trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Bầu cá»­ Quốc há»™i khoá XII
 1   2   3   4   5 
31.3.2007
Phong Uyên
Đa đảng hay đa phái, dân chủ hay dân "chọn"
 
Sau Đại hội 10, muốn biết sẽ có những tiếp diễn nào về đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) từ nay cho tới Đại hội 11 bốn năm nữa, chỉ có cách duy nhất là theo dõi "bằng kính lúp" hai "điểm mốc" là Hội nghị Trung ương (HNTW) 4 và Hội nghị Hiệp thương sắp đặt thành phần ứng cử viên đại biểu Quốc hội tháng 5 này.

Điểm mốc thứ nhất là những quyết định của HNTW 4

HNTW 4 trước khi kết thúc đã đưa ra nhiều quyết định. Cái quyết định quan trọng nhất là phải giải quyết chồng chéo giữa bộ máy đảng và bộ máy nhà nước. Theo sự nhận xét của tôi, khó mà thực hiện được cái quyết định này vì sẽ gặp rất nhiều cản trở đến từ xu hướng bảo thủ từ trước tới nay vẫn là lực lượng nòng cốt của đảng.

Chỉ cần đọc lại lịch sử ĐCSVN là thấy ngay từ lúc khởi đầu đã có những đối nghịch giữa các nhân vật chủ chốt Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Ái Quốc, về sau đó giữa Lê Đức Thọ và Hồ Chí Minh và gần đây giữa Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Anh… Ông Võ Văn Kiệt xếp những đối nghịch về đường lối đó làm hai xu hướng gọi là tả khuynh hữu khuynh mà cách gọi thông thường từ khi có Đổi mới là phe Đổi mới (Cấp tiến) và phe Bảo thủ, trong đó một phe nắm"bộ máy lãnh đạo" đảng, một phe nắm "bộ máy nhà nước". Sự chồng chéo, có thể nói là sự kình địch chống đối, giữa hai phái hay hai bộ máy đã đưa đến những thảm kịch cho đất nước. Nhưng chỉ ở Việt Nam là hai xu hướng này tuy chống đối nhau nhưng cùng tồn tại. Ở Liên Xô cũng như ở Trung Quốc chỉ có một bộ máy là phái đảng của người lãnh đạo. Với Staline cũng như với Mao Trạch Đông Lãnh đạo là taĐảng cũng là ta, như Louis 14 hay Pierre Đại đế vẫn tự xưng "Quốc gia là ta". Hậu quả là luôn luôn có những cuộc thanh trừng. Nhưng khi đất nước gặp một lãnh đạo nhiều bản lãnh như Trung Quốc gặp Đặng Tiểu Bình, có thể có đột biến chính trị, kinh tế theo chiều hướng tốt khác với Việt Nam chỉ "nhích" từng bước một vì luôn luôn cần sự mặc cả, thoả hiệp giữa hai phái.

Ngoài ra Việt Nam còn khác với Liên Xô, Trung Quốc ở chỗ Việt Nam vẫn giữ truyền thống "lệ làng" chia nhau "chiếu trên chiếu dưới" như ngôi thứ giữa ông tiên chỉ và ông lý trưởng. Cũng vì vậy mà ở bất cứ một đơn vị nào nhỏ nhất, mọi ngành mọi nghề trong quân đội cũng như dân sự, cũng đếu có sự hiện diện của mỗi phái tượng trưng bởi ông bí thư, ông chủ tịch; ông chính ủy, ông chỉ huy trưởng. Ông bí thư có chức danh chức vị đại diện bộ máy lãnh đạo Đảng. Ông chủ tịch có chức vụ điều hành quản lý một cơ cấu nhỏ cũng như lớn của bộ máy nhà nước. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp chống Mỹ và nhất là dưới thời bao cấp, bộ máy "lãnh đạo" rất cần thiết để xác định thành phần, kiểm soát đời sống mỗi người dân và để áp đặt đường lối, tư tưởng, thực thi chính sách của Đảng.

