trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
15.5.2007
Hà Sĩ Phu
Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội
(Mạn đàm cùng các ông Lê Hồng Hà , Bùi Tín, Võ Văn Kiệt)
 1   2   3 
 
  • Phần I: Mấy lời trước khi tham luận
  • Phần II: Mấy nhược điểm chính trong tính cách của dân tộc ta, và cách ứng xử cần thiết hiện nay
  • Phần III: Mác-Lênin là cái nền móng không dùng được nữa
  • Phần IV: Nhân vật lịch sử Phan Chu Trinh và những bài học cho hôm nay


Phần I: Mấy lời trước khi tham luận

Xã hội Việt Nam lúc này, hơn bao giờ hết cần sự động tâm, động não… của mỗi người dân Việt.

Nếu chỉ lấy dấu mốc từ 1975 khi chiến tranh kết thúc đến nay thôi thì tình hình xã hội Việt Nam cũng đã cho thấy những tính chất rất phức tạp. Từ phía đảng cầm quyền đã có một hệ thống lý luận cung cấp một cách nhìn toàn cảnh, cho thấy đất nước đã vượt qua hàng loạt khó khăn một cách thắng lợi, đã hội nhập được vào nền kinh tế toàn cầu, bộ mặt kinh tế đất nước và đời sống nhân dân đã được cải thiện một cách căn bản và đang phát triển với tốc độ cao; những thành tích ấy là do có một cái nền ổn định về chính trị, có sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, được quốc tế ủng hộ, nhất là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam với phương châm chiến lược tuyệt đối đúng là kiên trì định hướng Xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là con tàu Việt Nam đã được đặt vào đúng quỹ đạo, hành khách có thể hoàn toàn yên tâm.

Đấy cũng là sự thật, song mới là sự thật một nửa, một mặt của sự thật. Chỉ cần “hành khách” không thuộc loại vô lo vô nghĩ để có thể cứ yên tâm ngủ gà ngủ gật, mà lại tỉnh ngủ để nhìn rõ những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài đoàn tàu thì lập tức thấy không thể yên tâm, không thể phó mặc, mà tự nhiên thấy lo âu, và có phần sinh nghi.

Những thực tiễn trái chiều và nhận định trái chiều với quan điểm chính thống thì nhiều vô kể, nhưng điều đáng nói nhất là sự tích luỹ những sự kiện ấy đã dẫn đến chỗ buộc phải xét lại vấn đề một cách hệ thống. Bởi có nhãn quan hệ thống mới có thể lần ra đầu mối một thực tế phức tạp, tốt xấu đan cài, với nhiều ảo ảnh, nhiều vùng nguỵ trang để đánh giá đúng và có những quyết định đúng và thái độ ứng xử đúng.

Những quan điểm trái chiều có tính hệ thống ở Việt Nam đã xuất hiện khá sớm, trên dưới 20 năm nay. Nhưng theo thời gian, mâu thuẫn ấy không giảm để đi vào ổn định, trái lại ngày càng tăng lên.

Chỉ cần lấy ba bài viết gần đây, từ ba nhân vật đã hoặc đang là những đảng viên khá cao cấp của Đảng CSVN, mang tính xét lại một cách hệ thống làm ví dụ: bài “Góp ý với Báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới”của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt công bố cuối tháng 5 -2006 [1] , bài “Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc-dân chủ ở Việt Nam” của nhà báo Bùi Tín ngày 24-3-2007 [2] , và bài trao đổi của ông Lê Hồng Hà với Hà Sĩ Phu ngày 10-3-2007 [3] .

Ba nhân vật này đều đã là ba đảng viên cộng sản cấp khá cao nhưng nằm trong ba trường hợp diễn biến rất khác nhau, nên khá tiêu biểu cho bức tranh phân ly tất yếu phát sinh từ trong Đảng Cộng sản (một ông cựu thủ tướng vẫn đang là đảng viên có vai vế cao trong Đảng, một ông bị Đảng khai trừ và bỏ tù vì trái quan điểm nhưng vẫn gắn bó mật thiết với nội tình của Đảng, một ông đã ra khỏi nước và chính thức đối lập với Đảng).

