trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
14.5.2007
Nguyễn Thế Hoàng Linh
Tham nhũng và mất trí
 
1. Có những tội ác không ai chịu trách nhiệm?

Diễn đạt lại một dòng suy nghĩ của Milan Kundera: [1]

Người [2] tạo ra một hành vi [theo dư luận là] ác sẽ bị pháp luật trừng phạt [giả sử pháp luật đã đọc Kafka và biết xấu hổ] [3] khi kết luận người đó, trong lúc hành động, nhận thức được nó. Trong khi, người có cùng hành vi nếu được kết luận là ở tình trạng không nhận thức được trong lúc thực hiện sẽ được giảm án hoặc tha bổng.

Triển khai:

Với lôgic này, khi xã hội có quá đông người mất trí hay thường xuyên ở trong tình trạng mất trí, pháp luật cũng biến mất. Nhân loại trở lại kiếp thú và tự huỷ một cách man rợ với những phương tiện huỷ diệt hiện hữu và được sở hữu khắp nơi: Vũ khí, thuốc độc, thuốc mê, dụng cụ làm bếp, dụng cụ sửa chữa, xe cộ...

Nhưng đằng sau tội ác được giảm nhẹ, tha bổng (chỉ vì không nhận thức được thì không còn khái niệm thiện ác? khác nào thiền sư?), phải có người chịu trách nhiệm chứ?

Đó là những người tạo ra tình trạng mất trí cho người khác: Người gây tai nạn, người chuốc rượu, người bạo hành, người cưỡng hiếp, người bán thuốc phiện, người rải đinh để vá săm, người làm những con lươn quá khổ đẩy cao nguy cơ tai nạn (rồi lại ăn tiền phá chúng đi), người rút ruột công trình gây sụp đổ, người cho mình quyền giáo dục con cháu theo hướng phản giáo dục, người áp đặt những giáo trình học lộn xộn và quá tải, người thải hoá chất nguy hiểm vào khu dân cư, người dùng chất bảo quản độc hại, người biết mà vẫn bán thực phẩm mang dịch bệnh...

Những nhân vật này mới chỉ là nạn nhân lớn, là những bản sao của sự yếu kém và suy đồi trong chính quyền. Mỗi sự suy đồi ở cấp cao, nơi mang biểu tượng của uy tín và luôn tự lăng xê uy tín, tạo ra một hành lang suy đồi trong mọi sinh hoạt của đời sống. Điển hình là sự yếu kém trong năng lực cống hiến cho công việc, văn hoá hành chính, ý thức tôn trọng công cộng, thái độ tiếp nhận/phổ biến nghệ thuật, cung cách tiêu thụ sản phẩm...

Chưa cần nói đến sự bất thường của thiên nhiên (bị tổn thương), chúng ta thử nhìn lại đời sống của mình luôn bị đe doạ như thế nào bởi những hiểm hoạ nhỏ nhặt nhất, thường xuyên nhất do con người tạo ra vây quanh. Ví dụ như hàng ngày đi chợ và phải đối mặt với những sản phẩm không rõ xuất xứ, người bán thì bị lây lan cái vô trách nhiệm từ ổ dịch tham nhũng với sự tự mị dân: “Làm lớn như thế, danh tiếng như thế còn làm bậy; huống gì làm nhỏ, vô danh như mình”. Tham nhũng khiến người dân không có nhiều cơ hội nâng cao dân trí để thay vì ca thán và bắt chước cái mình ca thán, xây dựng cho mình ý thức coi trọng môi trường chung và sinh mạng của tha nhân, phối hợp với chính quyền nghiêm túc thực hiện các mục tiêu cộng sinh hợp lí.

Bởi vậy, cùng với những nguyên thủ hiếu chiến [4] , người tạo nên nhiều tội ác nhất là người tham nhũng. Tội ác này được tính thế nào?

