trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
19.4.2007
Đặng Tiến
Tố Hữu (1920-2002)
 
Nhà thơ Tố Hữu, qua đời ngày 9 tháng 12 năm 2002, thọ 82 tuổi, là một tác gia chủ yếu trong nền văn học, thi ca Việt Nam thế kỷ XX.

Trước tác của ông cơ bản là thơ chính trị, đấu tranh cho độc lập, thống nhất đất nước, ngợi ca dân tộc, đề cao lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Như vậy, dĩ nhiên là nhiều người thích hoặc không thích.

Kẻ thích trong giai đoạn đấu tranh, một khi mục tiêu đã hoàn tất thì bớt thích. Người chuộng những bài thơ ngợi ca lý tưởng – dù có khác chính kiến – cũng dè dặt với những câu sắt máu hay quá khích. Loại thơ ngợi ca dân tộc và đất nước trước kia, bây giờ đọc lại thấy nhàm chán, dễ dãi. Người yêu chuộng thi ca một thời cho thơ Tố Hữu là mới mẻ thiết thực, bây giờ thấy cũ kỹ thiếu sáng tạo và hiện đại. Xưa kia Tố Hữu làm thơ cách mạng, bây giờ ông được xem như là tác giả bảo thủ, từ hình thức đến nội dung.

Phía khác chính kiến, dĩ nhiên lắm kẻ không ưa, thậm chí còn thù oán. Họ thường cố công trích dẫn mấy câu vần vè tuyên truyền quá khích để bêu riếu.

Ở đời, những cái thời thượng, quá đáng thường chóng qua, bên nào cũng vậy. Văn học lâu dài công bình hơn.


*


Vấn đề đầu tiên là thơ chính trị.

Nhiều người không ưa, và không nhất thiết vì bất đồng chính kiến. Mà vì họ quan niệm thơ là cái gì đó, mơ mộng và thoát tục. Thơ chính trị hay chính luận là tuyên truyền, giống như quảng cáo. Thậm chí còn tệ hơn quảng cáo: thuận tai thì độc hại, nghịch nhĩ thì khiêu khích, chính luận mà chỉ gây dửng dưng là thơ dở. Đây là giá rất đắt mà người làm thơ phải trả.

Sự thật, chính trị là thành phần cuộc sống, nhất là của dân tộc Việt Nam trong nửa thế kỷ – thời gian sáng tác của Tố Hữu – phải thường xuyên tranh đấu cho sự sống còn của đất nước. Thơ cũng là thành phần của cuộc sống đó. Một bộ phận của cơ thể không thể không lay chuyển theo các bộ phận khác. Chính trị ở đây, không phải là chính quyền, hay kỹ thuật quản lý một đoàn thể hay quốc gia, mà hiểu theo nghĩa rộng, là tương quan giữa con người và xã hội, là ý thức cá nhân trong cộng đồng, dân tộc và đất nước. Nó phải biết đau nỗi đau trời đất, buồn nỗi buồn thiêng của núi sông như lời thơ Vũ Hoàng Chương. Thơ gắn liền với số phận con người – mà con người lại gắn bó thân phận mình với dân tộc. Điều đó hiển nhiên. Giản dị hơn nữa, thơ hay không phải nhờ vào chính trị, và dở không phải bởi vì chính luận. Loại trừ chính luận ra khỏi văn thơ thì sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi sẽ teo lại không còn là bao, và kẻ hụt hẫng nhất sẽ là... Lý Thường Kiệt.

Tố Hữu, xuất thân từ phong trào Thơ Mới 1932-1945, đã có công tạo một nội dung mới cho phong trào này, đã đưa phong trào Thơ Mới vào sự nghiệp giải phóng dân tộc – dĩ nhiên là với nhiều tác giả khác – nhưng ông là mũi tiên phong. Với thơ Tố Hữu, những Mẹ Tơm, Mẹ Suốt đã đi vào rừng sâu, ngục tối, và dáng dấp Nàng Thơ đã thay xiêm đổi áo. Thơ đã thật sự đến với quần chúng, theo những bước chân, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, đã biết với nhân dân “cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu”. Các nhà thơ thường ảo tưởng về “thiên chức” của mình, tự phong làm những ngọn “hải đăng” cho nhân loại. Nhưng ai đọc các Ngài? Có người còn ảo tưởng: dân tộc Việt Nam yêu thơ. Nhưng yêu thơ gì, ngoài những vần vè ê a ấp úng trong các dịp hiếu hỉ, tửu hậu trà dư? Hai nguồn ảo tưởng ấy đã kết duyên, thành đôi thành lứa, nương tựa vào nhau mà sống. Một hạnh phúc vần vè trên ngộ nhận. Thơ Tố Hữu với những thành tựu và hạn chế, đã thật sự đi vào quần chúng thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau, trong một thời gian dài, trong gian truân và khói lửa. Nói rằng thơ Tố Hữu đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thì quá đáng, nhưng đã cụ thể tham dự vào đời sống gian lao của dân tộc.

Tố Hữu sử dụng thơ trong mục đích chính trị, cái đó đã rõ; nhưng đồng thời và vô hình trung, ông đã sử dụng chính trị làm đòn bẩy cho thi ca. Còn về sau, thơ hay hoặc dở, không còn tùy thuộc ông ấy, cho dù ông có phần trách nhiệm chỉ đạo.