Ba bài viết đều toát lên nhu cầu phải dân chủ hoá xã hội, nhưng thuộc ba cung bậc khác nhau, và cả những ưu điểm cũng như nhược điểm của các bài ấy đều kích thích người ta bàn luận, nên ngẫu nhiên hợp lại có thể coi như một “đề dẫn” khơi mào cho một cuộc thảo luận mang tính hệ thống. Quan điểm trái chiều của những trí thức không phải đảng viên cộng sản tất nhiên mạnh mẽ hơn nhiều, nhưng hãy chỉ kể thêm một tài liệu nữa, từ những người đứng giữa, là “Nghị quyết số 1481” của Hội đồng Nghị viện châu Âu PACE ngày 25-1-2006 [4] , một bản đúc kết có tính quốc tế, khái quát và khách quan.

Đọc xong các tài liệu ấy, một người Việt có hiểu biết không thể không đặt ra những câu hỏi từ tổng quát đến cụ thể:
  • Sự chọn lý thuyết cộng sản vừa làm mục đích vừa làm phương tiện có phải là sự lựa chọn đúng, khoa học và khôn ngoan không?

  • Trên con đường cộng sản ấy Việt Nam đã đi được đến đâu, và sẽ đi đến đâu, những hiệu quả chính trị và xã hội (cả tích cực và tiêu cực) của sự lựa chọn ấy đối với quá khứ, hiện tại và tương lai tốt xấu ra sao? Đảng CSVN hiện nay có thực trung thành với chủ nghĩa cộng sản không, hay trung thành với cái gì khác?

  • Nên tóm tắt diễn biến của xã hội Việt Nam 32 năm qua như thế nào cho đúng thực chất?

  • Nên xử lý thế nào trước thực tiễn lịch sử rất không đơn giản này để phát triển đất nước một cách trong sáng, xứng với tầm thời đại? Cứ yên tâm như hiện nay mà đi tiếp hay phải thoát ra khỏi tình trạng này, và ra bằng lối nào?

  • Có thể áp dụng kinh nghiệm các nước khác vào Việt Nam không? Việt Nam có tính cách đặc biệt gì trong tư duy và trong ứng xử?

  • Những người trí thức có trách nhiệm thế nào trong những diễn biến ấy?
vân vân…

Mặc dù mọi vấn đề đều có liên quan với nhau, nhưng muốn ngồi lại với nhau để thảo luận được, trước hết phải tách thành hai lĩnh vực: lĩnh vực nhận thức, lý luận khoa học và lĩnh vực hoạt động chính trị. Bấy lâu nay không thể thảo luận gì được vì cứ vội vã nhập hai lĩnh vực này làm một, tư duy cứ bị cái chính trị của bên này hay bên kia chụp mũ thô bạo nên “chết ngắc”, mất hẳn thiên chức khách quan, nhạy cảm chỉ đường của nó.

Nhận thức khoa học và hoạt động chính trị là hai lĩnh vực khác hẳn nhau, một bên lấy chuẩn là sự thật, là chân lý khách quan, một bên lấy chuẩn là lợi ích, mà lợi ích luôn có tính chủ quan (dù là lợi ích lớn của một dân tộc cũng vậy). Vì khác nhau về xuất phát điểm nên cũng khác hẳn nhau về tính chất: đã là tư duy khoa học để tìm chân lý khách quan thì phải đi đến cùng, phải nhất quán, phải triệt để, để xác định xem cuối cùng “bản chất nó là cái gì”? Không thể nhân nhượng, không thể pha trộn cho vừa lòng, không được “nói dựa” theo thực tế mà còn phải đi trước thực tế.

Còn hoạt động chính trị thì khác hẳn. Dẫu có dựa trên một chân lý khoa học khúc chiết và triệt để đến đâu thì người hoạt động chính trị vẫn phải căn cứ vào thực tế, phải xuất phát từ hiện trạng, phải thích nghi và điều chỉnh thái độ từng bước theo thực tế, thích nghi với quần chúng, sẵn sàng mềm dẻo, thương lượng để tìm sự đồng thuận, cốt sao vận động được quần chúng thành sức mạnh để thực hiện mục đích. Mà mục đích lại phải chia thành nhiều giai đoạn từ thấp lên cao. Có lúc tiến, có lúc lui, tuỳ tương quan về thế và về lực. Trong khi khoa học không chấp nhận thủ đoạn, luôn phải nói thẳng, nói đúng sự thật, thì người hoạt động chính trị có thể dùng “thủ đoạn chính trị”, không phải bao giờ cũng nói hết sự thật hay toàn bộ tiến trình. Đánh giá người hoạt động chính trị là ở kết quả cuối cùng đối với xã hội. Nghệ thuật chính trị là vậy, nếu người hoạt động chính trị lại hành xử giống như một nhà khoa học hay hành xử theo xúc cảm chủ quan thì đều là “vô chính trị”.

