trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
22.2.2007
Liên Hằng T. Nguyễn
Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968
Vy Huyền dịch
 1   2   3 
 
Vụ án xét lại - chống Đảng (VAXLCĐ)

Năm 1967, ở Hà Nội xảy ra hàng loạt những vụ bắt bớ liên quan đến VAXLCĐ. [1] Nhóm bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền gồm những người thuộc mọi thành phần: từ cấp bộ trưởng, các nhân vật cao cấp trong QĐND, uỷ viên TƯ, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo chính phủ, những cựu chiến binh ưu tú, cho đến giới trí thức, nhà báo, giáo sư, bác sĩ v.v... Sau chiến dịch chống phe hữu khuynh và cuộc điều tra của QĐND năm 1964, cuộc thanh trừng năm 1967 là bước kế tiếp của những tranh giành quyền lực ở Bắc Việt, nhưng nó cũng liên quan chặt chẽ đến những cuộc tranh cãi về chiến lược và kế hoạch đối với miền Nam. [2]

Cuộc thanh trừng xảy ra làm ba đợt. Đợt một xảy ra ngày 27 tháng 7, Quân Bảo vệ, một nhóm an ninh chìm nằm dưới chỉ huy của Đảng, bắt giam một nhóm nhỏ những giáo sư và nhà báo, trong nhóm này có Hoàng Minh Chính. [3] Ngày 18 tháng 10, Quân Bảo vệ bắt thêm những đảng viên và những nhân vật có tiếng như Đặng Kim Giang và Lê Liêm, hai tướng dưới quyền Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Huỳnh nguyên thư ký của Hồ Chí Minh và Đại tá Lê Trọng Nghĩa, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương. Đợt bắt bớ thứ ba là đợt lớn nhất, xảy ra vào ngày 25 tháng 12, gồm cả đảng viên và những người khác, trong đó có Vũ Thư Hiên, người sau này đã viết hồi ký về cuộc bắt bớ thanh trừng này. [4] Theo lời khai của Vương Quang Xuân, một đại uý tình báo của quân đội Bắc Việt đã quy hàng theo VNCH năm 1969 thì sự kiện diễn ra như sau:

Cuối năm 1967 đầu 1968, vài trăm người bao gồm những đảng viên và quan chức cao cấp bị bắt vì cho là có âm mưu chống lại chính sách của Đảng và có âm mưu lật đổ Hồ Chí Minh... Đảng đã biết được âm mưu của nhóm này từ lâu, và [người ta nói là] Lê Đức Thọ đã nói chuyện với Hoàng Minh Chính và các thành viên khác trong nhóm về đức tin của họ trước khi nhóm này bị bắt… Một bài viết của Hoàng Minh Chính bị tịch thu và được coi như là bằng chứng mưu phản. Bài viết chống lại đường hướng của Nghị quyết 9, là Nghị quyết tuyên bố tình hình miền Nam hiện thời thuận lợi cho việc dùng vũ lực để lật đổ chính quyền miền Nam, và Đảng sẽ nhất quyết không chỉ sử dụng đàm phán chính trị để giành thắng lợi. Nghị quyết này yêu cầu toàn quân dân miền Bắc ủng hộ cho cuộc chiến... Trong khi đó, bài viết của ông Chính phản bác lại việc dùng vũ lực để giải phóng miền Nam. [5]

Phạm vi mối đe doạ này đối với an ninh quốc gia đã khiến một ban điều tra được thành lập dưới quyền của Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Đảng Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Nội vụ Trần Quốc Hoàn, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN tướng Song Hào và thành viên trong Ban Bí thư Lê Văn Lương. [6] Ngày 30 tháng 10, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Trường Chinh ra sắc lệnh trừng phạt những tội âm mưu làm phản, gián điệp và rò rỉ bí mật quốc gia. Cuối năm đó, Lê Đức Thọ đưa ra hai bản báo cáo về những âm mưu của nhóm này. Mặc dù những người bị bắt không bị chính thức buộc tội mãi đến năm 1972, nhưng trong một bản báo cáo vào cuối năm 1967, Lê Đức Thọ viết như sau:

Những kẻ phản bội này đã tạo ra chia rẽ trong nội bộ đảng và phá hoại sự đoàn kết trong quân đội. Các hoạt động giấu diếm của chúng là bằng chứng. Mục đích của chúng là thành lập phe nhóm để chống lại Đảng Lao Động của chúng ta. Bọn chúng cố ý đưa ra những phân tích sai lạc, những lời chỉ trích thiếu công bằng và những đánh giá tai hại trong BCT để tạo ra những mối bất hoà giữa những lãnh đạo của Đảng. Bọn chúng giành được lòng trung thành của một số cán bộ cao cấp trong các bộ ngành, và cả ở ngoài nước. Bọn chúng tìm cách lấy những tài liệu mật của chúng ta. Bọn chúng lợi dụng những sơ hở của các cán bộ để thu thập những thông tin mật về kế hoạch quân sự, về các dự án kinh vế và các viện trợ của các nước anh em trong công cuộc bảo vệ đất nước ta khỏi sự xâm lăng của Hoa Kỳ. Chúng tìm cách cản trở kế hoạch phản công địch của chúng ta. Chúng tìm cách ngăn chặn TƯCMN thi hành NQ 9. Chúng cho rằng đường hướng và chính sách của Đảng trong hai mươi năm qua bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều và kế hoạch kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thiển cận. [7]

Những người bị coi là tạo phản bị giam giữ ở Hoả Lò, nơi được người Mỹ biết đến với cái tên "Hà Nội Hilton."

Trên thực tế, những cá nhân này không phải là mối đe doạ đến tình hình an ninh quốc gia. Mặc dù VAXLCĐ có nguồn gốc từ kỳ họp gây nhiều tranh cãi năm 1963, và những dư âm chính trị, pháp lý của nó còn vang vọng sau 1968 và cả sau 1975, nhưng lý do căn bản trước mắt cho vụ bắt bớ năm 1967 này đơn thuần là chiến lược và chiến thuật mà BCT đã lựa chọn để chuẩn bị cho cuộc tấn công TMT. [8] Không có nguyên nhân nào khác có thể gây ra một đợt thanh trừng có qui mô lớn như vậy. Thời điểm này, những tranh cãi lý thuyết sử dụng những thuật ngữ Marxist-Lenninist tưởng chừng như dày đặc nhưng thật ra vô thưởng vô phạt này thực ra là dấu hiệu của những tranh cãi căng thẳng về cuộc chiến ở miền Nam. [9] Việc Bắc Việt từ chối đàm phán, bỏ dở kế hoạch chiến tranh lâu dài và tập trung vào chiến dịch TCKTKN ở các đô thị lớn của miền Nam đã gây ra vô số những tranh cãi dữ dội và bất đồng trong nội bộ đảng. Khi chúng ta kết hợp bức tranh về những quyết định từ bên trên và những vụ bắt bớ ở bên dưới, các mảng của trò lắp hình Tết bắt đầu khớp vào nhau, cho ta có thấy được rằng khi kế hoạch tiến công quân sự ngày càng lớn thì phạm vi của cuộc bắt bớ cũng ngày càng rộng khắp hơn.

