trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
12.3.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Chỉ có Công lý khi có Tự do
(Giới thiệu Luận thuyết về Công lý của John Rawls)
 1   2 
 
A. Dẫn nhập

John Rawls, cựu giáo sư triết học tại đại học Harvard, được xem là một trong những triết gia Tây phương về Triết học chính trị hàng đầu của thế kỷ 20. Năm 1971, ông cho ra đời tác phẩm lừng danh, A Theory of Justice (Một Luận thuyết về Công lý, 1971) (Luận thuyết). [1] Đó là một trong những tác phẩm triết học về luật pháp, chính trị và đạo đức gây nhiều ảnh hưởng nhất ở Âu Mỹ trong vòng một trăm năm qua.

Trong bài này, chúng tôi sẽ phác họa những nét chính của Luận thuyết về công lý của Rawls được trình bày trong cuốn Luận thuyết và đã được ông cập nhật trong suốt ba thập kỷ. Hầu hết nội dung của bài này đến từ Luận thuyếtJustice as Fairness: A Restatement (2001) (Công lý là Công bằng: Tái trình bày (2001)) (Restatement). [2] Ở đây, chúng tôi không phân tích hay đưa ra những phê phán về Luận thuyết - mặc dù luận đề và ảnh hưởng của Luận thuyết này đã được tranh luận, mổ xẻ ròng rã và sâu rộng bởi các triết gia hàng đầu của Tây phương hơn ba mươi năm qua. [3]

B. Một tuyên ngôn chính trị

Đây là một tuyên ngôn chính trị trên cơ bản giá trị của tự do. Rawls quan niệm rằng chỉ có công lý khi mỗi con người là một công dân tự do và được quyền bình đẳng trên bình diện chính trị. Vì thế, công lý khởi đi bằng tự do chính trị. Nếu bước tiên khởi này không được giải quyết thì công lý chỉ là điều ảo tưởng. Từ đó, Luận thuyết nỗ lực xây dựng ý niệm công lý trên nền tảng triết học chính trị. Nó bao gồm nền tảng lý thuyết cho dự án về một nền tảng định chế cơ bản nhằm kiến tạo, bảo tồn và phát huy công lý trên bình diện xã hội và tự do trên cơ sở cá nhân. Rawls viết:

Công lý là đức hạnh thứ nhất cho các định chế xã hội, cũng như chân lý là của các hệ thống tư tưởng. Một lý thuyết dù có lộng lẫy hay tiết độ thế nào đi nữa, nhưng nếu nó sai thì phải bị bác bỏ; cũng thế, luật pháp và định chế dù có hiệu năng hay hoàn chỉnh đến đâu cũng cần phải được cải tổ hay dẹp bỏ nếu chúng là bất công. (1971: 3) [4]

Tình trạng bất công, nếu có, “chỉ có thể được chấp nhận đến mức cần thiết để tránh một thứ bất công khác to lớn hơn.” (ibid.) Từ đó, chỉ tiêu của công lý là cấu trúc cơ bản của xã hội trên một hệ thức chính trị (political scheme), trong đó, nội dung và quy trình công lý tuỳ thuộc vào phương cách mà các quyền hạn tự do căn bản và trách nhiệm công dân được phân định song song với cơ hội tiến thân kinh tế và quyền lực được chia sẻ công bằng và hợp lý. Cơ sở của công lý phải được đặt trên quyền cơ bản của con người. Rawls viết tiếp:

Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm trên nền tảng công lý và không thể bị phủ quyết cho dù vì quyền lợi của cả xã hội. Vì lý do này, công lý từ chối sự phủ nhận tự do của một số người cho dù nó có thể được bù trừ bởi công ích lớn hơn. Nó không cho phép áp đặt sự hy sinh lên một số người ngay khi nó được cân bằng bới một tổng số lợi ích cho nhiều người khác. Từ đó, trong một xã hội công bằng, quyền tự do bình đẳng của công dân là chuyện dĩ nhiên; những quyền hạn bảo đảm bởi công lý không thể bị gia giảm vì lý do chính trị hay vì những tính toán có lợi cho xã hội. Lý do duy nhất để chúng ta chấp nhận một lý thuyết sai lỗi là khi không có lý thuyết nào tốt hơn; tương tự như thế, một sự bất công chỉ có thể được chấp nhận khi thật cần thiết để tránh một bất công lớn hơn. Trong những đức hạnh hàng đầu của sinh hoạt con người, chân lý và công lý là hai điều không thể bị nhân nhượng. (1971:3-4) [5]


C. Luận thuyết về công lý

1. Từ bối cảnh và truyền thống triết học Tây phương, Rawls muốn dựng lên một triết thuyết mới. Luận thuyết là một con đường khác, nó tránh được sự đuối lý về đạo đức của hữu dụng luận [6] và tính mơ hồ của trực giác luận. [7] Hữu dụng luận quan niệm rằng công lý được quyết định bằng công thức, ”Cái tổng kết thỏa đáng nhất cho tổng số cá nhân tham dự”. [8] Điều này có nghĩa công lý phải bảo đảm việc tạo ra lợi ích (thỏa mãn) tổng hợp lớn nhất cho cộng đồng. Nó là tổng lợi ích của mọi cá nhân tham dự, dù sự thỏa mãn cho mỗi cá nhân, tăng lên hoặc giảm xuống, không đồng đều. Trong khi đó trực giác luận nhấn mạnh đến khả năng cảm nhận đạo đức và giá trị trong hoàn cảnh lý tính, qua sự phán đoán hay tính toán lợi hại, không có khả năng biện minh.

Tuy nhiên, Luận thuyết vẫn nằm trong truyền thống khế ước xã hội vốn đã được khai phá bởi nhiều triết gia Tây phương xưa nay từ Locke, Rousseau đến Kant. [9] Trong suốt tập sách gần 600 trang, Rawls đề cập đến Marx rất ít, ông chỉ nói sơ qua một câu, còn lại chỉ là một vài chú thích ngắn. [10] Trong cuốn Restatement thì Rawls coi Marxism là một chủ nghĩa thuần lý tưởng; trên bình diện lý thuyết, khi những nhu cầu này đã không còn là những vấn nạn, Marxism đã vượt qua biên độ của nguyên tắc công lý và quyền hạn; và cuốn Restatement có đưa ra những trả lời cho các chỉ trích từ cơ sở chủ thuyết Marxism.

2. Luận đề căn bản của Rawls là “Công lý là công bằng”, (Justice as fairness), nhằm xây dựng một cơ sở nguyên tắc công lý để cai quản một trật tự xã hội ổn định và đa nguyên. Nguyên tắc công lý này được đặt trên nền tảng những cá nhân tự do và bình đẳng (free and equal persons) với quyền hạn và trách nhiệm, quyền tự do chính trị và quyền tự do cá nhân (personal and political liberties) và quyền bình đẳng cơ hội trong một cơ chế xã hội muốn xếp đặt quyền lợi và cơ hội thăng tiến cho mọi người, đặc biệt cho những thành phần thất thế nhất trong xã hội (the least advantaged).

3. Rawls bắt đầu hệ thống Luận thuyết của mình từ nền tảng của một cá thể thuần lý thuyết (a theoretical person) bị bao phủ bởi một “màn che vô minh”, veil of ignorance, muốn phác họa một xã hội công lý trong khi không biết thế đứng hay địa vị xã hội (social status) của mình. Từ vị thế khách quan này, cá thể xây dựng một định chế công lý hệ thống cho toàn thể xã hội đa nguyên và nhiều thế hệ mà không bị quyền lợi và tính chủ quan đánh mất tính chất khả thi, hợp lý và công minh. Rawls gọi bước đi từ vô minh này là “vị thế nguyên khởi” (original position) để từ đó, con người lý thuyết qua tiến trình có tính thủ tục thuần tuý (pure procedural process) có thể tạo dựng một tập hợp các nguyên tắc công lý cho mọi người, nhất là cho tầng lớp thấp và thất thế nhất.

