trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
2.4.2007
Alberto Moravia
Cuộc quyết đấu giữa Marx và Dostoevsky
Ngân Xuyên dịch
 
Lời người dịch: Alberto Moravia (1907-1990) là nhà văn Italia nổi tiếng thế kỷ XX. Bài viết này của ông in lần đầu trên tạp chí Encounter (VII, tháng 11/1956, trang 2-3) gây được tiếng vang rộng rãi, được dịch ra hầu khắp các thứ tiếng châu Âu, nhưng không được dịch ra tiếng Nga. Thời điểm xuất hiện bài báo là lúc, qua bản Báo cáo mật của N. S. Khrushchev, toàn thế giới biết được những tội ác của chủ nghĩa Stalin. Chính vì thế Moravia mới lựa chọn cách tiếp cận thẳng băng, mang tính xã hội học, đến kiệt tác của đại văn hào Nga. Điều quan trọng đối với nhà văn Italia ở đây là không một mục đích nào, thậm chí có tốt đẹp, cao cả đến đâu, có thể biện hộ được cho những phương tiện thấp hèn.

Bản dịch đầu tiên bài viết của A. Moravia ra tiếng Nga là của S. Belov, đăng trên tạp chí Những vấn đề văn học (Voprosy Literatury) số 1/1990. Tôi dịch theo bản này.
Ngân Xuyên
Người Nga tìm cách phủ nhận, dù là yếu ớt và với rất nhiều dao động, việc dưới thời Stalin, Dostoevsky đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng vẫn có một thực tế là Dostoevsky không được in lại, những độc giả yêu mến ông chuyền tay nhau các tác phẩm của ông in ra từ trước đến mức cũ mèm, rách nát, các tạp chí văn học thì không hề nhắc đến ông. Nói tóm lại Dostoevsky, như Fadeev đã nói với tôi vài năm trước ở Roma, tất nhiên vẫn là một nhà văn Nga không thể và không nên lãng quên, nhưng ông ta đồng thời lại là một kẻ phản động, bảo vệ chế độ Nga hoàng và đạo chính thống, một nhà văn suy đồi, mang tâm trạng cá nhân chủ nghĩa, sống khép kín vào mình. Nhưng sự đánh giá đó có tuyệt đối đúng không? Tôi cho rằng những người theo phái Stalin đã có phần đúng khi xem Dostoevsky như kẻ thù của mình (đặc biệt khi nói đến cuốn tiểu thuyết Lũ người quỷ ám của ông), nhưng về nhiều mặt họ đã nhầm.

Chẳng hạn chúng ta hãy lấy cuốn tiểu thuyết xuất sắc và nổi tiếng nhất của Dostoevsky, Tội ác và trừng phạt. Kiệt tác này suốt bao nhiêu năm vẫn là chiếc chìa khoá cần thiết để hiểu những gì xảy ra ở Nga và châu Âu trong vòng năm mươi năm trở lại đây. Raskolnikov là ai? Hắn là hiện thân của người trí thức trước khi chủ nghĩa Marx xuất hiện, vùng lên chống lại sự bất công xã hội và nạn bần cùng thê thảm của nước Nga Sa hoàng và quyết định có hành động thị uy, tượng trưng, phản kháng lại các hoàn cảnh ấy. Raskolnikov không đọc Marx và khâm phục Napoléon - hình mẫu con người siêu nhân của cả thế kỷ XIX - nhưng điều đáng chú ý là trái ngược với chàng Julien Sorel của Stendhal, một thanh niên cũng hâm mộ Napoléon, Raskolnikov mơ ước không phải về sự vĩ đại, mà về sự công bằng. Do đó lòng căm thù của hắn dồn cả vào mụ già cho vay nặng lãi, điều này xét đến cùng là phù hợp với công thức mác-xít về việc người bóc lột người. Nhưng trong trường hợp đó thì mụ già cho vay lãi là ai? Mụ ta là hiện thân của giai cấp tư sản châu Âu, là giai cấp đầu cơ tư bản cổ phần - sản phẩm giá trị thặng dư của giai cấp công nhân, là giai cấp sống dựa vào nguồn thu nhập do giai cấp vô sản các nước thuộc địa và phụ thuộc mang lại và nó làm tất cả những việc đó một cách vô ý thức, với lương tâm thanh thản. Mụ già này là một biểu tượng có những nét chính không khác gì hình ảnh ước lệ của tên chủ nhà băng béo núc ních, đội mũ len, trong các tác phẩm châm biếm chống tư sản.

