trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
3.4.2007
Hoàng Văn Chí
Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Tiếp phần II, chương III : Các nhà văn đứng tuổi: Như Mai
và sang chương IV: Các nhà học giả: Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo

Như Mai là bút hiệu của Hoàng Như Mai sinh năm 1918 ở làng Hoàng Mai gần Hà Nội. Là con một gia đình tiểu công chức, ông học từ nhỏ ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1943, sau đó học trường Đại học Luật khoa ở Hà Nội. Học chưa xong thì cuộc kháng chiến đã xảy ra nên ông phải bỏ dở.

Nhưng ngay từ khi còn là sinh viên ông đã bắt đầu viết sách. Nguyên là một thanh niên ham mê chủ nghĩa cộng sản, ông dịch cuốn Les Principes du Leninisme từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, và tiếp theo ông viết cuốn Đời sống Lê nin.

Cũng trong thời gian đó Như Mai xuất bản một cuốn kịch nhan đề Tiếng trống Hạ Hồi, ngày nay vẫn còn giá trị và vẫn thường được nhắc tới.

Năm 1946 Như Mai lấy vợ cũng là văn sĩ, hai vợ chồng cùng gia nhập Việt Minh và cùng công tác về kịch. Năm 1948 cả hai vợ chồng được cử vào Nam, hoạt động trong ban văn công của Đoàn quân Giải Phóng Nam bộ trong ba năm. Đến năm 1951 hai vợ chồng được triệu ra Việt Bắc, hoạt động trong ban văn nghệ trung ương cho đến ngày trở về Hà Nội. Suốt trong thời gian kháng chiến hai vợ chồng chỉ đóng kịch, không sáng tác.

Về Hà Nội từ năm 1954 đến nay hình như ông vẫn sống yên lặng vì báo chí ở Hà Nội không thấy nhắc đến ông. Nhưng thực sự thì ông có tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm vì tình cờ đọc bản thú tội của Trần Dần, chúng tôi biết rằng bài "Thi sĩ máy" đăng trong báo Nhân văn số 5 với bút hiệu Châm Văn Biếm chính thực là của Như Mai [1] . Như vậy rất có thể ông có viết nhiều bài khác mà giấu tên, nên chúng tôi không biết.

Bài "Thi sĩ máy" là một bài mà ai cũng công nhận là có giá trị. Tuy là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng bài ấy cũng nói lên sự thực chua chát trong lòng người nghệ sĩ sống dưới chế độ cộng sản là một chế độ chủ trương tiêu diệt mọi tình cảm và biến con người thành một thứ máy sản xuất mọi thứ theo mẫu đặt hàng của Đảng.

Chúng tôi trích bài này để giới thiệu tác giả và giới thiệu cả tâm trạng chung của giới văn nghệ sĩ ở Bắc Việt hiện nay.


*


Thi sĩ máy

"… Với một chiếc máy sửa đổi đôi chút để nó có thêm trí nhớ và có cả mọt chút lý luận, người ta có thể dùng máy để phiên dịch và để viết văn…"

(Trích báo Tổ quốc số 41)


I. Thế nào là công bằng mà nói ở cõi đời này?

Đầu năm 2000… Các báo chí xuất bản đều sổi nổi đăng tin tức quan trọng về máy "viết văn" dưới những đầu đề "giật gân" lớn…

Tờ Công thức trong bài xã luận "Nhiệt liệt chào mừng các văn nghệ sĩ máy!" đã giới thiệu như sau:

"Nhờ áp dụng những khả năng mới nhất của khoa học điện tử, máy ‘viết văn’ đã hoàn thành thoả mãn được nhu cầu văn nghệ ngày một tăng của loài người. Những sáng tác phẩm của nó, vừa kịp thời vừa minh hoạ đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống.

Mỗi giây đồng hồ máy đó có thể sản xuất được từ 7 đến 8.000 dòng văn thơ. Nếu dùng sức óc và tâm hồn người thì phải hàng ngàn văn nghệ sĩ với một trình độ sách vở rất cao, cặm cụi hàng trăm năm mới làm nổi…

Do tính chất ‘Nhân văn’ của máy nên ta tạo cho nói cái vỏ bọc ngoài, hình dáng một anh chàng: trẻ, khoẻ, đẹp, chỉ khác người ‘thật’ là đứng nguyên một chỗ, không nói, cười, chạy nhẩy, nhất là không yêu đương lãng mạn lôi thôi…"

Báo Công thức kết luận:

"Chúng ta, những con người ‘thật’, cần hợp tác nhất trí với các người ‘máy’, cần triệt để dùng họ và đội quân văn nghệ sĩ có thể chuyển sang các ngành công tác khác, tăng cường thêm lực lượng kiến thiết thời đại điện tử của chúng ta."

Hơn một năm sau cái ngày tin vui đó truyền đi, thì hàng loạt văn sĩ máy, thi sĩ máy, kịch sĩ máy được tung ra thị trường. Một số cán bộ phụ trách về văn chương sính máy móc ở một số ngành, một số cơ quan xí nghiệp nông trường v.v… thi nhau mua về sử dụng. Ở những nơi đó, nền văn nghệ máy được độc quyền tô lục chuốt hồng cuộc sống bình ổn, còn lũ văn nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt thì bị gạt ra ngoài.

Nhạc sĩ Ảo Huyền được cử đi học lớp "nghiên cứu nghề làm nước mắm"; hoạ sĩ Lập Thể được điều sang Mậu dịch; nữ sĩ Trong Trắng ném bút làm nghề đỡ đẻ. Thi sĩ Mây Nước ra Bờ Hồ làm nghề bói Kiều tán róc về thành phần giai cấp cho những người còn đầu óc mê tín dị đoan.

Văn sĩ Đắng Văn Cay phải ra chợ giời làm nghề bán văn kiêm bán săm. Săm lốp vì cần khuyến khích nên được miễn thuế, còn văn của Đắng Văn Cay thì bị liệt vào hàng "vô dụng" và phải chịu thế 4 phần trăm. Rất ít người chịu quẳng tiền ra mua. Đôi ba vị khó tính lại còn rỉa rói: "Văn chương anh thì ra cái đếch gì! Không ích lợi bằng chiếc đế dép cao su của tôi nữa kia!". Nhà đạo diễn Kinh Kha được chuyển sang ngành nuôi cá vàng, mỗi khi luyến tiếc sân khấu thường ngắm cá bơi lội rồi tưởng tượng con cá vẩy bạc óng ả này là Điều Thuyền, con cá đen mặt sắt nọ là Bao Công, cặp cá đuôi cờ lồi mắt kia là đôi nhân vật tiểu tư sản...

Tóm lại có một bộ phận văn nghệ sĩ bị tơi bời rối loạn. Ai cũng thù ghét lũ người máy mới ra đời kia, nhưng ai cũng chịu thua. Vì cứ công bằng mà nói thì "máy móc" quả là kịp thời sự, thông kinh sử, lại đúng khuôn phép, "tốt ăn tốt ở" hơn người thực ở cõi đời này.


II. Vì sao mà "Lăng Quăng" nổi ghen?

Ở nông trường tập thể Con Én có nhà thơ trẻ tuổi Linh Quang. Suốt mấy năm liền kể từ ngày nông trường bắt đầu xây dựng, Quang đã làm thơ ca hò vè đủ kiểu, khi duyên dáng, khi nghịch ngợm, khi thiết tha yêu đời để phục vụ nông trường. Một vài bài thơ của anh đã được bà con học thuộc lòng. Nói chung anh làm việc tốt và được cảm tình của nhiều người.

