu nạc", "thấp điểm", "Hợp chủng quốc", "thánh Allah", "người Thiên Chúa", v.v. và v.v". Thực trạng cho thấy trình độ Việt ngữ học của tác giả và người sử dụng thấp kém đến độ nào. Với trình độ ấy, chẳng lạ gì, mỗi khi có một từ ngữ mới xuất hiện trong nước là người hiểu biết không khỏi lấy làm lo lắng và hoài nghi về phẩm chất của nó."

Thiển nghĩ, chuyện ngôn ngữ không phải là món độc quyền của các nhà (và những người muốn-là-nhà) ngôn ngữ học, nên dù là một kẻ ngoại đạo, tôi vẫn xin mạo muội góp vài ý kiến tản mạn.


*


Không biết ở những nước khác thì như thế nào, chứ tại xứ Đức, nơi tôi và ông Dũng Vũ đang sống, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện trên báo chí những lời ca thán rằng cái ngôn ngữ trong sáng của GoetheSchiller đang bị thoái hoá và sử dụng bừa bãi, nhất là bởi đám trẻ. Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì cái túi từ vựng của thanh thiếu niên Đức ngày càng nghèo nàn và teo tóp lại, nhưng đồng thời, lứa tuổi này cũng chuyên sáng tạo ra những từ ngữ mới mà những thế hệ lớn tuổi hơn nghe được thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán, không hiểu chúng nó nói cái gì. Chính lớp trẻ này cũng là những kẻ ăn nói rất "thoải mái", chẳng cần biết ngữ pháp là cái thứ gì. Chỉ cần đọc bài viết về "tiếng Hà Nội" đăng trên talawas cách đây vài tuần là ta có thể có ngay một xác nhận về điều này trong chính tiếng Việt của chúng ta, tác giả Phạm Văn Tình đã cho ta "nếm thử" một số từ ngữ mới của lớp trẻ Việt mà ông nói tếu là rất "chịu khó" sáng tạo ra một lớp từ vựng phong phú, rặt những chữ phải nói là nghe rất hãi như: máu khô, con nghẽo, thoải con gà mái, choác, làm kinh tế mới, gà tóc nâu, ken xồ... Bọn choi choi như thế thì đã đành, có lẽ ở ngôn ngữ nào cũng có cái hiện tượng này, nhưng ngay cả những tầng lớp gọi là có học hơn một tí cũng có khả năng cống hiến cho chúng ta những chuyện "vui" ngôn ngữ. Cách đây ít lâu, tôi đọc được một bài viết của một giáo sư Đức dạy tại Đại học Goethe - thành phố Frankfurt, đồng thời là phát ngôn viên của cái Hội (chăm sóc) ngôn ngữ Đức (Gesellschaft für deutsche Sprache) - ông ca cẩm rằng nhiều sinh viên khoa sư phạm của ông, lại chọn Đức ngữ làm môn chính để đi dạy sau này, mà viết tiếng Đức thì (ôi thôi) đầy lỗi chính tả, ông có cảm tưởng rằng họ chưa bao giờ biết đến sự có mặt của một thứ gọi là thời "tiền quá khứ" (Plusquamperfekt) có thể áp dụng cho các động từ. Nghĩ cũng buồn cười! Nhưng có lẽ vị giáo sư người Đức này hoàn toàn không cô đơn với mối lo và những "nổi buồn chính tã" của ông, thì chúng ta vẫn chẳng thường được đọc những "báo cáo" của các thầy cô giáo kể về trình độ Việt ngữ dở khóc dở cười của học trò Việt Nam, xuất hiện khá đều đặn trên mặt báo sau mỗi mùa tuyển sinh vào đại học đấy hay sao?


