trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
12.3.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Chỉ có Công lý khi có Tự do
(Giới thiệu Luận thuyết về Công lý của John Rawls)
 1   2 
 
H. Lý luận về cấu trúc cơ bản

33. Có một cách xếp loại bao gồm năm loại chế độ cho các hệ thống xã hội: (a) Tư bản laissez-faire; (b) Tư bản công lợi (welfare-sate capitalism); (c) xã hội chủ nghĩa quốc gia với kinh tế chỉ đạo (state socialism with a command economy); (d) dân chủ tư hữu (property-owning democracy); và (e) xã hội (dân chủ) cấp tiến (liberal (democratic) socialism). (2001: Part IV)

Có bốn câu hỏi cơ bản cho một chọn lựa chế độ: (a) Về quyền hạn: Hệ thống định chế của nó có công lý và đúng đắn (just and right)? (b) Về thiết kế chính quyền: Định chế của chế độ đó có thể kiến tạo một cách có hiệu năng để thực thi những tiêu chí đề ra? (c) Thái độ công dân: Liệu rằng, trong tất cả những quyền lợi và chủ đích của họ được đề ra bởi hệ thống cấu trúc cơ bản, họ có thể tuân thủ theo quy luật của định chế trong mọi bối cảnh sinh hoạt không? Và (d) Khả năng và chức năng: Liệu những công tác đề ra cho các cơ chế có trở nên quá khó khăn cho nhân sự tham dự thực thi được chính sách cho mục tiêu chọn lựa?

34. Chế độ dân chủ tư hữu là tối ưu trên cơ sở của Hai nguyên tắc Công lý. Trước hết, hãy phân tích những khuyết điểm của các chế độ khác:

(a) Chế độ tư bản laissez-faire chỉ bảo đảm được thể loại bình đẳng hình thức (formal equality) trong khi chống lại giá trị công bằng của các quyền hạn tự do và bình đẳng chính trị (fair value of the equal political liberties) và công bằng của bình đẳng cơ hội (fair equality of opportunity). Chủ đích của chế độ này là phát triển kinh tế trong khi những mầm móng bất công chỉ được cai chế bởi một quy chuẩn xã hội tối thiểu.
(b) Chế độ tư bản công lợi cũng chống lại các quyền hạn tự do và bình đẳng chính trị, dù quan tâm một ít đến bình đẳng cơ hội nhưng nó không có tính chất thiết yếu chính trị nhằm thực thi quyền bình đẳng này giữa những ưu tiên khác. Nó cho phép bất bình đẳng tồn tại trong những bất động sản đồng thời tập trung quyền lực kinh tế và chính trị vào tay một thiểu số. Hơn nữa, dù có chính sách công lợi rộng rãi, nguyên tắc hỗ tương (principle of reciprocity) trong nỗ lực cai chế sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội lại không được công nhận.
(c) Chế độ xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế chỉ huy và độc đảng trung ương tập quyền thì vi phạm các quyền bình đẳng quyền hạn và tự do và không tôn trọng ngay cả giá trị cơ bản của chúng. Trong nền kinh tế trung ương chỉ đạo này, giá trị dân chủ của cơ chế thị trường và những tiến trình điều chỉnh khuyết điểm của nó cũng bị thiếu sót trầm trọng.
(d) Chế độ dân chủ tư hữu và xã hội cấp tiến, bằng hiến pháp dân chủ, đều bảo đảm quyền tự do cơ bản và công bằng cơ hội trong khi vẫn có thể điều chế công bằng kinh tế nhờ nguyên tắc phân biệt (the difference principle). Dù dưới chủ nghĩa xã hội cấp tiến, phương tiện sản xuất được làm chủ bởi tập thể, nhưng chúng lại được phân tán mỏng ra một cách rộng rãi và quân bình, song song với quyền hành chính trị và công quyền nhằm bảo đảm được sự vận hành hiệu năng và hợp lý của kinh tế thị trường tự do.

