trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
29.1.2007
Trịnh Lữ
Trình diễn thơ
 
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến ngả hẳn vào lưng chiếc ghế gập khung nhôm đan nilông, khoanh tay, ngoẹo đầu, nhắm mắt. Bên phải anh, một nhạc công bắt đầu kéo cây vĩ cầm. Bên trái anh, một nhạc công khác gẩy một cây đàn tứ. Đèn chiếu hồng hồng. Cử toạ im lặng chờ đợi.

Nhà thơ bỗng như vừa tỉnh giấc, giơ ngón tay trỏ lên xem bên này bên kia như người liếm tay dò chiều gió, rồi bắt đầu lên tiếng. Anh không đọc, không ngâm, mà hát bài thơ của mình, với nhiều điệu bộ như muốn minh hoạ và tạo nhấn. Anh ngồi. Anh đứng. Quay bên này bên kia. Giơ hai tay lên trời nhiều lần. Giậm chân nhiều lần. Những câu hát nhặt khoan, lúc như tự vấn, lúc như quát tháo, hình như là với chính mình, mà cũng có lúc như là với người nghe. Hai cây đàn, một tây một ta, hoà đệm theo giọng hát đầy kịch tính, tạo nên một ấn tượng âm thanh và thị giác phảng phất vẻ chiếu chèo nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nhà thơ hát về một con ma ngủ, nghe thấy những câu nó cứ bắt tôi phải nằm yên, phải thế này thế nọ, rồi trong tai thì phải có tay mà tay thì phải có mắt thế nào đó, tôi không thể nhớ lại chính xác được.

Tôi đã nghe anh tự đệm đàn guitar khi hát thơ của mình ở Văn Miếu trong Hội Thơ Việt Nam Tết năm ngoái. Lần ấy anh hát một bài về bà của mình thì phải, nghe có nhiều câu cảm động. Nhưng lần này thì khác. Anh đang là nhà thơ mở màn cho buổi trình diễn thơ có tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội đêm 24 tháng Giêng tây vừa rồi. Anh có giọng hát rất Việt, và vẻ ngoài cũng vậy. Không hiểu sao, anh làm tôi nhớ đến hoạ sĩ Nguyễn Trà Vinh, chắc cũng trạc tuổi anh, người hay vẽ những tranh sơn mài gam đỏ có môtif một bé gái ngẩn ngơ trong vườn hoặc bay lượn lơ lửng trên không. Có cái gì đó giống nhau về chất giữa lối hát thơ của anh và những bức tranh kia của Vinh.

Nguyễn Vĩnh Tiến hát mấy bài, nhưng chỉ có mấy câu về con ma ngủ đầu tiên ấy còn đọng lại trong tôi. Đã từ lâu, tôi không còn thói ghi chép tại chỗ của một thời viết báo nữa, và đã tự nhủ hãy chỉ làm một người đứng xem hư tâm háo hức mà thôi. Cái bài này cũng vậy, cũng chỉ là để lưu dấu một vài ấn tượng và cảm nghĩ riêng, gọi là một chút bộc bạch với ai kia và với chính mình.

Trước khi đến dự buổi trình diễn thơ này, tôi đã nghĩ lan man về chuyện liệu thơ mà đem ra trình diễn thì nó sẽ ra sao. Đọc hoặc ngâm thơ thì tôi biết rồi. Lần đầu tiên tôi nghe ngâm thơ là tại một buổi biểu diễn của văn công sau khi bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Hà Nội, ở chỗ Nhà hát Nhân dân – khu Đấu xảo cũ, bây giờ là Cung Văn hoá Việt-Xô. Tôi mới lên 6 lên 7 gì đó, đi với mẹ, và còn nhớ là mẹ tôi bảo đó là ông Hoàng Cầm lên ngâm thơ. Ông mặc đồ bộ đội mầu ôliu, áo trấn thủ, mũ cứng có lưới nguỵ trang, giầy vải cùng màu, đứng trước micro ngâm bài thơ gì đó rất nghiêm trang, không có nhạc đệm. Người ta gọi lối ngâm thơ như vậy, dù là trên sân khấu hay trong phòng thu thanh hoặc thu hình, dù có sáo tre hoặc món đàn dân tộc nào đó đệm theo, là một “tiết mục ngâm thơ”. Chẳng ai gọi đó là “trình diễn thơ”.

