trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
22.4.2004
Nguyễn Quốc Chánh
Bắt Ðầu Của Tân Hình Thức Có Phải Là Kết Thúc Của Thơ Tự Do?
 
Thơ tự do là anh em sinh đôi với tinh thần tự do. Tinh thần tự do là cha già của nền cộng hoà. Trung Hoa, Việt Nam không có nhà thơ tự do lớn vì Trung Hoa, Việt Nam không có truyền thống tự do. Và do đó cũng không có nền cộng hòa.

Nhưng tự do không phải là một vị thần, hiện ra một lần rồi vinh quang mãi mãi. Tự do hình thành trong phản kháng, và phát triển trong khủng hoảng. Nó là sản phẩm của kẻ mạnh, của những dân tộc tiền phong. Của tinh thần đế quốc về văn hóa. Thơ tự do là tên đế quốc của các chủng tộc thơ thể.

Tự do là bản tính đầu tiên và cuối cùng của con người. Cá nhân và chủ nghĩa cá nhân chỉ nẩy nở trong môi trường tự do, trong tinh thần tự do. Thơ tự do cũng vậy. Chống lại cá nhân và chủ nghĩa cá nhân, là một thực tế không chỉ bên ngoài mà ở ngay trong lòng của nó. Marx và chủ nghĩa cộng sản là một ví dụ. Chủ nghĩa tự do không tự đào mồ chôn nó như dự đoán của Marx, mà tự đào mồ chôn nó lại chính là chủ nghĩa chống lại tự do và cá nhân chủ nghĩa. Thơ tự do là thơ của những cá nhân chủ nghĩa.

Số phận của thơ tự do là số phận của tinh thần tự do, của tự do cá nhân, của chủ nghĩa cá nhân, của nền cộng hòa. Những ai hoang mang với thơ tự do, tức là hoang mang với nền cộng hòa, hoang mang với chủ nghĩa cá nhân, hoang mang với tự do cá nhân. Tức là muốn tìm lại sự yên ổn với truyền thống của nền quân chủ, của ý thức tập thể, của các hình thức thẩm mỹ bày đàn. Tân hình thức là một dạng như vậy.

Thơ tự do xuất hiện là một hành động phản kháng. Phản kháng các thể (hình thức) thơ truyền thống. Nó là đứa con ưu tú bị nguyền rủa bởi những đứa con chậm tiến của nền cộng hòa (Whitman). Nó là nền cộng hòa của các đế chế thơ thể. Sự ra đời của thơ tự do là sự lên ngôi của tinh thần tự do, của tự do cá nhân, của ý thức cá nhân, của chủ nghĩa cá nhân.

Không có giới hạn nào đối với tự do. Chỉ có giới hạn của những cá nhân trước tự do. Sự khủng hoảng của tự do là để mở đường cho tự do triệt để hơn. Thơ tự do cũng vậy. Không tìm cơ hội hòa đồng hay nương tựa vào truyền thống. Tân hình thức tức là tân truyền thống. Là sự phản ứng lại thơ tự do bằng cách cầu hòa với truyền thống.

Truyền thống chỉ tồn tại khi cái lõi của nó cung cấp năng lượng cho tinh thần tự do (Hồ Xuân Hương). Tinh thần tự do không xài cái giác của truyền thống. Cái vỏ của Tân hình thức là phần giác của truyền thống. Có những truyền thống hoàn toàn không có lõi (truyện Kiều). Nó không có gì để phục hưng.
Các thể thơ truyền thống là sản phẩm của thể chế quân chủ, hoặc của các đức tin tôn giáo của các bộ lạc. Nó là những cái khung thẩm mỹ của đám đông để đấng toàn năng qua đó dễ bề ngồi lên. Cai trị một bày ngoan trong những cái khung quy ước khỏe hơn cai trị một lũ bất trắc dị ứng với mọi cái khung. Tân hình thức là một cái khung giúp đấng toàn năng cai quản các nàng thơ, tuy hay láu cá nhưng vốn thật thà và ngơ ngác.

Tự do là trò bất trắc. Là đứa con hoang của tinh thần ăn chắc mặc bền. Thơ tự do cũng vậy. Thơ truyền thống là ổn định. Là đứa con hiếu thảo của tinh thần ăn cây nào rào cây đó. Tân hình thức là đứa con hoang bỗng trở về ôm chân mẹ. Thơ tự do là đứa con hoang hết thuốc chữa. Hoang từ lúc khai sinh cho đến ngày xuống lỗ.

Thơ truyền thống là loại hình kinh tế chỉ biết dựa vào thổ sản. Kinh tế của phương thức con nhà nghèo. Thơ tự do là loại hình kinh tế của công nghệ cao. Kinh tế của phương thức con nhà giàu. Tân hình thức chưa kịp thành con nhà giàu đã bị phá sản nên muốn về quê cày ruộng.

