trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.5.2007
Chu Cảnh Phạm Đình Kỵ
Sự tích ông Tú Xương
Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu
 
Lời dẫn của người sưu tầm

Bài viết dưới đây, kể về thân thế sự nghiệp nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907), là một tài liệu tương đối hiếm gặp trong báo chí cũ. Ngày nay ta hoàn toàn có thể đọc bài này như một chân dung văn học. Hơn thế ở bài này còn có những tài liệu hiếm thấy, nhất là những chi tiết tiểu sử nhà thơ thành Nam đất Bắc này mà ta sẽ hầu như được biết tới lần đầu tiên, mặc dù thời nay không dễ ai lập tức tin vào sự chuẩn xác của những lời kể “ngày xưa…” Tác giả Phạm Đình Ky [1] ghi ngay dưới nhan đề rằng nội dung bài này là “theo như lời thuật của một người con trai Tú Xương”, nhưng đấy là ai? Các chi tiết là dữ liệu thì có gì làm căn cứ? Các chi tiết là nhận định thì ấy là nhận định của ai? Tất cả những điều mà người thời nay muốn biết rành rọt thì người xưa lại chưa sẵn sàng “khách quan” để cung cấp. Thế nhưng gặp được một tài liệu như thế này là không dễ, ta không nên bỏ qua.

Theo tôi nhớ, trong số các chuyên gia về Tú Xương chừng như chưa ai từng được đọc bài báo này; nó xuất hiện từ khá sớm, chỉ chừng trên 20 năm sau khi nhà thơ qua đời, nhưng hầu như không thấy công trình nghiên cứu nào về Tú Xương nhắc đến nó; việc nó xuất hiện vào năm 1931 hẳn không ngẫu nhiên: năm ấy bà Tú Xương mất, làng báo làng văn 3 kỳ hồi ấy nói không ít về người phụ nữ nổi tiếng này (nổi tiếng vì được ông chồng nhắc đến trong những bài thơ truyền tụng từ vài ba chục năm trước); có thể bài này đã xuất hiện trong không khí ấy.

Xin lưu ý là bài này đăng 5 kỳ trong “Phụ trương văn chương” của báo Trung lập ở Sài Gòn; kỳ cuối, ở cuối bài có ghi tắt mất chữ cái: A.N.T.C., - có thể hiểu là: bài này được đăng lại của An Nam tạp chí ở Hà Nội; song tôi chưa tìm thấy bài này ở tờ tạp chí của Tản Đà, do vậy cũng chưa thể nói đến việc đối chiếu sự sai biệt nếu có giữa hai bản in ngoài Bắc với trong Nam. Khi cho đánh chữ trên vi tính, tôi chỉ đổi lại các từ vốn của người viết Bắc kỳ mà có lẽ thợ in người Nam kỳ đã đổi khi sắp chữ in cho một tờ báo ở Sài Gòn khi ấy (ví dụ đổi tánh thành tính, chớ thành chứ, v.v…)

Tuy ngày chẵn 100 năm để làm giỗ Tú Xương (29/1/1907–29/1/2007) đã hơi lùi xa song tôi nghĩ vẫn chưa lỡ dịp để đưa tư liệu này đến tay bạn đọc.

Lại Nguyên Ân


*


Ông Trần Tế Xương ở làng Vị Xuyên tổng Đông Mạc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Ông sinh năm Canh Ngọ tức là năm 1869, khi còn bé học rất thông minh nhưng hay đãng tính, ấy chính là một cái bệnh chung của các bậc đại tài đó. Năm ông mới 17-18 tuổi đã nổi tiếng là người học trò giỏi. Lúc bấy giờ hẳn ông coi sự tranh lèo giựt giải ở chốn trường ốc tưởng dễ như trở bàn tay. Ấy là vì phần thì ông tự phụ thông minh, phần thì ông lại sinh trưởng ở xã Vị Xuyên là chốn thanh danh văn vật, thời bấy giờ trong làng ông kể đã có bốn năm cụ tiền bối thi đỗ đại khoa và nhất là cụ Trần Hy Tăng [2] liên trúng tam nguyên, làng khoa cử ai cũng đều biết tiếng.