Bởi hai lĩnh vực khác hẳn nhau như vậy nên nếu ta đem cả hai dạng đối chọi ấy vào một cuộc hội thảo thì khó có thể dung hoà.

Theo sự liên quan đến hai lĩnh vực này, mỗi chúng ta có thể gần gũi với một trong năm trường hợp:
  1. Hoặc là một người duy lý, chỉ quan tâm đến những vấn đề lý luận khoa học và nhận thức (kể cả khoa học chính trị và nhận thức chính trị);

  2. Hoặc là một người hoạt động chính trị, một người duy lợi, chỉ quan tâm đến lợi ích, thắng thua;

  3. Hoặc là người quan tâm đến cả hai lĩnh vực trên, vừa tôn trọng lý luận khoa học để tìm chân lý khách quan, vừa muốn có hoạt động xã hội để góp phần thực hiện chân lý đó (có thể nặng về mặt này nhiều hơn hay mặt kia nhiều hơn);

  4. Hoặc là một người cũng quan tâm đến lý luận chính trị-xã hội nhưng từ các góc nhìn khác, từ những nhu cầu khác (duy tín, duy mỹ, duy ngã...);

  5. Cuối cùng, đương nhiên có những người không quan tâm gì hết, coi ngôn luận là trò bỏ đi.
Mỗi “type” người nói trên có kiểu ngôn luận riêng. Nhưng trong một không khí bao trùm bởi độc quyền chính trị thì mỗi “type” ấy đều phải biến dạng. Nhà khoa học cũng khó có thể bộc lộ quan điểm khoa học một cách hoàn toàn thoải mái, tự do. Một nhà chính trị khôn ngoan thì vốn ít khi “nói thẳng ruột ngựa”. Một nhà văn thì lại có cách cảm thụ, cách diễn đạt riêng, với uẩn khúc riêng. Nhưng dù có bị che mờ đi thì rồi người đọc vẫn có thể nhận ra động cơ và hàm ý cốt lõi của người viết.

Điều quan trọng là: Hãy cứ nhận thức vấn đề cho thấu đáo, cho khoa học, cho thoải mái, cho khách quan trước đã! Rồi vận dụng nhận thức ấy vào hoạt động chính trị, vào cuộc sống thế nào là việc về sau của mỗi người, là quyền của mỗi người, mỗi phe phái. Nếu biết tách thành hai “công đoạn” như vậy thì hai mặt mâu thuẫn vẫn tìm được chỗ thống nhất. Một nhà khoa học rất triệt để trong nhận thức vẫn có thể là người rất mềm dẻo trong ứng xử, kể cả ứng xử chính trị.

Vậy muốn đi tìm một nhận thức đúng thì đừng vội gò mình và gò người khác vào nhu cầu chính trị, đừng vội quy kết chính trị. Nếu tôn trọng điều này chắc cuộc thảo luận về nhận thức có thể đem lại nhiều điều bổ ích chung và bổ ích cho mỗi người (tất nhiên trừ những người ngay từ đầu đã có nhu cầu tránh né sự thật!).

Vậy ta hãy bộc lộ nhận thức một cách thẳng thắn theo tinh thần khoa học.


*


Phần II: Mấy nhược điểm chính trong tính cách của dân tộc ta, và cách ứng xử cần thiết hiện nay

Người Việt mình bản tính chỉ ưa những gì thiết thực. Nhưng ưu điểm ấy thái quá thì thành thực dụng, tiện dụng. Trong bộ ba Chân Thiện Mỹ ta thường say mê Thiện và Mỹ, trong đó Thiện là tốt, là tử tế, là có ích, có lợi. Mỹ là cái đẹp. Thiện và Mỹ thì dùng được ngay, thưởng thức được ngay. Còn Chân là để biết cái thực chất, cái bản chất của sự vật đúng như nó vốn có, thì phải truy nguyên, truy cứu đến cùng; việc này rất tốn công lại thường gây rắc rối nên số đông thường tránh né, thường bỏ ngoài tai.


