trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
1.3.2007
Xuân Hoàng
Thực chất tư tưởng chống Đảng trong thơ Lê Đạt
 
Việc đấu tranh chống những tư tưởng sai lầm trong văn nghệ gần đây trên các báo chí đã có những tiếng vang sâu rộng trong nhiều từng lớp độc giả, trong đó có nhiều anh chị em làm công tác và sáng tác văn nghệ trẻ ở các địa phương là những người đang đặc biệt chú ý theo rõi cuộc đấu tranh tư tưởng đó.

Qua sự trao đổi ý kiến với một số anh chị em trẻ gần đây cũng như qua sự chú ý theo rõi phong trào văn nghệ ở địa phương chúng tôi từ trước đến nay, kết hợp với việc rút ngay những kinh nghiệm ở bản thân, tôi muốn phát biểu một số ý kiến về “thực chất tư tưởng chống Đảng trong thơ Lê Đạt”.


*


Có thể nói Lê Đạt là người lớn tiếng la hét nhất trong nhóm hô hào “chống công thức, đi tìm cái mới, đề cao thành thực của nghệ sĩ” mà bài thơ “Mới” đăng trong Giai phẩm mùa Xuân là cả một bản tuyên ngôn. Bài thơ đó, cũng như một số bài lệch lạc khác trong các báo Nhân vănGiai phẩm vừa ra đời đã bị ngay những ý kiến đúng đắn đấu tranh, phê phán, nhưng trong một phạm vi nào đó nó cũng đã làm cho một số độc giả mắc lừa cho Lê Đạt là có “tìm tòi nghệ thuật” .

Chính tôi, trong một cuộc nói chuyện văn nghệ ở một tỉnh nhỏ, sau khi phân tích những tác hại của báo Nhân văn, tôi lại nói rằng:

“Riêng cá nhân tôi, tôi không đồng ý với toàn bài thơ ‘Nhân câu chuyện mấy người tự tử’ nhưng tôi cho câu “Đem bục công an đặt giữa trái tim người” trong bài thơ không có gì đáng đả kích để đến nỗi báo Tiền phong đem ra riễu cợt, vì ở đây tác giả chỉ muốn nói là “đừng nên máy móc, chụp mũ trong khi nhận xét hay phê phán một người nào, một việc gì đấy thôi.” (Ngoài ra còn có một điều tôi đã nghĩ nhưng tôi chưa nói ra là trong thâm tâm, tôi cũng cho Lê Đạt biết tìm tòi nghệ thuật, đã chọn được một hình ảnh táo bạo và hấp dẫn.)

Ngày nay, dưới ánh sáng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và những tư tưởng chống Đảng chống chế độ, tôi tự kiểm tra mình kỹ hơn, thấy được những nhận thức mơ hồ trước đây của tôi và của một số bạn bè trước cái chiêu bài “tìm tòi cái mới” của Lê Đạt mà tôi cho là có những dã tâm rất nguy hiểm.

Thực chất “cái mới” của Lê Đạt chỉ là cái mới trống rỗng, cái mới theo lối “Hãy đi mãi” của Trần Dần và “In dấu chân” của Hoàng Cầm vì đó chỉ là những lời hô hào huênh hoang, khuyến khích một sự phá vỡ cái trật tự xã hội mới để thỏa mãn cái chủ nghĩa cá nhân vô chính phủ, vô trách nhiệm để đạt được mục đích chống Đảng chống chế độ mà thôi. Về điểm này trong bài báo “Một bước đi lạc nguy hiểm: tập sách Giai phẩm mùa Xuân”, anh Nguyễn Đình Thi đã phân tích khá sâu sắc, ở đây tôi chỉ muốn trao đổi với các anh bạn trẻ của tôi nói trên về các điểm:
  • Không bằng lòng với thực tại mà mình cho là đầy rẫy công thức cũ kỹ;

  • Cho Lê Đạt đã sôi nổi và thành thật trong việc đấu tranh tìm cái mới;

  • Cho những hình ảnh có dụng ý tìm tòi nghệ thuật trong thơ Lê Đạt là táo bạo, hấp dẫn.
Qua một số sáng tác và qua bài tự giới thiệu về Mai-a-kốp-ski của Lê Đạt gần đây, ta thấy cái nhân sinh quan của Lê Đạt đượm nhiều vị chua cay hằn học, thông qua một cái thế giới quan đầy màu sắc u ám. Lê Đạt bực dọc hằn học với cái thực tại mà Lê Đạt vu cho là có nhiều xấu xa đen tối quá. Tôi cho đó là một lối nhìn không trung thực, hoàn toàn xuyên tạc.

