11.10.2008
ChÃnh Anh
Trưa nay mở tờ báo ra thấy thông tin Bộ Y tế kiến nghị thu hồi và hủy tất cả các sản phẩm sữa có melamine. Thôi thế là xong, nhẹ cả người, bà vợ cũng thế, từ nay không phải lo nghĩ gì về melamine nữa, con cái nhịn sữa gần tháng nay rồi. Tất cả vì sức khỏe nhân dân. Hoan hô Bộ Y tế. Phải thế chứ. Bữa cơm trưa dường như rộn ràng hơn.
Đang chấm cọng rau bí bỗng chùng hẳn xuống khi bất chợt nghĩ: cái nước tương có sạch không nhỉ? Thôi chết, mới đây cũng ầm ỹ lên chuyện Chinsu có thạch tín cơ mà. Sao không hủy hết đi? Bỏ dở bữa cơm, lục lọi trên Internet, hóa ra chuyện thật đơn giản, chỉ cần có một chỉ số an toàn cho người tiêu dùng là đủ, dưới cái ngưõng ấy là an tâm.
“Thì cứ cấm tiệt không tốt hơn à?”, bà vợ nói. Ừ nhỉ, nhưng tại sao mấy anh như Mỹ, châu Âu, châu Úc... lại đẻ ra cái tiêu chuẩn về hàm lượng melamine làm gì? Sao không nghe vợ tôi nói mà cấm tiệt đi.
Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học Kỹ thuật của Tp. Hồ Chí Minh được Tuổi Trẻ trích đăng, nói phải cẩn thận với cả các sản phẩm bằng nhựa cứng như chén, tô, thìa, dĩa vì chúng có thể tiết ra melamine nếu đựng thức ăn nóng. Khoa học hẳn hoi chứ không phải đùa, melamine kết hợp với formaldehyd để làm ra nhựa cứng. Nước Anh cũng đã phải tiến hành kiểm tra nhưng rất may chỉ có một vài sản phẩm có hàm lượng melamine là vượt quá tiêu chuẩn phải thu hồi và hủy.
Nguy to rồi, vì sức khỏe nhân dân, tôi đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ lập đoàn kiểm tra ngay. Cứ có melamine ở sản phẩm nào là phải loại bỏ hết. Vì chén, bát, dĩa... là để đựng thực phẩm, melamine mà tiết ra thì nguy hiểm, hay ít nhất thì cũng phải cấm người dân không sử dụng thức ăn nóng đựng vào đồ nhựa cứng. Chẳng ai bảo ai cả hai vợ chồng đều nhìn vào cái bát nhựa cứng đầy nghi ngờ. Bà vợ lại chen vào: “Thì chắc liều lượng nó nhỏ, không sạn thận đâu mà lo, cũng như thạch tín trong nước tương í”.
Nhưng mà cái tiêu chuẩn melamine trong sữa, trong thực phẩm nó là bao nhiêu để tôi yên tâm thì không ai nói cho tôi cả.
Riêng với mặt hàng sữa, Bộ Y tế là xong xuôi trách nhiệm rồi, hủy hết. Thôi! Thế là xong! Không nói nữa. Đã không có quy định về định lượng melamine ngay từ đầu thì đến cuối cũng thế, doanh nghiệp nào mà trong sản phẩm trót có melamine (dù hàm lượng ít hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của các nước) thì cố mà chịu. Cho “mày” chết, ai bảo “mày” không vì sức khỏe nhân dân. Ông Thứ trưởng “vì sức khỏe nhân dân” nói: “Bây giờ không phải là lúc bàn đến chuyện ấy - chuyện công bố tiêu chuẩn an toàn của melamine trong sữa”. Thế thì lúc nào ông bàn đến, hay là ông sợ khi bàn đến chuyện ấy thì số lượng sữa hàng trăm tấn phải hủy nó nằm trong ngưỡng an toàn? Lúc ấy, ông có bỏ tiền ra đền cho người ta hay không?