Cũng như thời điểm năm 1959 và năm 1963, những quyết định năm 1967 của Hà Nội cần được xem xét trong điểm giao giữa chính sách đối nội và đối ngoại. VAXLCĐ và quyết định tấn công TMT có thể được chia ra thành ba cấp độ có tương quan với nhau: chính sách trung lập của Hà Nội trong mâu thuẫn Nga-Trung, sự tranh giành quyền lực cá nhân trong BCT và những trấn áp chính trị trong nội bộ đảng.


Gửi tín hiệu đến các đồng minh

Vào năm 1967, cuộc chiến Việt Nam là tâm điểm của cả thế giới: xác định rằng đây là ván cờ của mối quan hệ Nga-Trung, cả Moscow và Bắc Kinh đều không thể thờ ơ trước tình hình Việt Nam. Trong lúc miền Bắc đang chống chọi với Hoa Kỳ và miền Nam, cả Liên Xô và Trung Quốc mỗi bên đều cảnh cáo Hà Nội nên dè chừng những bè phái bá quyền và bè phái xét lại có thể sẽ phá hoại cuộc chiến để phục vụ mục đích của họ. Cuối cùng, nhờ vào mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc, Hà Nội vẫn duy trì được quyền tự trị của mình, nhưng họ gặp không ít khó khăn. Mặc dù Bắc Việt chỉ nghe theo những cố vấn của Liên Xô và Trung Quốc khi nào có lợi cho mình mà thôi, nhưng Hà Nội đã phải trả giá rất đắt cho những nỗ lực chiến tranh khi sử dụng chính sách trung lập này.

Năm 1967, những ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô đặt phe chủ chiến đang nắm BCT vào thế khó xử: để có thể tiếp tục một cuộc chiến tranh công kích, Bắc Việt cần viện trợ và vũ khí của Liên Xô nhưng lại không muốn Liên Xô gây áp lực đòi Hà Nội đàm phán. Vì chậm chân hơn Trung Quốc và không có được nhóm ủng hộ rõ ràng ở BCT, Liên Xô duy trì liên lạc và đồng minh với những quan chức trong đảng, những người đã từng theo học ở Moscow để gia tăng ảnh hưởng ở Bắc Việt và vận động cho chương trình đàm phán. Cao điểm của sự can thiệp của Moscow là việc thủ tướng Kosygin gặp gỡ với tổng thống Johnson vào cuối tháng 6 ở Glassboro, New Jersey với lời cam kết riêng của thủ tướng Phạm Văn Đồng là hai bên sẽ tiến tới đàm phán nếu Hoa Kỳ ngừng oanh tạc. [10] Khi Moscow gia tăng áp lực để đưa Washington và Hà Nội đến bàn đàm phán, và do đó, trợ lực cho phe ôn hoà và bồ câu trong đảng [LÐVN), hẳn có thể việc phe chủ chiến trong BCT ra lệnh bắt bớ là cách gián tiếp lộ liễu để báo cho Moscow: Bắc Việt không muốn bị áp lực để đi tới đàm phán. VAXLCĐ đánh tín hiệu cho ÐSQ Liên Xô ở Hà Nội rằng việc bắt giữ “tai mắt” của Liên Xô trong nội bộ ÐLÐVN đã xoá đi mọi hi vọng thúc đẩy đàm phán. [11] Bị buộc tội "chiếm được lòng trung thành của một số cán bộ cao cấp trong các bộ ngành, thậm chí cả một số người nước ngoài", làm lộ tài liệu mật và an ninh quốc gia, những người này bị bắt chỉ vì họ có quan hệ khăng khít với Liên Xô. Ðại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội hiểu được thông điệp rõ ràng của Hà Nội: những báo cáo bực bội gửi về Moscow cho biết rằng rằng lãnh đạo Bắc Việt không còn thiết tha đến việc đàm phán nữa. [12]

Mối quan hệ Trung-Việt cũng có thể đóng một vai trò nhất định trong cuộc thanh trừng năm 1967. Như nội dung các cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh cho thấy, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu khi đồng minh Bắc Việt của họ ngày càng nương tựa nhiều vào viện trợ của Liên Xô và có ý muốn ngả theo giải pháp đàm phán chính trị của nước này. Mặc dù Liên Xô qua mặt Trung Quốc trong việc viện trợ quân sự và kinh tế cho Bắc Việt, nhưng đối với Bắc Việt, những viện trợ từ Trung Quốc vẫn có vai trò hết sức quan trọng cho nỗ lực chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến những quyết định của Hà Nội vì Trung Quốc là con đường chuyển viện trợ và họ có quân hiện diện ở Bắc Việt. Vì vậy, lãnh đạo VNDCCH phải cố gắng làm dịu những e ngại của Trung Quốc về vấn đề Liên Xô. Đầu tháng 4 năm 1967, lãnh đạo Bắc Việt và Trung Quốc gặp gỡ ở Bắc Kinh để bàn về chiến lược quân sự của ÐLÐVN cho năm sau đó. Trong cuộc họp lần thứ tư ngày 7 tháng 4, 1967, tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp đó báo với Trung Quốc, tuy không thật rõ ràng, rằng đã có những "tiến triển mới" trong chiến lược quân sự của đảng. [13] Trong kỳ họp này và những lần gặp gỡ sau đó trong tháng 11, lãnh đạo Hà Nội hết sức nhấn mạnh với Trung Quốc việc những thắng lợi của Bắc Việt nhờ vào chiến lược quân sự của Mao nhiều đến mức độ nào. [14]

