trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
18.4.2007
Hồng Quảng
Tính chất Phan Khôi hay: ngựa quen đường cũ
 
Bẵng đi một dạo, không thấy Phan Khôi. Người ta tưởng “ngài” chủ nhiệm Nhân văn và cây bút đầu của Giai phẩm mùa thu, sau bao nhiêu biến đổi lớn lao, đã nhìn thấy sự thật và đi về phía sự thật. Nhưng không. Tất cả những sự kiện mới mẻ như việc đánh lui âm mưu của bọn đầu cơ tích trữ, việc ổn định tình hình nông thôn và thành thị sau khi chính quyền nhân dân được củng cố và việc tên lửa vượt qua lục địa đưa vệ tinh nhân tạo của Liên xô bay vòng quanh trái đất v.v… đối với Phan Khôi hình như không có ý nghĩa gì lắm, mặc dầu đối với nhân dân nó có ý nghĩa vĩ đại. Đối với nhân dân, nếu năm 1956, 1957 là những năm thu được nhiều bài học lớn thì năm 1958 là năm đang hiện ra một chân trời mới. Còn đối với Phan Khôi, năm 1956–1957 chẳng những đã không thu được bài học gì mà 1958 lại là năm hiện ra “Ông Năm Chuột”.

Quả thật thế. Trong khi mười bốn triệu con người trải qua mấy năm phấn đấu đã san phẳng thành lũy phong kiến và đang rầm rộ tiến theo ngọn cờ chủ nghĩa xã hội thì Phan “tiên sinh” vẫn đứng nguyên một chỗ. Năm 1956 tiên sinh đem “lãnh đạo văn nghệ” đối lập với “quần chúng văn nghệ”, đòi hỏi được “nghệ thuật phải là phần riêng của văn nghệ” và quan hệ giữa văn nghệ và chính trị chỉ có thể là “hai bên đều có lợi” như kiểu quan hệ giữa Ấn độ và Trung Quốc hiện nay, năm 1958 tiên sinh cũng muốn người thợ bạc “không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc” cho anh thợ bạc. Năm 1956 Phan Khôi kêu la hương hồn cụ Đồ Chiểu (mà thực ra giữa cụ Đồ Chiểu và Phan tiên sinh tư tưởng hoàn toàn trái ngược) “tôi còn làm ăn được gì nữa cụ ơi! Tôi còn là tôi đâu nữa cụ ơi!”, tiên sinh rền rĩ “ngôn luận của quần chúng văn nghệ dù rất bình thường, không có gì hại cũng bị kìm hãm”, “oan mà không có chỗ kêu”, năm 1958 tiên sinh cũng hát lại lần thứ ba “bài hát bán tre”.

“… Không nói thì cũng khổ,
Nói thì doi dài sẽ quật chú.
Rày về sau đừng đốn tre nữa.
Đói thì nằm trong tre chết cũng đủ!”

Thử hỏi, từ bài “phê bình lãnh đạo văn nghệ” đến truyện ngắn “Ông Năm Chuột”, chúng ta thấy cái gì khác trong Phan Khôi? Không có gì khác hơn được, nếu quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và thái độ bi quan hằn học với cuộc sống trước sau vẫn bám chặt lấy Phan Khôi dai như đỉa đói. Nếu phải miễn cưỡng mà thừa nhận cái điểm khác trong quãng thời gian ấy thì điểm khác ấy chỉ có thể là: năm 1956 “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” hiên ngang công khai và đắc chí hơn, còn năm 1958 thì “Ông Năm Chuột” trở thành kín đáo, ủ dột và chui vào cống ngầm. năm 1956 “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” xuất hiện với khí thế hung hăng bao nhiêu thì năm 1958 “Ông Năm Chuột” xuất hiện với khí thế của kẻ chiến bại bấy nhiêu. Xưa nay “Phan tiên sinh” vẫn tự nhận mình hiên ngang, khí khái: nhưng nay chắc tiên sinh khó mà tự nhận mình được như thế, mặc dầu tiên sinh vẫn muốn tự nhận. Căn do không phải tiên sinh bị một “roi dài” nào đó “quật” mà chính là vì tiên sinh vấp phải một bức tường đá: cả một phong trào quần chúng đi lên đang chống và “quật” trở lại tiên sinh. Quần chúng không chống, quật trở lại tiên sinh sao được khi mà nhờ có cách mạng họ đã có bát ăn, có việc làm, có nhà ở, có quyền nói, quyền đi lại v.v… Còn tiên sinh thì tuy hiện ăn lương nhân sĩ, có cần vụ, có phòng riêng do chính phủ đài thọ, không phải làm gì, chỉ ngồi đọc sách lấy tiền tiêu riêng nhưng vẫn than thở và buồn bực “… Nói thì roi dài sẽ quật chú… Đói nằm trong tre chết cũng đủ!”?