Ông xong xuôi trách nhiệm rồi, ông trình lên Thủ tướng ký để hủy số sữa ấy đi với lý do vì sức khỏe nhân dân. Ông khôn lắm ông ạ. Nhẽ ra nếu vì sức khỏe nhân dân, cái việc công bố ngưỡng an toàn của melamine trong thực phẩm ông phải làm từ lâu rồi.
Chỉ có mấy anh doanh nghiệp không biết gì là thở dài: Thôi, thế là xong... chết em rồi.
10.10.2008
Trần Hà Tiệp
Một người bạn Trung Hoa của tôi tới thăm. Chúng tôi bàn về vấn đề ô nhiễm ở Trung Hoa (vì ô nhiễm đang là vấn đề nóng ở Việt Nam như vụ Vedan). Người bạn nói với tôi một điều tôi muốn chia sẽ cùng bạn đọc talawas:
Vào bất cứ một đại siêu thị bán lẻ nào ở Mỹ, đồ gì cũng rẻ cả, đa số làm ở Trung Hoa (Made in China) hoặc một số ít ở Việt Nam: nửa tá bít tất chỉ 1.99 đô, một cái áo sơ mi 4.99 đô… Một đôi giày chỉ có 5-15 đô. Ai cũng biết shopping ở Mỹ là rẻ vô địch trong các nước công nghiệp phát triển. Những đại công ty bán lẻ này đã góp phần giúp cho lạm phát của Mỹ rất thấp trong vòng hàng chục năm nay. Hàng hóa càng ngày càng rẻ, dân Mỹ tha hồ xài. Những đại công ty Mỹ này mỗi năm (hoặc mỗi quý) đều đưa ra lộ trình giảm giá cho các đối tác Trung Hoa. Thí dụ đôi giày họ mua với giá 10 đô thì trong 3 tháng tới phải xuống 9.5 đô và sau 1 năm phải là 8 đô… Các công ty Trung Hoa không có lựa chọn vì thị trường vào Mỹ hầu như độc quyền bởi vài đại công ty. Họ chỉ có hai cách: 1) tăng năng suất, nếu không được thì 2) làm ẩu, bóc lột nhân công, xài nguyên liệu rẻ tiền hơn, cố gắng qua mắt kiểm tra chất lượng và 3) không đề ý gì đến môi trường.
Người bạn của tôi đang đại diện cho một công ty Trung Hoa để thương thảo giá, đề nghị: “Nếu quý đại công ty cho chúng tôi lên giá một đôi giày 1 đô, thì số tiền dôi ra chúng tôi sẽ dùng để 1) tăng lương cho công nhân; 2) Trợ cấp cho những công nhân có thai; 3) hiện đại hệ thống nước và khí thải. Chúng tôi sẽ đưa toàn bộ dữ kiện để quý ngài kiểm tra rằng 1 đô tăng giá hoàn toàn được dùng cho những việc đó, cổ đông sẽ không lấy một xu tiền lời từ 1 đô này.”
Đại công ty dĩ nhiên là không đồng ý: “Chúng tôi không thể tăng giá, vào đại siêu thị chúng tôi đâu cũng có bảng hạ giá cả, nhất là thời này, đang suy thoái kinh tế.” Người bạn tôi quá bức xúc mà nói với tôi như thế này: “Mỗi đôi giày, mỗi bộ áo quần Made in China mà người Mỹ xài là có một ít không khí sạch, một ít nước sạch của Trung Hoa mất đi, kể cả một ít sức khoẻ của công nhân. Cái giá của môi trường chưa tính vào đó.” Bạn còn nói tiếp: “Một ngày nào đó thị trường Trung Hoa mà lớn, thì chúng tôi sẽ nói ‘không’ với chuyện ép giá, lúc đó người Mỹ sẽ thấy thế nào là lạm phát hoặc không có giày mà đi, áo quần mà mặc”.