4. Luận thuyết công lý này mang bản chất khế ước xã hội, trong đó, cá thể đồng ý dựng nên định chế cho mình và xã hội, đồng thời đồng ý bị cai chế (regulate) bởi hệ thống định chế này – dù trên cơ sở đặc thù cá nhân, nếu tuân thủ theo, họ có thể sẽ không được hưởng những quyền hạn và quyền lợi tối đa. Đây là một ý niệm liên đới (associational conception) trong mối tương quan giữa những hội viên của một tập hợp đa dạng và đa nguyên. Quan niệm liên đới này mang bản sắc chính trị trên cơ sở quốc thể hiện đại (modern nation-state). Quốc thể (nhà nước-quốc gia) này là một đơn vị xã hội, “một hệ thống công bằng trên sự hợp tác bình đẳng qua thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác.” Tính liên đới này là của những công dân trong một định chế cấu trúc cơ bản của xã hội (basic structure of society) mà họ “bước vào bằng sinh và bước ra với tử.”

5. “Công lý trên cơ sở công bằng” là một quan niệm chính trị, nó không phải là một hệ thống lý thuyết toàn diện (comprehensive doctrine) [11] về đạo đức, triết học hay siêu hình. Một Luận thuyết về công lý, nếu mang tham vọng toàn diện, comprehensive, sẽ tự nó mang tính mâu thuẫn nội tại trên bình diện logic và nội dung. Trong điều kiện chính trị và xã hội của các định chế tự do, đương nhiên phải chấp nhận sự hiện diện đồng thời những hệ thống giá trị và chủ thuyết khác nhau, bất tương đồng, không ít những chủ thuyết trong số này mang tính chất quá khích và thiếu lý tính. Đó là cột trụ chính trong tác phẩm Political Liberalism (Chính trị cấp tiến) (1993) [12] ; trong đó, Rawls tái trình bày và sửa chữa lại những gì đã đưa ra trong Luận thuyết. Chính trị cấp tiến công nhận và đương đầu với sự thể đa nguyên hợp lý (the fact of reasonable pluralism) bằng cách chứng tỏ rằng một tư tưởng chính trị có thể thích hợp với sự kiện đa nguyên của thực tế tư tưởng và ý thức hệ trong một xã hội. Điều này chính là sự “thỏa thuận chồng chéo” (overlapping consensus) giữa những Luận thuyết công lý toàn diện. Nhưng ý niệm công lý trên cơ bản chính trị không cho phép nó nhân danh tính phổ cập và toàn cầu trên cơ sở giá trị và chân lý – vì nó không phải là một tư tưởng siêu hình hay tôn giáo. Ví dụ không thể minh định bản thể luận về con người hay là sự tốt đẹp tuyệt đối bằng một Luận thuyết chính trị được.

6. Một quan niệm chính trị về công lý (a political conception of justice) có ba yếu tố: Thứ nhất, nó là một quan niệm đạo đức đặc thù cho các mục tiêu và điều hành của các định chế chính trị, xã hội và kinh tế. Rawls gọi những định chế này là cấu trúc căn bản (basic structure), mà trong đó, tất cả những cơ chế và định chế kết hợp lẫn nhau thành một hệ thống điều hợp xã hội từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thứ hai, quan niệm này không dựa trên hay bắt nguồn từ một chủ thuyết toàn diện nào, mặc dù nó có thể mang bản sắc của một hệ thống khái niệm và lý luận và cũng có thể được biện minh từ một hệ thống tư tưởng toàn diện khác. Thứ ba, nó cũng đặt cơ sở trên một bối cảnh văn hóa chính trị công cộng (public political culture) trong một xã hội dân chủ.

7. Bốn vai trò cho triết học chính trị (2001: 1-5)

Điều quan yếu nhất vẫn là nhu cầu giải quyết vấn nạn trật tự nhằm đi đến một đồng thuận chính trị - mà trong đó, thứ nhất là sự hóa giải mâu thuẫn về tư tưởng. Hãy thử nhìn những mâu thuẫn của siêu hình học trên cơ sở tôn giáo trong lịch sử Tây Âu vốn đã đặt ra những vấn nạn lớn cho Triết học chính trị - và là nguồn gốc của chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) trên nguyên tắc dung thứ (toleration) của Locke, Montesquieu, Hobbes. [13] Muốn giải quyết mâu thuẫn tư tưởng trước tiên phải tìm ra một cơ sở rộng lớn hơn để có thể đem những phương diện nhỏ của những yếu tố mâu thuẫn này về lại với nhau. Trường hợp mâu thuẫn tư tưởng giữa tự do và công bằng là một đặc trưng. Sự khác biệt căn bản về hai ý niệm chính trị này đã tạo ra những mâu thuẫn của định chế chính trị và cả chiến tranh. Ngay trong ý niệm quyền tự do (liberties) cũng có những mâu thuẫn về sự phân định quyền hạn, giữa “tự do của người xưa” (liberties of the ancients), bao gồm sự bình đẳng về quyền tự do chính trị và giá trị của đời sống công cộng (equal political liberties and values of public life), với “tự do của người đời nay”, (moderns) bao gồm tự do tư tưởng, niềm tin, lương tâm, tự do về tài sản và thân thể, và quy tắc pháp chế.

Vai trò thứ hai của triết học chính trị là đóng góp một cơ sở tư tưởng cho những cá nhân trong xã hội, những người đang suy nghĩ về vấn đề quốc gia đại sự (từ cơ bản công dân) như một vấn đề chung, vượt qua góc độ cá nhân riêng biệt và riêng tư. Đây là vai trò “hướng đạo” (orientation) mà trong không gian khái niệm, lý tính và suy tưởng sẽ hướng dẫn con người về với những mục tiêu vừa phải, hợp lý (reasonable and rational ends) và trong một khung định chế sẽ thống hợp và hòa giải được nhiều góc độ của truyền thống, lịch sử và giá trị khác nhau của công dân.

Vai trò thứ ba là sự hòa giải (reconcilliation) - một ý niệm của Hegel trong cuốn “Triết học về Pháp quyền.” Triết học chính trị “cố gắng làm dịu những bực bội và giận dữ của công dân đối với xã hội và lịch sử bằng cách chỉ ra một phương cách nhận thức để thấy rằng những định chế xã hội tự chúng là hợp lý và sẽ tiến hóa theo chiều hướng của lý tính.” Đây chính là yếu tính của câu nói lừng danh của Hegel, “Khi chúng ta nhìn về thế giới một cách hợp lý thì thế giới cũng sẽ nhìn lại ta một cách hợp lý.” [14] Nghĩa là chúng ta phải tiếp cận với định chế xã hội một cách tích cực và với lý tính, chứ không tiêu cực và thụ động chấp nhận cho dù nó có nhiều khiếm khuyết.

Một xã hội dân chủ không là và không thể là một cộng đồng (community) hay là một hội đoàn (association) - nếu cộng đồng hay hội đoàn được hiểu như một tập hợp tự nguyện của những cá nhân cùng chia sẻ những quan điểm sâu rộng về một vấn đề trên cơ sở của một chủ thuyết toàn diện. Trái lại, xã hội dân chủ phải “đa nguyên hợp lý” (reasonable pluralism). Dù xã hội đó có những khác biệt và mâu thuẫn sâu sắc vẫn có thể chia sẻ một hệ thống định chế chính trị và quy tắc. Khi mâu thuẫn tư tưởng và giá trị quá sâu rộng và không thể hòa giải trên cơ sở ý niệm và giá trị thì định chế chính trị dân chủ và pháp chế sẽ giải quyết bằng phương cách thủ tục (pure procedural reconcilliation). [15]

Vai trò thứ tư của triết học chính trị mang bản chất lý tưởng thực tế (realistic utopian): Công việc thăm dò biên độ có thể đạt được trên thực tế chính trị với niềm tin rằng xã hội con người, dù dưới hoàn cảnh nào, cũng sẽ có chỗ đứng và cơ hội cho một trật tự chính trị vừa phải, công bằng và dân chủ. Chúng ta phải hỏi: Một xã hội dân chủ công lý sẽ như thế nào, dù rằng nó không được toàn hảo? Những lý tưởng và nguyên tắc nào mà xã hội dân chủ này có thể hiện thực được trong hoàn cảnh con người, truyền thống và lịch sử cho phép? Các khả thể chính trị và công lý luôn luôn phải đối diện và giải quyết bản chất của thực trạng xã hội vốn luôn khó khăn.

