trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 56 bài
  1 - 20 / 56 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


Gửi bài này cho bạn bè
12.9.2007
 
Nhìn thẳng vào sự thật
talaCu
Cơ quan ngôn luận của talawas – Sát cánh cùng Nhân Dân

Số 39 – Ngày 12 tháng 9 năm 2007

Tin Việt Nam
Danh sách dự kiến đề cử các đồng chí vào cơ cấu mới
(Mật – Không phổ biến)

Còn chờ xin ý kiến đ/c Trưởng ban Tổ chức Trung ương và một số các anh Ương ương Uỷ viên trong Bộ Anh chị trước khi đưa ra trình Quốc hội khoá XII

Chủ tịch Quốc hội: Tôn Thất Cử
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao: Tôn Thất Vô tư
Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: Tôn Thất Đức
Thủ tướng Chính phủ: Tôn Thất Sách
Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Tôn Thất Vọng
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tôn Thất Chí
Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo: Tôn Thất Lễ
Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính: Tôn Thất Thế
Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính-Thương nghiệp: Tôn Thất Thần
Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp: Tôn Thất Phách
Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp: Tôn Thất Sắc
Tổng Thanh tra Chính phủ: Tôn Thất Thanh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Tôn Thất Thố
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Tôn Thất Bại
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Đại tướng Tôn Thất Trung
Tổng Tham mưu trưởng: Thượng tướng Tôn Thất Thủ
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần: Trung tướng Tôn Thất Lương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tôn Thất Cách
Bộ trưởng Bộ Công an: Tôn Thất Nhân Tâm
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Tôn Thất Luật
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tôn Thất Thu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tôn Thất Ước
Bộ trưởng Bộ Văn hoá: Tôn Thất Phu
Bộ trưởng Bộ Thông tin-Tuyên truyền: Tôn Thất Thiệt
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Tôn Thất Giáo
Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp: Tôn Thất Học
Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện: Tôn Thất Lạc
Bộ trưởng Bộ Vật tư: Tôn Thất Thoát
Bộ trưởng Bộ Thương binh: Tôn Thất Hứa
Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Tôn Thất Tình
Bộ trưởng Bộ Y tế: Tôn Thất Trinh
Thứ trưởng Bộ Y tế: Tôn Thất Tiết
Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Tôn Thất Lộc
Bộ trưởng Bộ Canh nông: Tôn Thất Bát
Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn: Tôn Thất Thổ
Bộ trưởng Bộ Lao động: Tôn Thất Nghiệp
Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi và Điện lực: Tôn Thất Thường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tôn Thất Tán
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước: Tôn Thất Cơ
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước: Tôn Thất Kinh
Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước: Tôn Thất Đảm
Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao: Tôn Thất Thểu
Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình: Tôn Thất Truyền
Chủ nhiệm Ủy ban Gia đình và trẻ em: Tôn Thất Hoà
Phó Chủ nhiệm: Tôn Thất Hiếu
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Tôn Thất Ý
Bộ trưởng không Bộ: Tôn Thất Tung

Đã ký:
Trần Ta-Bít
Vụ phó Vụ Bảo vệ cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương

Đồng kính gửi:
  • Các anh Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bẩy, Tám, Chín, Mười và Mười Hai.
  • đ/c Bẩy bằng Tô Thị Lớn
Quy định mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định CBT/TTCP-40-2007, nội dung như sau:

Kể từ ngày mồng Hai tháng Chín năm 2007, tất cả các văn bản hành chính, công văn, đơn từ đều phải theo mẫu sau:

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Cấm quay phim - Chụp ảnh - Tụ tập

ĐƠN XIN…
Đổi mặt, không đổi mông



Trong dịp khai trương năm học 2007-2008, mặt hàng chạy nhất tại các cửa hàng bán tặng phẩm và đồ lưu niệm ở Hà Nội và Sài Gòn là chiếc ghế mang tên "Ghế Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo" (Xem hình). Được hỏi lý do, một phụ huynh học sinh cho biết: "Đây chính là biểu tượng của ngành giáo dục Việt Nam. Năm phút đổi mặt ghế một lần, nhưng vẫn là cái mông đó thôi."
Nhìn thẳng vào sự thật



Quan tâm sâu sắc đến vai trò tiên phong của báo chí trong công cuộc thúc đẩy toàn Đảng toàn dân vững bước trên con đường tiến tới một xã hội dân chủ, ổn định, phồn vinh, công bằng và hiện đại, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị phát động một chiến dịch tư tưởng mới, mang tên “Báo chí hãy nhìn thẳng vào sự thật”. Tấm poster (xem hình) cho chiến dịch này sẽ được in tại trang nhất trong những ngày sắp tới trên tất cả 600 tờ báo và tạp chí cả nước. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ sử dụng poster này làm nền cho mẫu thẻ nhà báo tiêu chuẩn.
Tú Nếu
Chặn đứng một âm mưu gây rối an ninh trật tự

Saddam Hussein đang kích động người dân gây rối.

Washington DC (CNN) - Thời gian vừa qua, các thế lực thù địch Hoa Kỳ ở nước ngoài cấu kết với bọn phản động lợi dụng tôn giáo và một số phần tử cơ hội chính trị trong nước đã âm mưu dụ dỗ, mua chuộc những người dân Hoa Kỳ từ bang Texas kéo về thủ đô khiếu kiện việc xăng dầu tăng giá, kích động họ tham gia biểu tình chống chính quyền ở Washington DC. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã phát hiện kịp thời và chặn đứng âm mưu gây rối an ninh, trật tự này.

