trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
19.4.2007
Bùi Huy Phồn
Trương Tửu, một tên phản cách mạng đội lốt mác-xít
 
Trong bài “Thực chất tư tưởng của Trương Tửu” đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 11, đồng chí Hoài Thanh đã vạch trần những tư tưởng và quan điểm văn nghệ phản động của Trương Tửu một cách quá rõ ràng! Chúng ta đều thấy rằng không những Trương Tửu đã lợi dụng cái “thông minh” của mình đem xào nấu lại để làm cho “mới” những thứ quan điểm văn nghệ của giai cấp tư sản đã nhai đi nhai lại từ lâu, mà hắn còn lợi dụng cả cái “dốt nát” của mình về chủ nghĩa Mác-Lênin đối với vấn đề văn học nghệ thuật để xuyên tạc nó đi bằng cách cắt đầu xén đuôi, dịch sai trích ẩu. Chúng ta cũng đều thấy rằng những quan điểm văn nghệ phản động của Trương Tửu không phải xuất phát từ một sự lệch lạc nhất thời, hoặc do một hoàn cảnh ngẫu nhiên nào, như trường hợp một số anh em văn nghệ sĩ trong thời gian qua, mà nó có cả một lịch sử lâu dài, một hệ thống ý thức liên tục, đúng như đồng chí Hoài Thanh đã phân tích. Nhưng theo ý tôi, chỉ thấy thực chất tư tưởng của Trương Tửu biểu lộ trên mặt văn nghệ không thôi chưa đủ, mà, muốn hiểu rõ toàn bộ mặt thực Trương Tửu để đánh giá đúng những tội trạng phản nước hại dân của hắn, chúng ta cần thấy thêm cái chân tướng chính trị Trương Tửu nó đã biểu lộ qua những luận điệu và hành động phản cách mạng liên tục từ hai mươi năm nay.


*


Hai mươi năm trước đây, tôi quen biết Trương Tửu cũng như tất cả mọi trường hợp quen biết thông thường. Nhưng có điều khác thường nó làm cho tôi phải chú ý đến Trương Tửu ngay trong những ngày gặp gỡ đầu tiên, là cái triết lý – kể ra so với hồi ấy cũng đã khá rẻ tiền – mà Trương Tửu xem như một “phương châm xử thế” nên đã áp dụng trong đời sống hàng ngày, cũng như trong đời sống chính trị. Nó là:
  1. “Người "mác-xít" phải tùy thời thích chi. Khi nào điều kiện vật chất thay đổi, thì cách sử thế của người ta cũng phải thay đổi.”

  2. “Tất cả mọi thủ đoạn đều tốt, miễn là đạt được mục đích ở đời.”
Mục đích của đời Trương Tửu là gì? Các bạn đọc sẽ tự tìm thấy câu trả lời qua một số hiện tượng kể sau đây. Còn những thủ đoạn của Trương Tửu, thực quả cũng là xứng đáng với cái “mục đích” và cái “con người” hằng ôm ấp nó.

Trương Tửu xuất thân trong một gia đình có một lý lịch không rõ rệt. Người ta chỉ biết rằng vào khoảng 1934-1935, sau khi những phong trào Cách mạng như Xô-viết Nghệ An, cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại, một nền văn nghệ lãng mạn đồi trụy đương được bọn thống trị dung dưỡng cho phát triển hơn bao giờ hết ở Việt Nam hòng ru ngủ ý chí chiến đấu của thanh niên, thì Trương Tửu bước chân vào làng văn bằng một loạt bài phê bình đăng trên báo Loa không tiếc lời ca ngợi những tác phẩm của nhóm Tự lực Văn đoàn, tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn nghệ lãng mạn đồi trụy và ru ngủ nó. Đây không những chỉ là chuyến buôn lậu đầu tiên về văn nghệ của Trương Tửu. Tôi muốn nói rằng đây là lần đầu tiên Trương Tửu đã tự giác hay không tự giác, đem ngòi bút của mình phục vụ cho cái chính trị cướp nước của bọn thực dân.