Ông thấy cái bước trước của các cụ đã từng oanh oanh liệt liệt như thế, thành ra có chứa chan những điều hy vọng về bước sau này. Nhưng trời kia đã định, bắt long đong để luyện lấy tài năng, mà thật vậy, nếu để cho ông được thanh thản trên bước khoa trường thì làm gì trên bãi Vị Hoàng Giang đến nay hình như vẫn thấy cái hồn thơ còn phảng phất.

Ông bắt đầu lều chiếu đi thi từ năm 19 tuổi, mãi đến khoa Giáp Ngọ là khoa cụ Cao Xuân Dục [3] ra làm chủ khảo thì ông mới đỗ được Tú tài, quyển thi của ông bị tì ố song văn thì tốt lắm nên cụ Cao cũng cố lấy đỗ Tú tài. Khi xướng danh, cụ Cao có bảo các học trò rằng: Ta nay thay mặt triều đình ra kén chọn nhân tài, vậy ta lấy các học trò đỗ là cốt ở văn chương chứ không phải là kén người ở cái tính tỉ mỉ! Ấy các bậc đại thần thay vua khai khoa thủ sĩ mà lại biết chấp kinh tòng quyền như cụ Cao thì ít có. Còn phần nhiều người thì câu nệ quá. Hiện nay ta hồi cố lại xem các cách thi cử lúc trước thì chắc ai cũng cho rằng quá nghiêm. Nào chỉ những chữ huý mà thôi đâu, còn cả đến lệ đồ, di, câu, cải cũng quá ngặt nghèo… Hễ người học trò nào mà đã phạm vào các thể lệ ấy thì dầu văn hay văn giỏi đến đâu mặc lòng, cũng đành bị yết tên ra bảng con, nghĩa là bị loại.

Sau khi đã đỗ Tú tài rồi, ông phấn chí học hành, giao du nhiều, xem xét rộng nên văn chương càng ngày càng hay. Ai biết ông cũng phải bảo rằng ông là hay chữ. Nhưng ông thi mà không đỗ được một tí Cử nhân để lấy lối đi thi Hội thi Đình, không phải là tại văn chương, chỉ tại ông hay đãng tính. Ông thi khoa nào cũng phạm trường quy. Nay cứ xem câu thơ của ông thì biết:

Rõ thật nôm hay mà chữ dốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy

Ông bảo rằng ông chữ dốt, nghĩa là thi không đỗ thì là dốt, chứ có phải thật là dốt đâu. Xem như văn thi của ông, nhiều lần kinh nghĩa và thơ phú, cả mấy dấu đều phê ưu, phê bình. Nhiều khi họ lại trích văn thơ của ông để in vào văn trường nữa.

Còn về phần nôm của ông thật là có đặc tài, nói thành thơ mà đùa cũng thành thơ, lời lẽ rất là lưu loát, ý tứ rất là sâu xa, xem như bài thơ “Hỏng thi” có câu:

Học đã toi cơm nhưng chửa chín
Thi không ngậm ớt thế mà cay

bài “Thương đạo học nho suy” có câu:

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn thi liều lĩnh đấm ăn xôi

Xét gia thế thì cụ thân sinh ra ông trước kia làm việc quan về bộ Lễ, sung chức Đăng sĩ tá lang. Sau khi ông đã thi đỗ Tú tài rồi thì cụ xin hồi hưu, tháng ngày nhàn tản, khóm cúc chồi lan, thoát vòng kiềm toả bước ra ngoài, mặc sức điền viên vui với thú, câu thơ chén rượu, ván kiệu quân cờ. Trước kia cụ làm việc quan vẫn giữ được thanh khiết một niềm, đến sau ra coi việc dân, cũng giữ được công bình một mực. Trong bài phú “Hỏng thi” của ông có câu:

Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ nổi tiếng tài hoa;
Con nhà dòng ở đất Vị Xuyên ăn phần cảnh nọng

(phần cảnh nọng tức là cái cỗ có thủ lợn [4] )

Câu này có ý nói rằng làng Vị Xuyên lúc bấy giờ các quan tư cũng nhiều, các chân khoa mục cũng lắm, thế mà cụ được dự vào phần cảng nọng tưởng cũng là bực danh giá trong làng vậy.

Xét về hình dung thì người ông hơi cao, trán to miệng rộng, da trắng mắt dài, lúc thiếu niên rất là tuấn tú, tiếc rằng tiểu tượng của ông hiện nay không có, là vì lúc sinh thời ông không có chụp ảnh một lần nào.