Và cuối cùng, Triết học chính trị, dù là một cơ năng tri thức cho nhu cầu hòa giải, không đồng nghiã nó phải dung túng và biện minh cho những chế độ chính trị ung thối, hay những ý thức hệ giáo điều bất công, độc tài và áp bức nào. Cho nên, chính Rawls cũng đặt nghi vấn về Luận thuyết công lý của mình, xem nó có khả năng trở nên một loại giáo điều hay không, nhằm điều chỉnh.

D. Con người công lý

8. Hai năng lực đạo đức của mẫu người công dân: (2001: 18-19)

Mỗi công dân, trước hết và trên hết là một con người (person). Họ là những con người tự do và bình đẳng (free and equal). Con người này là mẫu người xã hội trên nền tảng cơ bản một công dân dấn thân vào việc nước và xã hội một cách tích cực, tự nguyện và có khả năng. Con người ở đây là một khái niệm quy ước (normative) và chính trị thay vì khái niệm siêu hình hay tâm lý. Mỗi công dân cần có hai năng lực đạo đức:

Thứ nhất là khả năng cảm nhận được công lý (capacity for a sense of justice): Khả năng thông hiểu, ý chí áp dụng và hành động trên nguyên tắc cơ bản của công lý chính trị vốn phân định điều kiện công bằng cho sự hợp tác trong xã hội.

Thứ hai là khả năng cho một quan niệm về những điều tốt lành (capacity for a conception of the good): Khả năng để có được, cải tiến, và theo đuổi mục tiêu thiện lành một cách hợp lý. Quan niệm thiện lành là một tập hợp của những chủ đích và mục tiêu về giá trị cuộc sống, và của những gì đáng để sống cho. Đây là một hệ thống phân định giá trị hiện hữu trong mối tương quan với tha nhân và xã hội, thế giới, được đặt trên cơ sở rộng lớn hơn của triết học, tôn giáo và đạo đức.

9. Những công dân hợp lý: Người công dân là hợp lý (reasonable) khi họ, trong quan điểm tôn trọng lẫn nhau như những cá thể tự do, bình đẳng và sẵn sàng cống hiến cho nhau những điều kiện công bằng cho sự hợp tác xã hội để rồi sẵn sàng hành động từ những điều kiện đó, dù cho rằng chúng có thể đem đến bất lợi cho chính mình. Đây là “tiêu chỉ hỗ tương” (criterion of recirpocity). Một phương diện khác cho một công dân hợp lý là “sự công nhận và sẵn sàng chấp nhận hệ quả của gánh nặng bị phán xét” (The burden of judgment). Họ phải ý thức được rằng những con người vừa phải và hợp lý có thể bất đồng ý kiến nhưng không kỳ thị, thiên kiến hay quá ích kỷ, vụ lợi quá mức. Đây là nguyên tắc của “đồng ý về tình trạng không đồng ý”. Gánh nặng của phán xét từ sự bất đồng giữa người và người có từ bản chất của nhân loại. Nó là tính không hoàn hảo của bằng chứng, mức độ quan trọng của mỗi vấn đề theo quan điểm từng người hay từng nhóm, khái niệm mơ hồ, kinh nghiệm khác nhau, tiêu chuẩn quy ước đa dạng, và bản chất của cơ chế xã hội nhấn mạnh giá trị này, hay giảm nhẹ giá trị khác theo thời gian và hoàn cảnh khác nhau.

10. Phân biệt giữa con người hợp lý (reasonable) đối với con người lý tính (rational): Con người hợp lý là con người vừa phải, biết điều, chấp nhận luật chơi, dù có bị thua. Họ là con người công lý (just) và công bằng (fair). Còn con người lý tính là con người có thể vừa hợp lý hay vô lý (unreasonable), khi họ có thể lợi dụng cơ chế chưa toàn hảo của xã hội để làm hại người khác và làm lợi tối đa cho chính mình. Một con người hay một chế độ chính trị độc tài, dù vô lý, vẫn có thể mang bản chất lý tính. Vì vậy, vô lý và hợp lý nói về cảm nhận và khả năng đạo lý của mỗi con người đối với tha nhân và xã hội, trong khi lý tính nói về khả năng hành xử trên cơ sở tri kiến.

11. Ba giai đoạn phát triển cho đạo đức chính trị của công dân: (1971: 462-479)

(i) Thứ nhất là sự chấp nhận và tôn trọng tính đạo đức của thẩm quyền (morality of authority);
(ii) Thứ hai là phát huy tính đạo đức của đoàn thể (morality of association);
(iii) Thứ ba là tiếp nhận đạo đức của nguyên tắc (morality of principles);

Khi là trẻ con trong khuôn khổ gia đình, thẩm quyền phải được học từ cha mẹ, anh chị. Khi vào xã hội thì đạo đức đoàn thể được tiếp nhận và phát huy để đem cá nhân ra với tha nhân và tập thể. Đến giai đoạn chính trị quốc gia thì cá nhân nay là công dân trưởng thành với đạo đức chính trị trên hệ thống nguyên tắc của chính trị công dân và công lý. Khi trở nên một công dân trên cơ sở chính trị quốc gia, cá nhân đóng đúng vai trò của mình trên nền tảng công lý như lý tưởng xã hội mà họ phải tham dự vào và chia sẻ trách nhiệm cũng như hệ quả của các nguyên tắc định chế liên hệ.

E. Một xã hội công lý

12. Xã hội như là một hệ thống công bằng cho sự hợp tác (a fair system of cooperation) từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không nhất thời hay bất thường. Hợp tác xã hội không phải là sự làm việc có điều hợp, (coordinated activities), vì cái sau có thể là hệ quả do sự bắt buộc từ một cơ chế tập quyền. Hợp tác xã hội phải được hướng dẫn bởi quy luật và thủ tục phổ biến (publicly recognized rules and procedures), căn cứ trên điều kiện bình đẳng hỗ tương cho mọi người tham dự trên một tiêu chuẩn hợp lý và được đồng thuận cho mục tiêu hợp lý của họ.

Vai trò của những nguyên tắc công lý là để quy định những điều lệ cho sự hợp tác hỗ tương của xã hội. Những nguyên tắc này liệt kê những quyền hạn và nghĩa vụ căn bản mà định chế cơ bản của xã hội và chính trị quy định cho công dân. Nó cũng cai chế sự chia sẻ quyền lợi và gánh nặng trách nhiệm nhằm duy trì cán cân công lý chung. Do đó, ý niệm công lý trên cơ bản chính trị chính là công lý dân chủ.

13. Quan niệm về một xã hội trật tự tốt đẹp (a well-ordered society) là một xã hội được cai quản một cách hiệu năng bởi một quan niệm công lý công cộng (public conception of justice) nhằm đến ba điểm: Thứ nhất, mọi người đều chấp nhận, và biết rằng người khác cũng chấp nhận, về một quan niệm công lý chung. Thứ hai, định chế chính trị và xã hội cơ bản thỏa mãn được những nguyên tắc công lý này. Thứ ba, công dân đều có một cảm nhận công lý hiệu năng, có khả năng áp dụng sự hiểu biết và cảm nhận công lý trong tổng thể quyền hạn và trách nhiệm của mình. (1971: 453-462)

14. Ý niệm về cấu trúc cơ bản (basic structure): Công bằng (fairness) trong ý niệm công lý khởi đi bằng cơ chế căn bản xã hội được cai chế bởi nguyên tắc công lý – nhưng điều này không có nghĩa là nguyên tắc công lý sẽ cai chế trực tiếp các vấn đề nội bộ của những tổ chức riêng hay những hội đoàn xã hội. Nguyên tắc công lý trên cơ sở công bằng chỉ cung cấp một bối cảnh (background) của công bằng và hợp lý để giới hạn biên độ tự chủ của các định chế riêng biệt trong xã hội dân chủ đa nguyên. Ví dụ, giáo hội Công giáo có thể rút phép thông công của tín đồ nhưng không có quyền thiêu đốt họ. Do đó, đây là một thể loại công lý chính trị, chứ không phải là công lý toàn diện, ví dụ như công lý nhân quả, siêu hình. Rawls liệt kê ba tầm mức công lý: Công lý địa phương, dành cho định chế và hội đoàn; công lý nội địa dành cho cấu trúc cơ bản của xã hội; và công lý hoàn cầu dành cho công pháp quốc tế. (2001: 10-12)

