trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
8.3.2007
Trần Trung Đạo
Tương lai bắt đầu từ quá khứ
 
Theo Niên giám Thống kê Di dân (Yearbook of Immigration Statistics) của chính phủ Mỹ, tôi là một trong 280,728 người Việt Nam đến Mỹ trong thập niên 1980-1990. Nói như vậy để phân biệt với 135 ngàn bà con trong đợt di dân đầu tiên vào những ngày trước 30 tháng 4 năm 1975, với khoảng 100 ngàn chú bác anh chị cựu tù nhân chính trị, với diện ODP và nhiều diện khác đến sau. Chúng tôi được báo chí gọi chung cho một cái tên là Thuyền nhân (Boat people). Hai chữ đó đã là nguồn sáng tác của nhiều bài thơ, bút ký, nhạc phẩm mang đầy ký ức bi thương và hãi hùng trên biển Đông. Chuyến hải hành của chúng tôi gồm 83 người trên một chiếc ghe chiều dài 10 mét rưỡi và chiều ngang một mét tư được sửa lại từ chiếc ghe chỉ dùng để đi sông. Sau 2 ngày và 2 đêm trên biển, chúng tôi được chiến hạm USS White Plains vớt ngoài biển Đông. Nếu không được vớt, có lẽ chúng tôi đã chết trong một thời gian sau đó. Vì quá vội vã ra đi, tất cả đồ ăn và phần lớn nước ngọt của chúng tôi đều bị bỏ quên trên bờ kinh Chu Hải. Khi lên tàu Mỹ, chúng tôi còn lại 82 người, một em bé đã chết âm thầm trong tay mẹ mà bà không hay biết.

Tôi đến thành phố Boston, miền Đông Bắc Mỹ, vào mùa đông năm 1981. Năm đó, những người Việt không thân nhân, độc thân và vào tuổi thanh niên được chuyển đến vùng Đông Bắc. Cuộc sống của tôi, giống như hầu hết “Boat people” khác, rất khó khăn. Những ngày nghỉ học vào mùa Đông, tôi đi theo các bạn học đến tiểu bang Main, một trong những tiểu bang lạnh nhất nước Mỹ, để xếp cá vào hộp cho một công ty cung cấp hải sản nhỏ với lương 3 đô-la một giờ. Để giữ cá được tươi, chủ hãng không cho phép mở máy sưởi. Thời tiết mùa đông ở Main rất khắc nghiệt, mặc bao nhiều áo cũng không đủ ấm. Ban đêm chúng tôi ngủ nhờ trong một nhà kho không có lò sưởi. Ngay cả sàn nhà cũng đông lạnh. Nửa đêm bước xuống giường là bị trượt té. Hàng trăm câu chuyện cười ra nước mắt khác trong những ngày đầu trên xứ lạ, kể hoài không hết. Dù sao, nhìn chung cảnh đời tị nạn, chúng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người. Khác với các chú bác lớn tuổi choáng váng trước những đổi thay trong cách sống, phần lớn chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, đã học xong hay gần xong các chương trình đại học ở bên nhà, có ít vốn liếng ngoại ngữ, dễ thích nghi và có khả năng đối phó với hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi ghi danh vào các trường đại học công trong thành phố. Hầu hết theo học các ngành kỹ thuật. Ngồi trong lớp học nhìn ra biển mà buồn lo trăm thứ, thi cử rớt lên rớt xuống, nhưng tôi không có chọn lựa nào khác. Tôi biết mình đang đứng ngọn núi cuộc đời đầy chông gai thử thách. Nếu vượt không qua được, đời tôi sẽ coi như bỏ đi. Đi học là con đường duy nhất để có thể tồn tại và vươn lên trong xã hội Mỹ còn đầy tệ nạn phân biệt màu da sắc tộc.

