trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


19.10.2008
Tràng An

Đôi lời về bài “Một quái trạng văn hóa”

Đọc bài “Một quái trạng văn hóa” của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi thấy có ích phần nào lại chính là nhờ một trang dài liệt kê các sách vở có nhắc đến từ “hậu hiện đại”, phần còn lại khiến người đọc nghi ngờ tự hỏi không biết ông Ngọc-Tuấn này có phải chính là ông Ngọc-Tuấn ấy, trình độ học vấn đến thế ấy mà không biết trình độ văn hóa ra làm sao? Một cuộc hội thảo khoa học mà ông không trực tiếp tham dự, cũng chưa được đọc hết các bài tham luận đã bị ông phỉ báng là “hội thảo cốt để giải ngân”. Một tác giả được nhiều bạn đọc yêu mến kính trọng không chỉ vì tài hoa mà còn vì nhân cách như ông Trịnh Lữ thì được ông gọi là “háo danh, tự mãn, vô trách nhiệm”. Tiếc một điều là ông Ngọc-Tuấn có lẽ chưa biết, ông Trịnh Lữ vốn chưa bao giờ tự xưng là nhà này nhà nọ, cũng không thấy ông ham hố tham gia vào những hội này hội kia, uy tín mà ông có được từ bạn đọc gần xa vì lẽ đó mà thực sự vô tư trong sáng, khởi xuất từ chính những lao động nghệ thuật lặng lẽ và nghiêm cẩn của ông. Bạn đọc Việt Nam ngày nay tuy chưa được sống ở môi trường văn minh với hệ thống thư viện tiện lợi như ông Ngọc-Tuấn ở tận bên Sydney nhưng cũng nhờ có mạng internet mà được nối với thế giới, lại cũng ngày càng có nhiều người có điều kiện đi du học đây đó, chẳng đến nỗi nào bị ông coi như những kẻ chẳng biết gì như thế. Chúng tôi biết đọc, biết sàng lọc, biết tìm ra cái hay cái dở, cái đáng tiếp nhận, cái cần phải suy nghĩ bàn luận thêm chứ đâu có phải con rối để các ông nói gì chúng tôi cũng cắm đầu cắm cổ tin theo? Cá nhân tôi thấy bài tham luận của ông Trịnh Lữ là một hành động dũng cảm, không xu thời dễ dãi, khơi gợi nhiều suy nghĩ cho những người làm nghệ thuật nước nhà nên tỉnh táo khi tiếp nhận các luồng văn hóa, tư tưởng, ngõ hầu tìm ra một lối đi cho bản thân. Tôi không thấy ông Trịnh Lữ ra giọng dạy bảo ai, xúc phạm ai, ông chỉ mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ của ông một cách khiêm tốn, có văn hóa. Không phải nói nhiều thì những người vô tư, tử tế có dịp biết tới nguyên văn bài phát biểu của ông Trịnh Lữ (chứ không phải chỉ là bài trích đăng, cắt xén không hỏi ý kiến tác giả trên một số báo mạng) rồi đọc bài của ông Ngọc-Tuấn thì cũng đủ hiểu cả rồi. Tôi chỉ xin góp đôi lời thế này, để nâng cao tầm văn hóa phê bình, người viết phê bình nên chăng tự nhắc mình:

1. Khi phê bình nên tập trung vào văn bản, không nên có những qui kết vội vàng về nhân cách của tác giả một cách vô lối, xúc phạm.

2. Phê bình mang tính khoa học, xây dựng, để làm rõ thêm vấn đề, khơi gợi để độc giả cùng suy nghĩ hay phê bình để chửi bới, đạp đổ, thỏa mãn tự ái và mưu đồ cá nhân?

3. Chỉ ra những tiểu tiết chưa rõ hoặc chưa chính xác là cái tốt. Nhưng quan trọng hơn nên viết cho trúng đích, phê bình cái mà người ta đang bàn tới, không nên cố bới lông tìm vết rồi lu loa qui chụp, xúc phạm.

Dung túng cho những kiểu phê bình “cả vú lấp miệng em” như thế sẽ khiến những người yếu bóng vía phát hoảng, chả ai dám nói lên ý kiến trái chiều, còn những người vốn ưa tịch lặng có thể ngao ngán mà bỏ mặc cho những kẻ xu thời náo loạn mà thôi. Là một bạn đọc rất mực kính trọng ông Trịnh Lữ, tôi thực lòng tin tưởng ông sẽ không lấy thế làm điều, vẫn tiếp tục dám nói những điều “nghịch nhĩ” một đám đông.
 


