trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
17.3.2007
Thanh Thảo
Về “100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam”: Nhập nhằng giữa danh và thực
 
Không thể phủ nhận, trong 100 “bài thơ hay nhất thế kỷ 20” được “độc giả của Trung tâm Văn hoá Doanh nhân (TTVHDN)” bầu chọn, có rất nhiều bài thơ hay, nhiều tác gia thơ lớn, nhiều nhà thơ Việt Nam nổi tiếng.

Theo tôi, cái “phần cứng” ấy chọn không khó, dù có thể với những thành phần độc giả này thì bài thơ này là hay, còn với thành phần độc giả khác thì lại là bài thơ khác, của ngay cùng một tác giả. Vì thế mới có chuyện, nhà thơ Hữu Loan được bầu chọn bài thơ “Đèo Cả” chứ không phải bài thơ “Màu tím hoa sim” đã đi vào bất tử. Có thể, tôi thấy bài “Đèo Cả” có kỹ thuật thơ cao hơn, nhưng bài “Màu tím hoa sim” ngoài khả năng “phủ sóng” cực rộng của nó, còn mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc Việt về chiến tranh, về những bi kịch trong chiến tranh. Điều đó lý giải vì sao bài “Màu tím hoa sim” ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt, đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích. Thậm chí, độc giả miền Nam còn thuộc bài thơ này nhiều hơn cả độc giả miền Bắc. Vậy thì vì cớ gì nó lại không được “độc giả của TTVHDN” bầu chọn? Hay những thành phần độc giả này thuộc về một “kênh” khác với những độc giả thơ Việt bình thường khác?

Chỉ qua một trường hợp như thế, người ta đã thấy có gì chưa ổn ở cuộc bầu chọn này. Vì thế, có lẽ, khiêm tốn và hợp lý hơn là không nên quá tự tin khi tung ra cái tít “100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam”. Chính cái tiêu đề này dễ làm độc giả đọc thơ bình thường, khi đọc tuyển thơ này do NXB Giáo Dục xuất bản, cứ ngỡ mình đang đọc đúng 100 bài thơ “hay nhất thế kỷ”. Những bài thơ khác, những tác giả khác không có trong tuyển thơ này dễ bị hiểu nhầm là nằm ngoài “top 100”, nghĩa là không đọc cũng chẳng sao, không biết tới cũng chẳng hề gì, vì đều thuộc “top 200” hay “top 300” gì đó. Chính cái tiêu đề đậm chất “quảng cáo” này đã tạo nên sự nhập nhằng không đáng có. Phiền hơn, nó có thể khiến những nhà thơ đáng kính được tuyển vào đây, nếu còn sống, sẽ rất băn khoăn: không biết bài thơ được “bầu chọn” của mình có thật là 1 trong 100 bài thơ hay nhất của thơ Việt thế kỷ 20 không? Đột nhiên được nhận một vinh hạnh lớn quá cũng thấy “lạnh lưng” chứ. Nhất là cách bầu chọn chưa thật rõ ràng: liệu bài thơ của mình được bao nhiêu người bầu chọn đây? Nếu đây chỉ là cuộc “bầu cho vui” thì chẳng sao. Còn khi nó được vinh danh ngay trong “Ngày Thơ Việt Nam”, rồi lại được in thành sách bởi NXB “số 1 Việt Nam” về số lượng bản in (tirage), lại được đưa thẳng về các nhà trường trong cả nước để học sinh dùng làm sách “gối đầu giường tham khảo”, thì chuyện có thể chuyển sang một hướng khác mất rồi.

Bây giờ, không như thời bao cấp, việc tuyển thơ tuyển văn không còn là việc độc quyền của nhà xuất bản hay của Hội Nhà văn. Cá nhân hay nhóm bây giờ đều có thể đứng ra làm tuyển tập, đều có thể tuyển thơ văn theo quan điểm và tiêu chí riêng của mình. Tôi có đọc một số tuyển thơ của Mỹ, quan điểm tuyển chọn của họ khác nhau, những nhà thơ được chọn cũng khác nhau, có người được chọn trong tuyển này nhưng vắng mặt trong tuyển kia. Có những nhà thơ rất nổi tiếng cũng không có mặt trong một số tuyển thơ. Nhưng nhất thiết, tên người hoặc nhóm người đứng ra tuyển chọn thì không được phép “ẩn danh”. Tên họ phải xuất hiện ngay trang bìa. Và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự chọn lựa của mình. Còn ở tuyển thơ “100 bài thơ hay nhất thế kỷ…” này, chắc chắn tên người chọn sẽ không được đưa ra, dù một số người bình chọn đã được “chọn” để trao tặng thưởng hay giải thưởng gì đó. Lấy danh nghĩa “độc giả bầu chọn”, một danh nghĩa khá mù mờ để in ra một tuyển thơ với tiêu đề “nhớn” đến như thế, tôi cho là hơi bị… liều. Chọn thơ hay khác với chọn hoa hậu hay ca sĩ triển vọng. Đừng thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào như thế, coi không tiện.

Tin giờ chót: Theo tin chúng tôi mới nhận được từ các nhà thơ ở Hà Nội thì tuyển tập thơ này đã được NXB Giáo Dục in và phát hành với rất nhiều lỗi morasse và tệ hơn, là đã vi phạm luật bản quyền vì không hề xin phép các tác giả có thơ được tuyển chọn.

(Ghi chú của talawas: Bài thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” của nhà thơ Thanh Thảo, tác giả bài viết này, cũng có mặt trong tuyển tập Một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ 20.)

© 2007 talawas