Nhưng có ưu thì cũng phải có khuyết. Cái khuyết của anh ta là hay vi phạm luật lệ. Giữa giờ chính quyền nhiều lần anh bỏ đi chơi. Khi thì đi câu với cụ Hay Rượu để tán ma tán mãnh về nhiều cái sự đời. Khi thì lê la tâm sự với vài gã thanh niên, bàn về những chuyện tương lai trên giời dưới đất. Khi thì trò chuyện với một số phụ nữ ở nhóm giữ trẻ, điều tra cái việc sao đàn bà và con nít lại hay khóc như nhau. Đôi khi còn làm thư ký riêng cho vài lão bà muốn viết thư gửi con cháu công tác ở tỉnh xa. Ngoài ra anh còn bừa bãi như giấy tờ sách vở không sắp xếp ngăn nắp, tóc không có đường ngôi, áo mặc chuyên môn không cài khuy cổ, sáng tác thì không có chương trình kế hoạch. Nghiêm trọng nhất là khi yêu cô Duyên, cán bộ cơ xưởng của nông trường, anh không hề có báo cáo trước. Tất cả những điều trên đây là làm cho trưởng ban nội quy Nghiêm Văn Túc, con người rất mực khuôn vàng thước ngọc, phải lấy làm bực mình và chướng tai gai mắt. Túc thường bắt bẻ anh và gọi riễu anh là Lăng Quăng. Cả nông trường về sau cũng quen gọi anh bằng cái tên bị Túc xuyên tạc ấy.

Ông chủ tịch nông trường vốn người từng trải, hiểu rõ câu "nhân vô thập toàn", lại biết mến tài nên đối xử với Lăng Quăng rộng lượng. Cũng vì vậy mà trong khi có một số nơi đã mua sắm văn nghệ sĩ "máy", ông vẫn viện hết lý do này lý do khác để không chịu dùng cái thứ "máy móc" đó. Ông nói: "Còn khối nơi người ta không có người máy mà phong trào văn nghệ của người ta vẫn lên rầm rầm". Có lúc ông lại phát biểu: "Đồng chí Lăng Quăng vẫn đủ khả năng phục vụ nông trường" hoặc "Văn thơ máy thì hay làm sao bằng văn thơ người được". Nghiêm văn Túc luôn luôn đối lập với những ý kiến đó, luôn luôn đòi nông trường Con Én phải có một thi sĩ máy. Túc thì chẳng hiểu văn nghệ, văn nghiếc là cái quái gì, nhưng chỉ nghĩ một cách sơ lược là: được cái gã "tốt ăn tốt ở" ấy về thì đỡ phải lao tâm tổn trí đối phó như đối với Lăng Quăng. Phần nội quy ở nông trường tất nhiên sẽ được bảo đảm.

Túc đòi hỏi nhiều lần mà cứ bị gạt đi, bèn mưu mô vận động một số anh em cùng cánh làm kiến nghị phê bình ông chủ tịch là cảm tình cá nhân, có tư tưởng bao che hữu khuynh với Lăng Quăng, không có tinh thần cải tiến nông trường, thiếu tin tưởng ở kỹ thuật hiện đại. Bản kiến nghị yêu cầu ông chủ tịch phải cho nông trường sắm ngay một người máy về thay thế Lăng Quăng, nếu không sẽ kiện lên trên. Ông chủ tịch bị dồn vào cái nước không đồng ý không được nên đã quyết định tán thành, nhưng đồng thời ra chỉ thị vẫn để Lăng Quăng làm thơ như trước, chiếu cố đến thành tích của anh ta.

Thế là chỉ mươi ngày sau, Nghiêm Văn Túc lên bách hoá tỉnh chọn lọc, đã mua về đuợc một thi sĩ máy, cổ đeo biển đăng ký số 111.

Đêm ra mắt của thi sĩ 111 được tổ chức trọng thể. Câu lạc bộ treo đèn kết hoa rực rỡ như những ngày hội mùa. Nam nữ đều ăn mặc đẹp. Trước khi vào bàn tiệc, người ta thì thào bàn tán rất nhiều về "anh ta", nhất là trong đám đàn bà con gái. Một nữ công nhân lái máy cày khoe khoang: "Các bà chị ạ! Em được xem mặt anh ta hôm mới khiêng về rồi. Sao người giả mà đẹp thế, đẹp hơn người thật chúng mình nhiều. Đôi mắt anh ta lại cứ nhìn em chằm chằm làm em ngượng đỏ cả mặt". Cô Duyên (người yêu của Lăng Quăng) cũng ở trong đám ấy. Muốn tỏ cho mọi người biết trình độ học rộng của mình, cô bèn vanh vách thuật lại những điều đọc được về người máy đăng trong tờ Công thức.

Không mộ ai thèm đẻ ý đến Lăng Quăng nữa, Anh thất thểu đi giữa đám đông, chẳng bắt chuyện với ai mà cũng chẳng ai buồn bắt chuyện với. Càng nghe những lời tán tụng thi sĩ máy, lòng anh càng nặng trĩu buồn phiền.

Bước vào tiệc rượu. Nghiêm Văn Túc đạo mạo đọc diễn văn khai mạc với những câu văn vẻ hùng hồn như sau: "Chúng ta hoan nghênh người bạn mới của nông trường và tin tưởng tâm hồn điện tử của anh sẽ truyền hơi sống vào thi ca, ngõ hầu thúc đẩy chúng ta tiến mau trên đường sự nghiệp..." Tán đến con số đăng ký 111, Túc nói: "Nếu đem chiết tự con số đó, chúng ta sẽ được ba con mắt ‘nhất’, nó biểu hiện anh bạn chúng ta có ba điệu trội nhất, ấy là: nhanh nhất, đúng nhất và kỷ luật nhất. Tôi trân trọng đề nghị từ này sẽ gọi tên anh là Ba Con Nhất cho nó… mỹ thuật". Quay sang phía Lăng Quăng, Túc cười đắc chí, kêu gọi Lăng Quăng nên cố gắng noi gương thi sĩ Ba Con Nhất về mọi mặt, nhất là về mặt tôn trọng nội quy. Đọc xong diễn văn, Túc chắp hai tay lên ngực, nghiêm chỉnh ngồi xuống, đảo mắt liếc trộm đám phụ nữ, y thầm nghĩ: mấy cũng có vài cô ả cảm phục cái oai phong lẫm liệt của mình.

Tiếp đó, theo đúng nghi lễ, người ta mở tấm vải choàng phủ mặt để Ba Con Nhất xuất đầu lộ diện. Toàn phòng đứng dậy vỗ tay, nâng cốc, chạm cốc, hoan hô ầm ầm và xuýt xoa khen bộ mặt phỗng của Ba Con Nhất quá là trẻ đẹp. Người ta vặn những nút chữ sau lưng hắn, máy chạy sè sè trong bụng hắn. Đôi mắt hắn lúc sáng lúc tắt, trông tưởng như nhấp nháy, chỉ độ phần mười một giây hắn đã nhả ra ở khe hở con sau gáy một tờ giấy in bài thơ dài đáp từ. Lăng Quăng được chỉ định lên ngâm bài thơ đó. Tiếng ngâm vừa dứt thì tiếng hoan hô lại ran như sấm, nhiều cô gái nhảy cẫng lên. Một bà mẹ quá xúc động chạy đến chỗ Ba Con Nhất đứng dịu dàng hôn trán hắn. Một thanh niên gỉ tai Lăng Quăng van vỉ mượn bài thơ đáp từ đó để về chép và học.

