8.10.2008
Quá Giang
Bảo tàng Luận văn Tiến sĩ, tôi ủng hộ. Lần nào đi Hà Nội, thầy tôi đều ghé Văn Miếu Quốc tử Giám, và đều thuê hướng dẫn viên giới thiệu. Mỗi lần như thế thầy đều rủ rê thêm bà con, bạn bè đi cùng cho vui. Ai hỏi sao đi nhiều lần thế? Thầy bảo: "Vì đó là tinh hoa quốc tuý của dân tộc mình. Ở Văn Miếu tôi học được nhiều điều. Ông bà ta ngày xưa rất trọng cái học. Từ cái học hình thành nhân cách và kiến thức của mỗi người. Cách học ngày xưa rất mở, dù ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến, nhưng các thầy dạy không phải kiểu thầy đọc trò chép. Mỗi người tự nghiên cứu, rồi thể hiện bằng cách riêng của mình, không phải bắt chước, sao chép. Các thầy đều tôn trọng ý kiến riêng của mỗi học viên, đánh giá cao các ý kiến sáng tạo."
Ở Văn Miếu, mỗi khoa thi đều có ghi tên đầy đủ những người đỗ tiến sĩ qua mỗi thời kì. Tới đó ta thấy được niềm tự hào của dân tộc, lấy cái học làm trọng. Các tiến sĩ lưu danh đến muôn đời. Gần đây Viện Bảo tàng Dân tộc học lại nêu ra ý kiến thành lập Viện Bảo tàng Luận văn Tiến sĩ thời cận đại. Một ý kiến thật hay, mặc dù không mới. Ngặt một nỗi, các tiến sĩ giấy nhà ta bây giờ sợ không dám đưa luận văn mình vào viện để lưu trữ. Dĩ nhiên luận văn đó cũng lưu danh.
Hay quá, lúc mà các tiến sĩ thi nhau ào ạt ra đời thì giải pháp này hay hơn cả. Ai đưa luận văn ra công luận chắc người đó là tiến sĩ thật.
8.10.2008
Äá»— Kh.
Hồn Trương Các, Mác hàng Tửu?
Bài liệt kê của Võ Tấn Phong (" Chủ nghĩa Mác?"), tôi xin phép không có ý kiến về toàn bộ. Một thắc mắc nhỏ, là để phản biện “các nhà Marxist Việt Nam" được nêu danh, tác giả mang trường hợp của Trương Tửu mà ưu ái những hai lần, lần đầu trích dẫn làm chứng: “Trương Tửu đã áp dụng thủ đoạn đó trong lúc y đem hiện tượng ‘văn học chống chế độ hiện tại’ là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ trong xã hội cũ, ứng dụng vào trong chế độ mới, mà chính quyền Nhà nước đã về tay nhân dân, mà sự chống đối đó trở thành một hành động phản cách mạng.” và lần thứ nhì chú thích: "… là những người cộng sản chỉ kêu gọi đối xử nhau lịch sự khi đang ở thế yếu hoặc đuối lý, còn khi họ mạnh, thì ‘bọn phản động Phan Khôi, Trương Tửu, bọn Mỹ-Diệm, những tên tay sai bán nước, bọn phản động đội lốt thầy tu’ là những lời lẽ họ rất ưa dùng để chỉ những ai đối lập." Chúng ta biết, và ông Võ Tấn Phong phải biết, là các nạn nhân của chế độ tại Việt Nam hẳn là không thiếu, chẳng hiểu vì sao ông cứ nêu Trương Tửu. Theo tôi ngờ ngợ (nếu không phải xin nhờ chỉ dẫn hộ), thì Trương Tửu lại dám thuộc tạng “các nhà Marxist Việt Nam” được/bị tác giả phê bình! Chí ít là nhân vật này từng được/bị quy kết là trốt-kít, không rõ thật hay giả (và có ăn tiền của Intelligence Service Anh quốc hay không). Nhưng Leo Trotsky, chính y, cũng chẳng rõ có phải là hay được /bị là nhà Marxist hay không, chuyện này cũng đã có những bàn cãi dông dài. May thay là ông Trần Thiện Huy được tác giả nhắc đến thì còn sống và còn có dịp để giãi bày.
