trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
27.3.2007
Hoàng Văn Chí
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Tiếp chương II, phần II - Phái thanh niên: Tạ Hữu Thiện, Bùi Quang Đoài

Tạ Hữu Thiện

Tạ Hữu Thiện là một sinh viên mới lớn lên trong kháng chiến. Vì được rèn luyện dưới chế độ mới nên anh viết theo lối hiện thực xã hội.

Trong bài “Tôi tìm Em” mà chúng tôi trích theo đây, tác giả ta thán về nỗi đau tìm không ra vợ. Điều kiện đưa ra thì rất chi là dễ dàng, tác giả chỉ cần gặp một tâm hồn “biết ghét và biết yêu”, thế mà tìm khắp ở các từng lớp trong xã hội miền Bắc đều không thấy.

Tác giả không nói tại sao, nhưng người đọc có thể hiểu rằng nền giáo dục cộng sản đã làm khô cạn tâm hồn con người, nhất là tâm hồn của phụ nữ.

Những người ở ngoài vòng thường ít nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, nhưng thực tình, đối với người con trai chưa vợ hiện nay ở Bắc Việt thì đó là một tình trạng vô cùng bi đát. Một xã hội loài người mà không còn tình yêu, chỉ còn xác thịt là một viễn ảnh rùng rợn. Viễn ảnh này đã được một nhà văn Anh, Georges Orwell, trình bày trong cuốn 1984 và một nhà văn Mỹ mà chúng tôi quên tên trình bày trong cuốn Body Snatcher. Đề tài này đã được đóng thành phim và chiếu tại Sài Gòn.


Tôi tìm Em
Có phải Em là người không bao giờ tôi gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim?

Ai lớn lên không từng yêu đương
Ai biết yêu không từng hò hẹn
Việc ấy lẽ thường.

Tôi đã từng yêu, từng chán nản
Không bao giờ thấy nguội con tim
Không bao giờ thoả mãn
Khát khao Em, tôi vẫn gắng công tìm.
Có phải Em là người không bao giờ tôi gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim?

Nửa đời người tôi đã đi khắp cả
Kiếm tìm Em, sao chửa thấy Em đâu?
Em yêu dấu, sao mà xa lạ
Đến bao giờ thoả ước hẹn hò nhau?

- Hỡi cô bạn gương tròn bỏ túi
Quần sồi áo nâu
Tháng năm dài vất vả
Cuốc bẫm cày sâu.

- Hỡi cô bạn công trường nhộn nhịp
Góp đôi tay, đôi vai
Vào chương trình kiến thiết
Nằm mộng thấy ngày mai

- Hỡi các cô đẩy xe, gánh vải
Quét rác, đổ thùng,
Lao động mang đầy nhựa sống
Nở ngực, thon lưng

- Hỡi cô bạn quầy hàng, tủ kính
Thoắt mua về lại thoắt bán đi
Cuộc sống là trăm ngàn con tính
Kệ đời lắm chuyện thị phi

- Hỡi cô bạn ngồi trong công thự
Ngày ngày chép chép ghi ghi
Sôi nổi như đả máy chữ
Rộn ràng giấy má đến, đi.

- Hỡi cô bạn văn công nhảy múa
Dưới ánh đèn lộng lẫy ánh tiên
Mắt biếc môi tình chan chứa
Đời như không có ưu phiền

- Hỡi cô bạn sinh viên trường đại học
Đã cùng tôi luận luận bàn bàn
Kiến thức hai ta dù góp lại
So với đời chỉ độ tấc gang.

- Hỡi tất cả các cô bạn gái
Tôi đã biết hay là tôi chưa quen
Tôi chả bị cái gì làm lạc hướng
Nhằm áo hồng, phụ áo vá vai
Cũng bất chấp lối luận bàn sống sượng
Khen chê tóc ngắn, tóc dài

Tôi thấy: đã là con gái
Vào tuổi dậy thì
Cô nào trông cũng đẹp
Mỗi người một vẻ kém chi.

Tôi đắm đuối nhìn đầu môi khoé mắt,
Nét ngực đường lưng
Hàm răng mái tóc
Mộng đời những tưởng đắp chăn chung.

Thực thà tôi chẳng biết
Cân nhắc thành phần,
Cũng chẳng dại làm điều vô ích
Xem cỗi nguồn có vẹn mười phân.

Tôi cũng chẳng đo tài gạn đức
Ra điều kén cá chọn canh
Vì tình yêu đời đời đâu có phải
Là bốn bài trừ cộng chia nhân.

Trong các bạn có chăng người yêu dấu
Mà bấy lâu tôi vẫn gắng công tìm?
Đó chính là người tôi chửa gặp
Mới là người tôi ấp ủ trong tim.

Trên tất cả thành phần lý lịch
Trên cao sang, trên sắc đẹp diễm kiều
Em, trọn cuộc đời tôi kiếm gặp
Chỉ là người biết ghét, biết yêu.

(Trích báo Trăm hoa ngày 6-1-1957)


*


Bùi Quang Đoài

Bùi Quang Đoài là một sinh viên nghèo theo học trường Nguyễn Thượng Hiền ở Khu Ba, sau về trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá, rồi khi Việt cộng tiếp thu Hà Nội anh học trường Văn khoa Đại học.

Anh lãnh đạo phong trào sinh viên chống Đảng, làm chủ bút tờ Đất mới là cơ quan tranh đấu của sinh viên. Tờ Đất mới chỉ ra được một số thì bị bóp chết. Sau vụ đó thì anh bị đuổi khỏi trường. Số phận hiện nay ra sao chúng tôi không rõ.

Bài “Lịch sử một câu chuyện tình” của anh đăng trong tờ Đất mới mà chúng tôi trích sau đây, tả không khí sinh hoạt trong khu học xá ở Hà Nội và kể lại một vụ cán bộ Đảng dùng uy quyền chính trị chiếm đoạt tình yêu của một nữ sinh viên tiểu tư sản người Hà Nội. Câu chuyện có thực, và đã làm sôi nổi dư luận trong giới sinh viên đại học.

Lịch sử một câu chuyện tình

Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa

Nếu có thế và chỉ có thế thôi.

Đường trăng mà không sáng! Bóng mây đã che mờ hẳn trăng đêm. Ánh đèn trong những gian phòng khu học xá chiếu hắt ra như những vì sao thứ tự. Tân bước vội lên thềm. Một anh bạn sinh viên ngồi đó nhìn theo dáng anh mệt nhọc.

Kém 15 phút nửa là đúng 10 giờ đêm. Bây giờ phải họp tổ hội tự kiểm thảo. Mà kiểm thảo cái gì, đêm nào cũng một luận điệu "Tôi thấy trong ngày hôm nay..."