15. Đây là một Luận thuyết công lý mang bản sắc khế ước xã hội: Tiếp tục truyền thống của triết học khế ước, trong đó, nhấn mạnh đến ba yếu tố cơ bản: Thứ nhất là điều kiện tiền chính trị (pre-political condition). [16] Thứ hai là khi một trật tự chính trị đang được xây dựng khi con người vừa bước ra khỏi thời kỳ tiền chính trị. Thứ ba là những khuyết điểm, thực tế của hệ thống trật tự chính trị và xã hội mà chúng ta đang phải sống với. Cả ba điều kiện này đan quyện lẫn nhau để chúng ta có thể đánh giá và biểu lộ được một trật tự như thế nào, trong bối cảnh lý tưởng khả thi, và có thể chấp nhận được là công bằng và hợp lý cho mọi người. Trên cơ sở khế ước xã hội, khi các pháp nhân đều có cơ bản quyền hạn, ý muốn và kiến thức ngang nhau đều được công nhận hỗ tương, họ sẽ đi vào một sự dàn xếp trên cơ sở hợp đồng để chung sống trong hòa bình.

F. Ý niệm về vị thế nguyên thuỷ (The Original Position) (1971: Chapter III)

16. “Vị thế Nguyên thuỷ” là một khí cụ diễn đạt, một phương tiện cho tư tưởng, nhằm giúp chúng ta hiểu thấu ý tưởng công lý trên cơ bản chính trị. Nó giống như ý niệm “tình trạng thiên nhiên” về con người của Rousseau [17] , hay tình trạng tiền chính trị của nhân loại của Hobbes và Locke. Chúng ta thử hỏi: Con người giao tiếp như thế nào và sống với nhau làm sao trước khi định chế xã hội và chính trị được kiến tạo? Ý niệm về vị thế nguyên thuỷ của Rawls nhằm đến một cơ sở Luận thuyết đi từ vị thế nguyên thuỷ của con người, như một sự tưởng tượng nhằm quy định một trật tự xã hội trên một cấu trúc căn bản hòng thỏa mãn hai Nguyên tắc Công lý (dưới đây) để giải quyết những vấn đề của xã hội.

17. Từ vị thế nguyên thuỷ, con người đại diện (representative persons) sẽ chọn những nguyên tắc công lý để cai chế cấu trúc cơ bản cho một trật tự xã hội công bằng và công lý. Mỗi con người thực hữu trong một trật tự xã hội công lý có một đại biểu trong vị thế nguyên thuỷ. Những đại biểu này là những tín nhân (trustees) và là người bảo hộ (guardians) đại diện cho tất cả những cá nhân trong một tập thế chính trị của những con người tự do và bình đẳng.

Những đại biểu này có ba yếu tố thể hiện được hai năng lực đạo đức. Họ là những con người lý tính (rational persons) trong nỗ lực thực thi nguyện vọng của những người họ đại diện nhằm đạt được những nhu cầu công lý. Yếu tố này công nhận rằng mỗi cá nhân họ đại diện có một tập hợp quyền lợi riêng mà họ muốn hiện thực hóa. Những quyền lợi này gắn liền với năng lực đạo đức cá nhân để theo đuổi, thực thi và điều chỉnh một ý niệm về thiện lành cho cuộc đời.

Vị thế nguyên thuỷ là thế đứng cần thiết của lý thuyết mà sự đồng thuận về một nội dung công lý chỉ là giả thuyết và không mang sử tính (nonhistorical). Sự đồng thuận này thể hiện một quá trình phân tích lý trí và đạt được một sự quân bình từ suy tưởng (reflective equilibrium).

18. Ý niệm về “Màn Vô Minh” (The Veil of Ignorance)

Những con người đại biểu này đứng sau cái mà Rawls gọi là “Màn Vô Minh” vốn che lấp họ khỏi những kiến thức về những con người mà họ đại diện như giới tính, chủng tộc, điều kiện cơ thể, tôn giáo, giai cấp hay ý niệm thiện lành của những người này. Màn vô minh này là hình ảnh giả tưởng cho sự giới hạn của kiến thức cần thiết cho một lý thuyết trung hòa vượt qua các yếu tố đặc thù của con người thực sự trong sử tính. Đây là một khí cụ phân tích, một “device of representation”, cho chủ đích lý luận trừu tượng và tự phối kiểm trong lý thuyết. Đằng sau màn vô minh này, không ai có thể lợi dụng kẻ khác vì bối cảnh và vị thế đặc quyền của mình, hay vì sự yếu kém của kẻ khác. Mỗi đại biểu là một “con người vừa phải” (reasonable person) và hợp lý trong tư thế chí công, vô tư, không có yếu tố và điều kiện cá thể, nhằm đưa ra một công cụ lý thuyết trung hòa và hiệu năng để mọi người có thể chấp nhận được.

Nhưng điều này không có nghĩa rằng các đại biểu này hoàn toàn không biết gì về tình trạng tổng quát của xã hội và nhân sinh quan. Họ hiểu một cách rất tổng quát, trên cơ sở trừu tượng và phổ cập, vượt qua yếu tố đặc thù và tạm thời, về bản chất và khả năng con người - hắn muốn gì, biết lo lằng điều gì, ích kỷ làm sao, và theo đuổi cuộc sống như thế nào cho quyền lợi của hắn. Điều quan yếu nhất là các đại biểu biết rằng con người hợp lý có hai năng lực đạo đức về công lý và về thiện lành.

Nếu không có cái màn vô minh này, các đại biểu lý thuyết sẽ chọn lựa một mô thức công lý có lợi cho mình – chưa kể đến vấn đề kỳ thị hay đối xử phân biệt cho mô thức định chế xã hội. Do đó, màn vô minh này sẽ kiến tạo một môi trường trong sáng và trung hòa cho một Luận thuyết về công lý trên cơ sở quy trình (pure procedural justice) nhằm kiến tạo một thể chế cho một nền công lý nội dung (substantial political justice).

G. Hai nguyên tắc công lý

19. Nguyên tắc thứ nhất: Mỗi người đều có quyền hạn không thể bị xóa bỏ trong một hệ thống bảo đảm toàn diện các quyền tự do căn bản tương xứng với quyền tự do cho tất cả (Each person has the same right (indefeasible claim) to a fully adequate scheme of equal basic liberties, which scheme is compatible with the same scheme of liberties for all); và

20. Nguyên tắc thứ hai: Những bất bình đẳng xã hội và kinh tế phải thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất, những bất bình đẳng này gắn liền với chức vụ và vị thế vốn được mở rộng cho mọi người trên cơ sở bình đẳng và công bằng cơ hội; và thứ hai, chúng phải vì lợi ích cao nhất cho những thành phần chịu nhiều bất lợi nhất trong xã hội (Social and economic inequalities are to satisfy two conditions: first, they are to be attached to offices and positions open to all under conditions of fair equality of opportunity; and second, they are to be to the greatest benefit of the least-advantaged members of society). Rawls gọi phần thứ nhì (vì lợi ích của những người thất thế nhất trong xã hội) của nguyên tắc thứ Hai là nguyên tắc phân biệt (the difference principle) (2001: 42-43). [18]

Nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên, được gọi là “nguyên tắc bình đẳng tự do” (the equal liberty principle) nhấn mạnh tính tối cao của quyền tự do cơ bản. Nguyên tắc thứ hai nhấn mạnh đến bình đẳng cơ hội tiến thân là ưu tiên - so với nguyên tắc phân biệt (the difference principle). Bình đẳng trên cơ hội tiến thân ở đây không chỉ nhắm đến một thể loại bình đẳng thể thức (formal equality), mà còn nhắm đến sự bình đẳng công bằng (fair equality) trong khả thể và khả năng tiến thân mà định chế và chính sách xã hội cho phép.