*


Mới tuần trước đây, lại thấy một tờ báo Đức tường trình về việc một số từ tiếng Đức đã đi "lang chạ" với một số ngôn ngữ khác trong năm 2006 vừa rồi, những "thám tử tư" chuyên đi săn lùng cái bọn rửng mỡ ưa đi hoang này là các Viện Goethe (Goethe-Institut) nằm rải rác trên toàn thế giới. Thí dụ như tác giả bài báo khoe rằng chữ "die Mannschaft" - từ tiếng Đức để chỉ một đội, nhóm (thể thao, quân đội...) - đã hoá thân thành "la manschaft" trong ngôn ngữ Pháp hiện đại, sau khi đã bị thiến bớt đi một chữ n, phúc đức cho từ này là nó chưa bị... chuyến đổi giới tính, giống cái (die) vẫn hoàn giống cái (la). Chữ này, theo bài báo, hiện đang được người Pháp dùng để chỉ riêng đội tuyển bóng đá quốc gia Đức, một trong những đối thủ đáng gờm của họ từ xưa tới nay. Không rõ có phải do Giải túc cầu thế giới 2006 đã diễn ra tại Đức hay không mà ngôn ngữ và nền bóng đá Đức đã có được cái vinh dự này. Việc người Pháp biến chữ M lớn - một trong những điểm đặc biệt và là "con bò thiêng" của ngôn ngữ Đức - thành chữ m nhỏ thì cũng là điều hiểu được, tôi chỉ hơi thắc mắc là không nghe tác giả bài báo than phiền gì về việc người Pháp đã cả gan bỏ mất của họ một chữ n, biến "Mann" thành "man", đích thị là một từ tiếng Anh cùng nghĩa, làm như thể cái thứ tiếng này tác oai tác quái chưa đủ trong tiếng Pháp cũng như trong nhiều thứ tiếng khác của thế giới, vào cái thời được gọi bằng một danh xưng hoa mỹ là toàn cầu hoá (... tiếng Anh) này.

Chữ "manschaft", như thế, đã gia nhập vào gia đình của những từ tiếng Pháp có gốc gác Đức ngữ đã hiện hữu bấy lâu nay như: blitzkrieg, kitsch, ersatz, weltanschauung... Theo chiều ngược lại, người ta cũng có thể tìm thấy rất nhiều từ tiếng Pháp đã đi vào ngôn ngữ Đức. Nước Đức đã từng có một Friedrich đại đế, vị vua Phổ mê âm nhạc, nghệ thuật, triết học và rất cởi mở với tư tưởng Khai sáng. Điểm đặc biệt của ông vua này là ông không thích văn chương Đức, bụt nhà không thiêng, mà rất sính ngôn ngữ và văn chương của nước Đại Pháp. Ông là tác giả của rất nhiều sách viết bằng tiếng Pháp, và trong vòng mấy chục năm kết bạn với triết gia Voltaire, hai người đã trao đổi tư tưởng với nhau qua hơn 650 lá thư. Năm 1786, Friedrich đại đế đã qua đời trong cái lâu đài ông cho xây dựng và (dĩ nhiên) đặt tên (Tây) là "Sans souci", nằm tại Potsdam gần thủ đô Berlin. Người ta kể lại rằng nhà thơ Schiller (1759-1805) cũng có thói quen chêm từ tiếng Pháp trong lúc nói chuyện, ông bảo rằng nhiều lúc ông không tìm được từ tiếng Đức thích hợp để diễn tả những ý tưởng của mình; và thiên tài âm nhạc Mozart cũng đã từng ca ngợi vẻ đẹp của chữ "maîtresse" ở một trong những lá thư gởi cho papa Leopold, những lá thư viết bằng tiếng Đức nhưng lại thường bắt đầu bằng dòng chữ: "mon très cher père!". Như thế, không như với tiếng Anh sau này, nhiều từ tiếng Pháp đã đi vào ngôn ngữ Đức trước tiên là qua tầng lớp quí tộc và có học từ thế kỷ 17, 18 và sau đó mới lan truyền xuống tầng lớp thường dân, điều này cũng có nghĩa là những từ tiếng Pháp đã đi vào tiếng Đức tương đối chính xác và có chọn lọc hơn; bảo là tương đối, vì trong thực tế, nhiều chữ tiếng Pháp hiện có mặt trong ngôn ngữ Đức chỉ còn mang một nghĩa hạn chế hoặc hoàn toàn khác hẳn nghĩa ban đầu của nó. Thí dụ như Beauté trong tiếng Đức chỉ có nghĩa hẹp duy nhất là giai nhân; chữ Parterre chẳng còn dính dáng gì đến hoa cỏ nữa mà một người Đức bình thường chỉ biết rằng đấy là chữ dùng để chỉ cái tầng trệt, rez-de-chaussée; đành rằng Politesse trong tiếng Đức cũng có nghĩa là sự lễ độ (mà thường chẳng có ma nào biết để sử dụng), nhưng người Đức, khi nghe đến chữ này, thường chỉ nghĩ ngay đến những cô nàng mặc đồng phục chuyên rảo quanh các khu phố và mắt thì lăm lăm xem có chiếc xe hơi nào đậu sai luật để tặng cho một tờ giấy phạt...

