trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.2.2007
Lại Nguyên Ân
Thử khảo sát tình trạng dị bản một chương tiểu thuyết Giông tố
 
Trong giới sáng tác và nghiên cứu văn học ở Việt Nam, người ta dễ coi là chuyện thông thường nếu nghe nói đến việc khảo văn bản, tìm ra các dị bản ở những tác phẩm viết bằng văn tự Hán Nôm; nhưng không ít người sẽ lấy làm lạ nếu nghe nói có ai đó định làm công việc tương tự đối với các tác phẩm văn học viết bằng chữ Quốc ngữ.

Thế nhưng chính nghiên cứu văn bản học đối với tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ lại là công việc hợp lý, cần thiết, đáng làm, mặc dù cho đến nay mới chỉ được thực hiện ở khá ít tác phẩm.

Dưới đây tôi sẽ nói về việc khảo dị một tác phẩm cụ thể của văn học Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ.

Tác phẩm tôi sẽ khảo sát là Giông tố của Vũ Trọng Phụng, một tác phẩm mà cho đến nay đã được thừa nhận rộng rãi như một tác phẩm lớn của văn học tiếng Việt thế kỷ XX.


*


Ở phương diện văn bản, cần nói ngay rằng bản thảo viết tay tác phẩm này không còn. Việc khảo sát văn bản chỉ có thể tiến hành trên các bản in.

Giông tố của Vũ Trọng Phụng lần đầu xuất hiện dưới dạng truyện dài đăng nhiều kỳ trên tuần san Hà Nội báo từ số 1 (1 Janvier 1936); sau 10 kỳ, toà soạn thông báo chấm dứt đăng tải tác phẩm này, khi đó mới hết chương 10. Hai tháng sau, tác phẩm này của Vũ Trọng Phụng lại được Hà Nội báo lặng lẽ đăng tiếp từ số 18 (6, Mai, 1936) với nhan đề mới Thị Mịch, kèm tên gọi thể loại: “xã hội tiểu thuyết” và đánh số chương lại từ I tuy vẫn là các phần tiếp theo của Giông tố; lần này tác phẩm được đăng liên tục đến hết ở Hà Nội báo số 39 (30 Septembre 1936).

Đầu năm 1937, tác phẩm này lần đầu tiên được in thành sách riêng bởi Nhà xuất bản Văn Thanh. Dưới tên tác phẩm Giông tố là tên gọi thể loại “xã hội tiểu thuyết” (bản đăng báo lúc đầu chỉ gọi là “truyện giài”); sách dày 340 trang khổ 13x19 cm.

Cuối năm 1951, tức là sau khi tác giả Vũ Trọng Phụng mất 12 năm, Giông tố được in tái bản lần thứ hai tại nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hà Nội; tên thể loại được gọi là “tiểu thuyết”; sách dày 382 trang (in làm hai tập, đánh số trang liên tục, phát hành gần như đồng thời). Một điều đáng lưu ý là trong Lời nhà xuất bản in ở trang 1, giám đốc Nhà xuất bản Mai Lĩnh Đỗ Trí Thông (Đỗ Xuân Mai) thông báo: “Nhà xuất bản Mai Lĩnh chúng tôi được hân hạnh tác giả trao cho bản quyền tất cả văn phẩm quý giá đó” (ý nói các tác phẩm phóng sự và tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng) và sẽ lần lượt in lại.

Cuối năm 1956, ở Hà Nội, Giông tố được tái bản tại nhà xuất bản Văn nghệ; trên đầu sách có bài tựa của Nguyên Hồng nhan đề Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm của anh (tr. 9-17); sách dày 378 trang 13x19cm; về văn bản thì “Lời nhà xuất bản” ở đầu sách nói rõ: “Rất tiếc, tìm bản in Giông tố trước cách mạng không thấy. Chúng tôi phải đem [in?] bản in của Nhà xuất bản Mai Lĩnh in lại ở Hà Nội trong thời tạm chiếm. Bản này bị kiểm duyệt của đế quốc bỏ nhiều chỗ. [?!] Những chỗ bị bỏ, chúng tôi cứ để nguyên dấu chấm lửng dài. Để lần in sau được đầy đủ, chúng tôi mong bạn nào có quyển Giông tố in trước cách mạng, cho chúng tôi biết” (tr. 7).