Gần đây, các môn nghệ thuật bỗng đua nhau trình diễn, có vẻ cuống quít sợ bị thế giới bận rộn này quên mất mình, và thơ cũng tham gia vào đó. Nhà thơ Hoàng Hưng đi Mỹ về bảo tôi bên ấy trình diễn thơ lạ lắm, có nhà thơ đàn bà còn vạch cả mông cho cử toạ xem, trắng loá mắt, mà ai muốn nghĩ gì thì nghĩ. Tôi cũng có vài lần đi nghe thơ bên Mỹ, nhưng chưa lần nào thấy như vậy. Tôi cũng không nghĩ mấy nhà thơ trong đêm trình diễn này sẽ làm cái gì ngoạn mục kiểu như thế, nhưng cũng tò mò muốn biết thơ sẽ ra sao khi trình diễn theo nghĩa mới, nhất là ở ta.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người giới thiệu. Ông nói cũng nhiều, nhưng tôi nhớ cái ý chính rằng ông cũng chẳng biết các tiết mục sẽ như thế nào, rằng mọi thứ sẽ đều là bí ẩn và bất ngờ, hệt như cuộc đời vậy. Trong số khán giả tôi thấy có nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Châu Diên, nhà văn Ngô Tự Lập, và rất nhiều người cả già cả trẻ mà tôi đoán đều là những người sành những thể loại mới hoặc chí ít thì cũng tò mò háo hức như tôi. Cả cây bút Nguyễn Quí Đức từ Mỹ về cũng tới dự. Phòng họp mặt tầng trệt của Câu lạc bộ 51 Lý Thái Tổ đông nghẹt. Trần thiết theo gam mầu son và da cam ấm ấp, đèn treo điệu đà, ghế ngồi êm ái, nhiều người cầm li nước táo hoặc tách càphê trên tay, cả mấy cái máy điều hoà nhiệt độ cũng sơn cùng màu với tường. Cảm giác thật dễ chịu, nhất là bên ngoài đang là một đêm đông Hà Nội trong veo êm ả.