Nhưng dù Hà Nội có cam đoan gì đi nữa, Trung Quốc vẫn sợ Hà Nội sẽ đánh lớn để cố giành thắng lợi nhanh chóng. Một chiến lược như vậy đồng nghĩa với việc Bắc Việt phải phụ thuộc nhiều vào những viện trợ và vũ khí của Liên Xô. Sử dụng lối nói bóng nói gió nổi tiếng của mình, Mao bộc lộ mong muốn và khuyến cáo Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp: "Người Trung Quốc chúng tôi có câu: ‘Núi xanh thì lo gì hết củi đun.’ Hoa Kỳ e ngại chiến thuật của các bạn. Hoa Kỳ muốn các bạn đánh lớn để họ có thể tiêu diệt quân chủ lực của các bạn. Nhưng các bạn không bị lừa. Chiến tranh tiêu hao cũng giống như trong bữa ăn vậy: [tốt nhất là] không bao giờ ăn một miếng quá lớn." [15]

Nhưng khốn cho Mao vì dự định TMT quả là một "miếng" quá lớn. Cho dù Trung Quốc chấp thuận việc Hà Nội gia tăng chiến tranh, nhưng TMT được hình thành bởi tham vọng tấn công các thành phố lớn và tỉnh lỵ trên toàn quốc - một quyết định mà sau này Trung Quốc cho là quá vội vã. [16] Trong hai tháng 5 và 6, khi đánh giá về tình cảnh quân sự năm 1968, BCT loại bỏ đường hướng của Mao và đi đến kết luận rằng chiến tranh du kích không thể tiếp tục là nguyên tắc chủ đạo cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. [17] Vì vậy, dù Bắc Kinh hoan hô việc Hà Nội từ chối đàm phán năm 1967 và chuyển sang đánh, Trung Quốc e ngại rằng Liên Xô sẽ gia tăng ảnh hưởng trong khi kế hoạch cho một cuộc tổng tiến công qui mô lớn đang hình thành.

Việc bắt bớ những người thân Liên Xô và buộc tội họ là "những người cho rằng đường hướng và chính sách của Đảng trong hai mươi năm qua bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều" nhằm xoa dịu Trung Quốc cũng như làm nhụt chí Liên Xô. [18] Một điều quan trọng nữa là những kẻ bị cho là phản bội này đã chuyền tin về mức độ viện trợ và những hoạt động của Trung Quốc cho sứ quán Liên Xô ở Hà Nội và bên ngoài. [19] Việc bắt bớ này là thông điệp cho Bắc Kinh rằng đảng không rơi vào tay của nhóm thân Liên Xô. Do đó, những nạn nhân của cuộc thanh trừng năm 1967 phải bị hy sinh để Bắc Việt có thể tiếp tục duy trì chính sách trung lập và vô tư trong mối rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc. Khi trò tung hứng [quan hệ ngoại giao – ND] trở nên rắc rối khó duy trì hơn, việc bắt bớ những thành viên này trở thành công cụ có ích để Hà Nội gởi một thông điệp rõ ràng đến các nước đồng minh mà không quá mạo hiểm làm ảnh hưởng đến những quan hệ ngoại giao.


Trung lập hoá Võ Nguyên Giáp

Cho dù với bên ngoài lãnh đạo Bắc Việt vẫn cố tỏ ra họ là một tổ chức đoàn kết, vụ bắt bớ cũng cho thấy có tồn tại những tranh giành cá nhân ở BCT. Không như ĐCSLX và ĐCSTQ, ĐLĐVN hiếm khi xảy ra những vụ thanh trừng ở cấp độ BCT; điều này đã làm tăng thêm hình ảnh đoàn kết của họ. Thay vào đó, Ðảng thường xuyên bãi nhiệm những lãnh đạo cấp trung để ép buộc và dằn mặt những kẻ đỡ đầu cấp cao ở BCT và cách làm này cũng tỏ ra hiệu quả không kém.

Trọng tâm của cuộc tranh giành nội bộ trong BCT thời gian này là sức khoẻ ngày càng xuống dốc của Hồ Chí Minh. Tuy ông ta đã dự định rút lui khỏi chính trị từ đầu những năm 1960 và không còn giữ thực quyền, nhưng viễn cảnh thiếu Hồ ở BCT có thể đã dẫn đến việc Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Trường Chinh đánh đòn phủ đầu để củng cố quyền lực của họ. [20] Theo Bùi Tín, "đồng chí Lê" muốn đẩy tướng Võ Nguyên Giáp ra rìa và đưa tướng Nguyễn Chí Thanh lên vì cho rằng tướng Giáp có ảnh hưởng quá lớn trong quân đội và với người dân. [21]

Cái chết của Nguyễn Chí Thanh vào tháng 7 năm 1963 ở thời điểm mở đầu của kế hoạch tổng tiến công năm 1968 đã phá vỡ thế cân bằng ở BCT, và hẳn đã thúc đẩy đòn phủ đầu chống lại Võ Nguyên Giáp. [22] Tuy vậy, chúng ta khó biết được mức độ nghiêm trọng của cuộc tranh giành quyền lực giữa một bên là Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ và bên kia là Võ Nguyên Giáp, vì có rất ít những bằng chứng cho thấy khi đó Võ Nguyên Giáp đã phản bác lại quan điểm của hai người này. [23] Nhưng điều mà ai cũng biết là cuối năm 1966, Võ Nguyên Giáp có vẻ thắng thế Nguyễn Chí Thanh trong cuộc tranh luận tại Hà Nội về chiến lược quân sự. Với cái chết của Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp gần như không có đối thủ trong quân đội. Với xu hướng muốn đánh lớn của Nguyễn Chí Thanh, phe chủ chiến muốn loại trừ việc cái chết của ông ta dẫn đến việc Bắc Việt phải chấp nhận tiến hành chiến lược chiến tranh lâu dài của Võ Nguyên Giáp.