Trong một tiệc rượu, người ta vừa ăn vừa nắc nỏm khen từng chữ từng câu của bài thơ. Mấy cụ ông râu dài trầm giọng láy đi láy lại những câu mà các cụ cho là lý thú nhất như:

Thời đại tươi vui đẹp nắng vàng
Rập rờn cờ đỏ trống khua vang
Bao tay lao động xây tươi đẹp
Phấn khởi nông trường, tiến tiến hăng..

Rồi các cụ ho sù sụ làm cho các cụ bà mủm mỉm cười nửa tình tứ nửa thương hại. Trong khi ấy Nghiêm Văn Túc thỉnh thoảng lại trang trọng gật gật cái đầu, tỏ vẻ hài lòng và hả hê đảo mắt liếc phụ nữ…

Lăng Quăng thì im như cá chép, đau khổ ngồi thu nhỏ mình lại trong bàn tiệc, cảm thấy mình bé bỏng quá, tồi tàn quá. Mọi khi trong các buổi hiếu hỉ, anh là cái "đinh". Mọi người tha thiết nài ép anh ngâm thơ. Mọi vỗ tay đều dành tặng cho những vần điệu du dương hay bốc lửa của anh. Mọi con mắt đều đăm đắm rót nhìn vào anh. Mọi đôi môi đều kín đáo trao cười. Than ôi! Thời oanh liệt đó từ nay còn đâu nữa!!! Nhưng ai oán nhất cho Lăng Quăng là cô Duyên xem chừng khác ý, suốt tiệc rượu cứ nhìn dán vào mặt Ba Con Nhất, dáng điệu mê mệt, nhiều lần đánh rơi đũa, thìa, cốc hoặc gắp nhầm thức ăn ở đĩa người ngồi cạnh. Lăng Quăng nổi ghen một cách thực thà và choáng váng.


III. Tâm hồn điện tử của Ba Con Nhất

Hàng ngày… hàng ngày vào hai buổi sáng chiều, những bài thơ rút từ sau gáy Ba Con Nhất đều được Nghiêm Văn Túc cho ngâm trước máy phóng thanh. Hết ca tụng "Máy gặt về", "Điện về", "Nước về" lại tả cảnh "Chuồng thỏ mùa xuân", "Cánh đồng mùa hạ", "Hợp tác xã mùa thu". Bài nào cũng mở đầu bằng "Thời đại tươi vui…" Đoạn giữa thế nào cũng có "Cờ đỏ trống khua tay lao động..." Đoạn kết bao giờ cũng có mấy lời kêu gọi "Phấn khởi... tiến hăng..."

Nói đến nhiệm vụ thì sao cũng nhắc nhở "Bỏ ăn bỏ uống một ngày, nhưng không bỏ được máy càng vinh quang". Yêu nhau thì phát triển mãi cái tứ duy nhất là "Yêu nhau dù trọn một đời… Xin đừng đắm đuối mà rơi lập trường".

Tâm hồn điện tử của Ba Con Nhất cứ một điệu như vậy, nhạt nhẽo truyền hơi sống vào thi ca, bao trùm mọi câu chuyện, mọi tâm tình, mọi cảm nghĩ của cả nông trường… Mọi em bé chăn bò học đòi Ba Con Nhất cũng ông ổng ngâm nga: "Bỏ ăn bỏ uống một ngày..." Một chiều chủ nhật, Lăng Quăng đi chơi rừng với Duyên.

Có bàn chuyện cưới xin thì bị Duyên chỉnh luôn: "Xem ra đắm đuối lả lơi... Coi chừng kẻo lại đánh rơi lập trường!..." làm cho Lăng Quăng thở dài sườn sượt.

Thấm thoát tới hội mùa. Nông trường CON ÉN thu hoạch tốt có tổ chức mít tinh ăn mừng thắng lợi. Chỉ trong nháy mắt Ba Con Nhất đã sản xuất được "Bài ca vụ mùa thắng lợi" ngàn rưởi câu. Nội dung vẫn giống các bài cùng loại này do Ba Con Nhất sản xuất như "Ca làm cỏ thắng lợi", "Ca đi săn thắng lợi", "Ca phát huy sáng kiến thắng lợi", nghĩa là lại vẫn: "Tươi vui… lúa vàng... cờ đỏ hát ca vang... tay lao động... bỏ ăn bỏ ngủ quên sao vụ mùa... phấn khởi tiến hăng… công nông trí kết đoàn v.v…"

Nghe xong mọi người lại vô tay một cách hợp thời trang. Mấy cụ râu dài quen lệ lại láy vài câu để các cụ bà mỉm cười.

Lăng Quăng lại thấy bực bội trong người, bật dậy như chiếc lò xo, đầu ngẩng rất cao, phát biểu: "Sáo đến thế! Nhạt như nước ốc đến thế mà bà con cũng thích được à!…"

Nghiêm Văn Túc bèn nổi giận như Chúa thấy quỷ Sa Tăng đả kích vào con chiên của mình, hội ý cấp tốc với một số cán bộ trung kiên để phê phán Lăng Quăng. Một người nói: "Đồng chí Lăng Quăng nặng đầu óc địa vị… thấy thơ của thi sĩ Ba Con Nhất được mọi người yêu thích thì sinh ra ghen tuông bất mãn…" Một người phân tích: "Đồng chí Lăng Quăng nói xấu bạn… phê bình thiếu xây dựng, kiêu căng không chịu học hỏi… như thế là tư tưởng phá hoại". Nghiêm Văn Túc quên cả chắp tay lên ngực trân trọng như mọi lần, vội vã lên diễn đàn vận động lý luận kết tội Lăng Quăng coi thường sự thưởng thức văn nghệ của quần chúng và phạm vào chính sách đoàn kết giữa người "máy" và người "thật". Túc đề ra ý kiến tổ chức một cuộc đọ tài văn thơ giữa Lăng Quăng và Ba Con Nhất. Nhiều người giơ tay ủng hộ Túc. Túc nắm chắc phần thất bại nhục nhã của Lăng Quăng và như thế là có cớ để dập vùi anh. Cô Duyên lên diễn đàn xin có ý kiến. Lăng Quăng hồi hộp đợi, tin tưởng ít nhất người yêu của mình cũng sẽ bênh mình. Nhưng không! Bằng giọng cả quyết, cô nói: "Nếu đồng chí Lăng Quăng thua, tôi kiên quyết sẽ cắt đường luyến ái… vì tôi không muốn lấy chồng tồi, không tiến bộ…"

Lăng Quăng mỉm cười chua chát Anh ngẩng cao đầu nhận đọ tài với tên người "giả" đang được mù quáng tôn sùng kia.

Ngay sáng hôm sau, toàn thể nông trường nghỉ buổi làm, tới câu lạc bộ chứng kiến một cuộc thi tài văn nghệ "không tiền khoáng hậu".