Dễ thấy nhất là lượng tội ác có thể đo bằng sinh mạng, sự cùng quẫn, sự mất mát cơ hội tiếp xúc với tri thức với thiên nhiên... của vô số người sau mỗi dấu phẩy được chuyển vị trí hay con số được thêm bớt (trong vô số công trình, dự án, kế hoạch như nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giáo dục, xoá đói giảm nghèo, giảm và miễn phí y tế, phủ xanh môi trường, nâng cao thể chất người dân...). Tinh vi hơn, nhà máy sản xuất tham nhũng là những người tham nhũng quyền lực, họ cướp đi quyền của nhân dân là được cấp và rút quota quyền lực cho người lãnh đạo thông qua bầu cử minh bạch. Những người đó bán quota quyền lực, quota cơ hội làm việc cho những nhân vật không đủ năng lực, trách nhiệm và sẵn sàng tham nhũng để bù đắp tiền bỏ ra mua quota. Nhiên liệu cho cỗ máy tham nhũng là sự thoát tội của những người phạm tội thông qua mua chuộc người thừa hành pháp luật. Đó là những cơ sở cấu thành một xã hội cạnh tranh không lành mạnh và hỗn loạn, vì thế, phá hoại những tích luỹ dân chủ của mỗi quốc gia.

Có thể thấy người mất trí bẩm sinh và người “chọn” mất trí (ví dụ như người nghiện chơi games hay một số nghệ sĩ) chỉ là thiểu số trong tỷ lệ mất trí do áp lực nặng nề trong những xã hội nghèo, lạc hậu hoặc giầu có nhưng chênh lệch giầu nghèo quá cao bởi dân trí thấp. (Từ đó, cũng khó có thể nói người nghiện chơi games và một số nghệ sĩ “chọn” mất trí không hề là nạn nhân của những tình trạng này).

Với những hiểm hoạ mình gây ra, người tham nhũng là người gieo mầm chiến tranh trong thời bình.

Vậy, từ một vài minh chứng ấy, đã có thể kết luận: Chịu trách nhiệm lớn nhất cho tội do những người mất trí gây ra là những người tham nhũng (cùng với những người gây chiến) - phần ác của cái tội.

Những mục tiêu tươi tốt mà các chính quyền công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn bị cớm nắng và thui chột dưới cái bóng to lớn của tham nhũng. Người không tham nhũng, người thực sự có mong muốn vun đắp những mục tiêu dân chủ, nếu không đủ năng lực gánh trách nhiệm công việc, sẽ từ chức để được thay thế bởi người có năng lực hơn. Lí do ở lại, bất chấp danh dự, là còn giá trị sử dụng cho công cuộc tham nhũng, là ám ảnh bị trừng phạt không đủ lớn hơn hấp lực của tiền bẩn.


2. Trừng phạt thế nào? Ai trừng phạt?

Bên cạnh những khung hình phạt như tịch thu tài sản, phạt tù, tù chung thân, tử hình (tử hình bắt buộc có tốt bằng cho chọn tử hình hoặc lao động chung thân để chuộc tội?)... áp dụng chung cho tội tham nhũng, cần có sự trừng phạt mang tính nhổ cỏ nhổ tận gốc áp dụng cho những đối tượng tham nhũng trên 100.000 USD [5] (tiền đục khoét công quỹ; tiền mua bán quota quyền lực, cơ hội làm việc; tiền chạy án...). Đó là, kế thừa và phát huy phương pháp của Singapore đối với một công dân Mỹ đến phá hoại tài sản của người khác: Tụt quần, đánh roi mây (số roi, độ nặng tuỳ theo mức độ tham nhũng, tình trạng sức khoẻ), chiếu cho cả thế giới xem.

Nhưng người tham nhũng cũng là nạn nhân thì sao?

Đúng. Ở khía cạnh nào đó, tất cả nhân loại đều là nạn nhân của tội lỗi do mình gây ra. Nhưng càng lựa chọn vị trí cao thì càng phải từ bỏ lời bào chữa nạn nhân của mình (“quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn”). Hãy để sự tha thứ, nếu có, đến từ quần chúng.

