trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
61 - 80 / 3021 bài
61 - 80 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


7.10.2008
Nguyễn Mai Sơn

Thưa ông Việt Hải,

Ông viết: “Về phê phán truyền thông Công giáo một cách chung chung cho vụ việc Thái Hà, Tòa Khâm sứ của ông Nguyễn Mai Sơn theo tôi là không thỏa đáng. Ông Sơn nên biết rằng: khác với truyền thông quốc nội chịu sự quản lý một cách chặt chẽ của nhà nước, truyền thông Công giáo ở hải ngoại không hề chịu bất kỳ sự quản lý của ai ngoài chính họ, nên một vấn đề có thể được họ nhìn nhận qua nhiều lăng kính khác nhau mà không nhất thiết phản ánh quan điểm của những người có trách nhiệm với sự vụ.”

Tôi biết lắm chứ, vì chính tôi đã phải vượt tường lửa để đọc xem Vietcatholic, Vietcatholicnews họ nói những gì. Và tôi cũng biết theo dõi thường xuyên xem BBC nói những gì. Tôi đã từng không dưới một lần nghi ngờ và hoang mang khi đọc những tin tức cảnh báo nguy cơ sụp đổ một chế độ kiểu này.

Đây có thể là những trang thông tin hải ngoại không chịu bất cứ sự quản lý của ai ngoài chính họ. Điều này thì tôi cũng biết, nói về Việt Nam thì cứ xả láng hết cỡ, miễn sao đừng lên án một cách cũng “xả láng hết cỡ” cái nước mà họ đang sinh sống là được. Bằng không chỉ sợ rằng mình cũng khó “quản lý” được chính mình.

Nếu vào các trang nhà Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam thì những gì tôi nói mới chỉ là một phần nhỏ. Những ngày trước khi lời của ngài Ngô Quang Kiệt chưa được phát đi, tôi đọc những trang nhà này mà cũng thấy “ớn lạnh” và phần nào nhận ra sự thiếu “khôn ngoan” trong tranh luận với nhà nước bằng những lời lẽ gay gắt và căm thù như vậy, trong khi ngài Ngô Quang Kiệt được giáo dân xem là có “giọng nói” ôn hòa.

Mấy hôm nay, vào thăm trang nhà Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam – www.dcctvn.net, không hiểu sao tôi thấy nó như mới được làm lại, bài vở như rừng bỗng biến đâu mất hết, chỉ còn những bài viết gần đây, nhưng ngôn ngữ sử dụng xem ra cũng chưa “sáng sủa” hơn, có bài phỏng vấn không có tên người trả lời rõ ràng, những bài viết mỉa mai, hằn học...

Tôi cũng không rõ những trang nhà thuộc Dòng Chúa Cứu thế có mối dây liên lạc nào với Vietcatholic, Vietcatholicnews không nhưng trước đó tôi thấy họ gần như đăng lại bài trên đó cả. Đăng lại như vậy thì có chung quan điểm không nhỉ? Tôi nhớ trong thông báo ngày 9-9-2008 của các linh mục Thái Hà thì giáo dân không nên đọc bất cứ tin tức bên ngoài nào khác, chỉ nên tìm hiểu sự thật trên các trang như Chuacuuthe, Vietcatholic, Vietcatholicnews…

Tôi nghĩ, muốn khôi phục lại những đối thoại với nhà nước thì chính những trang tin Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu thế lên thay đổi lại nội dung của mình. Nên chăng chỉ có mục ý kiến là phát biểu về vấn đề đòi đất chính, còn vẫn giữ những mục khác theo tôn chỉ tôn giáo của mình, bằng không tôi không nghĩ họ đang “giảng đạo” mà đang làm chính trị. Bởi không ít lần truyền thông nhà nước đã nói đến việc tin tức của Dòng Chúa Cứu thế đã xuyên tạc và mang tính chất phản động, kích động chống đối nhà nước.

Bất lợi như thế nào thì truyền thông Công giáo đã thấy rõ. Muốn tái lập sự đối thoại cởi mở mà vẫn giữ những ngôn từ như vậy, thì có muốn người ta hiểu mình, lắng nghe mình xem ra rất khó.
 