Nghiêm Văn Túc được chỉ định làm trưởng ban giám khảo, ngồi giữa phòng, hai bàn tay chắp lại đặt giữa ngực, rõ ra dáng nhân vật quan trọng. Bên tả là Ba Con Nhất đứng, ngó bộ kênh kiệu. Bên hữu là Lăng Quăng ngồi thiểu não. Đầu bài thi như sau: "Tả cảnh trời xuân…" Túc đánh kẻnh báo hiệu bắt đầu. Phòng họp trở nên im lặng. Chỉ còn nghe thấy tiếng ruồi bay vo vo, tiếng máy chạy sè sè và tiếng ngòi bút kêu soàn soạt.

Khốn nạn Lăng Quăng cắn bút mãi mới được chưa đầy dăm câu thơ mà Ba Con Nhất đã tuôn ngay một bài thơ 3000 câu. Thế là cuộc thi chấm dứt. Lăng Quăng thua hẳn hoi. Mồ hôi anh vã ra, nét mặt răn rúm lại. Anh được chỉ định ngâm hộ Ba Con Nhất. Giọng anh đau đớn xót xa (giọng của người thất bại chua cay) khiến bà con lầm tưởng anh muốn làm nổi bật lên tâm hồn điện tử thiết tha của Ba Con Nhất và người ta càng vỗ tay ầm ĩ.

Bài thơ cũng vẫn quanh đi quẩn lại những câu như:

Rực rỡ vườn xuân, cúc nở vàng
Hoa đào tươi nở báo Xuân sang
Dựng xây nhân loại, tay lao động
No ấm từ đây mãi vẻ vang
Nhà máy khói vờn, đà thắng lợi
Công nông trí thức thấy vinh quang
Xuân sang phấn khởi ta đều hứa
Kiến thiết nông trường, tiến tiến hăng!…

hay

Quên ăn, quên ngủ, chớ quên đời
Chớ quên đất nước, mây trời mùa xuân

Vài cụ râu dài lại làm cái việc thường lệ là nhại lại vài câu lý thú, không quên ho sù sụ để các cụ bà thương hại. Nghiêm Văn Túc đủng đỉnh đứng dậy, ra lệnh bế mạc, rồi rời phòng thi, mắt không quên liếc ngược đảo xuôi, chắc mẩm thế nào cái dáng điệu quan trọng của mình cũng lọt vào đôi mắt xanh nào đấy…


IIII. Ba điều đáng chết và ba điều hèn

Từ sau cái bữa hỏng thi, Lăng Quăng đã không được Duyên đoái hoài đến nữa.

Càng ngày cái vị trí của anh càng bị xuống. Nghiêm Văn Túc lại quất những làn roi phê bình tàn bạo vào những sáng tác phẩm của anh, gây thành dư luận rộng rãi khiến cho cả nông trường thành kiến với thơ anh đến độ thơ anh làm ra ngâm lên chỉ độ vài khúc là người ta đã nhao nhao kêu tồi, kêu đồi bại, kêu lãng mạn. Có người lại chụp lên dăm cái mũ phong kiến tư sản, tiểu tư sản v.v…

Một bữa, muốn đo lòng người, anh đã là một việc gian dối là ký láo tên Ba Con Nhất xuống một bài thơ mới của anh rồi đem ngâm. Nghe xong, lập tức Túc đứng ra lảm nhảm phân tích làm cho cả nông trường nắc nỏm khen hay. Anh liền nói rõ sự thật là bài ấy chính anh làm thì một số không tin, cho là anh khuếch khoác, một số khác (trong đó có cả Duyên) thì lại nói: "Thảo nào, bọn mình nghe xong cũng ngờ ngợ, cảm thấy bài thơ tồi quá…" Riêng Nghiêm Văn Túc thì đao to búa lớn phê phán anh về cái tội lợi dụng tên tuổi của Ba Con Nhất để được tiếng khen, xúc phạm đến uy tín của lớp người "máy".

Lăng Quăng bị chăng chói giữa cuộc sống đầy rẫy thành kiến, bị chung quanh không hiểu mình, bỏ rơi và lạnh nhạt Mà tất cả chỉ tại cái "máy người". Nghiêm Văn Túc và cái người "máy" Ba Con Nhất vô tư vô giác kia, sừng sững yêu quái ở giữa cái nông trường tươi đẹp này. Anh căm phẫn cao độ.

Một buổi chiều thoáng thấy bóng Duyên tiến về phía Câu lạc bộ, anh liền theo sau. Duyên vào buồng đặt Ba Con Nhất, bàn tay còn đầy dầu máy chứng tỏ cô ả vừa ở cơ xưởng về là vào thẳng đây. Anh đứng nấp sau rem cửa nhìn vào, bỗng thấy Duyên ngoan ngoãn quỳ xuống trước Ba Con Nhất thầm thì xin một bản tình ca. Duyên vặn nút chữ. Tiếng máy sè sè chừng một tích tắc. Ba Con Nhất nhả ra sau gáy một cuộn giấy. Duyên giở ra ngâm nga khe khẽ:

Nghe em! Đừng quên nhiệm vụ
Chớ mất lập trường
Trọn đời anh sẽ yêu em v.v…

Ngâm xong, Duyên áp bài thơ tình đó vào ngực và ngước mắt đắm đuối nhìn vào đôi mắt nẩy lửa của Ba Con Nhất.

Lăng Quăng thấy sôi sục trong tim. Ý nghĩ rùng rợn nẩy ra. Nhất định phải cho vài nhát dao. Anh thò tay vào túi lấy ra con dao nhíp, mở cả hai lưỡi loang loáng sáng… và anh tiến vào. Duyên giật mình quay lại, hơi mỉm cười làm anh bối rối. Để lấy can đảm, anh bèn dõng dạc tuyên án: “Cô có 3 điều đáng tội chết. Điều thứ nhất là cô cám dỗ máy làm tổn thương đến đạo đức của máy. Điều thứ hai là cô ăn ở bạc tình vô chung vô thuỷ, ấy là tội phản bội. Điều thứ ba là cô giết chết một thiên tài là tôi, phương hại đến cái vốn quý nhất của xã hội là con người.”

Duyên bình tĩnh đáp lại: “Tôi chết không đáng tiếc, chỉ tiếc là chết bởi tay người hèn. Anh có 3 điều hèn không đáng sống. Điều hèn thứ nhất là anh mang tiếng làm người mà thi văn thơ phải chịu thua máy, điều hèn thứ hai là anh đã ăn cắp cái tên của máy để được tiếng khen, còn điều hèn thứ ba là anh định dùng dao hại người tay không, mà người đó lại là người đàn bà con gái…”

Lăng Quăng ôm mặt khóc rưng rức và bỏ ra về. Án mạng không xảy ra, chỉ có lòng anh rớm máu đau thương. (Thực sự Duyên vẫn yêu anh nhưng vẫn phải làm thế nào để giáo dục người yêu.)

Mấy hôm sau Lăng Quăng gặp ông chủ tịch, xin rút lui nghề làm thơ, xin được chuyển công tác khác. Nông trường đang thiếu chân quét chuồng ngựa. Ông chủ tịch đã sắp xếp anh vào chân đó, đồng thời cố an ủi khuyến khích anh. Anh làm việc cần cù nhưng đêm đêm vẫn thức khuya tiếp tục làm thơ, những vần thơ ngậm ngùi nói lên:

Những xót xa, những nước mắt khôn nguôi
Những tiếng hát muôn chim,
Những phút trái tim cười
Tôi chắp nỗi buồn vui mãi mãi
(Dù em chẳng nghe tôi)
Tôi vẫn ca
Lanh lảnh chuyện đời
Lòng hằng tin: Người sẽ hiểu lòng tôi.