Vụ bắt Hoàng Minh Chính và những cán bộ phản đối chiến tranh ở miền Nam tuy không liên quan trực tiếp đến Võ Nguyên Giáp, nhưng nó cho thấy ý chí kiên quyết của đa số bảo thủ trong BCT muốn đánh lớn để giải toả thế bế tắc. Những vụ bắt bớ trong tháng 7 xảy ra cùng thời điểm Lê Duẩn đang phác thảo kế hoạch tác chiến bao gồm cả những yếu tố thành thị. [24] Vị tổng bí thư này chỉ ra rằng cuộc nổi dậy ở Đà Nẵng mùa hè 1966 chứng minh rằng đô thị vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở miền Nam và [Duẩn] ủng hộ nhu cầu củng cố vai trò lãnh đạo của giới vô sản trong cuộc cách mạng này. [25] Theo sử gia Hồ Khang, "đến giữa 1967, mặc dù một số căn cứ cách mạng, một số nhóm đặc công và các nhóm quân tinh nhuệ [của Bắc Việt] đã được triển khai ở thành thị và các vùng ngoại ô, không ai có thể tuởng tượng được một cuộc tổng tiến công trên khắp các thành phố và thị xã toàn miền Nam, nhất là trong thời điểm những nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ đang lên đến đỉnh điểm." [26] Vì vậy, quyết định tổng tiến công vào các trung tâm thành thị của Lê Duẩn rõ ràng là một việc làm gây nhiều tranh cãi và bị nhóm đối lập, những người muốn đàm phán và chiến tranh lâu dài, phê phán dữ dội. [27]

Đợt bắt bớ thứ hai trong tháng 10 có thể liên quan đến việc chính thức chuyển giao kế hoạch TMT vô miền Nam. Theo sử gia David Elliott, "một trong những bí ẩn về kế hoạch TMT là không biết những cán bộ cấp dưới biết được bao nhiêu và (khi nào) về bản chất đặc biệt và mức độ của những thay đổi trong kế hoạch của Hà Nội từ tháng 6 năm 1967, đến việc chuyển giao chính thức vô miền Nam tháng 10 năm 1967 và đến Nghị quyết cuối cùng của BCT vào tháng 12, 1967.” [28] Mặc dù thông tin về cuộc tấn công được chiến trường miền Nam biết đến từ trước tháng 10, nhưng [Bắc Việt] vẫn nhấn mạnh sẽ tiếp tục chiến tranh lâu dài, vừa đánh vừa đàm, và lợi dụng ưu thế của môi trường địa phương. Theo Hồ Khang thì việc BCT trong tháng 10 quyết định tấn công các trung tâm đô thị "quả là một quyết định táo bạo, vì nếu Bắc Việt chỉ cần cân nhắc đến tương quan lực lượng thời điểm đó (tháng 10, 1967) thì đã không lựa chọn một quyết định bạo gan như vậy." [29]

Tướng Trần Văn Trà sau này lên tiếng chỉ trích việc những lãnh đạo Bắc Việt đã không cho lực lượng kháng chiến ở mặt trận miền Nam đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc tấn công TMT. [30] Sau cái chết của Nguyễn Chí Thanh, mặc dù Võ Nguyên Giáp không phụ trách uỷ ban kế hoạch, nhưng việc ông ủng hộ đấu tranh lâu dài tiếp tục là mối đe doạ cho phe Lê Duẩn, là những người muốn đánh lớn trên diện rộng vô các thành thị ở miền Nam, và vì vậy [Võ Nguyên Giáp có thể] làm chậm việc chuyển giao kế hoạch TMT. Điều quan trọng chúng ta cần nhớ lại nhiều cán bộ cấp cao bị bắt trong tháng 10 năm 1967 là những người cấp dưới hoặc ủng hộ Võ Nguyễn Giáp. Đến lúc này, ngay cả những người bị bắt trong tháng 7 cũng bị thẩm tra về mối quan hệ của họ với vị tướng nổi tiếng này.


Đàn áp những người bất đồng quan điểm trong nước

Cuối cùng, cuộc thanh trừng năm 1967 còn là kết quả của việc phe chủ chiến sử dụng những chia rẽ về ý thức hệ trong phong trào cộng sản quốc tế để làm cớ cho những cuộc đàn áp chính trị trong nước. Cho dù BCT Hà Nội có áp dụng một số mặt trong chính sách của Liên Xô hay Trung Quốc thì mục đích cuối cùng vẫn luôn nhằm phục vụ cho quyền lợi và tham vọng của Bắc Việt. Giữa các lãnh đạo cấp trung có thể có những người lúc trước được đào tạo ở Liên Xô hay Trung Quốc hoàn toàn nghiêng cán cân ủng hộ đường lối bên này hay bên kia, nhưng BCT thì không bao giờ thiên vị hẳn một bên như vậy. [31] Có hai lý do dẫn tới thái độ trung lập của giới lãnh đạo cao nhất trong ÐLÐVN: BCT Hà Nội cần đưa ra một hướng đi độc lập không chỉ vì e ngại sự xa lánh hay làm phật ý một trong hai đồng minh mà còn muốn truyền thụ tinh thần yêu nước và bản sắc Việt Nam trong đảng và trong dân. Tuy nhiên, thái độ trung lập trong chính sách đối ngoại không hề cản trở việc sử dụng sự chia rẽ ý thức hệ trong phong trào vô sản quốc tế để kiểm soát tình hình chính trị trong nước. Vì quyền lợi chính trị, các cán bộ tố cáo lẫn nhau theo "chủ nghĩa xét lại" hay "chủ nghĩa giáo điều."

Trong và sau khi diễn ra các cuộc bắt bớ, Lê Đức Thọ và Trường Chinh xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhấn mạnh rằng Đảng kiểm soát mọi giai đoạn của cách mạng và nhấn mạnh sự cần thiết của việc "đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh hay tả khuynh." [32] Năm 1967, hai ông này đọc diễn văn và ban bố các bài viết trong một không khí nguy hiểm, phức tạp - giữa lúc Hồng Vệ binh và tư tưởng cấp tiến tràn ngập Cách mạng Văn hoá Trung Quốc và cơn sốt gián điệp cùng với các trận oanh tạc của Hoa Kỳ đang xé nát thủ đô Bắc Việt. [33] Có thể thấy được là những kẻ lãnh đạo vụ bắt bớ này đã nhân không khí hoảng sợ đó, làm tăng thêm hội chứng hoang tưởng với những cáo buộc tội danh gián điệp và phản động. Tháng 12 nổ ra đợt bắt bớ thứ ba và cũng là đợt lớn nhất, những người bị bắt đợt này gồm những đảng viên và những người thuộc các ngành nghề khác nhau, để bảo đảm rằng không một phe nhóm nào ở Hà Nội chống lại việc thi hành Nghị quyết 14 năm 1968 như phe ôn hoà thân Liên Xô đã từng chống lại Nghị quyết 9 khi nó vừa được ban bố năm 1963. Mặc dù các cuộc bắt bớ này có thể bao gồm rất nhiều nhân tố: nước cờ thực dụng để duy trì quyền lực trong chiến tranh (của Lê Duẩn), thủ thuật để bảo đảm lòng trung thành tuyệt đối trong đảng (của Lê Ðức Thọ), và bước thăng tiến cơ hội chủ nghĩa xây dựng dựa trên ý thức hệ lâu dài (của Trường Chinh). Vì lý do gì đi nữa, những lãnh đạo thuộc phe diều hâu, những người đã nắm được quyền lực từ năm 1959 trở đi, đều có động cơ ngang nhau trong việc tiến hành cuộc thanh trừng năm 1967. Bằng việc buộc tội những người này "gieo rắc chia rẽ" và "xúi giục sự xích mích giữa những cán bộ lãnh đạo" để "tổ chức phe nhóm chống lại ĐLĐVN của chúng ta", những người lãnh đạo cuộc thanh trừng, trong một cú lớn, đã loại bỏ những kẻ bao lâu nay vẫn chống đối họ. [34]