Phản kháng là kẻ đồng hành với tinh thần tự do. Và phá sản là bạn đồng tính với tình thần phản kháng. Phản kháng, và phá sản là 2 kẻ thách thức và đào luyện tự do. Thơ tự do tồn tại trong tinh thần phản kháng và chấp nhận phá sản. Nó chấp nhận cuộc cạnh tranh độc quyền của kẻ mạnh. Và do đó nó kích thích toàn bộ cộng đồng phát triển.

Thơ truyền thống tồn tại trong cái ổn định giả của các thể chế và thể loại, của nền quân chủ và chế độ bao cấp. Tân hình thức Mỹ chắc cũng giống mô hình của đảng cộng sản Mỹ. Chả có sức mạnh gì trong việc truy tầm Bin Laden hay bẻ cò Iraq. Thơ Tân hình thức Việt chắc cũng giống văn hóa Việt. Vừa ra khỏi làng là đã sợ mất gốc. Chưa xài hết tự do đã vội ôm giò truyền thống.

Phản kháng các thể thơ truyền thống, là phản kháng cái truyền thống quân chủ và mê tín của ý thức. Phản kháng cái quân chủ và tín ngưỡng trong ngôn ngữ. Phản kháng cái quân chủ và tệ sùng bái chữ trong ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ là biểu hiện nhạy cảm và tinh túy của ngôn ngữ. Nó là lớp sóng của cái biển văn hóa, qua đó người ta cảm nhận sự dồi dào hay nhược suy của ngôn ngữ. Thơ tự do là không được phép không dồi dào. Thơ hình thức (thể) và tân hình thức được phép suy nhược.

Truyện Kiều trong thể (hình thức) lục bát chẳng hạn. Với cái nhịp ề à, đều đặn, lê thê hơn ba ngàn dòng. Cũng đều đặn, ề à, lê thê như vậy. Thử hỏi nó biểu hiện được cái gì của ý thức. Và ý thức gì được biểu hiện ra. Hay nó chỉ biểu hiện được cái loay hoay, lập đi rồi lập lại. Hết sáu rồi lại tám. Rồi lại sáu, rồi lại tám. Rồi lại sáu, rồi lại tám... Hơn 1.500 lần lập lại cái sáu- tám một cách mê man như vậy, thì còn gì là ý thức. Tân hình thức vớ ngay cái đều đặn đó, tuy không ề à, nhưng lại máy móc cách đều đặn, suông đuột và cứng ngắc.

Cái đều đặn suông đuột và cứng ngắt của tân hình thức không mang lại buồn ngủ thì mang lại buồn tẻ. Một hình thức buồn ngủ và buồn tẻ thì làm gì trong một nội dung chuyển động. Một nội dung chuyển động mà thần tượng hình thức buồn ngủ và buồn tẻ, nó là cái giống gì? Chắc là cái giống Lạc Việt! Lạc Ðường!Lạc Chợ! Lạc Nhách! Và Tân hình thức chắc là cái Lạc Hồng!

Ở Việt Nam, cuộc phản kháng của thơ tự do vẫn chưa ngã ngũ. Tàn dư của ý thức quân chủ trong thơ, và trong mọi lãnh vực ngoài và lân cận thơ còn hùng hậu. Thơ tự do, tức ý thức về tự do, tức tự do cá nhân trong ngôn ngữ, làm sao lại rút vào bóng tối. Và những ai không còn sức phiêu lưu, mới rút vào bóng tối. Và tân hình thức là một dạng bóng tối của thơ tự do. Tưởng rằng kết hợp với cái vỏ truyền thống là phiêu lưu, thực ra đó chỉ là phiêu lưu của cá kiểng trong bồn kiếng.

Chỉ có người làm thơ tự do mất tự do. Hết pin. Không còn khả năng tìm kiếm. Ý niệm tự do là một ý niệm mở, nó dung nạp và nội hóa tất cả. Nó có thể ngủ với truyện ngắn để đẻ một đứa mắt nâu môi trầm. Có thể ngủ với tiểu luận để đẻ một đứa mắt trắng môi thâm. Có thể ngủ với quảng cáo, truyền hình, phim kinh dị để đẻ một đứa 3 đầu 6 tay. Có thể ngủ với chính trị, tôn giáo để đẻ một đứa vừa nói dối như cuội vừa dữ như chằn. Còn tân hình thức là một biến thái của thơ tự do làm đám cưới với cái áo tứ thân trong bảo tàng để đẻ một đàn rối nước.

Thơ tự do là hành động phản kháng cái mỹ học tập thể. Tất cả những thể thơ truyền thống đều có màu sắc mỹ học tập thể. Vì tính thống nhất, ổn định của những chi tiết thuộc về hình thức của nó. Chẳng hạn 6/8, chẳng hạn bằng/trắc, chẳng hạn mỗi dòng 5,7,8 chữ...Nó là hình thức có trước nội dung. Nó là 30 hay 50 % của bài thơ đã được mặc định. Người làm thơ theo thể với những hình thức chết ngắt như vậy, chỉ cần pha chế một dung dịch nội dung lỏng hay đặc, ngọt hay mặn, trắng hay đỏ, và sau đó, chỉ việc rót cho đầy mỗi cái khung là xong. Tân hình thức là thủ pháp như vậy.