Người ta muốn hỏi Phan Khôi roi dài ở đâu và đói chết ở chỗ nào? Phải chăng theo Phan Khôi thì những việc như ngay từ 1946 chúng ta đã có một quốc hội đại biểu cho quyền lợi và ý chí của toàn thể nhân dân trong toàn quốc (không giống như các viện dân biểu trước đây chỉ đại diện cho một nhóm địa chủ và tư sản mà có khi cũng không đại diện nổi), như việc chúng ta đã có những hội đồng nhân dân (ngay từ 1946) đại biểu cho quyền lợi và ý chí của các từng lớp nhân dân xã, trong tỉnh (khác hẳn với hội đồng tộc biểu hay hội đồng kỳ mục trước đây chỉ đại biểu cho bọn kỳ hào, địa chủ, hay như hội nghị toàn thể cơ quan, xí nghiệp, như quyền ăn nói rộng rãi của mọi người (tuy rằng trong kháng chiến có đôi chỗ thiết sót nhỏ tôi nhấn mạnh chữ nhỏ vì những thiếu sót đó không làm cho chế độ dân chủ của ta quay trở lại chế độ quân chủ hay bảo hộ) là roi dài (nghĩa là thiếu tự do, theo Phan Khôi)? Nếu thế thì có lẽ chúng ta phải quay trở lại chế độ của thời kỳ bao nhiêu năm trước đây, thời kỳ mà Phan Khôi “được phép” làm mưa làm gió ở Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm làm trạng sư cho chế độ thực dân, phong kiến?. Phải chăng theo Phan tiên sinh thì những cái mà chúng ta đã đem lại cho nhân dân trong ba năm qua là “đói chết”? (Xin mời Phan tiên sinh đọc bài “nhìn lại ba năm khôi phục kinh tế” của ông Bùi Công Trừng, đăng ở Tạp chí Học tập tháng 2-1958 và nếu ngài chưa tin hẳn thì xin mời ngài về nông thôn và vào trong các xóm lao động để nghiên cứu những biến đổi của công nông từ trước đến nay, nghiên cứu một cách thành thực và nắm lấy cái bản chất chứ không phải nghiên cứu bề ngoài và có định kiến).

Dù sao chúng ta cũng phải thừa nhận rằng xã hội ta hiện nay vẫn cần phải có “roi dài”. Nhưng roi dài đây không phải để “quật” vào nhân dân lao động – những người cần cù lao động, ra sức giữ lấy những thành quả đã giành được, ra sức xây dựng đời sống mới, yêu mến đất nước và tin tưởng ở tương lai đất nước – mà quật vào những kẻ đối địch với họ. Nghĩa là một mặt nó quật vào bọn tay chân Mỹ, Diệm và một mặt quật vào những thói đầu cơ gian lận, quật vào những kẻ cố ý xóa mờ thành tích của cách mạng và bơm phồng những khó khăn, khuyết điểm cục bộ, vụn vặt thành bản chất của chế độ (hai mặt này có một chút phân biệt).

Khi nhân dân đã giằng được cái roi ấy trong tay thực dân Pháp và bè lũ bù nhìn thì nhân dân đã nắm chắc lấy nó như một “bửu bối” để quất mạnh vào đầu thực dân Pháp, đuổi chúng chạy dài về phía Nam, nhân dân đã quất mạnh vào thế lực phong kiến thối nát còn sót lại năm qua, nhân dân cũng đã dùng roi ấy để trừng trị bọn gây rối loạn ở Quỳnh Yên, trừng trị thói đầu cơ tích trữ, trừng trị báo Nhân văn để bảo vệ chế độ ta tiến lên vững vàng. Nhân dân cần có cái “roi” như thế, nhân dân đã và đang ủng hộ cái “roi” như thế.

Nhưng roi của chúng ta căn bản khác với roi của thực dân phong kiến ở chỗ nó là của đông người để đối chọi với số rất ít người, đồng thời nó không chỉ thực hiện bằng phương pháp bạo lực mà còn thực hiện bằng phương pháp hành chính, giáo dục. Chừng nào trên thế giới còn có giai cấp bóc lột, còn có những kẻ muốn làm hại đến quyền lợi nhân dân thì còn cần thứ roi ấy. Đó là nhiệm vụ chuyên chính của nhân dân, chuyên chính trên nền tảng dân chủ và chuyên chính để bảo vệ chế độ dân chủ của nhân dân.

Khi mà chúng ta hiểu được cái roi ấy trước kia là của ai bây giờ là của ai, trước kia cái roi ấy chĩa vào đâu, bây giờ roi ấy chĩa vào đâu và chỉ có ai mới bị roi ấy “quật” thì tính chất mập mờ, bí hiểm của việc nêu lại “bài hát bán tre” đã bị phơi trần ra ánh sáng. Dụng ý gây hoài nghi, chia rẽ của người nêu ra chỉ có kết quả trái lại.

Nhưng đến đây, các bạn cũng như tôi sẽ phải băn khoăn trước một câu hỏi: nếu Phan Khôi quan niệm cuộc sống hiện nay toàn là đen tối, “đói khổ” và thiếu tự do thì theo Phan Khôi cuộc sống nào mới là cuộc sống sáng sủa, ấm no, tự do và đáng được ca tụng? Tất nhiên Phan tiên sinh “thâm thúy” chẳng bao giờ thẳng thắn trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy, nhưng tất cả những lời nói và việc làm của Phan tiên sinh từ trước đến nay (nhất là trước) đã trực tiếp hoặc gián tiếp trả lời câu hỏi ấy.