8.10.2008
Nguyen Viet Binh
Đọc xong bài của thầy Hùng, tôi gật gù vì thấy giống mình quá - "Đã sinh Du sao còn sinh Lượng" - Tuy nhiên, tôi học gần hết trung học đệ nhị cấp thì giải phóng, đọc thấy thầy Hùng ca tụng sách giáo khoa trước giải phóng thì mình quá hổ thẹn, vì có sách giáo khoa tốt mà mình thì học không ra gì, từ tiểu học đến trung học, việc học hoàn toàn mất căn bản dù có sách giáo khoa hay. Nếu tôi nhớ không lầm thì thầy giáo dạy Toán năm lớp 10 chỉ học đến lớp 12, chưa có bằng cử nhân, ai học thêm ông thì được điểm cao, ai không học thêm thì may nhờ rủi chịu. Vì thế đã kém, lại không đi học thêm, lại quá mất căn bản về Toán nên chuyện làm bài nhận 4/20 là chuyện thường. Rồi giải phóng tới, tôi lại chăm học lên, dù phải làm rẫy ruộng phụ giúp gia đình, lên rừng kiếm củi đốt, có rất ít thời gian cho học hành, nên lúc đó mới biết quý thời gian, có chút thời gian là cắm cúi tự học, đế rồi thì đậu Đại học Tổng hợp Toán, học hành đâu ra đó, ra trường được bổ đi dạy Toán ở một trường đại học ở Sài Gòn, dù đâu ai biết rằng đó là người học sinh không biết gì về Toán 5 năm trước. Ví dụ như năm lớp 11, tôi không biết phân tích thừa số là gì. Không hiểu chứng minh là để làm gì. Đọc tới đây có lẽ có nhiều người lại nói "Thầy giáo xã hội chủ nghĩa là thế đó mà!". Tôi vượt biên, sau khi làm thầy giáo Toán được 8 năm, qua đây vào đại học lại lúc 32 tuổi, học lại Anh văn từ A,B,C vì hồi nhỏ học tiếng Pháp (cũng tệ lắm), nhưng là sinh ngữ chính nên ráng học một chút, còn Anh văn, sinh ngữ hai, hệ số một, nên bỏ luôn, lên đại học học tiếng Nga nên tiếng Anh hoàn toàn không biết. Vậy mà, học thấy nhẹ nhàng hơn những năm học bên Việt Nam nhiều, dù tiếng Anh còn dở. Vì vậy theo tôi thấy điều sau: Đừng chê thầy dở, chỉ trách mình không chịu học mà thôi, nghĩa là học hành dở thì trách mình trước, dừng trách cho xã hội hoặc thầy cô. Đôi khi nghĩ lại đời mình thấy cũng thú vị. "Nhỏ không biết gì về Toán, lớn lên dạy Toán. Nhỏ không biết gì về điện toán, lớn thành chuyên gia điện toán. Nhỏ không biết gì về Anh văn, lớn lên phải sử dụng hàng ngày để nói chuyện, đọc viết." Tuy nhiên, tôi khác thầy Hùng ở một điểm, là tôi không nói với học trò là tôi học dở, mà chỉ nói với những người học trò dốt nhất của lớp: "Nếu các anh cố gắng học là các anh sẽ giỏi hơn tôi", kèm theo là những bài học kinh nghiệm bản thân từ học dốt thành học đàng hoàng, có thể ngửng mặt với đời. Còn chuyện dốt lúc nhỏ thì đâu có gì hay mà kể với học trò, kể cho học trò nghe đôi khi lại hại chúng nó.