21. Tự do cơ bản (2001:44-45)

Bao gồm các quyền: Tự do tư tưởng (freedom of thought), quyền hạn về niềm tin (liberty conscience), quyền tự do chính trị (ứng cử, bầu cử), quyền tự do tham gia hội đoàn và lập hội, quyền cá nhân con người được tôn trọng (integrity, physical and psychological, of the person), quyền tài sản, và cuối cùng, các tự do và quyền hạn này được pháp chế bảo vệ (the rule of law).

Các quyền tự do cơ bản này là các quyền chính trị. Tất cả các phạm trù của nó, cả về freedom, tự do mang bản sắc giá trị và điều kiện, và liberties, tự do như là quyền hạn, đều mang bản sắc chính trị. Từ đó, Luận thuyết về Công lý là một tuyên ngôn chính trị về các quyền tự do cơ bản của con người. Nó bao gồm các quyền về tự do tư tưởng, báo chí, hội đoàn, tôn giáo, triết học, đạo đức và tín ngưỡng. Tự do chính trị bao gồm tự do tham chính, bầu cử, quyền được đại diện bởi cơ chế và định chế dân chủ, tự do hội họp, biểu tình ôn hòa, tự do không bị khám xét cơ thể và gia cư cách vô lý, tự do đi lại, cư trú, nghề nghiệp và không bị cưỡng bách lao động và nô lệ. Tất cả các quyền hạn và tự do phải được bảo vệ nhằm có thực chất và hiệu năng, công bằng pháp chế, phát xuất từ một chế độ chính trị dân chủ đại diện và qua cơ chế của quy trình nghị trường và kiểm soát lẫn nhau, bảo đảm sự tham dự và đóng góp vào tiến trình làm luật của quốc dân với quốc hội, hành pháp, áp dụng, phiên giải và giới hạn bởi một tư pháp độc lập, hiệu năng.

Một chế độ chính trị trên mô thức của Hai nguyên tắc Công lý đặt ưu tiên quyền hạn (right) lên trên cái tốt lành (good) – dù rằng cái tốt được định nghĩa qua các quyền hạn tự do và dân quyền căn bản. Rawls gọi một khái niệm chính trị như vậy về tốt lành là “lý thuyết mỏng” (the thin theory) nhằm tránh bàn đến những vấn đề luận lý và nội dung của một chủ thuyết dành ưu tiên cái tốt lên trên quyền hạn, như tôn giáo chẳng hạn.(18)

22. Tự do được định nghĩa bởi quyền hạn trong nghĩa vụ

Công lý trên cơ sở công bằng dành ưu tiên cho các quyền tự do cơ bản – và công lý là một hiện thân của năng lực tự do. Khi cấu trúc cơ bản là công lý, các định chế xã hội là công minh, thì người công dân tự do là người có trách nhiệm hỗ tương trên chức năng xã hội của mình. Đây là nền tảng của bổn phận (duty) – nghĩa vụ từ vị thế công dân tự do, hợp lý, công bằng, và trách nhiệm (responsibility) – nghĩa vụ từ hoàn cảnh đặc thù, và nếu không làm một cách tự nguyện người công dân phải mắc nợ xã hội. Vì thế, nếu định chế và cấu trúc xã hội bất công thì công dân trong xã hội đó không phải là công dân đúng nghĩa, do đó, họ không có nghĩa vụ. Khi chế độ chính trị bất công, vô lý thì đó chỉ là một hình thức khủng bố, bạo lực, và áp chế. Nghĩa vụ và trách nhiệm công dân chỉ đến khi quyền tự do cơ bản và công dân được tôn trọng như những cá thể có thẩm quyền chính trị, bình đẳng và có nhân phẩm.

23. Bổn phận chấp hành luật pháp bất công: Quy tắc Maximin (2001: 97-100)

Tuy nhiên, luật pháp bất công không phải là biện minh đủ để cho công dân có quyền bất tuân, bất chấp luật pháp; và ngược lại, một đạo luật hợp hiến chưa hẵn là lý do đủ để nó phải được tôn trọng. Trong một xã hội “gần công lý” (near-just society), vấn đề bất tuân luật pháp là một sự đánh giá trên cơ sở tự do và dân quyền căn bản. Hiến pháp quốc gia có tôn trọng quyền tự do cơ bản? Hệ thống định chế công quyền có công bằng và hợp lý? Đến mức độ nào thì một bộ luật bất công vi phạm quyền công dân cơ bản? Và nếu phản đối, bất tuân thủ luật pháp thì theo hình thức nào? Các chọn lựa từ nhẹ đến nặng là tuỳ theo mức độ và bối cảnh bất công của chế độ chính trị: Biểu tình bất bạo động, bất hợp tác, từ chối trả thuế hay không tham gia bầu cử, hay sẵn sàng bị bắt, đi tù để tranh đấu.

Bởi vì nếu không có một sự cân bằng vừa phải và hợp lý, thì tình trạng bất tuân luật pháp sẽ tạo ra những bất ổn chính trị và xã hội lớn hơn, làm cho tổng thể tự do và dân quyền càng thêm suy thoái - ngoại trừ sự bất ổn đó được chọn lựa như một khả thể tối ưu và cần thiết, dù không thật tốt đẹp nếu có chọn lựa khác tốt hơn. Đây là biện minh chọn lựa chính trị theo “quy tắc Maximin” (chọn con đường nào mà kết quả tồi tệ nhất của nó sẽ là tốt đẹp hơn là tất cả các kết quả tồi tệ của các con đường khác) [19] để bãi bỏ một hệ thống cấu trúc cơ bản quá bất công, vô lý và áp chế không còn khả thi cải tổ.

24. Nguyên tắc Công lý như là công bằng, justice as fairness, vì thế, là một công lý trên cơ sở cá nhân, với nền tảng ưu tiên quyền tự do chính trị. Luật pháp chỉ có thể giới hạn tự do khi nào sự giới hạn đó sẽ đem đến một tự do và quyền hạn rộng lớn hơn cho tất cả - nhất là cho thành phần thất thế trong xã hội. Do đó, tuỳ trường hợp mà ưu tiên tự do cá nhân phải được hy sinh cho cơ hội của những người bị thất thế. Tự do cơ bản của nguyên tắc thứ nhất là tối thượng và chỉ có thể bị giới hạn cho một mục tiêu tự do phổ quát hơn. Ví dụ, một đại học có thể đối xử phân biệt trên cơ sở da màu vì muốn gia tăng sự hiện diện của một chủng tộc thiểu số nào đó, khi sự phân biệt này làm cho tự do của tất cả mọi người được gia tăng. Giới hạn tự do trong quân đội đối với binh sĩ phải được biện minh bởi nhu cầu ưu tiên vì tự do của quốc dân. Mục tiêu hiệu năng của chính sách nhỏ, như việc gia tăng sản xuất cho một kỹ nghệ quốc doanh, không thể là một biện minh để có chính sách giới hạn tự do kinh tế của mọi người.

25. Các quyền này đến từ đâu? Có hai nguồn gốc của các quyền tự do căn bản. Một là lịch sử; hai là qua suy tưởng của phân tích. Chúng ta hãy thử hỏi, “Tự do và quyền hạn nào là những điều kiện xã hội cần thiết cho sự phát triển có hiệu năng và sự thực thi tốt đẹp cho hai năng lực đạo đức, công lý và thiện lành, cho con người trong suốt cuộc đời của họ?” Từ câu hỏi này, chúng ta nhìn lại lịch sử, phân tích bản chất con người và xã hội và nhận định điều kiện và hoàn cảnh đương thời nhằm tìm ra những quyền tự do cần thiết với những điều kiện và giới hạn của chúng trên cơ sở cá nhân sống với xã hội. Ví dụ, quyền tư tưởng hay tín ngưỡng, bao gồm quyền được sai lầm, quyền không tin tưởng, và khả năng tôn trọng quyền như vậy của tha nhân. (2001:45)

Làm thế nào để bảo đảm được các quyền tự do chính trị cơ bản không bị tập trung vào một thiểu số là vấn nạn của cán cân công lý mà điều kiện “công bằng cơ hội” và “công bằng giá trị” của quyền hạn và tự do phải được bảo đảm bởi pháp chế và điều kiện xã hội, trong đó, cơ hội chính trị và kinh tế, giáo dục là tối cần thiết song song với công lý của quy trình và thủ tục, political and legal due process, phải được công minh và hợp lý. Rawls quan niệm rằng đối với các quyền như quyền thừa hưởng gia tài, quyền kiểm soát phương tiện kinh tế hay đặc sản thiên nhiên thì không thể gọi là quyền tự do cơ bản.