Để thực hiện ý đồ kích động những người khiếu kiện tiến hành biểu tình chống chính quyền, Saddam Hussein (còn sống thật chứ không phải kẻ đội lốt hắn bị treo cổ cuối năm ngoái), kẻ cầm đầu cái gọi là “Viện Hoá đạo Giáo hội Hồi giáo Hoa Kỳ Thống nhất”, một tổ chức tôn giáo không được thừa nhận ở Mỹ, đã bí mật cử Bin Laden mang 300 USD đến Washington DC để phát cho người khiếu kiện; đồng thời ngấm ngầm xúi giục để họ thông báo, lôi kéo thêm những người khiếu kiện ở các bang khác kéo về Washington DC và New York vào thời điểm chúng dự kiến tổ chức biểu tình.

Thủ đoạn của chúng là khi những người khiếu kiện tụ tập đông, trương băng rôn và khẩu hiệu, chúng sẽ đứng ra phát tiền “cứu trợ” và diễn thuyết nhằm kích động người khiếu kiện tiến hành biểu tình bất bạo động, diễu hành trên một số tuyến phố, chặn đường gây rối an ninh, trật tự; đồng thời tổ chức ghi âm, ghi hình truyền ra bên ngoài cho bọn phản động lưu vong phối hợp tuyên truyền chống Đảng Cộng hoà và Chính phủ Mỹ.

Theo kịch bản do bọn phản động dàn dựng, tại New York chúng sẽ lôi kéo, tụ tập những người khiếu kiện ra hai bên đường phố trước cổng Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng Cộng hoà và Nhà nước vào ngày 22/8, nhưng do kế hoạch bị bại lộ, chúng chuyển sang ngày 23/8. Cũng vào thời điểm đó, tại Washington DC, bọn phản động sẽ kích động người khiếu kiện xuống đường biểu tình tại khu vực giao nhau giữa Đường Lincoln và Đường Kennedy, sau đó sẽ kéo thẳng vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, toàn bộ âm mưu của chúng đã bị thất bại. Tại Washington DC, những đối tượng cầm đầu nhận sự chỉ đạo của bọn phản động để tổ chức biểu tình, gây rối và truyền thông tin ra bên ngoài đã nhanh chóng bị cô lập, vô hiệu hoá. Ngay trong ngày 22/8, chín đối tượng trong số này đã bị đưa về các bang nơi chúng cư trú để quản lý. Bin Laden, từ New York ra Washington DC, đã đến nhà Milosevic, một phần tử cơ hội chính trị từng bị tù vì vi phạm pháp luật và đã giả mạo cái chết của mình đầu năm ngoái), và được Milosevic dẫn đi tiếp xúc với một số đối tượng, trong đó có nhân vật tự xưng là "nhà Dân chủ" Bill Clinton.

Sáng 23/8, khi Bin Laden đang chuẩn bị phát tiền cho người khiếu kiện tập trung tại khu vực Trụ sở tiếp công dân số 110 Wall Street thì bị các lực lượng chức năng của ta bắt quả tang và đưa trở lại Washington DC, nơi Bin Laden cư trú bất hợp pháp. Tại đây, các cơ quan chức năng của thành phố cũng đã triển khai kế hoạch, kịp thời ngăn chặn hoạt động của bọn kích động gây rối ở Đường Lincoln.

Những người khiếu kiện, sau khi được giải thích, hiểu rõ âm mưu lôi kéo của bọn phản động, đã trở về các địa phương và phấn khởi tin tưởng vào chính sách xăng dầu của Đảng Cộng hoà và Nhà nước Hoa Kỳ.

(Bài liên quan: http://www.vnanet.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/
210495/Default.aspx
)
Lý do để yêu Wiki

(Matson)

Thế giới sợ ai nhất?

Cả thế giới phải nể sợ sức mạnh kinh tế, đặc biệt là tiềm lực quân sự của Mỹ! Mỹ "đã nói là làm"! Thế mà sau vụ Trân Châu cảng, người Mỹ vẫn phải nể sợ người Nhật "chưa nói đã làm". Còn người Nhật ư? Họ không bao giờ dám lơ là và luôn cảnh giác với phương châm "Không cần nói cũng làm" của người Trung Quốc!

Vậy người Trung Quốc sợ ai?

Xin thưa, sợ người Việt Nam! Với truyền thống "Nói một đằng làm một nẻo" của chúng ta, đố thằng Tàu nào biết chúng ta nghĩ gì mà đề phòng.

Vậy, cả thế giới phải sợ Việt Nam.
Vụ án

Vừa qua trên đường phố Hà Nội xảy ra một vụ án nghiêm trọng. Nạn nhân là một người ăn xin bị giật mất một cái dây chuyền vàng... bởi một người cụt tay ngồi trên một chiếc xe máy do một người cụt chân đèo. Bên kia đường có một người mù nhìn thấy, kể cho một người điếc nghe. Người điếc bảo một người câm gọi điện thoại cho công an, đến giờ vẫn chưa bắt được thủ phạm.
Sáu nghịch lý của người Việt Nam

  1. Ai cũng có việc nhưng không ai làm việc.
  2. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
  3. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
  4. Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
  5. Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
  6. Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".
Vương Văn Quang
Kích thước của thơ ca

Nhà thơ trẻ: Em 27 tuổi, bắt đầu làm thơ cách đây hơn một năm, tư duy và cảm xúc của em rất hoành tráng nhưng hình như thi phẩm lại quá nhỏ. Xin cho biết điều này có ảnh hưởng thế nào tới độc giả? Liệu họ có thất vọng không?