Ông không những là văn hay, ông lại thêm có cái sức mạnh nữa, vì rằng khi ông còn bé ở nhà có học ít võ nghệ. Trong vòng từ 18 đến 25 tuổi thì ông mạnh lắm, hễ tối đến mà không vác được thức gì thật nặng để cho người mệt đi thì thật là khó mà ngủ đi được.

Người ông đẹp mà tiếng ông lại cũng tốt. Giọng ông hát hay là ngâm thơ thì nghe thật hay thật thú.

Ấy cái trò đời cũng chả lấy chi làm lạ, phàm người hễ đã có tài thì là có tình, lúc còn thiếu thời ông cũng hay chơi bời lắm. Thời bấy giờ học trò nho còn danh giá lắm, bọn con gái có nhiều người mê ông và thích ông.

Có một bữa kia, ông đến chơi nhà một người bạn, nhà hàng xóm người ấy có một người đàn bà đã goá 3 đời chồng, mới vào trạc 30 tuổi, lẳng lơ trau chuốt, coi còn xuân. Người đàn bà đã biết tiếng ông, ngẫu nhiên hôm ấy đứng ở nhà dòm sang trông thấy ông, liền về phòng trang điểm rồi sang chơi ngay nhà người bạn ông. Lúc đến chơi ngồi ở nhà ngoài mà hai con mắt cứ nhìn vào trong nhà tại chỗ ông ngồi, rồi ra bộ thu ba tống tình, ông thấy thế miệng cười tủm tỉm rồi buột mồm hát lên một câu rằng:

Ba mươi ba bận chôn chồng
Còn toan điểm phấn tô hồng chôn ai?

Lại một lần kia ông cũng đến chơi nhà một người bạn gặp lúc trời mưa ngồi buồn quá, ông mới đi ra hè xem nước giọt tranh chảy thì bỗng đâu trông sang bên nhà láng giềng có một người con gái rất xinh đẹp đương đem thau đồng ra lấy nước mưa để rửa quả dưa hồng. Ông trông thấy thú quá liền cao hứng đọc lên rằng:

Ước gì anh hoá ra dưa
Để cho em rửa nước mưa chậu đồng
Ước gì anh hoá ra hồng
Để cho em bế em bồng trên tay

Ông tính hay ham thích những bực danh ca, nghề đánh chầu ông rất là sành lắm, nên thơ ông có câu:

Ví dầu vua mở khoa thi trống
Lạc nhạn, xuyên tâm đủ ngón chầu

Ông thích chơi những câu ca tiếng hát để di dưỡng tính tình, ấy cũng là cái thú chung của các bậc văn nhân tài tử. Nhiều khi cao hứng ông tự làm ra các bài hát, rồi bắt ả đầu hát để ông nghe.

Tính ông hay chơi như thế thì tài nào mà chẳng túng, ông chỉ túng tiền để chơi thôi; trong khi túng ông đã có câu rằng:

Khi túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi

Túng tiền chơi mà ông đã toan bán cả trời thời tưởng cũng thú vị thật. Nếu không phải là bậc văn nhân có tính khoáng dật như ông thì sao có được cái khẩu khiếu như vậy.

Xét về gia tư, lúc sinh thời ông là người rất phong lưu, cụ thân sinh ra ông trước kia đã nổi tiếng là nhà giàu có. Lúc Đại Pháp đem quân hạ thành Nam Định lần thứ hai, dân tình xao xác, giặc cướp tứ tung, gái cũng khó giữ được trinh, giàu cũng khó giữ được của. Bấy giờ có dư đảng giặc Cờ Đen đã mấy lần định đến ăn cướp nhà cụ, song cụ cũng nhờ được có bọn gia đinh giỏi nên không mất mát gì. Vì rằng trong thời quan ta, làng Vị Xuyên có được phép luyện tập một bọn võ sinh; bọn võ sinh ấy gặp cơn nguy cấp thì đem ra ứng dụng.

Ông nhờ được có cái cơ nghiệp giàu có của tổ phụ, ông giao du rất rộng, bấy giờ đã nức tiếng là tay hào hiệp. Vì thế các danh sĩ đương thời ở các nơi xa cũng đều tìm đến chơi.

