trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
12.6.2003
Trịnh Nhật
Tiếng Anh: Ngôn ngữ thứ ba tại Việt Nam
 
Trong khi đất nước Việt Nam đã đi từ chính sách 'đổi mới', đến kinh tế thị trường, đến thiết lập bang giao với Mĩ, và mới đây là đến việc kí kết thỏa hiệp mậu dịch với Hoa kì, thì người dân Việt Nam trong nước cũng đã trải qua nhiều giai đoạn, đổ xô nhau đi học thứ ngôn ngữ giao dịch quốc tế, tạo nên một cơn sốt có thể gọi là cơn sốt Anh ngữ (English fever).

Lớp dạy tiếng Anh mọc ra như nấm. Người ta không thể tưởng tượng được là có biết bao nhiêu trường công tư, bao nhiêu trung tâm mở lớp đào tạo Anh ngữ trên toàn cõi Việt Nam. Ðâu đâu cũng thấy quảng cáo khóa học này, khóa thi nọ. Sinh viên, công chức được gửi đi du học nước ngoài cũng phải trau dồi thêm vốn liếng Anh ngữ cho đủ điểm để được nhận vào Ðại học của những nước nói tiếng Anh.

Kể mà xét theo tầm quan trọng của ngôn ngữ này trên đất Việt, thì bảo nó là 'ngôn ngữ thứ nhất' cũng chẳng phải là nói ngoa. Hay thông thường ra, vì nó là một ngoại ngữ, nên gọi nó là 'ngôn ngữ thứ hai' như bất cứ ngoại ngữ nào khác thì cũng hợp lí thôi. Như vậy thì thử hỏi có cơ hội gì khiến cho nó trở thành 'ngôn ngữ thứ ba'.

Khi nhận xét về những bài viết bằng tiếng Anh đăng trong các tạp chí quốc tế do Cộng Ðồng Kinh tế Châu Âu [European Economic Community (EEC)] ấn hành vào thập niên 1970, tác giả người Anh, Alan Duff, trong cuốn The Third Language xuất bản năm 1981, đã gán cho cái loại tiếng Anh xử dụng trong những bài viết đó là 'ngôn ngữ thứ ba'. Ông đưa ra một số thí dụ minh hoạ như sau:

Trong tiếng Anh, người ta không nói '*ace violinist' để tả 'một nhạc sĩ vĩ cầm thượng thặng/tài hoa', mà nói 'top violinist' hoặc 'violin virtuoso'. Họ không viết '*indispensably necessary', để diễn tả một việc gì 'cực kì cần thiết', mà chỉ cần viết 'necessary' là đủ, thảng hoặc nếu muốn nhấn mạnh thì người ta cũng có thể viết 'absolutely necessary'. Nói về 'kiến thức thâu thập/thu nhận/học được' người ta không nói '*knowledge is received' mà phải nói 'knowledge is acquired'. Khi muốn nói đến tình trạng nào đó đã gây ra một sự rạn nứt/ngăn cắt/chia rẽ' giữa thành phần này với thành phần khác trong xã hội, người ta cũng không nói 'opened a wedge' mà nói 'caused a rift'. Cho dù dịch giả hay người viết muốn dùng chữ 'wedge' đi nữa, thì trong tiếng Anh, từ 'wedge' không đi chung với từ 'open'. Một 'vết thương' (wound) có thể 'mở' (open), nhưng 'a wedge' (cái nêm/cái chặn/cái bửa) thì phải 'is driven' hoặc 'is introduced '. Khi nói đến 'một vết thương khó lành/lâu lành', người ta không nói '*a wound healed poorly and late', mà nói 'a wound healed badly'.

Những lỗi nêu trên đại loại là do ở người viết mà tiếng Anh của họ không phải là tiếng mẹ đẻ. Cho nên, mặc dù họ có kiến thức đấy, có vốn liếng văn phạm tiếng Anh đấy, nhưng khi viết họ đã nghĩ trong tiếng mẹ đẻ của mình rồi đem dịch sát nghĩa sang tiếng Anh. Văn tiếng Anh của họ vì thế nghe không tự nhiên, không 'idiomatic', không phải cái thứ tiếng người Anh, người Mĩ, người Úc họ viết hoặc dùng trong ngữ cảnh như thế. Người viết vô hình chung phạm phải những lỗi về kết hợp ngữ (collocational mismatches).