Việc truy nguyên, truy cứu ấy ta thường “nhường” cho người khác, cho những người “dư lực”, cho những nước giàu có-văn minh, hoặc giả lại khoán trắng cho người có quyền. Sự lảng tránh, không chịu mất công tìm cái gốc sâu xa ấy một phần do tính khôn lỏi, một phần do mặc cảm tự ty, ngại khó, không dám bỏ công thiết kế cái nền tảng cho mình, cứ nương theo cái nền có sẵn mà phụ hoạ, mà khai thác thôi. Cái gì đã có sẵn, đã du nhập vào, đã thành chính thống là chấp nhận hết, tận dụng hết, nếu thấy có gì còn chênh, còn sượng, thì xào xáo lại, hoặc cố kê cho bằng, cố chắp nối vào cho khớp. Vì thế mà không thể có một tư tưởng cho ra tư tưởng, một cái nền nào cho ra cái nền.

Nhặt một chút Lão, một chút Khổng, một chút Thích Ca, một chút Giê-su, một chút Tôn Trung Sơn…, lại gò hết cả vào cho lọt cái chảo Mác-xít thì thành tư tưởng sao được? Một sự kết hợp chủ động và có sàng lọc thông minh, sáng tạo như của Phan Chu Trinh là trường hợp hiếm thấy (xin đề cập nhân vật lịch sử này trong một mục khác).

Người Việt mình tuy rất thông minh, nhạy cảm nhưng chỉ giỏi thứ văn thơ “tầm tầm”, chơi vơi, mà không đóng góp được cho nhân loại một triết gia hay một nhà bác học nào về khoa học chính xác là bởi cái tính lưng chừng, không triệt để ấy. Khi cái Thiện cái Mỹ đã đứng trên cái nền vay mượn, thì văn hoá khó thoát khỏi tính chất ký sinh, mà chính trị cũng dễ bị trào lưu đưa đẩy. Người cầm cờ thì chạy theo trào lưu, nhân dân thì đổ xô theo người cầm cờ. Thế là cả cộng đồng không biết nắm đằng chuôi, cứ nắm đằng lưỡi (lưỡi là bộ phận hào nhoáng, tiện dùng), thì bị người ta “dắt tựa trâu bò” (lời thơ Hồ Chí Minh) là lẽ đương nhiên, đã dính vào rồi thì về sau có tỉnh ngộ ra cũng không cưỡng lại được nữa, cưỡng lại thì đứt mũi, đứt tay.

Người thực dụng, cảm tính, ăn xổi như vậy trước mắt tưởng là khôn nhưng suốt đời mắc những cái dại lớn. “Hớt váng nổi” mãi cũng không được, hớt mãi sẽ cạn và đụng đến cái bế tắc. Khi bế tắc đáng lẽ phải đi lại từ đầu, nhưng vốn không có sự kiên trì dũng cảm ấy nên đương nhiên lại chọn cách sửa chữa vá víu, tu sửa vặt, thế là mãi mãi không có một cái nền nào vững chắc.

Nền không vững thì nhà không thể xây cao, Tư tưởng không được định hình vững chắc và chính xác thì dân tộc không thể đi xa. Đến những việc trọng đại của dân tộc mình, không ai làm hộ được mà ai cũng “khoán trắng” cho người khác thì mong chi làm chủ được cơ đồ? Hàng nghìn năm phụ thuộc Trung Quốc là do phụ thuộc về ý thức hệ. Mấy chục năm phụ thuộc phe xã hội chủ nghĩa cũng vì phụ thuộc ý thức hệ. Đến bây giờ dân phụ thuộc vào Đảng cũng vì bị ý thức hệ dắt đi. Cái giá phải trả cho sự ỷ lại, lười nhác về tư duy là như vậy đấy.

Khi nhấn mạnh vai trò nền tảng của tư tưởng, phải hiểu rằng ai chiếm lĩnh được nền tảng ấy là làm chủ được xu thế xã hội. Có tư tưởng đúng mới xây dựng được một dân trí cao.

Một dân tộc không có tư tưởng hay coi nhẹ tư tưởng thì cũng tự đánh mất luôn quyền làm chủ xã hội của mình.