*


Nhân dân vốn có tính đại lượng dễ quên quá khứ của những người đã vui lòng “cải tà quy chính” đi theo con đường của họ, nhưng nhân dân cũng dễ nhớ lại quá khứ của những người không thành thực “cải tà quy chính” và cứ đi theo con đường cũ. Đấy không phải moi móc lịch sử cá nhân mà là cần thiết để nhắc nhở những người ấy đi đúng đường.

Phan Khôi nhìn cuộc sống trước đây thế nào?

1. Những ai đã từng sống qua nửa đời người trở nên ít nhiều đều đã mắt thấy tai nghe những cái đau đớn, ê chề, nhục nhã của một dân tộc bị mất quyền sống, mất quyền tự do và mất quyền hưởng sung sướng. Đau khổ và thấm thía nhất có lẽ là những người phải đem hai bàn tay trắng, chịu lấy tất cả đánh đập, cúp phạt, thất nghiệp, chịu lấy tất cả phá sản, nợ lãi, thuế má địa tô để đánh đổi lấy một cuộc sống không ra cuộc sống, một cuộc sống không bằng con vật nuôi ở trong nhà bọn bóc lột và thống trị. Cả đến những người gọi là có chút “máu mặt” cũng không tránh nổi bị đe dọa phá sản, cuộc sống ngày mai bấp bênh. Còn nói gì đến tự do bình đẳng là những cái mà những người trí thức chân chính cũng cảm thấy như mọi người rằng không khi nào thực dân Pháp muốn cho chúng ta được mở mày mở mặt, đứng ngang hàng với chúng. Chỉ nói riêng việc xưng “mày tao” [1] của chúng đối với bất cứ một người bản xứ nào cũng đủ làm cho người trí thức thuộc địa nào có suy nghĩ, dễ cảm thấy rằng mình là dân mất nước.

Chủ nghĩa tư bản đế quốc cướp nước ta là nguồn gốc chính của mọi đau khổ của dân tộc ta. Đấy mới là sự thật, không phải đến Cách mạng tháng Tám nhân dân ta mới nhìn thấy. Nhân dân ta đã nhìn thấy sự khổ đau ấy từ ngót một thế kỷ nay và vì thế mới có Cần Vương, có Đông kinh Nghĩa thục, có Xô-viết Nghệ an, có Việt minh, có Mặt trận Tổ quốc. Nhưng không hiểu sao Phan Khôi – khi ấy mang danh là một nhà “học giả” – lại không hiểu được một chân lý đơn giản dễ hiểu như thế. Phan Khôi cho rằng nguồn gốc của những đau khổ của nhân dân ta không phải là do tội ác của bọn thống trị thực dân mà do lỗi tại nhân dân. Năm 1933, Phan học giả đã giải thích về khủng hoảng kinh tế - một tội ác lớn của chủ nghĩa tư bản đế quốc làm cho các dân tộc phải điêu đứng, phá sản, bần cùng – như sau:

“Làm cho kinh tế bị khủng hoảng cả thế giới mấy năm nay cái tội ở “những nước nào chưa có khoa học như ở Việt Nam này là một. Mấy “nước ươn hèn, không biết trọng khoa học, lại ưa dùng “đồ sản vật của khoa học, nên những nước kia mới đua nhau chế tạo ra cho nhiều mà đem đi bán. Sản vật dư ra đến nỗi làm một cái cớ lớn xẩy ra nạn kinh “tế khủng hoảng, nên đổ tội cho mấy nước ươn hèn ấy sao đổ tội cho “khoa học?” (Phụ nữ thời đàm 1933).

Chua chát quá! Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 ghê gớm chưa từng thấy tràn vào Đông Dương đã đẩy hàng vạn công nhân ra khỏi cửa nhà máy, đã đuổi biết bao nông dân ra khỏi mảnh ruộng của họ, đã làm khánh tận, phá sản cả bao nhiêu nhà tư sản, địa chủ, cũng lại đẩy bao nhiêu người trí thức ra khỏi công sở thì họ lại bị nhà “học giả” họ Phan khoác thêm một cái tội nữa: Vì anh không biết khoa học và không trọng khoa học nên anh đã gây ra lầm than đau khổ cho nhân loại. Thành ra bọn thủ phạm tư bản độc quyền ham mê lời lãi ích kỷ, sản xuất vô tổ chức gây ra sản vật thừa và sức mua kém, được Phan “học giả” cãi cho trắng án. Bọn thủ phạm tư bản này vừa được kiện lại vừa được bồi thường tinh thần mà không hề mất một đồng xu thuê thầy kiện! Dĩ nhiên là chúng phải cám ơn người thầy kiện trung thành của chúng.

Theo Phan học giả thì các dân tộc lạc hậu còn mắc tội gây ra chiến tranh nữa.

“Các nước mạnh họ giành nhau cái chợ để bán hàng mà đánh nhau nữa “kia. Thế thì cái tội về kinh tế và và cái tội về đạo đức (Phan Khôi muốn “chỉ chiến tranh giết người H. Q.) cũng đều là cái tội của nước ươn hèn ‘kia chứ không phải là tội của khoa học. Bởi vì nếu mấy nước đó cũng “có khoa học để chế tạo ra sản vật mà dùng lấy thì làm gì đến nỗi các “nước kia giành nhau làm thị trường mà có sự đánh giết lẫn nhau?” (cũng số báo trên).