Nhà phê bình nghiên cứu (thuộc hội đồng nghiên cứu-lí luận-phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam) trả lời: Ở thời kỳ chưa trưởng thành, thi phẩm dài không quá 2,5 cm. Đến thời kỳ trưởng thành mà thi phẩm dài không quá 5 cm thì được coi là thi phẩm nhỏ. Nhiều thi sĩ cho rằng thi phẩm nhỏ sẽ không tạo được khoái cảm cho độc giả trong lúc thưởng thi. Thật ra, suy nghĩ như vậy là không đúng, bởi khả năng thưởng thi là một hành vi phức tạp, liên quan đến tâm lý, thần kinh, nội tiết. Bộ phận tiếp cận văn bản của đa số độc giả lúc bình thường đều ở trạng thái khép kín, chỉ khi thưởng thi mới nở (xoè) ra. Bộ phận này có rất nhiều nếp nhăn, có khả năng co giãn rất lớn, cho nên khi thưởng thi có thể thích ứng với mọi kích cỡ thi phẩm. Hơn nữa, trong khi thưởng thi, vùng nhạy cảm của họ chủ yếu là những cơ quan bên ngoài như âm thi, môi lớn, môi bé và chỉ đến 1/3 của tâm hồn mà thôi (khoảng 3 cm tính từ ngoài vào). Do đó, dù thi phẩm có nhỏ hơn kích thước bình thường cũng không làm độc giả giảm khoái cảm.

Em không nói rõ kích thước thi phẩm của mình là bao nhiêu, nên hội đồng không thể kết luận nó có quá nhỏ hay không.

(Tư liệu: www.ngoisao.net )
 


Gửi bài này cho bạn bè
5.9.2007
 
Như người cha hiền
talaCu
Cơ quan ngôn luận của talawas – Sát cánh cùng Nhân Dân

Số 38 – Ngày 05 tháng 9 năm 2007

Tú Nếu
Như người cha hiền...

Tôi sẽ luôn nhớ mãi mùa hè năm nay, 2007, vào một ngày tháng 9, Bác Bush từ Mỹ sang thăm sư đoàn chúng tôi, lúc ấy đang đóng quân ở Anbar, Iraq. Bốn giờ chiều, tin Bác Bush đến, lòng chúng tôi rạo rực nôn nao một niềm vui khôn tả...

Chiếc máy bay Air Force One đưa Bác Bush đến. Hàng ngũ lính thuỷ quân lục chiến nhốn nháo, ai cũng muốn nhoài người ra để được gần Bác Bush hơn, được nhìn Bác Bush rõ hơn. Đến gần lính thuỷ quân lục chiến, Bác Bush xuống xe, giơ mũ vẫy chào. Bác Bush mặc bộ com-lê màu sẫm quen thuộc, chân đi đôi giày Ý bóng loáng. Tiếng hô “Tổng thống Bush muôn năm! Tổng thống Bush muôn năm!” muốn vỡ tung lồng ngực. Bác Bush đáp lại: “Các cháu về đi, tối nay Bác cháu ta họp mặt”.

Bác Bush đang bắt tay với tác giả của bài viết
Chúng tôi giải tán về doanh trại, bồn chồn đứng ngồi không yên, chỉ chờ tiếng còi tập hợp để ra sân gặp Bác Bush. Từ trong nhà, Bác Bush ung dung đi ra, với bộ đồ áo sơ mi xanh và quần tây giản dị (xem hình), một tay cầm điếu xì gà, một tay cầm chiếc quạt ra sức quạt đi sức nóng của sa mạc, thong thả đứng dựa vào một chiếc xe tăng và bắt đầu nói chuyện.

Tất cả chúng tôi, ai ai cũng muốn ngâm một bài thơ, hát một bài hip-hop để nói lên niềm kính yêu vô hạn đối với Bác Bush.

Cứ sau một tiết mục, Bác Bush lại lấy ra từ một bọc vải một hoặc hai cái kẹo; ai ngâm thơ hay hát hip-hop và nhảy break dance thì Bác cho hai cái, ai đọc thơ mà không nhảy thì Bác cho một cái... Cứ như thế, Bác cháu quây quần suốt hai tiếng đồng hồ, giữa lãnh tụ Đảng Cộng hoà và chiến sĩ không còn khoảng cách mà như hòa làm một, khác nào cha với con trong niềm thương yêu dạt dào tình cảm.

Thời gian trôi đi nhanh quá. Bác Bush đứng dậy nhìn đoàn quân, giọng ôn tồn như lời cha hiền dặn con: “Các cháu ngâm thơ và hát rất hay, Bác còn muốn nghe mãi... Nhưng trời đã khuya, mai các cháu còn phải học tập và công tác, Bác cũng phải làm việc và về vì Laura đang đợi. Trước khi ra về Bác đề nghị một việc: để kỷ niệm ngày Bác cháu mình gặp mặt, mỗi người hứa trồng cho Bác hai cây phi lao. À, mà phi lao có mọc được ở sa mạc không nhỉ? Nếu không thì các cháu trồng cây gì khác cũng được, miễn là có thể mọc được ở đây. Các cháu có làm được không?”.

“Được ạ! Được ạ! Tổng thống Bush muôn năm!”.