35. Một chế độ dân chủ tư hữu sẽ thực hiện được lý tưởng của Hai nguyên tắc Công lý một cách hiệu năng hơn vì bối cảnh của hệ thống định chế cơ bản sẽ phân tán cơ năng và quyền lực kinh tế rộng rãi hơn cho nhiều thành phần và giai tầng trong xã hội - nhất là phương tiện sản xuất kinh tế. Thêm vào đó, chế độ dân chủ tư hữu sẽ đặt ưu tiên lên sự bình đẳng cơ hội thăng tiến cho mọi người, nhất là thành phần thất thế. Chủ đích của bình đẳng cơ hội trong chế độ tư hữu là đưa mọi người đến một sân chơi bằng phẳng của cơ hội và luật chơi, chứ không bảo đảm kết quả của trò chơi. Đối tượng của chính sách công bằng cơ hội không nhằm đến các thành phần rủi ro, thiếu may mắn. Trong nguyên tắc phân biệt của công lý, thành phần yếu thế nhất (the least advantaged) không phải là kẻ sa cơ, thất thế tạm thời. Xã hội mắc nợ thành phần yếu thế trên lý do của nguyên tắc hỗ tương (reciprocity), trách nhiệm hai chiều (mutuality) từ cán cân công lý chính trị vì họ là những con người bình đẳng và tự do - chứ không vì lòng từ bi hay vì thương xót họ (mặc dù sẽ có những chính sách an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp, tàn tật, y tế xã hội). (2001: 137-38)

I. Ý niệm về Thiện/Tốt (the Good) trong cán cân công lý

36. Hai nguyên tắc Công lý cần phải dựa trên hai nội dung giá trị của quyền hạn và thiện lành. Một hệ thống định chế công lý hay những đức hạnh chính trị sẽ không phục vụ được điều gì - ngoại trừ những định chế và đức hạnh chính trị giúp công dân duy trì lý tưởng thiện lành trong tổng thể giá trị toàn diện mà họ đang sống với. Theo Rawls, ý niệm về công lý chính trị phải tự nó dung chứa đủ một không gian cho tinh thần ngưỡng vọng trong đức tin về con người và cứu cánh xã hội của công dân. Nếu không, hệ thống chính trị tự do sẽ mất dần quân bình theo thời gian. Theo đó, “Cái Công lý phân định giới hạn; cái Tốt chỉ ra cứu cánh” (The Just draws the limit; the Good shows the point).(2001: 140-142)

37. Nhưng cái Tốt là gì? Có thể đưa ra sáu ý niệm về “cái Tốt” trong lý tưởng công lý:

(i) Cái tốt là của lý tính (the good as rationality) ,trong đó, người trong cuộc, trên cơ sở công dân, có trực giác về dự án cho đời sống của họ, từ đó, họ theo đuổi bằng lý trí, ý chí, nỗ lực thành đạt theo cảm nhận của riêng họ.
(ii) Cái tốt bao hàm những chỉ tiêu chính trị cơ bản thuộc những quyền chính trị của những cá thể tự do và bình đẳng.
(iii) Cái tốt là điều được thừa nhận phổ quát cho tiêu chí công lý xã hội đến từ một bối cảnh rộng lớn hơn, từ nhiều chủ thuyết toàn diện về giá trị nhân văn, bao gồm, cả những chủ thuyết mang tính cực đoan, tuyệt đối, nhất là về siêu hình hay tôn giáo. Do đó, ý niệm và quyền hạn là điều phải rõ ràng, phân định trong quyền hỗ tương trên cơ sở xã hội, chứ không có quyền hạn tuyệt đối (ví dụ, xử tử những kẻ bỏ đạo).
(iv) Cái tốt là của đức hạnh chính trị bao gồm khả năng nhân nhượng, vừa phải, khách quan, chấp nhận sự bất đồng chính kiến, tôn trọng tiến trình và quy tắc thủ tục đồng thời chấp nhận quy tắc chung quộc. Ví dụ, đa số thắng thiểu số trong bầu cử.
(v) Cái tốt của một trật tự xã hội tốt đẹp (well-ordered society) kiến tạo bởi Hai nguyên tắc Công lý.
(vi) Và cái tốt trong một xã hội như là một tập hợp của những xã hội nhỏ trong một xã hội lớn. (2001: 141-42)