Nhưng cũng từ những khó khăn vất vả đó, những người tị nạn như tôi đã tìm đến nhau, giúp đỡ nhau và xây dựng nên một tập thể được gọi là Cộng đồng Việt Nam. Không giống như cộng đồng các sắc dân khác tại Mỹ, cộng đồng Việt Nam được ra đời sau một cuộc chiến tranh dài với quá nhiều đau thương và chịu đựng. Đọc lịch sử nước Mỹ, chúng ta biết rằng những người Đức, người Ý, người Ba Lan khi đặt chân đến Mỹ, họ chỉ mang trên vai gánh nặng của tương lai. Khi còi tàu rú lên báo hiệu giờ vào cảng Boston, New York, San Francisco, cuộc đời họ được lật sang một chương khác. Họ dễ dàng hội nhập vào xã hội kỹ nghệ Hoa Kỳ bởi họ đã đến từ một quốc gia kỹ nghệ. Họ dễ dàng hội nhập vào lối sống, tập tục, văn hóa Mỹ bởi vì chính họ cũng từ phong tục tập quán Châu Âu. Cộng đồng Việt Nam thì khác. Đa số người Việt đến đây từ một nền văn hóa phương Đông khép kín, với những phong tục tập quán hoàn toàn khác với các sinh hoạt trong xã hội Tây phương. Người Việt ra đi mang trên hai vai cả quá khứ đầy u uất và một tương lai còn nhiều bất định. Trong hàng triệu người Việt vượt biên bằng đường biển, bao nhiêu người khi ngồi trên ghe biết mình sẽ trôi dạt về đâu? Tôi tin không ai biết chắc. Nhiều trong số họ đến được bến bờ tự do khi chiếc áo chưa phai mùi khói súng và những vết thương trên da thịt vẫn còn đang mưng mủ. Bom đạn đã thôi rơi nhưng sức chấn động như vẫn còn nghe trong giấc ngủ quê người.

Dù sao, sau vài năm vất vả, chúng tôi ra trường, có công ăn việc làm, lập gia đình, sinh con cái, mua nhà cửa và như ông bà chúng ta thường nói “sau cơn mưa trời lại sáng”. Vâng, nhưng cái ánh sáng soi vào căn nhà của tôi ở Boston vẫn không làm tôi quên những căn nhà đầy bóng tối ở Việt Nam. Tôi còn nhớ 20 năm trước, ngồi trên bậc thềm của tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau khi tuyên thệ trở thành công dân Mỹ tôi có làm bốn câu thơ để tự nhắc nhở mình:

Mặt mày hớn hở vui tươi
Sao lòng nghe thẹn làm người tự do
Của nầy là của trời cho
Của ta đánh mất không lo đi tìm
.

Sau 32 năm, đội ngũ người Việt như tôi đến trước hay đến sau thuộc nhiều diện khác nhau, đã lên đến gần 3 triệu người, sống rải rác trên hàng trăm quốc gia, từ Brazil đến Moroco, từ Cộng Hòa Nam Phi đến Do Thái. Họ đã góp phần làm thay đổi khuôn mặt của những nơi họ ở, biến những khu thải phế liệu thành những trung tâm thương mại khang trang, biến những con đường vốn đầy tội ác thành những khu phố sầm uất. Họ đứng trước những hàng rào về ngôn ngữ, văn hóa, thói quen, tập quán nhưng đa số đã vượt qua. Họ tận dụng mọi cơ hội trong xã hội mới, đi làm hai ba việc một ngày để lo cho con cái ăn học thành tài. Người Việt hải ngoại thành công bởi vì họ biết rõ một điều rằng không ai có thể thay đổi quá khứ nhưng chắc chắn sẽ làm chủ được tương lai.

Chỉ riêng tại Mỹ theo công bố của cơ quan thống kê dân số Mỹ, tính đến thời điểm cuối năm 2006, thu nhập bình quân của một gia đình người Việt tại Mỹ là 54.227 đô-la so với mức thu nhập trung bình của một gia đình Mỹ là 55,832 đô-la. Số người Việt hưởng trợ cấp xã hội thấp nhất (10%) so với các sắc dân thiểu số vùng Đông Nam Á. Theo ước lượng của tổ chức American Community Survey (ACS), hiện có 1,521,353 người Việt Nam sinh sống tại Mỹ. Trong lãnh vực giáo dục, cũng theo thống kê của ACS, năm 2005, khoảng 18.2% người Việt trên 25 tuổi đã tốt nghiệp đại học so với 17.2% người Mỹ. Đó là những thành tựu to lớn đối với một cộng đồng còn khá non trẻ như Việt Nam.