Theo lời Bác Bush, kể từ ngày này trở về sau khắp sư đoàn sẽ rộ lên một phong trào trồng cây phi lao phủ xanh sa mạc. Mỗi chúng tôi không chỉ trồng hai cây mà thi đua trồng thật nhiều, có chiến sĩ trồng hàng ngàn cây dọc suốt bờ biển vùng vịnh Persian.

Biết đâu, mười tám năm sau...

Năm 2025, ngày đất nước Iraq hoà bình, trên đường về thăm lại quốc gia này, ngang qua Anbar, tôi sẽ chú ý quan sát vùng đất mà lính thuỷ quân lục chiến, trong đó có tôi, trồng phi lao ngày trước. Ôi! Không ngờ ngay trên tuyến lửa này, mặc cho bom cày đạn xới, suốt mười mấy năm chống khủng bố, những cây phi lao (hoặc cây gì mọc được ở đất sa mạc nóng bỏng này) bé bỏng ngày xưa đã thành rừng dày đặc, xanh um, chạy dài tít tắp.

Ôi! Bác Bush của chúng ta vĩ đại mà gần gũi biết bao!

Màu xanh Bác Bush để lại vẫn muôn đời còn đó.

Các bài liên quan:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=210997
&ChannelID=409

http://news.bbc.co.uk/2/hi/middle_east/6976250.stm
Bắc Kinh vẫy gọi

(Corrigan)

(Riber)

và Bình Nhưỡng đón chờ

(Daryl Cagle)

(John Sherffius)

Bạn hỏi, talaCu trả lời

Hỏi: Báo Công an Nhân dân ngày 01.9.2007 có bản tin nhan đề "Nhân dân phường Tràng Tiền yêu cầu Nguyễn Khắc Toàn hối cải". Tôi hiện sống ở phường Tràng Tiền, Hà Nội, nhưng tôi không yêu cầu ông Nguyễn Khắc Toàn hối cải. Xin hỏi, vậy tôi có là nhân dân không?

Trả lời: Tất nhiên là không. Bạn không là nhân dân, lại càng không là nhân dân phường Tràng Tiền.
Thất bại của Liên hiệp quốc

Mới đây, một cuộc thăm dò ý kiến do Liên hiệp quốc tiến hành đã thất bại thảm hại. Câu hỏi được đưa ra là: "Xin quý vị cho biết ý kiến về một giải pháp đối với tình trạng thiếu thốn lương thực tại các nước khác trên thế giới."

Ở các nước Đông Âu chẳng ai biết "ý kiến" là cái gì. Ở Trung Cận Đông chẳng ai biết "giải pháp" là cái gì. Ở Tây Âu chẳng ai biết "tình trạng thiếu thốn" là cái gì. Ở châu Phi chẳng ai biết “lương thực" là cái gì. Và ở Mỹ, chẳng ai biết “các nước khác trên thế giới" là cái gì.
Ký ức lịch sử
Ôn lại quá khứ và trau dồi ý thức lịch sử là nghĩa vụ của mọi công dân. Đóng vai trò gương mẫu, talaCu xin giới thiệu mục “Ký ức lịch sử”. Chúng ta hãy cùng nhau sống lại những giây phút hào hùng của lịch sử dân tộc cũng như của những đất nước (đã từng là) anh em.


Không chịu trách nhiệm

Một công dân Đông Đức gọi điện đến Stasi (Cơ quan mật vụ An ninh Quốc gia): "Thưa các đồng chí, tên tôi là Mayer. Tôi xin báo cáo là con vẹt của tôi vừa xổng chuồng. Phòng trường hợp các đồng chí bắt lại được, tôi xin nói luôn là tôi không chịu trách nhiệm về quan điểm chính trị của nó đâu ạ.“

Cải tạo tốt

Nhà nọ có một con vẹt, mở miệng ra là hô "Đả đảo cộng sản". Một hôm có công an khu phố ghé thăm, nhà nọ bèn tống con vẹt vào ngăn đá của tủ lạnh. Khách ra về, mấy tiếng đồng hồ sau nhà nọ mới sực nhớ tới con vẹt trong ngăn đá. Vừa chui ra, vẹt đã nhanh nhẩu "Đảng Cộng sản muôn năm". Ngạc nhiên quá, nhà nọ hỏi lý do khiến vẹt thay đổi chính kiến. Vẹt đáp: "4 tiếng đồng hồ Sibiri là đủ lắm rồi".

Sự khác nhau

Sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội và cực khoái?
Trong chủ nghĩa xã hội, người ta hổn hển lâu hơn.

Sự khác nhau giữa dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa?
Đại loại cũng như giữa ghế và ghế điện.

Vì sao chủ nghĩa tư bản cứ đứng trên bờ vực?
Để dễ quan sát chủ nghĩa xã hội hơn.

7 kỳ quan của Cộng hoà Dân chủ Đức
  1. Tại CHDC Đức không có nạn thất nghiệp
  2. Mặc dù không có nạn thất nghiệp, chỉ một nửa nhân dân lao động là làm việc
  3. Mặc dù chỉ một nửa nhân dân lao động làm việc, kết quả vẫn luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra
  4. Mặc dù kết quả luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, vẫn không có hàng tiêu thụ
  5. Mặc dù không có hàng tiêu thụ, mọi người đều hạnh phúc và hài lòng
  6. Mặc dù mọi người đều hạnh phúc và hài lòng, vẫn thường xuyên có biểu tình
  7. Mặc dù thường xuyên có biểu tình, chính phủ vẫn luôn luôn tái đắc cử với tỉ lệ phiếu thuận 99,9 %

Tất nhiên

Trong chủ nghĩa xã hội, tất nhiên là ai cũng được đảm bảo quyền tự do nói thẳng những điều mình nghĩ. Nhưng tất nhiên không ai nghĩ những điều mà mình không được tự do nói thẳng.