Qua phòng họp lớn, Tân lấy tay kéo xệch chiếc ghế dựa đi một quãng. Tiếng ồn làm mấy người bạn đang chúi mũi học bài nhìn lên. Có cái nhìn của Bằng qua đôi kính trắng gọng nạm vàng. Mắt Tân bắt gặp mắt Bằng trong thoảng chốc. Và Tân càng thấy bực mình thêm vì cứ bị mãi đôi mắt kính vô lý kia ám ảnh. Một thằng người hay một... thế thôi! Cần gì nói hết ý nghĩ của mình trong khoảnh chốc. Tân lấy đàn violon ra kéo chơi một bài cho lòng khuây khỏa. Âm thanh của bản đàn "Thais" réo rắt và dồn dập làm rối bời thêm tâm trí anh.

"Ê, Tân đi họp tổ chứ ‘ôm’ đàn mãi à!”

Tân cười nhẹ và ngoan ngoãn như em bé bỏ cây đàn vào hộp. Bước đi vẫn nặng nề, do dự. Tiếng đàn còn vẳng bên tai anh. Họp! Có gì? - Phê bình và kiểm thảo, kiểm thảo và phê bình. Mười phút qua và tối mai đúng 10 giờ kém 15 lại cứ thế. Tân lên dây đồng hồ cho tiếng máy chạy đều sỗng đến 10 giờ đêm mai. Không biết con người có như vậy không, nhưng cứ kéo dài như vậy thì quả thật là mệt mỏi quá rồi! Bao giờ sẽ được lau dầu?

Một hồi kẻng vang lên. Mười giờ đúng. Ánh điện đồng loạt ở các gian phòng khu học xá tắt phụt. Có vài cái trễ nải cố sống thêm vài phút. Mười giờ và đi ngủ. Nội quy của khu học xá là như vậy và không một ai có thể thức lâu, trừ "trường hợp" đặc biệt nào đó. Tân mân mê hộp đàn violon trong đêm tối. Anh muốn kéo thêm một bản đàn và thực tình anh cũng chưa buồn ngủ. Nhưng đêm tối của toàn gian phòng bắt anh phải tôn trọng một giấc ngủ chung của tập thể. Tiếng đàn như ĩân còn vẳng lên kéo anh về một kỷ niệm. Anh nghĩ đến một người ở năm thứ nhất ban Sử:

Trang sách mở rồi
Một tờ thư nho nhỏ
Thương anh muôn vạn thuở
Gửi chùm hoa lý phần anh...

Tự nhiên anh nhớ lại mấy câu thơ đó của người bạn và mong cho nỗi lòng mình có một sự cảm thông. Câu chuyện gặp gỡ anh không thể quên được...

Đôi mắt của An và thân hình của An. Màu áo tím hoa cà trong nắng vàng của buổi chiều hè làm Tân có cái cảm tưởng Tân đang bước trên một đài mây. Gió thoảng bay về vờn qua nếp lụa mỏng. Một cái gì lôi cuốn cả tâm hồn Tân, anh trìu mến nhìn người bạn gái sinh viên chưa quen thuộc đó. An đang vui cười trò chuyện với mấy người bạn gái khác, không chú ý đến một chàng trai si tình của năm thứ ba văn khoa. Ai lại yêu quá vội vàng như thể nhỉ! Nhưng nói sao được tuổi thanh niên và nói sao được cái rung động buổi đầu trước một người đẹp. Tân nhìn An trong nắng vàng của chiều hè, nhịp máu chảy vươn lên. Tự nhiên An cũng nhìn hướng về phía Tân. Và An nhìn hướng như vậy luôn mấy lần. Đôi mắt Tân và đôi mắt An đã gặp nhau trong một cuộc hẹn hò không ước hẹn.

Yêu! Tân thấy cuộc đời như rộn hẳn lên và cái gì cũng hoa là hoa, ánh sáng là ánh sáng. Yêu đời đẹp quá đi thôi và đưa người thanh niên đến một lạc quan say đắm: "Em ơi! Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa..."

Chiều đó Tân đã gặp lại An. Lần này anh không dám nhìn thẳng vào mắt An nữa. Anh muốn nói một câu mở đầu nhưng lòng anh bối rối. Anh đang lúng túng tìm một ý nghĩ gì thật là văn hoa để mong diễn đạt nỗi lòng thầm kín của mình một cách xa xôi bóng bẩy thì Hạnh đến. Hạnh là người bạn gái khá tốt và tế nhị trong vấn đề tình cảm. Hơn nữa Hạnh là người đã đứng tuổi, có con rồi. Tân đã có lần tâm sự với Hạnh về cảm tình của mình đối với An, nên bây giờ trong một sự tình cờ hai người đứng gần nhau trước hiên nhà, Hạnh đã nắm được sự bối rối của Tân. Hạnh nói như sực nhớ một điều gì:

"À, anh Tân đây rồi! Chị An mượn tôi cuốn Số đỏ của Vũ Trọng Phụng nhưng anh lại mượn mất rồi. Thôi hai người điều đình với nhau vậy. Tân hơi ngạc nhiên vì anh không định mượn cuốn Số đỏ của Hạnh bao giờ. Nhưng thoáng cái, anh hiểu ngay ý nghĩa câu nói, anh nhìn thẳng vào mắt An hỏi:

“Chị An bên Sử mà cũng thích đọc sách bên Văn cơ à? Thế mà tôi cứ tưởng…"

"Tưởng gì nào ?"

Hạnh cười ngắt ngang câu nói làm Tân hơi lúng túng.

An cũng vậy, nàng đã bắt gặp rất nhiều lần Tân nhìn nàng, nên hôm nay nàng cũng không giữ được vẻ tự nhiên thường ngày. Nàng hỏi lại: "Thế anh tưởng bên Sử thì không thể và không dám hiểu một ý sâu của câu văn hay sao? Anh quên rằng các anh bên Văn là rất cần Sử để có thể phân tách tình trạng xã hội qua tác phẩm văn học đó nhé!"

Hạnh cười:

“Vâng rất cần Sử…"

Câu chuyện đang vui thì Bằng đến. Bằng nhìn Tân rồi nhìn An qua đôi kính trắng gọng nạm vàng nói như cố ý pha trò nhưng quá nước ốc:

“Chứ cái chi chi đây mà tụ họp vui quá nhỉ."

Tân muốn bỏ đi ngay. Anh nói hất hàm:

"À, một chuyện đời!"

Bằng lại giữ đúng thái độ "Đào kép mới" của Nguyễn Công Hoan, cười lố bịch :

"Chà, chứ quan trọng vậy ư? Nhưng chuyện đời gì mà chỉ có ba người, tôi tham gia có được không?"

An vô tình nói với Bằng:

“Sao lại chuyện đời? Em hỏi mượn chị Hạnh cuốn Số đỏ đó thôi." Tân nhún vai:

"Thì Số đỏ cũng là chuyện đời, chuyện đời của thằng Xuân biết lừa đời, sống trong một hình thức giả tạo để mà lên đến ghế gọi là ‘anh hùng’!"

Tân nói xong cười tinh nghịch nhìn vào đôi mắt kính của Bằng. Anh thấy Bằng đã đến, tất nhiên nước có thể đục. Mà anh, cuộc đời trước mắt anh đang cần những cái gì trong mát, tươi thắm hơn, nên anh trở về phòng.

