trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
16.4.2007
Thế Uyên
Lê Minh Hà
 
Đến đây, như đã thấy, có vẻ hơi nhiều bạo lực ghê rợn rồi, chúng ta hãy thay đổi không khí bằng cách, vẫn cưỡi ngựa xem hoa, thưởng thức thứ tình dục trong văn chương của một nhà văn chính cống Bắc kỳ, Lê Minh Hà. Sinh năm 1963, lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, bà là một cô giáo chính thống đã dạy học mười năm tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trước khi được chính quyền cho đi Đông Đức. Như vậy xét về xuất xứ, đối với cộng đồng hải ngoại, bà thường được xếp vào loại nhà văn Đông Âu, một thành phần đặc biệt và thiểu số của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Khi nước Đức thống nhất và khối Đông Âu biến mất, bà ở lại, định cư ở Đức vì lý do, như bà đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Lý do rời quê hương: Rất riêng. Vâng. Rất riêng." (Lê Quỳnh Mai, Hợp Lưu số 66, 2002). Vì hành động không hồi hương này, tương tự nhà văn Thế Giang, tác giả tập truyện Thằng người có đuôi, Lê Minh Hà bỗng dưng trở thành một nhà văn hải ngoại, đã xuất bản ba tác phẩm ở Mỹ và cộng tác với nhiều tạp chí văn học cũng ở Mỹ.

Thời kỳ đầu, bà viết về những thứ thường được gọi là "những mảnh đời tại quê nhà" và "những mảnh đời tha hương", dĩ nhiên quê nhà đây là phần trên vĩ tuyến 17 và tha hương đây là những người Việt xã hội chủ nghĩa xa quê hương tại các nước Đông Âu trước đây. Toàn những người và cảnh xa lạ với người Việt gốc miền Nam định cư ở các nước Tây phương, kể cả Tây Đức trước đây. Bà có bút pháp cổ điển kiểu như Guy de Maupassant của Pháp, phảng phất lãng mạn Tự lực Văn đoàn, với một chút khôi hài, châm biếm nhẹ nhàng. Bà miêu tả khách quan các nhân vật với lối kể truyện có duyên, không một chút tuyên truyền cho Đảng Cộng sản hay chế độ xã hội chủ nghĩa. Tất cả những yếu tố đó làm bà nổi tiếng khá nhanh ở hải ngoại, tương tự một nhà văn nữ khác cùng xuất xứ là Phạm Hải Anh, định cư tại Hoà Lan một thời gian.

Gần đây bà thay đổi đề tài. Thứ nhất, không biết có phải chịu ảnh hưởng Thạch Lam không, bà viết về các thứ quà Hà Nội. Và đây là những bản văn hay và đủ vào bậc nhất, của văn học hải nội và hải ngoại, về nền quà bánh chè cháo... của thành phố cổ Hà Nội. Thứ hai, bà viết lại một số truyện cổ tích, dã sử Việt, vì bà không đồng ý với cách kể, diễn giải truyền thống. Trong cuốn tạp văn mới nhất Thương thế, ngày xưa... (Văn Mới, USA, 2001) trong phần đầu, bà đã kể lại, theo ý bà, các sự tích Lưu Bình Dương Lễ, Tấm Cám, Mị Châu Trọng Thủy, Trương Chi... Thí dụ như truyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử, bà cho Chử Đồng Tử trần truồng như một đười ươi xông vào màn, trong có Tiên Dung, cũng đang trần truồng vì tắm. Bà viết lại như thế là phải vì sự tích này diễn tả sức sống mạnh mẽ ưu tiên của cái giống, của sex, trên mọi lễ nghi con người và tôn giáo có thể nghĩ ra. Bằng bút pháp dịu dàng và lãng mạn, bà tả Chử Đồng Tử núp trong bụi dâu và nhìn thấy Tiên Dung:

Một bờ vai đầy đặn. Một vòng hông rộng lộ ra sau mái tóc đen dài. Đôi bắp chân thon trắng loá mắt. Chử há miệng, nuốt khan một cơn run đang mạnh dần lên. Lại vẫn cảm giác ấy xâm chiếm, bụng bừng bừng, khổng thể chịu nổi. Chử không còn biết mình làm gì. Những cành dâu bật cong trở lại theo cái buông tay của Chử. Sương rơi rào rào... Cơn nóng kia vẫn trào lên, căng từng thớ thịt. Chử bước tới, bước tới...