Như vậy, khởi đi từ ý niệm của tốt lành như lý tính (goodness as rationality) kết hợp với ý niệm chính trị về con người, về sự thể của đời sống, và cấu trúc tổng quan về những dự án cho một cuộc đời hợp lý, chúng ta có được những giá trị tốt đẹp của sản phẩm cơ bản (the primary goods). Từ những sản phẩm cơ bản này, để tìm ra chủ đích của những ai tham dự vào vị thế nguyên thuỷ của Luận thuyết, the theoretical original position, chúng ta kiến tạo nên Hai nguyên tắc Công lý. Từ đó, cái gì là “tốt” tuỳ theo tính liên hệ chấp nhận được trong phạm vi của Hai nguyên tắc Công lý này. Sau đó là vai trò của đức hạnh chính trị của công dân, vốn cần thiết để bảo đảm sự tồn tại và phát huy của một cấu trúc chính trị cơ bản theo thời gian.

K. Định chế cho Công lý

38. Phân biệt giữa “Nhân bản công dân” (Civic humanism) đối với “Cộng hòa cổ điển” (classical republicanism) (2001:142-144)

Hai nguyên tắc Công lý trên cơ bản chính trị và công bằng thích hợp với nền chính trị cộng hòa cổ điển, nhưng nó phản nghịch với chính trị nhân bản công dân. Nhân bản công dân là một thể loại chính trị trong truyền thống triết học Aristotle. Truyền thống này quan niệm rằng công dân là những “con vật chính trị” trong một xã hội dân chủ, trong đó, sự tham gia của công dân vào việc chung là phổ biến, rộng rãi và tích cực như một khuôn mặt chính yếu và cần thiết của cuộc đời. [1] Sự tham gia tích cực vào việc chính trị là điều kiện cần thiết nhằm bảo vệ các quyền tự do căn bản và đồng thời là một cơ sở giá trị định nghĩa cho cái gì là tốt đẹp toàn diện cho con người. Nhưng như vậy, theo Rawls, loại chính trị dấn thân này đã trở nên một chủ thuyết toàn diện (a comprehensive doctrine) vốn không phù hợp với hai nguyên tắc công lý đưa ra ở đây. Trong các xã hội dân chủ hiện đại ở Tây phương - không như chính trị của Athens hồi trước – việc sinh hoạt và tham gia chính trị không phải là điều kiện phải có và là nhu cầu tối cao của công dân, dù rằng việc đó rất hữu ích và mang giá trị lớn. Vì nếu tham gia và hoạt động chính trị là một điều kiện để công dân được hưởng quyền tự do căn bản thì các thành phần thất thế sẽ không được hưởng quyền hạn và tự do cơ bản xứng đáng trong lý tưởng công lý ở đây.

Bên cạnh đó, nền cộng hòa cổ điển cũng rất coi trọng sự tham gia và dấn thân tích cực, rộng rãi vào việc nước và chính trị ở khắp mọi tầng lớp và mọi phương diện như một điều kiện quan trọng cho sự tồn vong của nền chính trị dân chủ và một xã hội công lý - nhưng nó không coi sự tham dự chính trị như một đức hạnh hay một phạm trù tốt đẹp và thiện lành trong một chủ thuyết toàn diện cho giá trị con người. Vì vậy, sự khác biệt giữa hai nền chính trị này thực ra chỉ ở mức độ tham gia của công dân trong sự liên hệ đến giá trị toàn diện và tuyệt đối của các cá thể công dân. Cả hai nền chế độ đều lên án chủ trương công dân rút lui về đời sống tư nhân, riêng biệt, không màng gì đến chính trị và việc nước – vì điều đó tạo cơ hội cho các thành phần năng động và quyền lực tập trung được quyền hành trong tay họ, từ đó tạo ra sự bất công.