Dù thành công ở xứ người, nhưng tình yêu quê hương trong lòng người Việt bao giờ cũng thể hiện rất rõ nét và sâu đậm. Những ngày mới ra đi nhớ quê hương là chuyện đã đành, nhưng càng đi xa, càng sống lâu trong êm ấm càng thấy thương những người còn chịu đựng gian nan. Nơi tôi làm việc quy tụ dân tứ xứ, không ít cũng đến từ các nước nghèo và chiến tranh như tôi nhưng hiếm khi nghe họ nói về những gì xảy ra trên đất nước họ. Người Việt thì khác, một cơn bão, một cơn lụt xảy ra ở bên nhà như bão Xangsane vừa rồi chẳng hạn, mức độ thiệt hại không bao nhiêu so với Tsunami hay Katrina, cũng làm cho bà con bên này lo lắng, bàn tán, họp hành tổ chức lạc quyên cứu trợ. Chỉ riêng mấy ngày Tết Đinh Hợi năm nay, đã có khoảng 140 ngàn bà con về thăm nhà và trong năm 2006 số tiền người Việt hải ngoại gởi về cho thân nhân lên đến trên 4 tỉ đô-la. Mặc dù không đóng góp trực tiếp vào giai đoạn sản xuất, nhưng bằng việc tham gia vào quá trình lưu thông tiền tệ, số tiền đó cũng góp một phần vào sự phát triển nền kinh tế nói chung. Cộng đồng người Việt hải ngoại là một tiềm năng vô cùng to lớn đối với tương lai thịnh vượng của đất nước Việt Nam. Rất tiếc, sau 32 năm, tiềm năng to lớn đó vẫn chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Nếu chỉ nhìn vào việc bà con về thăm nhà hay gởi tiền về cho thân nhân mà gọi đó là “đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước” hay chấp nhận chế độ chính trị tại Việt Nam thì quả thật là những đánh giá hời hợt. Bầy cá hồi bơi bao xa cũng nhớ đường về sông cũ và những chiếc lá rơi hướng nào rồi cũng tụ về cội. Dòng sông và nguồn cội của của người Việt về thăm quê là gia đình cha mẹ, mồ mả tổ tiên, thân bằng quyến thuộc và tình nghĩa đồng bào. Người Do Thái có khẩu hiệu “Người Do Thái mua hàng Do Thái” để khuyến khích sản xuất cho nước họ, nhưng tôi tin không bao nhiêu người Việt đi chợ ở Mỹ có được tinh thần đó. Chẳng những thế, cái gì có bàn tay nhà nước Việt Nam dính vào là họ không ưa. Thái độ “giận cá chém thớt” đó chưa hẳn đúng, nhưng lỗi không phải bắt nguồn từ người dân. Cái hố sâu hoài nghi ngăn cách do Đảng đào ra thì chính Đảng phải là người lấp lại.

Trong bài trước tôi có viết “không một người Việt Nam có lương tâm nào mà không khỏi đau lòng khi nhìn lại đất nước sau 32 năm chấm dứt chiến tranh nhưng lòng người vẫn còn ngăn cách, anh em nhìn nhau thù hằn xa lạ”. Có người cho đó là một nhận xét chủ quan, một lập luận thiếu khoa học, thiếu dẫn chứng. Thưa không, tôi không trích dẫn chỉ vì đó là một thực tế quá hiển nhiên mà từ những chuyên viên kinh tế quốc tế, những người phê bình các chính sách của Đảng trong và ngoài nước, cho đến những người giữ trách nhiệm kinh tế chính trị quan trọng trong hệ thống lãnh đạo cũng đã nhiều lần đồng ý như thế. Nhận xét giống nhau thì rất nhiều, nhưng tôi chỉ giới thiệu vài ý kiến có tính cách tiêu biểu của những người đại diện cho Đảng, nhà nước và quốc hội Việt Nam.