7.10.2008
Mặc Lý

Bài viết của ông Nguyễn Phi Hùng rất lý thú, tôi xin góp phần kể thêm chút ít kinh nghiệm của chính bản thân tôi.

Sau 1975, tôi cũng có thi và đậu vào một trường đại học sư phạm tại Việt Nam, có lẽ trước ông Hùng độ 5, 7 năm gì đó, nhưng không biết có cùng trường với ông Hùng không. Lúc đó, mỗi năm sinh viên học hai học kỳ khoảng 4, 5 tháng và mỗi học kỳ học 5 môn. Một số môn có sách giáo khoa sẵn (in từ Hà Nội), một số môn thì giáo trình do thày dạy tự soạn lấy, giảng bài trên lớp rồi đọc bài soạn sẵn cho học sinh chép lại. Thày dạy lý thuyết thường có bằng Tiến sĩ hay Phó Tiến sĩ. Có hai ông thày dạy lý thuyết mà tôi nhớ hoài. Môt ông, thuộc loại tự soạn giáo trình, khi đọc bài cho học sinh chép tay, tôi dò xem lại với bài học sinh năm trước ghi lại (cũng ông này dạy) thì bài chép không sai một dấu phẩy (theo nghĩa đen). Ông kia thuộc loại một, dạy môn có dùng sách giáo khoa, thì những gì ông chép trên bảng, cũng không sai một dấu chấm câu so với sách giáo khoa. Tội nghiệp cho tụi tôi đi học làm thày giáo mà như bị tra tấn. Và một điều hầu như chắc chắn là cả hai ông, không ông nào làm việc nghiên cứu khoa học gì cả. Nói nào ngay cũng có những thày giáo yêu nghề và làm học sinh yêu mến và kính trọng chứ không phải tất cả thày giáo đều như vậy.

Chuyện chưa hết ở đó. Năm ngoái tôi có vào xem website của trường cũ. Toàn trường có 20 khoa, tổng cộng có trên 600 thày cô giáo (gọi là cán bộ giảng dạy). Trong 32 năm, từ năm 1975 đến 2007, toàn trường phong tất cả 17 người là nhà giáo ưu tú. Cả hai ông thày tôi vừa kể trên đều có tên trên danh sách 17 người này. Việc phong tặng này dựa vào cái gì khác chứ chắc không dựa vào nghiên cứu khoa học hay giảng dạy. Có một nhà giáo dục nào đó gọi cái này là “Cò gỗ mổ cò thật”.

Thoạt nghe có vẻ khôi hài, nhưng ngẫm lại không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đảng ta nắm quyền hành tuyệt đối trong tay, không có đảng đối lập (đập tan từ trứng nước), không có cá nhân đối lập (trại cải tạo, quản chế tại nhà), báo chí thì đi trên “lề đường bên phải”. Chắc ai cũng còn nhớ chuyện cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời lúc 7:40 sáng 11/06, toàn thể hơn 600 tờ báo trong nước không loan tin, đến 18:00 ngày hôm sau (hơn 34 tiếng) khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo quốc tang thì trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau đó, mọi tờ báo đều đăng tin như một dàn đồng ca dưới tay nhạc trưởng vậy. Ngoài ra Đảng lại có câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” để dựa vào thì làm gì mà chẳng được, ngay cả giẫm chân lên luật pháp của chính mình đặt ra.

Ba mươi hai năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng mới “thí nghiệm bầu cử tự do xã ấp”. Chắc phải đợi thêm 32 năm nữa mới bầu cử tự do quận huyện, rồi 32 năm nữa bầu cử tự do tỉnh thành phố, rồi 32 năm nữa bầu cử tự do nhà nước. Những người chủ trương cứ để cho chế độ tự điều chỉnh có thể chờ đợi, nhưng chắc thế giới không chờ đợi chúng ta và nhất là Trung Quốc, anh láng giềng khổng lồ thì lại càng không có lý do chờ đợi gì cả. Nguyễn Du không biết 300 năm sau có ai khóc ông không. Tôi thì nghĩ cứ đà này, không biết 300 năm nữa có còn một đất nước gọi là Việt Nam không.
 