39. Phân biệt giữa Dân chủ Hiến pháp đối với Dân chủ Quy trình (Constitutional versus Procedural Democracies) (2001: 145-48)

Sự phân biệt căn bản giữa hai nền dân chủ này nằm ở vai trò của hiến pháp (thành văn hay bất thành văn). Trong chế độ dân chủ tư hữu, hiến pháp phải quy định và ưu tiên giá trị tự do và quyền hạn căn bản như trong Nguyên tắc Công lý thứ nhất. Quan trọng nhất là một tập hợp những điều khoản về dân quyền (bill of rights). Tập hợp này liệt kê những quyền tự do của con người, vai trò của luật pháp và tòa án bảo vệ các dân quyền, và sự giới hạn thẩm quyền của đa số và quyền lập pháp không được vi phạm các quyền căn bản của thiểu số. Ví dụ, lập pháp, dù đại đa số cũng không thể làm luật ngăn cản những người thiểu số theo đuổi một nghề nghiệp, vì như vâỵ là vi phạm nguyên tắc bình đẳng của mọi người.

Trong khi đó, trong một nền dân chủ quy trình, hiến pháp không đóng chức năng giới hạn thẩm quyền của lập pháp và đa số. Quyền hạn cơ bản của thiểu số, hay của thành phần thất thế trong xã hội, có thể bị vi phạm qua tiến trình dân chủ bằng những đạo luật làm nên bởi lập pháp và hành pháp đại diện cho đa số (majority) hay là số nhiều (plurality) của những thành phần trong xã hội. Do đó, chính trị dân chủ qua giá trị của quy trình, dù khách quan và công minh, cũng không thể là một chế độ chính trị hiệu năng cho Hai nguyên tắc Công lý.

Mỗi văn hóa và truyền thống chính trị dân chủ quyết định nền chính trị hiến pháp có công lý hơn nền dân chủ quy trình hay không. Nếu trong một xã hội mà văn hóa chính trị và ý thức công dân cao, thì vai trò của hiến pháp thành văn không còn là điều tối quan trọng – ví dụ Anh quốc vốn không có hiến pháp thành văn với các điều khoản dân quyền như các nước khác nhưng nó có một nền chính trị dân chủ rất gần với Hai nguyên tắc Công lý. Văn kiện và chữ viết không gì khác hơn một tờ giấy với ngôn ngữ thuần ước vọng vô nghĩa hay một khí cụ tuyên truyền, như trường hợp các quốc gia độc tài chuyên chế luôn có các hiến pháp với đầy đủ các điều khoản dân quyền.

Tuy nhiên, trong một truyền thống văn hóa chính trị dân chủ chưa trưởng thành, chúng ta không thể coi thường vai trò giáo hóa và giáo dục chính trị, cũng như vai trò chính đáng của luật pháp cho các nhà đấu tranh công lý, đối với văn kiện hiến pháp với các quyền cơ bản được nêu lên thành văn bản chính thức. Hiến pháp và đạo luật trong nhiều hoàn cảnh lịch sử xã hội và nhân văn, đóng vai trò giáo dục chính trị nhiều hơn chức năng cưỡng bách pháp chế. Ở đây, khi Hai nguyên tắc Công lý phải đi đôi với ý niệm “Lý luận công khai và minh bạch” (public reason), thì giáo dục chính trị của hiến pháp thành văn có vai trò không thể chối cãi. Vì dân chủ bao giờ cũng thuộc về chính trị nghị trường và thảo luận, một quy trình sinh hoạt và tranh luận để đi đến một kết quả quân bình và qua suy tưởng bao giờ cũng là điều kiện cần thiết - điều Rawls và Ronald Dworkin gọi là “nguyên tắc diễn đàn công chúng” (the public forum principle).

