trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.5.2007
Phạm Xuân Nguyên
Như một lý do
 
1. Hè 2002 tôi ở Paris. Tranh thủ dịp may ở Kinh thành Ánh sáng, tôi đi thăm nhiều di tích, thắng cảnh, và cố nhiên, các viện bảo tàng là nơi tôi lui tới nhiều nhất. Một sáng đẹp trời tôi đến Bảo tàng Picasso (5 rue Thorigny). Lững thững một mình tôi ngắm nhìn tác phẩm của bậc danh họa qua các thời kỳ Xanh, Hồng, Lập thể, Cổ điển, xem từ "Những cô gái Avignon" qua "Guernica" đến "Chim câu Hòa bình". Tôi đã đứng sững trước một sáng tạo giản đơn nhưng đó là cái giản đơn của một đầu óc sáng tạo lớn. Một chiếc ghi-đông xe đạp với cả cổ phuốc (fourche) được treo lên một cái đinh trên tường. Một cái yên xe được ngoắc vào cổ phuốc ấy. Thế là thành cái đầu con tê giác với cặp sừng vểnh lên. Ân tượng này gợi tôi nhớ lại một ý của Goethe: thiên tài không phải là không học ai, nhưng là người không ai học được.

Chân cứ bước, mắt cứ mải mê nhìn, và tôi đến trước bức vẽ này.

Tủ kính bảo quản tác phẩm khiến phản quang ánh đèn flash của máy ảnh số. Bức tranh vẽ một bàn tay nâng ly rượu và dòng chữ đề: “Staline, à ta santé - Picasso, novembre 1949” ("Chúc sức khỏe ông, Staline - Picasso, 11/1949"). Về sau, tôi lên mạng tìm tư liệu để biết bức tranh được vẽ trong hoàn cảnh nào. Pierre Daix, nhà báo và nhà văn Pháp, một người bạn lâu năm của Picasso cho biết, nhà danh họa đã vẽ bức tranh này khi tạp chí Đời sống thợ thuyền đề nghị ông tham gia dịp kỷ niệm 70 tuổi Stalin. “Vào lúc đó", P. Daix kể tiếp, "ông vẫn tiếp tục chỉ thấy Staline là người đã đánh thắng Hitler”, mặc dù vừa diễn ra vụ án Rajk ở Hungary gợi nhắc lại “những vụ án Moskva” khét tiếng năm 1937. (Lázló Rajk, một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Hungary, năm 1949 đã bị ban lãnh đạo theo đường lối Stalin của nước mình kết tội “gián điệp của Tito” và “tay sai của chủ nghĩa đế quốc”, bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa trái pháp luật và đã phải chịu án tử hình ở tuổi 40).

Những điều này về sau tôi mới biết. Còn trong sáng hè Paris ấy, tôi lại bước đi, lại mải mê ngắm nhìn các bức họa khác. Suốt cả sáng ấy tôi đã được “sống” cùng Picasso bằng những họa phẩm của ông để lại cho đời. Những bức tranh chứng thực sự trải nghiệm chính trị và nghệ thuật qua nhiều giai đoạn cuộc đời trong một thời đại nhiều biến động của một danh họa thế giới. Xem xong tôi ra quán cà phê ngoài sân bảo tàng ngồi uống nước, ngắm chú chim sẻ chiếp chiếp đậu sát bên mình mổ mổ những vụn bánh rơi vãi. Trời Paris một ngày tháng Bảy có nắng, xanh trong. Cuộc sống thanh bình, đẹp đẽ khi tôi ngồi đó, ngỡ như không có những gầm thét, đau đớn, day dứt còn đọng lại trong tranh Picasso tôi vừa xem, kể cả bức bàn tay nâng ly rượu.