Thế là bọn đế quốc được lãi to! Trong mấy lần chiến tranh lớn cũng như trong lúc thường ngày, bọn tư bản đế quốc đã phải bớt một phần của cái cướp được ở thuộc địa để nuôi tầng lớp công nhân quý tộc chuyên môn nói tốt cho chúng, chuyên môn xui công nhân đi làm bia đỡ đạn cho chúng và làm cho công nhân theo chúng, đằng này đế quốc chẳng phải bớt gì hết (chúng ta chưa biết rõ nó có bớt gì cho Phan Khôi không) mà Phan học giả đã tình nguyện nói giúp cho chúng rồi. Nhân dân thuộc địa đói khổ đã không có người bênh vực, lại bị buộc tội, chỉ còn chờ chết. Lúc đó, Phan học giả đến an ủi họ:

“Phải thành thật nhận là mình thua kém, thua kém về vật chất là bởi vì “thua kém về tinh thần. Ta nên biết cái trình độ của ta ước chừng nằm “vào khoảng trung thế kỷ (moyen âge) của Âu châu, còn tối tăm lắm, vụng dại lắm, chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách!” (cũng số báo trên).

Nghĩa là thực tâm Phan Khôi muốn nói: ta đã dốt và kém thì chỉ còn cách chịu khổ, chịu làm nô lệ thôi. Phan học giả đã cho đăng lại nguyên văn một bài tán thành ý kiến của ngài ngay trên tờ Phụ nữ thời đàm (10-1933)

“Nói đến trình độ chúng ta còn nằm vào thời đại trung cổ là rất đúng. Những cái tiến bộ (máy móc, tàu thủy, nhà chớp bóng, vô tuyến điện, “v.v…) đều là những cái người ta đem lại, không phải của ta, đều mang dấu hiệu của nước Pháp. Nếu chúng ta tiến bộ như thế, sao chúng ta “còn phải thuộc “dưới quyền bảo hộ của một nước khác? ” (Pháp Việt tạp chí)

Phan “học giả” đã nhìn thấy cuộc sống cũ như thế đấy. Nói thẳng ra thì Phan Khôi chẳng thấy cuộc sống ấy đen tối, khó thở ở chỗ nào. Phan Khôi chẳng thấy thực dân đế quốc làm khổ dân ta thế nào (chưa thấy có tác phẩm nào miêu tả như thế). Phan Khôi chỉ thấy:

“Văn nghệ của ta… đến nay chịu ảnh hưởng của văn nghệ nước Pháp và của cả thế giới nữa thì nó sống có vẻ linh động, hoạt bát hơn trước thế thôi”. (PNTĐ 12-1933) Tôi cũng hiểu như độc giả rằng Phan Khôi nói nhờ văn nghệ nước Pháp mà văn nghệ nước ta linh động, hoạt bát lên không phải chỉ nói là ta đang tiếp thu được một số cái hay của văn nghệ Pháp. Phan Khôi muốn nói cả nội dung tư tưởng nữa. Thực ra từ khi văn nghệ ta chịu ảnh hưởng của văn nghệ Pháp cái phần tiến bộ của ta nhiều hơn hay phần lạc hậu, phần trụy lạc, lãng mạn, vong quốc nhiều hơn? Xin nhường lời cho các nhà văn học sử và để sự thật trả lời. Nhưng có một điểm chắc chắn rằng: theo Phan Khôi, thực dân đế quốc không làm cho dân ta đói, khổ, dốt nát mà làm cho dân ta khá giả hơn. Đế quốc thực dân chẳng phải bắn giết dân ta nhiều nhõi gì như mọi người thường nói.

“Hỏi từ lúc nước Pháp là nước thịnh khoa học, chuộng cơ khí sang đây “đến giờ đã hơn 70 năm, coi có lần nào giết người nhiều bằng lần ấy “không? (tức là lần Nguyễn Hữu Khôi giết ba ngàn dư đảng khi quân “vua Minh Mạng đến, hạ thành Gia định) Các ông thế nào không biết, chứ tôi, tôi quyết là không có?” (PNTĐ)