40. Phân biệt giữa cấp tiến chính trị và cấp tiến toàn diện (Political versus Comprehensive Liberalism) (2001: 153-57): Cấp tiến toàn diện là sự dung thứ cho tất cả mọi giá trị; dù cực đoan hay độc tôn được phát huy và chủ động chính trị và xã hội. Trong khi đó, cấp tiến chính trị mở rộng không gian công lý cho mẫu người chính trị vừa phải, hợp lý, công bằng và tôn trọng quy luật hỗ tương. Vì vậy, cấp tiến chính trị không chấp nhận một giá trị cấp tiến toàn diện vì nó cho phép những chủ thuyết hay niềm tin tuyệt đối, nhiều khi không bao dung, như các phong trào cộng sản toàn trị, hay các chủ thuyết tôn giáo cực đoan như Hồi giáo cực đoan, được đóng vai trò chủ động chính trị. Bởi vậy, một chế độ chính trị công lý phải bao gồm những giá trị tuyệt đối nhưng không được vi phạm Nguyên tắc thứ Nhất về tự do và quyền hạn cơ bản. Một nền công lý hiệu năng phải tìm cách hóa giải bớt tác động của các chủ thuyết cực đoan mà không phải loại trừ chúng. Ví dụ, với các giáo phái cực kỳ bảo thủ, họ không muốn các trẻ em sinh ra được học hành theo chế độ giáo dục quốc gia, được chữa bệnh theo tiêu chuẩn y khoa đương thời, hay cho phép các tín đồ được đa thê, như giáo phái Mormon ở Hoa Kỳ. Trong trường hợp này thì một chế độ cấp tiến chính trị sẽ phải có luật cưỡng chế giáo dục hay y tế và hôn nhân theo tiêu chuẩn “quyền lợi tối cao” của quốc gia (compelling state interests) đồng thời tạo cơ hội cho các trẻ em liên hệ có cơ hội chọn lựa trong sự hiểu biết vượt qua vòng giới hạn giáo điều của gia đình và cộng đồng giáo phái của chúng.

41. Vai trò của Gia đình

Hai nguyên tắc Công lý bao gồm cả vai trò của gia đình trong cái vế liên tục từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp của con người trong một xã hội công lý. Từ cơ bản gia đình, con người được nuôi dưỡng và giáo hóa để có đủ khả năng bước vào hệ thống hợp tác với xã hội, cùng dấn thân và chia sẻ, cộng hưởng và phát triển tất cả những gì mà xã hội đó đã và đang cống hiến. Từ đó, cơ chế gia đình là một đơn vị trong nhiều đơn vị khác hỗ tương lẫn nhau trong cùng một hệ thống, ở đó, lý tưởng của hai Nguyên tắc Công lý sẽ được áp dụng trực tiếp, nhưng không can thiệp vào nội bộ đời sống riêng tư của từng gia đình khi những điều riêng tư này không ảnh hưởng và đi ngược với nguyên tắc cơ bản của công lý, pháp luật quốc gia và xã hội. Ví dụ, vai trò của vợ chồng trong gia đình tuỳ vào các cá nhân trong gia đình đó xếp đặt, nhưng không đồng nghĩa người chồng có quyền vi phạm nhân phẩm, hành hạ hay bạo hành vợ mình, cũng như cha mẹ không có quyền lạm dụng và hành hạ con cái. (2001: 162-68)

L. Trả lời những chỉ trích từ Marx đối với chủ nghĩa cấp tiến

42. Về các chỉ trích cơ bản: (2001: 176-79)

(a) Các quyền hạn và tự do căn bản (Marx gọi là “tự do của người đời nay”) chỉ để diễn đạt và bảo vệ tính chất ngã mạn của công dân trong xã hội tư bản. Trả lời: Trong một chế độ dân chủ tư hữu có hiệu năng, các quyền căn bản này sẽ bảo vệ những quyền lợi cấp cao khác của công dân như những cá thể tự do và bình đẳng. Dù quyền tư hữu cho mục tiêu sản xuất kinh tế được công nhận nhưng đó không phải là quyền cơ bản.
(b) Các quyền cơ bản trong một chế độ dân chủ hiến pháp chẳng qua là quyền theo hình thức. Trả lời: Bằng giá trị công bằng của các quyền tự do chính trị, tất cả mọi công dân, dù trong vị thế hay hoàn cảnh nào, đều có cơ hội hợp lý để tạo những ảnh hưởng đến việc nước.
(c) Trong chế độ hiến pháp công nhận quyền tư hữu, các quyền tự do chỉ là tự do tiêu cực (negative liberties). Trả lời: Với nguyên tắc bình đẳng cơ hội của Nguyên tắc Công lý thứ Hai, Nguyên tắc Phân biệt, các định chế bối cảnh (background institutions) của nền dân chủ tư hữu (the Difference Principle) sẽ bảo vệ được hiệu năng các quyền tự do tích cực (positive liberties).
(d) Về sự phân cấp lao động bất công trong chế độ tư bản. Trả lời: Trong bình đẳng cơ hội thăng tiến giáo dục và kinh tế, các quyền cơ bản về con người và quy luật lao động sẽ có khả năng giải quyết được vấn đề bất công lao động.