Trong đặc tính của nó, thơ không có chức năng thông tin, mà phục vụ chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ. Đúng. Nhưng đã mấy người hiểu? Người nghe, đọc thơ, trước hết là đón nhận thông tin, về sau, về lâu về dài, mới ý thức được phẩm chất thẩm mỹ của ngôn ngữ. Trăm năm trong cõi người ta là một câu thơ xoàng, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau là một thông tin lẩn thẩn, cuộc đời Thúy Kiều là chuyện vẩn vơ, nhưng tác phẩm Truyện Kiều đã làm giàu ngôn ngữ và tâm hồn Việt Nam; thơ cách mạng, thơ kháng chiến nhắm mục đích tuyên truyền và thực dụng, nhưng sau khi tuyên truyền, nó lưu lại một dư vị thẩm mỹ trong ngôn ngữ người dân – như vậy là đã đóng góp vào sự nghiệp thi ca nói chung. Hiểu theo tinh thần này, công bình mà nói thì thơ Tố Hữu – trong những hạn chế – đã có những đóng góp tích cực vào nền thi ca Việt Nam, trên ba mặt: củng cố, phổ biến và phát huy.

Thơ Tố Hữu không cách tân thi pháp, nhưng phát huy chức năng xã hội và đa hiệu khả năng truyền thông của thi ca. Nó không làm mới, mà có làm giàu.


*


Chữ tài, trong nghệ thuật, là một khái niệm phức tạp. Thành công, ít nhất về mặt xã hội, như Tố Hữu, thì nhất định là phải có tài. Ông đã khéo chọn và chọn đúng đường đi. Thơ ông phục vụ chính trị và lịch sử, và ngược lại lịch sử và chính trị cũng phục vụ lại thơ ông. Trong lịch sử, nếu không có những cuộc chiến tranh giải phóng thì vẫn có một Eluard hay Aragon tầm cỡ, và cũng sẽ có một Tố Hữu, nhưng một Tố Hữu tầm tầm. Trong Thi nhân Việt Nam, viết 1941, xuất bản 1942, Hoài Thanh không một lần nhắc tên Tố Hữu, mà ông có biết, và đã bị phiền trách sau nầy. Nhưng là trách oan. Lối trách người này để nịnh người kia. Mãi về sau, Cách mạng tháng Tám 1945 mới tạo tư thế và nâng cao tầm cỡ cho thơ Tố Hữu.

Tố Hữu là người có tài và có ý thức về thi pháp, thậm chí có khả năng cách tân thơ. Tiếc là đã không làm. Trong bài “Huế tháng Tám”, 1945, ông đã viết:

Cổ ta ré trăm trận cười trận khóc
... Te hét huyên thiên ta chạy khắp nhà
... Ngực lép bốn nghìn năm. Trưa nay gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi...


Nhưng Hồ Chí Minh, ngay sau đó, đã gay gắt phê phán. Và dĩ nhiên, ông Tố Hữu nhà thơ phải nhường chiếu cho ông Tố Hữu đảng viên cao cấp. Thỉnh thoảng, có lúc ông nhà thơ khẽ khàng:

Tôi ở Vĩnh Yên lên
Anh trên Sơn Cốt xuống
Gặp nhau lưng đèo Nhe
Bóng tre trùm mát rượi
...

Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả
...

Chia nhau điếu thuốc lào
Nào anh hút tôi hút

(“Cá nước”, 1947)

Giọng thơ hào sảng, hiện đại, Xuân Diệu cho là thơ mở đường. Tố Hữu mở đường, nhưng rồi sau đó không cho ai đi.

Bài “Ta đi Tới”, 1954, ngoài dụng tâm chính trị, có những câu hay:

Tháng Tám mùa Thu xanh thắm

Hay từ những âm vang. Hai nguyên âm a đầu câu mở rộng nền trời, nguyên âm u luyến láy giữa câu, nâng bầu trời lên cao, rồi hai âm a cuối câu đẩy tầm mắt ra xa, xa xa, xa tận chân mây. Trời thu Yên Đổ, một buổi trưa không biết tự thời nào (Huy Cận).

Đa số các nhà thơ khẳng định tài năng ngay từ tập thơ đầu, thậm chí có người suốt đời không vượt khỏi tác phẩm đầu tay. Tố Hữu tập làm thơ, tiến bộ từng bước một, mỗi ngày thơ mỗi nhuần nhuyễn, hiệu lực. Bài “Xin gửi miền Nam”, làm mùa Xuân 1972, dưới bom đạn Mỹ, có đoạn bình an đánh dấu một đỉnh cao trong thi pháp:

Tôi lại làm thơ, như mỗi lần
Nghe ấm trời, lất phất mưa xuân
Con chim chích nhớ mùa táo chín
Rúc rích về ăn táo ngoài sân


Dịu dàng nhất là câu thơ thứ nhì. Đãi chất chính trị ra khỏi những câu thơ trên đây, nó vẫn hay. Và hay cách khác. Thoáng và bền hơn.


*


Những hạn chế trong thơ Tố Hữu thì Trần Dần đã viết bài phê phán từ 1957, thịnh thời của Tố Hữu. Bài viết can trường, sắc sảo và chính xác, từ 2001 đã được phổ biến rộng rãi ở ngoài nước. Tôi không cần thêm điều gì.

Tố Hữu nhà thơ, còn là nhà chính trị lãnh đạo văn nghệ, kinh tế. Nơi này hay nơi kia, khi này hay khi khác, ông đã có những sai lầm, mà tôi không nói ở đây, vì không phải lúc, lễ độ văn học không cho phép.

Nợ bút trước sau gì cũng dễ trả.

Chỉ có nợ tình mới canh cánh.

(Viết vào tháng chạp dương lịch, nhằm ngày giỗ Xuân Diệu 18, Toàn quốc Kháng chiến và tang lễ họa sĩ Bửu Chỉ 19, và kỷ niệm 20 năm Aragon ngày 23/12/2002.)

Nguồn: Diá»…n đàn (Paris) số 125, tháng 1.2003