Khác với tiếng Pháp, thời nay tiếng Anh thâm nhập vào ngôn ngữ Đức qua nhiều cửa ngõ: quảng cáo, các phương tiện truyền thông, thể thao, văn hoá pop hoặc qua lớp trẻ... Hình như mối lo chung lớn nhất của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới hiện nay là cái tính "hung hăng" của tiếng Anh. Tại Âu châu, dân Pháp có lẽ là một dân tộc có niềm tự hào lớn nhất về ngôn ngữ của mình; nước Pháp hẳn không thiếu người chủ trương ngôn ngữ thuần tuý (purist) và là một trong những nước đầu tiên đã có những biện pháp cụ thể nhằm chăm lo cho ngôn ngữ của mình, Académie française ra đời từ tiền bán thế kỷ 17 là một thí dụ. Và từ hơn 12 năm nay, nước Pháp đã có một đạo luật bảo vệ ngôn ngữ - mà trước hết là bảo vệ ngôn ngữ Pháp trước sự xâm nhập của tiếng Anh - có tên là "loi Toubon", gọi theo tên của ngài Bộ trưởng Văn hoá thời đó: Jacques Toubon, mà những người có óc trào lộng bảo Toubon thật ra chỉ là cái "ních nêm" của ông ta mà thôi, còn tên thật của ông là... Mr Jack Allgood. Theo cái đạo luật này thì trong các công sở Pháp hoàn toàn không có một vật nào có tên là computer mà chỉ có cái ordinateur. Vì không sống ở Pháp nên tôi không rõ cái đạo luật này có tác dụng tới mức nào, chỉ biết là ở Đức người ta kể lại là vào thời Quốc xã cũng đã từng có những biện pháp giữ "sạch" - không phải chỉ với dòng máu Arier với cái hậu quả bi thảm cho mấy triệu sinh linh Do Thái như ta đã biết - mà cả cho tiếng Đức, nhưng những chỉ đạo về ngôn ngữ ít nhiều mang tính cưỡng bách của Goebbels & Co. đã không thành công trong thực tế. Có lẽ vì dân tộc Đức còn bị ám ảnh bởi một quá khứ cận đại quá ư nặng nề, nên không nghe thấy ai đòi hỏi phải có một thứ đạo luật tương tự như người Pháp đã làm, mặc dù không thiếu những "purist" Đức, sau khi nhìn ra thế giới xung quanh, ngậm ngùi than rằng không ở đâu mà tiếng Anh lại mặc sức tung hoành như trong tiếng Đức, rằng cái ngôn ngữ có lịch sử 1500 năm này đang bị đe doạ bởi một căn bệnh có tên BSE - không phải "bovine spongiforme enzephalopathie", bệnh bò điên - mà đấy là bệnh ưa sử dụng thứ "bad simple English".

Nếu ở Pháp có một thứ "tiếng" gọi là "franglais" (français + anglais), thì người Đức cũng không chịu thua kém với cái "Denglisch" của mình, từ kết hợp bởi hai chữ Deutsch + Englisch. Thuộc vào danh sách những từ "Denglisch" này - ngoài những chữ giữ được nguyên vẹn hình hài như Kid, Highlight, up to date, Event, Meeting... - còn có cả những từ đã phải biến dạng để cho hợp với văn phạm Đức: safer Sex, clevere Teens, gedownloadet (hoặc dị hợm hơn: downgeloadet), checken, gemailt, gecancelt, recyceln... hoặc những từ đã được "sáng chế" như hai chữ body bag, người Đức hiểu đấy là cái túi đeo trên người, còn trong tiếng Anh hai chữ này dùng để chỉ cái túi đựng... xác chết. Theo ước đoán của giới chuyên môn, hiện có khoảng hơn 6000 từ Denglisch đang có mặt trong ngôn ngữ Đức, một con số trấn an hay báo động là tuỳ theo cách nhìn...