Kết luận

Được đưa ra năm 1963 và tính toán lại năm 1967, TCKTKN nổ ra giữa tiếng pháo giao thừa ngày 31 tháng 1 1968. Ðợt đầu tiên và đáng kể nhất bao gồm việc bộ đội và quân giải phóng liên kết với nhau tấn công "bất ngờ" 36 thủ phủ, 5 thành phố tự trị, và 64 tỉnh lỵ miền Nam. Thay vì châm ngòi cho các cuộc tổng nổi dậy ở các thành phố lớn ở miền Nam như dự tính, quân cộng sản chỉ có thể cầm cự được ở cựu hoàng thành Huế đến ngày 24 tháng 2, để lại hậu quả thảm khốc cho người dân địa phương. [35] Ở các vùng thôn quê, các cuộc nổi dậy thành công hơn, nhưng vì cuộc TTC tiếp tục chú trọng đến các thành phố và thị trấn nên quân của MTGPDT buộc phải bỏ những chiến thắng ở nông thôn. [36] Kết quả là thời điểm và bề diện của TMT đạt được tác dụng cần thiết làm choáng để dẫn đến thay đổi ở Hoa Kỳ, nhưng không có tác dụng nào đáng kể với VNCH. Ngày 31 tháng 3, một tháng sau kết thúc đợt một của TMT, tổng thống Johnson tuyên bố quyết định không tái ứng cử cho dù ông đã thay đổi chính sách đối với cuộc chiến ở Việt Nam 180 độ. Johnson từ chối yêu cầu gia tăng quân của tướng Westmoreland và ngưng những đợt oanh tạc phía bắc vĩ tuyến hai mươi với cố gắng đưa hai bên đến đàm phán hoà bình. Không phải chính quyền Sài Gòn, mà đúng hơn là chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại trong cuộc tấn công TMT.

Mặc dù vào giai đoạn cuối của đợt một, người dân miền Nam ở các thành phố đã không nổi dậy cùng với quân cộng sản để lật đổ chính quyền VNCH của Nguyễn Văn Thiệu, nhưng Lê Duẩn khăng khăng đòi tiến hành tấn công đợt hai và đợt ba. [37] Đợt tấn công thứ hai của quân cộng sản bắt đầu ngày 4 tháng 5 với những đợt tấn công vô 119 căn cứ, thị trấn và thành phố ở miền Nam. [38] Quận thứ tám của Sài Gòn hầu như bị san phẳng, nhưng người dân đô thị vẫn không xuống đường và tham gia cách mạng. Thay vào đó, hơn một tuần sau đợt tấn công thứ hai, ngày 13 tháng 5, quan chức Hoa Kỳ và Bắc Việt gặp nhau ở khách sạn Majestic, Paris để bắt đầu cuộc đàm phán hoà bình. Tuy nhiên, những buổi đàm phán này không đi đến kết quả và nhanh chóng bị tàn lụi.

Đợt tấn công cuối cùng của 1968, và rõ ràng là gây nhiều tổn thất nhất cho lực lượng kháng chiến, bắt đầu từ 17 tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 9. Quân cộng sản bao vây các căn cứ của Hoa Kỳ và đồng thời tấn công trên toàn miền Nam. [39] Trong khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang ở giai đoạn cuối và các cuộc đàm phán ở Paris đang gặp cản trở và rơi vào ngõ cụt, Lê Duẩn ra lệnh quân cộng sản tiến công thêm một lần nữa. Hoa Kỳ tiến hành hàng loạt những đợt oanh tạc B-52 để bảo đảm thủ đô Sài Gòn không bị quân giải phóng tấn công. Nhưng một tháng sau khi đợt tấn công thứ ba này kết thúc, tổng thống Johnson tuyên bố ngừng oanh tạc hoàn toàn và muốn bắt đầu cuộc đàm phán bốn bên giữa Hoa Kỳ, VNCH, VNDCCH và MTDTGP vào đầu tháng 11.

Nhìn tổng thể, cả ba đợt tấn công của quân cộng sản trong năm 1968 đều không đúng như mục tiêu của phe chủ chiến Bắc Việt. [40] Thay vào đó, TMT đạt được điều mà phe ôn hoà luôn mong muốn: chấm dứt căng thẳng ở miền Bắc nhờ việc Hoa Kỳ ngừng oanh tạc và bắt đầu những bước đầu của quá trình đàm phán để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Về mối quan hệ của Bắc Việt với các đồng minh, sau cuộc tấn công TMT, các bước đầu của đàm phán vẫn chưa chấm dứt sự can thiệp, dính dáng của các "ông lớn" hay đem lại cho Bắc Việt một chính sách trung lập dễ dàng hơn để đương đầu với mối quan hệ Nga-Trung. Suốt năm 1968, trong khi Liên Xô tác động để bảo đảm những cuộc đàm phán ở Paris vượt qua được những trở ngại ban đầu, thì Trung Quốc lại “nhiếc móc” việc Bắc Việt tham gia đàm phán hoà bình. [41] Vì vậy, đấu tranh ngoại giao, một lựa chọn mà phe chủ chiến e ngại trước TMT, giờ đây chiếm vị trí ngang bằng đấu tranh vũ trang. Tiếc là "những kẻ thắng" cuộc tranh cãi trong ÐLÐVN này lại không có dịp để hưởng những thành quả chiến thắng của mình. [42]