Ông là người rất là thư thản, nhất sinh không phải lo đến cái kế gia đình bao giờ cả. Lúc còn bé thì ơn cha nhờ mẹ lên xe xuống ngựa, cửa rộng nhà cao, rước thầy rước bạn, tiền bút giấy, việc sách đèn, dầu tốn kém đến bao nhiêu cũng là không ngại.

Đến lúc ra ở riêng thì ông lại được một bà vợ hiền, thực trung hậu, rất đảm đang, bà chỉ chuyên buôn bán để lo liệu tất cả các công việc trong nhà. Đến cả như việc con đi học, chồng đi thi, nhất nhất cũng là một tay bà cáng đáng cả. Trong bài thơ “Đi thi” của ông có câu:

Đưa chân vợ tốn hai đồng chẵn
Sờ bụng thầy không một chữ gì

Bà thì chuyên nghề buôn bán thóc gạo ở chốn bến Mom thuộc về đất làng Đệ Tứ ngoại trang. Chốn bến Mom trước là một nơi buôn bán rất là thịnh vượng, kẻ đi người lại, trên bến dưới thuyền, coi vẻ thật là sầm uất. Ông có bài thơ tán dương đức tính của bà rằng:

Quanh năm buôn bán ở Mom sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười sương dám kể công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hẫng đã như không

Bài này hai câu thất bát, ông thống mạ những kẻ bạc tình, coi chồng như người dưng nước lã. Xem bài thơ này, tôi không khỏi ngậm ngùi than rằng: đời này phong hoá suy đồi, lòng người đen bạc, thần kim tiền ngày thêm trọng, đạo phu phụ ngày thêm khinh, thật là hiếm thấy các bậc hiền phụ như thế nữa.

Các bậc hiền phụ đời trước, có người chịu lầm than khốn khổ, lo chạy ngược chạy xuôi để gánh vác giang san cho chồng. May ra mà ông chồng được thành đạt như ai thì ơn trên tử ấm thê phong, hiển vinh cũng được đượm chung hương trời. Bằng không nữa thì áo xiêm đùm bọc lấy nhau, cũng giữ trọn cái chức vụ tề gia nội trợ, suốt đời không từng có một lời ta thán.

Ông là người có tính trung thực, phàm hễ thấy điều gì mà trái ngược với luân thường, bại hoại đến phong hoá, thì ông nhất thiết can thiệp đến ngay. Ông không sợ ai trách oán và cũng không sợ ai thù hiềm. Vì vậy trong lúc bình sinh, ông có làm nhiều những bài thơ kiêu ngạo người đời.

Các người đương cuộc thì đều có ý giận ông và tức ông, song những người ngoại cuộc thì lại khen ông và bảo rằng ông làm như thế thật là một cách khuyên răn đời nhiều lắm, hay thì khen hèn thì chê, tưởng cũng là lẽ thường ở đời vậy.

Thành ra lúc ông còn bình sinh, hễ ai có làm điều gì đê mạt hay có phạm lỗi gì xấu xa thì phập phồng chỉ sợ ông biết đến chuyện rồi ông lại làm thơ kiêu ngạo chăng. Cũng có người thì tự biết mình có lỗi, tự hạ đến thú với ông và xin ông đừng làm thơ nữa, sợ rằng tiếng tăm vỡ lở lại có nhiều người biết.

Lúc bấy giờ ở chốn thành Nam sau cơn loạn lạc, phố phường tụ tập đông đúc hơn xưa, nhưng mà phần nhiều dân cư tứ chiếng ăn xổi ở thì, thói phép lố lăng, nhiều điều đáng ghét; có nhà thì cha con lục đục, có nhà thì vợ bắt nạt chồng, có người thì keo bẩn tuyệt trần, lại có kẻ thì hợm tiền hợm của. Ông thấy những sự ngứa tai trái mắt ấy không thể đừng được nên mới có câu thơ sau này:

Nhà nào thói phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chưởi chồng
Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam chuyện thở những hơi đồng
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh
Có đất nào như đất ấy không?

Lại như ông sư làng Vị Xuyên chả biết tội tình gì mà cũng bị ở tù, ông có câu rằng:

Quảng đại từ bi cũng phải tù
Hay là sư cụ vụng đường tu?
Tụng kinh cứu khổ ba trăm quyển
Ý hẳn còn quên một phép phù!