6.10.2008
Trần Thiện Huy

Vừa đây bài viết của ông Võ Tấn Phong có nhắc đến tên tôi và một bài viết cũng hơi lâu về trước; việc trả lời những bài viết như vậy thú thật là một nhiệm vụ làm cho tôi cảm thấy rất nản lòng, vì thời gian của mình và của độc giả lại bị phí phạm thêm vô ích.

Tôi được tác giả phong cho danh hiệu là “nhà Mac-xit” hay “Mac-xit Việt Nam”; danh vị đầu quả thật là một từ ngữ vô nghĩa, hệt như danh vị “nhà dân chủ” dạo này hay được dùng vậy. Chí ít thì người ta còn đoán được “nhà dân chủ” là một cách viết tốc ký cho “nhà đấu tranh vì dân chủ”, còn trường hợp của tôi thì không hiểu chính mình đang được gán ghép cho những tính cách và công dụng gì trong xã hội. Nếu nhà Maxist (xin lỗi vì tôi không quen kiểu viết phiên âm) tức là nhà lý luận hay nghiên cứu Marxist thì tôi tự xét là cả đời tôi chưa lần nào viết về chủ nghĩa Marx, và chẳng đóng góp được thêm dòng nào cho nó cả. Còn như muốn nói đến tôi là người theo đuôi chủ nghĩa Marx, thì nếu có đọc bài viết của tôi, tôi đã phủ nhận chuyện đó ngay từ đầu, và rõ ràng tôi không có việc gì phải chối nếu đó là sự thật, vì thời buổi này, nếu bảo rằng làm như thế sẽ thuyết phục độc giả tốt hơn, hay đỡ gây ác cảm từ các “nhà chống Marxist” thì đó thật là một suy nghĩ lạc quan đến thảm hại.

- Ông Võ Tấn Phong hình như không hiểu nổi, hoặc cố tình không hiểu, sự phân biệt mà tôi muốn đặt ra giữa phê phán một thực trạng lớn lao và phê phán cá nhân. Không ai chối là Marx không phê phán và đả kích chủ nghĩa tư bản – nếu không thì Marx còn làm gì khác nữa. Cái tôi muốn nói chính là Marx không lầm lẫn giữa trách nhiệm cá nhân với vấn đề xã hội. Ở chung quanh chúng ta, vào thời điểm này, người ta phê phán Marx rất dễ, vì cứ đem Gulag, đem thảm sát Mậu Thân, v.v. bày ra 1 đống giữa bàn là người đối diện hết còn đường cãi. Tôi thì đơn giản thấy rằng cách phê phán đó làm chúng ta nghèo nàn đi về mọi mặt, kể cả nghèo nàn bớt thời giờ và công sức bỏ ra để giải quyết những vấn đề mà theo lời các “nhà chống Marxist” họ đang cố tìm cách giải quyết như thay đổi thể chế “tư bản đỏ” (một sự trái khoáy của số phận, ông có nghĩ thế?) hiện nay.

Và để nói thêm nữa, tôi không hề bảo ở đâu trong bài viết rằng phê phán Marx là sai, hay không được phép. Trong khi ông Võ Tấn Phong có vẻ lại nghiễm nhiên cho rằng bất kể phê phán Marx bằng cách nào, sai hay đúng đi nữa, thì phê phán cái sự phê phán ấy nhất định là sai, và không được phép, vì thế đồng nghĩa với sự cố gắng duy trì thể chế chính trị Marxist. Tôi thiết nghĩ, cái mầm mống của sự áp đặt hay sự bịt miệng, sen-đầm chân lý đầy dẫy trong lịch sử tri thức xứ ta, xuất xứ từ lối suy nghĩ quen thuộc “một là ta, hai là nó” ấy, chứ chẳng cứ gì chế độ nào đâu. Hy vọng tương lai sẽ chứng minh tôi sai.

Dĩ nhiên, cách tách bạch giữa con người Marx với thể chế cộng sản – tức là cái thể chế độc đảng, chỉ đạo kinh tế, lý luận một chiều mà người ta gọi là “cộng sản” – của tôi chẳng có gì đảm bảo là đúng đắn. Tôi sẽ rất biết ơn nếu có ai đấy chỉ ra chỗ sai sót của nó, nhưng trong trường hợp này thì tôi hãy tạm giữ lòng biết ơn lại vậy.

