trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
6.3.2007
Tiêu Dao Bảo Cự
Bài học lịch sử “Nhân văn” và “Xét lại”
(Suy nghĩ nhân việc một số “Nhân văn” được nhận Giải thưởng Nhà nước)
 
Việc bốn tác giả: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán và Trần Dần được nhận Giải thưởng Nhà nước (sẽ trao vào đầu tháng 3/07) là một bước tiến mới và chứng tỏ thiện ý của nhà nước trong cách đối xử với những người đã tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm (NVGP), kể từ năm 1988, sau khi họ được khôi phục hội tịch Hội Nhà văn và sống, làm việc bình thường như những nhà văn khác. Tuy nhiên sự việc này diễn ra quá chậm, quá muộn và chưa đáp ứng được đòi hỏi của công luận và yêu cầu của tình thế.

Vụ án Nhân văn–Giai phẩm chấn động xã hội mang lại nhiều tai hoạ, tai tiếng và tranh cãi là một vụ như thế nào chưa hề được xem xét lại sau gần nửa thế kỷ. Đây không phải là một vụ hoàn toàn đã qua, đã mất mà vẫn còn là một vấn nạn lịch sử và hệ quả của nó vẫn còn tồn tại, nhức nhối trong đời sống văn học và xã hội hiện tại.

Mới đây, trong đám tang của ông Nguyễn Hữu Đang, một nhân vật chủ chốt của nhóm và bị đày đoạ nhiều nhất, dù được một vài cơ quan nhà nước tham gia ban lễ tang nhưng trong điếu văn bên cạnh việc ca ngợi những thành tích của ông vẫn có câu nhắc đến việc tham gia nhóm NVGP là một khuyết điểm.

Việc những tác giả của nhóm NVGP lần này được trao giải cũng chỉ căn cứ vào một số tác phẩm cụ thể của họ được nêu lên chứ không phải toàn bộ tác phẩm và chắc chắn là không phải những tác phẩm đã từng đăng trên NVGP. (Hoàng Cầm với các tập thơ Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, 99 tình khúc; Trần Dần với các tác phẩm Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Người người lớp lớp; Phùng Quán với Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo; Lê Đạt với Bóng chữ, Ngó lời, Hèn đại nhân.) Điều oái ăm là một số những tác phẩm của họ được người đọc ngưỡng mộ nhất không phải là những tác phẩm đó, mà là những tác phẩm đã từng đăng trên các tờ báo “tội lỗi” năm xưa. Có phải nhắc đến Phùng Quán là người ta nghĩ ngay đến “Lời mẹ dặn” và Trần Dần gắn liền với hai câu thơ “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”?

Hoàng Cầm và Lê Đạt, hai người còn sống đã trên 80 tuổi được giải thưởng, khi được báo chí phỏng vấn đã bày tỏ là “vui” và cảm ơn nhà nước vì đã có “cử chỉ đẹp tuy hơi muộn”. (Phát biểu được đăng tải trên báo Tuổi trẻ số chủ nhật 25-2-07.) Tuy nhiên có lẽ niềm an ủi và hạnh phúc lớn nhất của họ chính là sự thừa nhận của người đọc, của nhân dân đã từ lâu chứ không phải của nhà nước. Hữu Loan, người duy nhất trong nhóm NVGP trước đây không chịu những hình thức kiểm điểm, cải tạo mà bỏ về quê thồ đá kiếm sống và sau này không làm đơn xin khôi phục hội tịch Hội Nhà văn, lần này cũng được đề cử nhận giải nhưng không được chấp thuận. Cách đây khá lâu, một công ty đã mua bản quyền bài thơ “Mầu tím hoa sim” của ông với giá một trăm triệu đồng và có người đã đánh giá đây là bài thơ tình hay nhất thế kỷ. Bài thơ đã từng bị cấm đoán nhưng nó vẫn được phổ biến không ngừng trong 50 năm qua, nhất là qua phổ nhạc, hàng triệu người đã nghe, đã hát và yêu thích. Vậy thì việc trao giải thưởng của nhà nước lần này chỉ là chạy rất sau thực tế, bị thực tế vượt qua và hơn nữa còn chứng tỏ một sự trì trệ rất đáng lo ngại.