Phan Khôi sở dĩ quả quyết không có là rất dễ hiểu. Vì bom đạn của thực dân Pháp giết một lúc hàng mấy nghìn người ở Cổ Am (Vĩnh Bảo) ở Hưng Nguyên (Nghệ An) xẩy ra vài ba năm trước khi Phan Khôi viết bài này thì Phan Khôi có biết đâu, bom ấy có “quật” vào Phan Khôi đâu mà ngài chẳng quả quyết không có! Cũng như tất cả những cái “đói”, “khổ”, “roi dài” của thực dân Pháp có rơi vào đầu Phan Khôi đâu mà ngài chẳng ca tụng văn minh nước Pháp! Thảo nào mà chúng ta thấy pháp luật đương thời đã để cho nhà “học giả” kiêm nhà báo họ Phan tha hồ được “tự do” biện luận, “tự do” buộc tội nhân dân. Còn những người viết bài đả kích lại Phan Khôi và bênh vực người “dân đen” bị áp bức, bị “oan mà không có chỗ nói” như ông Hải Triều (và nhiều người khác) thì bị pháp luật đương thời cho “tự do” nằm Khám lớn, tự do đi an trí ở vùng Quảng Trị. Một số cái đặc quyền, đặc lợi mà chế độ cũ đã dành cho Phan Khôi làm cho ngài quên hẳn ngài cũng là một thành viên của một dân tộc bị nô lệ. Như thế thì dứt khoát là theo Phan Khôi cuộc sống cũ không có gì đáng thở dài, than phiền. Ngược lại, cái mà Phan Khôi than phiền, thở dài chỉ là cuộc sống mới, một cuộc sống mà nhân dân lao động và Đảng tiền phong của họ phải đổi bằng bao nhiêu máu, mồ hôi, nước mắt mới giành lại được. Và như vậy thì lời tuyên bố huênh hoang của Phan Khôi “thuở nay, tôi có hề chịu làm đầy tớ cho ai” (Nhân văn số 1) chỉ là câu láo phét, đáng phỉ nhổ mà thôi.

2. Cuộc sống cũ còn không có gì đáng thở dài và than phiền vì theo Phan Khôi nước ta không có chế độ phong kiến (một nguồn gốc thứ hai làm cho dân ta khổ cực).

“Vì theo lịch sử nước ta, từ xưa đến nay chưa hề có chế độ phong kiến, thì người mình bởi đâu chịu nó áp bức, chúng ta ngày nay việc gì phải thoát ly? ” (Phụ nữ tân văn 1934).

Điều này cũng không có gì khó hiểu. Phan Khôi sở dĩ không thấy được mấy nghìn năm nay dân cày Việt Nam bị khổ cực tiêu mòn bởi địa tô, nợ lãi vì khi ấy tiên sinh đang sống ở trong hoàn cảnh mà ông cậu của tiên sinh thì làm tri phủ ba năm, về “chung dưỡng” mua được mười mấy mẫu đất, còn bản thân Phan Khôi thì là “cậu cả con quan phủ”, “đỗ tú tài” và chính về sau này Phan Khôi lại thực sự là chủ nhân của một số ruộng tốt tươi đã từng chiếm đoạt của nông dân nữa kia. Như thế hỏi Phan Khôi dám nhìn nhận là dân cày bị áp bức bởi chế độ phong kiến sao được? Hỏi Phan Khôi làm sao mà thoát ly được chế độ phong kiến? Mà việc gì tiên sinh phải thoát ly? Cho nên nhà địa chủ viết báo Phan Khôi đã lập luận rằng những người “có phong tước, có thái địa những người được phong không hưởng các quyền cai trị dân chúng ở trong thái địa của mình” thì không phải là phong kiến (PNTV). Nói tóm tắt, dù kẻ nào có chiếm đoạt ruộng đất nhiều đến đâu nhưng không có quyền cai trị dân chúng nơi mình như kiểu ông cậu của tiên sinh và tiên sinh thì không phải là phong kiến (!).

Do đó thấy cái sai lầm của Phan Khôi trước đây không phải chỉ là sai lầm vì không hiểu, mà còn vì quyền lợi riêng của Phan Khôi nữa. Cũng vì thế nên những tiếng hô “đả đảo địa chủ” của đoàn biểu tình Nghệ tĩnh 1930-1931 đã không thể nào lọt vào tai Phan Khôi được. Cũng vì thế nên Phan Khôi không thể thực hiện mà cũng chẳng bao giờ thực hiện được lời dạy của Năm Chuột mười bốn năm về trước (1920): “Người ta cái gì biết ít cũng chỉ nên nghe chứ không nên nói.” Trái lại Phan Khôi đã nói rất nhiều, đã tranh luận rất hăng về cái chỗ Phan Khôi không hiểu gì, Phan Khôi đã mỉa mai những người thừa nhận nước ta có chế độ phong kiến như thế này:

“Ở trước mặt một người thuộc quốc sử, mà bảo rằng nước ta từ xưa có chế độ phong kiến người mình từng bị áp bức bởi nó, ngày nay mới bắt đầu thoát ly thì phải cho phép người ấy trợn mắt rún vai, lấy làm lạ “một chút, mới là đạo công bình.” (cũng số báo trên).

Nếu ngày nay mà Phan Khôi không giữ lập luận ấy nữa thì hẳn là không có ai “trợn mắt, rún vai”, lấy làm lạ. Nhưng ngay từ thời ấy nhân dân lao động Nghệ tĩnh và những người trí thức chân chính đã không những “trợn mắt, rún vai, lấy làm lạ” mà còn bĩu môi khinh bỉ về chỗ tại sao Phan Khôi tự vỗ ngực mình là người “thuộc quốc sử” mà lại dám xuyên tạc quốc sử đến thế? Thì ra câu châm ngôn của Năm Chuột đề ra cho Phan Khôi và việc “tiên sinh” nhắc lại câu châm ngôn ấy chỉ có ý nghĩa đối với người khác và chỉ có ý nghĩa “chiêu bài” như vậy! Phải chăng xưa kia có người gọi tiên sinh là “học giả” vì ngài đã nêu được những câu châm ngôn hay như thế?