Cũng xin nói thêm, để khỏi ai mất công trả lời – hay ít nhất, để chính tôi khỏi mất công phúc đáp – rằng chỉ nói “bao nhiêu oan khiên, bao nhiêu thảm hoạ đã do những người Marxist gây ra, vậy thì phải đả phá ngay từ xuất xứ, tức là từ Marx” cũng là một vấn đề tôi đã nêu ra trong bài viết của mình, nghĩa là cả sự độc đảng, cả kinh tế tập trung, cả áp đặt văn hóa, đều không hề xuất hiện trong những tác phẩm của Marx. Tôi xin hứa sẽ đọc rất kỹ và hồi đáp những câu trả lời chứng minh ngược lại, một cách thực chứng chứ không phải suy diễn, còn ngoài ra, xin phép cho tôi không lên tiếng thêm để tránh khỏi tạo ra những cuộc tranh cãi vô vị kéo dài.

Thứ hai, ông Võ Tấn Phong cho rằng tôi không hiểu rõ về chủ nghĩa tư bản lắm, qua việc nhắc đến Machiavelli. Tôi không biết ông hiểu Machiavelli như thế nào, nên chỉ tạm nói rằng ngày nay, môn khoa học chính trị ở Tây phương – vâng, ở Tây phương tư sản đấy ạ - khi lý luận về Machiavelli đã đẩy cách hiểu về ông này đi xa hơn rất nhiều khỏi cái quan niệm machiavellian thông dụng. Tôi không có quyền trách ông Võ Tấn Phong đã không chịu mất thời giờ đọc trước những câu tôi đã trả lời trong mục “Ý kiến ngắn”, nên xin cho ông biết rằng, trong khuôn khổ giới hạn không gian của mục này, tôi đã cố gắng cung cấp một vài trích dẫn để bảo vệ ý kiến của mình, trong khi các vị cười nhạo tôi không hiểu Machiavelli chẳng hề làm gì để biện minh cho cái quyền đó của họ.

Nói tóm lại, kinh nghiệm của tôi sau bài viết này là, trong những tiếng nói phản hồi, trừ có tác giả La Thành giữ được tác phong tranh luận, nếu không gọi là ôn hòa thì cũng thích đáng, mà tôi vẫn chưa kịp trả lời. Còn những vị còn lại, chỉ đọc lướt qua bài viết, bắt được mấy cái tên, vài câu chữ, là phản ứng ngay một cách rất bản năng, gần như theo phản xạ, theo kiểu “À, đã bắt được một tên cộng sản nằm vùng”. Thật vậy, cách đọc cẩu thả và quy chụp của nhiều vị làm cho tôi vô cùng kinh ngạc, và cứ phải lặp đi lặp lại rằng, xin quý vị đừng bắt tôi phải nhắc lại những gì tôi đã nói trong bài viết của mình. Còn những nhận xét về trình độ cũng như phẩm cách của các “nhà Marxist Việt Nam”, đặc biệt chỗ nào liên quan đến cá nhân tôi, như thích dạy dỗ người ta, như không thèm đọc đến nơi đến chốn, hay dối trá, tôi xin nhờ độc giả công bằng gửi đến đúng tay người nhận.
 


6.10.2008
Một độc giả

Xin cám ơn anh Nguyễn Phi Hùng cho tôi nhớ lại cả một thời đi học trung học và đại học tại Việt Nam.

Tôi cũng xin cam đoan các chuyện anh Nguyễn Phi Hùng kể là đúng sự thật: cái vụ điểm thi trúng tuyển đại học cho các nhóm lý lịch khác nhau, ai sống ở Sài Gòn hay miền Nam những năm cận sau 75 sẽ nhớ mãi mãi. Cũng như chuyện bọn tôi phải nghe các giảng viên (đại học hẳn hoi nghen!) đánh vần cho chúng tôi phải chép các chữ ê-léc-tờ-rôn (khổ ơi là khổ!), viết rồi cả lớp mới vỡ ra, trời ơi, đó là electron!

Và buồn thay những chuyện nầy - bệnh thành tích, giả dối ngay cả trong giáo dục đào tạo - cho đến nay - đã hơn 30 năm - vẫn chưa được cho vào ngăn tủ ký ức.