18.10.2008
Chu Việt

Ông già Thế Uyên

Ông ở nhà già, gọi ông là ông già là thuận lý nhưng khiên cưỡng. Thật ra ông không già. Ông là một loại người mà Tàu gọi là “nhân lão, tâm bất lão”, hiểu theo ý nghiêm túc. Nhà già được ông mô tả như một nơi nghỉ mát lý tưởng ở đâu như Acapulco hay Waikiki. Đọc văn ông, bao giờ tôi cũng thấy xúc động vì ông nhìn đâu cũng thấy đời mầu hồng trong khi nó xám xịt, con người lạc quan hết thuốc chữa. Cách đây dăm sáu năm, ông bị tai biến mạch máu não, liệt một nửa người, tưởng đâu đã ô-rơ-voa văn nghiệp. Nhưng không, liệt tay phải, ông phấn đấu luyện tập viết bằng tay trái, và chỉ ít lâu sau lại thấy xuất hiện bài vở của Thế Uyên. Một gương ý chí bất khuất đáng nể phục.

Tôi thích văn Thế Uyên vì nó dung dị, lãng mạn, giầu cảm tính, rất gần gũi với Thạch Lam - chú ông. Ông đọc nhiều, hiểu rộng, tri thức không thua kém ai. Vốn ngoại ngữ của ông không thâm sâu lắm nhưng ông đã dịch thành công cuốn Exodus của Leon Uris. Tác phẩm của ông gồm phần lớn là truyện ngắn, trong số đó tôi thích nhất là “Căn nhà của mẹ” viết năm 1970 với một văn phong thể ký và cốt truyện đơn giản làm lòng người rung động.

Độc giả và các nhà phê bình thường chê trách Thế Uyên ở điểm ông nặng phần dục tình trong các tác phẩm, có khi đẩy nó tới mấp mé bờ kích dục, thí dụ như trong truyện ngắn ”Nhà văn già và cô bé gù”. Tôi chỉ thấy chuyện này thường tình và khá phổ biến. Viết về dục tình nhưng ông vẫn né tránh sự dung tục mà thi vị hóa nó một cách phóng khoáng. Ông đâu táo tợn bằng Thấm Vân, sỗ sàng như Đỗ Kh. trong “Linda mặt ngang”, hay trắng trợn như Khánh Trường trong “Có yêu em không?” Phải, Thế Uyên có viết một sê-ri bài về dục tình nơi các nhà văn nữ ở hải ngoại [kể cả Phạm Thị Hoài], trong đó kỹ thuật của ông là trích đoạn những câu liên hệ tiêu biểu nhất. Thế thôi, không có gì là lập thuyết hay phê bình dài dòng cả. Đơn giản, ông chỉ làm một công việc thâu góp (compilation) mà thôi.

Có thể lý giải thiên hướng dục tình trong văn chương Thế Uyên bằng giả thuyết ẩn ức kiểu Freud. Nhưng tôi không thấy dấu hiệu chứng cứ gì nơi con người của ông. Trước khi bị tai biến não, ông ung dung nốc bia và hút thuốc lá liên tu như thổi ống bễ. Người anh của ông (Duy Lam) – nguyên là một vận động viên thể dục - thường than phiền với tôi: “Thằng ấy chẳng chịu thể dục thể thao bao giờ cả”. Nhưng có một điều tôi nhận xét nơi Thế Uyên là ông có một libido mạnh hơn người thường và đối tượng của ông bao giờ cũng chỉ là vợ ông (nhân vật Thi), một người đàn bà nhỏ bé, xinh đẹp, đảm đang, Ông là người chồng tuyệt đối chung thủy với vợ dù tính tình rất phóng khoáng. Cách đây ít lâu tôi có sang Seattle thăm ông, thấy ông mập hẳn ra (vì phải cai thuốc lá) và trông thật giống bà mẹ (Nguyễn Thị Thế). Tò mò, tôi hỏi đùa ông: “Này, ông liệt nửa người bên phải. Thế còn ‘hình nhi hạ’ có bị liệt không?” Ông tỉnh bơ đáp “vẫn như thường lệ”.

Tuần trước, anh Nguyễn Tường Thiết có e-mail cho tôi báo tin Thế Uyên đang bị đau nặng, kèm theo là e-mail của Thế Uyên cho biết ông bị nhiễm trùng túi mật ở gan (gallbladder), một hai tháng sau phải giải phẫu cắt bỏ. Tôi hỏi bác sĩ Nguyễn Tường Giang (nhà thơ, con út Thạch Lam) có sao không. Giang bảo không sao cả, thường thôi. Tôi e-mail cho Thế Uyên động viên tinh thần và nhắc lại lời Giang. Nhưng ở tuổi 73 của ông, cái gì cũng có thế xẩy ra. Cho nên tôi cầu Trời khấn Phật – kể cả xin đấng Allah, cho thời thượng – cho ông tai qua nạn khỏi như lần trước.
 