8.10.2008
Nhã Nam
Thưa ông Nguyễn Mai Sơn, Tôi vừa đọc ý kiến của ông về ý kiến của ông Việt Hải. Ông viết: " vì chính tôi đã phải vượt tường lửa để đọc xem Vietcatholic , Vietcatholicnews họ nói những gì. Và tôi cũng biết theo dõi thường xuyên xem BBC nói những gì. Tôi đã từng không dưới một lần nghi ngờ và hoang mang khi đọc những tin tức cảnh báo nguy cơ sụp đổ một chế độ kiểu này", tôi rất thông cảm với ông vì thái độ nghi ngờ là yếu tố để có tư duy độc lập, thế nhưng không biết ông có nghi ngờ và hoang mang khi đọc những thông tin cảnh báo về "diễn biến hòa bình, thế lực thù địch chống phá..." khi đọc vài trăm tờ báo trong nước đồng ca hay không? Riêng cá nhân tôi thì đã nghi ngờ lẫn hoang mang nên mới phải mất công vượt tường lửa (giống như ông) để đọc các trang tin " không hề chịu bất kỳ sự quản lý của ai ngoài chính họ", nhưng đó là chuyện ngày xưa, khi những diễn đàn độc lập này còn là món ăn tinh thần lạ lẫm. Bởi ngày nay, khi đã hình thành một tư duy độc lập, "nghi ngờ và hoang mang" thì đã dễ dàng kiểm chứng, đối chiếu. Ông cũng viết: " nói về Việt Nam thì cứ xả láng hết cỡ, miễn sao đừng lên án một cách cũng ‘xả láng hết cỡ’ cái nước mà họ đang sinh sống là được", tôi đồ rằng những trang thông tin ông hay đọc là những trang tiếng Việt, nói về hiện tình Việt Nam và cho người Việt là chủ yếu nên thông tin về "cái nước mà họ đang sinh sống" chiếm phần thứ yếu, âu cũng là dễ hiểu. Nếu rành ngọai ngữ, ông vẫn có thể đọc website của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ hay của Al Jazeera chẳng hạn để xem họ nói thế nào về "cái nước mà họ đang sinh sống". Ông bảo ông đọc " các trang nhà thuộc Dòng Chúa Cứu thế" mà thấy " ớn lạnh". Ngoài trang nhà www.chuacuuthe.com, Dòng Chúa Cứu thế còn có trang www.trungtammucvudcct.com, www.nhasachducme.com, www.dcctvn.net và trang của DCCT Hải ngoại. Tôi không hiểu ông thấy "ớn lạnh" ở trang nào, tôi thì ớn lạnh khi vào trang www.trungtammucvudcct.com đọc về chương trình bảo vệ sự sống, thấy những cảnh trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, về những con số nạo phá thai kinh khủng ở Việt Nam. Còn những trang kia tôi tìm thông tin vu khống, cắt xén thì không thấy. Ông vẫn có thể đọc thử các mục "bài giảng Chúa nhật", "ký sự", "chia sẻ" để bớt "ớn lạnh". Dĩ nhiên đây chỉ là ý kiến chủ quan, ông vui lòng dẫn chứng những thông tin "ớn lạnh". Còn trang www.dcctvn.net sở dĩ làm lại như mới thì tôi biết chắc chắn rằng nó mới phải làm lại vì trang cũ đã bị một mệnh lệnh hành chính bắt công ty cung cấp domain, host phải ngưng tiếp tục phục vụ khách hàng là DCCT Việt Nam, một động thái hết sức đơn giản chứ không phải bị hack hoặc đặt firewall như đồn đoán. Bịt miệng như thế quả là thượng sách. Tại sao phải bịt miệng khi trong tay chính quyền có hơn 700 cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thanh và hàng vạn phóng viên đồng ca? Tôi cũng suy nghĩ chủ quan rằng vườn kiểng truyền thông phải cắt xén ngay hàng thẳng lối, cây nào, cành nào nhô lên là... phạt ngang tuốt. Còn Chuacuuthe, Vietcatholic, Vietcatholicnews… dĩ nhiên liên kết