trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
21 - 40 / 3021 bài
21 - 40 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


28.10.2008
Hồ Trường

Lỗi tại tờ Thể thao – Văn hoá!

Nếu ông Hoàng Ngọc-Tuấn đổ lỗi được cho tờ Thể thao - Văn hoá ( đăng lại trên VnExpress) rằng không phải ông tự giới thiệu mình như thế mà là người ta cứ tự tiện giới thiệu ông như thế, thì ông Trịnh Lữ cũng có thể đổ lỗi, lại cũng cho tờ Thể thao – Văn hoá rằng không phải ông muốn được làm "long trọng viên" như thế nhưng người ta cứ "long trọng giới thiệu" ông như thế! Dường như việc ông Trịnh Lữ được giới thiệu "long trọng" như vậy khiến cho chi tiết ông nhầm ngày tháng năm sinh của "em hậu hiện đại" (xin thuổng lại chữ của Thành Nguyễn) trở nên hết sức khó tha thứ. Chẳng thế mà Nguyễn Ngọc Kali có ngay một nhận định là "vấn đề khá sâu rộng“, "một số trí thức Hà Nội đã và đang sử dụng học thuật để củng cố và duy trì quyền lực của họ“. Ui cha cha. Trong cái vụ "ngày tháng năm sinh của em hậu hiện đại" này ta thấy hai ông trí thức Hà Nội: ông dịch giả tự do Trịnh Lữ thì ngoài biên chế nhà nước, chả có chức tước quyền hành gì. Ông Hoàng Ngọc Hiến thì về hưu từ lâu. Quyền lực của hai ông này to đến đâu mà định lăm le củng cố duy trì thế nhỉ? Thế này thì hoà bình thế giới lâm nguy đấy chứ không chỉ không bị ảnh hưởng đâu ông Trịnh Lữ!

Giải pháp cho "vấn đề khá sâu rộng" của Nguyễn Ngọc Kali: 1. Từ nay, mọi trí thức Hà Nội định đưa ra ngày tháng năm sinh của cái gì (kể cả của con cái mình) thì nên khôn khôn một tí. Đừng có dại dột khẳng định gì cả, cứ táng mạnh "có lẽ", "có thể", "có người cho rằng", v.v. là cả nhà đều vui, hoà bình thế giới ổn định. 2. Từ nay có chuyện gì cứ… đổ lỗi cho tờ Thể thao – Văn hoá!
 


28.10.2008
Nghiêm Quang

Chia hoa tặng ông Nguyễn Đăng Thường

“Trong tranh luận học thuật chớ nên chơi khôn”. Hoa đẹp nầy nếu có duyên được nhận, tôi xin chừa lại một phần tặng Nguyễn Đăng Thường. Chỉ muốn nhắc ông, nếu có nhã ý tặng hoa hãy chạy ra chợ Bến Thành. Thay mặt độc giả là… “khôn” lắm.

Postmodern/Postmodernism vốn dĩ ghép từ hai chữ có sẵn, postmodern/modernism, không phải là danh từ độc sáng kiểu google, talawas nên có vận dụng khoa khảo cổ [1] để truy tìm dấu vết xuất xứ, cũng khó lòng đưa ra giải đáp tuyệt đối chính xác. Và cứ tiếp tục như vầy, rất có khả năng sẽ phát hiện thấy thời Homer người ta đã từng ghép hậu với hiện đại, post với modern, thậm chí after với modern. Nói đùa cũng nên được phép biến tấu, không ai bắt buộc phải theo Eco 100%.

Đùa thêm chút nữa, Nguyễn Đăng Thường có khả năng biết chắc ông sanh vào ngày nào, năm nào, nhưng ông có thể biết loài người sanh vào thế kỷ, thiên niên kỷ nào không? Nếu không gắn cái vỏ từ loài người vào một định nghĩa cụ thể.

Các bài viết của Trịnh Lữ và Hoàng Ngọc Hiến không nhằm mục đích khảo cổ kể trên, cho nên câu khẳng định về lần xuất hiện đầu tiên trong sách của Jencks hay Lyotard là phù hợp chuẩn mực. Thay vì tốn hơi [2] soạn mười trang giấy rưỡi [3] , ông Hoàng Ngọc-Tuấn chịu khó google thì sẽ thấy ngay tự điển và tiểu luận đại học Âu Mỹ họ nói gì, và đương nhiên không kèm mấy chữ có lẽ, có thể. Thay vì châm biếm, Nguyễn Đăng Thường chịu khó đọc kỹ ý kiến, cũng sẽ không mất thời giờ khẳng định đó là một chỗ sai rất căn bản.