Trên lối vào của một nhà hàng chuyên bán thực phẩm đồ biển có cái tên nghe khá lạ tai là Phố Biển nằm giữa trung tâm Hà Nội, có một tấm biển gỗ được treo lủng lẳng trên không, móc bằng sợi dây xích sắt. Trên tấm biển khá lớn này có những hàng chữ được khắc rất ư là nghệ thuật bằng hai thứ tiếng Việt Anh. Trong số những hàng chữ đó nếu ai để í một chút thì sẽ thấy một hàng chữ tiếng Việt: 'Cám ơn sự chọn lựa của quý khách'. Bên dưới đó là một hàng chữ tiếng Anh: 'Thank you for choosing'. Ai đã học chút ít tiếng Anh thì đều biết 'choosing' nghĩa là 'chọn lựa', nhưng người đọc câu tiếng Anh như thế họ sẽ đặt ngay câu hỏi 'choosing what?', chọn lựa cái gì để được nhà hàng cám ơn. Muốn cãi cù cưa thì bảo: tiếng Việt người ta nói thế là hiểu ngầm được rồi! Nhưng trong tiếng Anh viết thế là sai văn phạm. Một câu viết thiếu túc từ (object). Ðể tránh lỗi văn phạm này người ta có thể viết: 'Thank you for your choice'. Nhưng để nói cho đúng ngữ cảnh tiếng Anh, chắc người ta phải viết là 'Thank you for your patronage' [dịch sát thì nó có nghĩa là: 'Cám ơn quý khách đã bảo trợ/chiếu cố (đến nhà hàng của chúng tôi)].

Phần cuối của bảng hiệu người ta thấy có câu: 'Giờ phục vụ' được dịch sang tiếng Anh là 'Serving time'. Về mặt văn phạm mà nói thì không có gì sai trái cả. Về mặt ngữ nghĩa cũng không có gì đáng chê trách. 'Giờ' là 'time', 'phục vụ' 'serving'. Ðúng quá rồi! Chỉ tiếc có một điều là chữ 'Serving time' gợi cho người ta nghĩ đến 'thời gian thọ án tù', hay 'thời gian thi hành quân dịch/nghĩa vụ quân sự'. Trong tình huống, ngữ cảnh như trên, trong tiếng Anh có lẽ người ta phải viết 'Business hours/Hours of business','Trading hours','Opening hours','Operating hours'. Hay trong trường hợp của một văn phòng thì 'Giờ phục vụ' 'Office hours'. Còn trong trường hợp 'Giờ phục vuï' tại phòng mạch của bác sĩ thì lại phải viết 'Surgery hours' hoặc 'Consulting hours'.

Ở chân cầu thang của khách sạn Dân Chủ, thuộc loại 4 sao, nằm rất gần Hồ Gươm, người ta thấy chính giữa khung hình bầu dục của một tấm thảm nhỏ hình chữ nhật, mầu xanh lá mạ, có hàng chữ chỉ mầu trắng 'Good morning ' (chào buổi sáng). Nghĩa là vào buổi sáng trước khi bước lên bậc thang thứ nhất là khách đã được một lời chào bằng tiếng Anh. Nhưng gặp phải khách khó tính, khách chắc sẽ thắc mắc tự hỏi: "Thế còn những buổi khác trong ngày - buổi chiều, buổi tối, ban đêm - thì cũng chào 'Good morning' à? Ðể tránh bị bắt bẻ, chắc 'tấm thảm chào mừng' kia có khi phải viết lại là 'Welcome' cho đúng phận sự của nó là 'A welcome mat' (chiếu trải đón chào).