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Vụ này được gọi là "vụ Hoàng Minh Chính" vì Hoàng Minh Chính là một trong những quan chức đầu tiên bị bắt năm 1967.
[2]Tác giả phỏng vấn Bùi Tín ngày 12 tháng 4 năm 2004, Fairfax, VA; tác giả cũng phỏng vấn Hoàng Minh Chính. Cả hai đều nói rằng nếu ai không biết về những sự kiện trong năm 1963 sẽ không thể nào hiểu được VAXLCĐ năm 1967.
[3]Trước khi bị bắt, Hoàng Minh Chính đã cho lan truyền một bản báo cáo 200 trang “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam [Dogmatism in Vietnam].”
[4]Xem Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày. Để biết được danh sách toàn bộ những người bị nghi ngờ trong VAXLCĐ từ 1963 đến 1967, xem Hoàng Minh Chính “Thư ngỏ của công dân Hoàng Minh Chính [Open Letter of Citizen Hoàng Minh Chính],” 27 tháng 8, 1993, Hà Nội, và được in lại trong cuốn Mặt thật, trang 387–388 của Thành Tín.
[5]Bản sao về Hội nghị Báo chí Tình báo Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 1969, Folder 04, Box 02, DP: Unit 06, VA, pp. 1–3.
[6]Ibid, 2.
[7]“Alleged Coup d’Etat Plot in Hà Nội: 1967, December 1967,” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA. Trích đoạn từ sổ tay của một tổ trưởng tên Trường thuộc tiểu đội 11, tiểu đoàn 30 của Trung Đoàn Thủ Đô QĐNDVN, được tìm thấy ở miền Nam tháng 2 năm 1970. Đoạn trích dẫn này dựa vào một bản báo cáo mật của Lê Đức Thọ được thông qua cuối năm 1967, Trường đã ghi chép lại khi đang làm nhiệm vụ ở Hà Nội ngày 21 tháng 12 năm 1967.
[8]Nghiên cứu duy nhất nói đến sự liên quan giữa những cuộc bắt bớ và TMT là Tet! (New York: Doubleday & Co., 1971), 65–66 của Oberdorfer. Tuy nhiên, Oberdorfer, chỉ viết trong năm 1971, đã vội kết luận sai rằng nếu tướng Nguyễn Chí Thanh còn sống đến sau 1967 thì TMT đã không tàn khốc như vậy.
[9]Theo Hoàng Minh Chính, cách duy nhất để tranh luận về cuộc chiến ở miền Nam là bằng việc sử dụng chủ nghĩa Marx và Lenin qua những thuật ngữ trừu tượng.
[10]Xem Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 128.
[11]Xem Stowe, ‘“Revisionnisme’ au Vietnam,” 60–61. Xem thêm Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 108–110. Theo Gaiduk, những quan sát viên của Liên Xô đều nhận thấy rằng mùa xuân 1967, Hà Nội thay đổi lại chính sách theo hướng chiến tranh và những mối quan tâm về đàm phán hoà bình trước đó đã giảm xuống.
[12]Xem Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 130–132; và Sophie Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV và the Significance of the Anti-Party Affair, 1967–68” Journal of Cold War History 5, issue 4 (November/December 2005): 485. Những hướng mở ra sau cuộc gặp ở Glassboro đều đột ngột ngừng lại trong tháng 8.
[13]Xem “Meeting between Zhou Enlai and Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp” (April 7, 1967, Beijing), trong cuốn 77 Conversations, 100. Xem thêm Zhai, China and the Vietnam Wars, 170–171, 178. Đầu tháng 4, lãnh đạo Bắc Việt gợi ý với Trung Quốc rằng họ đang gồm cả những nhân tố "mới" vô trong "nguyên tắc chiến lược." Theo Zhai, Bắc Viện có lẽ đã thảo luận những bước đầu của cuộc TCKTKN. Ở thời điểm này, Bắc Kinh chấp thuận việc Bắc Việt tấn công trong mùa khô 1968.
[14]Xem “Meeting between Mao Zedong and Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp” (April 11, 1967, Beijing), trong cuốn 77 Conversations, 105–106.
[15]Ibid., 105.
[16]Tháng 6, 1968, trong đợt hai của cuộc tấn công TMT, Trung Quốc tỏ ra không hài lòng việc Bắc Việt tấn công các thành thị: "Những đợt tấn công vô các thành thị mới đây của các đồng chí chỉ nhằm cản trở lực lượng địch... Nhưng chúng không mang tính chất quyết định. Những người theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô cho rằng những đợt tấn công vô Sài Gòn là những đợt tấn công đích thực, và cho rằng chiến lược khống chế nông thôn để bao vây thành thị là sai lầm, và phê phán đấu tranh lâu dài. Theo ý của họ, chỉ những đợt tấn công chớp nhoáng vô các thành phố lớn là mang tính quyết định. Nhưng nếu các đồng chí làm [như vậy], Hoa Kỳ sẽ rất hài lòng vì họ có thể tập trung quân của họ để phản công lại, và gây ra tổn thất lớn hơn cho các đồng chí." Xem “Meeting between Zhou Enlai and Phạm Hùng” (June 29, 1968, Beijing), trong cuốn 77 Conversations, 137–138.
[17]Xem Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 27–29.
[18]Xem “Alleged Coup d'Etat Plot in Hà Nội: 1967, December 1967,” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA.
[19]Không chỉ Hoàng Minh Chính bị buộc tội chuyển tải tài liệu mật quốc gia cho Liên Xô, mà cả tướng Nguyễn Văn Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và chủ tịch Uỷ Ban Thống Nhất Quốc Gia, trong cuộc gặp với Đại Sứ Liên Xô Tcherbakov ngày 13 tháng 6 năm 1967 cũng đề cập đến mức độ viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt. Theo những chứng cứ mà cộng sản Việt Nam đưa ra năm 1994 trong bản báo cáo về “Hoạt động của một số thế lực thù địch và chống đối [The activities of a number of the influential hostile opposition],” có đưa ra những hoạt động của Hoàng Minh Chính như chuyển tài liệu mật cho Liên Xô và việc ông soạn những tài liệu phản bội. Để biết thêm về việc này, xem Stowe, “‘Revisionnisme’ au Vietnam,” 66; và Sophie Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party Affair, 1967–68,” Journal of Cold War History 5, issue 4 (November/December 2005): 482. Tài liệu của Đông Đức tiết lộ rằng Dương Bạch Mai lúc còn sống là người chuyển tin tức bí mật ra bên ngoài, và tài liệu của Ba Lan ám chỉ có một người cung cấp tin liên quan đến lập trường của Hà Nội và Bắc Kinh về vấn đề đàm phán hoà bình. Xem Grossheim, “Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam,” 451–452; New Central and Eastern European Evidence (see note 100), particularly Polish cyphergrams nos. 16274 and 288.