Trở lại với màn trình diễn mở đầu: Nguyễn Vĩnh Tiến đang cúi chào kết thúc trong tràng pháo tay ấm áp và nhiệt tình của cử toạ, có cả tiếng reo hò tán thưởng rất trẻ trung. Tôi tự nhủ vậy là hát thơ cũng là một cách trình diễn thơ. Vậy có phải thơ cũng là ca khúc? Chắc là không phải. Cũng như thân thể người ta phải có cả ba phần đầu, mình và chân tay, một ca khúc cần có đủ ba thứ: một là bản nhạc và lời ca ghi trên giấy, hai là tiếng đàn của nhạc công, và ba là giọng hát của ca sĩ. Cả ba cái hợp lại, nghĩa là chúng phải được trình diễn, thì mới có được ca khúc đó, và nó mới đến được với người nghe, mới có cơ hội làm rung động họ, lắng đọng trong tâm trí họ, làm thay đổi cảm xúc và suy tư của họ, có khi còn làm thay đổi cả cuộc đời của họ. Thành thử ca nhạc là một loại hình nghệ thuật trình diễn tự thân, cũng như các thể loại sân khấu và phim ảnh. Như phim chẳng hạn: kịch bản trên giấy chưa thể là một bộ phim, còn hàng trăm nghìn thứ khác nữa họp lại theo một trật tự kĩ thuật khe khắt mới có thể có được vài ngàn thước phim nhựa; rồi lại phải cho những thước phim ấy chạy qua máy chiếu để hiện hình và hiển tiếng lên màn ảnh thì mới có được bộ phim như ta vẫn biết. Cho nên bắt buộc là phải trình diễn nó thì nó mới tồn tại và lưu dấu trong lòng người xem. Còn thơ? Tôi nghĩ cái bài "Ma ngủ" ấy, với tư cách một bài thơ, có thể tồn tại và đến với tôi trong những con chữ ghi trên giấy, như mọi hình thức văn chương khác. Tôi có thể im lặng một mình đọc những dòng chữ ấy, và hơn nữa, có thể đọc đi đọc lại từng chữ, từng câu, và tiếp nhận dần dần tứ thơ và giọng điệu của tác giả theo căn duyên của tôi. Và hình như, cũng như văn, thơ là ngôn ngữ, trước hết và sau cùng. Còn ca khúc thì âm nhạc mới là cái trước hết và sau cùng. Dù lời bài hát có hay đến mấy, có thơ đến mấy, nếu âm nhạc không xúc động được lòng người ta trước thì những lời thơ hay kia cũng không thể đến được với ai. Với ca khúc, âm nhạc chuyên chở thi ca, âm nhạc dở thì thi ca xa lầy. Còn với thơ, tôi cảm thấy rất rõ là cái bánh xe chuyên chở cuộc đời và số phận của nó lại phải là ngôn ngữ, tồn tại trong từng chữ, từng câu. Tôi tưởng tượng nếu nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến đọc những bài thơ ấy với âm thanh của Ngôi Lời, dồn hết hồn vía vào cái Ngôi Lời ấy, không cần nhạc đệm, không cần điệu bộ, có thể sự cuốn hút và sức truyền đạt của thơ anh sẽ mãnh liệt và hiệu quả hơn chăng, có thể tôi sẽ nhớ lại được cả những tứ thơ khác của anh chăng, thay vì chỉ có thể gợi lại được những hình ảnh và điệu bộ minh hoạ của anh chập chờn theo dòng nhạc thật ra chỉ có tác dụng làm cho mọi thứ chập chờn thêm lên nữa. Có lẽ vì thơ anh là thứ thơ ngôn ngữ vẫn bám rễ sâu bền ở một tâm thế thôn dã đồng bằng Bắc Bộ, nên nó vẫn thích hợp nhất với lối đọc trung thực và chất phác chăng? Hoặc giả người nghe bây giờ cũng ngại ngồi đọc một mình, mà cần tụ họp nhau vui vẻ ăn uống chút đỉnh rồi nghe đích thân các nhà thơ trình diễn thật ấn tượng chăng? Giá mà biết được cái gì khiến cho thơ đang trở thành một trình diễn! Vì nếu không khéo thì những cuộc trình diễn này có khi lại còn khiến người ta ngày càng ngại đọc thêm, mà chỉ còn thích đi xem trình diễn nữa thôi, vừa vui vẻ vừa thời thượng. Rồi tôi lại tự hỏi: hay là mình già mất rồi? Nghĩ thế này là mình già mất rồi chăng?

Bây giờ thì sân khấu – hẳn một khoảng cuối sàn dâng cao lên, có đèn đóm hẳn hoi, tuy không có màn kéo – đang tối lại. Phía bên phải có một chiếc ghế lưng cao vuông vức hiện đại sơn màu vàng, mặt ghế có một bó hoa, hoa li thì phải. Nhà thơ Vi Thuỳ Linh từ dưới phía cử toạ bước lên, đi đến bên chiếc ghế, để cái gì đó lên mặt ghế, rồi bước trở ra và im lặng đứng đối diện với cử toạ. Âm nhạc CD cất lên, một giai điệu rất êm ái, rất tình cảm, rất dễ nghe. Và những hình ảnh đen trắng được thiết kế công phu lần lượt hiện lên theo tiếng nhạc, mờ chồng chuyển tiếp nhau, biến hoá vào nhau, quấn quít lấy nhau. Vi Thuỳ Linh đứng đó, ngược sáng, một bóng đen mảnh mai, như một ảo ảnh của đêm sâu, như mảnh hồn một người nữ thật trẻ thơ đang hoang mang háo hức không biết có nên thành da thịt ở cõi đời này chăng.