Ở Hải Phòng, có một khách sạn 4 sao, cao 8 tầng, mới được xây cất cách nay 3 năm ở Phố Lạch Tray, bên cạnh một cái hồ nhân tạo hình tròn khá lớn, chạy vòng quanh một khu vực ốc đảo dùng làm Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên. Không hiểu có phải để tiện việc sổ sách, chủ nhân khách sạn đã lấy tên Phố Lạch Tray đem rút ngắn lại còn một chữ là 'Tray'.'Tray' hiểu theo tiếng Anh lại có nghĩa là 'Cái khay', mà 'Cái khay' hiểu theo nghĩa 'phục vụ' thì thật là quá tốt. Ông 'Cố vấn' nào giỏi chữ nghĩa thánh hiền 'Shakespeare' quả đã có sáng kiến hay khi ông đưa ra đề nghị từ 'Tray' cho chủ nhân khách sạn. Chỉ có điều là một khách sạn hạng sang như thế mà đặt cho cái tên là 'Tray' (Khay), thì đối với người bản ngữ tiếng Anh, có phải đó là một sự chọn lựa khéo hay không? Khách sạn hiện thời ở Việt Nam mà chủ nhân phần lớn là người nước ngoài thì có những tên khá quen thuộc như Métropole, Hilton, Eden, Sofitel, Novotel, Omni, Rex, hoặc New World... Chữ 'Tray' trong tiếng Việt không có nghĩa gì cả. Mà khi đọc theo giọng Bắc, viết theo cách phát âm là 'Chay', thì lại có nghĩa là 'chay' như trong 'chay tịnh', nghĩa là 'không ăn mặn', 'không ăn thịt thà' (vegetarian) như đa số những người theo Ðạo Phật thường làm.

Cũng tại khách sạn này, người ta thấy trên vách tường cầu thang máy có rất nhiều hình ảnh mầu sắc quảng cáo các tiện nghi của khách sạn như hồ bơi, phòng tắm hơi, phòng tẩm quất, phòng hội họp, phòng ăn điểm tâm, quầy uống rượu... Bên dưới những hình ảnh đó là một hàng chữ: 'So good to enjoy, so hard to forget'. Tiếng Anh của người Việt thuộc loại ăn đong thì cũng có thể hiểu được là í khách sạn muốn quảng cáo là 'Quí khách ở đây sẽ được hưởng những tiện nghi quá tốt, tốt đến độ nhớ mãi để đời, không dễ gì quên được'. Chỉ có điều là khi hỏi người bản ngữ tiếng Anh họ nghĩ gì khi họ đọc cái quảng cáo này, thì ta cũng có thể được câu trả lời đại loại như thế này: "Chúng tôi có nói 'so hard to forget', nhưng không nói 'so good to enjoy'". Ðành rằng ta có thể lí sự là ngôn ngữ có tính động, thay đổi luôn luôn, từ cái cũ người ta có thể sáng chế ra cái mới, cái gì bắt mắt, cái gì nghe cho kêu (catchphrase). Tôi còn nhớ hồi còn làm Ðài BBC Luân đôn cách nay đã lâu, có một anh bạn đồng nghiệp sau khi đọc được tên tựa đề của một cuốn phim là 'Dressed to kill' (có nghĩa là 'ăn diện thật đẹp thật kẻng để quyến rũ người khác') đã được anh cố tình đổi lại là 'Undressed to kill' (có nghĩa là 'cởi hết quần áo/thoát y để thu hồn/hấp hồn người khác'). Kết quả là anh em trong Ðài đã được một mẻ cười. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tiếng Anh tại Việt Nam hiện giờ, có lẽ mình còn phải học cho thông chữ nghĩa của người ta cái đã, rồi hãy phóng tay sáng chế cho bay bướm cũng chưa muộn.

Ðể cho an toàn, có lẽ 'thượng sách' là tìm cách trưng dụng được những cụm từ cố định (fixed expressions) trong tiếng Anh. Cụm từ cố định thông thường trong tiếng Anh để diễn tả tình huống nói ở trên là 'So easy to remember, so hard to forget'. Còn nếu muốn dùng í của câu 'So good to enjoy, so hard to forget', tức là muốn còn giữ được nghĩa của những từ ngữ 'enjoy' (vui thú) và 'remember' (nhớ), có lẽ người bản ngữ tiếng Anh sẽ đề nghị những câu viết như thế này: 'Make your stay enjoyable and memorable!' hay 'Have an enjoyable and memorable stay' hoặc 'Helping to make your stay enjoyable and memorable!' Xin tạm dịch diễn nghĩa là 'Mong thời gian quí khách lưu lại đây là thời gian vui thú khó quên'.