Cho nên tối nay, đãi bạn đi ăn, tôi chọn Ruth Steak, ở đó thịt bò và rượu vang chắc chắn là Made in US. Miếng thịt bò 16 Oz. ăn không hết đem về, thì cái vỏ xốp lại là Made in China.
10.10.2008
Lâm Hoà ng Mạnh
Thêm một vài ý kiến về bài thơ “Ðây thôn Vĩ Dạ” Tôi rất thích ý kiến của bạn Cổ Luỹ về bài “Ðây thôn Vĩ Dạ”, nhưng bài thơ này có giai thoại xuất xứ như sau: Cuối thập niên 1930, thi sĩ họ Hàn đang trong thời kỳ chữa bệnh, một người bạn thân của ông đến thăm và đưa cho ông xem bức ảnh một cô gái, nói rằng đó là em gái của ông và “nếu đồng ý ông sẽ làm mối cho”! Nếu tôi nhớ không nhầm thì người kể chuyện ấy chính là ông Ngô Xuân Huy (em ruột thi sĩ Ngô Xuân Diệu), người thày giáo dạy văn cấp 3 khi tôi học ở Hải Phòng từ 1957-1960. Chính vì giai thoại này nên chúng tôi hiểu về bài thơ theo một cách khác, tính trung thực của giai thoại xin nhường cho độc giả phán xét. Bốn câu đầu tiên: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc Lá trúc chen ngang mặt chữ điền. Câu “Sao anh...” chính là lời ướm hỏi hay là lời trách cứ thân tình của người bạn thân đặt ra cho thi sĩ. Câu 2 và câu 3 là bức phác thảo về thôn Vĩ, nơi có hàng cau, vườn cây xanh mơn mởn xinh đẹp khi ánh bình minh trải xuống (tưởng tượng của thi sĩ?). Phong cảnh tuyệt vời và lãng mạn biết bao mà tại sao thi sĩ còn ngần ngại gì mà không đến. Ðó là câu hỏi của người bạn hay chính bản thân tác giả? Trên những bức tranh đồng quê, như bức “Mục đồng” (chú bé chăn trâu), trên góc phía trái thường có hình lá trúc, lá tre. Miền quê mà ông mô tả phong cảnh hữu tình, ông lại điểm thêm vài “lá trúc”, biến cảnh miêu tả thành bức họa hài hòa và Hàn Mặc Tử không chỉ là thi sĩ thiên tài mà còn là một họa sĩ tài ba! Câu tiếp theo: Gió theo lối gió, mây đường mây Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.... Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? Thông thường gió thổi thì mây bay, nhưng ở đây “Gió theo lối gió” và “Mây đường mây” có nghĩa là ngược với quy luật tự nhiên! Thi sĩ họ Hàn cảm thấy đời mình thật trớ trêu (?). Trai tài sánh duyên cùng gái thuyền quyên là lẽ thường tình, nhưng ông không thể! Chính vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” cho nên phong cảnh hữu tình: dòng sông nhuốm đầy ánh trăng, con thuyền bên bến, bãi ngô đang mùa trổ bắp lung lay trước làn gió mát... mà ông lại thấy “Dòng nước buồn thiu”!. Rồi đưa ra một câu hỏi vu vơ: con thuyền cô đơn kia có kịp chở mảnh tình trên Sông Trăng (viết hoa trong nguyên bản) về kịp cho ông hay cho cô gái thôn Vĩ Dạ hay không? Câu kết: Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra... Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà? Những năm 1930, kỹ thuật chụp ảnh cũng như máy ảnh thời ấy còn rất thô sơ nên ảnh chụp không rõ nét là chuyện bình thường. Áo của cô gái đã trắng mà thợ chụp lại dùng ánh sáng quá nhiều (?) nên khi ngắm bức ảnh, ông “nhìn không ra” là phải. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Phải chăng vì ảnh không rõ nét, hay ông không muốn bình phẩm nhan sắc thiếu nữ trong ảnh? Và cũng không muốn đổ lỗi cho bức ảnh nên ông bào chữa rằng có thể vì ở đây nhiều sương và lắm khói nên ông “nhìn không ra”, hay mắt ông ngấn lệ? Chỉ qua lời giới thiệu và bức ảnh trong tay, chưa một lần gặp gỡ nên ông đặt câu hỏi “ai biết tình ai có đậm đà” cho chính ông! Thiếu nữ kia có nặng tình, ông cũng chẳng rõ!