không chỉ với DCCT mà còn liên kết với các cơ quan truyền thông Công giáo trên toàn thế giới nữa kia. Chung quan điểm cũng là hiển nhiên, ông nên đọc thêm các bài tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa ngữ khác. Nếu các linh mục ở Thái Hà có khuyên các tín hữu nên tìm đọc các trang Công giáo thì rõ ràng vì các trang này đang lọt thỏm giữa trận đồ trùng trùng điệp điệp của truyền thông công cụ nên hơi khó kiếm (và khó vượt firewall). Ông cũng khuyên bảo các trang Công giáo " nên thay đổi nội dung của mình", bằng không ông nghĩ là " họ đang làm chính trị" (!). Ghê thật, nghe lời gang thép của ông cùng lời răn dạy " truyền thông nhà nước đã nói đến việc tin tức của Dòng Chúa Cứu thế đã xuyên tạc và mang tính chất phản động, kích động chống đối nhà nước" và " Bất lợi như thế nào thì truyền thông Công giáo đã thấy rõ", tôi bất giác mường tượng ra cảnh đấu tố địa chủ, tư sản, văn nghệ sĩ, trí thức xưa nay (nhiều tư liệu có ngay trên talawas này). Ôi, "muốn tái lập sự đối thoại cởi mở mà vẫn giữ những ngôn từ như vậy" thì sẽ bị đập tan nát phải không ông? Phải xếp giáo quy hàng, phải vào dàn đồng ca "cho nó lành" phải không ông Nguyễn Mai Sơn?
8.10.2008
Một độc giả
Gửi ông Nguyễn Mai Sơn, Ông viết rằng: " Mấy hôm nay, vào thăm trang nhà Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam – www.dcctvn.net, không hiểu sao tôi thấy nó như mới được làm lại, bài vở như rừng bỗng biến đâu mất hết, chỉ còn những bài viết gần đây". Theo nội dung này, từ trước đến nay, ông là người thường xuyên vào trang của Dòng Chúa Cứu thế, nhưng không hiểu sao những điều mà ông "không hiểu sao" lại rất lập lờ, mà nếu bất kỳ ai thường xuyên vào trang này cũng biết, và cư dân mạng có quan tâm (mà xem ra ông cũng trong số đó) cũng đều biết mà không có gì lập lờ: 1. Trang của DCCT trước đây không phải là www.dcctvn.net, mà là www.chuacuuthe.com, vậy mà trước khi DCCT có trang mới, ông vẫn vào được địa chỉ hiện nay thì thật tuyệt vời! 2. Trang VietCatholic vốn bị tường lửa từ lâu, trong khi DCCT cũ không bị tường lửa, vì họ chỉ mới lập sau này và không có nhiều người biết đến, trước khi có sự việc tháng 9 vừa rồi. Tháng 9, nhờ không bị có tường lửa, khi dân cư mạng lan truyền, trang DCCT (cũ) có lượng truy cập đột biến. Đến một ngày gần cuối tháng 9, trang này đột ngột biến mất, đến nay vẫn hoàn toàn không còn lại dấu vết gì. Dân cư mạng đều biết nó đã bị đánh sập. Trang DCCT mới được làm lại và post từng bài, từng bài mới, thậm chí vẫn còn đang chắp vá từng modul một của trang này kể từ ngày lập lại (phải đến 4, 5 ngày sau khi trang cũ sập), bài cũ thì không biết họ có kế hoạch post lại hay không. 3. "Đăng lại như vậy thì có chung quan điểm không nhỉ?", câu hỏi này thật cũng đáng "không hiểu sao" vì có cần gì phải hỏi, đâu có gì lập lờ, nhưng câu hỏi lại lập lờ. 4. Bài của DCCT trang cũ chẳng phải như "rừng" như ông nói. Họ chỉ mới lập, trước đây bài vở rất ít, chỉ vào tháng 9 vừa rồi, việc post và post lại bài của VietCatholic mới thường xuyên. Đều đó cũng không có gì "không hiểu sao" khi so với việc tường lửa giữa 2 trang.
|