Xin lỗi em về sự thật này. Rằng Tiên Dung, phải, đúng chính Tiên Dung công chúa đã không kêu lên một tiếng nào khi Chử giằng cái gáo trong tay nàng. Thuyền quan quân phía bên kia bờ nước, xa quá... Nàng hoảng sợ. Cái bụng tròn tròn phập phồng. Đôi nhũ hoa xinh như hai hột mận từ từ nở. Tiên Dung là người, chỉ kịp cảm thấy dưới lưng mình là cát ướt, là cảm giác nàng muốn làm dịu đi bằng cách tắm lúc bình minh, là một cái gì kỳ lạ làm đột ngột nở tung, run rẩy râm ran dọc sống lưng lên từng chân tóc. Tiên Dung xỉu đi, những ngón tay vẫn bấu chặt cánh tay của thằng người lạ.

Lê Minh Hà mô tả như thế hợp lý hợp tình hơn ấn bản cổ xưa, dù có một điểm chưa ổn lắm, là chẳng cứ công chúa, các phụ nữ quí tộc thời xưa khi tắm rửa bao giờ cũng có một hay hai cô tì nữ hiện diện, giúp đỡ. Nhưng bù lại, bà có thứ tinh tế rất đàn bà, là cho đôi trẻ làm tình tại chỗ luôn lần thứ hai. Lần đầu, vừa dồn nén vừa hấp tấp, chàng nào cũng xuất tinh hơi sớm, để nàng lơ lửng chưa tới bờ bến nào:

Thực ra là thế này: Lúc Tiên Dung tỉnh lại, thằng khỉ đột, con người lạ, đã ngồi dậy, đang vuốt ve vai nàng. Nàng chợt nhận ra mắt thằng người đó rất hiền, những ngón tay ram ráp lại gây trong nàng nguyên vẹn cảm giác đó. Rồi nàng cũng nhận thêm ra rằng nàng không giận dữ chút nào, rằng lòng nàng tràn ngập cảm giác biết ơn mà nàng đọc thấy trong mắt người đàn ông ngồi cạnh, Tiên Dung mỉm cười tin cậy và Chử lại đổ xuống... Nắng chan hoà, lấp lánh trong đáy mắt Tiên Dung. Gió xuân chờn vờn da thịt...

Ấn bản Lê Minh Hà như thế đã hơn hẳn ấn bản cổ truyền, nhưng cũng chưa toàn bích, như đã nhận xét ở trên. Người viết bài này cũng đã thử viết lại một ấn bản, cùng một số bạn bè quanh ly rượu: Khi Chử Đồng Tử vùi mình trong cát, phải nằm ngửa dúi đầu vào bụi lau sậy để thở, và dĩ nhiên lộ ra đôi mắt để được coi công chúa thoát y. Khi thị nữ xối nước cho Tiên Dung, thì cái gì trên thân thể chàng trai nhô ra đầu tiên? Những nhà đạo đức xưa và nay thì bảo là cái... đầu gối, còn trên thực tế, hợp lý và hợp sinh lý, phải là con chim đã vươn cánh. Tiên Dung ngạc nhiên hỏi thị nữ: cái chi vậy? Thị nữ cười thưa: đó là cây nhân sinh... có nó, loài người mới sinh con đẻ cái được. Công chúa hỏi: Ăn nó làm sao? Một thị nữ khác cười thưa: Công chúa có thể dùng cây nhân sinh này tại chỗ... Một là hút dưỡng chấp của nó, hai là ngồi lên nó để hứng mầm nhân sinh. Tiên Dung cầm cây nhân sinh ấm nóng trong tay rồi quyết định... Nàng quyết định ra sao, thì tuỳ mọi người nghe truyện...

Một văn bản khác gọi truyện cổ này là "Chiếc gậy tiên và chiếc nón thần", thì "gậy tiên" chính là dương vật, linga, còn "chiếc nón thần" là âm hộ, yoni. Khi úp nón lên gậy, ý chỉ giao hợp, thì đôi nam nữ quên hết ngoại vật, như một câu ca dao miền Hậu Giang đã diễn tả: Thương nhau chẳng quản chiếu giường/ Ví dầu tàu lá che sương cũng tình...