Lát sau anh đưa cuốn Số đỏ cho An. Hai người cùng nói chuyện với nhau nhiều hơn trong cuộc đời sinh viên, giữa người ở vùng tự do, kháng chiến trở về thủ đô và người thủ đô cũ. Tân kể lại những ngày vất vả ở cầu Kè, Thanh Hoá, đêm ngồi nghe giáo sư giảng bài bên ngọn đèn dầu lù mờ và cả cuộc đời gò bó, khuôn khổ. Ngoài thì tàu bay của giặc thường đi khủng bố, trong thì cả một sự hạn chế... Anh không muốn nói hết những tình cảm và tư tưởng của mình trong những ngày đã qua. Anh muốn tìm hiểu hơn ở người bạn gái Hà Nội có mái tóc quăn này. Anh đã hỏi An là sao An đã vào Sư phạm mà chịu ở ký túc xá. Qua những câu nói của An, anh hiểu tâm trạng của một người thanh niên học sinh Hà Nội hơn, những phút sống lao đao của họ trong bàn tay địch và cuộc đời như không có tương lai. Tất cả xung quanh đều là những bước đường có thể sa ngã, bàn tay của truỵ lạc, của đen tối luôn tìm lôi kéo mọi người thanh niên mới lớn lên. Cho nên trên cái bơ vơ đó của cuộc đời, phải chăng người thanh niên của thủ đô Hà Nội cũ đã hướng về vùng tự do kháng chiến. An cũng đã sống trong cái tâm trạng đó nên lúc hoà bình được lập lại, nàng như thấy rõ cuộc đời mình đang bắt đầu đi vào con đường giải phóng mới rộng rãi và tươi sáng hơn. Trên ý nghĩ đó, An thấy mình chưa phục vụ cho nhân dân, cho đất nước được một cái gì rõ rệt, hơn nữa trong nhu cầu cần thiết của nhân dân, nàng quả quyết theo ngành sư phạm. Mặc dầu Trâm, bạn nàng, hôm thi đỗ được vào trường Đại học Sư phạm Văn khoa đã nói đùa: "Thế này thật là mới vững lập trường!", nhưng An không khe khắt với bạn. Nàng cho ý nghĩ ấy cũng có thể được chứ có sao đâu: lập trường của mình là dứt khoát đứng về phía nhân dân lao động và phục vụ cho nhân dân lao động cơ mà! Học sư phạm ra đi dạy là ý nghĩa cụ thể nhất của một người thanh niên.

An đã nói với Tân là An mến những chị bạn ở vùng tự do kháng chiến mới về. An muốn gần họ và mong hiểu được nhiều hơn cuộc sống của con người kháng chiến mà nàng không là một con số trong đó. Tân hỏi đùa An:

“Nhưng sao người ở Hà Nội mới được giải phóng lại cứ hay gọi vùng tự do kháng chiến là 'hậu phương’?"

An không trả lời. Qua câu chuyện của Tân, nàng thấy Tân là một thanh niên rất thành thật. Nàng mến Tân hơn và có thể tin ở người bạn trai có một tâm hồn nghệ sĩ nàỵ An nhớ lại những bản đàn mà Tân thường chơi vào lúc 10 giờ đêm trước giờ kiểm thảo. Tiếng đàn những lúc đó bao giờ cũng vội vàng, hấp tấp. Tân kéo bản đàn này qua bản đàn khác như người đang cố tìm hưởng lấy một phút sống vui trước giờ hấp hối (và không biết 10 giờ nội quy đi ngủ của khu học xá có phải cũng đúng là giờ hấp hối hay không). Tiếng đàn buổi sáng bao giờ An cũng thấy thoải mái, thánh thoát hơn. Tiếng đàn lắng sâu vào tâm sự con người trong buổi bình minh rực rỡ, đọng trên mí mắt người ta như châu ngọc, ban cho tuổi thanh niên một hứa hẹn của ngày mai. An rất thích nghe tiếng đàn bình minh của Tân. Một sáng đầy nắng mới, Tân lại đi kéo bài "Khúc ca ban chiều", "Sérénata" - làm An và các bạn khác, vẫn thích nghe đàn của Tân, bật cười:

“Ông tướng quên cả ngày rồi!”


Nếu chỉ thế thôi!

Tân đã ghi vào trang đầu của cuốn nhật ký: "Em ơi ! Em hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn hơn thế nữa".

Tình yêu đã bắt đầu chớm nở giữa hai người. Tiếng đàn của Tân vui hơn, nhộn nhịp hơn. Anh không ăn bận bình thường như trước nữa. Anh chải hắt mớ tóc lên theo làn sóng uốn và thỉnh thoảng anh lại thắt cả "cravate". Mọi người đều thấy ở Tân có một sự thay đổi và ai cũng biết câu chuyện giữa Tân và An.

Bước đầu đang được tìm hiểu xây dựng thì một hôm người ta thấy Bằng đang bàn chuyện trong buồng riêng với hai nữ sinh viên, Chi và Phụng. Nét mặt của Bằng rất quan trọng và qua đôi kính trắng gọng nạm vàng của Bằng người ta lại càng có thể đoán cái quan trọng của câu truyện hơn. Không ai hiểu chuyện gì đã hay đang xẩy ra. Người ta - nghĩa là anh em sinh viên - đều biết Bằng là bí thư chi bộ Đảng của tổ chức sinh viên. Một lát Chi ở phòng riêng ra, còn Phụng ở lại với Bằng. Cửa đóng kín mít trong gian phòng của hai người, một trai và một gái. Người ta không có quyền tò mò vì đó là Bằng "đảng viên" đang giải quyết" công việc.

Đến chiều An vội từ trên gác xuống tìm đến phòng riêng nơi Bằng làm việc. Mặt nàng hơi tái. Bằng hỏi nàng:

“Chắc Chi và Phụng đã nói chuyện với chị rồi phải không? Chị có cảm tình với Tân? À, cái ấy chị có quyền tự do luyến ái...”

An thấy thái độ của Bằng quá trắng trợn, toan "thắc mắc" nhưng nàng vội nhớ ngay đến địa vị và chức vụ của Bằng. Nàng lo sợ ngồi yên lặng cúi đầu xuống, tay cuộn tròn mẩu giấy nhỏ. Tự nhiên nàng thấy mình như đang phạm vào một tội gì đó trong "nội quy" tình yêu ở khu học xá. Nàng đang phân vân thì Bằng lại nói:

“Chị đã tìm hiểu gì nhiều về anh Tân chưa? Cứ nói thật thì anh chị em người ta giúp ý kiến cho chứ ngại gì mà vụng trộm. Ở đây chúng ta có đủ mọi quyền, trong đó có quyền yêu cơ mà.”

Rồi Băng cười độ lượng tiếp:

“Cái khuyết điểm của chị là sao lại không hỏi ý kiến tôi hay tập thể. Tất cả sinh viên của ta ở đây có một việc gì, dù là việc tâm tình kín đáo mấy mà lại không hỏi qua ý kiến tôi. Nhưng may là có mấy chị ấy báo cáo cho tôi rõ, nên tôi mới gọi chị đến đây để giúp đỡ thêm ý kiến về hạnh phúc lứa đôi. Chắc chị cũng biết những tiêu chuẩn luyến ái quan chứ gì? Tôi không nhắc lại hết, chỉ nêu lại với chị một điểm của tiêu chuẩn luyến ái là vấn đề tư tưởng. Vâng, vấn đề tư tưởng là chính yếu: giá trị của con người ta là qua vấn đề tư tưởng đó. Mà Tân thì chắc chị đã hiểu, Tân chưa phải là thanh niên Cứu quốc, riêng chị là cảm tình của Đoàn.”