Ở Sài Gòn thời kỳ 1954-75, có lẽ chỉ có một lần, vào năm 1958, nhà xuất bản Mai Lĩnh in lại Giông tố.

Chính bản Giông tố ấy của nhà Mai Lĩnh đã được đưa vào Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (ba tập, Hà Nội: Nxb Văn học, 1987; trong đó Giông tố in ở tập I: tr. 165-503), đây là ghi chú của nhóm biên soạn (Nguyễn Đăng Mạnh và Trần Hữu Tá): “Tuyển tập này in lại theo bản của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1958, nhưng có bổ sung vài đoạn ở chương XXX theo Hà Nội báo số 38 (23-9-1936)” (Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, sđd., t. I, tr.166).

Từ 1987 đến nay, Giông tố được in lại khá nhiều lần, dưới dạng sách lẻ hoặc trong các bộ sách tuyển (một số bộ được gọi là Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, một số bộ được gọi là Toàn tập Vũ Trọng Phụng), nhưng về văn bản thì hầu như tất cả đều sử dụng bản của Nxb Mai Lĩnh.

Văn bản Giông tố do Nxb Mai Lĩnh in các năm 1951 ở Hà Nội, 1958 ở Sài Gòn, và được hầu hết các bản Giông tố vài chục năm gần đây sử dụng, chắc chắn chưa phải là văn bản chuẩn của tác phẩm này. Ta chỉ cần nhắc lại ghi chú đã dẫn bên trên của nhà xuất bản Văn nghệ 1956 rằng “bản này bị kiểm duyệt đế quốc bỏ nhiều chỗ”. Song, cũng từ đoạn ghi chú của nhà xuất bản Văn nghệ 1956, người ta còn hiểu rằng cả bản Giông tố đăng Hà Nội báo 1936 lẫn bản Giông tố in thành sách lần đầu của nhà xuất bản Văn Thanh ở Hà Nội 1937 đều đã là sách hiếm từ cuối những năm 1950 ở miền Bắc.

Muốn khảo sát văn bản Giông tố, cần có hai bản in đầu tiên, là bản đăng Hà Nội báo 1936 và bản in thành sách của Nxb Văn Thanh 1937.

Nhưng tìm được hai bản đó không phải là việc đơn giản.

Các sưu tập Hà Nội báo rất hiếm. Nhiều năm nay, ở Hà Nội người ta chỉ biết có bộ sưu tập báo này tại Thư viện Quốc gia, nhưng sưu tập này đã mất vào khoảng giữa những năm 1960; may là ở Thư viện này còn giữ được bản chụp vi phim (microfilm) sưu tập này, thực hiện hồi những năm 1960; đây là một cuốn phim âm bản, có thể đọc được, nhưng các thư viện ở Hà Nội không thể in phóng (photocopy) từ vi phim, còn đọc và chép tay thì rất tốn công sức. Năm 2002, Peter Zinoman (nhà Việt học, khoa sử của Đại học Berkeley, California, Mỹ, người đã dịch Số đỏ của Vũ Trọng Phụng ra tiếng Anh, in 2002 ở Mỹ) mua của Thư viện Quốc gia một bản in tráng cuốn vi phim này cho thư viện Đại học Berkeley, và đến 2004 đã gửi cho tôi bản chụp (photocopy) cuốn vi phim nói trên; bản Giông tố in lần đầu trên Hà Nội báo, như vậy tạm coi là đã nắm được.

Bản sách Giông tố in 1937 bởi Nxb Văn Thanh, như đã dẫn trên, được Nxb Văn Nghệ rao tìm từ 1956 nhưng không thấy hồi âm nào (trong không khí đời sống từ 1957 ở miền Bắc, nếu ai có sách Giông tố và các sách khác của Vũ Trọng Phụng, hẳn cũng giấu kín). Rất gần đây, nhờ hoạt động của Câu lạc bộ sách Xưa và Nay ở thành phố HCM, bạn Hoàng Minh đã tìm giúp tôi được bản sách hiếm này; chủ nhân bản sách Giông tố in 1937 bởi Nxb Văn Thanh là linh mục Nguyễn Hữu Triết, thành viên CLB sách Xưa và Nay, Thành phố Hồ Chí Minh. (Xem: Lại Nguyên Ân, “Tìm thấy lại bản in Giông tố (1937)”, Tuổi trẻ cuối tuần, Tp. HCM, 12/11/2006). Với bản chụp các trang cuốn sách này, có thể tạm coi là đã nắm được Giông tố bản in thành sách lần đầu.