3. Tóm lại, theo Phan Khôi, người mình chẳng bị áp bức bởi chế độ phong kiến mà cũng chẳng bị áp bức bởi chế độ thực dân. Đã như vậy thì nêu ra việc phản đế bài phong trở thành thừa, vô ích. Đã vậy, tiên sinh phải phản đối, chế giễu những ai đứng trên bài phong, phản đế. Đấy không phải là một câu suy luận, một thứ luận lý hình thức kiểu Phan Khôi mà là sự thực lịch sử. Hồi Phan Khôi đang còn chủ trì Phụ nữ tân văn, Phan Khôi đã chế giễu “phong trào cộng sản giống như đống lửa rơm”, hồi chủ trì báo Tràng An “ngài” cũng gọi phong trào cách mạng 1930-1931 (một trong những trang sử oanh liệt của dân tộc ta đã dọn đường cho Cách mạng tháng Tám) là cái “loạn cộng sản”.

Thực ra, không phải là ngày nay mà ngay từ hồi ấy có nhiều người – mà rất nhiều người, kể cả những người trí thức học rộng (chắc Phan Khôi đã biết) - đã tham gia “đốt đống lửa đó, dù sau khi đốt họ có bị đế quốc tàn sát, tù đầy nhưng họ biết rằng đống lửa ấy ngày mai sẽ đưa Việt Nam đến độc lập, tự do, đến chủ nghĩa xã hội tươi đẹp. Vì thế cả một phong trào quần chúng rộng lớn (có lẽ rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử nước ta lúc đó) đã đi theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Họ không hề thấy cộng sản là cái “loạn” (vì chỉ có bọn bóc lột thống trị và những kẻ làm văn chương cho chúng như Phan Khôi mới gọi họ là loạn) mà chỉ thấy cộng sản là cứu tinh, có thể đem công nông và cả dân tộc Việt Nam ra khỏi nanh vuốt của hùm beo đế quốc, phong kiến. Vì thế họ thấy ai chống cộng sản tức là chống lại họ. Cũng vì thế, một trong những đại biểu công khai của họ là ông Hải-Triều đã chống lại Phan Khôi kịch liệt và giáng cho Phan Khôi những đòn nên thân trong cuộc tranh luận duy tâm – duy vật hồi năm 1933 và mấy năm về sau. Nhưng thất bại bước đầu (vì hoàn cảnh ấy chưa cho phép làm triệt để) chưa đem lại cho Phan Khôi bài học gì đáng kể, cho nên năm 1956 “ngài” lại muốn diễn lại việc chống cộng sản dưới hình thức khác, văn nghệ tách rời chính trị, tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Dĩ nhiên lần này kẻ chiến bại vẫn là Phan Khôi, nhưng có một cái khác là Phan Khôi đã thất bại nhục nhã đến nỗi bản chất của “ngài” bị phơi trần thảm hại và phê phán triệt để đến nỗi “ngài” phải la ó lên rằng “tôi còn đâu nữa là tôi” nghĩa là không được tự do chửi cộng sản như hồi mồ ma đế quốc.

Có người trước đây nhầm phục cái tài học rộng, cái chí hiên ngang của Phan Khôi nay có thể ngạc nhiên: “Ủa! Thế ra cái hiểu biết của nhà “học giả” Phan Khôi đi đến mức thế kia à? Sao bảo trước đây tiên sinh tiến bộ lắm, đã tham gia cải cách chữ quốc ngữ, cắt tóc ngắn cơ mà?”

Cái đó mà cũng không có gì khó hiểu. Vì chúng ta bị mất quyền tự do ngôn luận đã gần một trăm năm nên đế quốc chỉ cho phép nói những cái gì có lợi cho chúng, có hại cho nhân dân, mà không cho phép ai công khai vạch trần những cái hại đó. Vì thế những luận điệu xuyên tạc và nguy hiểm của Phan Khôi trước đây chưa hề bị công khai phê phán và vì thế không tránh khỏi một số người hiểu lầm. Còn như những việc “cải cách” mà Phan Khôi đã tham gia năm 1908 chúng ta đều thừa nhận. Những cải cách như cắt tóc ngắn, chống xôi thịt, học chữ Quốc ngữ v.v… rất hợp với khả năng Phan Khôi.