Sự việc xảy ra quay cuồng trước mắt An. Chiều hôm đó nàng bỏ không ăn cơm, cáo ốm xin nghĩ học tối. Trước kia nàng là một người hồn nhiên, nhìn mộng đẹp của đời như bông hoa buổi sáng mở cánh đón ánh nắng bình minh. Nàng rất tin ở chế độ Dân chủ Cộng hoà và con đường tiến lên của nó. Nàng rất tin con người trong chế độ đó và chưa một lần hoài nghi. Người ta có thể hoài nghi với cuộc đời, với cả tình yêu. Nhưng riêng An nàng nghĩ người đời cũng có thể có những tình cảm như mình. Nay trang giấy trắng của tuổi lòng đang bắt đầu lật qua một mặt khác, nàng đã yêu Tân. Tình yêu của nàng đang vừa độ chớm nở. Nàng có thể tha thứ cho Tân những điều mà Tân đã lầm lỗi trong tình cảm trước kia. Đó là một chuyện rất có thể mà thôi, tuy chưa thú thực nỗi lòng của mình với Tân, nhưng nàng có thể tin Tân.

Đôi mắt của Bằng qua đôi kính trắng gọng nạm vàng như đã nhìn rất sâu vào tâm tư An. Nàng không thể quên được những cái tiêu chuẩn - không biết có vô lý không - mà Bằng đã nêu ra: vấn đề tư tưởng. Mà tư tưởng tức là lập trường chính trị rồi. Thế nhưng anh Tân đã chiến đấu ở bộ đội về, đã ở kháng chiến cơ mà! An lại càng phân vân. Cuộc đời quả thật là vô cùng phức tạp. Tại sao Tân không phải là Thanh niên Cứu quốc? Tại sao Tân đã chiến đấu cho Cách mạng nhiều như vậy, 6, 7 năm ở bộ đội - mà lại không là một đảng viên cộng sản? Tại sao? Nếu quả ý nghĩa câu nói của Bằng thì có thể là Tân thiếu lập trường cách mạng, tư tưởng kém. Do đó suy rộng ra không biết có nên chụp mũ không - là tư cách đạo đức kém. Mà nếu là quần chúng thì đó là một sự dĩ nhiên. Ý nghĩ dồn dập trong tâm trí An. Nàng thấy ở trường học cũng có cơ quan đoàn thể của chính phủ, những người lãnh đạo đều là đảng viên cộng sản cả. An rút ra một kết luận đơn giản: đảng viên cộng sản người nào cũng tốt hết vì họ có lập trường tư tưởng vững, còn quần chúng mặc dù anh ở thành phần nào, năng lực công tác cao đến đâu nếu anh chưa là đảng viên cộng sản thì ý thức lập trường của anh đều kém. Như vậy, nếu đưa vấn đề tự do luyến ái ra trong đó có tiêu chuẩn tư tưởng - sao lại tiêu chuẩn? - qua ý của Bằng là con gái nên lấy chồng đảng viên cộng sản vì họ có lập trường tư tưởng. Thật là rủi ro cho ai lấy phải những người chồng quần chúng như Tân hay sao? Nhưng hiện nay một số đảng viên cộng sản đã phủ nhận vai trò của quần chúng, không tin ở quần chúng (cơ quan tổ chức nào họ cũng nắm toàn quyền lãnh đạo và đảng bộ quyết định tuyệt đối), họ khinh thường quần chúng. Vì vậy An đã nghi ngờ ngay cả khả năng của bản thân mình.

An càng thấy băn khoăn hơn trong ý nghĩ, mấy ngày luôn nàng tránh không muốn gặp Tân, nàng sợ cái nhìn của Tân, sợ cả tiếng đàn của Tân. Tiếng đàn trước kia quen thuộc, thân ái như lời tâm sự, bây giờ đối với nàng như tiếng than não ruột.

Chính nó đã xé cã lòng nàng. Nàng thấy như tiếng đàn cũng mất lập trường, thiếu căn bản tư tưởng. Ừ, giá cũng bản đàn đó, nếu là một người đảng viên cộng sản kéo thì có phải vững lập trường biết bao. An cho mình nghĩ như vậy là máy móc, nhưng chính lòng nàng qua buổi nói chuyện với Bằng, nàng không biết cái gì là đúng, cái gì là sai nữa. Nàng đang đứng trước một ngã ba đường mà chân lý đối với nàng còn quá mơ hồ. Người bí thư chi bộ cộng sản ở trường đã đưa nàng vào con đường sương mù của một buổi sáng Luân Đôn.

Không yêu có được không? An để tay lên tim mình nghe rõ tiếng đáp dồn dập. Nàng yêu Tân, yêu nhưng chưa qua một lần hứa hẹn. Như thế cũng hay? Chi bằng ta gấp cuộc đời lại, ta chờ đợi một cái rủi may. Mấy lần An đến gặp Bằng, nói rõ nỗi khổ của lòng mình. Bằng đã thương hại nàng, lấy tư cách là một người anh, tư cách một người cán bộ lãnh đạo đi sát quần chúng, an ủi nàng. Nàng rất cảm động vì lòng tốt của Bằng. Có lần Bằng đã để tay lên vai nàng, vuốt nhẹ tóc nàng, khuyên nàng không nên đau khổ. Thời gian sẽ trôi qua và kỷ niệm kia cũng sẽ dần dần nhạt phaị Nàng thấy Bằng luôn săn sóc đến nàng cũng như các người bạn gái khác của nàng. Trong toàn trường sư phạm văn khoa, không một người nào thắc mắc cái gì là không phải qua tay Bằng giảI quyết. Bằng đã giúp đỡ cho nhiều chị nhìn rõ đời tư của người bạn trai si tình nào đó và như vậy chị mới có thể dứt khoát cắt đứt dây tình cảm đang định giăng buộc hai người. May có Bằng, nếu không thì biết bao nhiêu là chị sẽ vô tình yêu lầm phải những chàng sinh viên quần chúng thiếu tiêu chuẩn tư tưởng trong vấn đề luyến ái quan.

Thật tình An đã cám ơn Bằng, người cán bộ trung kiên đã giúp cho nàng một con đường thoát. Nàng thấy Bằng thật quả xứng đáng là một sinh viên gương mẫu của trường đại học, gương mẫu cả trong cách thức giảI quyết tình cảm.

Từ đó An nhìn Tân bằng con mắt khác, cố tránh xa Tân. Tuy nhiên, nhiều khi ngồi suy nghĩ một mình, An tự hỏi lòng mình đã dứt khoát hẳn với câu chuyện của đời mình hay chưa. Cái kỷ niệm trong mối tình đầu tiên chưa hợp đã tan kia, làm sao nàng có thể quên được.


