trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
21 - 40 / 3021 bài
21 - 40 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


27.10.2008
Đào Nguyên

Hậu hiện đại? Thú thật: tôi rất hoang mang!

Tôi rất hoang mang khi thấy ông Nhật Chiêu trên Giác ngộ Website cố công tạo mối liên hệ giữa thiền và hậu hiện đại, trong khi ông Nguyễn Đăng Thường thì cho một cuộc triển lãm các tác phẩm hậu hiện đại gồm những bức tranh hấp dẫn một cách rất cởi mở trân mình: Kennedy rất “thiền”, Marilyn rất sexy, ba người không đầu không tay rất “quái trạng”, Adam và Eva rất hoan lạc, tranh cu dái rất lòng thòng… Xem các bức tranh này lần đầu thì rất ngất ngây nhưng chưa ngộ, phải xem hai ba bận mới bớt ngây ngất để mà giác ngộ. Trong khi Nhật Chiêu và Nguyễn Đăng Thường phơi bày cái hậu hiện đại khá vô thường (hay bất bình thường?) cho độc giả xem, thì ông Tôn Thất Quỳnh Du xét lại lý lịch của ông Hoàng Ngọc-Tuấn theo truyền thống “chính danh” của Khổng Tử, rất tương phản với truyền thống “danh khả danh phi thường danh” của Lão Tử. Tôi cũng xin được phép nhắc đến các ý kiến ngắn của nhiều độc giả về hậu hiện đại: chúng đều rất là “talawas”, rất là lý thú!

Bây giờ chắc độc giả cũng hiểu lý do của sự hoang mang tôi khi theo dõi cuộc tranh luận về “hậu hiện đại”. Tôi cũng xin mạo muội đề nghị là mình đừng nên dịch post-modernismhậu hiện đạipost- mà dịch là hậu thì các nghệ sĩ hậu hiện đại còn chịu ảnh hưởng của cái vòng kim cô của phạm trù thời gian: đã có hậu thời phải có tiền và có đương thời; mà hễ có đương thời thì lại là hiện đại, nhưng nếu đương thời đã hay đang là hậu hiện đại thì làm sao đây? Đề nghị của tôi là dịch post-modernismviệt hiện đại hay vượt hiện đại để chuyển đổi một từ lệ thuộc nhiều vào phạm trù thời gian sang phạm trù tư tưởng và phạm trù hành động.
 


27.10.2008
Thành Nguyễn

Lại hậu hiện đại!

Ông Trịnh Lữ cho rằng thuật ngữ “Hậu hiện đại” xuất hiện lần đầu tiên vào một năm nào đó, trong một ấn phẩm nào đó, của một ông nào đó. Thế là ông Hoàng Ngọc-Tuấn viết một bài tràng giang đại hải mạt sát ông Lữ một cách thậm tệ. Ông Tuấn đã không ngại dùng những lời sỉ nhục cá nhân ông Lữ, rồi qua luôn cả ông Hoàng Ngọc Hiến. Đọc hết bài viết của ông Tuấn, tui chỉ thấy ông hài được cái "tội" duy nhất là cái niên đại mà trào lưu trên được đặt tên. Còn ngoài chuyện đó ra, chỉ nghe ông Tuấn la rầy, mắng mỏ không thương tiếc. Ông cho rằng cái đám dân trong nước, hổng có ai dám nói vì tên tuổi của Trịnh Lữ. Không dám nói có nghĩa là biết mà không dám, vì sợ một điều gì đó. Từ câu viết của ông Tuấn, tui suy ra, ở trong nước cũng có người có kiến thức hơn… cậu học sinh trung học, nhưng hễ vạch ra cái sai của người khác ở Việt Nam thì đều có tội… hình sự hay tội chính trị. Vậy, nhắc nhở ông Lữ về ngày tháng năm sanh của "em hậu hiện đại" ở tận trời Tây là cũng có tội như phê bình… Đảng Cộng sản Việt Nam? Có thế thì mới có chuyện hổng ai dám nói chớ. Nói thì nói vậy, chớ tui biết chắc ông Tuấn không suy nghĩ vô cùng ngớ ngẩn như thế. Ý của ổng là như vầy: không ai nói vì không ai biết (chứ không phải biết mà không dám). Và toàn dân Việt trong nước đều… dốt! Ít ra là dốt hơn ổng.

Trước khi dứt lời, xin nhắn thêm ông Tuấn điều này (dù dốt nát, tui cũng… dám nói như thường): Cả thế giới bây giờ đều gần như đồng tình cho rằng nhà danh họa Monet là cha đẻ của trường phái ấn tượng trong hội họa (impressionism), nhưng nếu Monet sống lại và được hỏi xem có phải ông thực sự là cha đẻ của trường phái ấn tượng hay không, và nếu như ổng chân thành, tui dám cá với ông Tuấn là ổng sẽ lắc đầu và đáp: "Hổng dám đâu!”. Vài lời góp chuyện, cho “em hậu hiện đại” thêm phần hương sắc.
 


27.10.2008
Hoà Nguyễn

Trong bài "Ðường tiến quân của kẻ thù phương Bắc qua các cuộc xâm lăng nước ta", ông Hồ Bạch Thảo viết: "Nguyên soái Toa Ðô nhà Nguyên đem quân từ Vân Nam [1285] qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội quân tại Ô, Lý rồi đánh châu Hoan, châu Ái (Thanh, Nghệ Tĩnh). [13] "(Chú thích dưới bài viết số [13]: Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 2, trang 55)

Theo bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội năm 1993, chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001, ở quyển V trang 193 thấy ghi câu viết giống như trên. Nhưng mục chú thích số 7 cùng trang ghi thêm: "Các sử tịch Trung Quốc đều chép là Toa Đô xuất phát từ Quảng Châu, theo đường biển tiến đánh Chiêm Thành vào tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282)".