Vả lại phong trào lúc bấy giờ khá mạnh, Phan Khôi tất nhiên không thể nào không bị thu hút vào những cải cách như vậy. Những cải cách đó nếu đem đặt cạnh một phong trào quần chúng làm cách mạng mạnh mẽ chống Pháp thì chỉ mới là những bước đầu nhỏ bé. Tuy vậy đó cũng chỉ là năm 1908. Đối với Phan tiên sinh “cách” cái “mạng” cũng chỉ có thế thôi mà! Sau khi phong trào đó kết thúc thì cũng kết thúc luôn cái “hiên ngang” “khí khái” của Phan Khôi và từ đây ngài chỉ còn là một tên lính “dũng cảm” bênh vực cho chế độ thực dân phong kiến, và được phép “tự do” “hiên ngang” công kích phong trào chống Pháp, nhất là phong trào cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo mà thôi. Tuổi già thường hay quên hay lẫn. Nhưng với cái đầu óc “minh mẫn” của ngài thì chắc Phan Khôi chưa thể quên được những ngày “đi lại” với bọn đốc lý Đà Nẵng, Phe-pho khoảng năm 1909, 1910, chắc phải nhớ rõ hơn ai hết việc Phan Khôi từ chối ông Thái Phiên viết hịch chống việc mộ lính “an nam” của Pháp. Ấy ngày xưa Phan Khôi khí khái “khuyên” cụ Sở Cuồng với cái triết lý “con chó phải ăn cứt, người An Nam là con chó thì cũng phải…” bao nhiêu, dũng cảm “khuyên” Lê đình Dương đừng tham gia phong trào Thái Phiên hăng hái bao nhiêu thì ngày nay Phan Khôi lại “hiên ngang” khích văn nghệ sĩ chống Đảng, chống chế độ này bấy nhiêu.

Ngày xưa Phan Khôi mài nanh vuốt để chống chủ nghĩa duy vật “khảng khái” bao nhiêu thì ngày nay lại mài dao trong bụng đêm ngày viết ra những bài thơ xiên xỏ để chống chế độ này một cách “bộc trực” bấy nhiêu.

Có điều những văn nghệ sĩ chân chính họ đều đã biết rõ quá khứ và hiện tại xấu xa của “ngài” lắm lắm. Họ còn biết rõ hơn khi Phan Khôi đứng lên chửi cách mạng và làm những hành động phản quốc ở Quảng Nam hồi 1946 và suýt nữa bị quần chúng giết chết may nhờ Đảng hết lòng che chở cho. Họ còn biết khi công an ta vào khám xét trụ sở Quốc dân Đảng năm 1946 ở đường Quan Thánh thì được hân hạnh thấy Phan Khôi đang nằm “bẹp tai” ở đấy. Nhưng rồi, xóa hết những nợ cũ, đưa Phan Khôi ra kháng chiến cho Phan Khôi được cùng dân tộc lớn lên, ít ra cũng là một công dân biết thù ghét Tây.

Thế mà bây giờ đây, Phan Khôi muốn giở lại cái “hiên ngang khí khái” của thời xưa, giở giọng “nhân văn” “nhân phẩm”. Cái “nhân phẩm” “nhân văn” của Phan Khôi cũng chỉ đến thế mà thôi! Đâu có phải “chín năm tù Côn Đảo” “Cách mạng” “tiết tháo” “anh hùng” như đài phát thanh Huê kỳ đã phong oan cho và Phan Khôi đã im lặng nhận lấy – như ngày xưa lặng im nhận lấy danh hiệu “học giả” trước thực dân Tây – để làm cái vốn chính trị chống lại chế độ này.

Năm xưa có người tưởng rằng một mình Phan Khôi đã sáng tạo ra những “lý luận” về nước ta không có chế độ phong kiến, văn minh đông phương thua kém văn minh tây phương, về kinh tế khủng hoảng, về chiến tranh, v.v… Nếu kể một mình tiên sinh sáng tạo ra được những lý luận ấy thì cũng đáng “hiên ngang” vỗ ngực là “thuộc quốc sử” là “học giả” lắm lắm, mặc dầu đây chỉ là loại “hiên ngang” chống lại nhân dân, hiên ngang được làm nô lệ. Song đáng buồn thay cả đến cái “hiên ngang” ấy Phan Khôi cũng không có nốt. Tiên sinh không phải độc lập sáng tạo ra những lý luận ấy, mà chỉ học mót lại những cái Hồ Thích đã nói từ lâu. Hồ Thích khuyên nhân dân Trung Quốc phải có gan thừa nhận người mình trăm cái đều kém người (yếu đại triệt đại ngộ địa thừa nhận ngã môn tự kỷ bách bất như nhân) thì Phan Khôi cũng yêu cầu nhân dân Việt Nam phải thành thật nhận mình là thua kém người (tức kém đế quốc). Hồ Thích không thừa nhận Trung Quốc có chế độ phong kiến “ngã bất tri đạo giá tứ thập niên đích Trung Quốc “phong kiến chủ nghĩa” thị cá thập ma dạng tử. Ngã sưu sách ngã bán sinh đích lịch sử, ngã tựu bất tri đạo ngã tằng hữu quá dữ phong kiến chủ nghĩa đấu tranh đích quang vinh” Phan Khôi cũng không công nhận nước ta có chế độ phong kiến. Hồ Thích gọi nhân dân cách mạng Trung Quốc là “nhiễu loạn” thì Phan Khôi cũng gọi Xô-viết Nghệ An là cái “loạn cộng sản”. (trích mấy quyển sách của Hồ Thích viết trong thời kỳ cách mạng Trung Quốc chưa thắng lợi). Thật là khó khăn cho chúng ta khi muốn phân biệt điểm nào do nhà “học giả” Phan Khôi “sáng tạo” và điểm nào do nhà “học giả” Hồ Thích phát minh ra. Có lẽ chỉ Phan Khôi tiên sinh mới trả lời được mà thôi. Hay là các bộ óc “dương nô” (nô lệ Tây phương) đều giống nhau như đúc? Nếu thực là Phan Khôi bắt chước Hồ Thích (có thể như thế vì Hồ Thích xuất sắc hơn Phan Khôi nhiều, Phan Khôi chỉ là tên học trò vụng dại) thì chúng ta phải ghi thêm một điểm chống giáo điều vào “chương trình chống giáo điều” của Nhân văn và của Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu. Vì chương trình của họ không thấy nói đến cái giáo điều này của Phan tiên sinh, mà như thế thì thật là mất công cho chúng ta chống lại thứ giáo điều nô lệ! (Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang không bao giờ muốn chống thứ giáo điều vong quốc này).