43. Lý tưởng “cộng sản” toàn diện đối với một xã hội “Gần công lý” (Near-just society)

Rawls nhấn mạnh, Hai nguyên tắc Công lý không thể nào so sánh với một viễn tượng xã hội được cộng sản hóa toàn diện. Vì trong một xã hội cộng sản lý tưởng, các vấn nạn công lý không còn nữa; xã hội này đã vượt qua các vấn đề công lý phân phối và vì vậy công dân không còn phải đương đầu với những bất công. Nhưng ai cũng biết đây là điều không tưởng. Công lý ở đây phải được thừa nhận và khởi đi từ thực tế xã hội, lịch sử và con người trong các chế độ dân chủ - được gọi là các “xã hội gần công lý” (near-just societies). (1971: 350-55)

Trong các “xã hội gần công lý”, thực tế tâm lý con người và hoàn cảnh khiếm khuyết khách quan không thể được đuổi đi bằng những ước mơ và lý tưởng. Lý tưởng công lý toàn diện để vượt qua vấn nạn công lý một cách tuyệt đối để nó không còn là vấn đề chính trị thật ra là ảo tưởng trong một chủ nghĩa toàn diện. Đây là điều chính trị công lý không cho phép và không đáng để con người ước mơ. (2001: 177)

M. Vấn nạn ổn định (2001: Part V)

44. Một Luận thuyết chính trị, như Hai nguyên tắc Công lý ở đây, sẽ không hoàn tất kể cả khi công lý được gia tăng, nếu nó không giải quyết được khả năng mất quân bình và đưa đến sự bất ổn định của xã hội theo thời gian. Rawls đặt vấn đề ổn định chính trị trên bình diện quan hệ chính trị giữa công dân và hệ thống định chế cấu trúc cơ bản của xã hội. Theo đó, bản chất liên đới chính trị này có hai mặt:

(a) Con người không có tự do để gia nhập hay thoát ra khỏi một cấu trúc chính trị cơ bản, như với một hội đoàn hay một tôn giáo. Mỗi công dân dù muốn hay không là một đơn vị chính trị. Họ bước vào chính trị từ lúc sinh ra, và chỉ bước ra khi họ chết đi. Chính trị là một hệ thống kín cửa.
(b) Quyền lực chính trị mang theo nó quyền cưỡng chế, nhân danh thẩm quyền luật pháp hay bạo lực. (2001: 182)

Từ hai khuôn mặt của tính liên đới giữa công dân và định chế xã hội, con người chính trị là công dân, được công nhận trên giá trị công lý chính trị, hoàn toàn độc lập với các hệ thống giá trị toàn diện, dù không phủ nhận chúng. Rawls gọi vị thế này là “quan điểm đứng riêng” (free standing view). Con người chính trị là những công dân có khả năng và đức hạnh chính trị để có thể chấp nhận và dung thứ nhiều giá trị và nhu cầu không chính trị trong giới hạn tương đối rộng rãi và bao gồm của Hai nguyên tắc Công lý. Đây là nguyên tắc “Đồng thuận chồng chéo” (overlapping consensus) để tất cả những năng động giá trị và đòi hỏi của xã hội được hòa hợp, sống chung và hòa giải, qua giá trị chính trị và năng động dân chủ quy trình.

Trong một chế độ dân chủ tư hữu mang nội dung cấp tiến được kiến tạo bằng hai Nguyên tắc Công lý này, cùng với một định chế hiến pháp hợp lý và có khả năng, các mâu thuẫn tự nhiên về giá trị và ước vọng khác nhau sẽ được giải hóa trên cơ sở đa nguyên tính của bản sắc chính trị công lý này. Khi những công dân sống vừa phải, có lý tính, chấp nhận tính tương đối của thực tế con người và tập thể trong một nền dân chủ với định chế công lý như đã nêu, họ dần dần sẽ về gần với giá trị trung hòa của quốc gia nhờ sự thăng tiến về cơ hội và ý thức mà Hai nguyên tắc Công lý tạo nên. Khi họ chấp nhận và đồng thuận với cuộc chơi chính trị, khi dân chủ quy trình và nghị luận qua định chế lập pháp và khi chức năng hành pháp và tư pháp đóng đúng vai trò hiệu năng vừa phải với một nhịp độ tiến hóa theo môi trường dân trí và điều kiện kinh tế và nhân văn, nền chính trị công lý này sẽ có khả năng ổn định và bền vững lâu dài. Điều Rawls gọi là một khả năng của “quân bình từ suy tưởng” (reflective equilibrium) trên cơ sở đồng thuận hợp lý của những con người lý tính và tốt lành với đầy đủ hai năng lực đạo đức cho nhu cầu công lý.