Về phía Đảng, trong hội nghị tổng kết diễn đàn thảo luận “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” tôi trích dẫn trong bài trước, ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng bộ Thương mại, thay vì vặn hỏi ông Nguyễn Trí Dũng đào ở đâu ra nhận xét thiếu khách quan, thiếu khoa học, thiếu dữ kiên khi cho rằng “người Việt đang bỏ lỡ một nguồn nhân tài đáng quý là 3 triệu kiều bào sống khắp nơi trên thế giới, mà nguồn thu nhập của họ ngang ngửa với tổng số GDP của cả nước", đành hứa hẹn với ông Dũng rằng sau “Đại hội Đảng lần thứ X, thì những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài sẽ được triển khai một cách hiệu quả.”. Câu trả lời của ông bộ trưởng thương mại và cũng là một ủy viên trung ương Đảng, là một cách thừa nhận rằng chính sách của Đảng 32 năm qua là một chuỗi dài của những sai lầm nghiêm trọng.

Về phía nhà nước, trước Hội nghị bàn biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều vào tháng 7 năm 2005, ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, người chịu trách nhiệm quan trọng trong việc phát họa các kế hoạch đầu tư của thành phố Sài Gòn, phát biểu: “Nếu đối chiếu tổng số vốn đầu tư với tiềm năng tài chính kiều bào thì không phản ánh đúng thực lực của Việt kiều ở nước ngoài". Bài tường thuật hội cũng ghi lại lời ông Lý: “Theo ông Lý, lượng kiều hối hằng năm được Việt kiều từ nước ngoài gởi về nước ước tính khoảng 3,7 tỷ USD (trên cả nước), riêng TP HCM nhận khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên lượng kiều hối này không chảy vào các dự án đầu tư kinh tế mà phần lớn lại sử dụng cho tiêu dùng của gia đình. Nếu so sánh với tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay trên cả nước là khoảng 2 tỷ USD, thì mới thấy rõ được giá trị của nguồn kiều hối gởi về nước qua các nguồn khác nhau lớn đến mức nào.”

Trong cùng một hội nghị, ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, nói đến lượng đầu tư còn quá khiêm nhượng của người Việt hải ngoại vào các đề án kinh tế tại Sài Gòn: “Tính từ năm 1988 đến nay, tổng vốn đầu tư theo Luật doanh nghiệp của Việt kiều là hơn 2.000 tỷ đồng Việt Nam và 62,39 triệu USD vốn theo Luật đầu tư nước ngoài. Song hầu hết đều là những dự án nhỏ với quy mô vài trăm nghìn USD, duy chỉ có một dự án đầu tư khu vui chơi giải trí có vốn lớn nhất là 48,7 triệu USD. So sánh với số lượng 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì con số doanh nghiệp do Việt kiều thành lập hay góp vốn đầu tư chỉ bằng 1% và chiếm chỉ 1,2% tổng số vốn đăng ký.”

Nếu không nghe từ chính miệng ông Nguyễn Chơn Trung nói ra thì khó tin đó là con số thật. Chúng ta đều biết lượng đầu tư kinh tế của người Việt hải ngoại vào Việt Nam còn thấp nhưng không ngờ thấp đến mức như vậy. Một cộng đồng người Việt có tổng thu nhập bằng cả nước Việt Nam mà suốt mười bảy năm, từ 1988 đến 2005, chỉ đầu tư vào các đề án kinh tế tại thành phố lớn nhất Việt Nam vỏn vẹn hơn 62 triệu đô-la trong lúc nhiều chục tỉ đô-la khác gởi về cho thân nhân sử dụng vào các mục đích tiêu dùng. Nhân dịp Xuân Đinh Hợi năm nay, ông Nguyễn Chơn Trung, khi trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn Giải Phóng, một lần nữa xác định thực tế đáng buồn đó: “Tôi khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài không thiếu người tài. Vấn đề là chúng ta đang thiếu chính sách thu hút, sử dụng và phát huy hiệu quả nhất.”