Nhân chứng

Thẩm phán hỏi một phụ nữ: "Chị dám khẳng định là bị một chiến sĩ Xô-viết cưỡng hiếp hả?"

"Vâng, đúng như thế. Đây, tôi có 5 nhân chứng tận mắt chứng kiến vụ đó."

"5 nhân chứng là cái gì! Tôi có thể đưa ra 5 triệu nhân chứng không tận mặt chứng kiến vụ đó."
Hãy báo tin cho Giáo hoàng!

Năm 1981
  1. Thái tử Charles kết hôn.
  2. Liverpool đoạt cúp vô địch châu Âu.
  3. Giáo hoàng bị ám sát.

Năm 2005
  1. Thái tử Charles kết hôn.
  2. Liverpool đoạt cúp vô địch châu Âu.
  3. Giáo hoàng qua đời.
Nếu Thái tử Charles kết hôn một lần nữa và Liverpool một lần nữa đoạt cúp vô địch châu Âu, xin khẩn cấp báo tin cho Giáo hoàng!
 


Gửi bài này cho bạn bè
18.7.2007
 
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn về chuyến đi Mỹ
Phóng viên PVB thực hiện
Chuyến đi Mỹ cuối tháng 6.2007 vừa qua của Chủ tịch Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết là một thắng lợi cho Đảng và nhân dân ta. Về đến Hà Nội, Chủ tịch Nước đã dành cho phóng viên của tờ báo mạng PVB “Bảo Sao Ghi Vậy” một cuộc phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt ngay trong dinh chủ tịch.

Cuộc phỏng vấn được ghi âm, thu hình đầy đủ và lưu trữ tại trang nhà của báo PVB và của Đảng. Phần ghi lại dưới đây đúng bản gốc 100%, không thừa một dấu chấm, không sai một dấu phẩy.
PVB: Thưa Ngài Chủ tịch, xin ngài cho biết đánh giá tổng quát của ngài về chuyến đi Mỹ vừa qua.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Thành công, thành công, đại thành công. Thắng lợi, thắng lợi, toàn thắng lợi.

PVB: Ngài Chủ tịch có thể nói rõ hơn về những thành công và thắng lợi đó không?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Này nhé. Tôi đã đem về cho đất nước hơn mười tỉ đô la của các công ti Mỹ mà không phải tốn nhiều công sức. Chỉ tốn chút nước miếng, đem khoe với các ông chủ tịch công ti là Việt Nam ngày nay có nhiều con gái đẹp lắm, mà giá nhân công rất rẻ. Thế là họ tranh nhau xin kí hợp đồng. Các công ti đối tác của mình kí xong, tôi phải đặt bút phê chuẩn cũng mỏi cả tay.

PVB: Còn những thắng lợi thì cụ thể như thế nào, thưa ngài Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Tôi sẽ nói về hai thắng lợi to lớn nhất mà chuyến đi Mỹ của tôi đã đạt được. Trước hết là các báo Mỹ đều có những bài hết lòng ca ngợi tôi, như tờ Oa-sinh-tơn Pốt và tờ Guôn-xì-trít Giuộc-Nôn đều trang trọng đăng nhiều trang về chuyến đi của tôi trong mục đặc biệt Pết-Át-Vơ-Tai-Sơ-Mần. Nhiều báo của Việt kiều như Việt Huých-liViệt Tri-buyn cũng ca ngợi chuyến đi của tôi và còn xin phỏng vấn nữa. Họ hoan hỉ đăng ngay những câu trả lời bằng văn bản do Ban Tư tưởng soạn sẵn. Riêng đối với đồng bào ta bên đó, đại đa số dành cho tôi và đoàn những cảm tình nồng ấm. Lời phát biểu của tôi tại buổi liên hoan do mấy hội thương mại, doanh nghiệp Việt kiều tổ chức: “Con người ta sống trên đời là để yêu thương nhau” bây giờ đã trở thành chân lí sáng ngời trong lòng đồng bào ta bên đó.

PVB: Đại đa số Việt kiều bên đó ủng hộ Đảng và nhà nước, nhưng còn một số rất nhỏ cực đoan vẫn đem lòng thù hận, tổ chức biểu tình phản đối khi ngài Chủ tịch đến Quận Cam, thưa điều đó có đúng không?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Phải nói là đại đa số Việt kiều ở Mỹ đã đón tiếp tôi và phái đoàn một cách chân tình, niềm nở. Nhưng không ai muốn phát biểu thẳng thắn, công khai nên Đảng phải bố trí đưa cựu Thủ tướng chính quyền Sài Gòn từ Việt Nam về lại Mỹ để phát biểu mấy điều linh tinh trong tiệc liên hoan. Khi xe tiến vào khách sạn, tôi thấy vài chục người phất tờ giấy mầu vàng để chào đón tôi và phái đoàn. Tôi bấm vai kêu tài xế ngừng xe để tôi xuống bắt tay, thăm hỏi từng đồng bào đã bỏ công ăn việc làm ra đón tôi. Nhưng anh tài xế không chịu ngừng. Thế là tôi mất một cơ hội tốt để trực tiếp cám ơn những tình nghĩa của đồng bào ta, của máu Việt Nam bên đó.