Tôi không biết điều gì đã khiến tôi xúc động lúc bấy giờ. Cái hình cắt mảnh mai thật nữ tính và thơ trẻ ấy, với vẻ nữ sinh ngỡ ngàng mà táo tợn, cái dòng nhạc và ấn tượng thị giác uỷ mị ngây ngô mà lại chân thật ấy, tất cả chúng đã khiến tôi thấy lòng mình hẫng đi một thoáng, như chiếc lá rơi nghiêng trong một bài thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa thuở nào. Cuộc đời mộc mạc thế kia ư? Non trẻ hiển nhiên và đơn giản thế kia ư? Và tôi tự hỏi: tôi đang trải nghiệm thơ Vi Thuỳ Linh, hay là trải nghiệm nguyên liệu thơ bản năng của chính mình? Tôi đã thấy hoặc nghe dòng thơ nào của Linh hiện lên hoặc cất lên đâu? Tôi chưa có thời giờ mổ xẻ cái xúc động ấy của mình thì trên nền những hình ảnh kia đã bắt đầu hiện lên một tiêu đề: Sau giấc mơ (hình như thế, tôi không thể nào nhớ chính xác được). Rồi đèn rọi vào cái bóng mảnh mai, và tôi thấy cái ảo ảnh trẻ thơ đầy nữ tính kia hiện thành Vi Thuỳ Linh, và nghe thấy tiếng Linh: Sau giấc mơ – em – còn – nguyên... Rồi thơ Linh kêu lên. Phải rồi, có lẽ tôi nên dùng từ “kêu” với nghĩa những con chim rừng kêu lên và cất cánh khi có động. Âm thanh thảng thốt, chất giọng vừa khan vừa ẩm như lá khô chen nhau trong rừng, và lạ thay, trong cái thảng thốt ấy, tôi thấy có cả chút lo âu, hoang mang của Linh không biết mình đang trình diễn ra sao, có chinh phục được mọi người không, có hết được điều mình muốn truyền đạt không, nhất là với cái micro lúc “on” lúc “off” như thế. Cái nghề trình diễn, mọi thăng hoa trên sân khấu chỉ là ảo giác trong đầu người xem, còn người diễn thì lúc nào cũng phải rất tỉnh táo canh chừng mọi chi tiết nôm na vụn vặt của nghề: nào đèn đóm, nào âm thanh, nào nhắc vở, nào cái cặp tóc, cái dải áo, cái cúc quần, cái móng tay nhỡ cắt quá sát vẫn còn đau, cái dạ dày quên chưa lót thuốc, cái cổ họng khốn khổ cứ khô ran đúng lúc cần lên giọng, vân vân và vân vân. Chao ôi, trình diễn là cả một nghề, một nghề nặng nhọc và bạc bẽo.

Và cứ thế, Vi Thuỳ Linh trình diễn những bài thơ của mình. Khác với Nguyễn Vĩnh Tiến hát thơ có nhạc đệm, Vi Thuỳ Linh đọc thơ có cả nhạc và hình ảnh được thiết kế để minh hoạ: một tấm thân trần người nữ cuộn tròn như hòn cuội, rồi tở ra thành như hai dải mây bay; một bào thai đỏ au cố trụ lại ngay giữa thân hình của nhà thơ; một bùng nổ như nhân điện phát tán thành muôn vàn tia rúng động khi câu thơ kêu lên anh xoáy vào em...; rồi tán lá im lìm kết nhau thành một trừu tượng trắng đen khi bài "Nữ tu" kết thúc. Bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn chỉ nhớ nhất giọng thơ của Linh ngắt quãng trong câu sau giấc mơ – em – còn – nguyên. Tôi cho đấy là một tứ thơ thật hay qua cách đọc của tác giả. Nhưng, cũng như với Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi vẫn cho rằng nếu Vi Thuỳ Linh đừng minh hoạ lúc đọc, mà chỉ mở đầu với một vài hình ảnh và âm thanh cốt tạo không khí cho thơ mình thôi, như một gợi ý về những nguyên liệu thơ chẳng hạn, rồi dồn hết Ngôi Lời của mình để chuyển tải những vần thơ ngôn ngữ căng mọng hoang mang và yêu đương bốc lửa ấy, biến cả thân xác mình thành một dây thanh đới duy nhất giữa một cảnh trí đen trắng tối giản im ắng và trống rỗng hoàn toàn, thì hay biết bao, lịch lãm biết bao. Mà nếu có minh hoạ, có khi chỉ cần dùng chính những con chữ ấy, cho chúng hiện lên theo giọng đọc, làm chúng sinh động lên với một vài thủ thuật animation, để chúng tác động vào thị giác và phản xạ vô thức của người nghe, khiến cho câu thơ hằn sâu vào tâm trí và đọng lại ở đó. Văn thơ sở dĩ mạnh mẽ được là vì ngôn ngữ của chúng gợi tưởng tượng và cảm giác vô cùng phong phú ở mỗi độc giả. Minh hoạ cho văn, cho thơ, có lẽ chỉ nên làm sao để gợi thêm sự tưởng tượng ấy, không nên gói kín chúng lại. Giá có ai nghiên cứu kĩ lưỡng về minh hoạ có ý kiến về chuyện này thì hay. Những tác phẩm ngôn từ xuất sắc hình như chẳng bao giờ cần đến minh hoạ. Chỉ có sách cho trẻ nhỏ thì cần, để chúng phát triển trí tò mò và khả năng nhận thức mà thôi.