Lên hồ bơi trên sân thượng của khách sạn, người ta sẽ thấy trên thành miệng hồ bơi có một chỗ kẻ bằng sơn xanh là 1.70 m, cạnh đó có ghi câu tiếng Anh: 'Thou shalt not dive!' (Nhà ngươi chớ có nhào lặn!). 'Chớ có nhào lặn' là vì mực nước không đủ sâu, nên chớ có đứng trên thành hồ bơi, đâm đầu xuống nước mà toi mạng. Tức cười ở chỗ là câu văn cảnh cáo nghe như Ðiều Răn thứ 11 trong Kinh Thánh. Chẳng hiểu người viết điều răn này có phải để khoe chữ, khoe nghĩa hay để chọc cười khách cư ngụ chơi? Chỉ biết rằng trong hoàn cảnh thông thường như thế người bản ngữ tiếng Anh sẽ viết: 'No diving allowed ' (Cấm nhào lặn).

Ở khách sạn 'Tray' này, khách trọ phả trả 25 đô-la Mĩ một ngày cho một phòng có giường đôi, có bàn ghế nhỏ, TV màu, tính luôn cả điểm tâm. Ðấy là cho người nước ngoài gốc Việt, chứ không có gốc Việt thì phải trả gấp đôi. Mỗi lần khách trọ đi ăn sáng phải mang theo tấm phiếu ghi tên phòng của mình để tiện việc cho nhân viên phục dịch ăn uống kiểm soát. Nếu ai để í xem tấm phiếu thì sẽ thấy hai mặt giấy, một mặt ghi các kiểu ăn sáng khác nhau bằng tiếng Anh, mặt kia ghi bằng tiếng Việt. Phần tiếng Anh ghi bữa sáng gồm những kiểu như: 'Buffet', 'American', 'Continental '... Lật qua mặt sau có phần tiếng Việt thì là những lời dịch của phần tiếng Anh. Nói chung thì cũng đúng cả thôi. Chỉ có một bữa sáng ăn theo kiểu 'Continental ' thì lại dịch tương đương là 'Kiểu Châu Á' ... Ðây có thể là trường hợp chữ 'tác' đánh chữ 'tộ'. Chữ 'Continental' ở đây không phải là 'Oriental' (nghĩa là 'Á đông'), mà phải hiểu là 'Continental breakfast', bữa ăn sáng theo kiểu Lục Ðịa Châu Âu, khác với ăn sáng theo kiểu Quần Ðảo Ăng-lê (The British Isles). Ăn sáng theo kiểu Lục Ðịa Châu Âu nghĩa là ăn bữa ăn nhẹ, chỉ có bánh mì sừng bò (croissants), hay bánh mì nướng (toasted bread), ăn với công-phi-tuya (conserves/jam), hoặc với bơ (butter), rồi uống cà-phê hay nước trà.

Khi đi mua sắm ở Việt Nam, người ta có thể thấy có nhiều hàng hoá dịch vụ phục vụ du khách, hoặc những ai dư dả tiền bạc muốn hưởng thêm tiện nghi nho nhỏ, lạc thú ở đời. Trong số những hàng hóa ấy có loại giấy lau tay lau mặt (paper tissues) được bầy bán nhan nhản tại các tiệm tạp hóa, sách báo. Trên mặt ngoài của những gói nhỏ bằng ni-lông đầy màu sắc, đủ loại hoa hòe hoa sói trông đẹp mắt dùng để đựng giấy xốp mềm mại trắng tinh ấy, người ta thấy những câu viết bằng tiếng Anh như 'Forever Love' ('Yêu mãi không thôi'), 'Just for Fun' ('Quà mọn cho vui') ... thì bất chợt người ta đọc được hàng chữ 'Thingking for you ' (nguyên văn), thay vì phải viết 'Thinking of you ' ('Nhớ [đến] em/ anh/ bạn') mới đúng tiếng Anh. Bên mặt trong của gói đựng 'tissues', nếu có ai để í kĩ thì còn thấy hàng chữ 'Handker chiefs' viết rời thành hai chữ, thay vì 'Handkerchiefs' viết liền thành một chữ. Mấy lỗi vừa kể có thể được liệt vào loại lỗi sơ í, hoặc văn phạm, chính tả tiếng Anh còn kém. Thôi thì không nói làm gì!

Nhưng, câu tiếng Anh 'Made in Hanoi ', dùng dán nhãn cho những loại hàng hóa được sản xuất tại thủ đô ngàn năm văn vật, như mũ lưỡi trai, nón cối, giầy dép... thì phải kể là một thí dụ nữa về hiện tượng 'ngôn ngữ thứ ba' tại Việt Nam, không hơn không kém.

Sydney, Cuối Năm Tân Tị, 2001