Nhưng từ khi Đổi mới tiến tới giai đoạn hội nhập toàn cầu, kinh tế thị trường, lãnh vực của phe "quản lý", mỗi ngày một mạnh, khuynh loát kinh tế quốc doanh và kinh tế tập đoàn nằm trong tay phe "lãnh đạo". Các ông bí thư đảng ủy của bộ máy lãnh đạo trở thành những thành phần ăn bám "ngồi chơi xơi nước" và "dòm ngó" kiểm tra hoạnh hoẹ tranh dành lợi lộc. Các ông chỉ biết có Đảng. Luật pháp không được đụng tới. Ngân quĩ để nuôi dưỡng bộ máy lãnh đạo gậm nhấm ngân quĩ nhà nước, làm hao mòn kinh tế quốc doanh, tạo điều kiện cho tham nhũng mỗi ngày một leo thang qua các tổ chức kinh tài của các tỉnh ủy hay của các tập đoàn công an, quân đội từ trước tới nay vẫn thuộc phe lãnh đạo.

Cũng nhờ nắm được ưu thế về nhân sự sau Đại hội 10, phái quản lý mà tôi gọi là phe Đổi mới hay phe Cấp tiến, đã thành công trong việc cô lập hoá phe Bảo thủ về chính trị. Nếu phe Đổi mới, sau HNTW 4, lại có đủ bản lãnh tháo gỡ thật sự được bộ máy lãnh đạo của phe này, thì HNTW 4 phải được coi là điểm mốc chính của một diễn tiến chính trị mà tôi đã tiên đoán trong bài "Cởi mở dân chủ nếu có..." Trung Quốc, trong lịch trình tiến hành "đảng nội dân chủ" đã phát sinh ra hai phái "ưu túy" và "dân túy". Ở Việt Nam cũng sẽ như vậy: Phái "lãnh đạo" cũ sẽ tự biến thể thành một phái mới để có thể tranh giành những chức vụ trong bộ máy nhà nước một khi không còn bộ máy lãnh đạo. Và cũng phải nghĩ là nếu một ngày kia người dân có quyền chọn lựa qua một cuộc bầu cử những chức vụ về hành chính, nếu vẫn giữ tư duy cũ khó mà trúng cử.

Điểm mốc thứ hai là Hội nghị hiệp thương đề cử ứng cử viên đại biểu Quốc hội

Tuy về hình thức cũng vẫn "bổn cũ soạn lại" như những Quốc hội kỳ trước, nhưng nếu lấy kính lúp soi kỹ thì thấy có khác về hai điểm:
  1. Số ứng cử viên được đề cử cho tới bây giờ được dự phòng là 1117 nghĩa là hơn hai lần số đại biểu. Người dân có thể chọn một trong 2 người. Có thể một trong hai người ấy là người của bộ máy lãnh đạo bảo thủ được đưa ra sau hiệp thương. Nhưng người dân, khi không nhờ vậy, được ban cái quyền tối thiểu là được chọn mặc dầu nhiều khi chỉ là chọn giữa "dịch hạch và dịch tả".

  2. Số ứng cử viên nộp hồ sơ "tự" ứng cử, riêng ở TP. Hồ Chí Minh đã lên tới 126. Tổng số những người tự ứng cử trong cả nước được Hội đồng bầu cử chấp thuận ra ứng cử chưa biết rõ là bao nhiêu. Phải đợi sau ngày 20.5. để biết bao nhiêu người "thực sự" tự ứng cử được chấp thuận ra ứng cử và được bầu so với những người "Đảng cử dân bầu" mới có thể đo lường được ý chí và khả năng mở cửa dân chủ của phe gọi là cấp tiến trong Đảng.
Qua những nhận định và phân tích trên, tôi xin đưa ra vài ý nghĩ:

ĐCSVN trúng được thời cơ là 2 siêu cường Mỹ và Trung Quốc, trong 60 năm qua luôn luôn tranh dành nhau dùng Việt Nam làm quân bài, đã tự đi đến một thoả hiệp không ký là phải duy trì ổn định chính trị ở Việt Nam, cần thiết cho an ninh của Trung Quốc và cho sự vững chắc của vòng đai bao quanh Trung Quốc của Mỹ đi từ Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Đài Loan, Nhật Bản tới Nam Hàn. Ngoài vòng đai chính trị còn vòng đai kinh tế là ASEAN và APEC. Lẽ tất nhiên là khái niệm về nhân quyền và dân chủ của Mỹ hơi bị ẩy ra rìa. Nhưng với óc thực tế, người Mỹ suy luận là đòi hỏi dân chủ sẽ mỗi ngày một nhiều, đi đôi với phát triển kinh tế, bắt buộc chính thể phải thoả mãn một phần và hội nhập toàn cầu khiến sự đàn áp các người đòi hỏi dân chủ không thể đi quá chớn mà không gặp phản ứng của công luận quốc tế và nhất là của Tây phương và người Việt hải ngoại mà ĐCSVN đang cần phải lấy lòng.