Cuộc sống của chúng ta hiện nay có nhiều khó khăn, cái đó có, nhưng nó vẫn tỏa một cái chân lý không thể chối cãi được là, dưới ánh sáng của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo, hiện có hàng chục triệu bàn tay và khối óc đang ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu lao động không ngừng trên mọi lĩnh vực để làm cho đời sống của mình ngày càng đẹp đẽ, tươi sáng hơn. Đó là cả một thực tế căn bản tốt đẹp. Những cái xấu xa đen tối đã và đang bị đánh bại dần, những cái tươi tốt lành mạnh đang được vun xới, bồi dưỡng lên. Người nghệ sĩ chân chính có nhiệm vụ phản ánh và ca ngợi sự đấu tranh to lớn đó của quần chúng, phát huy những thắng lợi của quần chúng và vạch ra những xấu xa còn lại, nhất là những tư tưởng đồi trụy, phản động tư sản cùng quần chúng tiếp tục đấu tranh tiêu diệt chúng.

Nhưng Lê Đạt và nhóm Nhân văn không làm thế. Lê Đạt đem con mắt của giai cấp đang xuống dốc để nhìn xã hội ta, vu khống cho là “công thức” ngột ngạt, định đem tư tưởng phản động thế cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Cũng như những loại vi trùng kinh niên quen chống đỡ với các loại thuốc sát hại chúng, bệnh cá nhân vô chính phủ trong con người Lê Đạt ngày càng tinh vi, “khôn ngoan”, luôn tìm cách lẩn tránh hoặc ngụy trang dưới hình thức này hay hình thức nọ để lừa phỉnh mọi người. Dán một cái nhãn hiệu “yêu thương nhân dân, yêu thương giai cấp”, thơ văn của Lê Đạt đã bộc lộ rõ rệt tư tưởng của một kẻ khinh quần chúng, muốn tỏ ra mình tài giỏi, có khả năng lãnh đạo quần chúng mà không được Đảng tin dùng:

“Tôi muốn Đảng gọi tôi đến nơi
Hội ý về cuộc sống,
Điều động tôi vào bộ tâm hồn quần chúng
Giúp Trung ương xây dựng những con người”.

Nhưng dù cú có mượn lông công để phủ lên mình, thực chất của nó vẫn là con cú. Những lời lẽ huênh hoang đó không che giấu nổi cái tư tưởng phản bội, cái dã tâm chống Đảng bên trong. Cái “mới” mà Lê Đạt đưa ra sau những lời tuyên bố trịnh trọng đó, người có suy nghĩ một chút đã cảm thấy ngay có một cái gì “bất chính, lừa lọc” “bịp bợm” đằng sau đấy rồi. Rồi càng đọc kỹ, cái cảm đó dần dần chuyển thành cái căm, cái giận, một khi người đọc nhận rõ được chân tướng của sự lừa lọc dối trá ẩn nấp sau cái chiêu bài lòe loẹt đó. Và người ta biết rõ sau những câu thơ trên, cái dã tâm của Lê Đạt là vu khống Đảng ta không biết giáo dục hướng dẫn tâm hồn quần chúng, chỉ những kẻ như Lê Đạt mới làm được việc đó. Cái mới xưa nay bao giờ cũng dễ thôi thúc con người nghĩ đến nó, tìm tòi và phát triển nó.