Nhưng trừng phạt như vậy, người tham nhũng vừa đau vừa ngượng không tả xiết, dư luận xem đánh xong có mủi lòng xót xa cho thì cũng chẳng dám nhìn mặt ai. Cứ thế, lủi thủi, hối hận, căm giận... Khi ra tù, lấy số tiền đã rửa không thể bị tích thu hết đi du lịch, có rượu ngon mỹ nữ vây quanh. Nhưng càng uống để quên càng nhớ, các mỹ nữ cứ nhìn mình cười mím chi... Quyết tâm đi mỹ viện thay mắt mũi da tóc vân tay thì vẫn không thay đổi nổi hình ảnh mình nằm sấp ăn roi quắn đít. Nỗi tủi thân này ai bù đắp được, đâm ra mất trí thì sao?

Vậy thì đừng tham nhũng để rồi tự xếp mình vào danh sách những nạn nhân của mình. Với chuỗi tội ác trực tiếp và gián tiếp do tham nhũng gây ra, có thể làm hỏng hàng thế hệ, hàng thời đại, sự trừng phạt nào cho đủ.

Nhưng ai sẽ là người đeo nhạc cho mèo, ai sẽ là người tụt quần người tham nhũng?

Bởi vậy, những khẩu hiệu chống tham nhũng của chính quyền chỉ đáng tin khi người phát ngôn là người dám tụt quần đánh roi người tham nhũng. Chống tham nhũng chỉ hiệu quả và đáng để lạc quan chỉ khi người dân thực sự có quyền lực đối với chính quyền: Chính quyền không chống tham nhũng tốt, chính quyền sẽ bị lên án mạnh mẽ. Khi bị lên án, chính quyền vẫn (tự) bó tay trong việc chống tham nhũng, chính quyền sẽ bị thay thế.


3. Thước đo dân chủ

Khi người tham nhũng mất dần đồng bọn và suy yếu dần, tỷ lệ người không hề tự nguyện mất trí mà vẫn bị áp lực xã hội dồn đến tình trạng mất trí cũng giảm theo. Song song, tỷ lệ người bẩm sinh mất trí vì phải mang những nghiệp chướng tủi hờn của mẹ cha, giống nòi cũng dịu đi. Không chỉ thế, những người (có vẻ) chưa mất trí cũng được cứu rỗi nhiều. Họ, cũng như pháp luật, không phải tham dự một trò chơi hèn mọn, đầy phi lí và huỷ diệt nhân tính: Sống trong một vô thức tập thể đầy ức chế, luôn dễ dàng bị kết tội, vì thế, đầy ứ nhu cầu kết tội người vô tội khi không dám kết tội người có tội (đây liệu có được coi là một tình trạng thần kinh bình thường?).

Nghiêm trị người có tội lớn làm gương, con người mới dần được đối xử công bằng trong những phán xét của pháp luật. Khi ấy, trong một đời sống vật chất đầy đủ hơn, tiền đầu tư nâng cao dân trí được sử dụng đúng mục đích hơn, sức khoẻ và quyền con người được bảo đảm hơn, sẽ dần không còn những đứa trẻ sinh ra chỉ bởi sự dồn nén và ngu dốt, không hề được chờ đón, khồng hề được hưởng những nguồn thiện tính từ tha nhân khi ra đời; trong sự bị ruồng bỏ đó, dễ dàng tích tụ những tình trạng mất trí, dễ dàng gây ra tội ác. Có thể thấy rõ cái ác đã được tại ngoại và nhởn nhơ sinh sôi thế nào trong cuộc sống khi nó không hề nhận được trừng phạt hoặc con người dồn hết sự trừng phạt lên những nạn nhân dây chuyền của cái ác nhất. (Nhân loại tự cười vào mũi mình nếu vẫn cứ dịu dàng với tham nhũng như dịu dàng với những tội phạm chiến tranh). Đó là nhân quả của phi lí. Dân chủ hoặc là sự huỷ diệt.

Tín hiệu của khí hậu dân chủ là mở ra bầu khí quyển cho con người có cơ hội nhìn lại, nhận thức những thành quả kỳ diệu của khoa học, kỹ thuật, những sự tự huỷ hoại và mất phương hướng khi sử dụng chúng bừa bãi, sự đối lập không đáng có ngày một sâu sắc giữa tiền và nhân tính...