Ngược lại, áp đặt một tư tưởng cho nhân dân, dẫu cho tư tưởng ấy ca ngợi dân lên đến tận trời, thì cũng là huỷ diệt tận gốc khả năng làm chủ của nhân dân. Chỉ cần trói buộc được một người về tư tưởng thôi là cơ bản đã trói buộc xong con người đó, đảm bảo họ chỉ cựa quậy quanh quỹ đạo ấy, mọi sự cải thiện về sau cũng chỉ là vớt vát.

Chỉ với một tư tưởng “trung quân” (bởi “quân” là đấng Thiên tử - con Trời, thay Trời trị dân) mà vua chúa chiếm được hết cả sơn hà xã tắc. Thần dân bị mất sạch sành sanh vào tay vua chúa, thế mà chỉ cần một câu nói xạo “dân vi quý, quân vi khinh”, hay một chén rượu thưởng, một mảnh giấy khen… là sướng run lên đến quên hết sự đời. Khốn nạn thay!

Dân phẫn nộ, có vùng lên thì xương máu góp lại cũng xây đắp nên một ngai vàng mới, còn tệ hơn ngai vàng cũ. Bởi vấn đề gốc rễ không phải là thay một ngai vàng, mà phải thay một tư tưởng!

Không cần tư tưởng tâng bốc nhân dân, vô ích! (Nghịch lý là muốn thương dân thì đừng nhìn chăm chăm vào dân làm gì mà hãy để mắt nhìn vào kẻ trị dân!) Chỉ cần kẻ trị dân không được độc quyền, buộc phải phân quyền, vì độc quyền sẽ dẫn đến lạm quyền vô hạn. Thế thôi, lão vua nó bảo nó sẽ tu thân, nó sẽ thương dân, nó sẽ hy sinh hết cho dân, nó chỉ muốn làm đày tớ của dân, ngoài ra nó không có lợi ích nào khác? Mặc nó, không nghe làm gì! Chỉ cần nó chịu phân quyền, nó không được độc quyền cai trị, khi nó sai trái dân có thể phế truất. Muốn phế truất được thì dân phải nắm đằng chuôi. Muốn nắm đằng chuôi thì cái triết lý trị dân, tức cái tư tưởng chính trị phải do dân lựa chọn.

Cụ Hồ đã chọn một con đường cách đây ngót một thế kỷ, trong một ý thức không mấy đầy đủ [5] , nay tuyệt đại bộ phận các nước, nhất là các nước văn minh, đều xác nhận con đường ấy là sai, thì phải đặt vấn đề ấy công khai lên bàn cho toàn dân tộc thẩm định một cách dân chủ. Nếu trước chọn chưa đúng thì nay dân chọn lại, dân là chủ thì việc tối hệ trong này phải do ông chủ quyết định, chứ không thể nhường cái quyền lựa chọn ấy cho “Bác Hồ” hay cho bất cứ ai. Nhưng các giới cầm quyền trong các nước xã hội chủ nghĩa đã “vớ” được một chủ nghĩa cực kỳ béo bở nên không muốn rời ra nữa (sao Mác thương người lao động mà lại nghĩ ra cái chủ nghĩa làm khổ người lao động đến thế? Hãy so sánh đời sống người lao động ở các nước theo chủ thuyết Mác với các nước tư bản xem ở đâu tốt hơn, hãy mở cửa xem người dân chạy từ đâu sang đâu?). Mà dân mình thì đã nhiễm cái bệnh thâm căn cố đế là thiếu tinh thần tự chủ nên cứ tiếp tục để bị dắt đi, như thể chẳng có gì quan trọng xảy ra hết!

Đến đây, tôi xin phép dừng lại một chút, bàn về ý thức làm chủ của người Việt mình. Sự vùng lên đánh giặc với ý thức làm chủ là hai thứ khác nhau một trời một vực, một thứ là bản năng sinh tồn của kẻ bị mất nước, một thứ là ý thức xã hội của công dân một nước độc lập. Truyền thống ỷ lại, phụ thuộc, chiều lòng cấp trên của người Việt đã hun đúc nên cái đức “tự kiểm duyệt” rất tuyệt vời. Chưa cần cấp trên ra lệnh hoặc cấm đoán mà mình đã thông minh, nhanh trí, tưởng tượng xem tâm lý cấp trên muốn gì để mình tự thực hiện trước. (Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, sự ngoan ngoãn đi trước là sự khôn ngoan của “thánh nhân” đấy!)