Màn trình diễn tiếp theo đó là của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Nó còn đọng lại những gì trong tâm trí tôi? Hình ảnh đám đông trên đường phố, với những gương mặt cận cảnh, những bàn chân cận cảnh, những chuyển động có lẽ chỉ 10 khuôn hình một giây, những khoảng khắc đám đông mờ đi lùi đi để lấy nét vào một đứa bé ngồi trên một chiếc xe máy bóng nhoáng như đang chờ bố chờ mẹ chạy đi đâu một lúc. Những hình ảnh động đen trắng ấy choán hết mảng tường sau sân khấu, làm nền cho thơ hiện chữ tiếng Anh màu đỏ sẫm chạy từ dưới lên, trong khi tác giả đọc nó bằng tiếng Việt qua micro từ một chỗ nào đó dưới cử toạ. Cảm giác như đang xem đoạn generic của một bộ phim phóng sự. Nhưng lời thơ Dạ Thảo Phương còn lưu lại trong tôi là tâm sự của một phận người băn khoăn vừa tự vấn vừa như đổ lỗi cho số phận, vừa yêu vừa ghét cái đám đông thường ngày mình phải đi qua và đi cùng, cái tiểu thế giới hình như rất công chức mà mình vừa chán vừa vẫn cứ thích được công nhận, được vỗ tay, và vì vậy mà lại càng băn khoăn hơn, vì chẳng biết trốn khỏi mình cách nào. Có một câu tôi nhớ rõ cái ý của tác giả muốn thơ của mình không phải là của mình nữa, mà phải vang lên tự nhiên trong lòng của từng cá nhân trong cái đám đông kia, có lẽ lúc ấy đã đồng nhất với cử toạ mà tác giả đang nép mình đứng đọc ở một góc tận cuối phòng. Cái ước muốn ấy của nhà thơ đậu xuống trong tôi thành một nỗi e ngại âm thầm, giống như khi ta đứng trước một cao vọng đầy mâu thuẫn của một con người có số phận lấy ghét để yêu và lấy yêu để ghét vậy. Cũng chẳng phải là hiếm, nhưng mỗi lần bắt gặp cũng vẫn khiến cho tôi phải e ngại âm thầm. May sao, nỗi e ngại ấy dần tan đi khi tôi nghe Dạ Thảo Phương đọc bài thơ cuối của mình về một người đàn bà Việt có làn da nâu chẳng Việt chút nào. Chẳng hiểu vì sao, nhưng cái chân thực hé lộ đây đó của bài thơ ấy đã làm tôi yên lòng, cũng chẳng biết là yên lòng vì ai, vì cái gì nữa, nhưng mà yên lòng.

Khi thơ đã đọc xong, Dạ Thảo Phương mới từ dưới cử toạ bước lên sân khấu chào mọi người trong bóng tối mờ mờ cố ý. Tôi bỗng nhận ra rằng người đàn bà làm thơ này có tạng trình diễn hơn hai người làm thơ kia, hình như thế, nhưng lại không có, hoặc chưa bộc lộ được cái vẻ hết mình có phần tự nhiên vụng dại mê mải như của hai người kia. Có thể cái lịch lãm còn đang hình thành trong niềm tự vấn hoang mang và nhiều cao vọng, cộng với ý thức trình diễn hơi lấn át cái mong muốn giao lưu thân mật đã khiến nên như vậy. Và tôi bỗng có cảm giác thơ Dạ Thảo Phương có thể sẽ còn đổi khác, còn đổi khác, nếu số phận thơ này may mắn chín dần như vang nho gặp đúng chất than trong lòng thùng gỗ ủ trong hầm đất tịch mịch.