Mức dân chủ của một xã hội được đo bằng mức hội tụ những điều kiện cho con người được sống lành mạnh và minh mẫn, không bị thúc đẩy làm hại người khác bởi những hận thù, thèm khát dồn nén trong vô thức mà không có những phương tiện giải toả hợp lí (như không gian riêng tư, sân chơi, thiên nhiên; cơ hội học tập, làm việc, phát biểu chính kiến, được chữa bệnh, được bình đẳng về giới tính, thưởng thức và làm nghệ thuật, dùng internet, sinh hoạt tình dục an toàn...). Khi có những điều kiện giải thoát khỏi sự bóp nghẹt của xã hội (được không bị đẩy vào tình trạng mất trí), con người phải thực hiện triệt để nghĩa vụ của người dân chủ: trực tiếp trả giá cho hành vi phạm tội do nuông chiều mình, mình làm mình chịu:

“Bây giờ riêng đối diện tôi” (Bùi Giáng).


*


đời vui lắm chứ
như hôm
tôi nhìn thấy một cây ôm một người
vươn tay hái những quả tươi
xanh vàng đỏ
nắng biếng lười bọc quanh
dưới đường ùn tắc kinh thành
trong nhà thời sự chiến tranh ngập tràn
mọi người chợt thấy bình an
khi cây cối vẫn hỏi han dịu mềm
cây ôm người đó đến đêm
phố thưa thớt mới dịu êm vẫy chào
hôm sau vô tuyến xôn xao
mỗi người như một cào cào trên cây
báo mới đây
báo mới đây
nhiều người dừng lại ngắm mây trên đường
một dân tộc thật phi thường
cho dù tham nhũng bất lương hoành hành
hôm qua hai tấn xi lanh
được tìm thấy ở xung quanh các hồ
sang nay một chiếc ô tô
tự nhiên mất lái đi vồ người dân
một cô bé đã xuất thần
phát minh ra một chiếc cần câu cơm
một con voi biết ăn rơm
nên phân nó ị ra thơm mùi bùn
một giáo sư mang dao cùn
đi đâm thủng lốp xe Kunđềrà
bao nhiêu chuyện lạ quanh ta
có trong tạp chí Tình xa hàng ngày
tuy nhiên lạ nhất hôm nay
vẫn là người ngắm mây bay đầy đường

(Đời vui lắm chứ, 09.05.06)