Có vài mẩu chuyện tung ra trong dư luận sinh viên năm thứ ba làm An ngạc nhiên. An đã biết thờI gian vừa qua Tân rất đau khổ. Tiếng đàn bình minh thường lệ càng như tha thiết hơn, lo lắng hơn. An rất khó chịu về tiếng thì thầm cho rằng Tân hay diện: "Trong lúc An là người Hà Nội muốn trút bỏ cái áo Hà Nội để đi xuống thì Tân lại tìm khoác cái áo ấy vào". Tại sao người ta lại quá nghiêm khắc với ngay cả cách thức ăn mặc? Thế chiến đấu để làm gì, cứ sống thật với lòng mình có hơn không?

Một hôm An được Bằng gọi xuống có chuyện riêng. Thoáng thấy bóng Tân ở phòng Bằng ra, nàng đã đoán được phần nào câu chuyện. Cái làm nàng ngạc nhiên nhất là Tân lại đi cầu cạnh Bằng mong giúp đỡ trong vấn đề tình cảm. Nàng chắc Tân không bao giờ có thể làm một việc cầu cạnh như thế. Nhưng biết đâu, trong đau khổ của con tim, người ta có thể đi thử một nước cờ. Nhưng nước cờ đó của Tân, chính Bằng là người dàn quân tính nước và An cũng đã chỉ là một quân cờ. Nước cờ của Tân qua tiêu chuẩn tư tưởng trong vấn đề luyến ái của Bằng đã thất bại. An từ chối Tân.

Và nếu cũng chỉ có thế thôi!

Câu chuyện chưa phải là bỏ dở. Ngày qua rất chóng. An không đọc lại những trang nhật ký đã ghi; An cũng không tìm trở lại một kỷ niệm. Nàng sống hồn nhiên như một ngày nào...

Có lần đi sau Chi và Phụng, hai người đang bàn về tình yêu, An đã thoáng nghe: ... "Nữ-sinh Hà Nội dễ chinh phục như chơi... Anh ấy quan niệm rằng người ta có thể yêu một lần bốn cô..." An lao đao cả tâm hồn. Anh ấy là ai? Chắc hẳn phải là một anh cán bộ nào đó gần gũi với mấy cô nữ sinh viên. Nhưng tại sao người ta lại có một quan niệm lạ đời như vậy? Họ khinh thường người con gái Hà Nội quá đi: họ đã quan niệm nữ sinh Hà Nội như một người đàn bà dễ dãi trong tình yêu. Và một lần bốn cô. Rõ ràng đó là ý nghĩ của một tư tưởng bệnh hoạn, lưu manh.

An nghĩ đến Tân, so sánh giữa Tân với một số cán bộ sinh viên lãnh đạo. Tân sống với tình cảm của mình quá nhiều, nhưng Tân chưa bao giờ lừa dối ai. Phải sống thật với lòng, sống thật với con người chân chính... Trong đời còn bao nhiêu là rơm rác, bao nhiêu là sâu bọ, làm sao mà biết được cái chân chính của một con người. Bằng đã giải thích và xây dựng cho nàng rất nhiều trong cuộc sống chung đụng giữa sinh viên. Những cô bạn của nàng cũng đã có cái hân hạnh đó và tất cả coi Bằng như một người anh. Bằng có đủ mọi quyền, kể cả quyền về tình cảm. Nhưng với quyền hành, Bằng có xứng đáng với lòng tin của quần chúng không? Qua câu chuyện giữa Chi và Phụng, An bắt đầu đặt một câu hỏi. Nàng biết Phụng rất được Bằng chú ý và thường hay bàn bạc riêng với nhau. Có hôm Bằng và Phụng ở trong buồng riêng thì thầm đến quá nửa đêm, mà nộI quy nhà trường thì 10 giờ đúng là đi ngủ. Đó là một "trường hợp" đặc biệt và không ai có thể tò mò về Bằng trong khi anh ta đang "giải quyết vấn đề" gì đó cần thiết cho một cô sinh viên. Bằng gần Phụng nhiều cũng đúng, vì chính Phụng đang thắc mắc nhiều về chồng con. Bằng vuốt tóc Phụng, xoa dịu lên vai Phụng cũng là đúng vậy thôi. Phụng cần được an ủi và Bằng là một người anh, đồng thời là cán bộ lãnh đạo. Có hôm chính mắt An đã thấy Bằng đùa nghịch với Phụng trước mấy người bạn gái khác. Bằng đã tha thiết muốn xin cái huy hiệu Tiệp Khắc trên ngực Phụng. Phụng không cho và như thế là có cuộc giằng co "vui vẻ" cái huy hiệu trên ngực Phụng. An thấy khó chịu vì ngực của một người con gái, dù là bạn trai thân đến đâu cũng không nên đùa quá trớn như vậy. Nhưng Bằng là cán bộ lãnh đạo thì hành động ấy phải chăng Bằng có thẩm quyền? Cũng như Bằng đã thắc mắc trước mọi người là Duyên có mang. Lúc ấy Duyên đang yêu Thái. Thế là do thắc mắc của Bằng phát sinh ra một dư luận. Người ta nhìn Duyên bằng con mắt hay hay, chờ đợi một cái gì sẽ đổi ở con người. Thế nhưng mấy tháng qua và năm học hết, Duyên vẫn thấy là Duyên lành mạnh, không "to" như ý nghĩ thắc mắc của Đảng.

An càng nghĩ sâu về sự săn sóc của Bằng nàng càng thấy khó chịu. Bằng dễ dãi và quá thân mật, với chị em. Thường ngày Bằng chỉ gần nữxa nam. Hành động như trên đối với Phụng và Duyên, An không hoàn toàn đồng ý. Hơn nữa như câu chuyện giữa cô Chung và anh Bảo. Hai người đã yêu nhau bốn năm gần cưới, bỗng dưng Chung tuyên bố cắt đứt với Bảo. Chung bảo Chung không yêu Bảo nhưng Chung lại mới yêu Duy là một người học cùng lớp, ngồi chung bàn. Đây cũng không thể trình bày qua vấn đề tình cảm mà cũng chỉ là trong tiêu chuẩn lập trường: Duy là đảng viên và Bảo chỉ là quần chúng. Chung có một sinh mệnh chính trị làm bậc thang cho đời mình nên tìm yêu Duy. Bằng đã giải quyết cho hai người cắt đứt nhau, đồng thời có kiểm thảo Duy. Việc xảy ra, An cho là vô lý. Cách giải quyết của Bằng, dung thứ cho Duy phá tình yêu của bạn, thừa nhận sự phản bội tình cảm của Chung và quy kết khuyết điểm về Bảo, cho Bảo là không biết duy trì tình yêu. Bảo đã đau khổ, Chung thì tự đắc về sai lầm mù quáng của mình như một kẻ thắng thế, còn Duy thì lại tỏ thái độ dửng dưng: "Chuyện tôi với Chung sở dĩ xẩy ra vì tôi sống gần một người đàn bà. Tôi lại chưa có vợ... À đàn bà!". Đó là quan niệm luyến ái của một cán bộ lãnh đạo hay sao?