Vì đi học nói của người khác, lại vì sinh trong một hoàn cảnh không thuận lợi nên “lý luận” của Phan Khôi không có một tiếng vang nào. Và nếu có tiếng vang thì là ở chỗ khi có một người lý lẽ đã cùn mà vẫn cố cãi chằng thì người ta bảo người đó “gàn như lý luận Phan Khôi”. Nhưng thật ra thì Phan tiên sinh không gàn đâu. Phan Khôi chỉ gàn khi cần đem lý lẽ để tố cáo phong trào cách mạng của quần chúng, còn những lúc cần là trạng sư cho chế độ thực dân phong kiến thì Phan Khôi quả là người chân thành và dũng cảm kiểu một nhà “học giả dương nô”.

Tiếc thay ngọn gió kháng chiến vĩ đại tuy đã thổi bay đế quốc về phương Nam, nhưng đối với Phan Khôi vẫn chưa thổi bay được mấy chục năm nô lệ bám đầy trong đầu óc. Cho nên hôm nay Phan Khôi như một “con ngựa già” lạc lõng giữa xã hội mới của ta “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” cùng một số gióng nhạc giật gân, “rung chuông lừa bịp”, phất cao ngọn cờ “Nhân văn” phản động trở lại đường xưa, con đường xuất phát. Trong cuộc kháng chiến Phan Khôi mới nhích đi được một bước thì nay lại lùi lại không biết bao nhiêu bước, lùi dần lùi dần về phía… vực thẳm sau lưng. Quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, quan điểm duy tâm phản động, thái độ hằn học căm thù với cuộc sống mới, những mánh khóe xỏ xiên lừa bịp lão luyện, những thơ ngụ ngôn “Cái bình vôi”, “Con rùa”, “Con lợn” để chống Đảng, chống chế độ mới là gì nếu không phải nguyên hình của tư tưởng lạc hậu và phản động năm xưa?

Trong bài tự phê bình đăng trên báo Nhân dân, bạn Tô Hoài đã cảm thấy sâu sắc rằng: “Thật ra, những đầu óc bám đặc tư tưởng lạc hậu (có lẽ cần thêm: và phản động H.Q) mà cứ sáng tác thì cũng chỉ đẻ ra cái tồi, cái xấu mà thôi”. Nếu Phan Khôi vẫn cứ giữ mãi những quan điểm và lý luận lạc hậu, nô lệ phản động trước kia nếu còn luyến tiếc cuộc sống cũ trong cái ấp chiếm đoạt bên sông Thu bồn thì không thể còn sáng tác cái gì hơn “Ông Năm chuột” một cái quái thai trong thời đại mới và nhất định là bị quần chúng đả kích kịch liệt.


*


Nhưng Phan “tiên sinh”, thời đại cũ xây trên bất bình đẳng, nô lệ và vô nhân đạo đã đi qua rồi, không trở lại nữa. “Đặc điểm căn bản của thời đại chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” (tuyên bố của Mát-scơ-va). Cái mới nhất, cái đang đi lên và bất khả chiến thắng trong thời đại chúng ta là chủ nghĩa xã hội. Người thông minh, “người từng trải” là người biết tìm ra cái mới, đấu tranh và bảo vệ cho cái mới ra đời. Kẻ bảo thủ, ích kỷ, và ngu dốt cứ níu lại cái phản động cũ nhất định sẽ bị lịch sử kết án và đào thải như đế quốc Pháp và bè lũ phong kiến ở Việt Nam, như Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc và như Nga hoàng ở Nga. Nhà văn, muốn xứng đáng với danh hiệu “kỹ sư tâm hồn”, cũng phải thích hợp với cái mới, đấu tranh cho cái mới ấy, cái mới xã hội chủ nghĩa do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo ngày nay.



[1]Năm 1931, sau khi xẩy ra bạo động Yên Báy và Nghệ Tĩnh, tên bộ trưởng thuộc địa Rây-nô đã ra lệnh cho bọn quan lại Pháp ở Đông dương bỏ lối xưng hô mày tao với người “thượng lưu trí thức” bản xứ, mục đích để dẹp “nỗi bất bình của người bản xứ”. Tuy nhiên bọn tay chân này chỉ thực hiện một thời gian rồi bỏ, mà không phải ở đâu tên nào cũng thực hiện.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 11, tháng 4, năm 1958 – Số đặc biệt chống tÆ° tưởng phản Ä‘á»™ng của Nhân văn-Giai phẩm, trang 4-14. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.