trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
21 - 40 / 3021 bài
21 - 40 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


26.10.2008
La Toàn Vinh

Trong vụ tranh luận về đề tài Hậu hiện đại, tôi thấy ông Hoàng Ngọc-Tuấn làm việc rất nghiêm túc, đúng là một nhà nghiên cứu, tuy có chút nóng nảy, khi ông phê bình bài tham luận của Trịnh Lữ. Công việc nghiên cứu tìm kiếm thông tin ở Google do ông Tuấn đưa lên rất hữu ích, vì giúp cho nhiều người khác tìm hiểu sâu rộng hơn và mặt khác để bảo vệ luận điểm của mình.

Thực ra, nếu như bài tham luận của ông Trịnh Lữ được đọc ở một quán cà phê nào đó thì đâu có gì um xùm lên thế. Do tài liệu, do tư duy, vì một đề tài quá lớn, quá rộng, nhưng gói gém trong vài trang, vài tấm hình, vài cuốn sách…, sự giới hạn đó là của ông Trịnh Lữ, chứ không của cả Việt Nam. Tuy nhiên, đó là cái lòng của ông Trịnh Lữ với bạn bè và nghệ thuật. Còn ông Tuấn phê bình thì không phải vì cái danh mà vì tư cách, trách nhiệm, uy tín của người Việt, trong dòng hội nhập mới, tuy nhiên ông nên thông cảm, không một ai giống ai cả.

Tôi nhớ một câu chuyện: Hôm Trang Tử (?) có khách, người bếp của ông đến hỏi: “Một bầy ngỗng, ông muốn thịt con nào?”. Trang Tử nói: “Làm thịt con nào kêu lớn nhất!” Nhưng ở đây, ai to tiếng nhất? Hoàng Ngọc-Tuấn, Trịnh Lữ hay một người nào đó?

Tôi rất tán thành nhận định của ông Nguyễn Đăng Thường về cái vòng tròn vô hình mà Trịnh Lữ đã đề ra. Chẳng lẽ tôi lại lí luận là: Ôi thôi, nhà lầu xe hơi chán quá, tất cả sẽ trở lại với nhà tranh, xe ngựa sao?

Tuy nhiên, tôi rất tán thành cuộc chơi này, vì cả hai ông Hoàng Ngọc-Tuấn và Trịnh Lữ đều để những lá bài của họ lên bàn.
 


26.10.2008
Hàm Anh

Bạo gan góp chuyện "quái trạng"

Từ bài phản biện rất khoa học của ông Nguyễn Đăng Thường, tôi học được mấy điều ông có nhã ý chỉ bảo cho cái lũ “vô… hậu hiện đại” chúng tôi:

1. Có thể làm những điều thiếu văn hóa (vu khống, thóa mạ, mạt sát) để đạt được “mục đích có văn hóa” - ví dụ như - để lôi kéo sự chú ý của mọi người đặng thực hiện sứ mệnh cao cả là cứu nền nghệ thuật và nghiên cứu nghệ thuật nước nhà khỏi một vi phạm “đạo đức trong nghiên cứu học thuật” (từ dùng trong bài ông Thường) như việc dùng từ thiếu chính xác, kết cấu câu văn chưa rõ ràng hay dám theo cái ông Gary Aylesworth ấy dại dột xác định ngày sinh tháng đẻ của một cái gì đó thánh thần như “hậu hiện đại”. Biện pháp phê bình này quả là hay quá, tiện quá!

2. Trong nghiên cứu khoa học theo kiểu có học của các chuyên gia hậu hiện đại như ông Hoàng Ngọc-Tuấn và ông Nguyễn Đăng Thường thì việc một tác giả X, Y, Z đã được xếp loại vào bảng A thì nhất thiết là phải ở bảng A đấy nhé, cái đó là có tính tuyệt đối, chứ không phải là có tính tương đối đâu mà ông Trịnh Lữ cứ xếp lăng xếp nhăng, chắc là lại “may mắn lắm là trông thấy cái bìa sách” (từ dùng trong bài ông Hoàng Ngọc-Tuấn) của một ông N, L nào đó chứ gì? Lộ rõ cái đuôi “vô hậu hiện đại” chưa nào!

