trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
30.3.2007
Thanh Thảo
Mê hoặc bằng sự giản dị
Kỷ niệm 6 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn (01.4.2001-01.4.2007)
 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001)
Nguồn: www.trinh-cong-son.com
Người ta nói giọng hát Khánh Ly khi hát nhạc Trịnh Công Sơn dường như nhân đôi cái ma lực âm nhạc của nhạc sĩ này. Đúng như vậy. Nhưng vì sao lại như vậy? Tôi cho rằng vì Khánh Ly đã hát rất giản dị, hát “như không”, hát vừa như độc thoại vừa như tâm tình, và hát trong trẻo ngay cả khi âm nhạc đầy bi thương. Nghĩa là, giọng hát ấy đã giải mã được âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Tự nhận là “người hát rong đi qua trần gian”, Trịnh Công Sơn rao truyền thông điệp “sống để yêu thương” của mình bằng một thứ âm nhạc giản dị trong trẻo nhất, nó rất gần với âm nhạc của những người hát rong trên khắp thế giới này. Không phải vì Trịnh Công Sơn không học “chính qui” ở một trường nhạc nào nên âm nhạc của anh mới “không phức tạp” như vậy, mà vì bản chất của âm nhạc đường phố lại rất gần với âm nhạc trong giáo đường: nó rao truyền thông điệp bằng chính sự giản dị và bằng sự cuốn hút của đức tin. Người hát rong có thể hát để kiếm tiền độ nhật, nhưng lớn hơn, họ còn hát vì một đức tin muốn đưa tới người nghe một thông điệp mà có khi chính họ không ý thức hết. Trịnh Công Sơn là người từng học ban Triết, từng viết văn và nhất là làm thơ, nên chắc chắn anh có ý thức khi muốn rao truyền thông điệp của mình. Vậy mà tôi vẫn có cảm giác anh là người hát rong hồn nhiên. Âm nhạc của anh dù đôi khi như rao giảng nhưng lại luôn vô tình, không cố ý. Âm nhạc ấy không buộc người nghe phải nhọc công tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa nào. Nó chinh phục người nghe tức khắc, đúng như bản chất nguyên thủy của âm nhạc. Còn nhớ, có lần tôi đã nghe vài nhạc sĩ chuyên nghiệp nhận xét nhạc Trịnh Công Sơn chưa chuyên nghiệp lắm. Họ cũng nhận xét về âm nhạc Phạm Tuyên như vậy. Đó là hai nhạc sĩ ở từ hai phía và có vẻ rất khác nhau. Âm nhạc Phạm Tuyên nghiêng hẳn về ngợi ca lạc quan đôi khi hơi thái quá, trong khi âm nhạc Trịnh Công Sơn nghiêng về những dằn vặt đau đớn của phận người, của số phận một dân tộc đôi khi hơi bi thảm quá. Nhưng đã bao giờ anh nghe ra, ẩn sâu giữa những cung bậc ngợi ca đầy lạc quan của Phạm Tuyên một nỗi đau ngấm ngầm, còn giữa những giai điệu đầy day dứt u sầu của Trịnh Công Sơn một giọng ngợi ca sáng láng và chìm lắng? Đó là hai nhạc sĩ viết từ hai phía số phận dân tộc Việt, cứ ngỡ họ xa nhau mà hoá ra lại gần, rất gần nhau. Nói như thế e có nhạc sĩ hay nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp sẽ phản bác, cho là tôi nói… tào lao. Nhưng thực sự, tôi nghe được như vậy từ âm nhạc của hai nhạc sĩ này. Và tôi có quyền nghe được như vậy, theo cảm thụ của riêng tôi.

Chỉ riêng một ca khúc “Huyền thoại Mẹ” của Trịnh Công Sơn thôi, tôi nghĩ, Người Mẹ Việt Nam, người mẹ yêu nước, người mẹ thương những đứa con không phải do mình dứt ruột đẻ ra, người mẹ kháng chiến đã được ngợi ca ở những cung bậc cao nhất và trầm nhất, nhưng lại không vượt quá nhịp đập bình thường của trái tim của con người. Chỉ với một bài hát ấy thôi, Trịnh Công Sơn đã xứng đáng với một giải thưởng cao nhất giành cho âm nhạc. Nhưng Trịnh Công Sơn đâu chỉ có mỗi bài “Huyền thoại Mẹ”. Anh còn có hàng trăm bài hát để đời khác, những bài hát đủ sức làm say mê, day dứt, lay tỉnh nhiều thế hệ người Việt. Nhưng cũng như Phạm Tuyên, anh vẫn không có một giải thưởng cụ thế nào, dù ta có thể nói anh đã nhận được một giải thưởng cao nhất: đó là tình yêu của hàng triệu người Việt và không phải người Việt dành cho âm nhạc của anh. Bạn tôi, nhà thơ Vũ Ân Thy đã có bài viết rất hay nhằm “giải mã” ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, khi anh tìm trong ca từ ấy thể thơ 3 chữ hay 4 chữ của đồng dao, 5 chữ hay 6 chữ của thể thơ kể chuyện trong thơ ca dân gian người Việt. Đúng là nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn là ca khúc-đồng dao, nhiều ca khúc khác là những câu chuyện kể bằng âm nhạc rất bình thường, giản dị. Âm nhạc ấy đòi hỏi ca sĩ thể hiện không chỉ “bắt đúng kênh” mà còn phải tự biết “quên mình” hay “nhập hồn” vào ca khúc. Và phải hát thật giản dị, đúng như kiểu những người hát rong đã hát. Tôi nhớ, ngày mới giải phóng Sài Gòn, một băng cassette nhạc Trịnh Công Sơn và một chiếc máy cassette cũ đã theo tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh lang thang khắp miền Nam. Phải nghe nhạc Trịnh Công Sơn trong trạng thái hồn nhiên hoang dại và di chuyển liên tục như chúng tôi hồi ấy mới thấy… sướng. Nghĩa là người nghe cũng phải “nhập vai” người hát rong, cũng lang thang và “được tháo gỡ” mọi vướng víu, kể cả chuyện không biết trưa nay mình có được ăn cơm không và ăn ở đâu, thì lúc đó dường như âm nhạc Trịnh Công Sơn mới vào ta một cách trọn vẹn.

© 2007 talawas