Một lần kia tại tỉnh Nam Định khuyết chân phòng thành, các người trong thành phố ra ứng cử cũng nhiều, người thì giỏi chữ nghĩa, kẻ thì sẵn kim tiền, song cũng không địch nổi với ông Quản Pháo là người có nhiều thần thế, quan Tây cũng quý quan ta cũng vì. Sau rồi kết cuộc lại ông Quản Pháo được lãnh chức phòng thành, thời bấy giờ gọi ông là Thành Pháo, ông có làm bài thơ rằng:

Tượng tượng xe xe lẻ cả rồi
Sĩ đen sĩ đỏ chửa thành đôi
Đố ai biết được thằng nào kết
Tốt cũng chui mà mã cũng chui

Sau đó ông Thành Pháo làm việc quan được ít lâu rồi mất. Ông lại có bài thơ rằng:

Giấy hồng bó cuốn mượn tay người
Bao quản công trình đốp cái thôi
Kêu lắm lại càng xơ xác lắm
Chỉ mang cái tiếng ở trên đời.

Ông không chỉ là chê người mà thôi đâu, người nào làm việc gì tốt ông cũng có thơ khen. Này xem như bài thơ ông khen người đàn bà hoá chồng lúc còn trẻ tuổi, mấy phen biến cố một dạ sắt son, hương lửa ba sinh quyết chẳng ôm cầm thuyền ai như kẻ khác:

Mình nghĩ cô mình thực gớm ghê
Chén son trọn vẹn nước non thề
Cam thân gái hoá khi còn trẻ
Như chuyện chồng xa lúc chửa về
Nói nói cười cười theo lối phố
Khăn khăn áo áo giữ màu quê
Nhện còn tấp tểnh vương tơ mãi
Cô chả như ai vẽ mặt hề

Xét về phương diện giao thiệp thì ông chơi bời với các anh em rất là có cảm tình. Nhiều người thích ông, thường hay đến chơi với ông luôn. Có người phải vắng ông chừng năm ba ngày thì lấy làm rất khó chịu. Thành thử hễ ông ở nhà ngày nào thì ngày hôm ấy trong nhà đông những khách. Các bạn bấy giờ đều công nhận rằng ông là người hiếu khách. Nhiều khi khách đến chơi nhà ông đông quá, đêm đến không có chỗ ngủ, đành phải cùng nhau thức nói chuyện cho đến sáng. Vì thế trong bài thơ "Đêm đông" của ông có câu:

Nào ai là kẻ tìm ta đó,
Đốt đuốc soi lên kẻo lẫn nhà

Trong đám khách đó cũng có người đến chơi nói chuyện, cũng có người đem văn thơ của mình đã làm đến nhà ông để bàn bạc câu được câu chẳng. Này cái cách bàn văn chương của ông thì lại kỳ quặc quá; ông hay tâng những người dốt, ông hay phỉnh những người ngông, vì thế thời bấy giờ trong đám làng nho ở Nam thành có nhiều người bảo phụ đặc biệt, có nhiều kẻ ngông cuồng lạ đời, ấy cũng bởi tay ông đào tạo nên cả. Trong đám những người ấy có người khen ông là người biết điều, có người thì bảo là anh ấy chơi được. Thành thử rồi người nọ bảo người kia, kẻ này mách kẻ khác, nên cái danh vọng của ông cứ mỗi ngày lan đi càng xa.

Danh tiếng của ông sở dĩ khắp ai ai cũng biết, phần thì bởi học vấn văn chương, phần thì bởi cách ngôn ngữ giao thiệp, số là không bao giờ ông lại làm mất thể diện của bạn trong đám đông người, hoặc bạn ông có thua lụa kém vế thì ông che chở bênh vực hoặc bạn ông mà có chuyện trò lỡ lời thì ông tìm cách nói tế toái cho trôi đi.