3. Hậu hiện đại cũng như là bố là mẹ chúng ta, bố mẹ có thể dạy con cái biết nghi ngờ tất thảy đặng mà phụng sự “sáng tạo” và “cái mới”, nhưng chúng ta không được quyền quay lại nghi ngờ cả bố mẹ chứ! Khổ một nỗi, “sự hoài nghi” của chủ nghĩa hậu hiện đại khởi thủy chắc không phải là “muốn nói sao cũng được” như lời phán truyền của ông Thường, chuyện đó thì chắc dốt như ông Trịnh Lữ cũng rõ, nhưng cũng như mọi chủ thuyết, mọi “lý giải lớn” khác đều không thể “cắn nổi cái đuôi của mình”. Hậu hiện đại kết hôn cùng tâm lý thương mại, quảng cáo, ngày càng đẻ ra nhiều “quái trạng cởi truồng”. Ông Trịnh Lữ dẫu có muốn phê phán chuyện này nhưng phải xem xem mình là ai mới được chứ, ông có phải là chuyên gia hậu hiện đại đâu mà lại nói vào đấy, người ta mắng cho là phải.

4. Lại nữa, hậu hiện đại ở đẩu ở đâu thì đang vào cuối mùa chứ ở Việt Nam thì đang ở thế thượng phong, đang mùa gặt hái. Cũng có vài người còn rỉ tai tôi mách rằng: “Tát nước theo… hậu hiện đại” bây giờ vừa dễ nổi, vừa được tiếng là có học, là sáng tạo, cấp tiến. Chuyện này thì tôi cũng bán tín bán nghi thôi, chắc mấy người đó lại có thành kiến với hậu hiện đại đây, nên mới nói vu ra thế? Nhưng có một chuyện mà tôi chắc hơn, đấy là bao nhiêu người đọc hết được cả một quyển sách tiếng nước ngoài mà lại còn là sách triết học nữa cơ, cũng không dám đụng vào “hậu hiện đại”, chắc sợ bị kết tội là “bảo thủ”, là “vô văn hóa”, là “không biết gì”, thế mà ông Trịnh Lữ dám ló đầu ra bảo: “ô kìa, vua đang cởi truồng!”. Lại còn dám vào cả một hội thảo khoa học mà “góp chuyện”, sao cả gan dại dột thế?

À, đúng rồi, có khi đúng cái hội thảo này không phải là hội thảo khoa học gì đâu, chỉ là “hội thảo giải ngân” (từ dùng trong bài ông Hoàng Ngọc-Tuấn) thôi nên mới để lọt lưới một “tay mơ” như thế? (Ờ, mà đã coi cái hội thảo đó chỉ là như thế thôi thì việc để lọt một tay mơ như thế có đáng để các ông phải bức xúc đến thế không nhỉ?)
 


25.10.2008
Nhỏ Thanh

Cứ như ý kiến của tác giả Nhị Hà trong bài: "Giải thưởng cho tập Trần Dần – Thơ: Một giải thưởng kinh dị" mà ban biên tập talawas có nhã ý đưa lên trong spectrum ngày 24 tháng 10 vừa qua cho bạn đọc tham khảo, thì Hội Nhà văn Hà Nội nên lấy lại giải thưởng đã trao cho Trần Dần này để truy tặng cho nguyên thi sĩ Tố Hữu.

(Sở dĩ viết "nguyên thi sĩ..." vì mới đây trong phiên tòa xét xử mấy nhà báo Việt Nam vì tội tình gì đấy, thấy người ta đưa ra khái niệm "nguyên nhà báo" và "nguyên cảnh sát điều tra..." rất mới, phải cập nhật ngay kẻo lạc hậu.)
 