Điều kỳ lạ là kẻ bị trị lại nhanh nhảu thử đặt mình ở địa vị kẻ thống trị, xem là cấp trên thì muốn điều gì, không muốn điều gì, để mình tự giác thực hiện. Nhiều “trí thức cách mạng” đã là kẻ đi đầu trên con đường nô dịch này: nhà nước chưa hề đặt quy chế kiểm duyệt mà nhà văn nhà báo đã tự xếp hàng đi đều tăm tắp trong hàng quân văn nô không chút sơ suất! Văn hào Nga Mikhail Alexandrovich Solokhov đã tự hào về sự tự kiểm duyệt như sau: “Tôi viết theo mệnh lệnh trái tim, nhưng trái tim tôi thuộc về Đảng” (chứ Đảng đâu cần ra lệnh cho tôi?). Trái tim vẫn nằm trong lồng ngực nhưng đã được nhà văn “chuyển giao” cho Đảng, một quy luật của tình yêu (si tình “xin chết” cho người mình yêu) đã vào chính trị một cách ngọt ngào. Không phải chỉ những bài viết, những tác phẩm, mà cả những cuộc đời cũng được tự kiểm duyệt cho “phải đạo”! Tôi chợt hiểu ra một thuật chính trị: Muốn đánh lừa người khác thì tốt nhất là làm thế nào cho họ tự đánh lừa họ, bằng cách đó họ sẽ tiếp tục giúp mình đánh lừa những người khác nữa, tạo nên một phản ứng dây chuyền! Nhà thơ Bùi Minh Quốc gọi mẹo ấy là “biến cuộc trấn lột thành một cuộc hiến dâng tự nguyện”.

Cũng nhà thơ Bùi Minh Quốc, trong bài viết “Một mình một phiếu[6] mới đây đã phát hiện thói “tự kiểm duyệt” của phần đông người Việt trong việc bầu cử: Chỉ có một mình trong phòng kín với lá phiếu trong tay mà không làm chủ được mình, vẫn luôn bỏ phiếu cho những kẻ mà lúc thường ngày mình vẫn không coi ra gì vì tội tham nhũng! Nếu lúc ấy mình gạch tên ấy đi thì có ai làm gì mình đâu? Cái thói tự kiểm duyệt đã thành tự kỷ ám thị đưa con người vào tình trạng bị thôi miên. Mà tôi xin nói: Đảng đâu có bảo anh làm như thế, làm thế Đảng còn “mắng” cho là đằng khác! Đảng vẫn nói: “Đảng đem lại quyền làm chủ cho dân, làm chủ gồm có làm chủ bản thân trước rồi mới làm chủ xã hội!” Thế mà lúc “một mình một phiếu” trong phòng kín mình lại không “làm chủ bản thân” thì tức là mình làm ngược ý Đảng chứ? Nhưng, một người dân khẽ bảo với tôi: Thôi ông ơi, cứ “làm ngược” thế mới là xuôi đấy ông ạ! (Người dân nào cũng làm y như mình rất am hiểu về khoa “Tâm lý Đảng” mới lạ! Tài thế!). Không chỉ người dân thường, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi cũng thường có những ứng xử rất “xoàng”, rất không xứng, mặc dù chẳng có sức ép gì đến mức phải chọn cách ứng xử như vậy. Cũng là một kiểu tự kiểm duyệt an toàn quá mức cần thiết đấy thôi.