PVB: Còn buổi gặp gỡ với Tổng thống Bush thì sao, thưa ngài Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Ngài Tổng thống Bút và phu nhân đón tiếp tôi và nhà tôi rất ân cần. Trong khi tôi gặp Tổng thống Bút thì bà Bút đưa nhà tôi đi sóp-ping. Tổng thống Bút nói ông rất mừng là tôi đã đến được nước Mỹ. Tổng thống Bút kể cho tôi nghe rằng các cố vấn đã đề nghị ông không đón tiếp tôi trong lúc này. Nhưng Tổng thống Bút đã gạt phăng và bảo họ rằng họ không hiểu biết gì về Việt Nam vì chưa bao giờ họ đến đó. Ông Bút nói ông đã đến Việt Nam năm ngoái và thấy lãnh đạo cũng như dân Việt Nam đón ông chân tình, cởi mở còn hơn cả nhân dân Hoa Kỳ nữa.

PVB: Như thế những đề nghị về nhân quyền ở Việt Nam mà các cố vấn đưa ra có được Tổng thống Bush đem bàn luận với ngài Chủ tịch không?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Tổng thống Bút có đưa vấn đề nhân quyền ra bàn với tôi. Vì đã được cùng với Bộ Chính trị học tập trước nên tôi trả lời rất rốt ráo. Khi bàn đến quyền tự do phát biểu, Tổng thống Bút chỉ ra ngoài cửa sổ phòng bầu dục, tôi thấy rất đông người biểu tình, không phải là những bà con còn mang lòng thù hận đến biểu tình chống tôi và phái đoàn mà là những người Mỹ đang hò hét đòi Hoa Kỳ rút quân khỏi I-rắc. Ông Bút nói với tôi như thế này: “Ngài Chủ tịch thấy không, ở Hoa Kỳ mọi người dân có quyền nói lên quan điểm, kể cả chống lại những chính sách của nhà nước, mà không sợ bị bắt giam”. Nghe Tổng thống Bút nói xong, tôi mới giải thích tường tận cho ông Bút hiểu rằng ở Việt Nam thì người dân cũng được tự do phát biểu như người dân Mỹ ở ngoài kia thôi. Tôi kể cho Tổng thống Bút nghe là từ văn phòng làm việc trong phủ chủ tịch của tôi ở Hà Nội, nhiều lần tôi thấy dân biểu tình đòi Mỹ rút khỏi I-rắc, mà đâu có ai bị bắt bỏ tù. Tôi sâu sắc khẳng định với ông Bút là nhà nước Việt Nam không bắt giam những người bất đồng chính kiến, chỉ những người vi phạm luật pháp Việt Nam mới bị bỏ tù. Tôi đưa dẫn chứng cụ thể về việc người Việt chúng ta cũng có nhiều bất đồng chính kiến. Thí dụ như nhà tôi thích cầu lông, còn tôi thích bóng đá; hay Thủ tướng Dũng thích câu cá, còn tôi thích câu cua. Đó là bất đồng chính kiến đó chứ.

PVB: Ngài Chủ tịch còn được phóng viên của kênh truyền hình quốc tế CNN phỏng vấn nữa, chủ tịch có thể cho biết nội dung cuộc phỏng vấn?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Trong thời gian đoàn Việt Nam do tôi hướng dẫn có mặt tại Hoa Kỳ, kênh Xê-enờ-enờ đã liên tục từng giờ làm phóng sự về Việt Nam trong tiết mục nổi tiếng còm-mơ-sô ét. Sau đó còn gửi phóng viên Gúp-phờ Bờ-lít-giờ đến phỏng vấn tôi. Chung chung tôi lại đưa ra quan điểm rằng là Việt Nam muốn phát triển trao đổi thương mại với Hoa Kỳ vì ở đó có nhiều tài nguyên, nhiều bãi biển đẹp, rừng núi hấp dẫn, nhân công rẻ và nhiều gái đẹp. Trên kênh Xê-enờ-enờ một lần nữa tôi lại xác minh rằng ở Việt Nam không có tù chính trị. Nhà nước Việt Nam không bắt giam những người bất đồng chính kiến.

PVB: Chỉ có thế thôi thưa ngài Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Không, phóng viên có hỏi nhiều nữa. Anh đọc bản lược thuật của báo Nhân dân thì rõ.

PVB: Nhưng báo đài nước ngoài thì nói báo Nhân dân của Đảng và nhà nước ta không thuật lại đúng, hoặc đã thêm bớt lời nói vào miệng của ngài Chủ tịch.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Thêm bớt chỗ nào đâu, anh dẫn chứng cho tôi xem. Bản lược thuật buổi phỏng vấn đã được Bộ Chính trị thông qua trước khi phổ biến cho nhân dân ta đọc, cũng như những bài phỏng vấn trên báo Việt kiều cho đồng bào ta ở nước ngoài đọc. Không thể có sai sót được vì Đảng ta là trí tuệ, là ngọn đuốc soi đường.

PVB: Thưa ngài Chủ tịch, trong bản đăng trên báo Nhân dân, chẳng hạn ngài cho biết, sau khi phóng viên CNN đưa cho ngài xem tấm hình của linh mục Nguyễn Văn Lý bị nhân viên an ninh của ta bịt miệng vì la ó trong phòng xử, ngài nói rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam và Vatican đồng ý với việc này. Nhưng sau đó ông Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tuyên bố rằng ngài nói không đúng sự thật.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Tôi nói không đúng sự thật chỗ nào nhỉ? Khi toà xử, kết án ông Lý rồi đem nhốt tù, không thấy Hội đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng hay Va-ti-căng phản đối gì thì tức là họ đồng tình với việc làm đúng đắn của Đảng và nhà nước ta chứ còn gì nữa. Ở đời tôi ghét nhất là nói dối. Tôi cũng như Thủ tướng Dũng rất ghét những điều gian dối.