Gần đây Lê Minh Hà viết lại truyện Sơn Tinh Thủy Tinh đăng trên Hợp Lưu số 68, 02. Cái đổi mới lần này bà mang lại cho truyện cổ, là biến Sơn Tinh Thủy Tinh thành các vị thần tương tự các thần nam nữ cổ Hi- La, nghĩa là yêu đương và ân ái, ghen tuông như hệt con người thường này, Thủy Tinh được miêu tả như một chàng trai đa cảm đa tình, mang lễ vật đến cùng một lúc với Sơn Tinh, nhưng thoạt trông thấy gái đẹp Mị Nương đã mê man, đứng lại ngây người ra ngắm. Trong khi Sơn Tinh cứng rắn lạnh lùng, công việc trước đã, cứ tiếp tục tiến bước, nên dâng lễ vật trước tiên, làm người thắng cuộc. Thủy Tinh thành kẻ bại:

Chỉ vì chàng đắm đuối trước cô gái của trần gian, trước xương thịt ấy, trước dáng đi bay múa ấy, trước vẻ e ấp đột nhiên, trước mùi hương nóng ấm hoàn toàn mới mẻ với chàng. Chàng đã để đi qua cái phút mặt trời nhấc khỏi chân mây, không giục giã đám tuỳ tùng khênh lễ vật bước hẳn vào sân chầu ra mắt vua Hùng.

Đêm động phòng đầu tiên ở núi Tản Viên của cô dâu Mị Nương được diễn tả như sau:

Cơn đau xuyên suốt nàng, như lửa, bỏng rát, một khoảng khắc ấy thôi, rồi tan, sóng sánh, dập dềnh, tắt ngấm và lại bùng bùng cháy một một cảm giác nàng chưa bao giờ biết tới. Nàng ngỡ mình sắp nổ như quả pháo đất trẻ chăn trâu vẫn nghịch chơi trên bãi, và nàng muốn thế nào cũng phải nổ tung ra. Vị thần núi Tản, con hổ vồ mồi, chỉ biết đến phiến thịt sống máu nóng đang rưng rưng chảy, giằng, rứt, cắn, và cũng hệt con hổ lúc đã mệt vì no, chàng đặt tay lên bờ vai Mị Nương, ngủ lịm đi, thoả mãn và bình tĩnh.

Chẳng cứ Sơn Tinh, mà bất cứ đàn ông nào sau khi tinh đã xuất trong đêm tân hôn, cũng ”ngủ lịm đi, thoả mãn và bình tĩnh", còn Mị Nương hay bất cứ nàng nào, nếu không tới được bến cùng chàng, thì cuộc làm tình "chỉ khiến cơn nóng thêm bứt rứt, cuồng điên quần trong thân thể đang bị căng ra, cần phải nổ tung, tan biến hoặc chùng lại ngay lập tức." Thông thường các nàng để chàng nằm nghỉ hay ngủ, còn mình chuỗi dậy đi tắm một cái cho sạch sẽ và hạ hoả, ra ngoài hóng gió đêm cho thân thể dịu xuống. Mị Nương cũng vậy, ra ngoài tìm con suối. Suối có nước, nước là Thủy Tinh, vậy:

Mị Nương buông người. Nước dềnh lên, siết lấy đôi chân nàng, trườn vào giữa hai đùi non, sẽ sàng ngoạm lấy đôi bầu vú nhức. Nước xoa lên hõm cổ nàng, dỗ dành tấm lưng con gái. Cơn nóng dịu dần. Mị Nương rùng mình. Có cái gì râm ran toả trong người nàng. Nàng khép chặt hai đùi. Nước. Vẫn nước ghì ôm, dạt dào, sóng sánh. Mị Nương hớt hải lội vào bờ. Nước níu lấy nàng. Mị Nương quì sấp... Mị Nương là người.

Từ đó cô gái có chồng Mị Nương có thêm một người tình nữa, mới đủ thoả mãn, là Thủy Tinh. Hiểu một cách khác, người đàn bà lúc cần được làm tình vũ bão, như Sơn Tinh, lúc cần được vuốt ve dịu dàng, đưa dần đến cao điểm. Khó như vật đó!