Trên kia đã nói hai bản in Giông tố lần đầu này là quan trọng đối với việc khảo sát văn bản tác phẩm, khi mà khả năng tìm được bản thảo viết tay tác phẩm này của tác giả là không tưởng; lại cũng phải nhớ rằng hai bản in báo và in sách này là hai lần duy nhất Giông tố trình diện công chúng với sự tham dự của chính tác giả. Những sửa chữa, thay đổi ở hai bản in ấy chắc chắn là do ngòi bút ông hoặc ít ra cũng có sự đồng ý của ông. Kể từ bản in Giông tố của Nhà xuất bản Mai Lĩnh 1951, những dị bản nảy sinh hoàn toàn nằm ngoài ý chí tác giả quá cố, cần được xem xét như những dị bản hoặc ngẫu nhiên hoặc có chủ ý của những thành phần tham gia quá trình xuất bản (về lý thuyết thì mỗi lần in là một lần làm phát sinh dị bản, do các khâu đánh máy, sắp chữ,… hoặc biên tập, kiểm duyệt, v.v…).


*


Trong các bản sách Giông tố đã xuất bản từ trước tới nay, tôi chọn và đặt tên để tiến hành so sánh khảo sát 4 bản in sau:
  1. Bản A: Bản in trên Hà Nội báo, ban đầu mang tên Giông tố, truyện giài của Vũ Trọng Phụng (từ số 1, 2 Janvier 1936 đến số 11, 18 Mars 1936) , về sau mang tên Thị Mịch (từ số 18, 6 Mai 1936 đến số 39, 30 Septembre 1936).

  2. Bản B: Bản in thành sách riêng lần đầu: Giông tố, xã hội tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng // Tủ sách “Tinh thần mới”// Nxb Văn Thanh, 94 Cầu Gỗ, Hà Nội, MCMXXXVII [=1937], 340 trang 13x19 cm.

  3. Bản C: Bản tái bản lần thứ hai: Giông tố, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội, 1951, tập 1: tr. 1-182; tập 2: tr.183-382.

  4. Bản D: Bản in: Giông tố, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn Nghệ, Hà Nội, 1956, 378 trang 13x19 cm.
Muốn thực hiện việc nghiên cứu dị bản, phải chọn trong số các bản đã in lấy một bản nào làm nền rồi trên đó sẽ so sánh những dị bản giữa bản ấy với các bản khác. Đối với trường hợp Giông tố, tôi cân nhắc giữa bản A và bản B: nên dùng bản A hay bản B làm bản nền?

Dùng bản B làm nền có lý ở chỗ đó là bản in thành sách lần đầu, cũng là bản in trong sinh thời tác giả. Ta có lý để cho rằng bản công bố trên Hà Nội báo dù sao cũng mới chỉ là đưa tác phẩm ra mắt; bản in thành sách ngay sau đấy mới là dịp tốt để tác giả tu chỉnh tác phẩm, vì vậy tác phẩm in thành sách này nếu được xem như dạng văn bản chính thức mà tác giả đưa ra, cũng là điều hữu lý.

Song, ta nên chú ý đến không khí dư luận xung quanh sáng tác của Vũ Trọng Phụng trong hai năm 1936-37.

Có thể nói, chính trong thời gian nhà văn này công bố những tác phẩm nặng cân nhất trong đời văn ngắn ngủi và rực rỡ của mình (trong năm 1936 ông cho đăng Giông tố, Cơn thầy cơm cô, Số đỏ trên Hà Nội báo, Vỡ đê trên Tương lai, Làm đĩ trên Sông Hương), Vũ Trọng Phụng cũng phải lên tiếng quyết liệt nhất để tự vệ trước những luồng dư luận công kích cái “dâm” trong văn ông.