26. Giải thích thêm về nguyên tắc thứ hai, tức là “nguyên tắc phân biệt” (the difference principle): Một trật tự xã hội công lý nếu có quyền phân biệt đối xử sẽ tạo cơ hội và thực tế tiến thân và làm tốt đẹp hơn cho các thành phần yếu kém bây giờ. Ví dụ, trong một trường đại học, lương của giáo sư có thể cao hơn lương của anh thư ký hành chánh, với điều kiện là cơ hội của chức vụ giáo sư được mở rộng đồng đều và công bằng cho anh thư ký và sự khác biệt về tiền lương là hợp lý (do chức vụ giáo sư đòi hỏi tài năng cao, giáo dục nhiều và lâu dài) cho một tổng thể quyền hạn và tự do cho mọi người tham dự. Nhưng một chính sách chỉ làm giàu thêm cho kẻ đã giàu, ví dụ giảm thuế cho chủ nhân các công ty lớn vì muốn khuyến khích đầu tư, trong khi gia tăng thuế đối với kẻ lao động, là điều không chấp nhận được trên cán cân công lý vì kết quả của chính sách này chỉ tạo thêm những khiếm khuyết về cơ hội và quyền hạn kinh tế chính trị cho kẻ thất thế trong cộng đồng kinh tế liên đới. Nguyên tắc công lý thứ hai mang nhiều màu sắc xã hội chủ nghĩa và ít nhiều mang bản sắc hữu dụng.

27. Công lý theo thể loại nào? Nguyên tắc thứ nhất nhấn mạnh và ưu tiên hóa gần như tuyệt đối các quyền tự do cơ bản mang bản sắc công lý tự do chính trị; trong khi, nguyên tắc thứ hai nhấn mạnh đến công lý phân phối (distributive justice). Đây không phải là công lý có sẵn đem phân bổ (allocative), vốn chỉ đương đầu với một số lượng công lý có sẵn, hay công lý “đòi nợ” (retributive), vốn dựa trên vấn đề lịch sử. Và đây cũng không phải là một loại công lý siêu hình trên cơ sở toàn diện và tuyệt đối.

Công lý phân phối là phương thức cho vấn nạn này: Làm thế nào để những định chế của cấu trúc cơ bản trở thành khí cụ và được cai chế trong một hệ thống thống nhất để sự hợp tác của xã hội có thể được thực thi một cách công bằng, hiệu năng và có kết quả từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp? Như vậy, nguyên tắc công lý phân hành phải là thứ yếu khi tuân theo trật tự ưu tiên công lý của tự do sau khi cấu trúc xã hội đã vượt qua giai đoạn chuyển hóa và lột bỏ màn vô minh cho con người (bàn dưới đây), trong đó, việc tiên quyết là thiết lập một định chế chính trị và cấu trúc nền tảng bằng một hiến pháp (bộ luật tối thượng của quốc gia) nhằm bảo đảm và thực thi các quyền tự do chính trị căn bản.

28. Bốn giai đoạn thực thi cho Hai nguyên tắc Công lý

Màn vô minh sẽ được tháo gỡ theo tiến trình hiện thực hóa công lý chính trị bao gồm bốn giai đoạn sau.

  • Thứ nhất: Từ sau màn vô minh, các đại biểu chấp nhận Hai nguyên tắc Công lý;
  • Tiếp theo đó là việc từ từ tháo bỏ cái màn vô minh nhằm thực thi toàn bộ và hiệu quả hai nguyên tắc trong ba giai đoạn ;
  • Công tác căn bản thứ hai là triệu tập một hội nghị lập hiến (constitutional convention) nhằm thiết lập các định chế chính trị và luật pháp cơ bản của quốc gia qua ba phân ngành tách biệt với những điều khoản về dân quyền và công dân quyền được công nhận và quy định;
  • Thứ ba là khi quốc hội và cơ quan hành pháp cùng chính thức đưa ra những đạo luật nhằm thực thi các yếu tố cần thiết cho quyền tự do chính trị cơ bản;
  • Giai đoạn cuối, thứ tư, là khi các đạo luật được thực thi bởi các cơ chế công quyền, qua quy trình và pháp quy hành chánh, trong khi các mâu thuẫn về thực tế và sự kiện cũng như sự phiên giải và áp dụng vào đời sống sẽ là vai trò chính của ngành tư pháp (judiciary). (2001: 48-49)

29. Chỉ tiêu của công lý nằm ở cấu trúc cơ bản (2001: 52-58)

a. Lý do thứ nhất: Thực tế lịch sử, xã hội và kinh tế không cho phép chúng ta bỏ qua tất cả những bất công hiện thời cách xa xỉ để thiết lập một tiến trình chính sách cho công lý mà không thiết lập lại một điều kiện bối cảnh công bằng (fair background conditions) cho lý tưởng công lý. Để có được một bối cảnh công bằng, định chế quốc gia, tức hiến pháp và các bộ luật cơ bản, phải bảo đảm được chức năng bảo vệ và phát huy quyền tự do chính trị và quyền làm người cơ bản, đồng thời bảo đảm một hệ trình tiến bộ trong công lý xã hội và kinh tế vốn cần thời gian và sự gia tăng trình độ dân trí. Đây là phần vụ quan yếu của điều Rawls gọi là “quy luật về tiến trình, thủ tục thuần túy cho bối cảnh công lý” (the rules of pure procedural background justice). Quy luật này bao gồm hai phương diện: Một là về vĩ mô đối với các định chế cơ bản về quyền hạn và tự do; hai là về vi mô đối với các tương quan giữa cá nhân và các tổ chức trong xã hội dân sự và kinh tế.

b. Lý do thứ hai: Công lý trên cơ sở công bằng chỉ có thể được thực thi bởi định chế và cấu trúc chính trị cơ bản – nếu không, không thể có công lý. Con người trong một xã hội phải là công dân của một quốc gia, và vì thế, họ phải chịu sự cai chế và ảnh hưởng nặng nề bởi định chế công quyền cơ bản. Mỗi công dân sinh ra trong một quốc gia, sống, và rồi đi ra khỏi bằng cái chết. Và xã hội đó bao giờ cũng chứa đầy bất công và bất bình đẳng. Bởi thế hai nguyên tắc Công lý như là công bằng phải giải quyết những bất công qua định chế của cấu trúc cơ bản nhằm giảm thiểu những phân phối không đồng đều của con người trong hoàn cảnh cá nhân của họ vì lý do giai cấp, thừa kế, khả năng bẩm sinh hay sự may rủi trong cuộc đời. Công lý chính trị và xã hội phải đưa cơ hội thăng tiến đến cho triển vọng cuộc đời (life-prospects) cho mọi công dân trong xã hội đó.

30. Những giá trị và quyền hạn cơ bản (primary goods): Để minh định những kẻ thất thế trước tiên cần minh xác những giá trị và quyền hạn cơ bản sau:

i. Quyền hạn và tự do cơ bản: Tự do tư tưởng và tự do lương tâm - vốn tối cần cho sự phát huy hai năng lực đạo đức công lý của cá nhân.
ii. Tự do đi lại, nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến trong xã hội.
iii. Quyền hạn và trách nhiệm của vị thế và chức năng công quyền và xã hội
iv. Lợi tức và của cải
v. Cơ sở xã hội để phát huy nhân cách hay tinh thần tự trọng (social bases of self-respect) ,trong đó, con người tôn trọng chính mình vì định chế xã hội tôn trọng nhân phẩm của mình – khác với tự trọng (self-respect) trên cơ bản từng cá nhân. (2001: 58-59)

Muốn là một công dân đúng nghĩa, làm một con người có khả năng tham dự cuộc chơi xã hội, họ phải có những giá trị và quyền hạn căn bản trên. Các quyền này là những gì cấu tạo nên một ý niệm tổng thể cho nhu cầu công lý trong một bối cảnh quốc gia và xã hội bao gồm nhiều hệ ý thức hay triết học, niềm tin, giá trị hay tôn giáo khác biệt và đối nghịch nhau. Các sản phẩm cơ bản “primary goods” là các yếu tố nền tảng cho một cơ chế quốc gia có thể tồn tại và sinh động, có hiệu năng và giá trị. Mục tiêu của một chế độ công lý là nâng cao số lượng và phẩm chất của những “primary goods” này. Những ai có ít số lượng và phẩm chất của chúng là những kẻ “yếu kém” cần phải được chú trọng trong định chế và cần có chính sách cho họ thăng tiến.

