trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
20.2.2007
Anh VÅ©
Biển và con sâu trên giàn nho xanh
 
Công ty Nhã Nam tháng 12 này lại vừa liên doanh với NXB Văn Học ra một cuốn sách dịch mới của Trịnh Lữ, và lần này là Biển (The Sea) của John Banville - giải Man Booker 2005.

Tôi luôn luôn bị thu hút bởi sách dịch của Trịnh Lữ, vì sự lựa chọn, vì chính bản dịch và vì cả lời đề tựa của người dịch. Trịnh Lữ viết lời đề tựa cho sách dịch của mình theo một cách rất lạ. Nó giản dị, trúng đích; nó gợi mở, dẫn dắt, mà lại dường như chỉ là một lời cảm thán, hay vài dòng tâm sự tản mạn của một người đọc trầm lắng. Đối với người đọc Việt, hay chí ít là với tôi và nhiều người khác, các tác phẩm do Trịnh Lữ dịch dường như sẽ thiếu một cái gì đó nếu như không có những “Lời người dịch” ấy của ông. Chưa ai khác viết lời tựa cho tác phẩm dịch của mình như thế - nó làm cho người đọc cảm được cái hồn, cái giá trị cao nhã mà thiết thực của tác phẩm thông qua những suy ngẫm và xúc cảm trung thực đầy trân trọng của người dịch. Tôi chỉ không hiểu tại sao, khi mở cuốn Biển, phần “Lời người dịch” của ông, rõ ràng là một lời tựa chứ không phải lời bạt, lại để in vào cuối sách.

Với Biển, dường như người dịch Trịnh Lữ có một sự hóa thân nào đó. Ðọc bản dịch của ông tôi tự hỏi - một tuyệt tác như thế này nếu bị dịch khác đi thì sẽ ra sao? Với những cuốn sách không còn gì khác nữa ngoài chữ nghĩa như Biển của John Banville thì người dịch càng đặc biệt đóng một vai trò sinh tử. Có thể nói, John Banville đã may mắn khi có một người dịch tác phẩm của mình sang tiếng Việt là Trịnh Lữ, một người dịch luôn chú trọng tới hồn phách của câu chữ chứ không phải chỉ là chuyển dịch xác chữ, và đặc biệt trong trường hợp này còn là một người có hiểu biết sâu sắc về hội họa, một người cầm cọ vẽ. Bởi vì hơn bất cứ một tác phẩm nào khác, Biển của John Banville là văn chương của hội họa.

Toàn bộ Biển là một viện bảo tàng tranh của John Banville với những nét vẽ vừa run rẩy vừa điêu luyện của một bậc thầy ngôn ngữ. Và tôi nghĩ, hình ảnh "con sâu trên giàn nho xanh trước giờ báo động" mà Trịnh Lữ dùng trong lời tựa cho cuốn sách này là một ẩn dụ tuyệt vời cho Biển, một cuốn tiểu thuyết mà ngôn ngữ của nó có một vẻ đẹp khiến người ta ngây sững, một vẻ đẹp ngầm chứa một sự nguy hiểm. Ngôn ngữ của John Banville trong vắt, yên tĩnh, nhưng có sức nén như những quả bom nổ chậm vậy. Khi đọc Biển, tôi luôn luôn kinh ngạc trước sức mạnh của ngôn từ. Vì sao người trần mắt thịt như chúng ta lại có thể có khả năng diễn ngôn để tạo nên một cái gì đó tuyệt đẹp và đáng sợ như thế?