Về phía quốc hội, hôm 19 tháng 2 năm 2007 vừa qua, trong bài phỏng vấn dành cho báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, than thở: “Điều đó đâu có xa lạ! Thời chiến tranh, trong điều kiện hết sức gian khổ, chúng ta đã thu hút được không ít Việt kiều về giúp đất nước. Chả có lý gì mà trong điều kiện phát triển đất nước hiện nay, chúng ta lại không thu hút được họ. Đó là một suy nghĩ nghiêm túc, chính đáng và phải có bước đi, được biểu hiện từ hai phía: Nhà nước phải thể hiện rõ chính sách, thái độ đối với kiều bào; bản thân đội ngũ Việt kiều cũng phải thể hiện quan điểm, chính kiến và chứng minh năng lực của mình.”

Tôi đồng ý với ông Nguyễn Chơn Trung khi cho rằng “Vấn đề là chúng ta đang thiếu chính sách thu hút, sử dụng và phát huy hiệu quả nhất” cũng như với ông Dương Trung Quốc qua nhận xét “Nhà nước phải thể hiện rõ chính sách, thái độ đối với kiều bào”, thế nhưng chính sách và thái độ đó là gì, cho đến nay, đối với những người quan tâm tương lai đất nước vẫn còn là một chờ đợi như đã từng chờ đợi trong nhiều năm trước.

Sức mạnh tổng hợp của hơn 83 triệu người Việt, trong và ngoài nước, là một sức mạnh có thực, và khả năng Việt Nam có thể đuổi theo kịp các nước láng giềng là một khả năng trong tầm tay chứ không đến nỗi phải cần tới hai thế kỷ mới theo kịp Singapore như ông Il Houng Lee, trưởng nhiệm sở của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (INF) tại Việt Nam phát biểu: “Nếu những giả thiết rằng các quốc gia trên (các quốc gia giàu có hơn thuộc hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) duy trì một mức phát triển trung bình như 10 năm qua, thời gian Việt Nam cần phải có để đuổi kịp họ sẽ lâu hơn. Chẳng hạn, Việt Nam có thể phải cần 18 năm để bắt kịp Indonesia, 34 năm để bắt kịp Thái Lan, và 197 năm mới bắt kịp Singapore”. Thật đáng đau buồn cho một dân tộc với hơn bốn ngàn năm văn hiến, đã giữ được nền văn hóa riêng sau một ngàn năm Bắc thuộc, đã giành được quyền tự chủ sau gần trăm năm trong bàn tay sắt của thực dân nhưng lại không vượt qua được sự lạc hậu chậm tiến của chính mình. Sức cản chủ yếu trên con đường phát triển Việt Nam về mọi lãnh vực cho đến nay vẫn là cơ chế chính trị độc tài lạc hậu và tư duy hẹp hòi thiển cận của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giới lãnh đạo Đảng đã đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi dân tộc. Với họ, độc quyền lãnh đạo là ưu tiên tối thượng, và tất cả chính sách, dù đổi mới kinh tế hay cải cách văn hóa xã hội, đều nhằm phục vụ cho quyền cai trị hay ít ra không đi ngược với quyền lợi của Đảng. Họ thà để cho đất nước lạc hậu hay tiến chậm còn hơn thực hiện các cải cách chính trị căn bản có thể đe dọa cho quyền lãnh đạo của họ. Đảng chăn dân như chăn một bày cừu, cho ăn tạm đủ no, cho uống bớt khát, nhưng đàn cừu tội nghiệp kia 32 năm qua vẫn chưa thấy một thảo nguyên xanh tươi hay một dòng suối mát. Sống như thế không phải là sống trong “yên vui hưởng phúc thái bình” và “ổn định” như một vài người nhắm mắt bưng tai biện minh cho Đảng. Kết luận như thế là khinh thường nhận thức chính trị của người dân Việt Nam. Người dân trong nước không có điều kiện thực thi nhân quyền và dân chủ chứ không phải họ không hiểu thế nào là nhân quyền và dân chủ. Không phải đợi đọc xong Jean-Jacques Rousseau, Alexis Tocqueville, John Locke, John Stuart Mill mới hiểu rằng con người có quyền phát biểu những gì họ nghĩ, có quyền sống nơi họ chọn lựa, có quyền bầu ra người đại diện cho mình trong chính phủ và quốc hội. Nhân quyền là quyền bẩm sinh của con người chứ không phải do ai ban phát. Việc cho rằng người dân trong nước đang “yên vui hưởng phúc thái bình” là lặp lại giọng điệu tuyên truyền của cha con Kim Nhật Thành lừa dối người dân Bắc Hàn rằng họ đang sống trong thiên đường trên mặt đất chứ không phải địa ngục giữa trần gian. Một dân tộc bốn ngàn năm không ngừng tranh đấu nhưng cho đến hôm nay, ngoại trừ một thời gian ngắn ở miền Nam, đại bộ phận dân tộc vẫn chưa có được những quyền tự do chính trị căn bản mà các bộ lạc ở Ghana, Congo đang có. Một dân tộc như thế đang “hưởng phúc” hay đang cắn răng chịu đựng thiệt thòi?