17.10.2008
Nguyên Trường

Cho choa góp mười ngàn đồng!

Quê choa có một ông bí thư tỉnh uỷ hồi hưu, nghe đâu mới nhận bằng tiến sĩ (TS), vui ơi là vui! Chẳng biết khi còn tại nhiệm ông đã học hết lớp mấy và có bằng A Anh văn chưa, nhưng sau khi hồi hưu được vài năm thì ở hội nghị nào cũng thấy (đấy là nói mấy cái hội thí dụ như khuyến học gì đó, cốt để mấy anh háo danh khoe và tâng bốc nhau cho đỡ nhớ thời còn tại nhiệm) người ta giới thiệu: “Anh TVK vừa nhận bằng tiến sĩ ở Singapore về”. Nhưng ở bên dưới người ta lại kháo nhau: “Thằng ấy thuốc sâu (TS) đấy!” Thôi thì tiến-sĩ-thuốc-sâu gì cũng được, miễn là vài năm nữa ông cựu bí thư quê choa sẽ có tên trên bảng vàng bia đá ở cái Văn Miếu thời đổi mới là vui rồi. Cứ nghĩ đến ngày choa được ra thăm cái Văn Miếu ấy, được nhìn thấy tên ông cựu bí thư tỉnh uỷ TS đồng hương trên bia đá cưỡi mu rùa là choa lại thấy run bắn cả người lên vì sướng rồi. Được sướng mà lại không đóng góp gì thì cũng kì, cho nên choa xin ông Phạm Minh Hạc, là người đang làm cố vấn cho cái Văn Miếu hiện đại đó, công khai tài khoản công trình để choa có điều kiện góp mười ngàn đồng. Chẳng phải xây dựng đâu mà chỉ nhằm bôi trơn ngòi bút, cho ông TS quê choa được ra hàng bia mặt tiền mà thôi. Ai vô tình đọc mấy dòng này mà lại có quen biết ông Phạm Minh Hạc, xin nhắn giùm.

Choa xin cám ơn trước!
 


11.10.2008
Hồ Bạch Thảo

Bài viết về Ải Nam Quan của ông Trương Nhân Tuấn rất công phu, tôi xin phép được góp ý về một vài địa danh:

1. Ông Tuấn mô tả vị trí hai ải Thủy Khẩu và Bình Nhi khá chính xác. Nếu mở bản đồ phía nam Trung Quốc tại trang maps.google.com, hãy bắt đầu từ Nam Ninh tức thành Ung xưa, hướng nam đi ngược sông Tả Giang qua Long Châu, đến đây dòng sông chia làm hai: nhánh bên trái đi vào Lạng Sơn qua biên giới nước ta tại Ải Bình Nhi, nhánh bên phải vào Cao Bằng qua biên giới tại Ải Thủy Khẩu. Thời nhà Tây Sơn, có thỏa ước với nhà Thanh mang hàng hóa qua hai quan ải này buôn bán.

2. Theo Ðào Duy Anh tham khảo từ Thiên hạ quận quốc chép: “Pha Lũy tức Nam Quan…” Tôi làm bản tra cứu (Index) cho Minh thực lục, thấy trong sách này chép tên “Pha Lũy” 8 lần từ năm 1428 trở về trước, chép tên “Nam Quan” 4 lần từ năm 1539 trở về sau. Riêng Thanh thực lục chép tên “Nam Quan” 23 lần, không có tên “Pha Lũy”. Như vậy Ải Pha Lũy được đổi tên thành Nam Quan có thể từ thời Gia Tĩnh.