*


Ở Đức, khi muốn nói đến cái điện thoại di động, chẳng có mấy người sử dụng chữ Mobiltelefon mà họ chỉ dùng từ Handy - phát âm theo tiếng Anh. Tính từ handy trong tiếng Anh có nghĩa thuận tiện, tiện tay hoặc khéo tay, bỗng dưng bị người Đức bê vào ngôn ngữ của mình và cho nó cải trang, biến thành một danh từ dùng để chỉ cái... di động. Dĩ nhiên người Anh không gọi cái điện thoại di động là handy mà là mobile phone hay ngắn gọn hơn: mobile, điều làm tôi liên tưởng đến cái cách nhiều người Việt gọi cái điện thoại di độngdi động. Tình cờ, ta bắt gặp trong cả ba ngôn ngữ trường hợp một tính từ đã bị danh từ hoá một cách vô tội vạ - cho cùng một vật dụng. Sự tuỳ tiện thỉnh thoảng vẫn diễn ra trong ngôn ngữ xem ra không phải là độc quyền của người Việt. Chữ Handy của người Đức, nếu xét về ngữ nghĩa gốc cũng như loại từ, rõ ràng là một từ thuộc loại giả hình, nửa dơi nửa chuột, vậy mà rốt cuộc rồi cũng được các nhà ngôn ngữ học Đức chấp nhận và đưa vào danh sách những từ mới cập nhật cho tự điển.

Ngoài chữ Handy ra, trong tiếng Đức còn có hai chữ nữa vẫn thường được đem ra làm thí dụ cho thứ "sản phẩm ngôn ngữ vụng về, biến chất" - để mượn mấy chữ của Dũng Vũ - đấy là hai chữ "Happy End", một từ tiếng Đức thuộc loại Denglisch tương ứng với cụm từ "kết thúc có hậu" trong tiếng Việt ta, mà nếu viết đúng thì phải là "happy ending", như người Anh vẫn viết như thế. Dẫu vụng vềbiến chất, hai chữ "viết sai" này ngày nay cũng đã chính thức đi vào tự điển ngôn ngữ Đức. Thêm một thí dụ cho việc "sai" rốt cuộc vẫn hoá thành "đúng" trong "khoa học" ngôn ngữ. Người ta bảo rằng người chịu trách nhiệm cho sự "viết sai" này không ai khác hơn là Kurt Tucholsky (1890-1935), một nhà văn châm biếm sắc bén của nền văn học Đức, và đưa ra bằng chứng là hai chữ "happy end" đã bị "bắt quả tang" trong một bài thơ ngắn, viết với thổ âm Berlin của ông có tên là "Danach"("Sau đấy") - hẳn là tác giả hồn nhiên... tả thực cái thời kỳ hậu hôn nhân:

Die Ehe war zum jrößten Teile
vabrühte Milch und Langeweile.
Und darum wird beim happy end
im Film jewöhnlich abjeblendt.

Xin phỏng dịch, theo thể điệu... tân hình thức:

Đời sống vợ chồng phần lớn vẫn thường
như nồi cơm khê, đầy chuyện chán chường.
Vì thế trong phim những "kết thúc có
hậu" bị đạo diễn thường hay cắt bỏ.

Người ta bảo thật ra không phải là Tucholsky không sành tiếng Anh, mà chỉ vì thơ thì phải... có vần, chỉ có "happy end" thì mới đỏng đảnh được với "abjeblendt", chứ còn "happy ending" thì sẽ lạc... vận, sẽ làm hỏng bài thơ.