Ông có tính hay đi du ngoạn nên thường thường hay đi chơi xa, trong một năm ông chỉ ở nhà chừng ba bốn tháng, còn thì đi chơi đến tám chín tháng ở ngoài. Ông đi chơi núi chơi sông, chơi khắp nhà quê kẻ chợ, cũng có lúc thì nằm luôn ở xóm bình khang. Ông đi chơi như thế, nhiều khi cũng không cần mang của nhà đi. Đi đến đâu thì có đến đấy, hoặc các anh em bạn cung đốn, hoặc các người quen biết tư giùm, nên dầu đi chơi xa đến đâu mặc lòng, ông cũng không ngại. Ấy đương buổi học nho thịnh hành như lúc bấy giờ mà người nào đã nổi tiếng là người hay chữ thì được tất cả xã hội quý mến biết là dường nào. Thơ ông đã có câu rằng:

Nay chơi Năng Tĩnh mai Hàng Giấy
Khi ở sông Thương lúc tỉnh Hà

Trong bài phú "Thầy đồ" của ông có câu:

Cũng nhiều phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo;
Cũng lắm lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh.

Ông là người có tiếng văn hay thì ai cũng chắc rằng ông có nhiều học trò, nhưng mà không, ông hay đi chơi như thế thì còn thì giờ đâu mà dạy học được. Lúc sinh thời ông, nhiều nhà cũng có đưa con đưa cháu đến để học ông và cũng có nhiều người đã từng lều chiếu đi thi mà cũng còn muốn thụ nghiệp của ông để học lấy cái lối văn chương lỗi lạc. Nhưng mà ông cũng ít nhận những người đến xin học, vì rằng ông không có chí ngồi yên một chỗ để dạy học trò.

Ông thật không có chí ngồi dạy học trò, song cũng có khi bất đắc dĩ mà ông phải dạy, ấy chính là con em trong nhà, nhưng chỉ có chừng 15 tuổi.

Năm ông 28 tuổi, buổi ấy nhà nước bảo hộ đang cần lấy những người để giúp về các công việc giấy má cùng sổ sách, nên hàng năm cứ mở kỳ thi ký lục, kỳ thi này chọn lấy những người am hiểu chữ nho cùng là thông chữ quốc ngữ, các nhà nho cũng lắm người quay ra con đường ấy.

Một lần có người khuyên ông và giục ông nên ra ký lục, nhưng ông còn mảng ham đường khoa cử, những lăm le bia đá bảng vàng. Bấy giờ ông có câu thơ rằng:

Ông có đi thi ký lục không?
Nghe ông quốc ngữ học chưa thông
Ví dù nhà nước dùng ông nữa
Mỗi tháng lương ông được mấy đồng?

Lại đến năm ông 32 tuổi, có người thấy ông thi cử lận đận nên khuyên ông xin lên học trường Hậu bổ để ra làm quan (trường Hậu bổ lập ra được mấy năm về trước đó, các người có chân Cử nhân và Tú tài đều được phép vào học). Bấy giờ ông có làm bài thơ rằng:

Thôi thế thì thôi cũng dở nghề
Mặc ai mai mỉa mặc ai chê
Bạc đi lỗi dịp về nhà đỏ
Cờ đến sa cơ tính nước huề
Chim những ngại ngùng khi trả nghĩa
Cá toan xí xoá chuyện ăn thề
Cũng đành nghề ấy xoay nghề khác
Ta thử ra chơi một dạo hề!

Xem như bài thơ này thì lúc bấy giờ ông cũng nóng ruột muốn xoay ra làm quan, chắc hẳn ông nghĩ rằng: đạo làm con nên phải sớm lo, trên song đường tóc bạc da mồi, sự bất ý nào ai người đã chắc, thế mà ngọt bùi chung đỉnh mảy may chưa chút báo đền, nên cũng toan dấn thân vào chốn hoạn trường, bắt chước ông Mao Nghĩa đời xưa vị thân mà khuất. Nhưng mà ai đã biết đến những cái chí hướng của các bậc chí sĩ nhân nhân, thắm như son bền như sắt, bước gian nan khó lẽ đổi dời. Mà thật vậy, ông tuy nghĩ thì nghĩ, nhưng nào ông có học Hậu bổ đâu; chắc ông cho cái sự đi ra làm quan trong thời bấy giờ là không hợp với cái chí sở nguyện của ông.

Cứ xét xem việc này ông cũng đã nghĩ chín lắm đó. Nếu lúc bấy giờ mà ông quả có chí ham mê danh lợi, dấn thân vào bước hoạn danh, thì ngày nay quốc dân ít người muốn nhắc đến ông, chỉ coi ông như là các ông khác mà thôi chứ đâu lại có cái giá trị đặc biệt như vậy. Ấy mới biết cái việc xuất xử ở đời có can hệ đến cái danh tiết của người ta là thế đó.