Thời kỳ mặt trận dân chủ, Đảng Cộng sản Đông dương tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ thành lập một mặt trận chống phát xít, chống chiến tranh và chống phản động thuộc địa với khẩu hiệu đòi hòa bình, tự do, cơm áo cho nhân dân lao động. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các văn nghệ sĩ hoặc ít hoặc nhiều tiến bộ đều hăng hái tham gia phong trào. Trong khi ấy thì Trương Tửu năm im trên cái gác xép phố Cửa Đông Hàng Gà, ngày ngày liên kết với bọn tờ-rốt-skít Lương Đức Thiệp, Thái Văn Tam, chửi đổng Mặt trận Dân chủ và tuyên bố với xung quanh rằng “văn nghệ không làm chính trị để giữ sự độc lập của trí thức!” Tự tách mình ra khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc, và chửi vào cuộc đấu tranh đó, mà vẫn dám huênh hoang là để “giữ sự độc lập cho trí thức”, kể thì cũng liều lĩnh thực. Nhưng tiếc thay chỉ một năm sau, cái bộ mặt “trí thức” của Trương Tửu đã hoàn toàn bị gỡ khi người ta thấy hắn xuất đầu lộ diện trên một tờ báo Quốc gia do hắn chủ trương. Lúc đó, Mặt trận Dân chủ sắp gặp bước thoái trào, lực lượng tư bản phản động và phát-xít Pháp kịp thời trỗi dậy tấn công vào chính phủ bình dân bên kia, thế là bên này, Trương Tửu cũng kịp thời trỗi dậy theo, nhả ra một loạt bài đặc sệt mầu sắc chính trị đăng trên báo Quốc gia, một mặt đả kích Mặt trận Dân chủ Đông Dương, một mặt khác tuyên truyền cho bọn tờ-rốt-skít, phản động quốc tế, tay sai của thực dân Pháp. Để đả kích Mặt trận Dân chủ, Trương Tửu đã có cả một chủ trương là viết nhiều bài phỏng vấn các đảng viên công khai của Đảng Cộng sản, rồi xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, cắt xén lời tuyên bố của những đồng chí đó để đánh thẳng vào Đảng Cộng sản là thỏa hiệp, là cải lương, kèm với những hình vẽ các đồng chí Đảng trông thực là hung ác xấu xa. Trái lại, để đề cao chủ nghĩa tờ-rốt-skít, Tửu cũng chủ trương viết một loạt bài phỏng vấn bọn thủ lĩnh tờ-rốt-skít Huỳnh Văn Phương, Thái Văn Tam, giới thiệu “thân thế và sự nghiệp” tên trùm phản động quốc tế Tờ-rốt-ski, giới thiệu thuyết “cách mạng thường trực”, “cách mạng vô sản triệt để” của tên này, bằng những lời văn huênh hoang nhằm lôi kéo những phần tử dao động bấp bênh và đánh lạc mục tiêu đấu tranh, đường lối cách mạng của Đảng trước quần chúng. Nhờ chuyến đầu cơ chính trị này, Trương Tửu đã đạt cái mục đích gần gũi nhất của đời hắn, là được cả nhà lẫn vợ, trên cơ sở đó, Tửu sẽ dùng làm bàn đạp tiến lên một đích cao hơn.