31. Công dân có thể mong mỏi được quyền lợi nào?

Nguyên tắc công lý phân phối đặt cơ sở trên tiêu chuẩn đòi hỏi hợp lý (legitimate claims) và được hưởng những gì mình xứng đáng (earned entitlements). Họ tôn trọng luật chơi và mong rằng trò chơi sẽ công bằng dù họ có bị thua. Vấn đề là quy luật phải công minh, rõ ràng, không thiên vị và không bất công khi áp dụng. Khẩu hiệu ở đây là: “Những gì cá nhân làm tuỳ thuộc vào những gì mà quy luật và khế ước xã hội đồng ý họ sẽ được hưởng; những gì họ được hưởng tuỳ vào những gì họ làm.” (1971:84) (So với Marx trong Phê phán chương trình Gotha: “Mỗi người lao động theo khả năng, và được hưởng theo nhu cầu”)

Cá nhân trong bối cảnh quyền hạn và nghĩa vụ sẽ không được phán xét trên cơ sở đạo đức cá nhân hay theo giá trị tôn giáo siêu hình vì mỗi con người là một công dân trong một tập hợp xã hội đa nguyên và đa dạng mà trong nó nhiều nguyên tắc đạo đức siêu hình có thể mâu thuẫn và đối nghịch lẫn nhau. Những gì mà công dân có quyền hưởng tuỳ theo sự đóng góp vào hệ trình chung của cơ đồ công lý. Đây là điều kiện “có qua, có lại” trên cơ sở trách nhiệm và quyền lợi hỗ tương. Không ai có quyền thừa hưởng trên cơ sở đạo đức chỉ vì họ làm người (moral desert); (2001: 72-73) nhưng khi đóng vai trò công dân theo khả năng và hoàn cảnh trong một xã hội công lý và công bằng, họ có quyền được hưởng những quyền lợi và quyền hạn (just entitlement). (2001: 72-74)

32. Ý niệm về “Lý lẽ Công” (the Idea of Public Reason) trên một cơ sở biện minh công khai (Public Basis of Justification) (2001: 89-94): Nếu chúng ta muốn Hai nguyên tắc Công lý được chấp nhận phổ cập và có hiệu năng, thì phải có một cơ sở biện minh công khai và một quy chế cho đồng thuận, cho tiến trình nghi vấn, tìm hiểu, thắc mắc cho quần chúng. Quy chế này phải có một tiêu chuẩn thủ tục, tiêu chuẩn bằng chứng, nhằm gia tăng hiệu năng tham dự của công dân trong các vấn đề tranh luận chính trị. Vì thế, khế ước nguyên thuỷ cho Hai nguyên tắc Công lý phải bao gồm hai phần:

- Đồng thuận về những nguyên tắc công lý chính trị của cấu trúc cơ bản; và
- Đồng thuận về những nguyên tắc lý luận (lý lẽ thông thường) và quy chế bằng chứng (tiêu chuẩn khoa học khách quan) cho việc quyết định sự áp dụng của hai Nguyên tắc Công lý, áp dụng đến mức độ nào, và luật pháp và chính sách nào là thích ứng với nhu cầu công lý đương thời. Trên phương diện đạo đức công dân, tinh thần vừa phải, ôn hòa, công bằng cũng là một phần của giá trị biện minh công khai nhằm đạt được một nội dung chính trị công dân trên cơ bản tôn trọng lẫn nhau như những con người vừa phải, hợp lý và lý tính. Đây là giá trị của văn minh công vụ (public civility) nhằm bảo đảm được một biên độ quy tắc và định chế vừa phải cho những khác biệt chính kiến - tránh được nạn khẩu hiệu tình cảm và giáo điều về tư tưởng chính trị và niềm tin. Từ đó, lý lẽ biện minh công khai có giá trị chính trị thứ nhì sau những giá trị chính trị của các quyền hạn và tự do căn bản. Theo Rawls, chúng ta không chỉ cần quan tâm đến sự thảo luận (discourse) mà còn cả về lý tính (reason).