*


Sẵn hồn thơ (dịch) đang... lai láng, dễ gì có được những giây phút lai láng như thế này, cho nên tôi phải... tranh thủ, xin cho phép tôi phát biểu (linh tinh) tiếp về thơ, hay nói cho chính xác hơn, tôi xin chép lại dưới đây một bài thơ của một thi nhân Việt Nam đương đại có nhiều bài thơ ở thể lục bát mà tôi yêu mến. Không, ý tôi không muốn nói đến nhà thơ đã được Nguyễn Huy Thiệp tán tụng (lên mây) trong thời gian qua, mà là một tài hoa khác của thơ ca Việt, nhà thơ Nguyễn Duy, ông này mới là nhà thơ lục bát "của tôi". Xin mời Dũng Vũ xơi thử món "Cơm bụi ca" với tôi nhé:

Xa nhau cực nhớ cực thèm
ai về Hà Nội gởi em đôi nhời
cô đầu thời các cụ chơi
ta đây cơm bụi bia hơi lè phè...

Cực kỳ góc sấu bóng me
cực ngon cực nhẹ cực nhoè em ơi
đừng chê anh khoái bụi đời
bụi dân sinh ấy bụi người đấy em

Xin nghe anh nói cực nghiêm
linh hồn cát bụi ở miền trong veo
rủ nhau cơm bụi giá bèo
yêu nhau theo mốt nhà nghèo... vô tư!

Tôi hy vọng là khi đọc bài thơ với những cực kỳ, giá bèo, cơm bụi, bia hơi, vô tư... này, Dũng Vũ không nhăn mũi (ứ ừ), vì... chí ít tôi cũng thấy có vài chữ Nguyễn Duy sử dụng trong bài thơ lại rơi đúng vào cái danh sách các từ cấm kỵ của Dũng Vũ mà tôi đã trích dẫn ở đầu bài viết. "Trình độ Việt ngữ học của người sử dụng (Nguyễn Duy) thấp kém" đến độ nào thì tôi chẳng dám lạm bàn, chỉ biết là tôi, một người đọc chưa già nhưng cũng chẳng còn trẻ, nhưng không nhất thiết là một người đọc bảo thủ, sau một thời để ý tìm đọc những của mới lạ, nay có hơi bị đầy bụng bởi những bài thơ Việt cách tân siêu thực đạo mạo kafkaesk nhàm chán nhan nhản trong thời buổi internet này. Sushi tân hình thức inside out? foie gras giễu nhại truffe? hay latte macchiato hậu hiện đại amaretto? Xin cứ vô tư! Nhưng với riêng tôi thì: "Không phải lúc nào cũng cứ phải là món trứng cá caviar", như cái tựa đề tiểu thuyết của một nhà văn Áo, nay đã trở thành một thành ngữ (không phải thuộc loại đánh đố) trong ngôn ngữ Đức, hoặc, nói nôm na hơn: Đậu hũ chấm mắm tôm thì cũng... cực kỳ, dĩ nhiên đây là cái... gu ẩm thực của riêng tôi thôi, chứ tôi chẳng dám nói hộ những người Việt yêu nước (phở, hủ tíu) nhưng xem mắm (tôm) như là kẻ thù không thể đội chung bầu... khí quyển. Có lẽ đơn giản chỉ vì thế, cho nên hôm nay đọc lại bài thơ cũ này tôi vẫn thấy thích và không thấy khó chịu vì những câu chữ mà có thể có người cho là dung tục. Văn thơ muốn cao thượng "cứu rỗi" ở đâu thì xin... cứ việc, nhưng cũng xin đừng quên rằng nhiều lúc nó còn có một chức năng khiêm tốn khác là gây vài tiếng cười, nhiều lúc cũng cần thiết trong cuộc đời không phải lúc nào cũng sẵn tiếng cười này.