Cũng trong ĐVSKTT bản điện tử trang 187, ở mục chú thích số 6 ghi: "Toa Đô tên Mông Cổ là Sôgatu. Thực ra Toa Đô mang 5000 quân đi đường thủy từ Quảng Châu đánh Chiêm Thành từ tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282), còn kẻ chỉ huy 50 vạn quân xâm lược Đại Việt là Thoát Hoan và Lý Hải Nha".

Việt Nam sử lược (VNSL) của Trần Trọng Kim, bản điện tử trang 55 viết: "Quân Nguyên chia làm hai đạo: một do tướng Mông Cổ là Toa Đô đem 10 vạn quân từ Quảng Châu đi hải đạo sang đánh Chiêm Thành; còn Thoát Hoan thì kéo đại binh đến ải quan, sai người đưa thư sang nói mượn đường đi đánh Chiêm Thành".

VNSL trang 57 viết: "Toa Đô là tướng đạo thứ hai quân Nguyên đi đường bể đánh Chiêm Thành, nhưng mà quân Chiêm Thành giữ được các đường hiểm yếu, đánh mãi không được. Nguyên chúa hạ chiếu sai Toa Đô theo đường bộ kéo ra mặt Nghệ An họp với Thoát Hoan đánh An Nam".

VNSL trang 59 cho biết ở trận đánh Tây Kết (Hải Dương) vào tháng 5 năm Ất Dậu (1285), Toa Đô bị quân ta giết.

Như vậy, Toa Đô đã theo đường biển (dù không thể với 10 vạn quân theo VNSL), vì đường bộ từ Vân Nam vượt qua Ai Lao để đến Chiêm Thành có nhiều núi rừng hiểm trở, rất khó cho việc chuyển quân đối với thời xưa và có thể cả với ngày nay.

Ông Hồ Bạch Thảo không nhắc tới lần tiến quân sau cùng của "kẻ thù phương Bắc" xảy ra gần đây, vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người.

Theo bài "Chiến tranh biên giới Việt - Trung, 1979", trên Wikipedia tiếng Việt:

Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc áp dụng chiến thuật biển người bất kể tổn thất tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.

- Hướng Lạng Sơn có quân đoàn 43, 54, 55
- Hướng Cao Bằng có quân đoàn 41, 42, 50
- Hướng Hoàng Liên Sơn có quân đoàn 13, 14
- Hướng Lai Châu có quân đoàn 11
- Hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.
 


26.10.2008
talawas

Ý kiến phản hồi của Hoàng Ngọc-Tuấn

Tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn đã gửi đến talawas ý kiến phản hồi về bài viết của tác giả Tôn Thất Quỳnh Du đăng trên talawas hôm qua, 25.10.2008. Hôm nay, 26.10.2008, khi chuẩn bị đưa ý kiến phản hồi này lên mạng, chúng tôi được biết là ý kiến này đã được công bố trên trang Viet-Studies.

Vì nguyên tắc của talawas là không đăng lại bài / ý kiến đã được đưa lên mạng, chúng tôi rất tiếc là chỉ có thể giới thiệu độc giả đến địa chỉ đã đăng ý kiến nói trên:

http://www.viet-studies.info/HNTuan_traloi_TTQuynhDu.htm
 


26.10.2008
La Toàn Vinh

Trong vụ tranh luận về đề tài Hậu hiện đại, tôi thấy ông Hoàng Ngọc-Tuấn làm việc rất nghiêm túc, đúng là một nhà nghiên cứu, tuy có chút nóng nảy, khi ông phê bình bài tham luận của Trịnh Lữ. Công việc nghiên cứu tìm kiếm thông tin ở Google do ông Tuấn đưa lên rất hữu ích, vì giúp cho nhiều người khác tìm hiểu sâu rộng hơn và mặt khác để bảo vệ luận điểm của mình.

Thực ra, nếu như bài tham luận của ông Trịnh Lữ được đọc ở một quán cà phê nào đó thì đâu có gì um xùm lên thế. Do tài liệu, do tư duy, vì một đề tài quá lớn, quá rộng, nhưng gói gém trong vài trang, vài tấm hình, vài cuốn sách…, sự giới hạn đó là của ông Trịnh Lữ, chứ không của cả Việt Nam. Tuy nhiên, đó là cái lòng của ông Trịnh Lữ với bạn bè và nghệ thuật. Còn ông Tuấn phê bình thì không phải vì cái danh mà vì tư cách, trách nhiệm, uy tín của người Việt, trong dòng hội nhập mới, tuy nhiên ông nên thông cảm, không một ai giống ai cả.

Tôi nhớ một câu chuyện: Hôm Trang Tử (?) có khách, người bếp của ông đến hỏi: “Một bầy ngỗng, ông muốn thịt con nào?”. Trang Tử nói: “Làm thịt con nào kêu lớn nhất!” Nhưng ở đây, ai to tiếng nhất? Hoàng Ngọc-Tuấn, Trịnh Lữ hay một người nào đó?

Tôi rất tán thành nhận định của ông Nguyễn Đăng Thường về cái vòng tròn vô hình mà Trịnh Lữ đã đề ra. Chẳng lẽ tôi lại lí luận là: Ôi thôi, nhà lầu xe hơi chán quá, tất cả sẽ trở lại với nhà tranh, xe ngựa sao?

Tuy nhiên, tôi rất tán thành cuộc chơi này, vì cả hai ông Hoàng Ngọc-Tuấn và Trịnh Lữ đều để những lá bài của họ lên bàn.