Ngày 8/8/1936 trên báo Sông Hương của Phan Khôi ở Huế, Vũ Trọng Phụng đăng “Lời giao hẹn với độc giả trước khi đọc truyện”, mở đầu cho việc đăng đều kỳ tiểu thuyết Làm đĩ trên tờ báo ở Huế này , trong “lời giao hẹn” đó, Vũ Trọng Phụng chủ yếu đón trước luồng dư luận sẽ nảy sinh, xem đây như “một thiên tiểu thuyết phụng sự cái dâm”.

Trên Hà Nội báo ngày 23/9/1936, khi Giông tố dưới tên gọi Thị Mịch sắp đăng đến kỳ chót, ông phải lên tiếng đáp lại nhà phê bình Thái Phỉ về quan niệm “văn chương dâm uế”. Tháng 3/1937, trên báo Tương lai ông đáp lại một độc giả về phóng sự Lục xì.

Cũng tháng 3/1937, trên Hà Nội báo, ông lên tiếng đáp trả Nhất Chi Mai và báo Ngày nay về chuyện văn ông “dâm hay không dâm”. Ở những bài này, nhất là bài trả lời Nhất Chi Mai, ta thấy ông khá bất bình vì tác giả ấy “công kích một chi tiết trong cả cuốn truyện dài, hay là một hai chữ trong 300 trang tiểu thuyết (…) mà không kể đến luận lý của toàn truyện” và tự xác định: “Tôi không cãi vội, chờ đến lúc văn phẩm của tôi in xong đã, để chờ được cãi lại…” (“Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm?”, Hà Nội báo, 25/3/1937).

Tâm thế “chờ in thành sách”, cụ thể là chờ in ra các cuốn Giông tố, Cơm thầy cơm cô và Lục xì, có thể ít nhiều cũng tác động đến xử sự của nhà văn trên những bản thảo đang sắp chữ. Người viết những dòng này đã từng nêu ra trường hợp: chi tiết Mịch “nằm nghiêng” để “cho Long ái tình” ở bản đăng Hà Nội báo, chi tiết mà Nhất Chi Mai nhắc đến để tố cáo, đã được sửa khi in thành sách (Xem: Lại Nguyên Ân: “Về công tác tư liệu và văn bản trong xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng”, trong sách Bản sắc hiện đại trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Hà Nội: Nxb Văn học, 2003, tr. 151-165).

Như thế, việc xử lý trên bản in thành sách lần đầu, ở đây không chỉ nhằm hoàn thiện văn bản tác phẩm, mà ít nhiều còn là đối phó với dư luận.

Do vậy, người khảo dị tạm coi hai bản A và B có giá trị như nhau; bản A là bản in trước sẽ được dùng làm nền. Các dị bản của B so với A cần được giải thích hoặc theo mục tiêu hoàn thiện văn bản tác phẩm hoặc theo mục tiêu đối phó với dư luận, nhất là bộ phận dư luận đương thời đang muốn tố giác và tẩy chay “lối văn khiêu dâm” của nhà văn họ Vũ.

Bản C và bản D tuy ít có ưu thế gần nguồn, nhưng lại đại diện cho loại văn bản Giông tố được nhân bản và phổ biến nhiều lần nhất; những khác biệt ngẫu nhiên hoặc có chủ ý ở hai bản này so với hai bản A và B sẽ chứng tỏ việc đặt vấn đề khảo dị tác phẩm này là có cơ sở; trong trường hợp những dị bản ấy quá ít hoặc không đáng kể thì việc khảo sát này vẫn đưa lại một thông tin nên biết.

Một điểm sau cùng cần nói trước khi thực hiện khảo sát, là phải giới thuyết: những trường hợp thế nào sẽ được xem là dị bản? Có vẻ như đối với tác phẩm thể hiện bằng chữ viết thì mọi dấu hiệu khác biệt văn tự đều cần được xem là dị bản. Điều dường như khỏi cần bàn cãi này, hoá ra lại là điều phải cân nhắc. Là vì từ thời Giông tố ra mắt đến nay, tuy chuẩn chữ Quốc ngữ thay đổi không nhiều, nhưng các thói quen sử dụng nó lại không hoàn toàn đứng yên; ấy là chưa kể sự chi phối của phương ngữ.