[20]Trong thời gian xảy ra những vụ bắt bớ, Hồ Chí Minh đang chữa bệnh ở Bắc Kinh, còn Võ Nguyên Giáp thì đang ở Hungary. Xem See Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 482, 484–485. Để có cái nhìn khác về vai trò của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong thời gian này, xem thêm Guan, “Decision-Making Leading to the Tet Offensive,” 346–348.
[21]Theo Bùi Tín, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng muốn cô lập Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Lê Duẩn rất hận Võ Nguyên Giáp vì Duẩn cho rằng Giáp đã cướp đi vai trò quân sự của ông ta. Bên cạnh đó, "những nhà cách mạng chuyên nghiệp" có thể cần giấu giếm nguồn gốc "giai cấp" của mình như Lê Đức Thọ hẳn có thể có những lý do cá nhân buộc phải tìm đến cách hăm doạ những kẻ khác. Xem Bùi Tín, Following Hồ Chí Minh, 32–34; và Thành Tín, Mặt thật, 187–193.
[22]Hoàn cảnh xung quanh cái chết của Tướng Nguyễn Chí Thanh tháng 6 1967 gây nhiều nghi ngờ. Theo một nguồn tài liệu, ông có thể bị chết vì bom Mỹ, vì bị đầu độc hay bị truỵ tim. Ở thời điểm đó, những nhà quan sát của Tây phương cho rằng ông chết vì bom B-52. Xem Oberdorfer, Tet!, 44. Cũng có những lời đồn rằng Lê Duẩn đã thủ tiêu Nguyễn Chí Thanh, xem Hoàng Văn Hoan, A Drop in the Ocean: Hoang Van Hoan’s Revolutionary Reminiscences (Beijing: Foreign Languages Publishing House, 1988), 420 để biết thêm. Bùi Tín trong cuốn Following Hồ Chí Minh, trang 64 đã viết rằng Tướng Nguyễn Chí Thanh chết vì truỵ tim một ngày trước khi ông quay lại miền Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Theo những tài liệu mới đây của Hà Nội, vợ của Nguyễn Chí Thanh là bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng Nguyễn Chí Thanh không chết vì truỵ tim, nhưng ông trở bệnh mà không rõ lý do đêm đó sau một ngày làm việc với nhiều cuộc họp, trong đó có buổi gặp Hồ Chí Minh. Xem thêm Nguyệt Tú, Chuyện tình của các chính khách Việt Nam [Love Stories of Elder Vietnamese Statesmen] (Hà Nội: Phụ Nữ, 2006), 68–84.
[23]Xem Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 487–488; Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam, 267–270.
[24]Xem Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 30.
[25]“Lê Duẩn to the Sài Gòn-Gia Định Zone Party Committee, July 1, 1967,” trong Lê Duẩn, Thư vào Nam, 158–188. Ở phiên họp thứ 14 tháng 1 năm 1968, Lê Duẩn nhấn mạnh rằng khả năng nắm được Đà Nẵng trong bảy mươi ngày của cách mạng trong thời
gian những cuộc khởi nghĩa là bằng chứng cho thấy đã đến thời gian chín mùi để các thành thị miền Nam tổng nổi dậy. “Bài phát biểu của Đồng chí Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam [Comrade Lê Duẩn’s Speech at the Fourteenth Plenum of the Central Committee of the VWP],” tháng 1 năm 1968, được in lại trong Văn Kiện Đảng, 29:29–31.
[26]Xem Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 30.
[27]Theo Quinn-Judge, việc Lê Duẩn muốn tập trung hơn vào một cuộc tổng khởi nghĩa ở thành thị miền Nam không phải từ vị thế bảo thủ, mà là một con đường trung lập giữa chiến lược đụng độ trực tiếp với quân đội Hoa Kỳ - VNCH và tiến hành chiến tranh du kích ở nông thôn. Quinn-Judge cho rằng so với Trường Chinh và Lê Đức Thọ, thì Lê Duẩn luôn muốn có một lựa chọn thực dụng đối với cuộc cách mạng ở miền Nam và không quan tâm mấy đến vấn đề ý thức hệ vì Duẩn muốn được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ nhiều tầng lớp trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước. Xem Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 488–490. Theo dự đoán của tôi, với cái giá đắt phải trả trong đợt hai và đợt ba của cuộc tấn công TMT, đều do Lê Duẩn chỉ đạo, cho thấy mặc dù Lê Duẩn bề ngoài tỏ vẻ muốn giảm đi những thương vong, nhưng sự ngoan cố của ông, trong khi cuộc tổng nổi dậy không xảy ra như đã tính, cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
[28]Xem Elliott, The Vietnamese War, 2:1064.
[29]Xem Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 31. BCT họp từ 24 đến 27 tháng 10.
[30]Xem Trần Văn Trà, “Tết: The 1968 General Offensive and General Uprising,” in The Vietnam War: Vietnamese and American Perspectives, 53. Xem thêm Trần Bạch Đằng, “Mậu Thân – Sau 30 Năm Nhìn Lại [1968 Tết – 30 Years Later in Retrospect],” trong
Thành Ủy-Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, VLSQSVN, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân – 1968 [The Mậu Thân General Offensive and Uprising – 1968] (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1998), 101. Theo những cuộc nghiên cứu sau cuộc chiến, vì muốn giữ bí mật nên có sự chậm trễ trong việc chuyển giao kế hoạch vô miền Nam. Đầu tiên, Hội đồng các tướng QÐND Bắc Việt đánh lạc hướng bằng việc gởi những kế hoạch giả tới các chỉ huy quân sự trên chiến trường miền Nam. Đến tháng 10, 11, để phòng ngừa kế hoạch TMT thực sự rơi vào tay địch, những người cộng sản cấp cao đóng ở miền Nam phải ra Bắc để nhận kế hoạch hay các nhân vật cấp cao của quân đội Bắc Việt phải đi vô Nam để trực tiếp chuyển kế hoạch bằng miệng. Xem Hồ Khang, The Tết Mậu Thân 1968, 53. Tuy nhiên, điều này vẫn không giải thích được sự chậm trễ trong việc chuyển giao kế hoạch vì nếu các lãnh đạo của Bắc Việt trong khi mang những chiến thuật đánh lạc hướng vô miền Nam thì có thể báo kế hoạch cho quân cộng sản ở miền Nam biết từ tháng 7.