Hơn nữa, thay vì chọc quê ông Trịnh Lữ vì trót được long trọng giới thiệu trên Thể thao-Văn hóa, ông Hoàng Ngọc-Tuấn nên tìm cách nói trước cho rõ bản “tiểu sử”không do chính ông viết ra” trên VnExpress. Nhờ đó, ông cũng không buộc phải gấp gáp trả lời thắc mắc của ông Tôn Thất Quỳnh Du. [4] Ông Tuấn “chỉ nói tổng quát là còn rất nhiều cái sai khác” nhưng chưa điểm mặt đặt tên. Thế nên, Trịnh Lữ (và một vài người) không nhứt thiết phải đề cập đến một điều mặt chưa thấy, tên chưa biết. Lập lờ chuyện nầy để xác quyết người khác “làm ra vẻ” chuyện nọ là cách phê bình… “thông minh” (xem Nguyễn Đăng Thường).

Lập luận rằng bài viết của ông Nguyên Đầu Bạc “chìm lỉm” vì ông sử dụng ngôn ngữ ôn tồn hơn ông Hoàng Ngọc-Tuấn là một phép đánh tráo vấn đề. Nếu vô ý làm thế thì xin lưu ý. Nhưng nếu cố tình làm thế, tôi sẽ tặng bông đầu tiên. Cần biết ông Tuấn viết trên talawas, là một tờ báo, ông Nguyên viết trên blog cá nhân, ít người biết (xem Nguyễn Đăng Thường).

Nói tóm lại, trước tiên và chung cuộc thì cái chính vẫn là chủ nghĩa hậu hiện đại.” Riêng ở điểm nầy, tôi hoàn toàn đồng với các ông Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Đăng Thường rằng nên ủng hộ khuynh hướng hậu hiện đại cũng như các khuynh hướng mới mẻ khác có đất phát triển (post-postmodernism/ after-postmodernism?). Và cuối cùng là một quyển sách cũ, tin rằng bổ ích với những bạn đọc phổ thông như tôi, muốn tìm hiểu về postmodernismspostmodernities : Hans Bertens, The Idea of the Postmodern: A History, Routledge, New York, 1995.





[1]“Archaeology of the Postmodern”, mục 1.1, chương 1 "In Search of the Postmodern", quyển Postmodern Theory, Critical Interrogations của Steven Best và Douglas Kellner, Macmillan, London, 1991. Ông Nguyễn Hưng Quốc có tham khảo quyển nầy trong bài Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam.
[2]Chữ dùng của Nguyễn Đăng Thường
[3]Bản đăng trên Tiền Vệ có những câu không xuất hiện trên talawas.
[4]“Bản tiểu sử” không do chính ông Tuấn viết ra, nhưng nếu ông không đề cập thì liệu VnExpressvietnhac.org có biết tới The Binderman Essay 2000, giải thưởng do một hội văn nghệ ít người trao. Sẽ không ai nghi ngờ chất lượng bản luận văn, nhưng một khi đã được “long trọng giới thiệu” trên mặt báo [với độc giả trong nước] thì người ta được phép thắc mắc về uy tín của giải thưởng nầy. Chung quy, giải thưởng cũng là một chữ “danh”.
 


27.10.2008
Nguyễn Ngọc Kali


Đề tài tranh luận về Hậu hiện đại trên talawas khởi đầu từ bài viết “Một quái trạng văn hóa” của Hoàng Ngọc-Tuấn. Vì thế, bất cứ vì lý do gì, lá thư “Trả lời thắc mắc của anh Tôn Thất Quỳnh Du” về một số dữ kiện của Hoàng Ngọc-Tuấn cần phải được đăng trên trang chính của talawas. Đấy mới là đúng nguyên tắc.

Sau ngày 30/4/1975, Hà Nội biến thành trung tâm quyền lực. Theo dõi vụ này, tôi nhận thấy, vấn đề khá sâu rộng, là một số trí thức Hà Nội đã và đang sử dụng học thuật để củng cố và duy trì quyền lực của họ.


talawas: Về việc talawas không thể đăng lại ý kiến phản hồi của tác giả Hoàng Ngọc-Tuấn, chúng tôi đã nói rõ trong thông tin của talawas ngày 26.10.2008. Bài vở và ý kiến không đúng nguyên tắc của toà soạn, vì bất cứ lý do gì, đều không được chọn đăng.

 


27.10.2008
Nguyễn Đăng Thường

Rất cám ơn Hàm Anh đã cho tôi biết rõ thêm rằng ông Trịnh Lữ là một người "dốt", một "tay mơ", rằng trong nước có "một cái lũ 'vô... hậu hiện đại'". Tôi xin chấp nhận rằng tôi mù tịt về các chuyện này khi viết, nên đã không sử dụng các "từ/thuật ngữ" trên.