Chẳng hạn, có nên xem là dị bản:
  • bản in này là “rẫy rụa”, bản kia sửa là “dãy dụa”,

  • bản này để gạch nối (-) cho những từ được coi là từ kép, bản kia bỏ hết các dấu ấy;

  • bản này là “ét-săng”, bản kia là “ét xăng”;

  • bản này là “chơ chẽn”, bản kia là “trơ trẽn”, v.v…
Tôi nghĩ những trường hợp như trên chỉ có ý nghĩa “dị bản” đối với thực tiễn biên tập xuất bản, vốn hoạt động theo quy tắc: khi in bản mới từ văn bản cũ, bao giờ cũng phải sửa ngôn ngữ theo quy tắc viết chính tả hiện hành; ngoài điều đó ra, loại trường hợp dẫn trên lại khá ít ý nghĩa cho việc khảo sát tính dị bản thực sự của một văn bản văn học. Trong khi khảo dị Giông tố, tôi sẽ bỏ qua những dị biệt như vậy.


*


Tôi đã tiến hành thử khảo dị chương đầu tiên của Giông tố. Gọi “chương” là từ dùng của người nghiên cứu, chứ thật ra tác giả đánh số các đoạn truyện chỉ bằng chữ số I, II, III,…(Một vài nhà xuất bản hoặc nhà in gần đây đặt từ “chương” cạnh chữ số I, II, III trên bản in Giông tố, là đã đi quá thẩm quyền của những người tham dự vào việc truyền bản một tác phẩm ngôn từ).

Việc đầu tiên là khoanh lại và kê ra những mệnh đề, câu hoặc đoạn câu có chênh lệch từ ngữ giữa các bản A, B, C, D dẫn trên; việc này cũng tốn thời gian vài ba ngày liên tục.

Sau khi soát lại vài lần, điều chỉnh các đoạn đã thống kê, tôi được một kết quả khá ngạc nhiên: chỉ trong chương đầu này đã lẩy ra được tới trên 40 trường hợp, mỗi trường hợp có ít nhất 1 từ dị biệt giữa các bản.

So sánh bản B với bản A, qua một chương này, ta sẽ thấy tác giả Vũ Trọng Phụng đã sửa chữa khá nhiều vào bản in thành sách lần đầu. Nhiều nhất là sửa văn; đây là thao tác thường thấy của hầu hết các nhà văn khi có dịp ngồi đọc lại tác phẩm của mình; với một cây bút trong tay, họ bao giờ cũng tự sửa văn mình.

Giông tố, từ bản đăng báo sang bản in thành sách, những sửa chữa về văn phong cũng có nhiều sắc thái ý nghĩa.

Có khi chỉ sửa một từ, từ này vốn mang sắc thái phương ngữ Nam kỳ (báo chí ở miền Bắc vốn phát triển sau nên nhiều chữ dùng ban đầu chịu ảnh hưởng miền Nam), tác giả sửa cho nó trở lại dạng phương ngữ Bắc kỳ. Ví dụ:

[*13] Hai anh làm công nhìn nhau lo sợ chớ không dám nói gì. [A]

Hai anh làm công nhìn nhau lo sợ chứ không dám nói gì. [B, C, D]

[18] đi dạo chơi cho tiêu diệt thì giờ chớ cũng không có mục đích gì khác… [A]

đi dạo chơi cho tiêu diệt thì giờ chứ cũng không có mục đích gì khác… [B, C, D]

Nhưng thông thường hơn là sửa văn cho hợp lý hơn, dễ nghe hơn, theo ý tác giả. Ví dụ:

[*1] Con đường quan lộ rải nhựa, như một con rắn đen và bóng nhễ nhại [A]

Con đường quan lộ rải nhựa, như một con rắn bóng nhễ nhại [B, C, D]

[*20] Chợt thấy về phía trước mặt có tiếng cười khúc khích vẳng đến. Lão ngẩng lên nhìn thì thấy bốn năm đống rạ lù lù tiến đến.... [A]

Chợt thấy về phía trước mặt có tiếng cười khúc khích… Lão ngẩng lên, thấy bốn năm đống rạ lù lù tiến đến.... [B, C, D]

[*21] Lão đứng tránh sang một bên. Những đống rạ cũng cứ lù lù tiến đến. [A]

