trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
22.5.2003
Nguyên Nguyên
Giải pháp dùng i-ngắn thay cho y-dài
 
Hầu như những ai thích đọc sách báo chữ Việt đều biết rằng vào khoảng giữa thập niên 1960, ở Sài Gòn trở lại hiện tượng cổ súy mọi người dùng chữ I (i-ngắn) thay cho chữ Y (y-dài). Thí dụ thông thường người ta viết "tôi có yêu một người đàn ông Mỹ", những người thích i-ngắn sẽ viết: "tôi có iêu một người đàn ông Mĩ".

Người cổ vũ mạnh mẽ nhất là nhà văn Nguyễn Hữu Ngư. Ông này mê cái mốt i-ngắn dữ dội đến độ dùng bút hiệu thường trực là Nguiễn Ngu Í. Nguyễn Ngu Í chơi thân với học giả Nguyễn Hiến Lê cho nên chẳng bao lâu sau, người ta thấy học giả họ Nguyễn tiếp tục lăng xê mốt i-ngắn. Và từ khoảng thập niên 1970 cho đến cuối đời, các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đều được in với các từ dùng y-dài thành ra i-ngắn hết. Chỉ trừ họ Nguyễn của tiên sinh không thấy thay đổi chữ Y ra I (Nguiễn) thôi.

Thật ra cái mốt i-ngắn này đã xuất hiện từ lâu, cả thế kỉ trước. Người đầu tiên có tên tuổi lăng xê mốt i-ngắn chính là Paulus Huình Tịnh Của - một trong những cộng sự viên đắc lực của Petrus Trương Vĩnh Ký trong việc viết bài vở và điều hành tờ báo dùng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước Nam: Gia Ðịnh Báo (khai sinh năm 1865). Sau đó Phạm Quỳnh với Nam Phong tạp chí - qua nhiều tác phẩm được tái bản bên ngoài Việt Nam trong vài năm gần đây - cũng rất thích dùng i-ngắn thay cho y-dài.

Sở dĩ nhiều người thấy khó chịu "ngứa tay" trước tình huống y-dài bởi lẽ, trừ một vài trường hợp ở cuối từ, y-dài có phát âm y hệt như i-ngắn. Y-dài trong quốc ngữ đã bị các tác giả Bồ Ðào Nha và Pháp "vô hiệu hoá" âm Yờ như trong hầu hết các sinh ngữ trên thế giới: Yes, Yell, Yesterday, Yoga, Yul Brynner, Yahoo, Yamaha, Yashika, Fuji-yama, Yang Gui Fei (Dương Quí Phi), Yan Bo (yêm bác, sau này thành uyên bác), Yang Guo (Dương Qua)... Ðứng đầu từ, y-dài phát âm Y hệt như I: "Tôi yêu tiếng nước tôi", yên phận thủ thừa, yếm thế, Yên Bái… đều có thể viết và đọc i hệt: Tôi iêu, iên phận, iếm thế, Iên Bái…

Thành ra bất cứ những nhà thẩm quyền nào về tiếng Việt cũng khó bài bác hoặc "ra lệnh" dẹp cái mốt chữ i-ngắn này đi. Lúc nào cũng có những nhà văn, những nhà nghiên cứu thích dùng i-ngắn thay cho y-dài. Con số những người thích dùng i-ngắn này không nhiều nhưng cũng vừa đủ để những người thích đọc sách báo không khỏi tránh được để í: "À, tác giả này thích dùng i-ngắn đây". Thêm một quan sát: rất ít khi thấy một nhà văn phái nữ thích dùng i-ngắn thay cho y-dài.
Mốt thay Y bằng I luôn luôn vẫn âm ỉ từ xưa đến nay. Từ lúc chữ quốc ngữ được phát triển mạnh mẽ ở cuối thế kỷ 19 cho đến thế kỉ 21 hiện tại. Một số người thích, nhưng có vẻ đa số người đọc lẫn người viết đều không mấy thích cái mốt này. Lý do dùng để hỗ trợ cho sở thích dùng i-ngắn rất ít, nhưng có rất nhiều lý lẽ để bài bác việc dùng i-ngắn thay y-dài.