V. Đoạn kết rất công thức nhưng cần thiết

Số là… dù sao đi nữa thì máy vẫn chỉ là máy. Khả năng của máy chỉ có hạn. Tâm hồn điện tử của Ba Con Nhất dù được Nghiêm Văn Túc nâng niu đến mấy đi nữa cũng trở nên tầm thường khô cạn và nhạt nhẽo. Nông trường CON ÉN đã bắt đầu ngấy những vần điệu nhai đi nhai lại mãi.

Những bài về thời sự chính sách của thi sĩ máy từ bài thứ vài nghìn trở đi được phóng thanh sáng sáng chiều chiều đã làm các bà già buồn ngủ, các ông già bực dọc bứt tóc vặt râu, các con trai bịt lỗ tai, các cô gái thanh xuân thì nguyền rủa: “Khổ lắm biết rồi, cũ lắm rồi”. Còn cụ Hay Rượu thì chếch choáng vài ba tợp rượu xông lại trước mặt Ba Con Nhất mà cà khịa. Nghiêm Văn Túc thì giở một quyển luật về “chống đánh nhau” ra can.

Cuối cùng cả nông trường kiến nghị lên ông chủ tịch đòi quẳng Ba Con Nhất vào kho chứa đồ đồng nát. Túc cố kể thành tích của Ba Con Nhất hòng cứu vãn quyền uy của máy. Cả nông trường phản đối Túc quyết liệt, lại còn đòi quẳng cả cái tủ sách vở chứa trong bụng Túc đi nhân thể. Túc lấy làm sợ hãi, vội vàng chắp hai tay lên ngực, rồi khóc, trang trọng y hệt bậc chân tu thấy mọi gười không hiểu nổi chánh đạo của mình.

Sau đó Nguyễn Linh Quang được trả về chức vụ thi sĩ của của mình. Nông trường giao cho cô Duyên xuống chuồng ngựa đón. Cuộc tái hợp diễn ra bao nhiêu mừng mừng tủi tủi.

Nông trường trở lại đời sống thực của con người. Bà con lại học thuộc thơ Lăng Quăng, những bài thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, rất “người”, ca tụng tình yêu lao động, sáng tạo yêu đất nước và yêu cuộc sống vĩ đại muôn màu muôn vẻ

Tin sau cùng: Những sự việc xảy ra ở nông trường CON ÉN đã tương tự xảy ra ở một số nơi khác (từng sử dụng sai lầm người “máy”) và cùng đi đến một kết luận công thức nhưng rất cần thiết như đã kể lại ở trên đây.

1956

(Trích báo Nhân văn số 5 xuất bản ngày 20-11-1956)


*



Chương IV: Các nhà học giả

Hiện nay ở Bắc Việt có ba nhà học giả, có uy tín trong nước và ngoài nước. Cả ba đều là giáo sư đại học. Đấy là các ông: Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường.

Cả ba ông đều tích cực tham gia kháng chiến và hoạt động trong phong trào Nhân văn-Giai phẩm và đều đã bị đuổi khỏi trường đại học.

Chúng tôi xin giới thiệu cả ba nhà học giả cùng với những bài văn họ viết đề đấu tranh đòi chế độ miền Bắc phải thực hiện tự do dân chủ.


Đào Duy Anh

Ông Đào Duy Anh là một nhà học giả toàn quốc đều biết vì ông đã có công soạn nhiều bộ từ điển và nhiều bộ sử có giá trị.

Thuở nhỏ ông ở Thanh Hoá, lớn lên ông theo gia đình vào Huế học. Xuất thân làm thày giáo và tham gia cách mạng trong phong trào Tân Việt, hồi 1930, sau đó ông quay ra viết sách và xuất bản sách.

Trong kháng chiến, ông lui về Thanh Hoá, sống giữa một ngọn đồi hẻo lánh ở gần Sim, và tiếp tục viết sách. Năm 1952 ông bị triệu đi Việt Bắc, nhưng lên tới nơi, ông không chịu nổi khí hậu, bị kiệt dần sức khoẻ, nên đến cuối năm 1953 phải thuê người thồ bằng xe đạp đưa ông về Thanh Hoá. Ít lâu sau ông dạy sử ở trường Dự bị Đại học. Về Hà Nội ông được bổ dạy ở Đại học Văn khoa.

Ông là người điềm đạm, trong các buổi họp ông ít phát biểu ý kiến và mỗi khi cuộc thảo luận trở nên gay gắt thì ông hay lẩn tránh. Tuy vậy gần đây ông cũng đứng hẳn về phe đối lập, viết nhiều bài trong Nhân vănGiai phẩm lên án chính sách của Đảng. Dù sao ông vẫn là nhà viết sách khảo cứu hơn là nhà viết báo, nên ông vẫn ưa phân tách tỉ mỉ những sai lầm, hơn là công kích để đả phá.

Chúng tôi trích mấy đoạn văn sau đây của ông để giới thiệu lối tranh luận khách quan và từ tốn của một nhà sử học, thật là khác hẳn với lối văn bút chiến của cụ Phan Khôi hay là của ông Sĩ Ngọc.


*



Muốn phát triển học thuật

Tôi muốn góp một số ý kiến vào vấn đề xây dựng nền học thuật của nước nhà. Chẳng cần phải thảo luận, ai ai cũng phải thừa nhận rằng nền học thuật của ta hiện nay thấp kém, lạc hậu. Trong sự nghiệp kiến thiết kinh tế và văn hoá để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ theo hướng xã hội chủ nghĩa, công tác học thuật, công tác nghiên cứu khoa học, có một vai trò trọng đại, vì công tác này mà không phát triển thì không những kiến thiết văn hoá mà cả kiến thiết kinh tế cũng không thể đi xa. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm thế nào cho công tác ấy đáp ứng xứng đáng được nhu cầu kiến thiết. Nhưng muốn nhận định nhiệm vụ ấy cho đúng đắn, cần phải đánh giá đúng mức tình hình hiện tại của công tác học thuật.

Trong thời kháng chiến, tinh thần mọi người đều căng thẳng hướng về yêu cầu "tất cả cho tiền tuyến", cho nên cái tình trạng công tác nghiên cứu khoa học không được săn sóc và người trí thức không được xem trọng, tuồng như chẳng đặt ra vấn đề gì. Nhưng từ ngày hoà bình trở lại thì tình hình khác hẳn. Mọi người, Chính phủ cũng như nhân dân, đều nhận thấy rằng trong sự nghiệp kiến thiết kinh tế và văn hoá, nghiên cứu khoa học là vô cùng cần thiết. Giới trí thức cảm thấy sâu sắc rằng đây là cơ hội để họ có thể đem khả năng chuyên môn ra phục vụ và mọi người đều hi vọng rằng, với sự săn sóc của Chính phủ đối với công tác nghiên cứu khoa học và sự giúp đỡ của các nước bạn, họ sẽ có điều kiện hoạt động dễ dàng, khác với cảnh chật vật gay go của thời kháng chiến. Thế mà quang cảnh nghiên cứu khoa học chưa thấy khởi sắc, công tác học thuật vẫn cứ tiêu điều, giới trí thức lại dần dần mất đà phấn khởi. Chúng ta phải có can đảm nhìn nhận thực tế ấy, thành khẩn nhận ra nguyên nhân thì mới có thể tìm phương cải thiện tình hình được.