*


Một trong những nhiệm vụ cao quý của các nhà ngôn ngữ học là nhiệm vụ canh gác, và nếu cần thì thổi còi. Điều này thì đã rõ. Nhưng "còi" có luôn luôn tác dụng hay không thì lại là một chuyện khác. Ngôn ngữ là một thực thể sinh động, là một khoa học, nhưng không phải là thứ khoa học chính xác 2 cộng 2 thành 4; ngôn ngữ hàn lâm chính trước phụ sau con nhà gia giáo có đời sống của nó, nhưng thứ ngôn ngữ dân gian cú pháp chẳng thông cũng có cái tưng bừng riêng của mình, đôi lúc, nó vẫn có những biểu hiện phá rào "thất học" dễ yêu và những "đóng góp" bất ngờ, nhất là cái chất tếu ngầm nằm trong con chữ mà thứ ngôn ngữ mũ cao áo dài thường ít khi có được. Theo thiển ý của tôi, nếu quan sát kỹ thì thấy trong ngôn ngữ Việt của chúng ta, và có lẽ cả ở những thứ tiếng khác như mấy thí dụ trong tiếng Đức mà tôi đã nêu ra ở trên, có một hiện tượng có thể xem như một kiểu "đi mãi thì thành đường", hay nói cách khác, có một sự thực mà ta không thể phủ nhận là có rất nhiều từ đã thong dong bước vào tự điển mà không cần đi qua "con đường vương giả" của lý trí hàn lâm viện.

Các nhà thanh giáo (puritan) trong ngôn ngữ thì ở đâu cũng có, tôi liên tưởng đến chuyện đại thi hào Goethe - một Nguyễn Du của nước Đức - cũng đã từng có những lời nhẹ nhàng hướng đến các "nhà" này và bảo đại ý rằng: Sức mạnh của một ngôn ngữ không nằm ở chỗ xua đuổi (như đuổi tà) những cái mới lạ mà ở chỗ nó biết thâu nạp (và tiêu hoá tốt) những thứ này. Vâng, "thánh" phán thì thường là... đúng, nhưng thế nào là "thâu nạp tốt" thì mới là điều rối rắm, không dễ dẫn đến... nhất trí thông qua. Bởi thế mới có chuyện ông Dũng Vũ viết "mỗi khi có một từ ngữ mới xuất hiện trong nước là người hiểu biết không khỏi lấy làm lo lắng và hoài nghi về phẩm chất của nó", bởi thế ông mới tỏ vẻ khó chịu vì hai chữ vi tính xem chừng vẫn được đám đông a dua sử dụng, và bởi thế, ông mới phê phán hai chữ vô tư mà theo ý tôi là một từ... đáng yêu. Game thủ, siêu nạc siêu mỡ... thì nghe cũng ớn thật, nhưng ở một số trường hợp khác, quả thật tôi không thể chia sẻ những nỗi bất bình của Dũng Vũ; vả lại, ta đừng quên rằng "dân gian" cũng có một bộ lọc ngôn ngữ vô hình của mình, không phải bất cứ từ ngữ thời thượng nào cũng trụ lại được với thời gian. Riêng ở trường hợp hai chữ vi tính, tôi đồ rằng nó sẽ thuộc vào loại chữ "đi mãi thì thành đường" trong ngôn ngữ Việt, mặc cho những lo lắng của những "người hiểu biết".


*


Ngoài ra, tôi lấy làm ngạc nhiên khi đọc trong bài viết của Dũng Vũ câu: "Việt Kiều là hai tiếng mà đa số người Việt hải ngoại không ưa thích. Nó giống như mấy từ "ngụy", "tư sản mại bản", "văn hóa Mỹ-Ngụy". Tôi không biết là ông dựa vào những "nghiên cứu" nào để đưa ra cái nhận xét và so sánh ngộ nghĩnh này. Tôi cứ ngờ ngợ rằng Dũng Vũ hơi chủ quan, khi ông cho là hai chữ này "khiến người Việt hải ngoại có cảm tưởng như mình bị tách rời khỏi cộng đồng dân tộc" và nó "gây tự ái, chia rẽ". Hay là vì tôi - một kẻ không giao thiệp rộng - nên không nắm bắt được cái "tâm tư tình cảm của kiều bào" (mấy chữ nghe quen quen và cảm động làm sao!) và vì thế không có cùng một cảm nhận như ông?