Không khí trình diễn có phần căng thẳng và lo âu bỗng tan đi khi Roger Robinson bước lên sân khấu. Là một người đen gốc Trinidad & Tobago, Robinson có giọng nói đặc biết dễ gần của người châu Phi da đen, hình hài xởi lởi, to lớn mà hiền. Tờ rơi của Hội đồng Anh viết: “Tiên phong trong thế giới ngôn từ của London, là nhà thơ của Tuyển chọn nhà thơ thế hệ mới (Bảo tàng chân dung Quốc gia), Roger Robinson sáng tác cả thơ, nhạc và văn xuôi với sự quan sát vô cùng tinh tế và sắc sảo. Anh đã từng trình diễn nhiều nơi trên thế giới, thường phối hợp giữa ngôn từ và âm nhạc. Gần đây, Roger Robinson đã được Decibel bình chọn là một trong 50 nhà văn có ảnh hưởng nhất tới dòng văn học gốc Phi của Vương quốc Anh trong suốt nửa thế kỉ qua.”

Robinson thổi một luồng gió thân mật tự nhiên không có tí hơi trình diễn nào vào đêm thơ đặc biệt này. Thì ra trình diễn thơ không phải là biến cuộc đọc thơ thành hoạt cảnh tạp kĩ. Nếu thơ vẫn là ngôn từ, thì trình diễn thơ cũng vẫn là việc đọc những câu thơ ấy để chúng đến với người nghe bằng lời. Robinson đọc hai bài thơ dài của anh một cách diễn cảm, vậy thôi. Không có minh hoạ hình ảnh. Nhưng có điểm xuyết nhấn nhá và đưa đà bằng vĩ cầm và đàn tứ, chắc là để cho cuộc giao lưu thú vị hơn, hoà hợp hơn mà thôi. Lời dịch Việt của thơ anh được chiếu lên phông sân khấu. Cũng chỉ là giao lưu, không phải là một cấu phần kĩ thuật của trình diễn.

Bài thơ đầu của Robinson kể về tuổi thơ suốt ngày bị mẹ và thày giáo đánh đòn, và dấu ấn của nỗi đau ấy trong cuộc đời. Hết bài ấy, anh hỏi “Mọi người có nhìn thấy mặt tôi không? Hình như đèn không chiếu tới mặt tôi thì phải”. Rồi anh dịch chỗ, cho đến khi gương mặt đen của mình không còn bị bóng tối che lấp nữa mới thôi. Mỗi khi không thấy cử toạ phản ứng gì, anh lại hỏi phiên dịch có làm việc không đấy, sao tôi không thấy ai cựa quậy phản ứng gì cả. Nụ cười của anh thật tự nhiên, thật hiền. Bài thơ sau của anh cũng lại về mẹ, về mẹ anh và người chị em sinh đôi của bà, mà thấm đẫm lòng anh yêu mẹ, thật cảm động. Cuối cùng, anh hát một bài của chính mình, tự đệm guitar đặt nằm ngang trên đùi, và rủ cả cây vĩ cầm và cây đàn tứ hoà theo. Một cách trình diễn giản dị, tự nhiên, thơ thì đọc, ca khúc thì hát, không căng thẳng chút nào, mà bộc lộ tấm lòng nhân ái qua những kỉ niệm riêng tư nhỏ nhặt của chính mình, không đao to búa lớn tí gì. Quả thật, khi nói được lòng mình thì cũng là nói được hộ cả lòng người, còn đã định nói hộ người thì lại chỉ thành thùng rỗng kêu to. Ấy là khi mình sống thật với mình và với mọi người, chắc thế.