45. Công lý này có thể trở nên một thể loại chính trị sai lầm và tạo ra một xã hội bất ổn định không? Khi mô thức công lý chính trị đem con người từ bình diện giá trị toàn diện về tới cá thể công dân trên giá trị chính trị độc lập, nó có thể mang một nguy cơ: Mệnh lệnh công lý có khả năng đem xã hội vào một nội dung chính trị sai lầm. Chúng ta hãy nhìn lịch sử chính trị thế giới trong thế kỷ Hai mươi khi chủ nghĩa Marxism hứa hẹn một giải pháp toàn diện cho vấn nạn công lý xã hội và kinh tế.

Trả lời: Theo mô thức công lý trên Hai nguyên tắc đề ra, và tất cả những phạm trù giá trị đi kèm theo, nhất là tiêu chuẩn “đồng thuận chồng chéo”, và nguyên tắc “Biện minh công khai” và “dân chủ quy trình,” mô thức công lý chính trị sẽ bảo đảm được một sự chọn lựa hợp lý, về gần cũng như về lâu dài, vì khả năng tự điều chỉnh, tự học hỏi của hệ thống dân chủ quy trình và nghị luận, suy tưởng. Công lý chính trị Marxism sẽ chỉ bị vướng lỗi lầm khi một thiểu số ưu tú và năng động quyền lực chiếm thời cơ chính trị và độc đoán, độc quyền bảo hộ tất cả các giá trị công lý và chính trị cho quốc dân. Một định chế dân chủ tư hữu cấp tiến với một cấu trúc cơ bản công minh và công bằng, một hệ thống định chế dân chủ có thực chất qua một quy trình lập pháp hiệu năng với một nền tư pháp độc lập và có thẩm quyền tối cao thì việc ổn định chính trị có thể được duy trì theo khả năng ứng biến và điều chỉnh linh động trên nguyên tắc hợp lý và có khả năng công lý. Một xã hội bất công là một xã hội bất ổn. (2001: 188)

46. Sáu lý do vì sao mô thức công lý chính trị này phù hợp với tâm lý chính trị của con người (2001: 196-7). Hai nguyên tắc Công lý sẽ kiến tạo được một xã hội ổn định và tiến hóa quân bình lâu dài vì,

(i) Trên cơ bản của một con người chính trị với hai năng lực đạo đức (xem #8), công dân sẽ có ý niệm về thiện lành và có khả năng tiếp nhận những ý niệm công lý để hành xử theo ý niệm này. Nghĩa là họ có khả năng cả về vừa phải và hợp lý.
(ii) Khi họ cảm thấy và tin rằng các định chế xã hội là công bằng và công lý, và khi tha nhân cũng nhận ra điều đó, công dân sẽ sẵn sàng tham dự vào việc nước theo cung cách và khả năng của mình một cách tích cực để duy trì và phát huy công lý từ đó.
(iii) Khi công dân có chủ đích thực hữu để đóng góp vào cơ chế mà họ tin tưởng thì niềm tin này sẽ gia tăng theo cả hai chiều, từ cá thể đến định chế và ngược lại, cũng như giữa con người và con người trong xã hội. Từ đó, tổng lượng của chữ tín sẽ gia tăng và khả năng hòa giải cho những xung đột và mâu thuẫn nhờ vậy cũng trở nên dễ dàng hơn.
(iv) Khi khả năng đạo đức công dân gia tăng với mức độ và số vốn chữ tín trong xã hội cũng phát triển vừa đủ, thì sự hợp tác giữa xã hội và công dân ngày càng bền vững và sâu rộng, lâu dài, và tự do cũng như quyền hạn công dân cũng nhờ đó được bảo đảm, gia tăng và phát huy.
(v) Sẽ đến lúc công dân công nhận những điều kiện khách quan và có sẵn của hiện trạng xã hội từ một bối cảnh truyền thống và lịch sử cho một xã hội dân chủ hiện nay: (a) nó phải là đa nguyên hợp lý (reasonable pluralism); (b) nó là trường cửu, ngoại trừ, (c) tính đa nguyên này bị phá bỏ và vi phạm bởi một chế độ chuyên chính, độc tài; (d) công dân sẽ tham dự vào và chấp nhận gánh nặng phát xét lẫn nhau trong xã hội dân chủ đa nguyên.
(vi) Từ trong thực tế khan hiếm của cơ hội và thực tế cạnh tranh khó khăn cho đời sống, công dân sẽ chấp nhận luật chơi công bình và công lý trong một xã hội có cấu trúc cơ bản và định chế công lý sòng phẳng, minh bạch, hiệu năng, hợp tình và hợp lý.