Lão đứng tránh ra một bên. Những đống rạ cũng lù lù tiến đến. [B, C, D ]

[*42] Thế là chiếc xe hơi cứ nhằm cái bóng người đứng giang tay mà đâm thẳng, theo cái đà một giờ sáu mươi cây số. [A]

Thế là chiếc xe hơi cứ nhằm cái bóng người đứng giang tay mà đâm thẳng, theo cái tốc lực sáu mươi cây số một giờ. [B, C, D ]

Những sửa chữa này có khi bao hàm sự thay đổi trong sắc thái ngôn ngữ người kể chuyện. Ví dụ:

[*8] cái vẻ khó tả của những anh trọc phú học làm sang vậy [A]

cái vẻ khó tả của những anh trọc phú học làm người văn minh vậy [B]

cái vẻ khó tả của những anh trọc phú học làm người văn minh [C, D]

[*40] Còn chị nhà quê vừa được hưởng thú nhục tình thì vẫn ngồi sệt dưới đất [A]

Còn chị nhà quê vừa mất tân tiết thì vẫn ngồi sệt dưới đất [B, C, D]

Hoặc sự thay đổi trong sắc thái ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ: Lời một người dân:

[*23] Một người trong bọn đáp một cách oán hận:

- Bẩm quan sâu cắn ráo cả, không đủ tiền thuế ạ. [A]

Một người trong bọn đáp một câu oán hận:

- Bẩm quan, lúa bị sâu cắn ráo cả, không đủ tiền thuế ạ. [B, C, D ]

Lời Mịch:

[*31] Bẩm quan chả mấy tí, quan cho bao nhiêu cũng được ạ [A]

Bẩm quan chả mấy tí, quan cho mấy xu cũng được ạ [B, C, D]

Lời nghị Hách:

[*22] Các chị đi làm đồng khuya nhỉ? [A]

Các người đi làm đồng khuya nhỉ? [B, C, D ]

[*27] Chúng mày định để ông ngủ đêm trên xe này chăng? [A]

Chúng mày định để ông ngủ đêm trên xe này phải không? [B, C, D]

[*35] Mặt con tái đi thế kia trúng phong rồi đó [A]

Mặt con tái đi thế kia khéo không thì trúng phong rồi đó [B, C, D]

[*37] Im ngay! Rồi quan sẽ đền cho nhiều tiền... [A]

Im ngay! Quan sẽ cho nhiều tiền... [B, C, D]

Đáng lưu ý là khi sửa văn cho bản in thành sách, tác giả đã bỏ đi một số câu có ở bản đăng báo. Ví dụ:

[*4] Động cơ cái xe kêu vo vo như tiếng một thứ quái vật không tên đương cuồng khấu lăn vào chỗ chết, nghe đến rợn người. [A]

(bản B bỏ toàn bộ câu 26 từ này; bản C và bản D theo bản B )

[*15] Anh tài xế chính van lơn như vậy rồi lại ra hiệu ngầm cho người phụ của mình cứ việc vờ vịt loay hoay chữa một cách vô công hiệu cái bộ máy không thể chữa được ấy, cũng như các ông cạo giấy mỗi khi thấy chủ là cắm mũi vào sổ sách cho nó đỡ ch(tr)ơ. [A]

Tài xế chính van lơn như vậy rồi lại ra hiệu ngầm cho người phụ của mình cứ việc vờ vịt loay hoay chữa một cách vô hiệu cái bộ máy hầu như không thể chữa được ấy.

(B, C, D bỏ 2 từ lẻ (Anh, là) và đoạn 20 từ cuối câu này)

[*19] Sương xuống dày quá, làm ướt cả áo của lão. Mấy con đom đóm bay liệng tung tăng một cách rất vô ý thức. Giữa cánh đồng thấy tản mạn những cục lửa xanh lửa đỏ trên mặt đất lúc cháy lúc tắt, cứ như ma trơi. Tiếng côn trùng tỉ tê, ri rỉ, làm cho lão ta bắt đầu cảm thấy sự im lặng, hiểu rõ được nghĩa chữ vắng tanh và thôi không dám nện mạnh gót giầy xuống đường lộp cộp nữa.[A]

Sương xuống dày quá, làm ướt cả áo của lão. Giữa cánh đồng thấy tản mạn những cục lửa xanh lửa đỏ trên mặt đất lúc cháy lúc tắt, như ma trơi. Tiếng côn trùng tỉ tê, ri rỉ, làm cho lão ta bắt đầu cảm thấy sự im lặng, hiểu rõ được ý nghĩa sự vắng tanh và thôi cũng không nện mạnh gót giầy xuống đường lộp cộp nữa. [B, C, D]

(bản B bỏ hẳn 14 từ của câu thứ hai về “mấy con đom đóm”; C, D theo B) .