Ở Việt Nam, có hai từ rất đẹp đã bị những vụ án chính trị làm hoen ố. Đó là từ “nhân văn” và “xét lại”. Đã có một thời gian dài hai từ này bị hiểu như là cái gì xấu xa, phản trắc, phản động, chống lại Đảng Cộng sản, chống lại tổ quốc. Ai bị quy là “bọn nhân văn”, “bọn xét lại” hay có liên quan, dây mơ rễ má với “bọn” này thì chỉ có nước bị đi tù, cải tạo, trù dập hay không ngóc đầu lên nổi. Nhưng “nhân văn” chính là phẩm chất cao quý nhất của một nền văn hoá và chính trị, “xét lại” là động lực phát triển của khoa học và cũng của chính trị. Khi hô hào xây dựng một xã hội “công bằng và văn minh” thì đó chính là “nhân văn” và “đổi mới” có khác gì “xét lại”. Như thế không phải Đảng và nhà nước không hiểu rõ giá trị của hai từ này, nhưng Đảng và nhà nước không cho ai “nhân văn” và “xét lại”, nếu việc này đe doạ đến sự độc quyền lãnh đạo của mình. Đây là một mâu thuẫn lớn đã gây ra bi kịch và sự “tụt hậu” của Việt Nam trong thời hiện đại nói chung và trên hai lãnh vực văn hoá, chính trị nói riêng.

Qua vụ NVGP, vói các tài liệu liên quan mới được công bố lại trên talawas, ta thấy những nhà văn, nhà báo đã trở thành công an, mật vụ, chỉ điểm và trở mặt nói xấu, quy chụp, đưa bạn bè, đồng nghiệp vào chỗ tù đày, thân bại danh liệt như thế nào. Những người cần có nhân cách nhất lại vì vụ “nhân văn” trở thành những người mất nhân cách tệ hại nhất. Mà các tác phẩm đăng trên NVGP có gì khác hơn là đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác, chống quan liêu, chống tham ô lãng phí và không ít tác phẩm khẳng định sự ủng hộ đối với Đảng để diệt trừ những tệ nạn xấu xa làm hại đến nhân dân, đến đất nước và cả đến Đảng khi Đảng đã nắm được quyền lực.

Không dừng lại ở đó, sau vụ NVGP, tất cả nhà văn khi sáng tác đều chịu hai cái vòng “kim cô”, một ở bên ngoài do chính sách kiểm duyệt của nhà nước khi biên tập, cho đăng báo, xuất bản, một ở bên trong đầu từng nhà văn khi luôn luôn nghĩ mình phải sáng tác như thế nào để khỏi phạm vào những điều cấm kỵ có thể đưa mình đến chỗ thân bại danh liệt. Vậy là có tác phẩm “phải đạo”, “đồng phục”. Nhiều người đã băn khoăn tại sao Việt Nam không có tác phẩm lớn đạt tầm nhân loại khi hoàn cảnh Việt Nam là một hiện thực lớn vô cùng phong phú và văn nghệ sĩ Việt Nam không thiếu tài năng. Phải chăng tình hình trên đây đã là một câu trả lời hiển nhiên. Làm sao có tác phẩm lớn khi nhà văn không có tự do sáng tạo?

Không phải nói chuyện quá khứ, ngay trong hiện tại, sau “đổi mới”, Việt Nam vẫn không có được những tác giả với những tác phẩm lớn như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao… của Trung Quốc mà khi đọc ta phải cúi đầu bái phục. Một thí dụ khác, Yveline Féray, nhà văn nữ người Pháp đã bỏ ra mười năm để nghiên cứu và viết tác phẩm Vạn xuân (nguyên tác Dix mille printemps do Nguyễn Khắc Dương dịch, Văn Học xuất bản, 1997), tác phẩm viết về Nguyễn Trãi và thời đại của ông cách đây gần 600 năm. Đọc xong Vạn xuân ta vừa ngưỡng mộ vừa xấu hổ. Làm sao một người nước ngoài có thể làm được như thế mà ta thì không? Ngoài tài năng, nhà văn cần có tự do và một số điều kiện nhất định mới có thể viết nên tác phẩm lớn. Ai nói tự do sáng tác chỉ là việc riêng của nhà văn, không liên quan gì đến nhà nước, xã hội là điều không thực tế, trừ một số trường hợp hết sức cá biệt.