10.10.2008
Việt Hải
Thưa ông Nguyễn Mai Sơn, 1. Ông có viết: “Đúng như ông Khanh nói, ai bảo Trung Quốc ‘mất chất’, ‘tư bản hóa’ thì bảo, bây giờ không phải điều quan tâm của họ nữa. Quan trọng là cứ phóng Thần Châu đều đặn, phát triển kinh tế, mở rộng truyền bá Hán ngữ trên thế giới, có bao nhiêu đặc thù của Trung Hoa đem hết ra khoe, đến nỗi cứ gặp màu đỏ là thấy Trung Quốc. Việt Nam muốn được như Trung Quốc thì cũng còn hụt hơi.“ Sự ngưỡng mộ của ông Nguyễn Mai Sơn cho một Trung Quốc ngày nay là có lý của ông. Song điều đó cũng không ngăn người khác thử đặt lại vấn đề. Có một đất nước “ cứ phóng Thần Châu đều đặn, phát triển kinh tế,…” nhưng trong đó, người với người chẳng ai còn biết có thể tin được ai; sinh mạng, sức khỏe con người, dù là con trẻ, cũng không đáng một đồng cân nào. Tới mức, trước mối nguy đó tư bản nước ngoài dù hám lợi cách mấy cũng phải “chột dạ” không nỡ ngậm miệng, liền bị chính quyền ra sức che giấu, khiến họ phải cầu xin sự giúp đỡ từ chính phủ nước họ. Giả sử có một xã hội khác, dù còn trong “cõi hồng hoang”, “ăn lông ở lỗ”, nhưng người với người không dối lừa, không cần đề phòng lẫn nhau, an toàn sống bên nhau. Không biết xã hội nào trong hai xã hội ấy là nhân bản, nhân văn hơn? Những đặc điểm nào của hai xã hội trên được cho là quan trọng hơn, cao quý hơn, người hơn cho ngôi vị làm con người? Theo tôi, cũng còn tùy nhân sinh quan mỗi người vậy. 2. Trong ý kiến trước, tôi nhận định: truyền thông Công giáo ở hải ngoại nhìn sự việc qua nhiều lăng kính khác nhau. Như thế không có nghĩa rằng truyền thông Công giáo, các bài viết của người lương, giáo trong nước đi đúng lề bên phải. Sự thật nó như vậy, ông Sơn không ưng cũng một lẽ và ông giải thích nguồn cơn hiện tượng ấy do đâu là quyền của ông. Lại có sự thật nữa là: một phần lớn giáo dân không có cái may được tiếp cận nhiều luồng thông tin như ông Nguyễn Mai Sơn, nhưng khi theo dõi truyền thông trong nước, đồng thời nghe nguyên văn bài phát biểu của đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt được đọc lại trước Thánh lễ tại tất cả các nhà thờ thì họ hiểu ngay đâu là sự thật thôi. Và như thế, họ càng cảm thương, lo lắng cho vị chủ chăn của mình bị hiểu lầm do lối xuyên tạc, cắt xén thông tin thâm độc của các cơ quan truyền thông nhà nước.
9.10.2008
Ngoc Duyen
"... tôi không thể nói thay người khác được, nhưng dư luận ban đầu chưa có ai phản đối, chỉ có những người hưởng ứng, ủng hộ." Ôi, thầy Hạc phát biểu đúng y như cách của các lãnh đạo nhà nước ta. À mà không nói như vậy thì làm sao còn làm Chủ tịch HĐCVDA này được. Chúc thầy sức khoẻ.
|