Đó là nói về nhận thức, còn trong thực tế thì sao? 32 năm qua nhân dân Việt Nam có thật sự “yên vui hưởng phúc thái bình” không? Đánh tư sản mại bản chưa xong là cải tạo công thương nghiệp, rồi kinh tế mới, trại tập trung cải tạo, chiến tranh Kampuchia 1979, chiến tranh với Trung Quốc lần thứ nhất 1979, nạn đói từ 1976 đến 1981, đụng độ với Trung Quốc lần nữa và mất một phần lãnh thổ phía Bắc trong trận Lão Sơn 1984, bị hải quân Trung Quốc đánh bại tại Trường Sa 1988. Có một thời cây kim đồng hồ tại Việt Nam như đứng lại, dân tộc Việt như một đàn chim bay tán loạn bốn phương trời. Và khi nội lực tiêu tan, khả năng kiệt quệ, cố mở mắt nhìn ra bên ngoài thì than ôi nhân loại đã bỏ xa mình hàng thế kỷ. Một nước 83 triệu dân nhưng quân đội chỉ được trang bị bằng võ khí còn lại từ thời Liên-Xô chưa tan rã, một ít Mig-21 không phụ tùng thay thế, vài chục chiếc trực thăng và dăm chiếc hải thuyền không đủ khả năng bảo vệ ngư dân thì làm sao bảo vệ đất nước khi một biến cố quân sự trong vùng Đông Nam Á xảy ra? Giang sơn gấm vóc nhuộm bằng mồ hôi nước mắt của tổ tiên, từ biên giới phía Bắc đến các hải đảo thân yêu, đang từng mảnh rơi vào tay Trung Quốc. Sở dĩ đến hôm nay Việt Nam còn giữ được vài đảo trong quần đảo Trường Sa bởi vì cuộc tranh chấp chủ quyền của quần đảo liên quan đến nhiều nước, nếu đó chỉ là cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam thôi thì Trường Sa đã mất lâu rồi. Làm người Việt Nam mà không biết cái nhục yếu hèn, không lo cái họa mất nước, mà còn gọi đó là “thái bình” và “ổn định” sao?

Với chủ trương bảo vệ quyền cai trị bằng mọi giá nên mặc dù ngoài miệng hô hào hòa giải để cùng nhau xây dựng đất nước, trong tư duy của giới lãnh đạo Đảng, khối người Việt nước ngoài vẫn là những kẻ đáng nghi ngờ, vẫn là lực lượng phản động đang chờ cơ hội lật đổ quyền lãnh đạo của Đảng. Chuyến đi Mỹ của ông Phan Văn Khải, trong đó ông đã không đến California là một bằng chứng.

Tại sao ông Phan Văn Khải không đến California?

Một số ý kiến cho rằng ông Khải lo ngại người Việt biểu tình chống đối, một số khác cho rằng ông Khải ngại an ninh cho bản thân ông và cũng có người cho rằng ông ta không đến chỉ vì “tôi không thích đến, tôi chưa thích đến” nói theo kiểu ông Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển khi trả lời đài BBC trước đây.

Nếu giới lãnh đạo Đảng thực tâm hòa giải với người Việt hải ngoại thì ông Phan Văn Khải, thay vì quanh quẩn với những người chỉ biết tung hô nịnh bợ, lẽ ra ông nên đến California nơi có trên nửa triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống để thẳng thắng trình bày và, nếu cần, đối thoại công khai các chính sách của Đảng và nhà nước đối với người Việt hải ngoại. Những buổi đối thoại như thế có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải đứng trên đại lộ Bolsa trước rừng cờ vàng ba sọc đỏ có thể làm ông khó chịu, hay trong các hội trường rộng lớn ở San Jose ít nhiều nguy hiểm cho bản thân ông. Ông đã không làm như thế.