Mong được đọc tiếp những chuyện kể của anh theo kiểu "tôi xin cam đoan những lời kể trên là đúng sự thật". Xin cám ơn talawas đã đăng một bài rất hay, rất sống động!
 


5.10.2008
Việt Hải

Thưa ông Trương Công Khanh,

1. Tôi đồ rằng tiền nhân xưa chắc phải ôm bụng mà cười khi biết hậu thế cho rằng họ đua chen nhau vì một thể chế chính trị chân độc tài nào đó. Bởi đơn giản thời đó ở ta chưa ai phân biệt thế nào là độc tài hay dân chủ. Cách mà tôi nôm na gọi chân – ngụy là muốn chỉ ra phần nào sự khác biệt chỉ về mặt ngôn từ giữa phong kiến xưa và cộng sản nay ở Việt Nam cũng như lý do sự tồn tại được xem là chính đáng của một triều đại phong kiến. Với cộng sản, chính họ cũng không thừa nhận lý do này đối với họ.
 
Xin khẳng định thêm một lần nữa, niềm tin về Thiên mệnh trong thể chế chính trị quân chủ là cái quy tụ con người giúp vua trị nước, chứ không phải là một cái độc tài xa lạ nào đó đối với người xưa, dù rằng lúc này có người xem chúng là một.

Tôi cảm ơn ông Trương đã bổ sung thêm cho lập luận của tôi khi đề cập thêm về nhân luân và chữ trung. Theo tôi, nhân luân và  trung đạo ở đây cũng thuộc nội hàm Thiên mệnh. Thiên-Nhân trong Do Thái giáo và Ki-tô giáo là mối tương quan giữa hai ngã vị. Trong các Thánh vịnh, Chủ thể và đối thể là Ngươi – Ta nếu được thay bằng Em - Tôi thì đối đáp, tự sự của họ có khi là những lời yêu đương lã lướt, nỉ non hay có khi là ghen hờn, trách cứ của hai người đang yêu. Lời kinh nguyện của Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su là tiếng lòng nàng trinh nữ với đấng Tình Quân của mình. Dù không hoàn toàn giống thế, trong tâm thức người Việt chúng ta vẫn hiện hữu một ông Trời là đứng quan phòng (có khi như là hiện thân qua) những quy luật tự nhiên như: nắng, mưa, gió, bão hoac quy luật nhân sinh nhân sinh như “ở hiền( ắt) gặp lành”,  hay là một vị Thần giàu đức hiếu sinh không phụ lòng người. Do vậy, một vị vua được giao phó cho Thiên mệnh “chăn dân” dĩ nhiên không phải để vô cớ muốn… “thịt dân” là “thịt”. Điều này chắc hẳn là nhân luân mà ông Trương muốn nhắn tới. Một vị vua không còn nhân luân thì được tin là Thiên mệnh ắt cũng không còn. Xưa kia, gặp những lúc tai ương gieo rắc trong vương quốc, các vị quân vương (ngoại trừ hôn quân, bạo chúa) thường lo lắng, kinh sợ, phải gẫm lại mình xem đã gây nên lầm lỗi gì khiến cho đất trời nổi giận... Hay những điềm lành, bốn bể thái hòa được xem như là dấu chỉ hài lòng của Thiên Đế đối với những cố gắng của vịu quân vương cho bá tánh. Vậy, nên cùng đích lý tưởng của người xưa không chỉ là bình thiên hạ mà còn là thái hòa vũ trụ, đưa thiên hạ trở về một thời Nghiêu - Thuấn thuở nào. Vậy nên, trung đạo ngày xưa không chỉ là trung với vua mà là trung với lý tưởng mình phụng sự. Ông Trương có sự nhầm lẫn giữa chữ trung ngày xưa với chữ trung ngày nay chăng?  
 