Nhưng điều rất đáng kể là những sửa chữa có bao hàm ý thay đổi ít nhiều đối với các chi tiết cốt truyện. Có thể tác giả đã tính toán lại, chỉnh lại thời gian xảy ra câu chuyện hư cấu; cũng có thể tác giả muốn cặn kẽ hơn về một vài chi tiết sẽ được nhắc tới trong các tiết đoạn sau này của câu chuyện. Ví dụ:

[*2] Đó là vào tháng mười năm 1930. [A]

Đó là vào tháng mười, năm 1932. [B, C, D]

[*34] Đây này, năm cái giấy bạc năm đồng đấy, con đem về mà mua nhiêu mua xã cho chồng. [A]

Đây này, năm cái giấy bạc một đồng đấy, con đem về mà mua nhiêu mua xã cho chồng. [B, C, D]

[*41] Trước hai vệt ánh sáng của đèn pha thấy hiện ra một người áo tây cộc, mũ khách bịt kín tai, giày trắng đế cao su, đứng giữa đường giơ hai tay ra chắn xe, ra hiệu đứng lại. [A]

Trước hai vệt ánh sáng của đèn pha thấy hiện ra một người áo tây cộc, mũ khách bịt kín tai, giày trắng đế cao su, đứng giữa đường giơ hai tay ra chắn xe, ra hiệu bắt đứng lại. [B, C, D]

So sánh bản C với hai bản A và B, ta sẽ thấy bản C (bản của Nxb Mai Lĩnh 1951) hoàn toàn in theo bản B (bản in sách của Nxb Văn Thanh) nhưng có một số thay đổi đáng kể về văn bản. Ví dụ:

[*17] Lão đi đi lại lại như cuồng chân, như con hổ trong cũi sắt, nghĩ đến những cái má hồng mơn mởn, những cánh tay trắng như ngà như ngọc của mấy cô đào mà lão sẽ hôn hít, sẽ cấu véo, sẽ cắn nhá nữa, nếu hai thằng tài xế của lão đã biết lo liệu từ trước cho cái xe lúc nào cũng lành lặn hoàn toàn. [A]

Lão đi đi lại lại như cuồng chân, như con hổ trong cũi sắt, nghĩ đến những cái má hồng mơn mởn, những cánh tay trắng như ngà như ngọc của mấy cô đào ở Hà Nội mà lão sẽ hôn hít, sẽ cấu véo, sẽ cắn nhá nữa, nếu hai thằng tài xế của lão đã biết lo liệu từ trước cho cái xe lúc nào cũng lành lặn hoàn toàn. [B]

Lão đi đi lại lại như cuồng chân, như con hổ trong cũi sắt, nghĩ đến những cái má hồng mơn mởn, những cánh tay trắng như ngà như ngọc của mấy cô đào ở Hà Nội…….nếu tài xế của lão đã biết lo liệu từ trước cho cái xe lúc nào cũng lành lặn hoàn toàn. [C, D]

(Các bản C, D dùng 3 từ (ở Hà Nội) mà B thêm, nhưng bỏ cả 12 từ tiếp theo mà cả A, B đều có, thay bằng chấm lửng)

[*36] Chị này cứ để yên, co ro khép đôi đùi lại, kéo cái váy xuống. Ngón tay của quan trước còn dí vào hai thái dương, rồi sau xuống đến đôi má, đến cái cổ, rồi sau cùng thì dí vào hai cái ngực … Chị nhà quê khẽ hất tay quan ra. Quan một tay vặn tắt đèn, tay kia ôm ngang lưng chị nhà quê[A]