Dư luận phản đối việc The Sea được trao giải Man Booker phàn nàn rằng nó không có cốt truyện. Tôi thì lại không nghĩ thế. Biển có cốt truyện, một cốt truyện bề ngoài có vẻ rất tầm thường: Một học giả tuổi xế chiều vừa mất đi người vợ yêu quí của mình, ông ta đau khổ vì bỗng dưng thấy mình cô độc, thấy cuộc đời vô nghĩa và tìm đến với rượu, thông qua rượu mà quay trở về với quá khứ, với những ẩn ức ngày thơ, một tình si khám phá xác thịt của một cậu trai mới lớn với một người phụ nữ đã là mẹ của hai đứa con, một tình yêu man dại trong trắng của chính cậu trai ấy với đứa con gái của bà mẹ kia, rồi con bé yêu đương tuổi đầu đời ấy của cậu đã bất ngờ chết một cái chết bí hiểm trong một lần bơi biển cùng với đứa em trai sinh đôi tật nguyền của mình... Đại loại là như thế. Nhưng lại không phải là như thế. Cuốn tiểu thuyết này có một cốt truyện khác, một cốt truyện ẩn đi, đó là Biển, là chính cuộc nhân sinh mà mỗi người đọc chúng ta có thể làm đầy lên cốt truyện bằng chính những ẩn ức, sầu đau, yêu thương, tuyệt vọng và cô độc của mình.

Bập bềnh như một xác chết nổi trôi, nhân vật chính của Biển trong khi không còn cảm nhận được mối dây liên lạc với cái thế giới thực tại này thì rượu lại mang đến cho ông những ảo giác diệu kỳ được quay trở về quá khứ, sáng rõ, nhưng đứt đoạn, đẹp và đau. Con người ta có thể quay trở về, có thể ra đi, có thể phân thân để đi tìm bản ngã của mình hay không? Dường như quá khứ có thể là quá thật, thật tới mức giả tạo, người ta có thể nhìn ngắm nó, chau chuốt nó, nhưng không thể nào chạm tới nó. Con người vẫn mong mỏi có một chỗ dựa nào đó trong cái "nhẹ bỗng" của kiếp người này, nhưng trong Biển - khốn khổ thay - chỗ dựa của sự hư không lại chính là sự hư không ấy! Biển mở đầu với một đoạn như thế này "Tôi tưởng tượng một gã thủy thủ già đang gà gật bên lò sưởi bập bùng, đã cam phận hèn không thể ra khơi nữa, và tiếng gió lạnh mùa đông quật liên hồi vào những ô cửa sổ. Chao ôi, tôi sẽ là gã ấy đấy. Đã bắt đầu thành gã ấy rồi." Và kết thúc là hình ảnh của Biển "... biển cả bỗng trỗi dậy, nó không phải là một con sóng trên bề mặt, mà là một đợt cương trào lan tỏa êm ru và có vẻ từ những đáy rất sâu, như thể một cái gì mênh mông lắm đang cựa mình ở dưới đó, và tôi bị nhấc hẳn lên một quãng vào phía bờ rất nhanh rồi lại đặt xuống đứng nguyên như trước, như đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Và quả là đã chẳng có gì xảy ra hết, chỉ là một thoáng hư vô, một cái nhún vai dửng dưng nữa của thế giới vĩ đại."

Biển là một câu chuyện buồn thảm và tuyệt vọng đến thế về cuộc đời. Thế thì tại sao người ta vẫn trao giải cho nó? Để trả lời câu hỏi này, Giáo sư John Sutherland, chánh chủ khảo và là người bỏ lá phiếu quyết định cho The Sea, đã viết trên tờ The Guardian rằng “Chủ đề của Biển – chứng nát rượu, chứng u sầu, bệnh tật chết người, gia đình tan vỡ, tuổi già thối rữa – chẳng góp vui cho đời chút nào. Nhưng chính cuộc đời cũng chẳng có gì vui, nếu bạn đã sống đủ [rồi bạn sẽ thấy].” [1]

Và, có phải vì sầu đau chẳng là gì khác hơn là chị em sinh đôi của hạnh phúc tuyệt đỉnh? Có phải vì cô độc, cô độc đến tận cùng, khởi xuất từ yêu thương dâng hiến? Có phải vì Biển tôn vinh vẻ đẹp huyền diệu buồn của đời sống? Có phải vì Biển không là gì khác nữa ngoài là minh chứng rưng rưng hùng hồn về sự tồn tại của cái Đẹp, về chỗ đứng vẫn còn của nó trong cái thế giới hiện đại đang dần mất đi này?

© 2007 talawas



[1]The subject matter of The Sea – alcoholism, melancholy, terminal disease, family disintegration, the decay of age – does not contribute to the cheeriness of life. But neither does life, if you've lived enough of it.” – John Sutherland, “The Judge’s Tale”, The Guardian, 12 October 2005.