2. Người ta có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng“. Sự thật chẳng phải lúc nào cũng dễ chịu, chẳng phải ai ai cũng thích. Nhưng không có sự thật (Chân) thì sao có tín thành? Không có tín thành sao an vui sống được với nhau? Xin thử lấy một thí dụ xem câu nhận định của tôi “chỉ cần thay thế Ngụy bằng Chân là mọi chuyện sẽ ổn” có đáng để ông Trương bỡn cợt hay không? Ai cũng biết nước Việt Nam có quốc hội Việt Nam. Người đại biểu Quốc hội đã được bầu bán ra làm sao, thành phần đại biểu Quốc hội gồm những ai chưa cần bàn đến. Chỉ xin một sự thật rất khiêm tốn nhưng thiêng liêng: mọi quyền hành của Quốc hội đã được Hiến định là thực quyền - không một ai được phép can thiệp vào quyền quốc hội, biến Quốc hội thành đám tuồng, con rối. Mọi điều khác ngăn trở quyền Hiến định của Quốc hội đều phải bị bãi bỏ. Để rồi xem đất nước mình có khá hơn không? Tham nhũng có bớt đi không? Người dân mình có vẻ vang, tự tin hơn không?

3. Tôi thành thật chia sẻ sự tâm đắc của mình với đề nghị của ông Trương Công Khanh về minh triết vô vi của Lão Tử.

Tôi cũng mong sao những nhà kinh bang tế thế để xã hội tự vận hành theo quy lật của nó. Hãy để như nước nước tự nhiên qua cầu, đừng ai can thiệp vào những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người chắc cũng không ngoài minh triết vô vi vậy. Những quyền căn bản, tối thiểu như được lên tiếng, được viết, được tự do trao đổi thông tin phải được bảo đảm còn hơn là một thứ ổn định ngục tù khi những thứ ấy bị tước đoạt. Nếu không thế chẳng lẽ Lão Tử viết đạo đức kinh với minh triết vô vi chỉ để dạy người ta cách nuôi heo sao?
 
Không đề cao “người hiền” khiến dân không tranh giành nhau quả có lý. Thậm chí, đề cao “người hiền” có khi còn làm hư họ. Tôi đồ rằng, người hiền cũng chẳng ham được đề cao, chỉ mong được cư xử một cách công bằng, đúng mực.
 
3. Một đặc điểm trong tranh biện mà tôi nhận ra nơi ông Trương là sự đánh đồng giữa so sánh định lượng và định tính. Một bên người ta đang bàn về mức độ biểu hiện của một tính chất thì ông Trương thường lấp liếm bằng cách chỉ nêu lên những đối tượng có tính chất ấy. Theo ông Trương thì Việt Nam và Mỹ đều có tham nhũng, đều có dối trá, đều có triệu phú nên chẳng có vấn đề gì phải bàn nữa. Điều đó chẳng khác gì trong khi người khác đang quan ngại cho một cơ thể bị kiệt quệ vì nhiễm giun sán đầy bụng, thì mình lại lấp liếm rằng: giun sán thì cơ thể nào cũng có.

Qua việc lấy sự bất ổn tạm thời của Thái Lan để so sánh với Việt Nam tôi đồ rằng ông Trương biết không nhiều về hiện tình đất nước. Khác với ông Trương, dân vùng quê tôi ngay thời điểm này nhiều người không chê Thái. Hôm trước liên lạc về quê, nghe người nhà than rằng vật giá leo thang, cái gì cũng đắt. Tôi có nói rằng, dù sao nguồn lợi hải sản dồi dào,  con nục, con trích ở nhà mình còn rẻ, người lao động còn có thể chi trả được. Người thân của tôi nói lại, không biết được bao lâu như thế nữa. Bây giờ, giá dầu quá đắt, nhiều người xếp ngư cụ, bỏ biển, qua Thái, Lào kiếm sống nhiều quá đi.
 
Nhân bài viết của ông Nguyễn Mai Sơn, tôi xin góp thêm vài nhận định:
 