Đòi hỏi cái mới, đòi hỏi sự sáng tạo là điều đáng hoan nghênh, đáng khuyến khích; nhưng ở đây, “cái mới” mà Lê Đạt đưa ra chỉ gieo rắc sự hoài nghi, tính hiếu thắng, lòng tự đại, ngược với yêu cầu của quần chúng. Hơn nữa Lê Đạt còn hô hào lật cái “cái cũ”, nhưng cái “cũ” đây trong mắt Lê Đạt và những người viết Nhân văn–Giai phẩm, lại là cả cái xã hội cách mạng của chúng ta!

Trong bài thơ “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, Lê Đạt oán trách cuộc sống ở miền Bắc, kiêu ngạo và thách thức:

“Lịch sử luôn luôn duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời”

Cứ như vậy, bài này qua bài khác đã hình thành một loại sáng tác “Made in Lê Đạt”, cũng có thể nói “Made in phản bội” mà quần chúng đã la ó và lịch sử sẽ chà đạp không một chút mảy may thương xót.

Tôi trở lại vấn đề “tìm hình ảnh” trong thơ Lê Đạt.

Xuất phát từ một lối nhìn chứa chất ác ý đối với cuộc sống chung quanh, những hình ảnh gọi là “tìm tòi” của Lê Đạt cũng là những hình ảnh độc địa.

Cái tà thuyết của Lê Đạt cứ luẩn quẩn như con rắn nguy hiểm trườn hết cây này sang hốc đá nọ, luôn luôn kiếm cách ngóc cổ lên phun nọc độc vào những người nhẹ dạ, dễ nhầm lẫn. Nó mê hoặc, nó vuốt ve, khi tỏ ra hùng hồn hăm hở, khi trở lại năn nỉ than van, khi mượn những nhân vật gần gũi quanh ta để giãi bày tâm sự, khi nấp dưới uy tín của những bậc thiên tài đàn anh để xuyên tạc đay nghiến hoặc hô hào.

Trong bài thơ “Đụng long mạch”, Lê Đạt đã gán cái triết lý “người hùng” của mình vào hành động đào giếng chống hạn của một cặp vợ chồng nông dân trẻ tuổi. Nhưng Lê Đạt dựng lên khung cảnh một địa phương đang bị hạn hán, có cán bộ về khuyên đào giếng nhưng vì sợ bị “đụng long mạch” nên các cụ nhất định không nghe. Sau đó vợ chồng anh Ân đêm về bí mật bàn với nhau lén lút đem cuốc ra vườn đào giếng, đến sáng hôm sau bà con thức dậy thấy “mạch nước đùn lên nước phun loang loáng”, và từ đấy cả làng noi gương vợ chồng anh đào giếng chống hạn khắp nơi.

Câu chuyện là một hiện tượng có thể có thực trong cuộc sống. Nhưng với Lê Đạt, đây không phải là vấn đề ca ngợi sự lao động, mà trùm lên toàn bộ câu chuyện, Lê Đạt đã dụng ý đưa ra cái triết lý “chống công thức” với một lối nhìn trịch thượng, khinh quần chúng ra mặt. Lê Đạt hết lời khen ngợi vợ chồng Ân – những “anh hùng” trong câu chuyện qua cái nhìn của Lê Đạt đã “dám cả gan đánh bốc với cái già nua cũ kỹ của cuộc đời”.

Lê Đạt đã kêu ầm lên một cách hậm hực rằng:

đã có

“Những con người ụ
Ềnh ra cản đường”

và Lê Đạt hô hào:

“Cần biết bao nhiêu
Những cái đầu táo bạo
Dám nghĩ, dám làm,
Không nô lệ chung quanh”