24.10.2008
Trần Văn Tích

Nhiều người biết rằng ông Hoàng Ngọc-Tuấn là một người chuyên nghiên cứu về hậu hiện đại. Ông tỏ ra rất bất bình khi thấy ông Trịnh Lữ cho rằng từ postmodern đã được Jean-Francois Lyotard khai sinh năm 1979, còn ông Hoàng Ngọc Hiến thì cho rằng Charles Djenks đã đẻ ra từ postmodernism năm 1977. Theo ông Tuấn, cả hai điều khẳng định này đều không đúng. Từ điểm khởi đầu rất rõ rệt và đơn giản này, trên talawas đã có nhiều người góp ý nhưng có vẻ như càng góp ý càng đi xa khởi điểm, do đó, bà con theo dõi cũng có phần vất vả. Dẫu vậy, vẫn chưa có ai, hình như kể cả ông Hoàng Ngọc-Tuấn, xác định được người khai sinh và niên đại chào đời của các từ postmodern, postmodernism. (Vì phần trích dẫn tài liệu liên quan đến hai từ này quá nhiều, nên nếu đã có ai trong quí vị góp ý trên talawas chỉ rõ được tác giả nào đã “đăng bộ“ các từ này vào năm nào thì xin vui lòng tha lỗi cho người góp ý hôm nay, vì đã sơ sót không đọc thật kỹ).

Dường như hoàn cảnh chào đời của hai từ postmodernpostmodernism không giống hoàn cảnh của từ cybernetics. Ðể chỉ bộ môn khoa học này, Norbert Wiener đã viết dứt khoát năm 1948: “We have been forced to coin a new word.” (Chúng tôi đã bị bắt buộc phải tạo một từ mới).

Nhân đây xin ghi thêm hai từ điển có ghi chú niên đại khai sinh tính từ postmodern, post moderne: Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, Eleventh Edition, 2003 ghi postmodern sinh năm 1925. Le Nouveau Petit Robert de la Langue Francaise, 2009, ghi post moderne chào đời năm 1979.
 


24.10.2008
Nguyễn Đình Đăng

Có hay không việc thay đổi chủ đề hội thảo?

Tôi là một trong những người nhận được thư mời viết tham luận và giấy mời tham dự từ Ban Tổ chức hội thảo “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá”, diễn ra vào ngày 24/9/2008 vừa qua tại Hà Nội. Tôi đã không có thời gian viết tham luận và cũng không thể về dự hội thảo. Tuy nhiên, tôi vẫn còn giữ tất cả emails mà Ban Mỹ thuật Hiện đại của Viện Mỹ thuật Việt Nam đã gửi cho tôi trước hội thảo.

Nhân việc một số người cho rằng có sự thiếu nhất quán về chủ đề giữa hai lần mời viết tham luận, đã được đề cập đến trên talawas cũng như một số báo trong nước, tôi đã xem lại emails liên quan đến hội thảo này, và thấy rằng thư mời viết tham luận được gửi lần thứ nhất vào ngày 23/4/2008, lần thứ hai: ngày 11/7/2008, còn giấy mời dự hội thảo được gửi ngày 15/9/2008. Tôi không phát hiện ra bất cứ sự thay đổi nào về chủ đề “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá” được ghi rõ trong 2 thư mời viết tham luận. Sự khác nhau duy nhất giữa thư mời viết tham luận gửi lần thứ nhất (tháng 4) và lần thứ thứ hai (tháng 7) là 2 từ “(lần 2)” trong bức thư tháng 7. Giấy mời dự hội thảo đề ngày 15/9/2008 do hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Mỹ thuật Lê Anh Vân đứng tên cũng giữ nguyên chủ đề nói trên.

Bản sao 2 bức thư mời và giấy mời đó được kèm dưới đây để quý vị tiện kiểm chứng.

Thư mời viết tham luận lần thứ nhất, 23/4/2008

Thư mời viết tham luận lần thứ hai 11/7/2008

Giấy mời dự hội thảo ngày 15/9/2008