2. Một bài thơ của nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko:

Những kẻ thừa kế Stalin

Bức tường đá hoa lặng câm
Mặt gương lấp lóa lặng câm
Hàng vệ binh đứng lặng câm
Nghiêm trang như tượng đồng trước gió
Còn chiếc quan tài như đang thở
luồng hơi từ trong đó bốc ra.
Khi người ta mang nó
ra phía ngoài cửa Lăng
Chiếc quan tài trôi đi chầm chậm
giữa hai hàng lưỡi lê tuốt trần
Nó cũng lặng câm -
cũng lặng câm! -
nhưng là sự câm lặng đáng sợ
Cái người chết trong quan tài đó,
như đang từ khe hở nhìn ra,
Bàn tay nhợt màu xác chết,
co thành nắm đấm dọa đe
Ông ta muốn điểm mặt từng người
đang khiêng quan tài đi -
những thanh niên tân binh
người Riazan và Kursk,
để về sau một lúc nào đó
khi sức lực phục hồi đầy đủ
từ dưới mồ ông ta nhô lên,
nhảy bổ vào đám thanh niên
những kẻ cuồng điên này
Ông ta đang suy tính điều gì
Ông ta chỉ nghỉ ngơi chốc lát
Vậy tôi xin yêu cầu Chính phủ chúng ta
một điều khẩn thiết:
tăng gấp đôi
tăng gấp ba
đội vệ binh đứng gác bên Lăng,
để Stalin không trở dậy,
và cùng với Stalin
quá khứ cũng nằm im,
Chúng ta gieo trồng một cách trung thực
Chúng ta luyện thép một cách trung thực,
và chúng ta bước đi một cách trung thực
trong hàng quân đội ngũ chỉnh tề
Thế mà ông ta sợ hãi chúng ta
Ông ta tin vào mục đích vĩ đại
nhưng lại không cho rằng
phương tiện cần phải xứng đáng
với sự vĩ đại của mục đích
Ông ta là người nhìn xa trông rộng
Ông ta hiểu thông các qui luật đấu tranh
nên trên mặt địa cầu này
Ông ta đã để lại nhiều người thừa kế
Tôi mơ thấy dường như
Trong quan tài có đặt têlêphôn:
Stalin vẫn ra những chỉ thị của mình
cho người nào đó
Từ quan tài ông ta vẫn có dây dẫn nối
đi các ngả!
Không. Stalin chưa phải chết đâu
Ông ta cho cái chết là điều có thể sửa
Chúng ta mang ông ta
ra ngoài phía Lăng
Nhưng làm thế nào mang được Stalin
ra khỏi những người thừa kế Stalin
Một số kẻ thừa kế về hưu trồng hoa
chơi cảnh nhưng thầm cho rằng
hưu chỉ tạm thôi
Số kẻ thừa kế khác
thậm chí đăng đàn chửi Stalin hết lời
nhưng bản thân đêm đêm
vẫn buồn nhớ về thời thế cũ
Rõ ràng hôm nay chẳng phải là vô cớ
những kẻ thừa kế Stalin bị mắc bệnh
nhồi máu cơ tim
Bọn họ trước đây từng là chỗ dựa
không thích được thời nay
khi những trại tập trung vắng vẻ
còn những phòng nghe thơ
thì đông chật những người
Số phận Tổ quốc khiến tôi
không thể bình yên ngồi
Dù người ta bảo tôi:
“Hãy yên tâm!”
tôi không thể nào yên được
Chừng nào những kẻ thừa kế Stalin còn
sống trên Quả đất thì tôi cho rằng
Stalin vẫn còn ở trong Lăng.

(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

Y. Yevtushenko viết bài thơ này năm ông 29 tuổi (1962) trong thời kỳ “hửng ấm” của xã hội Xô-viết sau bản báo cáo của Khrushchev phê phán Stalin tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô (1956). Bài thơ chỉ in báo một lần, bị phê bình gay gắt, nên không hề được đưa vào tập thơ nào của tác giả. Đến thời perestroyka (cải tổ) nó mới được in lại trên báo Nedelya (Tuần lễ) số 45 (11/1987). Tôi đã giới thiệu bài thơ này cùng một bài thơ khác của Yevtushenko viết năm 1987 nhan đề “Nỗi sợ tính công khai” trong bài viết “Bản lĩnh của một nhà thơ” đăng trong tạp chí Tổ quốc của Đảng Xã hội Việt Nam, hồi đó chưa bị giải tán.

3. Quyết liệt thế nhưng rốt cuộc Yevtushenko lại là người thích nghi, hợp thời. Năm 1981, Joseph Brodsky (1940-1996), Nobel văn học 1987, đã từ chức viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Mỹ để phản đối viện này kết nạp Yevtushenko. Trong câu chuyện với một người bạn, Brodsky nói: "... Anh ta là một kẻ mà tôi không thể chịu đựng nổi. Theo ý tôi, đó là một người xấu, một kẻ bất lương - đây là ấn tượng cá nhân của tôi, được chứng tỏ bởi những kinh nghiệm cá nhân - hơn thế nữa, anh ta rất có hại cả trong lĩnh vực văn học lẫn chính trị. Đối với tôi, không thể chấp nhận được việc ngồi cùng phần tử ấy trong một tổ chức. Chỉ có thế thôi" (dẫn theo Hoàng Linh trên tờ Nhịp cầu thế giới xuất bản ở Budapest, Hungary, 2000).

Yevgeny Yevtushenko trong hồi ký nhan đề Hộ chiếu sói (Moskva-Vagrius, 1998) viết: “Brodsky là nhà thơ hoàn toàn phi Xô-viết đầu tiên trong số những người sinh ra thời Xô-viết. Còn tôi là nhà thơ Xô-viết cuối cùng. Nhưng chính quyền Xô-viết đã tự làm tất cả mọi điều nhằm đánh bật cái chất ‘Xô- viết’ đó ra khỏi tôi”.