Vì chưa có chính sách cụ thể về vấn đề trí thức cho nên trong quan niệm của người cán bộ chính trị, có khi là người giữ trách nhiệm điều khiển và lãnh đạo ở bực cao, vẫn tồn tại cái thành kiến không tin khả năng của người trí thức. Do đó, trong thực tế, người trí thức không được cảm thông nâng đỡ trong yêu cầu chuyên môn của họ, mà trái lại, họ cảm thấy luôn luôn bị người cán bộ chính trị chèn ép.

Theo tôi thiển nghĩ thì công tác chuyên môn căn bản phải do những nhà chuyên môn phụ trách - nếu không có đủ thì phải đào tạo mà điều ấy không phương hại gì cho nguyên tắc chính trị lãnh đạo.

Trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém. Vì khoa học xã hội chịu sự lãnh đạo của chính trị trực tiếp hơn cho nên người ta rất dễ nghĩ lầm rằng hễ người có lập trường và năng lực chính trị vững vàng thì tất có điều kiện căn bản cần thiết để làm công tác về khoa học xã hội. Bởi thế chúng ta thấy không ít trường hợp, hoặc những cán bộ thuần tuý chính trị hoặc những cán bộ chính trị mượn danh hiệu chuyên môn, được cử ra lãnh đạo một tổ chức văn hoá hay học thuật. Như thế thì công tác nghiên cứu khoa học khó lòng được quan niệm và hướng dẫn đúng đắn. Thái độ quá dễ dãi của người lãnh đạo đối với sự nghiên cứu, do trình độ chuyên môn còn non gây nên, và thái độ lũng đoạn học thuật do quan niệm hẹp hòi về lập trường gây nên, có thể tạo thành cái tác phong nghiên cứu hời hợt, thiếu nghiêm túc và chính xác, rất có hại cho công cuộc nghiên cứu chân chính.

Tóm lại, chính cái tư tưởng không tin và coi rẻ trí thức đã dẫn đến sự ứng dụng lệch lạc cái nguyên tắc rất đúng đắn về quyền lãnh đạo của chính trị, do đó công tác học thuật của chúng ta, về khoa học tự nhiên cũng như về khoa học xã hội, gặp nhiều cản trở mà vẫn bị hãm vào tình trạng lạc hậu.

Nhưng muốn chấm dứt tình trạng ấy, muốn cho học thuật phát triển được thì không thể làm thế nào khác được là dựa vào cái cơ sở sẵn có, các nhà trí thức chuyên môn Việt Nam, tức là đạo quân chủ lực của công tác học thuật.

Do đó vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết trước hết để thúc đẩy công tác học thuật tiến lên là vấn đề trí thức.

Cái điều kiện cuối cùng, mà không thể thiếu được, để cho học thuật phát triển là tự do tư tưởng, tự do thảo luận. Ở đây tôi không vạch ra hạn chế tự do tư tưởng nói chung vì những tác phong quan liêu bè phái, độc đoán là những cái đã tác hại nghiêm trọng trong mọi ngành công tác. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai hình thức hạn chế tự do tư tưởng tác hại nặng nhất đối với học thuật là bệnh giáo điều và biến chứng của nó là bệnh sùng bái cá nhân. Đại hội thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô đã tố cáo những tác hại của hai bệnh ấy trong công tác tư tưởng và học thuật, nhất là về khoa học xã hội. Phần lớn các nhà công tác lý luận cũng như các nhà triết học, sử học chỉ là "nhắc lại những khuyến cáo, công thức và đề án cũ mà họ đã lật đi lật lại đủ chiều" (Mi-cai-an). [2] Thậm chí người ta còn cho rằng "khoa học xã hội chỉ có thể phát triển nhờ những nhân vật phi phàm, các nhà học giả khác chỉ có việc là chú giải và phổ biến những tác phẩm của các lãnh tụ" (Kommounist). [3] Ở nước ta thì bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc g̣ò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy. Xin chỉ một cái tỷ dụ gần đây. Như vấn đề phân kỳ của lịch sử Việt Nam và vấn đề hình thành dân tộc, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người nghiên cứu không dám có ý kiến gì mới ngoài những điều các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác hay các vị lãnh tụ đã nói về các vấn đề ấy. [4] Bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại dẫn thẳng đến cái tệ tư tưởng độc tôn: hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta.

Tư tưởng không tự do thì không thể tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận - các nhà lãnh đạo vẫn thường nói nên mở rộng tranh luận nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật. Phải áp dụng chính sách "bách gia tranh minh" mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành đối với công tác nghiên cứu khoa học, cái chủ trương mà ông Lục Định Nhất đã giải thích rằng: "Tự do suy nghĩ độc lập, tự do tranh luận, tự do sáng tác và tự do phê bình, tự do phát biểu ý kiến của mình". Về điểm này tôi không thể nói gì hơn. Tôi chỉ xin nhấn mạnh rằng cái tự do chúng ta chủ trương đây, cũng như ý kiến của ông Lục Định Nhất, không phải là tự do theo lối tư sản, mà là tự do dân chủ trong nội bộ nhân dân.

Giới trí thức Việt Nam đương chờ đợi một sự giải quyết mạnh bạo và căn bản.

(Trích Giai phẩm mùa Thu tập III năm 1956) [5]


*



Trần Đức Thảo

Trần Đức Thảo, năm nay 45 tuổi là con cụ Trần Đức Tiến, một tiểu công chức tòng sự tại Sở Bưu điện hà Nội.

Lúc ông còn học ở trường Lycée Albert Sarraut, ông đã tỏ ra hết sức thông minh. Các thầy dạy ông, nhất là ông Ner đã kêu lên là không chấm nổi bài của ông. Ông đỗ tú tài triết học năm 1935, và năm sau ông đỗ đầu trong kỳ thi vào trường Normale Supérieure ở bên Pháp. Sau đó ông đỗ thạc sĩ về triết học và dạy ở Sorbonne.

Ở bên Pháp ông nghiên cứu thêm về triết học, xã hội học, viết nhiều bài trong các tạp chí văn học.
Lúc đầu ông theo chủ nghĩa "Existentialisme" của Jean Paul Sartre, nhưng từ 1946 ông thiên về chủ nghĩa Mác, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, và viết báo đả kích ông Jean Paul Sartre. Ông này kiện ông tại toà, nhưng toà chưa xử, thì ông Thảo đáp tầu đi Mạc Tư Khoa, rồi thẳng đường về Bắc Việt (năm 1951).

Về đến nhà, ông bị giữ trong một khu rừng hẻo lánh trong chiến khu Việt Bắc và công tác người ta giao cho ông là dịch những truyền đơn địch vận từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Nhà lãnh tụ Hồ Chí Minh bảo ông: "Chú đọc sách vở ngoại quốc đã nhiều, nay chú mới về hãy nên học hỏi nhân dân trước đã". Một phần vì quá nhàn rỗi một phần vì chán nản, nên mỗi ngày ông ngủ 18 giờ, chỉ thức để ăn và làm việc chừng 6 giờ.

Ông Trần Đức Thảo là điển hình của một nhà trí thức say mê chủ nghĩa cộng sản vì nghiên cứu chủ nghĩa ấy trên sách vở. Sự say mê đó đã tiêu tan từ ngày ông bước chân về nước và ngày nay sau kinh nghiệm Cải cách ruộng đất ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ.