Với những lời lẽ hùng hồn như thế, Lê Đạt làm như xã hội chúng ta đang sống là cũ kỹ, lạc hậu lắm rồi, là công thức, gò bó lắm rồi, không còn có đất để những cặp trai gái như vợ chồng anh Ân phát huy khả năng lao động của họ, Lê Đạt làm như quần chúng đã bị tê liệt, “rũa tròn” đi cả rồi không còn sức để “xua tan những bóng tối cuộc đời”, không, cái cá nhân phản phúc đã che mắt Lê Đạt đi đấy thôi. Quần chúng của ta đang tiến mạnh như vũ bão, đang được phát huy cao độ những tài năng, những sáng kiến của mình trong xưởng máy, trên đồng ruộng, ngoài thao trường. Hàng ngày, báo chí thường đăng biết bao tin sáng chế phát minh, bao gương thi đua sản xuất mà Lê Đạt cố tình không chịu thấy, không chịu hiểu đấy thôi. Cái lớp quần chúng đã làm ra được “những ngày Điện Biên Phủ”, lớp quần chúng đó sẽ làm nối lại nay mai đường xe lửa Hà Nội – Sài Gòn để tiếng hát của những đoàn văn công của chúng ta càng được sức ngân lên bên kia các bờ song Đồng Nai và Cửu Long. Còn đối với những kẻ như Lê Đạt và nhóm Nhân văn–Giai phẩm cố tình đẩy họ đi vào con đường chống Đảng chống chế độ thì không những quần chúng “đắp ụ cản đường” mà còn đẩy cho gục xuống. Trên kia là cái nhìn của Lê Đạt về quần chúng lao động.

Còn đây là cái nhìn của Lê Đạt về Đảng. Đó là:

… “lưng con rồng,
Ai đào giếng động vào long mạch
Thì phải tội mù hai con mắt
Cả nhà hộc máu chết tươi”

Và nhay đi nhay lại ý đó một cách dọa dẫm:

“Long mạch này mà đứt
Cả nhà không thoát một người”

hoặc:

“Long mạch hôm nay rung chuyển,
Phen này rồi chết cả nhà”.

Trong khi Đảng là sự kết tinh cao độ của giai cấp công nhân, là đội quân tiền phong trong việc cải tạo và xây dựng con người thì Lê Đạt đã xem Đảng như một “thứ ngáo ộp” tác oai, tác quái, luôn luôn tìm cách đem lại sự hành phạt cho con người.

Qua Lê Đạt, Đảng chỉ là một mớ bảo thủ, cũ kích nhưng hễ ai động đến đề nghị lên một sự thay đổi sửa chữa nào thì phản ứng, trở lại hăm dọa, mắng mỏ và trù yểm. Vì nuôi trong lòng những dã tâm đen tối nên Lê Đạt dùng mọi lời mọi hình ảnh độc ác nhất để vu khống Đảng, trong khi đối với một người phản phúc như Lê Đạt, Đảng vẫn không ngừng giáo dục và tha thứ, cố nhiên không thể mở rộng lòng dung thứ mãi được.

Cũng chỉ vì cái nhìn đó mà Lê Đạt đã nhìn lệch Mai-a-kốp-ski trong khi giới thiệu nhà thơ vĩ đại của giai cấp vô sản chúng ta. Lê Đạt cho Mai-a là một thiên tài bị vùi dập, bị thành kiến trong thời đại ông ta đã sống vì tính chất đấu tranh bốc lửa trong thơ của ông đã “đụng chạm” đến một số người “tai mắt” thời bấy giờ. Bằng một giọng bùi ngùi, Lê Đạt kể lể:

“Những thành kiến, những lời eo sèo nó day dứt, nó tàn phá những khả năng của anh (chỉ Mai-a – lời của người trích) nó bôi mực lên những ngày trong sáng nhất của đời anh, nó gặm nhấm đời anh như một chất a-xít, và trong một phút yếu đuối nào (những phút yếu đuối thường thấy trong đời của một nghệ sĩ), nó đẩy anh đến những kết luận tuyệt vọng”.

Ở đây, tôi không muốn nói đến cái thái độ tự tôn mình lên một cách không biết xấu hổ qua lối xưng hô với Mai-a của người viết lời giới thiệu Mai-a, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sự xuyên tạc trắng trợn về sự thực là Mai-a không hề đả kích Đảng và Đảng không bao giờ đả kích Mai-a mà chỉ là kẻ thù của Đảng đả kích Mai-a mà thôi. Ngoài ra lời giới thiệu của Lê Đạt còn cố gây cho người đọc cảm tưởng rằng chính người viết lời giới thiệu cũng đang ở trong một cảnh huống với người được giới thiệu, rằng ở cái xã hội này nhiều thiên tài như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt… vẫn bị dập vùi.