Dù hắn không đọc Marx và xem mình như một siêu nhân đối với cả cái thiện và cái ác, Raskolnikov ngay trong bào thai đã là một vị dân uỷ, và thực tế hắn là vị dân uỷ đầu tiên xuất thân từ giai cấp trí thức là giai cấp của hắn và bị lôi cuốn cũng bởi những tư tưởng như vậy - cũng đầy lòng khát khao công bằng xã hội, cũng chứa đầy đầu tư tưởng, cũng nhất quán triệt để trong hành động. Và tình thế lựa chọn của Raskolnikov - đó cũng chính là tình thế đặt ra trước các vị dân uỷ và Stalin: “Liệu có thể vì lợi ích của loài người mà giết mụ già cho vay lãi (hãy đọc là - thủ tiêu giai cấp tư sản) được không?”. Vậy thì, vì sao những người cộng sản lại căm tức đến thế đối với Dostoevsky?

Nguyên nhân rất đơn giản. Lòng căm thù của Raskolnikov đối với mụ già cho vay lãi có nguồn gốc Cơ-đốc giáo. Trong thực tế, lòng căm thù này là lòng căm thù của một tín đồ Cơ-đốc thời trung cổ đối với việc buôn bán và lợi tức, là việc hiểu ra sự không thể chung đụng giữa học thuyết của Kinh Thánh với nhà băng và lợi nhuận. Lòng căm thù đó và sự không thoả hiệp đó mấy trăm năm trước đã trao ngành ngân hàng và thương nghiệp vào tay người Do Thái cho tận đến ngày các dân tộc Cơ-đốc giáo ở châu Âu (mà những người đầu tiên trong số đó là dân Italia) hiểu ra rằng bản thân họ cũng có thể làm chủ nhà băng và buôn bán, đồng thời vẫn bắt được dân chúng sợ hãi Chúa Trời mà không gây bất hoà với họ và tôn giáo của họ. Nhưng Raskolnikov, cũng như các vị dân uỷ và Stalin, vốn xuất thân từ một nước trung cổ, nơi ngân hàng và thương nghiệp bị một nhóm xã hội và chủng tộc kiểm soát, từ một nước nông nghiệp lạc hậu vẫn còn bị ràng buộc với đạo Cơ-đốc nguyên thuỷ và thần bí. Vì vậy đối với Raskolnikov, ngân hàng và thương nghiệp là nghề cho vay nặng lãi, còn giai cấp tư sản Nga và châu Âu làm cái nghề đó thì biến thành mụ già cho vay lãi; cho nên cần phải giết mụ già cho vay lãi, tức là phải thủ tiêu giai cấp tư sản.

Nhưng ở chỗ này con đường của Dostoevsky và của chủ nghĩa Marx tách xa nhau. Các nhà mác-xít, những người tuyệt nhiên không phải là tín đồ Cơ-đốc, nói: “Hãy để chúng tôi tiêu diệt nạn cho vay nặng lãi và đi tiếp. Sau khi mụ già chết, chúng tôi sẽ tuyên bố một xã hội mới không có giai cấp và không có nạn cho vay nặng lãi. Việc xây dựng một xã hội như thế sẽ hoàn toàn biện hộ cho việc giết chết mụ già cho vay lãi”. Còn Dostoevsky, người vẫn là tín đồ đạo Cơ-đốc, sau khi từng bước đưa chúng ta qua tất cả các giai đoạn của cái tội ác mà ông không ngừng suy gẫm, mà ông đã kiểm nghiệm hàng nghìn lần trong tim mình, đột nhiên quay ngoặt lại tuyên bố Raskolnikov đã sai lầm - tức là tuyên bố những người mác-xít và Stalin là sai lầm - và nói: “Không, không thể giết người được, thậm chí nếu như việc đó có làm vì lợi ích của loài người chăng nữa. Đức Jesus đã khuyên: ‘Không được giết người’. Và thực tế Raskolnikov đã ân hận và cùng đọc Kinh Thánh với Sofia. Dostoevsky bọc đoạn kết cuốn tiểu thuyết của mình vào một cái vòng thần bí: “Nhưng đến đây đã bắt đầu một quá trình mới, quá trình đổi mới dần dần của con người, quá trình tái sinh dần dần của nó, chuyển dần từ thế giới này qua thế giới khác, làm quen với một thực tế hoàn toàn mới mẻ, chưa từng biết bao giờ”. Còn các nhà mác-xít lại có thể kết truyện thế này: “Và đến đây cuộc cách mạng bắt đầu”.

