trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
26.3.2007
Hoàng Hưng
Không nói thì thôi, nói thì phải "uốn lưỡi… nghìn lần"
(Đôi lời thưa anh Trần Trọng Hoàng Bách)
 
Đó chính là tình trạng hiện nay của tất cả các loại hình, các hình thức truyền thông "hợp pháp" ở Việt Nam (xuất bản, báo chí, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, quảng cáo…) một khi đụng chạm đến những điều "nhạy cảm" về chính trị, tư tưởng. Tôi đoán là bạn Trần Trọng Hoàng Bách chưa có vinh dự được sống dưới chế độ mà chúng tôi đã và đang sống từ nửa thế kỷ nay, nên mới bức xúc (một cách chính đáng) trước cái lối nói "ỡm ờ" của nhà thơ trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến khi nhắc đến chuyện "bước vào trại cải tạo" của tôi.

Tôi tin là Nguyễn Vĩnh Tiến cũng muốn nói rõ sự thật chứ không hề muốn "ỡm ờ" đâu, nhưng anh phải tính toán: Anh không muốn mất cơ hội giới thiệu một người mà anh thích nhưng chắc chắn là không được các nhà có quyền hành đủ loại ưa, chắc chắn là poster của anh sẽ bị kiểm duyệt rất kỹ (từ cấp trực tiếp là Hội Nhà văn, đến cấp "cao" hơn là… công an văn hoá), và táo bạo hơn, anh muốn nhắc được cả vụ "bước vào trại cải tạo" của người ấy (vụ án chưa bao giờ được công bố giấy trắng mực đen ở trong nước, mới đây chỉ có một lần nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi "nói mồm" ở Hội nghị Đồ Sơn tháng 10/2006). Việc anh đành "uốn ưỡi" cho được cái việc chính là điều không khó hiểu với các con dân của xứ sở này.

Nguyễn Vĩnh Tiến không thể không trông gương những người uy thế cao vời vợi mà hành xử. Những người "chịu chơi" đến mức thường giúp tiền cho nhà thơ Hoàng Cầm mua thuốc phiện hút và tuyên bố trước anh em văn nghệ sĩ rằng vụ bắt Hoàng Cầm (vì tập bản thảo Về Kinh Bắc trao tay cho Hoàng Hưng năm 1982) là một sự ấu trĩ, nhưng không bao giờ dám đặt vấn đề chính thức giải oan cho ông. Ngay cả Nhà nước Việt Nam có thể làm cái việc trao giải thưởng cho những tác phẩm 25 năm trước đây bị quy là "phản động" và là lý do tống giam tác giả 18 tháng tù không xét xử, nhưng không bao giờ có một lời xin lỗi, hoặc chí ít là sự minh oan nhỏ nhất cho ông. Trong khi các vụ án oan về hình sự, về kinh tế hiện giờ đã có thể được đề cập, thì có một sự cấm kỵ tuyệt đối bao trùm lên tất cả các vụ bắt bớ dính dáng xa gần đến chính trị, vì có lẽ người ta sợ nói đến chúng là tan hoang cái danh nghĩa "tự do dân chủ cao gấp nghìn lần tư bản" mặc dù chẳng còn bao lăm người tin. Tôi có một người bạn vong niên làm nghề bác sĩ bị bắt cải tạo nhiều năm vì liên quan đến vụ án "xét lại" đầu những năm 1960, khi được ra thì thất nghiệp. Sau 1975, anh vào Sài Gòn, bạn anh khi ấy là Giám đốc Sở Y tế bảo anh khai lý lịch để đi làm. Theo nguyên tắc, lý lịch phải có xác nhận từng thời kỳ lịch sử bản thân. Nhưng đoạn "đi tù" thì không ai chịu xác nhận cho anh, kể cả cơ quan công an đã bắt và giam giữ anh. Lý do đơn giản: không có bất cứ một văn bản nào lưu lại về việc anh bị bắt và được tha, người ta muốn xoá mọi dấu tích của những người "tù chính trị".

Vậy thì, anh Bách ơi, trách làm gì một nhà thơ trẻ sống trong hoàn cảnh chung như thế. Xin anh nhớ cho rằng, ở đất nước này, một chút xíu sự thật muốn nói lên đều phải trả giá, cho nên một chút xíu sự thật được nói ra cũng là đáng quí. Xét như thế, tôi vẫn cảm ơn nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến vì cái poster còn nhiều bất cập mà anh làm cho tôi, cũng như ghi nhận thành ý của nhà thơ Phan Huyền Thư khi đứng ra giới thiệu Thanh Tâm Tuyền (tiếc rằng cô lại tự vô hiệu hoá thành tâm của mình vì chuyện đạo văn, song đó là chuyện khác); cũng như, mặc dù rất nhiều khiếm khuyết trong việc tuyển chọn 100 bài thơ hay thế kỷ XX của Trung tâm Văn hoá Doanh nhân, tôi vẫn ghi cái tâm của Lê Lựu khi anh đưa vào đó bài “Lời mẹ dặn” - một “Tuyên ngôn Nhân văn" của nhà thơ Phùng Quán và bài “Người về” - viết về tâm trạng người tù của tôi.

Sự thật ở trên đất này là một mầm cây bị tảng đá quá lớn chèn lấp. Nó không đủ sức chống chọi với tảng đá, nhưng nó vẫn sống không ai giết nổi. Hãy tưới tắm hàng ngày cho nó và trông đợi. Nó từ từ bật dậy, luồn lách, gượng nhẹ để lớn lên và đến một ngày sẽ hất tung tảng đá để thành cái cây xanh tốt. Xin mỗi người chúng ta cho nó dù chỉ một giọt nước.

© 2007 talawas