47. Trong đoạn văn cuối cùng của Luận thuyết, với nỗ lực biện minh cho ý niệm “vị thế nguyên thuỷ” của học thuyết công lý này, Rawls viết về tính trung hòa và không lịch sử, vượt thời gian của những con người tự nơi bản thân họ có lý tưởng và khả năng công lý để đi tìm công lý cho tất cả, như là một giả thuyết cần thiết, rằng,

Cái viễn cảnh về vĩnh cửu (trên quan điểm công lý) không phải từ quan điểm của một nơi vượt qua khỏi thế gian này, hay một tính thể siêu nghiệm - mà là một thể thức tư duy và cảm nhận mà con người lý trí có thể chấp nhận được trong bối cảnh thế giới này. Và khi đã làm được như vậy, họ có thể, dù ở bất cứ thế hệ nào, đem tất cả cá nhân về lại chung qua sự đồng thuận về một hệ thức bao gồm nhiều quan điểm, để từ đó, thiết lập nên những nguyên tắc cai quản lẫn nhau vốn được chấp nhận bởi mọi người khi họ sống với những nguyên tắc này tuỳ theo quan điểm của từng cá nhân. Sự trong lành của trái tim, nếu đạt được như thế, bao gồm một viễn kiến minh bạch để con người có thể tác hành và sinh động từ quan điểm này trong trang trọng và có chủ đích. (1971: 587)

48. Người Việt Nam hiện nay đang sống cả trong và ngoài nước, thuộc nhiều thế hệ với những niềm tin và lịch sử cá nhân khác nhau, nhiều lúc mâu thuẫn, đối nghịch nhau khi nhìn tới cơ đồ của dân tộc Việt; khởi đi từ một nội dung chính trị trang trọng và văn minh nhưng chính trực và cương quyết của những con người có nhân phẩm, nếu chúng ta muốn cùng nhau kiến tạo một nền tảng chính trị công lý vượt lên trên tất cả các nhu cầu và điều kiện thực nghiệm đặc thù cho quốc gia, trước hết, chúng ta phải cùng đi đến một đồng thuận cơ bản: Rằng điều kiện tối thượng tiên quyết cho một xã hội công lý là quốc dân Việt Nam phải được tự do.

© 2007 talawas



[1]Aristotle (384-322 B.C.): Triết gia hàng đầu của Hy lạp, là học trò của Plato (427-347 B.C.). Hai tác phẩm quan trọng về triết học chính trị là PoliticsNicomachean Ethics. Aristotle là người cha tinh thần của khoa học thực nghiệm tây phương. Chúng ta có thể so sánh Plato (và Socrates) như là Khổng Tử. Nhờ có Aristotle phủ định và vượt qua Plato mà tây phương có được như ngày nay; còn ở đông phương, không có học trò nào của Khổng tử vượt qua ông cả, do đó, đông phương bị trì trệ.
Nguồn: Tham luận đọc tại Há»™i thảo Hè 2006, Berkeley, California. (Tôi xin cảm Æ¡n tiến sÄ© VÅ© Quang Việt đã đọc và đề nghị nhiều sá»­a đổi cho bản thảo.)