PVB: Xin cám ơn ngài Chủ tịch đã dành cho báo chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

© 2007 talawas
 


Gửi bài này cho bạn bè
29.11.2006
 
Thư riêng của Tổng thống Bush gửi chủ tịch Nguyễn Minh Triết
talaCu
Cơ quan ngôn luận của talawas – Sát cánh cùng Nhân Dân

Số 37 – Ngày 29 tháng 11 năm 2006



Thư riêng của Tổng thống Bush gửi chủ tịch Nguyễn Minh Triết

Nước Mĩ, vài phút rảnh rỗi nhân dịp Lễ Tạ ơn


Ông chủ tịch rất thân mến của tôi,

Hôm nay, trọn một tuần sau buổi quyến luyến chia tay ông cùng quý bà, tôi cầm bút viết vài hàng, mong những tình cảm tràn đầy trong trái tim tôi và trái tim nước Mĩ vượt muôn trùng Thái Bình Dương đến với ông bà và đất nước Việt Nam.

Chuyến viếng thăm thật là ngắn ngủi, khiến biết bao điều chưa được nói thành biên bản, nhưng tôi tin chắc rằng kể từ nay - chứ đâu phải từ chuyến thăm Việt Nam của Bill Clinton mấy năm trước – hai dân tộc chúng ta đã nhất trí cao độ về vấn đề quá khứ.

Cuộc tháo chạy tán loạn: 29.4.1975, trên nóc Toà Đại sứ Mĩ tại Sài Gòn

31 năm sau: tháng 11.2006, Hà Nội (tranh: Babui)

Người Mĩ chúng tôi có một quan điểm rất thoáng về quá khứ, nhất là những quá khứ do chúng tôi quyết định. Tuy ở vào vị trí phải thường xuyên làm nên lịch sử, nhưng Hoa Kì lại là biểu tượng của tương lai nhân loại, nhất là những nhân loại không chống lại chúng tôi. Tôi rất mừng là Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm này. Việt Nam cũng xác định rất nhất quán "Ai không theo ta là chống ta" và cũng cương quyết niêm phong quá khứ lại. Phái đoàn của ông Phan Văn Khải khi đến Hoa Kì năm ngoái đã không mất thời giờ vào việc gặp gỡ các công ti sản xuất bom Napalm trước kia, mà tìm đến Microsoft, Boeing và Harvard. Không nên để lịch sử cản đường mình, đó là cách ứng xử đẹp nhất với quá khứ.

Những hình ảnh này của lịch sử có thể cản đường đến...

... tương lai hội nhập (tranh: Babui)

Khi đặt chân tới Hà Nội, vợ chồng tôi hết sức bất ngờ và vui mừng thấy một nước Việt Nam trẻ trung, năng động, tràn đầy sức sống. Các bạn là những con hổ non đang chuẩn bị nhảy những cú ngoạn mục, và tôi xin được tiết lộ với ông chủ tịch rất thân mến rằng cá nhân tôi nói riêng rất say mê những loài động vật dũng mãnh như ngựa, hổ, xe tăng, còn tấm lòng người Mĩ chúng tôi thì luôn mở rộng cho mọi loài động vật.

Những con hổ non...

... và mẹ hổ

Chính vì thế tôi thật tiếc là món quà PNTR mà tôi đã dày công chuẩn bị để mang sang Việt Nam lần này, đến phút chót – nói như Laura của tôi – là đã bị bỏ quên tại khách sạn Shangri-la ở Singapore. Chắc ông cũng thông cảm với tôi: Nước Mĩ phải học tập Việt Nam khá nhiều trong tinh thần trên dưới cùng một lòng, tả hữu cùng một hướng, không nên mất đoàn kết, dẫn đến những quyết định đáng tiếc như của Đảng Dân chủ vừa rồi với vụ quà cáp. Nhưng mặc dầu đã hoàn toàn chắc chắc về sự đại lượng của ông, tôi vẫn vô cùng xấu hổ khi lúc đến thì tay không mà lúc về thì chẳng những được cả một dân tộc - trong khi không thiếu gì người đang giục nhau “Hãy nhanh chân và giành một phần Việt Nam!” – mà lại còn được đem theo tấm áo dài màu xanh da trời, mầu của tương lai và hi vọng. Laura của tôi thì xiết bao hạnh phúc vì được tặng bức chân dung hai đứa chúng tôi đang nhìn vào mắt nhau đắm đuối, khảm bằng những viên ngọc lung linh nhất của tình cảm Việt Nam.