Thế là nổ ra đại chiến thứ hai. Đàn áp, khủng bố, sưu cao thuế nặng đè trĩu lên mỗi người dân. Đảng Cộng sản rút lui vào hoạt động trong bí mật, thành lập Mặt trận Việt Minh, đề ra chủ trương đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật đuổi Pháp, đấu tranh võ trang giành độc lập dân tộc. Lần thứ hai, Trương Tửu tuyên bố với xung quanh rằng: “văn nghệ không làm chính trị để giữ sự độc lập của trí thức”. Song lần này không chịu nằm im chửi đổng, Trương Tửu đã cùng tên đồng lõa Nguyễn Đức Quỳnh đi tập hợp một số văn nghệ sĩ quen biết, lợi dụng sự ngây thơ về chính trị của họ, thành lập ra nhóm Hàn Thuyên. Muốn lừa bịp anh em, Trương Tửu nêu lên cái chiêu bài là để xây dựng một nền “Tân văn nghệ” theo đường lối chủ nghĩa Mác–Lênin (tất nhiên là giả danh); và muốn bóc lột những quyền lợi trước mắt của anh em, Tửu luôn mồm nêu lên cái khẩu hiệu đã gần thành điệp khúc là “để phụng sự cho đại nghĩa!” (Servir la grande cause – nguyên văn câu này là của Tửu). Cái “đại nghĩa” phải kể đến đầu tiên trong giai đoạn này của Tửu, đó là nghĩa thày trò giữa hắn và tên trùm mật thám Cút-xô (Cousseau). Khi mà thấy cái tên Trương Tửu đã lữa nghề phản nước hại dân, Cút-xô đã có công gây lại uy tín cho Tửu bằng cách cấm Tửu không được viết, rồi cho tửu hồi sinh dưới cái biệt hiệu nghe có vẻ thông thái là Nguyễn Bách Khoa. Khi mà cả Hà Nội lúc bấy giờ, các nhà xuất bản đều thiếu giấy in, thì Cút-xô đã đặc biệt cấp cho nhà Hàn Thuyên chẳng những đủ giấy để in, mà còn thừa đem bán chợ đen lấy tiền bỏ túi, để tung ra những loại sách gọi là "mác-xít" thực ra là phản động của bọn tờ-rốt-skít Lương Đức Thiệp, Thái Văn Tam, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Hải Âu, và nhiều nhất là của Nguyễn Bách Khoa, (như Nguyễn Du và Truyện Kiều, Hai Bà Trưng…) nhằm chống lại tinh thần dân tộc của ta đương được Mặt trận Việt Minh hết sức đề cao, như trong bài trước đồng chí Hoài Thanh đã vạch rõ. Hồi Nhật thuộc, cái “đại nghĩa” của Trương Tửu là bỏ Pháp toan theo đuôi Nhật. Về hành động, chính hắn đã thành lập ra cái gọi là “Liên đoàn những người viết báo Bắc bộ”, một tổ chức thân Nhật, và chính hắn đã gửi điện văn ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đương chống lại Mặt trận Việt Minh. Về luận điệu, chỉ cần nhắc lại một câu chuyện kể làm thí dụ cũng đủ rõ cái “đại nghĩa” mà Tửu theo đuổi nó thể nào. Hồi tháng 6-1945, vì bị thua trên các mặt trận, nhất là vì ta hoạt động mạnh, phát-xít Nhật càng gia sức lùng bắt khủng bố thanh niên cứu quốc ở nội ngoại thành. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và tôi có gặp Trương Tửu thuật lại việc này. Tửu đã tặc lưỡi đáp: “Dại thì cho chết!”. Đoạn thống cười khà khà, tiếng cười mà chúng tôi đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại vẫn còn thấy rờn rợn bên tai như của một tên trùm mật thám thực thụ.

Mấy năm sau, quả nhiên những cái “đại nghĩa” kiểu như trên mà Trương Tửu lừa bịp bắt anh em “phụng sự” đó, đã đem lại cho gia đình Tửu cả một nhà xuất bản và nhà in Hàn Thuyên mà đến nay mỗi khi nhắc tới, nghe đâu Tửu vẫn lấy làm khoái trí; và đã đem lại cho những anh em khác một mớ tư tưởng tờ-rốt-skít vô cùng nguy hiểm, cộng thêm một cảm giác của người vừa bị mất cắp giữa ban ngày. Cho nên đã có thơ rằng:

Mắc lỡm
Tặng Trương Tửu

Năm năm xe cát đắp nên bờ
“Đảo hải di sơn” chí những chờ
Lãi tháng bố già xơi ngọt sớt
Cơm ngày cậu cả sống ngon ơ
Đại danh, đại nghĩa cậu sầm phất
Duy vật, duy tâm chuyện bố vờ
Cái giá thằng ông, a! Cũng đắt
Không dưng dễ được nó đầu cơ!

(1945)

Bài thơ có kết, nhưng cái nghề đầu cơ chính trị, phản cách mạng chuyên nghiệp của Trương Tửu chưa phải là kết thúc ở đây. Cách mạng tháng Tám thành công càng làm cho Trương Tửu lộ mặt phản nước hại dân hơn nữa. Lần thứ ba, Tửu viết trên báo Văn mới do nhà Hàn Thuyên tái bản, bài “Tuyên ngôn độc lập của trí thức” đại ý vẫn nhai lại luận điệu cũ: “người trí thức muốn được độc lập suy nghĩ thì không nên làm chính trị”, nhằm mục đích phá hoại phong trào cứu quốc là một nhiệm vụ trung tâm trước mắt lúc chính quyền mới về tay nhân dân ta. Rồi Hồ Hữu Tường ra Bắc, lén lút gặp Tửu bàn tính âm mưu. Nhảy ra thành lập Uỷ ban Văn hóa Bắc bộ hòng tranh giành ảnh hưởng với Hội Văn hóa Cứu quốc không xong, Tửu xuất bản cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam gieo rắc chất men “bất phục tùng và phản kháng” chính thể dân chủ nhân dân, liên kết với bọn tờ-rốt-skít Lương Đức Thiệp, Nguyễn Hải Âu, và một số sinh viên cảm tình tờ-rốt-skít, giải truyền đơn ở Bạch Mai xúi giục công nhân và sinh viên khởi loạn. Giữa lúc Đảng và Chính phủ ta chủ trương tránh mọi khiêu khích của Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch, cốt để đề phòng khỏi rơi vào âm mưu của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp muốn quay trở lại Đông Dương, thì Trương Tửu tung ra cái luận điệu khiêu khích của Hồ Hữu Tường, là phải “đánh Tưởng Giới Thạch, và dựa vào Mỹ”. Giữa lúc chúng ta cần tập hợp đông đảo nhân dân để tiến mạnh trên con đường cách mạng dân tộc dân chủ lúc đó, thì Trương Tửu và bè lũ chửi ta là cải lương, là thỏa hiệp, và kêu gào phải tiến ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải cách mạng vô sản triệt để, phải chia ngay ruộng đất cho dân cày, v.v… Tóm lại, toàn là những thủ đoạn chính trị khiêu khích phiên lưu nếu không nhằm phân hóa chia rẽ nhân tâm, thì cũng nhằm biến dân tộc Việt Nam thêm một lần nữa làm mồi ngon cho bọn giặc.