© 2007 talawas



[1]“Theory” tôi dịch là “Luận thuyết” thay vì “Lý thuyết” hay “Học thuyết.” Luận thuyết mang tính chất thảo luận, bàn cãi (discourse) hơn là một tiền đề lý giải (lý thuyết) hay một chủ trương học thuật (học thuyết). Hai tác phẩm sử dụng cho bài này là John Rawls, A Theory of Justice (Cambridge: Harvard University Press, 1971) và xem (2) dưới đây.
[2]John Rawls, Justice as Fairness. A Restatement (Cambridge: Harvard University Press, 2001)
[3]Do số lượng quá lớn của sách và những bài viết trên các tạp chí chuyên ngành về kinh tế, chính trị, triết học, luật pháp và xã hội học về Luận thuyết của Rawls trong suốt ba mươi năm qua không cho phép chúng tôi trích dẫn được. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu sơ lược về Luận thuyết mà không thể bàn sâu hơn. Dù rằng Luận thuyết đã được dịch ra trên ba mươi thứ tiếng trên thế giới, nhưng theo chúng tôi biết thì chưa có bản dịch Việt ngữ cho tác phẩm này. Tác phẩm đối trọng quan yếu nhất đối với Luận thuyết là của Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia (1974), trong đó Nozick đưa ra một trường phái triết học chính trị của phía libertarianism (cổ võ cho một vai trò tối thiểu của chính quyền) chấp nhận kết quả bất công của xã hội nếu sự phân phối quyền lợi được làm nên bởi những con người trưởng thành, trên cơ bản tự nguyện và được khởi đi từ một điểm công bằng.
[4]“Justice is the first virtue of social institutions, as truth is of systems of thought. A theory however elegant and economical must be rejected or revised if it is untrue; likewise laws and institutions no matter how efficient and well-arranged must be reformed or abolished if they are unjust.”
[5]“Each person possesses an inviolability founded on justice that even the welfare of society as a whole cannot override. For this reason justice denies that the loss of freedom for some is made right by a greater good shared by others. It does not allow that the sacrifices imposed on a few are outweighed by the larger sum of advantages enjoyed by many. Therefore in a just society the liberties of equal citizenship are taken as settled; the rights secured by justice are not subject to political bargaining or to the calculus of social interests. The only that permits us to acquiesce in an erroneous theory is the lack of a better one; analogously, an injustice is tolerable only when it is necessary to avoid an even greater injustice. Being the first virtues of human activities, truth and justice are uncompromising.”
[6]Về một định nghĩa cho chủ thuyết “hữu dụng” (utilitarianism): Xem C (1). Các triết gia về Hữu dụng luận bao gồm: David Hume (1711-76): Triết gia gốc Scotland (Tô Cách Lan). Mặc dù Hume chưa thực sự nêu rõ thuyết hữu dụng một cách có hệ thống, nhưng những lý luận cơ bản về giá trị và đạo đức theo cơ bản tri thức luận của ông đã tạo nên truyền thống hữu dụng luận tiếp theo. Hai tác phẩm ảnh hưởng lớn đến hữu dụng luận của Hume là An Inquiryconcerning the Principles of Morals (1751) và Essays: Morals, Political and Literary (1741); Adam Smith (1723-90): Triết gia gốc Tô Cách Lan, tác giả của hai tác phẩm mang ảnh hưởng lớn về đạo đức và kinh tế, The Theory of Moral Sentiments (1759) và Wealth of Nations (1776); Jemery Bentham (1748-1832): Triết gia Anh về chính trị và đạo đức, cùng với Mill, là cha đẻ của thuyết hữu dụng cổ điển. Tác phẩm chính, An Introduction to the Principles of Morals and Legistration (1789); John Stuart Mill (1806-73): triết gia phiên giải nền tảng của hữu dụng luận có hệ thống trong tác phẩm Utilitarianism (1861). Tác phẩm khác lừng danh khác của Mill là On Liberty (1860).
[7]“Trực giác luận” (Intuitionism) chủ trương rằng, về phương diện đạo đức, con người có khả năng tự nhiên nhận ra cái đúng và sai mà không cần đặt trên cơ sở lý luận, cảm giác, suy tưởng, hay trí nhớ. Tức là, đức hạnh là những sự thật hiển nhiên (self-evident truths) như những định đề toán học cơ bản mà đã là con người sẽ phải nhận thức ra chúng khi đối diện với vấn đề của luân lý.
[8]“The greastest net balance of satisfaction summed over all the individuals belonging to it.” (Thỏa mãn lớn nhất tăng thêm là tổng hợp thỏa mãn của các cá nhân tham dự).
[9]John Locke (1632-1704): Triết gia Anh, nổi tiếng là cha đẻ của trường phái Empiricism (Thực nghiệm luận). Tác phẩm quan yếu: Essay Concerning Human Understanding (1869) và Second Treaty of Government (1869) (Bản Việt ngữ, Khảo luận thứ hai về chính quyền, do Lê Tuấn Huy dịch và giới thiệu. NXB Tri Thức, 2006). Jean-Jacques Rousseau (1712-78): Triết gia Pháp, cùng với Locke và Hobbes, được xem là cha đẻ của thuyết “Khế ước xã hội” (Social Contract). Hai tác phẩm quan trọng là Discourse on the Origin and Foundation of Inequality among Mankind (1755) và The Social Contract or Principles of Political Rights (1762). Immanuel Kant (1724-1804): Một trong những triết gia Đức quan trọng nhất của triết học tây phương trong vai trò nâng cao vai trò lý tính trong siêu hình học và đạo đức. Tác phẩm quan trọng nhất là Crtique of Pure Reason (1781) (Xem Phê phán Lý tính Thuần tuý (2004), bản dịch Việt ngữ của Bùi Văn Nam Sơn, NXB Văn Học, Hà Nội). Sau đó là một loạt sách về Phê phán đạo đức và luân lý, trong đó có Critique of Practical Reason (1788) và Metaphysics of Morals (1797).
[10]Xem #42 về các trả lời của Rawls đối với những chỉ trích trên cơ sở Marxism đối với Luận thuyết.
[11] “Hệ thống lý thuyết toàn diện” hay “chủ thuyết toàn diện” (comprehensive doctrine) đòi giải quyết tất cả mọi phương diện của chính trị và xã hội, kể cả vấn đề bản thể luận và siêu hình. Chủ thuyết Hegel, Marxism hay các giáo điều tôn giáo, điển hình, là những chủ thuyết toàn diện. Rawls nhấn mạnh rằng Luận thuyết là một “Luận thuyết mỏng” (thin theory) hay là một “quan điểm đứng tự do” (free-standing view) vốn chỉ nhìn công lý trên cơ bản chính trị (justice as fairness as a political conception). Luận thuyết không khẳng định hay phủ nhận các chủ thuyết toàn diện mà nó chỉ cổ võ cho một tình trạng đa nguyên giá trị vừa phải và hợp lý bằng nguyên tắc “thỏa thuận chồng chéo” (overlapping consensus).
[12]John Rawls, Political Liberalism (New York: Columbia University Press, 1996)
[13]Thomas Hobbes (1588-1679): Triết gia người Anh vốn đã ảnh hưởng lớn đến các lý thuyết dân chủ Tây phương, đặc biệt là dân chủ Hoa Kỳ. Tác phẩm quan yếu là Leviathan (1651) . Quan điểm nổi tiếng của Hobbes là, “Cái gì là công lý hay bất công được quyết định bởi luật pháp quốc gia, chứ không phải là đạo đức hay vô đạo đức.” (“What is just or unjust is determined by the laws of the state, what is moral and immoral is not”). Baron de La Brede et de Montesquieu (Chức danh của Charles-Louis de Secondat) (1689-1755): Triết gia chính trị Pháp, được coi là tiếng nói lương tâm chính trị của Âu Châu cho phong trào Khai Sáng. Tác phẩm quan trọng, L’Esprit des lois (1748) đặt nền tảng triết luận cho một chính thể cộng hòa với nguyên tắc tam quyền, lập, hành và tư pháp, được phân lập và tách biệt.
[14]Georg W. F. Hegel 1770-1831): Triết gia Đức, cha đẻ của “Duy tâm tuyệt đối luận”. Tác phẩm chính, Phänomenology des Geistes, (Hiện tượng luận về Tinh thần) (1807). Bản Việt ngữ của Bùi Văn Nam Sơn, Hiện tượng học tinh thần, NXB Văn Học, 2006). Ở đây, Rawls trích câu này từ Rechtsphilosophie (Triết học Pháp quyền) (1820) trong đó Hegel nói thêm về ý nghĩa hòa giải (reconcilliation) giữa triết học và thực tại như vậy, “Khi công nhận trí năng (reason) như là một bông hồng trên thập tự giá của hiện tại để mà thưởng ngoạn được hiện tại, đó chính là khi trực nghiệm lý tính (rational insight) cho phép chúng ta hóa giải được với thực tại (the actual), một thứ hòa giải mà triết học cho phép đến những ai có một tiếng gọi từ bên trong muốn thấu hiểu được vấn đề.” (Lời nói đầu). Xem Nguyễn Hữu Liêm, Tự do và đạo lý: Một khai giải về triết học pháp quyền của Hegel (NXB Biển Mới, California, 1993), cho một phiên giải bằng Việt ngữ của tác phẩm Triết học pháp quyền của Hegel.
[15]Công lý có hai phương diện: Nội dung (substantive) và quy trình (thủ tục) (procedural). Rawls đưa ra một thí dụ về công lý quy trình nhằm bảo đảm công lý trên căn bản thuờng nghiệm: Một số người đồng ý cắt chia một chiếc bánh. Muốn công bằng thì hãy để cho người cầm dao cắt là người cuối cùng lấy phần của mình. (1971:85) Công lý quy trình không bảo đảm kết quả, mà chỉ bảo đảm tính khách quan, vô tư và công minh cho luật chơi.
[16]“Tình trạng tiền chính trị” (Pre-political condition): Một giả định về tình trạng tâm lý và xã hội của con người trước khi sống trên tư cách công dân của một quốc gia với hệ thống chính trị, luật pháp và công quyền. Đây là giả định lý thuyết của Hobbes và Locke như là giả định về “Màn vô minh” từ vị thế nguyên thuỷ cho Hai nguyên tắc công lý của Rawls.
[17]“Tình trạng thiên nhiên” của Rousseau nói về một mẫu người nguyên trạng với cá thể chính mình trong “ý chí đặc thù” (particular will) khi họ còn chưa bị cai chế bởi định chế chính trị và giá trị cộng đồng, tức là “ý chí phổ quát” (general will), thông qua sự tham dự vào một “khế ước xã hội” giữa công dân và quốc gia.
[18]Hai nguyên tắc công lý được Rawls thay đổi ít nhiều, phần lớn là về hình thức và hành văn, từ lúc chúng được đưa ra năm 1971 cho đến 2001. Ở đây, tôi chọn văn bản được cập nhật năm 2001 trong cuốn Restatement.
[19]Quy tắc chọn lựa Maximin (Maximum-minimorum): “To identify the worse outcome of each available alternative and then to adopt the alternative whose worst outcome is better than the worst outcomes of all the other alternatives.” (2001: 97)
Nguồn: Tham luận đọc tại Há»™i thảo Hè 2006, Berkeley, California. (Tôi xin cảm Æ¡n tiến sÄ© VÅ© Quang Việt đã đọc và đề nghị nhiều sá»­a đổi cho bản thảo.)