Hình ảnh Bằng với đôi kính trắng gọng nạm vàng và hình ảnh Duy với một mắt to, mắt nhỏ luôn ám ảnh An. Đó là hai người trong những người lãnh đạo. Tại sao những sự việc xẩy ra vô lý như vậy mà hai người lại quan niệm một cách quá giản dị, cái chân chính của con người là thế hay sao? Nàng nhớ lại câu nói của Tân đã trả lời Bằng về cuốn Số đỏ: "Thì Số đỏ cũng là một chuyện đời, chuyện đời của một thằng Xuân biết lựa đời sống trong một hình thức giả tạo để mà lên đến ghế gọi là anh hùng".

Thì đây ngoài cái giả tạo đó, còn có cái giả tạo lừa lọc, phá hoại trắng trợn tình cảm của con người ta nữa.

An đau khổ từ trong tận cùng tâm hồn. Nàng nghĩ đến Tân, Tân không thể có những cái tình cảm bệnh hoạn như vậy. Tân không che giấu tình cảm của mình và qua tiếng đàn của Tân người ta cũng có thể thấu rõ tiếng nói của con tim Tân. Tiêu chuẩn tư tưởng hay tiêu chuẩn tình cảm trong tình yêu? Cuộc sống như bị đóng khung, uốn theo cái nhìn của một số người lãnh đạo. Họ - như hạng Bằng - không còn có trái tim biết xúc cảm nữa. Họ sống theo một hình thức giả tạo, một đạo đức lừa dối, trong đó họ có thể đề cao địa vị đảng viên của họ lên, đồng thời là đề cao cá nhân họ. Họ muốn quần chúng tôn sùng họ; họ là một ông thần nhỏ trong phạm vi hoạt động. Trong số những người đảng viên ít ỏi giữa quần chúng đông đảo, ai là người chân chính, ai là người đau xót cho da thịt của mình có những phần rữa nát?

Không! An vẫn tin, lòng tin vô cùng mãnh liệt ở sự lãnh đạo của Đảng Lao động, Đảng đã đưa nàng đến ánh sáng, với cuộc sống ý nghĩa - với con người. Nhưng An không thể chịu được một số đi sai lệch, sống tìm dựa vào một quyền uy. Mọi sự giải quyết tình cảm, phá hoại sức sống tuổi trẻ và bao việc đen tối, mập mờ khác của Bằng làm An thêm khó chịu. Nếu quần chúng mà sai lầm như vậy thì không biết sẽ được kiểm thảo, được thành kiến, được quy kết tội lỗi đến một thời vực nào…

An bị giày vò trong ý nghĩ. Nàng chưa thể nhìn thấy chân lý của một vấn đề khi lực lượng xã hội đang ngày càng phát triển trong sức sống mới của dân tộc. Ngày qua, nàng mệt mỏi, choáng váng đầu óc như một người bị bệnh thần kinh. Nàng tự đấu tranh giữa lẽ phải và sai lầm. Nàng nghĩ hiện nay trong rất nhiều cơ quan hạng người như Bằng không phải là ít. Trong một giấc mơ, nàng thấy một người chiến sĩ tay cầm ngọn cờ hồng, mình đẫm máu, nét mặt vô cùng đau khổ, nhưng cương quyết đang dìu bước nàng đi. Đàng sau là đêm tối, và đàng trước là ánh sáng bình minh rực rỡ. Người chiến sĩ đó đã nhìn An âu yếm:

“Đàng kia là bình minh của ngày mai. Em tiến tới đi, can đảm mà tiến tới!”

Nàng cảm động gục vào tay người anh hùng đó của dân tộc và khóc nấc lên…

Trong thoảng chốc , nàng có ý nghĩ là không thể có một hạng người như Bằng tồn tại trong cuộc sống của con người. Phải tẩy rửa đi, thanh toán đi. Tuổi trẻ và tình yêu không muốn và không thích có những bóng đen của lãnh đạo, quan liêu, bè phái, hẹp hòi bao trùm lên trên tình cảm của mình, làm cho người ta hiểu lầm nhau, chia rẽ nhau.

Tuổi trẻ và tình yêu không muốn và không thích có những hạng "Lý Thông", có những hạng cây tầm gởi sống bám vào cuộc sống đầy hoa mộng của mình.


An muốn sống thật với lòng mình, sống với nhịp sống của con tim, với chân lý cuộc đời và trái tim của con người chân chính.

An mong đuợc gặp Tân nói với Tân rằng: "Em đã đếm những vì sao và em đã đếm mãi; đếm mãi qua tận cùng của vũ trụ nhưng có một lần em đã không tìm thấy anh!"


An đi dài trên đường cỏ rộng, tìm nhớ lại kỷ niệm thoáng qua. Nhưng... An bỗng lùi bước lại. Một bóng đen lù lù đi tới choán rộng cả không gian. Ai? An bàng hoàng như cơn mê loạn, không nhận rõ được bóng đen đó. Nàng chỉ thoáng thấy qua ánh đèn chiếu hắt ra vội vã, đôi mắt kính và gọng nạm vàng. Toàn thân nàng run lên lo lắng. Ý nghĩ trở về với Tân chỉ còn mong manh như sợi tơ trời. Không! Đừng động mạnh bàn tay, hãy giữ cho sợi tơ kia bền chắc, hãy quấn nó, trộn nó với dòng máu của con tim.

An lảo đảo đi trong đêm tối. Nàng không dám giữ lại hình ảnh Tân vì bóng đen kia vẫn sừng sững. Nàng cố tìm cách xua đuổi nó đi…

An gục xuống một bên đường cỏ rộng, vẫn cái bóng đen với đôi kính gọng nạm vàng choán rộng cả không gian, choán rộng cả tâm hồn nàng.

Mây đen vẫn che mờ cả trăng đêm; và đường trăng mà không sáng…

Một cơn gió thổi về, xua tan những đám mây mờ ám. Ánh sáng xanh mát của trăng đêm lan dần trên cảnh vật mênh mông. Ánh sáng đó toả nhẹ trên da thịt An, thấm tận tâm hồn An, như đưa lại cho nàng sức sống. An vùng đứng lên hít mạnh khí trời ấm áp. Nàng nhìn theo ánh sáng của con đường nàng đi tới. Cuộc sống phải chăng vừa qua một cơn ác mộng, câu chuyện xẩy ra đã là quá khứ?
An hát một bài ca của tuổi trẻ, tiếng hát hoà theo nhịp đập của con tim. Có tiếng cười nghịch phá của mấy cô bạn đang đùa tới:

"À, An đây rồi! Thế mà tìm mãi." Mấy người xúm lại quanh An, ríu rít trong từng câu nói. Cuộc đời... nếu không có những bóng đen!

10/56

(Trích Đất mới số 1, 1956)


*


Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị

Lời soạn giả: Sau khi báo Nhân văn ra được mấy số thì Đảng cử ông Hoàng Xuân Nhị, thạc sĩ triết học, viết bài công kích nhóm Nhân văn. Sau đây là bài của Bùi quang Đoài trả lời ông Nhị. Từ khi ấy không thấy ông Nhị trả lời mà Đảng cũng lờ đi không trả lời những điều mà tác giả bài này đã nêu lên.