Không ít người còn có suy nghĩ đơn giản: Trước mắt hãy cứ phát triển kinh tế, chính trị-tư tưởng là chuyện đường xa, chưa cần. Thậm chí còn coi chính trị-tư tưởng là cổ lỗ. Những bạn trẻ đề cao kinh tế-kỹ thuật ấy tưởng như thế là trí tuệ, là hiện đại, nhưng thực ra đó là trí tuệ nông cạn, cũng không khác gì tính thực dụng của người ít học. Bất cứ một sự nghiệp lớn, một công trình lớn nào cũng đòi hỏi trước hết một cái nền “triết lý” của nó, đó là sợi dây vô hình để sâu chuỗi tất cả mọi người, mọi điều, mọi việc.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore), sau khi khảo sát hàng loạt những chỉ số kinh tế-kỹ thuật của Việt Nam, so sánh với Trung Quốc và nhiều nước khác, cuối cùng đi đến kết luận: “Thế nhưng, đột phá không bắt đầu từ cố gắng sửa đổi một vài thủ tục hành chính, hay biện pháp đốc thúc quyết liệt một số dự án trọng điểm, mà phải khởi đầu từ một TRIẾT LÝ PHÁT TRIỂN[7] . Triết lý ở đây là một hệ thống những quan niệm khoa học và linh hoạt, giúp con người có một nhãn quan xa, rộng và hài hoà, làm cơ sở để tiếp tục chọn lọc không ngừng, không hề có tính chất khuôn mẫu như một chủ nghĩa. Chủ nghĩa mới là thứ lạc hậu, cổ lỗ, bởi không một chủ nghĩa nào, do một đầu óc siêu việt nào nghĩ ra, mà trụ nổi trong thế giới ngày nay, thế giới mà tất cả những bộ óc của nghìn triệu con người đã được nối thông sang nhau bằng Internet! (Muốn cứu sống một chủ nghĩa nào đó đương nhiên người ta nhận ra kẻ thù là Internet và muốn khống chế nó, nhưng làm sao “lấy chỉ mà buộc chân voi”?).


*


Trong khi rất dễ dãi, lơ mơ, đại khái cho qua trước những vấn đề lớn thì người Việt lại thường sắc sảo, tỉ mỉ, xét nét, chặt chẽ, chấp nhặt, khó châm chước cho nhau trong những vấn đề nhỏ, thậm chí chỉ là tiểu tiết trong những vấn đề quan hệ, đời sống cá nhân. Vì thế người Việt vừa đặc trưng ở tính cách ôn hoà, nhu thuận lại vừa đặc trưng ở tính phân tán, nhỏ nhặt, ganh tị, võ biền, ham đánh nhau. Dân ta bộc lộ được hết ưu điểm nếu trước mặt có một kẻ thù xâm lược, nhưng lại bộc lộ hết nhược điểm khi cần hiệp lực trong tự chủ và phát triển. Dễ chia sẻ với nhau trong đau thương hoạn nạn nhưng khó chia sẻ hạnh phúc vinh quang. Cứ phải có kẻ thù mới mạnh lên được, hết kẻ thù là nhược điểm lại hiện ra! Ở điểm này thì tính cách dân tộc và tính cách của chủ nghĩa Mác-Lênin tỏ ra tương hợp, cộng hưởng với nhau. Hình như chủ nghĩa Mác được viết ra chủ yếu là để cho người Việt chúng ta vậy!

Bản năng sinh tồn cao, nhưng nặng về thích nghi, và thích nghi quá “nhạy” nên dễ pha tạp, hầu như không có gì thuần chủng. Không bao giờ rành mạch, không thể rành mạch, hoặc không thích rành mạch. “Làm tài trai cứ nước hai mà nói”, “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”, “Nói dzậy mà không phải zdậy”, cứ nhũng nhẵng thế mà “vô địch” đấy, mặc dù vô địch kiểu này thì cũng khó đứng lên thành “người lớn” được. Luật pháp gì cũng pha chất “cao su” cả, tính luật thì ít, chất “mẹo” thì nhiều. Sự chọn lựa không phải giữa đúng và sai (bản chất nó là cái gì không quan trọng), mà chỉ tính toán cái nào có lợi nhất, hoặc trước mắt thấy “ngon xơi” nhất, hoặc khó diệt nhất, mà những giá trị này thì thay đổi hàng ngày hàng giờ theo tình hình. Vì thế khó lòng có một “gien trội” thuần chủng nào có điều kiện ổn định lâu dài để định hình và phát triển được trong tính cách Việt Nam. Đó là một thể nhão vô định hình, không phải thể lỏng, không phải thể rắn, cũng không phải thể khí.