Sự tách xa nhau này giữa Dostoevsky và chủ nghĩa Marx là kết quả của những sự đánh giá khác nhau về chuyện cái gì tạo thành điều ác. Đối với các nhà mác-xít, điều ác - đó là mụ già cho vay lãi, tức là giai cấp tư sản, nhưng Dostoevsky sau khi dường như đã chấp nhận luận điểm đó thì ông lại vất bỏ nó và đi đến một kết luận mang tính Cơ-đốc giáo rằng điều ác không hẳn là mụ già đó, mà chủ yếu là những phương tiện Raskolnikov dùng để tiêu diệt mụ ta, nói thẳng ra đó là bạo lực. Trong cuốn tiểu thuyết, điều ác đó - như Dostoevsky nhìn thấy - hiện ra không chỉ trong cái chết bức tử của mụ già, mà còn là và trước hết là trong cái chết bức tử của bà Lizaveta, chị gái của mụ già cho vay lãi, bị Raskolnikov giết chết để thoát khỏi người làm chứng tội ác của mình. Nói tóm lại, đối với các nhà mác-xít điều ác không tồn tại trên thực tế, bởi vì chỉ duy nhất có vấn đề cái ác xã hội thôi, mà chỉ thông qua cách mạng mới có thể tiêu diệt được nó. Nhưng đối với Dostoevsky điều ác là có thực như một hành động cá nhân trong tim mỗi con người và điều ác đó được thể hiện chính qua những phương tiện bạo lực mà cách mạng sử dụng. Các nhà mác-xít nhờ những sự biện hộ lịch sử và xã hội của họ để có thể rửa sạch cả lương tâm đen tối nhất. Dostoevsky bác bỏ kiểu tẩy rửa như vậy và khẳng định sự tồn tại không thể huỷ diệt được của điều ác.

Vậy là, trong chín mươi năm trở lại đây chúng ta là những người chứng kiến một cuộc đua tranh độc đáo giữa Dostoevsky và Marx diễn ra ở nước Nga. Vòng đầu Dostoevsky đã thắng, bởi vì ông đã tạo nên một kiệt tác; người thắng ở vòng hai là Marx, bởi vì lý thuyết của ông ta đã tạo ra cách mạng; nhưng hình như đến vòng ba chiến thắng sẽ lại trở về Dostoevsky: điều ác bị chủ nghĩa Marx vứt qua cửa sổ lại cuộn thành dòng ùa vào qua cửa lớn của chủ nghĩa Stalin, tức là điều ác nhờ vào những phương tiện mà cách mạng đã dùng để xác lập và củng cố mình. Vậy điều ác đó là gì? Khrushchev đã nói cho chúng ta biết trong bản báo cáo của mình, tôi chỉ xin nói ngắn gọn: điều ác ở Liên Xô hiện ra qua vô số các bà Lizaveta, vô số các nạn nhân vô tội bị đầy đoạ, tống giam và giết chết nhân danh cách mạng, những người bây giờ đang được phục hồi nhưng họ sẽ không bao giờ có lại được những cái đã bị tước đoạt. Nói gọn lại, điều ác - đó là cơn đau, cơn đau vô hạn đã tràn khắp nước Nga trong năm mươi năm gần đây. Cơn đau này đến lượt mình lại do nhát búa của Raskolnikov gây nên mà hắn biện hộ là vì lợi ích của loài người. Thật bất hạnh, nhát búa đó, ít ra thì cũng trong thực tế, có trọng lượng lớn gấp nhiều lần lợi ích của nhân loại. Ở một đĩa cân bên này, lợi ích của loài người vọt lên không trung nhẹ nhõm, cao vời, rất cao, trong khi đó nhát búa đẩy đĩa cân bên kia xuống thấp, thấp mãi, rất thấp. Vậy là: thắng lợi của Dostoevsky, ít nhất cũng là tạm thời, đã xảy ra.


*


Tái bút của người dịch

Bản dịch này tôi thực hiện năm 1990 và rồi để lạc mất đâu đó. Hồi ấy máy vi tính chưa thông dụng, và bản dịch của tôi là viết tay trên giấy đen rồi đem đi đánh máy chữ. Tôi vẫn thường nhớ đến bản dịch này và lấy làm tiếc khi nghĩ là không có lại được nó nữa. May sao, nhà văn Hoà Vang, một người mê Dostoevsky, còn giữ được một bản đánh máy tôi đề tặng anh ngày 12/12/1990. Trong lời đề tặng tôi có dẫn một câu của Nietzsche: “Thế giới quay không phải xung quanh những người làm ra tiếng ồn mới, mà xung quanh những người phát minh những giá trị mới, nó quay lặng lẽ, không tiếng động”. Nhà văn Hoà Vang đã cho tôi mượn bản dịch để xem lại và đánh máy vi tính lại nó. Nhờ anh tôi đã lại có “Cuộc quyết đấu giữa Marx và Dostoevsky” sau mười lăm năm. Cám ơn anh nhiều.

Tròn một năm trước (01/4/2006), Hoà Vang qua đời. Bây giờ, ở cõi bên kia, tự do lang thang qua nhiều tầng thế giới, hẳn anh có gặp cụ Đốt, anh sẽ hào hứng kể lại câu chuyện bản thảo này, và anh sẽ chắp tay vái cụ ba vái cảm tạ cụ đã truyền cho anh lòng ham sống và quyết sống cho đến tận phút cuối đời chống chọi bệnh ung thư. Cầu chúc anh vui cõi vĩnh hằng.

© 2007 talawas