Sự thực có phải thế không? Sự thực, Mai-a có bị đánh giá quá sai trong thời đại Mai-a đang sống không? Và trong sự thực Lê Đạt có phải là một thiên tài bị xã hội ruồng bỏ không? Về điểm thứ nhất, Lê Đạt đã tự mâu thuẫn với mình khi chính Lê Đạt dẫn chứng câu nói của Lê-nin và của Sta-lin đặt chỗ ngồi cho đúng của Mai-a trong lịch sử nền văn học Xô-viết trẻ tuổi. Có một số người đã đánh giá sai Mai-a thực, nhưng số người đó có tiêu biểu được cho tiếng nói của Đảng, của quần chúng, của chính nghĩa không hay chính trong đó lại có kẻ thù của chế độ là bè lũ Tơ-rốt-skít và Bu-kha-ri-nít? Lê Đạt vin vào số người đó để kêu rằng chính những thành kiến trong cuộc sống đã tàn phá những khả năng của Mai-a, “đẩy Mai-a đến những kết luận tuyệt vọng”. Đến đoạn cuối bài tựa, Lê Đạt nhấn mạnh vào cái chết của Mai-a và tỏ ra rất cảm động trước cái chết mà Lê Đạt cho là có nhiều uẩn khúc đó. Sau đó Lê Đạt lớn tiếng hô hào chúng ta hãy sống cho xong “khoản sống” của Mai-a. Tôi không bàn đến ở đây nguyên nhân cái chết của Mai-a vì đây chưa phải là trọng tâm vấn đề (trong cái chết đó dù sao về phần Mai-a vẫn có cái khuyết điểm của ông), tôi chỉ muốn nêu lên ở đây cái dụng ý nguy hiểm của Lê Đạt là tự cho mình như một người “đồng hội, đồng thuyền” với Mai-a, có nhiệm vụ “kế tục sự nghiệp” đấu tranh cách mạng bằng nghệ thuật mà Mai-a còn để lại trên đường. Ấy, Lê Đạt tự bịp mình và bịp người đấy thôi. Mai-a là người luôn luôn bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Lê Đạt là kẻ luôn luôn nuôi dã tâm chống Đảng chống chế độ. Thì sao mà “đồng điệu tâm hồn (!)” được. Mai-a đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của ông rồi. Mai-a không cần những người lợi dụng Mai-a – mà thực chất tư tưởng đối lập với tư tưởng chủ nghĩa xã hội chói lọi của Mai-a – để lòe quần chúng như loại Nhân văn–Giai phẩm đâu. Không! Không thể có sự nhầm lẫn như thế được: Lê Đạt là Lê Đạt, mà Mai-a là Mai-a, ánh sáng con đom đóm trong vườn không phải là ánh sáng của ngôi sao hỏa tinh lấp lánh ở cuối đỉnh trời đàng kia đâu.

Cũng vẫn cái nhìn đó, trong một triết lý đó, Lê Đạt đã gửi gắm tâm sự mình vào bài thơ “Con búp bê” đăng ở báo Văn số 26 ra vào đầu 11-57 sau khi tư tưởng Nhân văn đã bị đập mạnh tơi bời.

Qua bài thơ đó, Lê Đạt kêu gọi tình thương đối với những gì bị vứt ra ngoài lề xã hội.