Bài ông viết sau đây phô bày tất cả sự đau xót của ông, tuy nhiên ông là người đầy thiện chí, nên ông còn đang cố gắng mang triết lý ra để sửa chữa những "sai lầm" hòng cứu vãn tình thế vì ông vẫn còn tia hy vọng trong đáy lòng là có thể thực hiện được cái lý thuyết cao siêu của ông Marx. Tuy vậy, giọng văn của ông cũng đầy một vẻ bực dọc không kém những người khác.

Mặc dầu ông Thảo đã hi sinh địa vị cao quý ở Pháp để trở về nước tham gia kháng chiến, ngày nay ông vẫn bị quy là phản động số một, tay sai của đế quốc.


*



Nội dung xã hội và hình thức tự do

Vấn đề tự do và tự do cho ai, tự do đối với ai, tự do để làm gì.

Tự do của quảng đại quần chúng, đấy là một nội dung chân chính mà chế độ ta thực hiện về căn bản, và có điều kiện để phát triển không ngừng. Nhưng đây tổ chức chúng ta, tuy xét về nội dung là dân chủ thực sự, nhưng lại bị lũng đoạn bởi những bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân.

Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng tiến hành trong nội bộ nhân dân, bằng phê bình và tự phê bình, đặng tranh thủ cho mỗi công dân những điều kiện hoạt động chính đáng và cần thiết để góp phần vào nhiệm vụ chung, chống sự kìm hãm và lấn át của những phần tử lạc hậu: quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân ở mọi cấp lãnh đạo. Phải nói rõ ở mọi cấp lãnh đạo, vì nếu xét đến cá nhân thì những bệnh ấy còn khá phổ biến với mức tiến triển của xã hội ta bây giờ, nhưng có ở cương vị lãnh đạo thì nó mới có điều kiện để gây tai hại lớn cho nhân dân. Những sai lầm nghiêm trọng phạm phải trong Cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức [6] , kiến thiết kinh tế và văn hoá là những dẫn chứng hùng hồn. Những sai lầm ấy thì nhân dân ở mỗi địa phương và nhiều cán bộ cấp dưới, mỗi người trong phạm vi của mình, từ lâu đã trông thấy rõ, vì đã phải chịu đựng những tai hại gây ra cho bản thân mình hay chung quanh mình. Mà vì những sự việc ấy có tính chất phổ biến, vấn đề rút kinh nghiệm cũng không đến nỗi khó lắm.

Cụ thể như trong Cải cách ruộng đất, đặc biệt là đợt 4 và đợt 5, nhân dân đã có nhiều ý kiến xác đáng, dựa vào những bài học hiển nhiên của lịch sử Cách mạng Việt Nam, vào lý trí và đạo đức tự phát của người thường dân. Ví dụ như trước những nhận định từ trên đưa xuống về tình hình nông thôn, thổi phồng lực lượng của địch và mạt sát cơ sở của ta, thì quần chúng và cán bộ cấp dưới đã có nhiều thắc mắc.

Do quá trình thực tế phản đế phản phong, tổ chức kháng chiến của ta tất nhiên là một tổ chức của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nếu có bao gồm một số phần tử phức tạp thì những phần tử ấy nói chung cũng đã được giáo dục ít hay nhiều trong thực tiễn đấu tranh, phục vụ nhân dân. Vậy cơ sở ta ở nông thôn trước Cải cách ruộng đất cũng không thể nào xấu đến thế. Nó cần được cải tạo, nhưng không đến nỗi phải đả kích hàng loạt. Mà theo lý trí thông thường của người dân thì nếu thực sự tổ chức của ta đã bị lũng đoạn nghiêm trọng, thậm chí nếu tổ chức của địch lại "lồng vào tổ chức của ta" thì làm sao mà chúng ta lại kháng chiến thắng lợi? Đến cấp huyện và cấp tỉnh thì cái nội dung "chỉnh đốn tổ chức" lại càng quái gở, cuối cùng, theo tình cảm tự phát và thương yêu bạn đồng đội, không nói gì đến đạo đức và nhân sinh quan cách mạng, thì cũng không thể nào kết án cơ sở chiến đấu của ta một cách đơn giản, chung chung vô trách nhiệm và khinh con người đến mức ấy. Cụ thể ở mỗi địa phương mà đã đánh tràn lan, thì tính chất trái ngược, phản tình phản lý của các nhận định chung về tình hình địch và ta đã phát hiện ngay trong việc làm. Nhưng về cơ cấu của bộ máy lãnh đạo có hướng một chiều, rất nặng về tổ chức và phương tiện đả thông, cưỡng bách, mà những ý kiến phê bình của nhân dân hay cấp dưới thì lại hoàn toàn để cho cấp trên quyết định có nên xét đến và có thảo luận hay không, cho nên những bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân trong tổ chức lãnh đạo đã có điều kiện khách quan để phát triển, đẩy mạnh phong trào đàn áp tư tưởng, phớt qua quy tắc dân chủ, biến những ý kiến chủ quan thành "lập trường" bất di bất dịch. Nhờ những điều kiện ấy mà những phần tử lạc hậu, bảo thủ, đã ngăn cản ý kiến của quần chúng, cản trở việc sửa chữa sai lầm, cho đến lúc tác hại lớn quá, cơ sở đã bị tổn thất nặng nề, chỉnh đốn tổ chức ở huyện và tỉnh phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hoá. Rõ ràng những phần tử quan liêu bè phái đã lấy thành kiến của họ làm đường lối của lịch sử, biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn, lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi.

Sai lầm trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức là một trường hợp điển hình, nhưng thực ra thì trong mọi vấn đề khác như kiến thiết kinh tế và văn hoá, cũng đã phải chờ cho có tai hạn lớn lao, đồng thời cũng có ánh sáng của Đại hội XX phát động phong trào tự do dân chủ, mới bắt đầu rút bài học kinh nghiệm. Rõ ràng rằng phương pháp phê bình thông thường trong nội bộ tổ chức không đủ để sửa sai kịp thời những sai lầm hết sức quan trọng. Còn những sai lầm tương đối nhẹ hơn hoặc tác hại âm thầm hơn thì tất nhiên lại càng dễ xuý xoá. Cần phải có sự xây dựng tích cực của nhân dân mới ngăn ngừa được ảnh hưởng của những phần tử bảo thủ, lạc hậu, những ông quan liêu, những ông sĩ diện, những ông bè phái luôn luôn cản trở đường lối quần chúng của Đảng. Nhưng vì chúng ta còn thiếu tập quán tự do, việc phê bình công khai tổ chức lãnh đạo thường dễ gây thắc mắc. Dù nội dung phê bình có đúng chăng nữa, dù kinh nghiệm có cho hay rằng không đặt vấn đề trước quần chúng thì không thể nào giải quyết kịp thời, nhiều anh em vẫn chỉ chú trọng nhận xét về "thái độ", truy nguyên tư tưởng: thiếu tin tưởng, bất mãn, tự do tư sản, thoát ly lãnh đạo, thậm chí là bôi nhọ chế độ", "để cho địch lợi dụng!". Những anh em ấy không thấy rằng nhân dân được sự lãnh đạo của Đảng thì Đảng cũng phải được sự xây dựng của nhân dân, miễn là cuối cùng thì nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng. Mà nếu trong lời phê bình có phần "bất mãn", thì có cái bất mãn ấy mới sửa chữa được sai lầm, có cái bất mãn ấy thì lãnh đạo mới thoả mãn được nhân dân.