Anatoly Rybakov (1911-1998), tác giả tiểu thuyết Bọn trẻ phố Arbat, kể lại trong hồi ký của mình: Biết tin cuốn tiểu thuyết của ông gặp khó khăn, trắc trở trong việc xuất bản, tại một đại hội nhà văn Liên Xô Yevtushenko bảo là sẽ lên diễn đàn nói về chuyện đó, nhưng Yevtushenko đã lên diễn đàn mà không nói gì chuyện đó. Phát biểu xong, Yevtushenko xuống nói với Rybakov, em không nói nhưng em vẫn ủng hộ và bảo vệ anh. Ít ngày sau Rybakov được mời lên ban tuyên huấn trung ương về chuyện cuốn tiểu thuyết đó, trong câu chuyện nhân viên ban nói huỵch toẹt ra là họ biết tại đại hội, Yevtushenko định nói gì và họ đã răn đe anh ta. Nghe vậy Rybakov bình thản nói: tôi không biết chuyện của Yevtushenko và các anh ra sao, nhưng anh ta dù sao cũng là bạn tôi, xin các anh đừng xúc phạm cá nhân anh ta trước mặt tôi. (Xem Anatoly Rybakov, Tiểu thuyết-hồi tưởng, bản tiếng Nga, Moskva-Vagrius, 1997).

Lại thơ Yevtushenko:

Có thể ngày mỗi ngày qua
Tôi dần sẽ trở về già

Có thể mỗi năm một hết
Đời tôi cuối cùng vĩnh biệt

Có thể trăm năm vèo trôi
Không người nhớ tôi là ai

Nhưng sao cho mỗi năm qua
Không sống hổ thẹn xấu xa

Nhưng sao cho mỗi năm hết
Không trở thành người hai mặt

Và sao cho trăm năm trôi
Không ai nhổ vào mồ tôi

(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

4. “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa năm 11 tuổi (1969) có bài thơ “Kể cho bé nghe” viết theo kiểu đồng dao: “Hay nói ầm ĩ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu / Là con chó vện”. Bài thơ cứ thế kéo dài cho đến tám câu kết:

Bắn tàu Mỹ cháy
Là khẩu súng trường
Người em yêu thương
Là chú bộ đội
Chăm ngoan học giỏi
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là tổng thống Mỹ

Chú bé Khoa không nói gì khác điều XYZ đã từng nói: “Mỹ mà xấu” trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh Việt - Mỹ đang hồi căng thẳng, ác liệt nhất. Trước đó, 10 tuổi, Khoa cũng đã viết: Thằng Mỹ nó đến nước tôi / Búp bê nó giết, bao người nó tra / Nó bắn cả cụ mù lòa / Nó thiêu cả bé chưa và được cơm (“Gửi bạn Chilê”).

Trong Tuyển thơ Trần Đăng Khoa (Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1999) được Khoa coi là chuẩn văn bản của thơ mình, tám câu này được thay lại hoàn toàn như sau:

Chẳng vui cũng nhảy
Là chú cào cào
Đêm ngồi đếm sao
Là ông cóc tía
Ríu ran cành khế
Là cậu chích chòe
Hay múa xập xòe
Là cô chim trĩ...

Vần điệu vẫn chỉnh chu cho bài thơ theo kiểu vòng tròn đọc đến câu cuối lại đọc trở lại câu đầu. Nhưng Khoa người lớn đã chỉnh sửa Khoa trẻ con. Có lần nhân nói đến việc Khoa sửa thơ như thế, một số người không đồng tình, cho là phải giữ nguyên trạng bài thơ như đã được viết ra vì nó mang dấu ấn một thời, không khí một thời, cách cảm cách nghĩ một thời, chung cho tất cả mọi người, thấm vào cả một hồn thơ còn trẻ nít. Nhưng Khoa đưa ra cái lý của anh là người làm thơ luôn vận động, mỗi bài thơ sẽ được sửa chữa nhiều lần, chừng nào nhà thơ còn viết thì bài thơ chưa thể nói là có dạng hoàn chỉnh tận cùng. Tôi nhớ đại khái Khoa nói vậy trong một lần trò chuyện.

Phần tôi, khi con gái bắt đầu đi học, tôi đã lấy bài thơ này của Trần Đăng Khoa đọc cho con nghe, cho con học thuộc lòng, chỉ sửa lại hai câu cuối của bản đầu thành “Ngu xuẩn nhất nhì / Là đứa không học”. Đấy là ở tư cách người cha dạy con. Nhưng ở tư cách người làm nghiên cứu văn học, tôi vẫn ghi nhớ bản đầu tiên bài thơ Trần Đăng Khoa viết và in năm 1969 với hai câu kết “Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ”.

5. Như là một lý do, những điều tôi thấy, tôi nghe, tôi đọc trên đây, cho những suy xét về người cầm bút ở cái thời họ sống.

Hà Nội 17.4.2007

© 2007 talawas