Kháng chiến toàn quốc. Có người thấy Trương Tửu theo đuổi được chín mười năm cũng là một điều kỳ lạ. Tôi thì tôi muốn đặt ngược lại vấn đề: Trương Tửu theo kháng chiến có phải là thực tâm tán thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta, hay còn vì một “mục đích” gì khác nữa? Có thể rằng trong kháng chiến, sức quật khởi của toàn dân đã làm cho những luận điệu và hành động phá hoại của Trương Tửu chịu nép xuống chiều sâu một phần nào, nhưng không phải vì thế mà nó không thời thường biểu lộ: chống lại chỉ thị của địa phương giải tán các chợ để tránh máy bay địch oanh tạc; giễu quân đội nhân dân ta là: “hy sinh mù quáng”; bài bác phong trào thi đua ái quốc; mệnh danh những cán bộ kháng chiến là “một giai cấp cường hào mới”; gây bè phái, chia rẽ, tuyên truyền chống lãnh đạo trong đám sinh viên trường dự bị đại học Thanh Hóa; công khai chống thuế và chửi cán bộ thuế nên đã bị nông dân địa phương điệu ra hỏi tội vì thế mà Trương Tửu đã chuẩn bị vào thành, và vân vân… Nói như nhà văn Vũ Ngọc Phan đại ý rằng: “Nếu quả thực cái nội tâm con người Trương Tửu đã viết trong Giai phẩm mùa Đông – thì đó là thứ ánh sáng nó đã làm cho đen sạm mặt giới văn nghệ kháng chiến ở thôn Quần Tín…”. Thực thì câu nói đó cũng không ngoa. Còn nói như đồng chí Hoài Thanh, rằng “trong chín năm kháng chiến của Trương Tửu, hắn đã chửi kháng chiến hết bảy năm”, thì riêng tôi, người biết rõ Trương Tửu lâu hơn, tôi cho nói như thế còn rất nhiều độ lượng. Cũng như nhân dân ta đối với Trương Tửu – riêng trong kháng chiến – cũng đã quá nhiều độ lượng. Phải vạch thẳng ra rằng suốt chín năm kháng chiến, Trương Tửu đã đứng trên lập trường của bọn cướp nước để phản bội lại quyền lợi của dân tộc trong cả chín năm mới đúng hơn.

Hòa bình lập lại, nếu có phần nào đúng như đồng chí Hoài Thanh nói là “Trương Tửu có vẻ nhích lại gần Đảng hơn”, thì tôi cho đó cũng chỉ là cái thủ đoạn trá hàng mà bọn phản động tờ-rốt-skít vẫn thường dùng. Chúng ta đều còn nhớ khi những dư vang của chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho bọn đế quốc hung hăng nhất cũng phải gục gối cúi đầu, thì lũ tay chân không dại gì mà không tạm nép một bề để chờ đợi một thời cơ mới. Thời cơ ấy đã đến với Trương Tửu: đó là lúc ở ngoài nước, có nhiều sự kiện phức tạp, và ở trong nước chúng ta đương gặp nhiều khó khăn. Trông bề ngoài mà nói, đây là một dịp béo bở nhất cho bọn đầu cơ chính trị để thi thố ra mọi thủ đoạn hòng đạt được cái mục đích cuối cùng của những cuộc đời đầy khát vọng điên cuồng. Thế là Trương Tửu lại hùng hổ xông ra phát triển những luận điệu phá hoại sở trường với cả một hận thù giai cấp được nuôi dưỡng từ mất chục năm về trước.