Trí nhớ của Dũng Vũ có lẽ chính xác, khi ông cho rằng trước 1975 thì ở miền Nam người ta ít dùng hai chữ "Việt kiều" mà thường sử dụng hai chữ "kiều bào", "Việt kiều" hình như được dùng phổ biến ở miền Bắc hơn, ít nhất là trong ngôn từ chính thống, tôi cũng nghĩ như thế; người ta thường nghe nói đến "phong trào Việt kiều" chứ hầu như không tồn tại một thứ "phong trào kiều bào", chữ "phong trào" đi liền với chữ "Việt kiều" tự chúng đã phát đi những thông tin mang màu sắc chính trị và liên hệ địa lý. Miền Nam cũ chỉ biết có những phong trào như: phong trào nhân dân chống tham nhũng, phong trào phụ nữ đòi quyền sống, phong trào thương phế binh cắm dùi, phong trào ký giả đi ăn mày..., còn thứ phong trào mà ta nhắc ở trên thì lại có quan hệ tinh thần, và trong một mức độ nhất định, nằm trong sự chỉ đạo của chế độ miền Bắc, mà trước hơn hết là phong trào Việt kiều tại Pháp. Từ cái "nhân" này, đã xuất hiện nhiều "phó bản" khác với những cái tên na ná nhau ở các nước Canada, Mỹ, Đức, Ý, Bỉ... Cái bản sao tại Tây Đức của "chúng tôi" cách đây mấy chục năm - quí vị chuẩn bị nín hơi nhé - có tên là: Hội đoàn kết sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Cộng hoà liên bang Đức. Một cái tên ôm đồm. Thực ra, "đoàn kết" thì cũng... tốt thôi, làm con dân của một đất nước bị phân hoá và chia rẽ thì nhu cầu đoàn kết là một nhu cầu lương thiện, nếu ta bỏ qua chuyện hai chữ này một thời hầu như đã là chữ độc quyền của "phe ta", ý tôi muốn nói là phe tả (hô: Hoch, die internationale Solidarität!, hát: "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh..." và đọc: báo... "Đoàn Kết"); thành tâm là thế, vậy mà những người có suy nghĩ khác với chúng tôi thời đó họ lại gọi hội của chúng tôi là hội "đàn két", ý muốn nhấn mạnh vào cái khả năng nhại lại tuyệt vời của loài chim này, mà giờ đây, khi đã có lại được sự bình thản tự vấn và độ lùi lịch sử, phải nói là những lời chế nhạo ấy không phải là không nói lên ít nhiều sự thật. Còn hai chữ "Việt kiều" nằm trong cái tên hội tôi đang nhắc đến ở đây là hai chữ tự nguyện, chẳng bị ai o ép, dù có hơi "sao chép" và thừa thãi, vì trong thực tế thì hầu như 99,97 % thành viên cái hội ấy là sinh viên; mà có ai lại vớ vẩn đến độ đem cái "sản phẩm ngôn ngữ có thể làm tổn thương" chính mình vào cái bảng hiệu của mình bao giờ. Có làm "tổn thương" chăng là hai chữ "yêu nước", một trong vài của hiếm mà mỗi người Việt có (sẵn từ trong gene) để có thể hãnh diện với các dân tộc khác, còn trong nội bộ người Việt với nhau thì hai chữ này không ít khi bị trưng dụng, bị biến thành một công cụ hù doạ, hoặc thậm chí trấn áp, mà đỉnh cao của sự lạm dụng nằm trong cái khẩu hiệu bất hủ: yêu nước nghĩa là yêu xã hội chủ nghĩa. Điều này, buồn thay, cũng là một sự thật. Một khi anh đã giành "độc quyền" yêu nước tức là anh đã ngầm ám chỉ những người không cùng xu hướng chính trị với anh là những kẻ "không yêu nước". Khi mà lòng chân thành - tôi liên tưởng đến việc sử dụng hai chữ "yêu nước" một cách "hồn nhiên" trong cái tên hội nêu ở trên - không ý thức được rằng nó đang gián tiếp vô cớ xúc xiểm và làm tổn thương người khác, thì sự chân thành ấy đã tiến gần đến sự ngu muội, điều đơn giản như thế mà riêng tôi phải cần nhiều năm mới ngộ ra.