Vấn đề không dừng ở đó mà còn mở ra khía cạnh lớn lao hơn nhiều: lương tâm và trách nhiệm của nhà văn đối với xã hội và đất nước. Nhà văn sáng tác theo yêu cầu chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những tác phẩm được gọi là văn học cách mạng đã góp phần thúc đẩy toàn dân xông lên trong trận chiến. Và rồi kết quả như thế nào? Đến một lúc nào đó nhà văn phản tỉnh và tự hỏi như Chế Lan Viên trong một số bài thơ di cảo như “Bánh vẽ”, “Trừ đi” và nhất là bài “Ai? Tôi?”

Ai? Tôi?
Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng.
Chỉ một đêm, còn sống có 30.
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi! Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ…
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.

(Chế Lan Viên. 1987. Di cảo)

Đó phải chăng là góp phần gây ra thảm kịch? Và bao nhiêu nhà văn đã có tự vấn dù muộn màng như Chế Lan viên?

Ấy thế mà cho đến hôm nay, năm nào nghị quyết về văn hoá tư tưởng của Đảng cũng nhấn mạnh đến việc “chỉ đạo báo chí, xuất bản, văn hoá–văn nghệ”. Chỉ đạo như thế nào? Để lại sản sinh ra những tác phẩm và hoạt động “phải đạo, đồng phục”? Pháp luật để làm gì? Cứ trái pháp luật là cấm, không trái pháp luật thì tự do làm, cần gì ai chỉ đạo. (Chưa kể ngay các văn bản và quy định của pháp luật, nếu ngược lại với quyền lợi của nhân dân, tước đoạt tự do dân chủ như cấm báo chí tư nhân, cũng cần được xem xét lại và sửa chữa.) Tác giả của những tác phẩm lớn trên thế giới từ xưa đến nay, mang tính nhân văn sâu sắc, ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại đâu cần được ai chỉ đạo.

Những câu hỏi về nguyên nhân và ý nghĩa của hai cuộc chiến tranh vừa qua, nhất là cuộc “chiến tranh chống Mỹ xâm lược” không được Đảng và nhà nước đặt lại hay chấp nhận đối thoại. Dù lịch sử đã đi qua nhưng với cái giá máu xương và hận thù quá đắt cho việc thống nhất đất nước, người ta vẫn có quyền đặt lại vấn đề cuộc chiến tranh đó có cần thiết hay không. Nếu chủ trương “xét lại” với xu hướng chống chiến tranh, chung sống hoà bình những năm đầu thập kỷ 60 được nghiên cứu và tiếp thu, biết đâu Việt Nam sẽ tránh được cuộc chiến này và “bọn xét lại–chống Đảng” sẽ có thể là cứu tinh của dân tộc. Chủ trương xét lại ở Liên Xô với Khrushchev đã vạch trần sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản thời Stalin, làm tiền đề cho công cuộc “cải tổ” sau này thời Gorbachev, Yeltsin, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và trên toàn thế giới. Phải chăng những người cộng sản chân chính sẽ không đau buồn khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, vì chính chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản như đã thấy, với đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản khốc liệt đã mang lại tai hoạ và tội ác cho con người, đồng thời làm hoen ố lý tưởng cộng sản cao đẹp - theo nghĩa chống bất công áp bức - đã làm nức lòng hàng triệu triệu người trên thế giới trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản man dã?

Chính vì chống “xét lại” nên cho đến nay Đảng Cộng sản vẫn cương quyết giữ vững độc quyền lãnh đạo, không chịu từ bỏ điều 4 hiến pháp.