Lý do hiển nhiên nhất để không dễ chấp nhận i-ngắn ngoài chuyện thấy nó "kỳ kỳ" nằm ở chỗ i-ngắn không thể hoàn toàn thay thế cho y-dài. Ai muốn chỉ trích i-ngắn rất dễ. Chỉ cần đem ra tên của người ca sĩ có gốc "Bến Ngự Sông Hương" là xong. Nếu đổi Y thành I chắc phải gọi tên ca sĩ Thanh Thúy thành Thanh Thúi sao? Nhỡ Thanh Thúy có than phiền hay đi kiện cáo thì làm sao đây? Ngoài Thúy ra còn những tên đẹp khác như Thủy, như Thùy, như Súy v.v…, nếu phải dùng i-ngắn xem ra không được ổn chút nào hết: Thủi, Thùi, Súi…

Do đó, cộng với tính bảo thủ sẵn có đối với ngôn ngữ - nhất là trong tiềm thức "di truyền" ngàn đời đã quá mệt mỏi với tính cách lộn xộn, thiếu điển chế của chữ Nôm (một loại chữ thiếu tiêu chuẩn đánh vần, mạnh ai nấy viết) - lúc nào việc "truyền bá" mốt i-ngắn cũng bị hãm bớt lại. Những người thuộc trường phái của mốt-i cũng không chịu thua. Họ thường trích dẫn quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu của học giả Dương Quảng Hàm, trong đó họ Dương có viết đại khái rằng dùng I thay cho Y cũng không sao. Tuy nhiên, ta cũng có thể nhận thấy có một số từ không thể được tự do thay thế qua lại giữa Y và I. Thí dụ:
"Lý do" có thể thay bằng "Lí do", nhưng "Nói lí nhí" khó được thay bằng "Nói lý nhí" hay "Nói lý nhý".
"Trí tuệ" không thể thay bằng "Trý tuệ" mặc dù âm hưởng hoàn toàn như nhau.
"Con chí" không bao giờ viết bằng "con chý".
"Ý chí" rất khó viết thành "Í chý"

Ta cũng để ý âm i, âm í gần như dùng để chỉ cái gì nho nhỏ: nhỏ li ti, nói năng lí nhí, viên bi, nhi đồng, đào nhí, vi khuẩn, phép tính vi tích phân, ông Phụng nhí (để phân biệt với một ông Phụng khác lớn tuổi hơn, hoặc to con hơn).

Vấn đề then chốt của i-ngắn tựu trung vẫn là thay cho Y trong vị trí cuối của một số từ như Thúy Kiều, "suy đoán", "thấy" v.v... Nan đề này xưa nay vẫn chưa được trường phái i-ngắn giải quyết ổn thoả. Sau đây xin đề nghị một giải pháp dùng i-ngắn hoàn toàn thay cho y-dài. Y đứng trước từ hoặc đứng cuối từ đều có thể được thay thế bằng I.

Trước hết thử quan sát một vài nguyên âm đôi ("nhị trùng âm") như "ươ" trong từ như "hướng" hay "hưởng". Thử để ý ảnh hưởng của vị trí dấu sắc hoặc dấu hỏi trên chữ Ư hay Ơ. Dấu nằm ở đâu trên các nhị trùng âm?

Nếu dấu nằm trên Ư, "hướng" sẽ đọc ra "hứ-ơng" chứ không phải "hư-ớng". "Hứ-ơng" có dấu trên Ư có vẻ âm sắc không sâu bằng dấu trên Ơ ("hư-ớng") và chỉ nghiêng về sắc hơn "hương" không dấu một chút ít thôi. Do đó âm "hướng" thật sự đọc ra "hướng" chính nhờ phần lớn ở dấu đặt trên chữ Ơ đi sau chứ không phải trên Ư đi trước. Tuy nhiên sự phân biệt này chỉ có thể nhận ra một bảy một mười thôi.

Tương tự ta có thể thử nghiệm các âm đôi như "Phường" thành ra "Phừ-ơng" và "Phư-ờng". "Tượng" thành ra "Tự-ơng" và "Tư-ợng". "Thưởng" ra "Thử-ơng" và "Thư-ởng". Ta sẽ thấy ngay có một khác biệt nhưng rất ít. Dấu để vào âm sau của nhị trùng âm vẫn "đúng" hơn so với đặt trên âm trước. Trên Ơ đúng hơn trên Ư. Nhưng nếu có đánh sai chỗ cũng không sao. Thật chính xác: âm phát tùy vào vị trí của dấu trên nhị trùng âm của tiếng Việt.

Áp dụng quan sát này với các nhị trùng âm tận cùng bằng Y như "Thúy", "Thủy", "Thùy mị", "Tùy nghi", ta để í khác với nhị âm ƯƠ nhị âm UY thông thường có dấu đánh trên âm đi trước: "Thúy", đánh sắc trên U chứ không trên Y. Ðó chính là điểm mấu chốt trong nan đề i-ngắn. Ðó cũng là một điểm rất ngẫu nhiên và trớ trêu bởi nó ẩn mình trên chính tên người cổ suý trường phái chữ-i: dấu nó nằm chình ình ngay trong tên Í của nhà văn Nguiễn Ngu Í.

ÐÁNH DẤU TRÊN NGAY CHỮ I SẼ GIẢI QUYẾT ÐƯỢC VIỆC THAY THẾ CHỮ Y Ở CUỐI TỪ BẰNG I-NGẮN.