Chị này cứ để yên co ro khép đôi đùi lại, kéo cái váy xuống. Ngón tay của quan trước còn dí vào hai thái dương, rồi sau xuống đến đôi má, đến cái cổ, rồi sau cùng thì dí vào hai cái ngực … Chị nhà quê hất tay quan ra. Quan, một tay vặn tắt đèn, tay kia ôm ngay lấy ngang lưng cô ả [B]

Chị này cứ để yên co ro khép đôi đùi lại, kéo cái váy xuống. …………….. [C, D]

(bản C chỉ giữ câu đầu theo B, còn lại bỏ toàn bộ 3 câu sau gồm 51 từ; D theo C)

[*38] Trong cái tối lờ mờ của hòm xe, một cái thân thể vạm vỡ dày vò trên một cái thân thể dãy dụa mà không được…Những tiếng động, những tiếng thở ì ạch như đánh vật…Sau chỉ còn có tiếng rên rỉ khe khẽ của đàn bà. Sau cùng thì là tiếng khóc đàn bà, lúc sì sụt lúc rưng rức.

Hai anh tài xế khôn ngoan và trung thành, muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một bộ phận nào đó trong máy xe. Ông chủ mặc lòng làm những việc thoả thích riêng cho nhục dục. [A]

Trong cái tối lờ mờ của hòm xe, một cái thân thể vạm vỡ dày vò trên một cái thân thể dãy dụa mà không được…Những tiếng động, những tiếng thở ì ạch như đánh vật…Sau chỉ còn có tiếng rên rỉ khe khẽ của đàn bà. Sau cùng thì là tiếng khóc đàn bà, lúc sì sụt lúc rưng rức…

Hai anh tài xế khôn ngoan và trung thành, muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một bộ phận nào đó trong động cơ. Ông chủ tự do làm những việc phụng sự nhục dục. [B]

→ ………………….Hai anh tài xế khôn ngoan và trung thành, muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một bộ phận nào đó trong động cơ. [C, D]

(các bản C, D bỏ 63 từ của các câu 1,2,3,4, bỏ 13 (hoặc 11) từ của câu 6; chỉ giữ lại câu 5 trong đoạn trên của A, B)

Ba đoạn vừa dẫn trên gần như là tất cả những thay đổi ở chương đầu này của bản C so với A và B; có lẽ đó là những đoạn mà “lời nhà xuất bản” Văn Nghệ 1956 (bản D) cho rằng “đã bị kiểm duyệt đế quốc bỏ nhiều chỗ” ở bản Mai Lĩnh 1951 (bản C). Kiểm tra kỹ, ta thấy ở cuốn Giông tố do Nxb Mai Lĩnh in 1951, trang ghi các chi tiết xuất bản phẩm (thuật ngữ ngành xuất bản gọi là trang xi-nhê: page signet) của hai tập Giông tố bản C (tr. 184 ở tập đầu, tr. 382 ở tập sau) đều ghi rõ:

Giông tố của Vũ Trọng Phụng do nhà xuất bản Mai Lĩnh tái bản lần thứ hai 3000 cuốn tại nhà in Lê Cường, 75 Hàng Bồ Hà Nội, xong ngày 24 tháng 1 năm 1952. Kiểm duyệt số 1864 KD/BV ngày 21-12-1951”.

Tức là bản Mai Lĩnh in 1951 ở Hà Nội đã bị cơ quan kiểm duyệt ở vùng “quốc gia” (thời kỳ 1947-1954) buộc phải bỏ không in một số đoạn, ví dụ 3 đoạn nêu trên ở chương đầu.

So sánh bản D với 3 bản còn lại, ở chương đầu này, ta thấy bản này theo sát bản C (bản Mai Lĩnh 1951), như lời nhà xuất bản đã nói rõ.


*


Trên đây là tóm tắt tình trạng dị bản mà tôi đã thử khảo sát ở chương đầu Giông tố trong 4 bản in sớm nhất tác phẩm này. Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng dị bản là đáng kể. Đây là một thông tin đáng lưu ý đối với việc sử dụng văn bản các tác phẩm văn học Quốc ngữ. Nó cho thấy cả giới nghiên cứu lẫn giới xuất bản nên lưu ý đến phương diện này.

28/12/2006 -1/1/2007

© 2007 talawas