Kể từ hồi ngoài 30 tuổi trở đi thì người ông xem ra khác trước nhiều lắm, có ý thâm trầm tư lự hơn, có vẻ cẩn trọng và nghiêm khắc hơn, đến cả cái phương diện văn chương của ông cũng theo tuổi mà thay đổi hẳn đi, hễ làm ra câu nào cũng ngụ có ý ưu thời mẫn thế.
Bài thơ “Đại hạn” có câu rằng:

Ngày trước biết gì ăn với ngủ
Phen này lo cả nước cùng nôi

Bài thơ “Nước lụt” thì có câu:

Trâu bò trói cẳng coi buồn nhỉ
Tôm tép xem mình đã sướng chưa?

Hai câu này ý nghĩa sâu xa lắm. To như con trâu con bò mà đành chịu trói cẳng, ấy là cái thời vận không hay, bé như con tép con tôm mà được vùng vẫy khuênh khoang, cũng là nhờ có cơn nước lụt.

Ông phải ngồi một xó, kể cũng đã là buồn, kế đến những điều trông thấy khiến ông lại buồn thêm. Ông thấy những người ra làm việc với nhà nước bấy giờ phần nhiều người nghênh ngang đắc chí lắm, nên ông có câu thơ “Tự trào” rằng:

Nào có hay gì cái chữ nho?
Ông nghè ông cống cũng nằm co!
Sao bằng đi học làm ông phán
Tối rượu sâm-banh sáng sữa bò!

Trong cái thời kỳ mà ông đã đứng tuổi rồi, thì ông cũng ít đi chơi như trước nữa, về việc thi cử thì ông đã nổi chí, đến bước đường đời trông thấy, ông lại càng thêm nản lòng. Cứ xem như bài thơ “Hỏng thi” của ông có câu:

Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì

Bài thơ “Trò đời” của ông có câu:

Kẻ yêu người ghét hay gì chữ
Người trọng người khinh chỉ vị tiền

Trong lúc ông buồn thì ông làm thật lắm thơ, bài nào cũng là ngụ có cái tư tưởng riêng của ông. Xem như bài thơ “Đêm mùa hạ” có câu:

Cũng không chớp bể chả mưa nguồn,
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.
Bối rối tình riêng cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông

Than ôi, cái tâm sự của ông bấy giờ khó nói thật. Mà tấm thanh cao, tấc lòng thuần hiếu trời xanh có thấu, người thế ai hay. Giá có thể làm được chút đỉnh để báo đáp nước nhà thì rồi có phải chết cũng xin cam lòng hả dạ. Ông buồn quá, nghĩ quá thành ra cũng ít nói, ví thử ông ở nhà mà không có khách khứa nào đến chơi, thì ông chỉ ngồi ngẩn người ra rồi lại thở dài mà thôi.
Hồi ấy ông định ở nhà để dạy dỗ đàn con, để may ra sau này có phần mong nối nghiệp được chăng. Ông đã định thế, ông mới cố kèm cặp đàn con chăm chỉ lắm. Không những dạy về văn chương chữ nghĩa, lối ăn lẽ ở cũng dạy, tiếng nói câu cười cũng dạy, mà phần nhiều ông dạy con trong lúc nửa đêm về sáng.

Có một đêm đã gần sáng, trống canh tư, trời mưa ngâu sình sịch mãi không ngơi, ông thức dậy pha trà uống rồi đánh thức cả các con dậy ngồi quây quần bên mình. Lúc đó ông muốn thử xem cái khiếu thông minh của các con, ông liền bảo các con rằng: Bây giờ cha con ta cùng làm thơ chơi nhỉ. Có đứa nào biết làm không? Vừa dứt lời thì người con thứ ba, chừng tám, chín tuổi, thưa ngay lên rằng: Con xin làm với thầy. Ông nghe nói có bụng mừng thầm, song cứ như cái tuổi còn trẻ dại thế thì đã làm thơ sao được. Thế mà ông vẫn còn thử nữa, ông liền bảo người con thứ ba ấy ra ngồi trước mặt ông rồi ông đọc lên một câu rằng:

Mùa thu tháng bảy tối mưa ngâu

Ông đọc xong liền bắt người con phải nối, cậu ta ngồi nghĩ có một chút rồi nối ngay rằng:

Nắng mãi thì mưa lại cũng lâu

Ông tủm tỉm cười rồi lại đọc lên rằng:

Hạc nọ cầm canh thay trống mõ

Người con ngẫm nghĩ một lúc lại đọc ngay rằng:

Rồng kia phun nước tưới hoa màu

Ông thấy thế mừng quá, cười lên ha hả rồi lại ôm lấy người con ấy vào trong lòng, động tình quá liền khóc nức nở. Lúc ấy ông bảo người con ấy rằng: Chẳng biết thầy có sống mà dạy bảo con cho đến tuổi trưởng thành được không; người con thấy ông nói thế gục mặt xuống rồi cũng sụt sùi khóc. Thành thử hai cha con chỉ loanh quanh có thế rồi đến sáng bạch. Ôi chao ôi, ông trông thấy cảnh động tình, thương con luống những thương mình xót xa.

Ví dầu ông cứ như những ai làm gì chẳng được cậu ấm cậu chiêu, nhưng cái tính khảng khái của ông chẳng bao giờ để cho ông làm đến những việc chẳng vừa lòng xứng ý.

Ấy thế mà nghiệm thật, câu chuyện vừa kể trên là vào khi ông 35 tuổi, thế rồi đến năm ông 37 tuổi thì ông mất. Đáng tiếc thay!

Ông mất năm ấy là năm Bính Ngọ, ngày rằm tháng chạp. Ông mất một cách rất là dung dị, uống rượu đi nằm rồi là thỉu hẳn đi một giấc. Chảng dặn dò con cháu một câu nào.

Xét ra ông sinh cũng là năm Ngọ, khoa ông đỗ cũng là năm Ngọ, đến ông mất cũng là năm Ngọ. Cái tin ấy đồn đi, ai nghe thấy cũng cho là lạ, nhất là những bạn hữu của ông.
Lúc ông mất còn để lại một đàn con sáu trai hai gái, song lúc ấy hãy còn thơ dại cả.

Xem lúc bình sinh ông vốn là người không ham danh lợi, thì chắc sau khi ông mất, gia tư cũng chẳng còn gì. Ông tuy không để của cải lại cho con cháu về sau, nhưng ông để lại cái tiếng thanh cao, cái duyên văn tự, không những con cháu ông được tiếng thơm lây, mà cái phiến cảm hoài trong các bạn làng thơ đến nay hãy còn lai láng.



[1]Về tác giả Phạm Đình Ky, tự (hoặc hiệu) Chu Cảnh, hiện chưa có tài liệu gì (các chú thích đều của người sưu tầm).
[2]Trần Hy Tăng hay Trần Bích San (1840-77) tự Vọng Nghi hiệu Mai Nham, đỗ Giải nguyên, Hội nguyên, Đình nguyên (1865), làm quan đến Tả tham tri bộ Lễ; năm 1877 được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ cầm đầu phái bộ sang Pháp, từ trong triều về nơi tạm trú ông mất đột ngột, để lại thơ tuyệt mệnh; người ta nói ông tự sát vì không tán thành chủ trương đối ngoại của triều Nguyễn.
[3]Cao Xuân Dục (1842-1923) đỗ Cử nhân, làm quan đến Thượng thư bộ Học, tước An Xuân Tử, có thời gian làm Tổng tài Quốc sử quán, chủ biên nhiều công trình biên khảo quốc gia về lịch sử, địa lý.
[4]Cảnh nọng: do chữ cảnh chỉ cái cổ; nọng cũng chỉ cái cổ của vật bị giết thịt (theo L.m. An-tôn Trần Văn Kiệm: Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Đà Nẵng, 2004), phần cảnh nọng ở đây có lẽ chỉ loại cỗ có thịt thủ lợn, thịt cổ (vai) lợn, dành cho các kỳ mục và nhân vật hàng đầu làng xã trong những đình đám, khao vọng.
Nguồn: Trung lập, Sài Gòn, số 6469 (“Phụ trÆ°Æ¡ng văn chÆ°Æ¡ng” số 8, thứ bảy 20 Juin 1931); số 6475 (PTVC số 9, thứ bảy 27 Juin 1931); số 6481 (PTVC số 19, thứ bảy 4 Juillet 1931); số 6487 (PTVC số 11, thứ bảy 11 Juillet 1931); số 6497(PTVC số 13, thứ bảy 25 Juillet 1931)