Sau 1975 với hậu quả của chiến tranh và các chính sách sai lầm, Việt Nam đã rơi xuống tình trạng cô lập, nghèo đói cùng cực. Sau “đổi mới”, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục và từng bước hội nhập vào thế giới nhưng thành quả đạt được vẫn còn xa so với ước vọng và tiềm năng của dân tộc hay so với các nước láng giềng trong khu vực. Có bao giờ Đảng tự hỏi mình còn thực sự ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử nữa không, có thể tạo được đại đoàn kết dân tộc để lãnh đạo đất nước vươn lên xứng tầm trong thời đại mới hay không?

Nếu gạt qua một bên những hận thù do cuộc chiến để lại, có lẽ rất ít người dân Việt Nam nào chống lại Đảng Cộng sản nếu Đảng chịu sửa sai, thực sự làm được điều tốt đẹp cho dân cho nước. Tiếc thay Đảng Cộng sản chưa làm được như vậy khi guồng máy cầm quyền tham nhũng quá nặng nề đến vô phương cứu chữa, chênh lệch giàu nghèo và áp bức bất công ngày càng nghiêm trọng, văn hoá xã hội suy đồi, xuống dốc thê thảm. Vậy thì Đảng Cộng sản có lý do gì để độc quyền lãnh đạo khi thành quả do mình lãnh đạo ngược lại với lý tưởng mình đề ra và độc quyền lãnh đạo chỉ có nghĩa là độc quyền hưởng lợi như thực tế cho thấy? Ngay cả khi Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng nào có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước thì khái niệm độc quyền, độc tài cũng là một khái niệm xấu xa, nguy hiểm nhất cho một dân tộc. Lịch sử, đất nước biến động không ngừng thì chỉ có những ai đủ tài năng và trí tuệ, được nhân dân lựa chọn mới đủ thẩm quyền và tín nhiệm để nắm vai trò lãnh đạo. Không có dân chủ thì mọi lý giải, biện minh của bộ máy độc tài toàn trị đều là dối trá và áp đặt. Có lý do gì chính đáng để không chia sẻ quyền lãnh đạo cho những người tài năng khác của dân tộc?

Như thế, trong hai lãnh vực văn hoá và chính trị, chính vì thiếu “nhân văn” và chống “xét lại” nên Đảng Cộng sản đã phạm phải những sai lầm lịch sử. Cả trong kinh tế cũng vậy. “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Kinh tế thị trường đã là xu hướng tất yếu của thời đại, còn định hướng xã hội chủ nghĩa nếu được hiểu và làm đúng như là điều tiết của nhà nước để tạo ra công bằng xã hội, mang lại điều kiện và cơ hội thăng tiến cho tầng lớp nghèo khổ thì thật đáng hoan nghênh. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhà nước không làm được điều đó và “định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ có nghĩa là do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo để bảo vệ quyền lợi của quan chức trong guồng máy đã trở thành “tư bản đỏ”. Làm sao người dân có thể tin tưởng khi lời nói không đi đôi với việc làm, thực tiễn trái với nội dung đường lối chính sách đầy dẫy những lời hay ý đẹp?

Đảng Cộng sản đang ở trong thế mạnh của người cầm quyền nhưng đó không phải là điều vững chắc và lâu dài nếu không được toàn thể nhân dân ủng hộ. Quá khứ đã qua có những điều không thể thay đổi nhưng ta vẫn có thể sửa chữa cho hiện tại và tương lai. Hoà giải hoà hợp và đại đoàn kết dân tộc chính là đường lối đúng đắn nhất cho bất cứ ai có thực tâm muốn phụng sự đất nước. Xác định nội dung, phương thức của đường lối này là điều không đơn giản đối với Đảng Cộng sản cũng như các thành phần khác của dân tộc. Tuy nhiên điều không thể thiếu là bài học lịch sử về “nhân văn” và “xét lại”.

Một điều ngẫu nhiên lạ lùng khi tên gọi của hai vụ án chính trị với hai từ then chốt đã trở thành vấn đề trung tâm của một giai đoạn lịch sử. Với những gì đã xảy ra, chỉ có dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận đối thoại, từ bỏ định kiến giáo điều và thực tâm vì đất nước, Đảng Cộng sản mới có thể tiếp tục có vai trò xứng đáng trong tương lai của đất nước.

Đà Lạt đầu tháng 3/2007

© 2007 talawas