Tản mạn đôi Ä‘iá»u vá» bà i "20.000 tiến sÄ© ‘xịn’, tại sao không?" của GS Phạm Duy Hiển
Một buổi chiều đọc
Ðường viễn xứ của Lưu Thủy Hương, xem phim
Những linh hồn phiêu bạt của Boris Lojkine rồi tới bài "
20.000 tiến sĩ ‘xịn’, tại sao không?" của Phạm Duy Hiển. Trong cái không gian cybern hư ảo, quay cuồng một lúc cả ba thế giới quá cách biệt. Những mảnh đời não nuột chẳng ngày mai của năm người tị nạn không giấy tờ ở Đông Berlin, cô gái quê Bắc Ninh vừa hợp hôn đã tiễn chồng đi B, anh ngã xuống trong một trận giao tranh vùng Quảng Trị, nàng ở vậy suốt đời để bốn chục năm sau lặn lội lên rừng tìm xương cốt chồng mà chẳng thấy, chao ơi thê thảm hơn cả
ngày mai đi nhận xác chồng và như vẳng trong tai giọng Elvis Phương ngậm ngùi
kỷ vật cho em. Nhất tướng công thành vạn cốt khô! Rồi bỗng nhớ mới tuần trước thôi trở lại Jussieu nghe Dương Thu Hương giới thiệu
Chốn vắng, trả lời các câu hỏi về những tác phẩm của chị và phút chót nói thêm quan điểm về hai cuộc chiến, cái đầu chống thực dân Pháp giành độc lập là một cuộc đấu tranh thần thánh, còn cái sau đánh cho Mỹ cút ngụy nhào là một cuộc nội chiến ngu xuẩn nhất, câu của chị. Cử tọa có lẽ đa số không tán thành, trừ anh bạn Phong Tuấn lên tiếng đồng ý. Chị nói lên cái mà tôi từ lâu lắm rồi vẫn thầm nghĩ và
gần đây phác hoạ trong mục ý kiến ngắn ở talawas, cám ơn chị. Nhớ lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với
Những ngày khói lửa mà Văn Ngọc khơi dậy tài tình. Toàn dân nao nức đóng góp tuần lễ vàng và cuộc tiêu thổ kháng chiến phá tường rỡ ngói, nhà nào nhà nấy thông thống chẳng còn cửa ngõ mà không hề trộm cướp ở cái tỉnh nhỏ thời bé bỏng, rồi tản cư về những làng xóm ở đấy người dân quê không quen biết vẫn hồn nhiên chia sẻ nhà tranh vách đất.
Ðể rồi tản mạn đôi điều về bài "20.000 tiến sĩ ‘xịn’, tại sao không?" của GS Phạm Duy Hiển, trong đó ông phân tích dự án của nhà nước đào tạo trong mười năm 20 ngàn tiến sĩ với kế hoạch 1000/năm theo diện du học, phần còn lại khoảng 1000/năm ở ngay trong nước. Những tiến sĩ tương lai này phải có một công trình đăng trong các tạp chí quốc tế. Ở những nước phát triển bên Âu, Mỹ, Á, Úc đó là một yêu cầu hết sức bình thường, điều kiện cần nhưng nhiều khi chưa đủ để trở thành tiến sĩ ngành khoa học tự nhiên. Cũng nên thêm rằng trong khoảng 7000 tạp chí quốc tế bao trùm 21 ngành khoa học (tự nhiên và nhân văn), chỉ một phần thôi là những tờ báo uy tín hàng đầu có trình độ bình duyệt nghiêm chỉnh, khắt khe hai ba vòng phản biện. Mỗi ngành đều có cái top ten của nó, có những quốc tế này, quốc tế kia, ai trong nghề cũng biết chọn mặt gửi vàng. Riêng về tổng cộng cả ba bộ môn toán, lý, hóa, con số một hai trăm tạp chí uy tín với impact factor cao có lẽ mới thực sự phản ánh chất lượng cao mà ta cần vươn tới. Nhưng dẫu sao ở bước đầu, yêu cầu có bài đăng trong tạp chí quốc tế nói chung đã là một bước tiến trong thời buổi hòa nhập thế giới tiến bộ. Nhất là hiện nay một phần không nhỏ nhân viên giảng dạy đại học ở nước ta không có bằng tiến sĩ (hiện tượng cử nhân dạy cử nhân), đừng nói chi đến con số trung bình chỉ có 80 bài/năm ở trong nước gửi ra để được chọn đăng trong các tạp chí quốc tế. Ngay cả nhân với bốn năm lần khi kể những hợp tác với các nước tiên tiến bên ngoài, những con số đó miêu tả hùng hồn thực trạng chất lượng của đại học nước ta. Với vài trăm ngàn sinh viên đại học mà đội ngũ thầy giảng dạy có bài trong tạp chí quốc tế không quá năm trăm, quả là vấn đề số một. Phương cách tổ chức, cơ chế vận hành mang trách nhiệm không nhỏ đối với sự tụt hậu này. Ðấy là không kể phần lớn các kết quả trong 80 bài/năm liệt kê trên đều được thực hiện ở Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (VAST). Ðiều này đưa đến một nhận xét khác: sự liên kết mật thiết giữa viện với các đại học còn quá lỏng lẻo, cục bộ, chưa phù hợp với chiều hướng chung của thế giới phát triển. Nhân viên cũng như các phòng thí nghiệm và các trang thiết bị của viện chưa được tận dụng tối ưu trong việc giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu ở đại học.