Muốn dung hoà hai cái đối nghịch là phải nhả dần dần một số quyền dân chủ căn bản mà không bị đe doạ mất chính quyền và vẫn bảo vệ được độc quyền hành pháp, phái thức thời trong ĐCSVN thấy chỉ có một con đường phải theo là đường lối Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình. Giang Trạch Dân cũng như Hồ Cẩm Đào chỉ là những người thừa kế trung thành của họ Đặng trên con đường đó.

Đó cũng là nhận định của Trung Quốc và Mỹ. Cả hai đều thấy ở Việt Nam hiện nay chỉ có một người có thể tương đương với Hồ Cẩm Đào để đi theo đường đó là Nguyễn Tấn Dũng. Bush lợi dụng APEC tới Việt Nam không phải là sự ngẫu nhiên mà là có ý gián tiếp ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng và phe cấp tiến. Cái khó là ông Nguyễn Tấn Dũng phải:

Có đủ bản lãnh để nếu xẩy ra một biến cố như "Thiên An Môn" không thành một "Triệu Tử Dương".

Có đủ khả năng tháo gỡ được bộ máy "lãnh đạo Đảng" ra khỏi bộ máy "nhà nước". Muốn vậy phải như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào là thắng được phe bảo thủ để nhập chức Tổng Bí thư Đảng vào chức vụ Chủ tịch nước. Ở Việt Nam "quyết định" tháo gỡ bộ máy Đảng của HNTW 4 vẫn chỉ là chuyện "đặt cái cầy trước con bò" khi chưa có triển vọng nhập hai chức vụ đó thành một.

Trong giai đoạn cấp thời từ nay đến sau bầu cử Quốc hội phe cấp tiến phải thành công trong hai việc:

Việc thứ nhất là nhân cơ hội bầu cử Quốc hội, dùng Hội nghị hiệp thương để bắt phe bảo thủ phải đổi mới và phải chọn lựa những người có tư duy mới và có khả năng ra ứng cử.

Việc thứ hai là phá được những ngăn cản đến từ những lực lượng bảo thủ để những ứng cử viên độc lập đạt được một tỷ lệ đắc cử tối thiểu. Tiếng nói của những đại biểu đó trong Quốc hội dù ít ỏi cũng phản ánh được một chút tính cách dân chủ.

Tất nhiên là đòi hỏi dân chủ theo định nghĩa đa đảng tự do bầu cử ứng cử vẫn chỉ là một viễn vọng xa lắc xa lơ ngay dù phe cấp tiến trong Đảng thành công trong hai sự việc kể trên.

Tôi có thể suy luận là trong một hay hai nhiệm kỳ của Quốc hội từ nay đến 10 năm nữa:

Đa đảng chỉ có triển vọng hiện hữu dưới hình thức vẫn một đảng nhưng hai phái. Đó là một hình thức dân chủ trong lòng đảng hay "nội đảng dân chủ" của Trung Quốc. Đó cũng là nghĩa gốc của từ "parti, party" trong tiếng Tây phương nghĩa là "một phần, một phía". Nếu ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 12 này, trong ĐCSVN đã hình thành được hai phái có thể luân phiên nhau giữ quyền hành pháp nhưng có sự canh chừng và quyền chất vấn của Quốc hội, thì cũng đã quá tốt đẹp rồi.

Dân chủ trong nhiệm kỳ Quốc hội tháng 5 này cũng chỉ là quyền được chọn, giỏi lắm là một trong số hai người được đưa ra. Cái mong ước là trong tương lai càng gần càng hay, quyền "chọn lựa" những ứng cử viên độc lập được nới rộng hơn để đạt tới một tỉ lệ cần thiết cho cuộc hình thành một hay nhiều phái trong Quốc hội không phụ thuộc Đảng. Sự hiện hữu của đa phái không thuộc Đảng trong Quốc hội là điều kiện không thể không có nếu muốn có một Quốc hội thực thi được quyền lập pháp và giám sát được hành pháp vẫn trong tay Đảng.

© 2007 talawas