[31]Có trường hợp ngoại lệ là Hoàng Văn Hoan bỏ trốn qua Trung Quốc năm 1979.
[32]Xem Lê Đức Thọ, “Xây dựng Đảng kiểu mới mác-xit-lê-ni-nít vững mạnh của giai cấp công nhân [Building the Party in a New Marxist-Leninist Manner That Continues Strengthening the Role of the Worker],” Học Tập 145, no. 2 (1968): 31. Xem thêm Trường Chinh, “Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi con đường Các Mác đã vạch ra [We Are Eternally Grateful to Karl Marx and the Path He Opened],” pt. 1, Học Tập 152, no. 9 (1968): 1–12; Ibid., pt. 2, Học Tập 153, no. 10 (1968): 10–53. Và xem “Notes on DRV Leaders Views on the Issues of War in the South and Reconstruction in the North: The Limited Possibility of Internal Dispute,” pp. 8–15, n.d., Folder 18, Box 01, JD, VA.
[33]Xem Quinn-Judge, “The Ideological Debate in the DRV,” 486.
[34]“Alleged Coup d’Etat Plot in Hà Nội: 1967, December 1967,” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA.
[35]Những ước tính chính thức cho thấy có từ ba đến sáu ngàn thường dân bị thương vong. Để biết thêm những phân tích đương thời về "Vụ thảm sát ở Huế" xem D. Gareth Porter và Len E. Ackland, “Vietnam: The Bloodbath Argument,” The Christian Century, November 5, 1969: 1414–1417; Douglas Pike, The Viet Cong Strategy of Terror (Saigon: US Mission, 1970), 23–42. Ngày 16 tháng 10 năm 1968, Lê Duẩn đưa ra một Nghị quyết của BCT về việc thay đổi tổ chức ở Khu Uỷ Trị Thiên - Huế. Xem “Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc kiện toàn tổ chức và lãnh đạo của Khu uỷ Trị-Thiên-Huế [Politburo Resolution: Regarding Strengthening the Organizational Leadership of the Trị-Thiên-Huế Zone Party Committee],” ngày 16 tháng 1, 1968, được in lại trong Văn Kiện Đảng, 29:478–491.
[36]Xem Elliott, The Vietnamese War, 2:1101–1119; 2:1126–1145.
[37]Xem Thành Tín, Mặt thật, 177–181.
[38]Vào thời điểm đầu của đợt hai, các vùng nông thôn rất hăng hái. Tuy nhiên, khi quân cộng sản không thể cầm cự được ở Sài Gòn cho đến tháng 5, các cán bộ quay về nông thôn và thôi không muốn đánh nữa. Xem Elliott, The Vietnamese War, 2:1113–1114.
[39]Đồng thời, BCT cho ra một Nghị quyết trong tháng 8 "Hướng đến Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa ở miền Nam Việt Nam", đây là Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết khởi đầu cuộc tấn công TMT, Nghị quyết 14. Theo Nghị quyết tháng 8, 1968, BCT tuyên bố rằng cuộc cách mạng đã giành được những lợi thế quan trọng để tiến đến cuộc TCKTKN từ khi bắt đầu cuộc tấn công TMT đầu năm. Xem “Nghị quyết của Bộ Chính Trị: Về tổng khởi nghĩa, tổng công kích ở miền Nam [Politburo Resolution: Toward a General Uprising, General Offensive in South Vietnam],” August 1968, được in lại trong Văn Kiện Đảng, 29:393–444.
[40]Đây là một thảm hoạ cho MTGPDT, mất đi 80% quân chủ lực với con số thương vong của quân cộng sản lên đến 50 ngàn.
[41]Để biết thêm về những tranh luận liên quan đến những hoạt động của Liên Xô, gồm cả việc Moscow muốn dùng Paris làm nơi để tổ chức đàm phán và giải quyết những tranh cãi “trên bàn” đàm phán vào đầu tháng 1 năm 1969, xem Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 150–193. Muốn biết thêm về việc Trung Quốc miệt thị quyết định tham gia đàm phán của Hà Nội, xem see “Meeting between Zhou Enlai and Phạm Văn Đồng” (April 13–19, 1968, Beijing), trong cuốn 77 Conversations, 123–129; “Meeting between Zhou Enlai and Phạm Hùng” (June 29, 1968, Beijing), trong cuốn 77 Conversations, 137–138; “Meeting between Chen Yi and Lê Đức Thọ” (October 17, 1968, Beijing), trong cuốn 77 Conversations, 139–140.
[42]Tháng 6 1968, những người bị bắt nhưng không chịu nhận tội để được hưởng ân xá trong VAXLCĐ đều bị chuyển đến một trại tù ở Sơn Tây, ở đây, những người này bị hành hạ và bị bắt lao động nặng nhọc cho đến khi cuộc chiến chấm dứt. Trong suốt thời gian từ năm đến tám năm bị cầm tù, những người này không được đưa ra xét xử ở toà án và không bị chính thức cáo buộc với bất kỳ tội danh cụ thể nào, ngoại trừ việc bị gọi là những kẻ phản động và phản bội. Mặc dù những người còn sống sót một số được thả ra năm 1972 và một số khác vào cuối năm 1976, nhưng họ khó hoà nhập lại với xã hội vì "lý lịch đen." Năm 1981, trước Đại Hội Đảng lần 5, Hoàng Minh Chính và tướng Đặng Khu Giang nộp đơn kêu oan. Lê Đức Thọ liền sau đó ra lệnh bắt hai ông; tướng Đặng Khu Giang đã chết trong tù vì bệnh mà không được chăm sóc y tế. Hoàng Minh Chính được thả ra năm 1987 và một lần nữa viết đơn về việc ĐLĐVN đã ngược đãi, hành hạ ông trong những năm 60 và vì vậy, Hoàng Minh Chính lại bị quản thúc tại gia trong chín năm tiếp theo đó. Đến năm 1993, Hoàng Minh Chính thảo một lá thư ngỏ gởi đến đảng và cơ quan chính phủ, nhân danh ông và những người khác bị tống giam năm 1967, yêu cầu bồi thường và buộc tội những việc làm của Lê Đức Thọ sau khi ông này đã chết. Ngày 14 tháng 6 năm 1996, Hoàng Minh Chính cuối cùng được thả sau thêm một năm nữa bị giam cầm. Xem thêm Hoàng Minh Chính, "Thư ngỏ,” được in lại trong Thành Tín, Mặt thật, 371–388.
Nguồn: Vol. 1, No. 1-2. Journal of Vietnamese Studies, published by University of California Press