Tấm áo dài mang màu của tương lai và hi vọng (tranh: Babui)

Cuối cùng, tôi cũng phải xin lỗi ông về sự cố bất đắc dĩ, thực ra là do Condoleezza không được khéo léo lắm. Ai lại mời bộ trưởng tất cả các nước đến ăn sáng với mình mà chừa hai bộ trưởng của Đài Loan ra như thế, để họ phải nhịn đói rất tội nghiệp. Nhưng như tôi đã ghé tai ông nói nhỏ hôm chụp ảnh trước tấm phông có cảnh Vịnh Hạ Long: Đôi khi phải vì việc lớn mà quên đi tiểu tiết ông ạ. Chắc ông cũng không muốn ông Hồ Cẩm Đào đùng đùng bỏ về trước. Đối với chủ nhà là ông, tất cả các vị khách đều bình đẳng, nhưng có những vị khách bình đẳng hơn các vị khác, đúng không ạ? Cũng vì nghĩa lớn mà tôi tin rằng ông đã phải chịu vài ba lời chỉ trích khi buộc phải treo biển cấm người nước ngoài ở đâu đó (mặc dù chính mặt tôi chưa hề nhìn thấy chúng, mà tôi có cái tật là chỉ tin những gì mình tận mắt chứng kiến). Rồi lịch sử sẽ xoá cho chúng ta những cái “tội” ngọt ngào ấy!

Ông cũng cho tôi gửi lời thăm hỏi nồng nhiệt đến ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi rất vui rằng câu nói buột miệng của tôi về sự thành đạt của mấy người con của ông Thủ tướng lại được báo chí quan tâm đến như vậy.

Cầu Chúa phù hộ cho nước Mĩ, để nước Mĩ có thể che chở cho Việt Nam!

Thư bất tận ngôn.

Mãi mãi là bạn ông.

George W. Bush


Hà Nội chống tham nhũng


Sáng ngày 21.11, Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố Hà Nội về chương trình hành động chống tham nhũng, lãng phí đã khai mạc trọng thể. Chủ tịch UBNDTP mở đầu hội nghị bằng việc giới thiệu hai biện pháp đặc biệt:

1. Nghiêm cấm dùng xe công vào việc riêng. Trường hợp được thảo luận sôi nổi là: nếu trên đường theo xe cơ quan ra sân bay đi công tác đột xuất, cán bộ nhà nước muốn tạt qua nhà một lát thì bắt đầu từ đoạn đường nào được tính vào phạm trù việc riêng mà cán bộ phải trả một khoản tiền theo giá taxi. Điều này cũng có nghĩa các xe cơ quan cần đồng loạt trang bị thêm đồng hồ tính tiền. Nếu cán bộ cần tạt qua nhà để lấy một bộ quần áo bắt buộc phải mặc trong khi giao tiếp thuộc công việc cơ quan, thì đoạn đường tạt qua nhà được tính vào phạm trù việc công. Nếu cán bộ kết hợp việc lấy bộ quần áo này với việc ôm hôn tạm biệt vợ con thì tính lượt đi đoạn đường này vào phạm trù riêng và lượt về vào phạm trù công. Nếu hai cán bộ cùng đi một xe cơ quan, trong đó chỉ có một cán bộ được hưởng chế độ xe công tác thì cán bộ đi nhờ phải thanh toán cho tài xế xe cơ quan một khoản tiền bằng nửa giá taxi cho đoạn đường đã đi, v.v…

2. Cấm nhận và biếu quà, tặng phẩm trị giá trên 200.000 đồng. Trường hợp quà được mua trong Duty Free Shop với giá ghi dưới 200.000 thì vẫn phải tính theo giá của thị trường tự do. Tuy nhiên, cán bộ không bị truy cứu trách nhiệm trong trường hợp vợ mình tặng hoặc nhận một món quà trị giá trên mức quy định, vì vợ cán bộ là một công dân đã đầy đủ tư cách pháp lý và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước lương tâm. Để tôn trọng truyền thống “ăn ở có trước có sau” của người Việt, quy định không tính đến những món quà vô giá, những món quà không thể quy đổi ra giá trị vật chất và những món quà mang nặng tính chất tình cảm.

Sau bữa ăn trưa đơn giản với 6 món cơ bản và rượu bia, nước giải khát các loại, hội nghị tiếp tục thảo luận nghiêm túc và khẩn trương tại hội trường. Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: mỗi lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện phải có ít nhất một sáng kiến cụ thể chống tham nhũng, lãng phí, tránh tình trạng chỉ viết thu hoạch tóm lược về Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm như trước đây. Thời hạn cuối để nộp sáng kiến là 17 giờ ngày 21.01.2007 tại Văn phòng UBNDTPHN, 79 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, ĐT. 9345912, email sangkien@ubnd.hn.gov.vn.

Theo kế hoạch, tất cả các sáng kiến, sau khi biên tập và nhuận sắc bởi các nhà văn, nhà báo lão luyện nhất, sẽ được UBNDTP phát hành rộng rãi dưới dạng truyện nhiều tập. Tất cả các cơ quan nhà nước, ban ngành, đoàn thể, địa phương và các trường từ mẫu giáo đến đại học sẽ được giao chỉ tiêu mua sách về nghiên cứu. Có thể phát hành những ấn bản đặc biệt với khổ chữ to hơn, kèm hình minh hoạ vui tươi, cho đối tượng từ mẫu giáo đến hết bậc tiểu học. Mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá từ 15% đến 30%. Gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng, anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân và các diện “chế độ” tương tự sẽ được nhận sách miễn phí. Gia đình trong diện “xoá đói giảm nghèo” có thể làm đơn đến các UBND phường để xin mua sách trợ giá. Dự kiến tập đầu tiên của bộ sách quí này sẽ được xuất bản dưới tên Hà Nội chống tham nhũng: 1001 sáng kiến vào giữa năm 2007.

 


Gửi bài này cho bạn bè
23.8.2006
 
Công an – người bạn của nhân dân
- Nội dung đáng tiếc không được tìm thấy -