Trên báo Nhân dân ngày 16 và 17-10-56 có đăng bài “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” của ông Hoàng Xuân Nhị.

Bài này trên căn bản cũng không khác gì những bài của các ông Nguyễn Chương, Xuân Trường, Quang Đạm cũng đăng trên báo Nhân dân và cùng nằm trong phạm trù những ý kiến là có ý đổ cho anh em Nhân vănGiai phẩm là muốn tách rời văn nghệ khỏi chính trị, chịu ảnh hưởng của nhân văn tư sản, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ v.v…

Sau đây là những ý kiến tôi đặt lại vấn đề với ông Hoàng Xuân Nhị. Trong nhận thức sai lầm của ông và ý kiến văn học của Lê-nin.

Trong bài “Tổ chức của Đảng và văn học của Đảng” mà ông Hoàng Xuân Nhị dịch là “tổ chức của Đảng và văn học có Đảng tính” của Lê-nin đã nêu lên hai vấn đề:

1. Vấn đề văn học của Đảng nghĩa là văn học tuyên truyền cho những nguyên lý tư tưởng và tổ chức của Đảng Bôn-sê-vik.

2. Vấn đề đảng tính trong sự sáng tác văn học, theo nghĩa rộng của nó. (Những ý kiến này chúng tôi dựa vào tập Lê-nin và những vấn đề văn học Nga của Boris Meilakh. Nhà xuất bản Xã hội 4-4-56).

Sự phân biệt hai vấn đề này rất quan trọng, nếu không rất dễ đi đến những hành động máy móc, hẹp hòi, thô bạo.

Trong vấn đề văn học của Đảng, Lê-nin viết: “Tất cả văn học của Đảng, dù là địa phương hay Trung ương phải phục tùng một cách vô điều kiện Hội nghị của Đảng và những tổ chức địa phương hay trung ương của Đảng. Sự tồn tại của một văn học của Đảng mà không liên hệ với Đảng theo tổ chức thì không thể dung nạp được.” (Lê-nin toàn tập cuốn X, trang 144). Đó là thời kỳ trước cách mạng 1905-1907, Đảng Bôn-sê-vik tích cực hoạt động chống bọn Men và báo chí của chúng đang tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-xít dưới danh nghĩa “mác-xít”. Ông Hoàng Xuân Nhị đã máy móc đưa thời gian lịch sử của thời kỳ trước cách mạng 1905-1907 đem áp dụng vào hoàn cảnh xã hội ta hiện nay. Chính trong nguyên tắc căn bản đó, Lê-nin đã nhắc nhở các nhà văn của Đảng là “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải trở thành một bộ phận cấu tạo trong công tác của Đảng…” Theo tinh thần nguyên tắc đó các nhà văn của Đảng, các nhà văn đảng viên, các nhà văn viết trên báo chí của Đảng, tuyệt đối phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, của tổ chức của Đảng, không được nhân danh Đảng để tuyên truyền những quan điểm chống Đảng (cuốn X, trang 31), và khi Lê-nin viết “đả đảo những nhà văn học phi Đảng” (mà ông Hoàng Xuân Nhị chú thích sai là chống lại Đảng thời ấy) chính là nhằm phản đối những nhà văn đảng viên chủ trương đứng trên tổ chức của Đảng, phản đối những nhà văn Men-sơ-vích tán thành sự công tác của nhà văn xã hội dân chủ với các tờ báo tư sản (lúc bấy giờ là giai cấp cầm quyền). Nó hoàn toàn không giống một chút nào với trường hợp của anh em Nhân vănGiai phẩm đương đấu tranh đòi mở rộng tự do dân chủ chống những tệ lậu của lãnh đạo. Gán ghép như ông Hoàng Xuân Nhị tỏ ra rằng một là ông Nhị không tiêu hoá được tài liệu, hai là ông Nhị đã lợi dụng tài liệu một cách xuyên tạc. Nó không đúng với tinh thần trung thực của người trí thức.

Ông Nhị còn đề nghị:

Bài của Lê-nin được viết ra cuối năm 1905 thời mà Đảng chưa lên nắm chính quyền. Đến lúc Đảng đã nắm chính quyền rồi thì lẽ cố nhiên nguyên tắc Đảng lãnh đạo và tổ chức lãnh đạo chuyên môn lại càng chặt chẽ hơn nữa”.

Sáng tỏ và chặt chẽ hơn, đồng ý. Nhưng chặt chẽ như thế nào? Có phải chặt chẽ là văn học nhất cử nhất động phải tuân theo ý kiến của một phái, chặt chẽ là chuyên môn vâng theo những ý kiến về chuyên môn của một số lãnh đạo không am hiểu về chuyên môn không?

Danh từ chặt chẽ buông xuôi như thế, rất có thể dẫn đến những sai lầm tai hại.

Vấn đề thứ hai là vấn đề đảng tính trong văn học.

Lê-nin đã giải thích văn học có đảng tính như thế nào? Trong sự đấu tranh chống lại văn học tư sản địa vị chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ v.v… “Lênin đã đề nghị sáng tạo ra một nền văn học xã hội chủ nhĩa, thực sự tự do và liên hệ công khai với văn học của giai cấp vô sản. Theo ý Lê-nin thì nền văn học đó phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nó phải phục vụ cho hàng triệu triệu người lao động, những người con ưu tú, sức mạnh và tương lai của đất nước. Nền văn học đó phải là mối dây nối giữa kinh nghiệm quá khứ và cuộc đấu tranh hiện đại của giai cấp vô sản.” (B. Leilakh)

Văn học có đảng tính là như thế. Nó là một nền văn học “thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, công khai bênh vực quyền lợi của nhân dân đứng trên lập trường của Đảng”. Cho nên văn học có đảng tính tuyệt đối không có nghĩa là văn học của những nhà văn trong tổ chức của Đảng. Càng tuyệt đối không có nghĩa là bắt buộc tất cả mọi nhà văn phải vào tổ chức của Đảng. Một tấm thẻ đảng viên không thể bảo đảm được đảng tính của một tác phẩm văn học. Trái lại một tác phẩm văn học có đảng tính rất có thể là của một nhà văn đứng ngoài tổ chức của Đảng.