“Chỉ một phút yêu thương
Cũng có thể trả về cuộc sống”

Ở đây, ta thấy cái ồn ào hăng hái lúc đầu đã được thay thế bằng những lời than vãn trách móc có lẽ vì những tư tưởng bốc lửa của “người hùng” trong Lê Đạt cũng đã bắt đầu cảm thấy cái lạc điệu, sự cô đơn trong cuộc sống lớn lao đang cuồn cuộn xuôi giòng quanh mình. Nhưng không phải nó đã chịu ngã. Nó vẫn kiếm cách ngoi lên, tranh thủ sự đồng tình của những người còn ủng hộ hoặc chưa ghét bỏ nó. Nó đòi hỏi những “hơi thở” đồng điệu tiếp sức để lại vùng lên, sống lại, hoành hành. Thực chất của nó vẫn là sự phản kháng ngoan cố. Con lằn xanh bị nhát chổi đánh rơi văng xuống góc sân, một khi chưa chết hẳn, bao giờ cũng kiếm cách ngoi lên, trở lại đưa vòi ra hút nhụy vàng của bông hoa cải. Tư tưởng chống Đảng trong Lê Đạt cũng thế, qua bài “Con búp bê” ta thấy nó đã bị thương rồi, đã tay cụt bụng rách rồi, nhưng nó vẫn có giá trị dưới mắt Lê Đạt, nó vẫn còn được Lê Đạt vuốt ve, thương yêu, kiếm cách làm sống lại để tiếp tục tấn công tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ở đây nó không hùng hổ, dõng dạc như loại người hùng trong “Hãy đi mãi”, hoặc hiên ngang một cách lãng mạn như loại người hùng trong “In dấu chân”, ở đây, khôn ngoan hơn, nó nhỏ nhẻ ngọt ngào kêu gọi lòng thương của những người trước đây đã từng yêu nó. “Búp bê” ạ, cuộc sống này rất giàu tình thương – vì giầu tình thương nên chúng ta làm cách mạng – nhưng tình thương đó để dành cho những ai cùng đứng về một phía, cùng đi trên một con đường, cùng nuôi những khát khao, nguyện vọng lành mạnh, chớ nhất định nó không để dành “một chút” nào cho những kẻ muốn đi ngược lại con đường cách mạng mà loài người đang đi, muốn tự tôn mình lên làm vua làm chúa cuộc đời.

Xã hội chúng ta không vứt bỏ một khả năng nào “ngoài vệ đường” nếu khả năng đó, qua một thời kỳ sai lầm về tư tưởng biết nhận lại phương hướng, cùng nhập vào sự cảm nghĩ, sức lao động chung của khối người đông đảo đang tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa gian khổ nhưng vinh quang trước mắt.

Chúng tôi trong một vài lần ra Hà Nội được biết rõ Lê Đạt là một trong những kẻ phất cờ tập hợp lực lượng để ra các tập Giai phẩm và báo Nhân văn. Trên báo Nhân văn Lê Đạt là kẻ đã cùng Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy quyết định đăng tất cả các bài, đã sửa chữa thêm bớt những bài phản động nhất kể cả bài xã luận chính trị kêu gọi chống Đảng chống chế độ. Chúng tôi lại được biết Lê Đạt sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa, lại làm thêm bài thơ “Cửa hàng Lê Đạt” lén lút đưa cho nhà Minh Đức xuất bản nhưng bị anh em công nhân nhà in chặn lại. Không in được thì Lê Đạt tìm cách phổ biến bí mật cũng như tất cả những thơ “bí mật” chống chế độ của Phan Khôi và đồng bọn. Điều đó càng chứng tỏ “thực chất tư tưởng chống Đảng trong thơ Lê Đạt”.

Đã đến lúc, cùng với việc chống đầu cơ tích trữ về kinh tế, phải lột mặt nạ những kẻ đầu cơ về văn nghệ để chống Đảng chống nhân dân.

Đã đến lúc những tư tưởng phản động có hệ thống của Lê Đạt và của nhóm Nhân văn–Giai phẩm phải được phê phán triệt để.

Bước ngoặt của lịch sử đã đi đến chỗ rẽ quyết định của nó: hoặc đi theo giai cấp công nhân tiến lên xã hội chủ nghĩa, hoặc đi theo chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy ngược lại giòng tiến hóa của cách mạng để đi đến cái huyệt cuối cùng của nó.

(Xuân Hoàng - Hội sáng tác Văn nghệ Liên khu IV)

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 11, tháng 4 năm 1958 - Số đặc biệt chống tÆ° tưởng phản Ä‘á»™ng của Nhân văn-Giai phẩm, trang 68 -74. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.