"Thanh Thúy" nếu muốn thay Y phải viết "Thanh Thuí"

Tương tự:

Thủy (nước) theo mốt-i sẽ viết: Thuỉ
Thùy mị => Thuì mị
Trọng Thủy => Trọng Thuỉ
Mày tao => Maì tao
Cổ xúy => Cổ xuí
Tủy sống => Tuỉ sống
Tùy nghi => Tuì nghi

Thế còn những từ như "Suy đoán", "Tuy nhiên", thì sao? Thay Y bằng I ở cuối nhị âm không dấu vẫn bị mất hiệu quả, "Suy" thành "Sui".

Nhớ ngày xưa đi học tiểu học các Thầy các Cô thường gọi Y là Y-cà-réc (Y-grecque - Y của tiếng Hy-Lạp). Ngày nay người ta thường gọi nó là Y-dài, hay I-dài. Dài thế nào? Dài hơn I là đủ. Dài nhưng đủ sức "khoá" lại nguyên âm nằm trước nó.

Do đó khi gặp phải một âm cuối Y của một từ không dấu, muốn thay Y bằng I người ta cần đến hai chữ I viết liền nhau: Y thay bằng II.

Suy đoán => Suii đoán
Tuy nhiên => Tuii nhiên
Say sưa => Saii sưa
Thay thế => Thaii thế
Bệnh SARS hay lây => Bệnh SARS haii lâii
May mắn => Maii mắn

Tóm lại, muốn thay y-dài bằng i-ngắn ở cuối từ:
Nếu từ có dấu: chuyển dấu qua chữ I nằm ở cuối
Nếu từ không có dấu: thay Y bằng hai chữ I viết kế nhau.

Thí dụ thêm:
Sức mấy => Sức mâí (Ðể ý trong Mâí có hai dấu, dấu mũ ^ dành cho a và dấu sắc dành cho i).
Nay mai => Naii mai
Hay quá => Haii quá

Vẫn còn một trục trặc, một lổng chổng. Ðó là trục trặc với truyền thống văn hoá người Việt.

Trục trặc ở từ "Yêu" viết thành "Iêu" có lẽ không quan trọng lắm. Bởi có "yêu" thì cũng có "không yêu" theo kiểu Nhị Nguyên của nhà Phật, hoặc "hết yêu", hay "yêu rất nhiều người". Hay trong lúc "đang yêu" chợt thấy người mình yêu đôi khi cũng giống như "yêu", như "quỷ". Tức nếu đổi "Yêu" ra "Iêu" có vẻ không va chạm đến nền tảng văn hoá, vì theo thông thường "Yêu" rất khó mang nghĩa tuyệt đối và luôn luôn có thể dùng những từ khác để thay thế (như "Thương", "Mến", "Mê mệt"… chẳng hạn).

Nhưng có một điểm lổng chổng khác nằm trong cốt lõi của văn hoá nước Việt. Ðó là "Thầy", một từ hàm chứa nhiều truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa. "Thầy" nằm ngay trong trục "quân sư phụ" của hệ thống Khổng Mạnh và cũng là từ dùng để gọi Thân phụ (Cha) trong nhiều gia tộc - nhất là ở phía Bắc. Theo mốt i-ngắn "Thầy" sẽ được viết thành "Thâì". Nó kỳ kỳ làm sao.

Người ta có thể thấy 3 điểm chính khiến những người "iêu i-ngắn" có lẽ phải khựng lại:

– Qua kinh nghiệm "mạnh ai nấy viết tả-pín-lù" của chữ Nôm trên 1000 năm, bất cứ khuynh hướng mới mẻ nào trong chữ quốc ngữ cũng đều bị nghiệm xét kĩ lưỡng.

– Thật ra i-ngắn và y-dài cho dù mang âm vận như nhau cũng không thể luôn được tự do hoán chuyển lẫn nhau. Không thể viết "Í Chý", "Con Chý", "Lý lắc", "Trý tuệ", "Lý nhí", "Thý dụ", v.v… Hoặc viết ra thấy nó làm sao âí: "Lí trí", "Í chí", "Ỉ lại" v.v…

– Ðặc biệt các nhà văn nữ phái có vẻ không thích i-ngắn thế y-dài.


Mặc dù một giải pháp đã được đưa ra trong bài để i-ngắn hoàn toàn thaii thế được y-dài - với hi vọng y-dài sẽ có thể thong thả trở về vị trí của d-ta (như "yuiên yáng", "yung nhan", Hoàng Yung, "anh yũng"…) - một iếu tố thứ tư liên hệ đến văn hoá cổ truiền trong thí dụ về "Thầy" đã đưa đến một iêu cầu nho nhỏ: Xin hãy cố giữ lấy chữ Y.

© 2003 talawas