1. Ðối với 1000 tiến sĩ /năm theo diện được đào tạo ở các nước tiền tiến, trình luận án xong, họ cần thay đổi môi trường trong một thời gian hậu tiến sĩ (postdoc) thường là hai năm để trao đổi, sáng tạo, thanh lọc, tranh đua gay gắt nhưng lành mạnh lấy một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Tiến sĩ chỉ là bước đầu trên con đường dài lắm chông gai để thành thầy ở đại học chất lượng quốc tế mà ta muốn xây đắp ở Việt Nam. Tôi tâm đắc với câu sau đây của GS Hiển: "Nếu mang những mảnh bằng tiến sĩ về trình làng mà đất nước không tạo điều kiện để họ tiếp tục nghiên cứu khoa học, duy trì quan hệ quốc tế, trưởng thành lên theo chuyên ngành của mình để còn đào tạo ra những ê kíp mới, thì chẳng khác nào đem toàn bộ tiền của đó đổ xuống sông xuống biển". Không ít những tiến sĩ được đào tạo ở ngoại quốc theo diện đồng hướng dẫn hay không, khi về nước hãy còn gặp nhiều khó khăn để tiếp tục làm việc tốt.
2. Trái lại cần cân nhắc, đào sâu đề án mười năm của GS Hiển với ngân quỹ 125 triệu USD/năm để nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn với trang thiết bị hiện đại, và mời thêm 200 chuyên gia nước ngoài trong đó có người gốc Việt. Nghĩa là đào tạo tại chỗ nhân viên đang giảng dạy đại học, nâng cao trình độ chính những thầy đó để họ thành tiến sĩ với tiêu chuẩn có bài đăng trong các tạp chí quốc tế. Nhưng ngoài tuổi tác ra, làm sao với nhiệm vụ lên lớp quá nặng nề (gấp hai ba lần số giờ giảng của các đồng nghiệp ở các nước phát triển) họ còn có thời gian để nghiên cứu nghiêm chỉnh? Miễn nhiệm giảng dạy cho những vị đó thì lấy ai thay, cái vòng luẩn quẩn. Ðấy là không kể phải tránh chính sách chung chung vừa lòng tất cả, đầu tư thiết bị hiện đại cho những trường chưa đủ nhân viên có trình độ sử dụng hiệu quả khác nào đặt lưỡi cầy trước con trâu. Quanh quẩn ngoài hai trường Ðại học Quốc gia và Bách khoa ra, với tất cả những khó khăn của nó, chắc chỉ còn lại một số rất nhỏ. Còn các chuyên gia ngoại quốc trẻ có tâm có tài lại có thể được biệt phái mỗi năm một thời gian ít nhất dăm ba tháng để cộng tác hữu hiệu (chứ không jetset) trong những bộ môn "không chay" (ngoài toán và vật lý lý thuyết), làm sao gắn bó họ trong một chương trình dài hạn năm, mười năm nếu cơ chế hãy còn xơ cứng? Phải chăng bước đầu nên làm thí điểm với một vài cơ sở mới, ít cồng kềnh, tập hợp những người quyết tâm theo đuổi một mục tiêu chung trong một số nhỏ bộ môn vừa chiến lược, vừa phù hợp với nội lực và được suy tính chu đáo?
3. Thực ra chỉ để dạy ở trình độ cử nhân trong những junior college hay các lớp dự bị (hai năm classes préparatoires aux grandes écoles ở Pháp), người thầy đâu có làm nghiên cứu, cùng lắm chỉ như nghiệp dư. Nâng cấp chất lượng thầy giảng dạy ở trình độ cử nhân trong những trường cao đẳng hay đại học chuyên nghiệp không nhất thiết phải qua con đường giống như những đại học nghiên cứu chất lượng cao nặng phần hàn lâm, ở đó người thầy cần có những mảnh đất tự do để
publish or perish.
Tóm lại đào tạo tiến sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế không những để xây đắp dần đội ngũ giảng viên mới cho một hai đại học chất lượng cao trong tương lai hầu theo kịp mấy nước trong vùng, mà còn để đáp ứng nhu cầu cung cấp những chuyên viên "xịn" năng động, nhạy bén, phổ quát cho nhiều ngành công kỹ nghệ, thương mại, ngân hàng, tài chính, kinh tế. Nó có cái tên gọi là "đào tạo bởi con đường nghiên cứu" để làm những nghề có khi chẳng liên quan gì mấy đến luận án "xịn" ban đầu. Xịn này sinh xịn kia, há chẳng tự nhiên sao?
© 2007 talawas