1. Cá nhân tôi nhận thấy chính quyền nhà nước bằng thủ đoạn truyền thông xuyên tạc, chụp mũ hòng lên án, triệt hạ uy tín Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội ít nhiều đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của nó đôi khi ta cần phải tính đến. Vấn đề kiểm soát xuất nhập cảnh giữa các quốc gia phần nào nói lên vị thế tương quan giữa họ. Nó là một vấn đề ngoại giao khá tế nhị của chính quyền nhà nước. Khi tin tức về sự kiện Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị chính quyền Việt Nam cảnh cáo, bị “công luận” lên án “phỉ báng dân tộc”, được cơ quan truyền thông quốc tế lan truyền cùng với nguồn cơn của nó có thể là dịp  khiến nhiều người phải suy nghĩ. Nó có thể gợi lại cho người ta: bao người trong các đoàn cán bộ, nhân viên người Việt Nam đã “quên lối về” trong một dịp công tác ở nước ngoài nào đó. Bao vị khách du lịch người Việt tỏ ra phong lưu, trưởng giả sang nước họ thế mà cũng trở thành “bóng chim, tắm cá”? Đến mức, có những anh tài thể thao Việt Nam được chọn ra nước ngoài thi đấu, một khi có cơ hội khả dĩ là “mất tích” khỏi đoàn. Với những sự thể như vậy, nếu nhân viên kiểm soát nước ngoài có soi xét gắt gao từng người Việt nhập cảnh vô nước họ âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cảm giác của người bị soi xét ra sao chắc không ai giống ai, còn tùy thuộc vào thái độ chân thành và lòng tự trọng của họ nữa.

Tôi nghĩ, những phát biểu trong cuộc họp riêng với chính quyền Hà Nội của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là thể hiện thành thật nỗi lòng của ngài với các vị đứng đầu chính quyền. Sự kiện ngài trở nên nổi tiếng chẳng qua là một tai nạn không hề mong muốn đối cá nhân ngài. Kẻ “lăng xê” ngài lên nay lại đổ thừa trách nhiệm cho ngài quả là không công bằng tý nào. Các vị tu sĩ ghi hình trong cuộc họp với chính quyền chắc không phải để giữ làm kỉ niệm, nhưng thể hiện một sự cảnh giác cần thiết theo kinh nghiệm đã dạy họ. Và điều đó quả không thừa. Với những gì đã xảy ra, tôi nghĩ những người có quyền lợi trách nhiệm nơi giáo xứ Thái Hà cần phải cảnh giác cao độ hơn nữa. Nếu họ đã nhận được 4 văn bản pháp lý có cùng một nội dung từ cơ quan chuyên trách nhà nước thì có thể ít nhất 3 trong 4 giấy tờ kia là ngụy tạo, đáng chú ý nhất là tờ văn bản được soạn trong thập niên 60 của thế kỷ trước bằng font chữ Microsoft Word. Thiếu cẩn thận biết đâu họ còn phải lãnh trách nhiệm không chịu giao nộp bằng chứng tội phạm.

2. Thật nực cười, ngay khi vừa nổ ra tranh chấp tôi từng nghĩ: biết đâu nhờ dịp này phía đảng còn là vị thế người cầm quyền, có đủ bản lĩnh sẽ  thành tâm ngồi lại với các tổ chức, đoàn thể cùng nhau khắc phục di sản một thời của cộng sản để lại. Bởi, vấn đề này, cũng như ở nhiều nước khác, trước hay sau gì cũng phải giải quyết mà thôi. Về phía Giáo hội Công giáo, theo tôi, đòi hỏi của họ cũng không có gì thái quá. Rất nhiều cơ sở của họ đã bị tịch thu dùng cho mục đích chung thì họ đâu đòi hỏi. Chỉ những nơi của họ đã bị bỏ hoang và họ cho rằng nhà nước không có tài liệu pháp lý đủ mạnh để vô hiệu lực được các bằng chứng sở hữu tài sản của họ, lại hay tin sắp bị tư nhân hóa thì họ phải lên tiếng thôi. Nay do áp lực, không tư nhân hóa được thì ta quốc hữu hóa.

3. Về phê phán truyền thông Công giáo một cách chung chung cho vụ việc Thái Hà, Tòa Khâm sứ của ông Nguyễn Mai Sơn theo tôi là không thỏa đáng. Ông Sơn nên biết rằng: khác với truyền thông quốc nội chịu sự quản lý một cách chặt chẽ của nhà nước, truyền thông Công giáo ở hải ngoại không hề chịu bất kỳ sự quản lý của ai ngoài chính họ, nên một vấn đề có thể được họ nhìn nhận qua nhiều lăng kính khác nhau mà không nhất thiết phản ánh quan điểm của những người có trách nhiệm với sự vụ.