Ví dụ: Mai-a-cốp-ski, Lỗ Tấn v.v…

Văn học có đảng tính nghĩa là văn học có lập trường đấu tranh rõ rệt trong “ý nghĩa thống nhất và tự nguyện” của những người sáng tác văn học xã hội chủ nghĩa. Như thế thì người sáng tác có đủ mọi quyền tự do của mình, tất nhiên cả quyền tự do tư tưởng, có quyền đi sâu vào từng sở thích riêng của mình. Lê-nin đã viết:

Trong lãnh vực đó, tuyệt đối cần phải bảo đảm một sự tự do rộng lớn cho sáng kiến cá nhân, cho các khuynh hướng cá nhân, bảo đảm sự tự do tư tưởng và sức tưởng tượng, sự tự do về hình thức và về nội dung.” (Cuốn X trang 28)

Ta thấy ngày trước Lê nin đã có một quan niệm rộng rãi trong sự sáng tác văn học. Chính Lê-nin đã khiêm tốn trả lời Clara Zetkin khi hoạ sĩ này hỏi ý kiến Lê-nin về hoạ lập thể và vị lai:

"Tôi không biết nhiều về lãnh vực đó, nhưng tôi nghĩ rằng nếu những nhà nghệ sĩ trẻ tuổi biểu lộ nhiều cảm xúc của mình trước những xu hướng đó thì nó phải có một lý do hợp lý và người ta cần phải phân tích cái lý do đó theo quan điểm xã hội học." (Les Lettres Francaices số 609)

Lê-nin đã không kết án phái hoạ đó và Lê-nin đã đặt vấn đề cần phải phân tích nghiên cứu nội dung xã hội của nó…

Do sự không phân biệt nổi hai vấn đề văn học của Đảng và văn học có đảng tính trên, nên chỉ quan niệm về tự do tư tưởng ông Nhị cũng đã ngã vào những sai lầm nghiêm trọng:

Hoàng Xuân Nhị chứng minh rằng sở dĩ các nhà văn nghệ được tự do tư tưởng là nhờ Đảng. Ông đã đem ví dụ con chim bay trên bầu trời xanh để làm chân lý phổ biến muôn đời. Trong lịch sử tư tưởng của con người, người văn nghệ sĩ cũng như người khoa học, triết học qua bao chế độ khác nhau, dù bị giai cấp thống trị hành hạ, giết chết cũng không vì quyền uy mà huỷ bỏ ý kiến sáng tạo của mình: M. Servet và L. Vanini trên giàn củi lửa cũng không từ bỏ tư tưởng khoa học của mình; Cao Bá Quát đâu có vì lưỡi đao bạo lực của triều Nguyễn mà mất cái khí thế ngang tàng bất khuất của kẻ sĩ biết tự trọng.

Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng? Như thế thì rõ ràng là không phải có Đảng người văn nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay những thế kỷ trước cũng như thời kỳ trước cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo "cái xã hội chó đểu" buộc tội giới cầm quyền bấy giờ. Lúc ấy họ ấy họ có là đảng viên đâu; chỉ có là sáng tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào đấu tranh cách mạng mà thôi.

Như thế thì tự do tư tưởng không phải là một vấn đề do Đảng ban ơn cho quần chúng như ông Nhị đã lầm tưởng. Sở dĩ quần chúng văn nghệ sĩ mến Đảng, tin Đảng, thừa nhận sự lãnh đạo là vì Đảng là người lính tiền phong trong đội quân tự do tư tưởng đó, đã đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân lao động cũng là mục đích của họ đấu tranh trong sáng tác văn học. Đảng tạo điều kiện tốt cho người ta tự do tư tưởng.

Trên đây, tôi đã trả lời ông Hoàng Xuân Nhị về một điểm lý luận chủ chốt trong bài của ông.

Tôi xin nói qua một số điểm khác. Để chứng tỏ những non yếu trong kiến thức của ông Nhị, và đề nghị ông nên khiêm tốn học hỏi hơn.

Dưới cái đầu đề rất to "Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta", dưới những đề mục có vẻ khoa học ông Nhị đã có những lập luận nông cạn và sơ đẳng.

Chẳng hạn trong mục "Quan điểm khoa học" ông viết: "Không sùng bái cá nhân vì bản thân mình quá sùng bái cá nhân mình thì không hay ho gì hơn và chắc cũng đã kém hay ho hơn là sùng bái lãnh tụ".

Thật là lý luận buồn cười. Theo ông Nhị thì có lẽ khuyết điểm sùng bái cá nhân nặng nhẹ tuỳ theo cấp bực, sùng bái cán bộ cao cấp thì hay ho hơn sùng bái cán bộ trung cấp v.v… Thật là phê bình bệnh sùng bái cá nhân mà bệnh sùng bái cá nhân nó lại thò ra ngay từ túi mình. Quan điểm ông đưa ra không khoa học như ông tưởng.

Đấy là về khoa học. Bây giờ về nghệ thuật. Nói về chủ nghĩa lập thể và Picasso, ông Nhị viết: "Trong khoảng 8 năm hoạ sĩ đã tiến nhiều… chúng ta không hoan nghênh phần lập thể hoặc đa đa chủ nghĩa nơi hoạ sĩ là đúng thôi" (thật là oan cho Picasso vì Picasso có theo chủ nghĩa đa đa bao giờ đâu, có lẽ ông Nhị nên nghiên cứu thêm về văn học và nghệ thuật thế giới hồi đầu thế kỷ XX để nắm vững hơn) "… Và phần tiến bộ của hoạ sĩ vượt khỏi hẳn chủ nghĩa đa đa, như con chim bồ câu hoà bình…"

Chết thật! Nói về tác phẩm nghệ thuật của Picasso mà chỉ nhắc đến con chim bồ câu hoà bình thôi thì tai hại quá. Chúng ta không phủ nhận giá trị của con chim bồ câu, nhưng không biết ông Nhị có biết đến bức Guernica hồi chiến tranh Tây Ban Nha và bức Chiến tranh và Hoà bình hồi gần đây không? Nó vẫn lập thể đấy ông Nhị ạ! Mà hội hoạ thế giới vẫn công nhận nó, mà Aragon người phụ trách văn nghệ của Đảng Cộng sản Pháp vẫn ca ngợi nó.

Ông Nhị thường hay dẫn Lê-nin, sao ông Nhị không học Lê-nin về thái độ khiêm tốn, tôn trọng tự do sáng tác và nghệ thuật độc đáo, tôn trọng cá tính con người? Ông Nhị đã vội vàng chê trách người ta là quá ư nông nổi

Ông Nhị sa vào sai lầm đó cũng dễ hiểu. Bởi lập luận như Palisse thì nguyên nhân chính là vì Lê-nin là Lê nin và ông Hoàng Xuân Nhị mặc dầu luôn nhắc đến Lê-nin cũng vẫn chỉ là ông Hoàng Xuân Nhị.

Trong một bài báo ngắn tôi đã cố gắng trình bày vài sai lầm hoặc vài thiếu sót của ông Nhị về mặt kiến thức. Tôi xin đề nghị với ông Nhị một điều mà ông Nhị đã từng đề nghị với anh em Nhân vănGiai phẩm: cố gắng nghiên cứu, suy nghĩ để giữ cho được bản chất trung thực của người trí thức.

(Trích báo Nhân văn số 4 ngày 5-11-1956)
Nguồn: Hoàng Văn Chí, Trăm hoa Ä‘ua nở trên đất Bắc. Mặt trận Bảo vệ Tá»± do Văn hoá xuất bản, Sài Gòn 1959. 318 trang. Nguyệt san Ngày về tái bản, HÆ°á»›ng Việt phát hành. In tại nhà in Lion Press, 3018 Akron Ct, Denver Co. 80231. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.