Cuối cùng là màn trình diễn của Nguyễn Thuý Hằng. Sân khấu vẫn có cái ghế kia, bây giờ đặt vào giữa, và tối om om, mảng phông thành ra như một khoảng tường nhem nhuốc. Nghe như có tiếng máy gì đó chạy rầm rì, xoèn xoẹt, thỉnh thoảng rộ lên như ai đổ một rổ sắt vụn ra sau nhà. Nghe như có tiếng người thì thào cái gì đó, từng từ một, ngắt quãng, biết là giọng miền Nam mà không thể nghe ra là từ gì, mặc dù là tiếng Việt. Một lúc lâu như thế. Rồi Nguyễn Thuý Hằng xuất hiện, đi như cái bóng ngang qua sân khấu từ phải sang trái, cố tình cho người xem thấy cái hình nhìn nghiêng toàn thân đàn bà của mình, những nét lượn phía trước, những đường cong phía sau, dù chỉ nhẹ nhàng thôi, mà đầu thì cạo trọc như chú tiểu trong chùa. Một lúc nữa thì có hai người đàn bà đồng dạng phối cảnh như vậy theo nhau đi ngang hệt như tác giả đã đi, như hai phiên bản một nhỏ một to hơn của Nguyễn Thuý Hằng, cũng trọc đầu, áo quần bó chẽn thân mình như trong kịch câm, chỉ khác là tác giả thì áo quần in hoa, còn hai cái bóng kia thì tối sẫm cả. Tác giả và hai phiên bản của chị (là tôi cứ nghĩ thế, chứ không biết có phải là ý của tác giả hay không) đi ra đi vào một hai lần như vậy rồi thì lần lượt từng người dừng lại ở giữa sân khấu, lột một chiếc nịt tất của mình ra vắt lên lưng cái ghế vàng, rồi đi chân tất cộc lệch thế ra khỏi sân khấu. Khi cả ba cái bóng đã xong việc lột tất thì họ biến cả đi, và trên phông sân khấu xuất hiện một khuôn hình video màu cỡ nhỏ, chiếu cảnh Nguyễn Thuý Hằng cầm kéo tự xén nốt cái đầu đã cắt trọc nhưng còn lởm chởm của mình. Cận cảnh gương mặt nhìn nghiêng, tua tủa những vạt tóc ngắn đầy những vết kéo. Như vậy một lúc lâu. Không nghe thấy một lời nào. Rồi thì chấm dứt. Nguyễn Thuý Hằng ra nhặt mấy chiếc tất trên lưng ghế và cúi chào cử toạ. Mọi người rầm rộ vỗ tay.

Một hoạt cảnh không lời. Có thể gán cho nó rất nhiều ý nghĩa và thông điệp khác nhau. Nhưng có thể gọi là thơ được không? Nếu là thơ, nó là thơ ngoài lời, ngoài ngôn ngữ. Mà có thơ ngoài lời chăng? Gần nghìn năm trước, Tô Đông Pha đã nói trong thơ có hoạ mà trong hoạ có thơ. Nhưng bức tranh vẫn là bức tranh mà bài thơ vẫn là bài thơ. Tranh là để xem mà thơ là để đọc. Có lẽ ý của Tô Đông Pha là tranh vẽ chứa nguyên liệu của thơ, và thơ chứa nguyên liệu của tranh. Tôi cho đúng là như vậy: nguyên liệu thơ tồn tại ở ngoài lời, hỗn mang, vô định, mong chờ được nhà thơ diễn ngôn thành những lời lóng lánh. Nguyên liệu ấy có thể ở mọi dạng: hội hoạ, âm nhạc, sân khấu, văn chương... và nhiều nhất, sẵn nhất, là ở những mùa vụ của thiên nhiên và đời người, ở một vẻ đàn bà khuynh nước khuynh thành, một vẻ đàn ông gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.

Nguyễn Thuý Hằng vừa làm một màn trình diễn gần giống như nghệ thuật sắp đặt. Là tôi nghĩ thế. Còn mọi người có thể cứ gọi đó là thơ, một hình thức thơ trình diễn bằng hình thể và hình ảnh. Nó chỉ tồn tại một lần, ở đó, hoàn toàn chưa định hình, hoàn toàn ngoài văn bản, ngoài nhận thức. Nhưng như vậy thì mình có thể gọi bất kì cái gì là cái gì. Tôi chợt nhớ ra một lần ở Viện Goethe, một người nói với tôi về nghệ thuật đương đại, chị làm bộ vò một tờ giấy trong hai bàn tay, rồi bảo: “Bây giờ, chỉ cần vò một tờ giấy như vậy cũng là nghệ thuật rồi”. Mà cái giọng chị khi nói cái từ “vò” kia mới diễn cảm làm sao, với một âm sắc kéo dài và hơi uốn lượn một chút. Có lẽ bản thân câu nói ấy của chị cũng là một tác phẩm nghệ thuật rồi chăng?