Sống dưới bất cứ thể chế độc tài nào thì con người cũng là những nạn nhân đầu tiên, chẳng hạn như: người bỗng biến thành con vật - Judenschwein - đồ lợn Do thái, trước khi hoá thành tro, trí thức bỗng "được" đem so sánh với cục phân, trung nông ngủ qua đêm bỗng thành địa chủ bóc lột, tư sản "dân tộc" bỗng chốc hoá thành tư sản "mại bản", văn nghệ sĩ bỗng dưng bị treo bút, tác phẩm không được phép công bố, có khi còn phải "lao cải - gulag", nhà báo bất ngờ được "cởi trói", như là một ân phúc, để rồi nếu cần thì sẽ trói trở lại, như thể đấy là súc vật chứ không phải là những con người đã trưởng thành v.v... Bên cạnh đấy, là những loại nạn nhân khác, văn chương chữ nghĩa chẳng hạn, chúng cũng có thể bị đem ra đầy đoạ và cưỡng bức. Sách báo không chỉ đã từng bị chất đống trên giàn hoả thiêu để làm mồi cho lửa giữa trung tâm Berlin cách nay chừng hơn 70 năm (chiến dịch "sinh viên" dưới sự chỉ đạo của Goebbels năm 1933 này có tên: "Verbrennung undeutschen Schrifttums", mà những nạn nhân đầu tiên là các tác giả tên tuổi như Heinrich Heine, Heinrich Mann, Sigmund Freud, Kurt Tucholsky, Erich Kästner, Erich Maria Remarque..., và không lâu sau đó xuất hiện một "danh sách cấm" với chừng 130 tác giả), mà chúng cũng đã bị làm nhục dưới nhiều hình thức trên nửa miền đất nước chúng ta trước đây quãng 30 năm; và ta có thể dễ dàng kể ra nhiều từ ngữ Việt đã và đang còn tiếp tục bị hiếp dâm như: nhân dân, làm chủ, đầy tớ, sự thật, hiến pháp, tự do báo chí, tự do hội họp, dân chủ, nhân quyền, cải tạo, nguỵ, yêu nước, giác ngộ, dân cử, bầu cử, quốc hội, nhân phẩm, nhân đạo...

Xin trở lại với hai chữ “Việt kiều”. Về "nhân thân" của hai chữ này thì tôi không dám có ý kiến, vì nó vượt quá sự hiểu biết của tôi, chỉ biết là cứ theo cái cách giải thích của Dũng Vũ thì hai chữ “ngoại kiều" mà tôi vẫn dùng bấy lâu nay hẳn phải xuất phát từ cụm từ... "ngoại quốc kiều dân", và không biết hai chữ này có "cực tính" tốt hay là xấu? chắc là... trung hoà! Còn ngoài ra thì thú thật là tôi chỉ có thể mỉm một nụ cười (mệt mỏi) và không cảm thấy được mấy thuyết phục khi nghe Dũng Vũ cố gắng phân tích cho ta thấy sự khác biệt trong cái "sắc thái" của hai chữ "Hoa kiều" và "Việt kiều", cũng như chữ "kiều bào" thì nghe "nhẹ" hơn chữ "Việt kiều", và "đồng bào hải ngoại" là từ... "hay nhất".

Nhà nước Việt Nam hiện hành là một nhà nước ngang ngược và là một chuyên viên tráo trở ngữ nghĩa có "đẳng cấp", nhưng hình như hai chữ "Việt kiều" đã có cái may mắn là không thuộc vào danh sách những từ đã bị chế độ cưỡng bức, nó còn giữ được sự trong trắng của mình. Có lẽ vì thế mà số đông vẫn dùng hai từ này, chứ không phải là do "quen miệng" hoặc do "rất nhiều người Việt trong nước ngày nay mắc phải một quán tính là trên nói gì, dưới lặp y vậy, không cần suy ngẫm tốt, xấu, đúng, sai" như Dũng Vũ chẩn đoán, khi ông làm cuộc tra vấn hai chữ này.

20.01.2007

© 2007 talawas