trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
21 - 40 / 3021 bài
21 - 40 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


23.10.2008
Vũ Đại Dân

Đọc ý kiến của Lê Cương Phúc tôi hoàn toàn đồng ý là ở Việt Nam ngày nay, mọi sự quái đản nhiều đến mức mọi người đã quen dần và "sống chung" với nó.

Những ai lưu tâm đến thời sự nghệ thuật về Hội thảo" Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" đều biết là sau bài báo của ký giả Hà Châu Sơn (Vũ Lâm) với tên "Sao 'Hậu hiện đại’ lại trở thành 'Toàn cầu hóa’?" trên trang 17 của tờ Thể thao và Văn hóa ra ngày thứ Sáu 26/9/2008 thì ngày thứ Ba 30/9/2008, tờ báo này lại có lời đính chính xin lỗi như sau:

Về bài báo "Sao 'Hậu hiện đại’ lại trở thành 'Toàn cầu hoá’?"

TT&VH số ra ngày 26/9/2008 có bài viết "Sao 'Hậu hiện đại’ lại trở thành 'Toàn cầu hoá’?". Đây là bài viết về Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá” của Viện Mỹ thuật vừa được tổ chức.

Bài viết cho rằng ban đầu hội thảo lấy chủ đề là "hậu hiện đại", sau đó BTC lại đổi ra thành "toàn cầu hóa", khiến nhiều tham luận chuẩn bị theo chủ đề cũ ("hậu hiện đại") bị "lạc đề". Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được ý kiến của phía BTC là bà Bùi Như Hương, ông Phạm Trung cho biết ngay từ đầu tháng 4/2008, trong thư mời viết tham luận hội thảo đã ghi rõ mục tiêu và các vấn đề chính của cuộc hội thảo với những nội dung hết sức cụ thể là “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá” (mà vấn đề "hậu hiện đại" cũng là một nội dung trong chủ đề trên), chứ không hề có sự thay đổi đột ngột chủ đề và không có các tham luận “viết sẵn mang đến trở thành lạc đề”ứng biến nói vo.

BTC đã cung cấp các giấy mời, thư mời từ tháng 4/2008 để minh chứng cho điều trên. Vì vậy, TT&VH xin chân thành cáo lỗi cùng BTC. Nhân đây, cũng xin giải thích thêm, thông tin về việc hội thảo đổi chủ đề từ "hậu hiện đại" sang "toàn cầu hóa", phóng viên đã lấy từ một số đại biểu có được gửi thư mời tham gia hội thảo là nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Đào Châu Hải, họa sỹ-curator Trần Lương... Đó là những người khẳng định rằng ban đầu họ được mời tham dự hội thảo với chủ đề "hậu hiện đại", sau đó họ ngỡ ngàng thấy chuyển sang là "toàn cầu hóa". Còn họa sỹ, nhà phê bình Nguyễn Quân thì cho biết: "Tôi nhận được thư mời từ tháng 4, tiêu đề email là Hậu hiện đại nhưng giấy mời chính thức thì ngay từ đầu đã là trong bối cảnh toàn cầu hóa, tôi nghĩ không có chuyện thay đổi chủ đề tùy tiện". Dịch giả Trịnh Lữ thì cho biết: Tôi được BTC gửi giấy mời tham gia và viết tham luận với những thông tin rất rõ ràng và đầy đủ về chủ đề "Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh Toàn cầu hóa", gồm cả các mảng nội dung phục vụ khá toàn diện cho chủ đề này… Việc một vài đại biểu có ý kiến cho rằng nếu hội thảo chỉ tập trung vào chủ đề hậu hiện đại thì đỡ lan man hơn (như tôi có nghe trực tiếp tại hội thảo) không có nghĩa là hội thảo đã bị lạc đề.

Có thể thấy rằng, không hiểu vì lý do gì mà trong "cách hiểu", hoặc trong "trí nhớ" của một số đại biểu có sự "vênh nhau". - TT&VH

Sau "Sự cố cáo lỗi" này, xuất hiện bài báo "Nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu? Hay câu hỏi về một cách đặt vấn đề nghiên cứu "Đầu Ngô mình Sở" (VieTimes, 3/10/2008) cũng lại vẫn của Vũ Lâm.

Vấn đề ở chỗ hai thày giáo Đào Châu Hải và Phan Cẩm Thượng lại khẳng định là Ban tổ chức Hội thảo đã thay đổi đề tài, do đó hai thày không viết tham luận nữa... (cùng một số người khác vì thấy Hội thảo lạc đề so với thư mời ban đầu?), trong khi báo Thể thao và Văn hóa đính chính cáo lỗi là Ban tổ chức không "lạc đề" và chính họa sĩ, nhà PBMT Nguyễn Quân lại cũng khẳng định như vậy. Sao lại có chuyện quái đản "bình thường" như vậy hở trời? Tôi không biết tin vào đâu đây: Vào tờ Thể thao và Văn hóa, báo chí XHCN hay tin vào các thầy. Mà sao tin được khi "thầy của các thầy" bảo là ban tổ chức không thay đổi chủ đề, nhưng các "sư phó" lại cứ khẳng định là Ban tổ chức loay hoay thay đổi... Chịu. botay.com.
 