Lãnh đạo theo đường lối quần chúng không phải chỉ là ngồi trên mà "tìm hiểu quần chúng". Vì như thế vẫn còn là tự mình đặt trên nhân dân, mà người lãnh đạo không có quyền tự đặt mình trên nhân dân.

Kinh nghiệm Cải cách ruộng đất là một bằng chứng điển hình. Không công tác nào đã tập trung chừng ấy phương tiện đả thông và cưỡng bách, bộ máy tổ chức được rèn giũa như một động cơ hiện đại kiên cố, nhưng cũng vì thế mà không nghe thấy ý kiến phê bình của nhân dân rồi đi đến chỗ làm ngược hẳn đường lối chính sách cách mạng, tấn công bừa bãi, phá huỷ cơ sở. Chính lúc Trung ương tin tưởng rằng nhờ tổ chức chặt chẽ mà nắm được hết thì biện chứng pháp của lịch sử đã quay lại vấn đề: tổ chức thoát ly quần chúng, lãnh đạo rất yếu, chỉ đạo lung tung.

Chúng ta có thể nhận định: vấn đề tự do nhân dân miền Bắc hiện nay cụ thể trước mắt là tự do đối với những phần tử lạc hậu, bảo thủ, quan liêu, giáo điều, bè phái sùng bái cá nhân nằm ở mọi cấp lãnh đạo mà cản trở sự phát triển của chế độ dân chủ nhân dân, làm lệch công tác lãnh đạo của Đảng, đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho tổ chức nói chung là kìm hãm công cuộc kiến thiết miền Bắc, tranh thủ miền Nam. Nhiệm vụ chống những phần tử ấy căn bản là nhiệm vụ đấu tranh với bạn, tiến hành bằng phê bình và tự phê bình.

Trong bản tham luận đọc trước Đại hội thứ VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Đặng Tiểu Bình, hiện giờ Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói: "Đảng không có quyền vượt lên trên quần chúng nhân dân, tức là Đảng không có quyền ban ơn, cưỡng bách, mệnh lệnh đối với quần chúng nhân dân, Đảng không có quyền xưng vương xưng bá trên đầu nhân dân".

(Trích Giai phẩm mùa Đông tập I, 1956)


*



Nỗ lực phát triển tự do dân chủ

Trước hết, chúng ta phải nhận định rõ ý nghĩa và nội dung của phong trào tự do dân chủ đương phát triển trong nhân dân. Căn bản nó là phong trào quốc tế, do Đại hội Đảng XX của Đảng Cộng sản Liên Xô phát động, và đương lan tràn rầm rộ trên khắp thế giới.

… Nhân dân Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu bè phái, sùng bái cá nhân, chính là thực hiện đường lối cách mạng của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, do Đảng Lao động Việt Nam truyền đạt.

… Có anh em lo rằng với tự do dân chủ được phát triển, giai cấp tư sản sẽ “ngóc đầu” lên. Chính như thế là đánh lạc vấn đề. Từ ngày hoà bình trở lại, chúng ta mở rộng phạm vi kinh doanh tư sản, chúng ta hô hào họ đầu tư; như thế họ cũng đã được thoả mãn một phần khá, mà họ cũng không có đủ sức để làm gì khác. Những người có vấn đề phê bình là những người lao động trí óc và lao động chân tay, phục vụ nhân dân và trung thành với Đảng, nhưng chưa được điều kiện để phát huy khả năng và phục vụ có kết quả, thậm chí còn bị kìm hãm, chà đạp bởi những phần tử quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân… Cái tự do mà họ muốn phát triển là tự do của toàn dân phê bình lãnh đạo, vì lãnh đạo chính là lãnh đạo của mình, mà có phê bình thì mới xây dựng được một tổ chức hợp lý, bảo đảm những điều kiện cần thiết để mọi công tác được kết quả tốt, để mỗi công dân được góp phần vào nhiệm vụ chung. Cái tự do ấy là quyền của người công dân, nó được hoàn toàn công nhận và bảo đảm trong chế độ ta… Chúng ta phải nỗ lực mở rộng dân chủ, phát triển phê bình trong nhân dân. Đảng đã chỉ đường vạch lối, nhưng không thể làm thay: Tự do không phải là cái gì có thể ban ơn.

Trong nhiệm vụ thực hiện phương châm của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, hưởng ứng phong trào phát triển tự do dân chủ trong những nước dân chủ nhân dân anh em, người trí thức Việt Nam có phần trách nhiệm quan trọng. Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân.

Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bóc trần những kết quả tai hại của tác phong lãnh đạo vi phạm hình thức tự do.

… Riêng trong công tác văn hoá, một số bộ phận nghiên cứu sáng tác như bộ phận khoa học xã hội, theo báo cáo của đồng chí Mi-cai-an, đã bị hầu như tê liệt…

Hình thức tự do là tự do cá nhân… Cá nhân phục tùng tập thể, nhưng tập thể cũng phải có cá nhân xây dựng và hình thức tự do trong phạm vi pháp lý nhân dân là điều kiện để mỗi cá nhân góp phần thực sự xây dựng tập thể. Xét đến tình hình thế giới mới đây, lý tưởng tự do cá nhân lại là lý tưởng của những ngày tiến tới, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản bây giờ đương bắt đầu trở thành một thực tế lịch sử ở Liên Xô.

Những nghị quyết lịch sử của Đại hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước dân chủ nhân dân anh em và phong trào công nhân và nhân dân thế giới. Nước ta không thể nào đứng riêng: chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gột rửa những nết xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân.

(Trích báo Nhân văn số 3 ra ngày 15 tháng 10 năm 1956) [7]



[1]Đính chính: Trong cuốn Tâm trạng giới văn nghệ ở miền Bắc xuất bản đầu năm 1957 chúng tôi nhầm Châm Văn Biếm là bút hiệu của Nguyễn Hữu Đang. Vậy xin đính chính lại là của Như Mai - Mạc Đình.
[2]Phiên âm chữ Mikoyan
[3]Tên một tờ báo
[4]Sử gia Việt cộng là ông Trần Huy Liệu có viết một bài báo giải thích rằng: xã hội Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 1930 là năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Ông Đào Duy Anh phản đối lý thuyết đó nên ông viết cuốn Vấn đề hình thành xã hội Việt Nam, trong đó ông bác thuyết của ông Liệu và chủ trương rằng xã hội Việt Nam đã hình thành từ thời Bắc thuộc.
[5]Bài trích trong sách này thiếu nhiều đoạn. Xem toàn văn trong Giai phẩm mùa Thu tập III (talawas).
[6]“Chỉnh đốn tổ chức” là một danh từ mới thay thế cho danh từ “thanh trừng” trong nộI bộ Đảng và trong chính quyền.
[7]Xem toàn văn bài viết trong Nhân văn số 3, bản trích trong sách này không đầy đủ (talawas).
Nguồn: Hoàng Văn Chí, Trăm hoa Ä‘ua nở trên đất Bắc. Mặt trận Bảo vệ Tá»± do Văn hoá xuất bản, Sài Gòn 1959. 318 trang. Nguyệt san Ngày về tái bản, HÆ°á»›ng Việt phát hành. In tại nhà in Lion Press, 3018 Akron Ct, Denver Co. 80231. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.