Truyện Kiều chẳng hạn. Nguyễn Du lấy bột của Kim Vân Kiều truyện, rồi cho nước ao vào khoắng nhuyễn, rồi rót cho khéo (cái khéo thuộc kỹ năng thủ công mỹ nghệ) vào cái khung lục/ bát. Cái thẩm mỹ của từng cặp lục/ bát đã mặc định 30 hay 50 % mỗi dòng thơ. Do đó mà thể hay (hình thức) thơ truyền thống không phải là nội dung kéo dài như nhà thơ Khế Iêm, vì hiếu hỉ với tân hình thức nên mới biện minh nhầm như vậy.

Hình thức là nội dung kéo dài, theo quan điểm của Olson, chỉ có nghĩa với thơ tự do. Ðể viết một bài thơ tự do, người viết bị tước hết mọi kinh nghiệm. Huống chi là trông chờ vào những cái khung. Người viết hoàn toàn không có một điểm tựa, nghĩa là không có một cái khung được mặc định. Mỗi bài thơ tự do là một kinh nghiệm khoảnh khắc, và chỉ xài một lần.
Không thể dùng kinh nghiệm, thói quen để viết một bài thơ tự do. Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc, là hình thức của cái khoảnh khắc. Một hình thức của cái bất ổn, tức thì, nên nó đồng thời với nội dung. Và chỉ trong nghĩa này, hình thức mới là sự kéo dài của nội dung. Hình thức là nội dung. Vì quá trình hình thành nội dung và hình thức xảy ra cùng một lúc. Người viết cùng một lúc nghĩ cả nội dung và hình thức. Nó là cái không thể phân biệt, nó nhất quán.

Vì không có gì sẵn để bấu víu, nên người viết thơ tự do bị đặt vào 2 khả năng: Hoặc bị kích thích bởi cái không gì sẵn, đó là hành trình của thơ tự do; hoặc tìm cơ hội nương náu vào một cái gì sẵn, đó là cách của tân hình thức. Vì vậy mà thơ tự do luôn là một thách đố, nó là con thú hoang. Và người viết thơ tự do là kẻ săn hoang thú trong rừng rậm của ý thức và vô thức. Tân hình thức là một thỏa hiệp, nó là con thú tự nguyện nhốt vào thảo cầm viên.

Thơ tự do là kẻ đi săn, và sẽ chới với ngay nếu không tích đầy máu phiêu lưu trong người. Còn các thể thơ, dù tân hay cổ đều là những cuộc dạo chơi trong công viên. Ðó là thú tiêu khiển. Chẳng lẽ một người tiêu khiển với hình thức tân cổ giao duyên lại tiên phong hơn bọn phiêu lưu trong rừng mỹ học. Và người tiêu khiển không có ý niệm thất bại. Vì tiêu khiển trong nghệ thuật đã là một thất bại từ khởi điểm.

Thất bại chỉ dành cho bọn tìm kiếm. Không thể lấy sự tiêu khiển của mình để nói rằng thế giới này không còn gì để tìm kiếm. Nếu không còn gì để tìm kiếm ở bên trong, con người sẽ hướng cái phiêu lưu ra ngoài. Bởi phiêu lưu là thuộc tính của con người tự do. Có một môn thể thao không lấy sự chiến thắng trong các cuộc đua làm đích, nó lấy sự chiến thắng với chính nó làm một triết lý sống. Người chơi môn này, dùng một chiếc xe gắn máy 2 bánh đấu với sự hiểm trở của địa hình. Nếu sau một ngày sống sót, ngày hôm đó là một ngày thành công, ngày hôm đó là một ngày tự do và tự mãn của hắn. Thơ tự do là một ngày của bất trắc và may mắn như vậy.

Chính vì thế thơ tự do là cuộc phiêu lưu vô tận của người viết, và do đó của cả người đọc. Nó chủ động tạo ra người đọc, chứ không chạy theo chiều chuộng thị hiếu tiêu dùng của người đọc. Nó không đặt vấn đề cạnh tranh với nhạc Pop hay phim hoạt hình. Nó không thắc mắc là ai sẽ đọc nó, ai sẽ khóc nó bây giờ hay 300 năm sau. Nó là một sản phẩm đặc biệt của ý thức đặc sệt cá nhân, chứ không phải là một vật phẩm muốn phổ thông hóa. Tân hình thức là muốn phổ thông hóa, muốn một nội dung tự do trong cái vỏ nộ lệ của truyền thống.

Thơ tự do vẫn luôn là nghệ thuật của số ít, của những cá nhân đặc chủng và những dân tộc đặc biệt. Các khuynh hướng, trường phái, chủ nghĩa của thơ hiện đại và hậu hiện đại đều là những biến thái của thơ tự do. Tân hình thức cũng là một biến thái của thơ tự do, nhưng lại mưu toan phủ định thơ tự do bằng một biến thái giật lùi, và sơ lược.

© Talawas