23.10.2008
Một độc giả

Tôi có đọc bài ông Nguyễn Chí Hoan phê phán truyện ngắn “Gió lẻ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ông phán rằng truyện này có “hơi hướng hiện sinh rõ rệt” và kết luận là nhà văn này cố ý “tìm kiếm những ý nghĩa có vẻ siêu hình thông qua một hư cấu có vẻ phi ”. Tôi không hiểu rõ và không phân biệt nổi, những khái niệm “hiện sinh”, “phi lí” này là ông do ông sáng tạo, hay mượn của J.P. Sartre hay A. Camus, nên muốn ông chỉ giáo cho ý nghĩa của hai từ đó. Hiện sinh ở đây là “existentiel” hay “existentialiste” hay chỉ đơn giản là cuộc đời? Ông nói “gã” lái xe “có vẻ hiện sinh”. Tôi không biết ông muốn nói gì: gã đẹp trai, xấu xí, nhếch nhác, bụi đời, hippie, trí thức? Còn phi lí là “irrationel”, “absurde” hay là vô nghĩa? Trước đây, theo tôi biết, cả Sartre lẫn Camus đều cho cuộc đời là phi lý, nhưng mỗi ông quan niệm “phi lý” (absurde) mỗi khác, và Camus không phải là nhà văn hiện sinh như Sartre. Riêng tôi thấy quanh tôi cuộc đời đầy rẫy những sự phi lý. Như vậy là bình thường, vô thường hay “hiện sinh”? Xin ông vui lòng chỉ giáo. Đa tạ.
 


22.10.2008
Trần Trọng Hoàng Bách

Chủ nghĩa hậu hiện đại là cái đền thiêng cỡ gì mà ông Trịnh Lữ không có quyền phê phán nó hay là thậm chí chán ngấy nó, thưa ông / bà Thanh Bình? Cách phân biệt “người thưởng ngoạn nghệ thuật” – mà “quan điểm riêng” thì được “trân trọng” - và “nhà phê bình nghệ thuật” – mà “khen hay chê” cũng “không được tuỳ tiện” - của ông / bà chưa thuyết phục được tôi. Thế ông Trịnh Lữ không đồng thời là một “người thưởng ngoạn nghệ thuật” với những “quan điểm riêng” của mình hay sao? Thế nào là “không được tuỳ tiện”? Việc của nhà phê bình là nêu rõ quan điểm riêng của mình - chứ chẳng lẽ lại gạt quan điểm của mình đi mà chỉ nêu quan điểm của nhà hàng xóm chắc? Nhà phê bình giỏi thì thuyết phục được độc giả. Nhà phê bình dở thì nói mãi mà độc giả vẫn không chịu nghe. Phê bình bao giờ cũng là chủ quan. Chứ nếu cứ phải “khách quan” thì cần gì đến ba nhà phê bình, chỉ cần một nhà nói “khách quan” cho tất cả là xong.

Trở lại chuyện hậu hiện đại: Nếu món hàng dọn ra mang nhãn hậu hiện đại mà người tiêu thụ sản phẩm văn hoá - ở bất kì tư cách nào, kể cả ở tư cách nhà phê bình - thấy không đạt yêu cầu của mình, không trúng sự mong đợi của mình, thì anh ta có tất cả mọi quyền để quay lưng lại với nó mà không cần phải chứng tỏ với ai rằng mình là một chuyên gia về loại hàng này. Điều quyết định không phải là các lý thuyết gia của chủ nghĩa này hay chủ nghĩa kia nói gì về các chủ nghĩa ấy. Điều quyết định là các chủ nghĩa ấy đã đưa ra những thành tựu, sản phẩm cụ thể nào. Các lý thuyết gia của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã không thiếu năng khiếu và nhiệt tình khuếch trương, tán tụng chủ nghĩa này lên chín tầng thiên đường… xã hội chủ nghĩa. Nhưng nói hay là một chuyện, làm có hay không lại là chuyện khác. Thành tựu, sản phẩm cụ thể của cái chủ nghĩa từng chế ngự một thời ấy như thế nào, không cần phải tổng kết ra đây nữa. Nhưng thành tựu, sản phẩm cụ thể của chủ nghĩa hậu hiện đại tại Việt Nam thì chưa thấy được ai liệt kê, đánh giá. Mới toàn thấy nói chung chung về lý thuyết vậy thôi.