Tháng 4 & 5.2006

© 2007 talawas



[1]“Khi tự do tư tưởng, tự do của các từ, các thái độ, các lời nói đùa, các suy tư, các ý nghĩ nguy hiểm, các khiêu khích trí tuệ co lại dần, bị sự cảnh giác của toà án của chủ nghĩa bảo thủ chung canh giữ, thì tự do của các xung năng lớn dần lên. Người ta truyền giảng sự nghiêm khắc đối với tội lỗi về tư duy; người ta truyền giảng sự tha thứ đối với những tội ác phạm phải trong sự ngây ngất cảm tính”. (Những di chúc bị phản bội - Milan Kundera - Nguyên Ngọc dịch)
[2]Tôi dùng các từ “người”, “họ” thay vì những từ mà có thể có độc giả cảm thấy nên đưa vào như “kẻ”, “lũ”, “bọn”, “Con Người”, “chúng”... Tuỳ theo từng ngữ cảnh, tự độc giả tìm hiểu các góc độ của chữ “người” trong mỗi đối tượng được đề cập có lẽ hợp lí hơn.
[3]Tôi nghi ngờ thiện tính trong trí tuệ của những người làm luật hay những người nắm quyền không đọc Kafka hoặc không có những luồng suy tư về pháp luật và quyền lực dạng Kafka.
[4]Những nguyên thủ hiếu chiến: Những người phân phát đủ loại huân chương nhân danh tự do che mờ hành vi tạo ra bi kịch cho những người đánh mất tuổi xuân, thân thể, thân nhân, tài sản, tri thức, lương tri, tính mạng... trong các cuộc chiến; bi kịch chậm rãi, triền miên hơn cho những nạn nhân hậu chiến (thương binh, người nhiễm chất độc, thuyền nhân, phe phái vùng miền, người sống giữa môi trường bao cấp, chộp giật trong nền kinh tế tan hoang...).
Nực cười cho sự sẵn sàng a dua những lí thuyết biện hộ rằng, nhờ chiến tranh, những phẩm chất cao đẹp của con người mới được hiển lộ. Tư liệu chiến tranh có đủ sáng rõ để chắc chắn một hành động được cho là cao đẹp không là hư cấu và cứ thế được truyền miệng; hoặc dù nó có thực, ẩn sau nó có chắc là một động cơ đẹp, tự nguyện? Và giả sử, hành động được cho là cao đẹp được xuất phát từ một động cơ đẹp, con người còn trong trẻo được nữa không khi đã vấy máu tha nhân, dù là vấy máu tha nhân để cứu tha nhân? Trong số những người che chở, chăm lo tính mạng tha nhân giữa các làn đạn (những người phải khổ đau chiến đấu bảo vệ người khác, những y bác sĩ tận tình, những người tải lương thế chấp sinh mạng của mình, những người phụ nữ mang bản năng làm mẹ, những người bị tra tấn không khai nơi đồng bào ở vì sợ họ bị đau...), có ai thèm được đặt cây thánh giá chiến tranh lên lưng, được quất roi đi một quãng đường dài rồi được đóng đinh lên nó? Ai dám chắc những phẩm chất nhân ái trong con người họ không bộc lộ và không có nhiều cơ hội bộc lộ hơn trong hoà bình? Chiến tranh, bởi sự phi lí của nó, thường chỉ làm bùng nổ nhu cầu chém giết (bằng sự cổ vũ cuộc đua nhân danh khai phá tự do, bằng sự hứa hẹn không bị trừng phạt mà còn được trả tiền và phong thánh, bằng hận thù, bằng sự vô nghĩa không có ngày mai) đẩy con người vào thế bị mụ mị và chỉ còn biết a dua. Mặt khác, chiến tranh tạo ra sự tuyệt vọng cho những người không muốn chém giết và để lại thời đại hậu chiến lanh tanh bành.
(Một truyện cực ngắn về chiến tranh được lưu truyền: "Tôi không muốn giết người." – "Được thôi, anh hãy cầm lấy khẩu súng này và tiến lên, anh có quyền không bắn." Các khả năng khác: Tôi sẽ bắn anh nếu anh không bắn/ Cả dân tộc sẽ nguyền rủa anh nếu anh không bắn/ Dòng họ, bạn bè, cha mẹ, vợ con anh sẽ chịu sự ô nhục và bị trừng phạt bởi sự hèn nhát của anh nếu anh không bắn)
Có thể chiến tranh, đối với một số nhân vật, là một sân chơi để phát huy tối đa khả năng trong trò chơi và tìm thấy hạnh phúc. Nhưng chỉ có những người không có khả năng đặt mình vào môi trường bị đói khát, bệnh tật, bị tra tấn, bị hãm hiếp, bị chứng kiến sự huỷ hoại và mất đi những điều thân yêu nhất bên trong và bên ngoài mình... mới cổ vũ cho trò chơi của thiểu số lấy thân phận của tha nhân để làm nền. Mà cho đến tận thời điểm này rồi, tôi có cần mất công phản biện cái công trình tư duy ấu trĩ “phải nghèo, phải khổ đau mới sáng tạo được” đó nhiều vậy không? Con người vốn dĩ đâu đã là gì trước vũ trụ, thiên nhiên, máy móc khôn lường và những vết thương trong vô thức. Còn vô số việc phải làm hơn là tạo ra những thứ gớm ghiếc rồi tốn bao thời gian, sinh mạng vẫn chưa thể chống lại. Mà loài người đâu có mù. Tôi thừa lời, thừa lời rồi.
[5]Một con số mời những người lập pháp các nước tham khảo