Một biểu hiện khác của tính nhập nhằng là sự “hiểu ngầm”: không chính thức đề cập đến mâu thuẫn cũ, tội lỗi cũ, mà dùng một cử chỉ thân thiện, một món quà… để hiểu ngầm rằng đã đổi mới, đã phục thiện, có thể rũ bỏ chuyện cũ, xuý xoá chuyện cũ. Cách ứng xử ấy là rất tốt trong những quan hệ tình cảm gia đình, họ hàng, bè bạn, trong đó lòng nhân ái và tin nhau là chính. Nhưng lạm dụng cách ứng xử “chín bỏ làm mười” ấy trong việc điều hành xã hội, trong những việc đòi hỏi pháp lý rành mạch thì sự nhập nhằng ấy khiến cho muốn hiểu thế nào cũng được, tiến lui thế nào cũng được, chẳng có gì ràng buộc. Trong việc điều hành đất nước, muốn sửa tận gốc một lỗi lầm có tính căn bản, nhất là lỗi lầm do ý thức, thì phải phân tích và nhận diện lỗi lầm ấy ở nguyên dạng, chưa bị sự thích nghi khôn khéo làm nhòe đi (trong bệnh tật, việc dùng thuốc an thần, giảm đau nhiều khi che giấu mất nguyên nhân, cản trở việc chẩn đoán). Phải đi đến những kết luận chính thức, công khai, không thể hiểu ngầm! Đấy không phải là sự cố chấp, bới lông tìm vết mà là phẩm chất minh bạch, khoa học, quân tử và thực lòng cầu tiến, rất cần cho một xã hội văn minh quy củ. Không dám minh bạch đối với quá khứ chính vì chưa thực lòng đối với hiện tại.

Muốn đổi mới đất nước không thể không chiến đấu chống lại những “ưu điểm” nhũng nhẵng rất “quái chiêu” kể trên. Nhưng ngặt nỗi đó là những tính cách đã khắc sâu vào dân tộc, như những ưu điểm mấy nghìn năm để tồn tại (Mặt tích cực, mặt ưu điểm của những tính cách này đã được ông Lê Hồng Hà nói rõ trong bài “Thử đi tìm phong cách tư duy Việt Nam[8] ), nay muốn cải tạo mặt tiêu cực của nó thì những người đổi mới thoạt tiên phải thích nghi với nó, vừa hoà đồng vừa cải tạo nó, chứ “húc” thẳng vào nó là thua đấy! Nghĩ rằng một khi hoà nhập vào thế giới minh bạch thì đặc điểm này ắt phải chấm dứt ngay là suy nghĩ đơn giản kiểu học trò.

Môn “Hiệp khí đạo” thật là tài: Nương theo động tác của đối phương mà đánh đối phương, nghệ thuật là phải chọn tư thế làm sao cho chính lực từ đối phương phát ra được chuyển thành lực chống lại đối phương. Đối phương càng ra đòn mạnh bao nhiêu càng tự hại mình bấy nhiêu. Phong trào cộng sản từ chỗ tay không mà giành chiến thắng là nhờ biết “lấy vũ khí của địch mà đánh địch, lấy gậy ông để đập lưng ông”, bài học ấy đáng suy ngẫm lắm, sâu sắc lắm.

(Còn tiếp một kì)

© 2007 talawas



[1]Võ Văn Kiệt: "Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới" (http://ykien.net/tl_viettrung90.html) tháng 9-2006
[2]Bùi Tín: “Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam”, 24.3.2007 (www.talawas.org/talaDB/talaDBFront.php?rb=0401)
[3]Nội dung bóc băng cuộc điện thoại giữa ông Lê Hồng Hà và Hà Sĩ Phu ngày 10-3-2007 (www.hasiphu.combaivietmoi_08.html )
[4]Nghị quyết 1481 / Resolution 1481 (2006) - Need for international condemnation of crimes of totalitarian communist regimes: http://assembly.coe.int/Mainf.asp?link=/Documents/AdoptedText/ta06/Eres1481.htm
[5]Hà Sĩ Phu: “Xưa nhích chân đi, giờ nhích lại” (www.hasiphu.comll04.html)
[6]Bùi Minh Quốc: “Một mình một phiếu”
(talawas 10.4.2007: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9711&rb=0401)
[7]“Triết lý phát triển: Vai trò tiên phong của hệ thống”
(http://www.canhen.de/index.php?id=123&tx_mininews_pi1[showUid]=12452&cHash=342aa86814 )
[8]Lê Hồng Hà: “Thư gửi… của ông Lê Hồng Hà” (http://doi-thoai.com /baimoi0407_244.html)