Nếu giới lãnh đạo Đảng muốn gác qua một bên quá khứ và hướng đến tương lai thì lẽ ra ông Phan Văn Khải nên đến với những người lính cũ miền Nam, những bác HO già, những người mà Đảng đã đày ải, trấn áp, đối xử tàn tệ suốt mấy chục năm trong những trại tù khắp ba miền đất nước và nói với họ rằng Đảng của các ông thật tâm muốn sửa đổi. Lịch sử như một dòng sông, tuy trong quá khứ phải đau nhức chảy qua nhiều ghềnh đá nhọn, nhưng không phải vì thế mà tiếp tục nuôi dưỡng hận thù, anh em nhìn nhau xa lạ. Giới lãnh đạo Đảng luôn hãnh diện họ là những người nắm trong tay chính nghĩa, những người thật tâm yêu nước thì đó là cơ hội để ông Phan Văn Khải giương cao ngọn cờ chính nghĩa, phát huy lòng yêu nước thương dân của Đảng. Ông đã không làm như thế.

Nếu giới lãnh đạo Đảng muốn kêu gọi trí thức hải ngoại về xây dựng đất nước thì lẽ ra ông Phan Văn Khải nên đến California thăm các chuyên viên Việt Nam đang làm việc cho hàng trăm công ty kỹ thuật cao cấp trong vùng thung lũng Silicon. Những chuyên viên khoa học kỹ thuật kia một thời là những đứa bé lê lết trên vỉa hè Sài Gòn, Đà Nẵng, nhặt đậu mót khoai trên các vùng kinh tế mới, chào đời trên chiến hạm, che giấu tuổi thơ bên trong hàng kẽm gai của các trại tị nạn và họ đang chờ nghe ông nói về một “giấc mơ Phù Đổng” mà Đảng đang dùng để dụ dổ tuổi trẻ trong nước. Ông đã không làm như thế.

Theo quan điểm của tôi, ông Phan Văn Khải không đến California không phải ông ta ngại cho an ninh bản thân, mà cũng chẳng phải vì ông không thích đến, nhưng vì ông ta sợ đối diện với sự thật. Ông Phan Văn Khải quên rằng sự thật như ánh sáng mặt trời, có thể tạm thời làm chói mắt những ai sống lâu năm trong bóng tối nhưng không thể lấy tay che hay trốn tránh mãi được.

Sự thật và bao dung là chính sách tốt nhất và là con đường đẹp nhất để cứu vãn dân tộc mình. Mỗi người Việt Nam trong thế hệ chiến tranh, bên này hay bên kia, có thể đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương cho bản thân và gia đình, nhưng không phải vì thế mà họ có quyền bắt cả nước phải đau như cái đau của họ, phải căm thù giống như họ căm thù và phải trả lại cả vốn lẫn lời cho những mất mát riêng tư của đời họ, của Đảng họ.

Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để là một tiến trình không thể nào tránh khỏi tại Việt Nam. Nỗ lực của những người Việt yêu nước, dù trong hay ngoài nước, dù tạm thời còn trong Đảng hay đang trực diện đấu tranh chống Đảng, không phải là ngăn cản hay đẩy lùi tiến trình đó, nhưng nên chung lưng góp sức với nhau để cách mạng được diễn ra trong hòa bình, thuận lợi và ít lãng phí tài nguyên dân tộc.

Việt Nam hơn bao giờ hết đang cần nhiều Phù Đổng vươn vai cứu nước, nhưng để trở thành Phù Đổng, các thế hệ trẻ phải can đảm bước xuống khỏi chiếc nôi đang ru ngủ họ và nhận ra đâu là chướng ngại trên con đường phục hưng và phát triển Việt Nam. Giặc Ân ngày nay không phải ở đâu xa mà chính trong tư duy cực kỳ lạc hậu của những người đang lãnh đạo đất nước.

San Jose, California, 3/3/2007

© 2007 talawas