3. Ông Tuấn nói có thuyết cho rằng Pha Lũy phía nam Kê Lăng, có thuyết cho rằng ở phía bắc Kê Lăng. Tôi xin chép lại một đoạn nhật ký của Thượng thư Hoàng Phúc, người đã đích thân đi trên con đường này lúc sang làm quan tại nước ta dưới thời Minh thuộc:

“Sáng sớm từ Ải Pha Lũy tại biên giới đi ngựa đến giờ Ngọ đến đồn Khâu Ôn. Ngày hôm sau khởi hành từ sáng tại Khâu Ôn đến giờ Ngọ đến Ải Lưu, tiếp tục đến chiều đến đồn Kê Linh [Lăng]. Đi tiếp 2 ngày đến đồn Cần Trạm…”
 


11.10.2008
Chính Anh

Trưa nay mở tờ báo ra thấy thông tin Bộ Y tế kiến nghị thu hồi và hủy tất cả các sản phẩm sữa có melamine. Thôi thế là xong, nhẹ cả người, bà vợ cũng thế, từ nay không phải lo nghĩ gì về melamine nữa, con cái nhịn sữa gần tháng nay rồi. Tất cả vì sức khỏe nhân dân. Hoan hô Bộ Y tế. Phải thế chứ. Bữa cơm trưa dường như rộn ràng hơn.

Đang chấm cọng rau bí bỗng chùng hẳn xuống khi bất chợt nghĩ: cái nước tương có sạch không nhỉ? Thôi chết, mới đây cũng ầm ỹ lên chuyện Chinsu có thạch tín cơ mà. Sao không hủy hết đi? Bỏ dở bữa cơm, lục lọi trên Internet, hóa ra chuyện thật đơn giản, chỉ cần có một chỉ số an toàn cho người tiêu dùng là đủ, dưới cái ngưõng ấy là an tâm.

“Thì cứ cấm tiệt không tốt hơn à?”, bà vợ nói. Ừ nhỉ, nhưng tại sao mấy anh như Mỹ, châu Âu, châu Úc... lại đẻ ra cái tiêu chuẩn về hàm lượng melamine làm gì? Sao không nghe vợ tôi nói mà cấm tiệt đi.

Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học Kỹ thuật của Tp. Hồ Chí Minh được Tuổi Trẻ trích đăng, nói phải cẩn thận với cả các sản phẩm bằng nhựa cứng như chén, tô, thìa, dĩa vì chúng có thể tiết ra melamine nếu đựng thức ăn nóng. Khoa học hẳn hoi chứ không phải đùa, melamine kết hợp với formaldehyd để làm ra nhựa cứng. Nước Anh cũng đã phải tiến hành kiểm tra nhưng rất may chỉ có một vài sản phẩm có hàm lượng melamine là vượt quá tiêu chuẩn phải thu hồi và hủy.

Nguy to rồi, vì sức khỏe nhân dân, tôi đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ lập đoàn kiểm tra ngay. Cứ có melamine ở sản phẩm nào là phải loại bỏ hết. Vì chén, bát, dĩa... là để đựng thực phẩm, melamine mà tiết ra thì nguy hiểm, hay ít nhất thì cũng phải cấm người dân không sử dụng thức ăn nóng đựng vào đồ nhựa cứng. Chẳng ai bảo ai cả hai vợ chồng đều nhìn vào cái bát nhựa cứng đầy nghi ngờ. Bà vợ lại chen vào: “Thì chắc liều lượng nó nhỏ, không sạn thận đâu mà lo, cũng như thạch tín trong nước tương í”.

Nhưng mà cái tiêu chuẩn melamine trong sữa, trong thực phẩm nó là bao nhiêu để tôi yên tâm thì không ai nói cho tôi cả.

Riêng với mặt hàng sữa, Bộ Y tế là xong xuôi trách nhiệm rồi, hủy hết. Thôi! Thế là xong! Không nói nữa. Đã không có quy định về định lượng melamine ngay từ đầu thì đến cuối cũng thế, doanh nghiệp nào mà trong sản phẩm trót có melamine (dù hàm lượng ít hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của các nước) thì cố mà chịu. Cho “mày” chết, ai bảo “mày” không vì sức khỏe nhân dân. Ông Thứ trưởng “vì sức khỏe nhân dân” nói: “Bây giờ không phải là lúc bàn đến chuyện ấy - chuyện công bố tiêu chuẩn an toàn của melamine trong sữa”. Thế thì lúc nào ông bàn đến, hay là ông sợ khi bàn đến chuyện ấy thì số lượng sữa hàng trăm tấn phải hủy nó nằm trong ngưỡng an toàn? Lúc ấy, ông có bỏ tiền ra đền cho người ta hay không?

Ông xong xuôi trách nhiệm rồi, ông trình lên Thủ tướng ký để hủy số sữa ấy đi với lý do vì sức khỏe nhân dân. Ông khôn lắm ông ạ. Nhẽ ra nếu vì sức khỏe nhân dân, cái việc công bố ngưỡng an toàn của melamine trong thực phẩm ông phải làm từ lâu rồi.

Chỉ có mấy anh doanh nghiệp không biết gì là thở dài: Thôi, thế là xong... chết em rồi.