Dĩ nhiên rồi "Sơn Tinh biết từng đêm Mị Nương rời bếp lửa ra dìm mình giữa suối." Và như mọi ông chồng khác khi biết vợ đang ngoại tình,"Trong một chớp mắt, Sơn Tinh đã sải bước về tới suối, túm ngang người Mị Nương nhấc bổng nàng lên. Nàng hắt màu vàng sẫm quanh những thân cây nâu già, ròng ròng chảy trên da thịt nàng ướt át. Sơn Tinh hất tung tóc vợ, siết lấy đôi vai mảnh dẻ mà cứng cáp, áp bộ ngực tràn trề nhựa sống vào tấm lưng xuôi xuôi ướt đẫm, áp sát, sát, sát rồi, mà bụng vẫn cồn cào nóng bỏng một cảm giác rỗng rễnh giữa thịt da ấy và thịt da mình. Mị Nương đập ngực vào cái sẹo lồi gồ ghề của một cây già, chỉ kịp thấy mặt trời lừ đừ đỏ. Người nàng rung rẩy, chao như sóng. Nàng chới với níu lấy vỏ cây xù xì, ngực đau dội lên vì những thúc huých... phía sau... phía trước, phía sau... Cái mấu cây đâm vào nàng, đỡ nàng, không cho nàng khuỵ xuống. Cảm giác ấy bùng lên. Chất ngất. Lần đầu tiên. Như gió nóng rong ruổi đợt đợt trên mái ngàn..."

Mị Nương đạt khoải cảm cực điểm cùng chồng, trong tư thế hai người cùng nhìn một hướng, nghĩa là không có gì phải đạo và chính thống hơn. Nhưng đối với người tình Thủy Tinh vẫn cứ tưởng nàng chỉ sướng được với mình, thấy vậy bèn nổi cơn ghen dữ dội, chẳng khác gì một ông ma cô tầm thường trên trần thế thường nổi giận đánh đập nàng khi biết trong ngày hành nghề, người tình gái điếm đã không kìm được, lỡ sướng với khách chơi... Vậy thì Thủy Tinh Sơn Tinh phải đánh nhau thôi, long trời lở đất, sinh linh chết oan phơi thân đầy đất và nước. Mị Nương can không được, lên tiếng: "Cứ giết nhau đi, ta cũng chẳng cầu sống nữa. Nàng rũ xuống. Sơn Tinh cùng lúc đột ngột rùng mình. Rừng vội vã im lìm trở lại... Cả hai vị thần cùng hiểu ra rằng nước non sẽ chẳng là gì cả, ta, người, nước non, sẽ chẳng thể là non nước nữa nếu mất đi nhúm thịt xương trần gian huyền nhiệm ấm hôi hổi kia."

Cùng sợ mất Mị Nương, hai thần phải ngưng chiến. Nhưng bảo Mị Nương phải chọn dứt khoát một trong hai người: Đàn ông, hay thần đàn ông không mấy ai chịu cho người khác đụng đến, xài chung người vợ hay người nữ mình yêu. Nhưng Mị Nương không chịu chọn, nàng vẫn ở với chồng Sơn Tinh nhưng vẫn duy trì người tình Thủy Tinh: "Nàng cũng biết rằng nàng không thể sống được với một Sơn Tinh hay một Thủy Tinh. Không có những đam mê lửa cháy của Sơn Tinh, những cẩn trọng dịu dàng của nước... nàng sẽ rốt rác đi mà chết." Bởi vậy hai thần cùng "đều tự nhủ lòng yên tâm với những khoảng khắc có riêng nàng. Nhưng thỉnh thoảng những cơn điên dại vẫn bùng ra, bởi hai thần không thể chịu nổi cảm giác vĩnh viễn không thể đạt tới cõi giới khốn khổ và huyền nhiệm của con người sống cạnh họ, thuộc về họ, yếu đuối hơn họ, mà đầy sức chế ngự đam mê..."

Kết luận Lê Minh Hà đưa ra cũng đầy lý thú, mở rộng cho nhiều suy nghĩ khác nhau:

Con gái nửa thức nửa ngủ, tay lại sờ đầu gối mẹ, lầu bầu:

"Đấy không phải là cổ tích."

Mẹ cúi mình, vỗ se sẽ:

"Đấy cũng là cổ tích mà con. Thôi ngủ đi con... ngủ đi nào... ngủ đi."

Bà mẹ nói đúng, đấy cũng là cổ tích, nhưng cổ tích dành cho người lớn (Ai bảo rằng người lớn không cần cổ tích?...)

© 2007 talawas