Thời hỗn mang hình như đang trở lại. Vài nghìn vài trăm năm trước, khi nhân loại còn đi tìm Chân lí và cái Đẹp, nghệ thuật là nỗ lực tìm kiếm trật tự trong cái hỗn mang. Còn bây giờ, hình như lịch sử đang chạy ngược chiều, hoặc lộn ngược. Không phải là chuyện sai, đúng. Mà là chuyện lộn tùng phèo. Cũng là thực tại cả thôi, con người thế nào thì nghệ thuật thế nấy. Chắc cũng phải hỗn mang lên một lúc lâu rồi mới lại đâu vào đấy, lại xây tháp Babel, lại tìm về Ngôi Lời để đặt tên cho muôn loài, lại trở về với ngôn ngữ trong vườn địa đàng, khi danh với thực chưa phân biệt, lời với vật còn là một.

Kết thúc đêm trình diễn, tất cả năm nhà thơ đều lên sân khấu. Robinson nói họ muốn có một khúc thơ đặc biệt về Hà Nội để ghi dấu cho cuộc ra mắt ngoạn mục này của chương trình Câu lạc bộ Văn học do Hội đồng Anh khởi xướng và bảo trợ ở Việt Nam. Câu lạc bộ này sẽ là nơi gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình, dịch giả của Việt Nam và Vương quốc Anh về các chủ đề văn học khác nhau như văn học đương đại Anh và văn học đương đại Việt Nam, các tác phẩm văn học dịch nổi tiếng, các tác phẩm mới của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam... Tại Hà Nội, Câu lạc bộ sẽ được tổ chức vào các ngày thứ Sáu đầu tiên hàng tháng. Còn trong TP Hồ Chí Minh, nó sẽ được tổ chức định kì 2 tháng một lần.

Và thế là, Nguyễn Thuý Hằng đọc câu đầu tiên của khúc thơ Hà Nội, hình như là câu khi mọi thứ đang sắp rơi xuống đất, tiếp nối bởi Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, và Vi Thuỳ Linh, mỗi người một câu khác nhau, mà tôi không dám viết lại vì nhất định là không chính xác được.

Để chấm dứt những bộc bạch đã dông dài này, tôi phải nói rằng tôi đã rất xúc động được chứng kiến sự hết mình của tất cả 5 nhà thơ đêm hôm ấy, đặc biệt là Nguyễn Vĩnh Tiến và Vi Thuỳ Linh. Nhưng hết mình cũng chưa phải là tất cả. Bắt nhịp được với lòng tin và sự hiến dâng trung thực của nghệ sĩ trong công việc của họ, dù đó là công việc gì và ở mức độ nào, đối với tôi bao giờ cũng là một diễm phúc có tác dụng giáo dục bản thân rất sâu sắc. Cho dù quan niệm của tôi có khác họ đến mấy, cái lợi lạc thanh cao của tôi là nẩy ra được những câu hỏi từ công việc làm của họ, cũng như được họ tiếp cho mình chút lửa để may ra khi khúc củi này không còn thì một chút hơi ấm hồng hoang vẫn sẽ truyền tiếp được trong những tro than còn lại. Tôi đã vỗ tay tưởng thưởng tất cả với hết lòng nâng niu trân trọng của mình. Và bây giờ, tôi xin một lần nữa cảm tạ các nhà thơ, các nhạc công, người bạn thơ Anh quốc, và Hội đồng Anh đã cho người yêu thơ Hà Nội có một đêm đông đầm ấm và hứng khởi. Nếu không có họ: Hội đồng Anh, L’Espace, Viện Goethe, Hanoi Cinematheque, Bookworm Club... và nhiều sứ quán ngoại quốc, chắc quang cảnh văn hoá đất Hà thành đã không thể được như hôm nay.

Lững thững ra về khi phố cổ Hà Nội vắng dần trong đêm lạnh, tôi thấy lòng vui buồn lẫn lộn, vừa như may mắn, vừa như xấu hổ.

Hà Nội, 27.1.2007


© 2007 talawas