Cho nên không phải là ngẫu nhiên mà Trương Tửu đã tham gia bọn cầm đầu nhóm Nhân văn–Giai phẩm; đã phân công nhau chui vào phá rối một số các cơ quan Nhà nước và đoàn thể như trường đại học, các ngành nghệ thuật, Hội Nhà văn; đã viết những bài xúi giục trí thức và văn nghệ sĩ chống đối lại chính trị, chống đối lãnh đạo, tiếp tục reo rắc cái tư tưởng “bất phục tùng và phản kháng” với chế độ chúng ta như Trương Tửu đã viết trong Giai phẩm mùa Đông. Không phải ngẫu nhiên mà Trương Tửu tung ra những tin tức hoàn toàn bịa đặt, nào ở Liên Xô sắp xét lại vụ Tờ-rốt-ski; ở Trung Quốc sắp xét lại vụ Hồ Phong; ở Việt Nam sắp xẩy ra một cuộc biến đổi căn bản (!) Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nói chuyện với những sinh viên thân cận, Trương Tửu đưa ra một mớ lý luận chính trị sặc mùi tờ-rốt-skít nếu không là kiểu gián điệp: nào “giai cấp công nhân sắp hết vai trò sản xuất, quân đội sắp hết vai trò chiến đấu trong thời đại nguyên tử này.” Để làm gì, nếu không nhằm làm tê liệt ý chí đấu tranh và sản xuất của các tầng lớp cơ bản trong nhân dân ta? Và táo tợn hơn, trong khi nhận định về “con người mới” để huấn luyện cho một số sinh viên và văn nghệ sĩ bị hắn lừa bịp, Trương Tửu đã dám nói rằng “con người mới hiện nay phải là nông dân thì chống thu mua, thị dân thì chống mậu dịch, trí thức thì chống sắc luật báo chí, quân đội thì chống kỷ luật”, rõ ràng là một khẩu hiệu phiến động phản ánh ý thức tiêu cực bộ phận phản động trong giai cấp tư sản muốn chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa! Cho nên, càng không phải là ngẫu nhiên mà Trương Tửu đã câu kết chặt chẽ với những tên phản cách mạng lâu đời Phan Khôi, phản động đầu sỏ Nguyễn Hữu Đang, và một số văn nghệ sĩ đọa lạc cả về “con người” lẫn tư tưởng chính trị và về quan điểm nghệ thuật Trần Dần, Lê Đạt…, cũng như Tửu đã ngoắc chặt chẽ với lũ Thụy An, Trần Duy, một con mụ và một thằng tay sai trung thành của đế quốc, để chống đối lại chế độ miền Bắc chúng ta có tổ chức, có chủ trương đường lối, có phối hợp hành động với Mỹ-Diệm ở miền Nam như ta đã thấy trong thời gian trước đây.


*


Nói tóm lại, chân tướng phản cách mạng của Trương Tửu có cả một quá trình lịch sử và một hệ thống ý thức rõ rệt, nên đến nay nó không còn lừa bịp nổi ai. Nếu trên địa hạt văn học như ta đã thấy ở bài trước, Trương Tửu chỉ là một kẻ gian thương, thì trong bài này, chúng ta thấy Trương Tửu chỉ là một kẻ đầu cơ hết thời vận trên địa hạt chính trị. Không còn lừa bịp nổi ai cái thứ lý luận văn nghệ lạc hậu phủ ra ngoài những tư tưởng chính trị phản động. Không còn lừa bịp nổi ai cái áo mác-xít giả hiệu khoác ra ngoài những luận điệu và hành động phản nước hại dân. Thì cho rằng Trương Tửu có dùng đủ mọi thứ thủ đoạn xấu xa như chúng ta đã thấy để cốt đạt đến mục đích cuối cùng của cuộc đời, cái mục đích mà hôm nay Trương Tửu đã đạt được phải là một vũng bùn nhơ để càng ngày hắn càng đằm xuống dần dần, trước những con mắt thản nhiên của mọi người, kể cả những người xưa nay từng bị Trương Tửu lừa bịp.

Âu đó cũng là đúng với câu phương ngôn “Gieo gió ắt phải gặt bão” như Trương Tửu đã trích dẫn trên Giai phẩm mùa Đông, một lẽ tất nhiên của lịch sử.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5, năm 1958, Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn-Giai phẩm, trang 32-37. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.