Nếu tôi đã có lỡ lời "vu khống, thóa mạ, mạt sát" "cái lũ" "dốt", "tay mơ", "vô hậu hiện đại" ấy, thì tôi xin thành thật rút lại và đứng ra nhận tội và xin lỗi, mong chư vị lượng thứ. Nhầm lẫn là bản tính của con người mà. Tôi thích vài cái hay của chủ nghĩa hậu hiện đại nên tôi ủng hộ. Tôi không hề vỗ ngực tự xưng mình là đứa "có học" hay là thằng "chuyên gia hậu hiện đại" gì cả, như Hàm Anh đã có nhã ý gọi như vậy. Tôi không cần giả vờ khiêm tốn, mà cũng không hề mặc cảm, hay tự tôn, nên Hàm Anh cứ tha hồ muốn gọi tôi thế nào cũng được, cũng vui. Bởi lẽ tôi đã từng làm thơ để tự sỉ vả. Bài thơ đã được/bị nhóm Mở Miệng chọn đăng trong tuyển tập Có jì dùng jì có nấy dùng nấy do Giấy Vụn xuất bản. Xin trích dẫn:

Đụ mẹ

hốt chữ dọn sân cho giới trẻ
ung dung thơ thẩn lè phè
được vài thằng tặng đụ mẹ

đụ mẹ mày nguyễn đăng thường
bù nhìn dễ thương chỉ hướng
gạt gẫm thi nhân lạc đường

thơ xưa làm bằng mực tàu
thơ nay phải viết bằng máu
thi hào biểu hiện nỗi đau

chó ráp bò rên thơ cứ đi
về nguồn nhưng không vào chuồng khỉ
mở miệng cười vang như ngựa hí

Tôi không hề coi chủ nghĩa hậu hiện đại là "một cái gì đó thánh thần", là "bố là mẹ chúng ta". Cũng chẳng hề muốn "thực hiện sứ mệnh cao cả là cứu nền nghệ thuật nước nhà". Sức mấy. Bởi lẽ tôi không bàn luận về chủ nghĩa hậu hiện đại, nói chung, trong cuộc tranh luận. Tôi chỉ muốn nêu lên vài điều sai lầm trong bài của Trịnh Lữ và bài của Hoàng Ngọc Hiến, nói riêng. Tôi cũng không hề muốn "chỉ bảo" ai cả, nhứt là chỉ bảo "cái lũ vô hậu hiện đại" nào đó, tôi không hề biết tới khi nhấp chuột viết. Tôi viết để trình bày vài điều rất chủ quan của mình về chủ nghĩa hậu hiện đại cho độc giả talawas nói chung - nếu có độc giả - chứ không để cho một nhóm đặc biệt nào, thế thôi.

Riêng chuyện ai "thiếu văn hóa" thì tôi chắc độc giả đã nhìn thấy rồi. Hành vi "to tiếng để gây sự chú ý" thì Hàm Anh có thể công kích tôi trong lần này thôi, nếu muốn, không cần phải tổng luận và coi đó là "biện pháp phê bình" của tôi, vì nếu thấy nó thực sự sai bậy thì tôi sẽ tránh tái phạm. Hàm Anh viết: Hậu hiện đại kết hôn cùng tâm lý thương mại, quảng cáo, ngày càng đẻ ra nhiều “quái trạng cởi truồng”. Xin thưa: Chuyện thương mại, quảng cáo, cởi truồng là do nghệ sĩ và lái buôn chứ không đến từ bản thân của chủ nghĩa hậu hiện đại. Vì là ý kiến ngắn nên tôi không đào sâu thêm các vấn đề này. "Quái trạng cởi truồng", nếu đã thực sự xảy ra trong nghệ thuật hậu hiện đại, thì nó vẫn còn thua xa "quái trạng hoa hậu, sân golf", và vô số "quái trạng khác" ở nước ta bây giờ.

Chuyện trong nước có những kẻ sợ bị kết tội là "bảo thủ", là "vô văn hóa", là "không biết gì", đã "rỉ tai" Hàm Anh nọ kia thì xin thưa rằng nó cũng không ăn nhập vì tới bài viết của tôi, cũng như những cái sai trong các bài viết của Trịnh Lữ và của Hoàng Ngọc Hiến.
 


27.10.2008
Đào Nguyên

Hậu hiện đại? Thú thật: tôi rất hoang mang!

Tôi rất hoang mang khi thấy ông Nhật Chiêu trên Giác ngộ Website cố công tạo mối liên hệ giữa thiền và hậu hiện đại, trong khi ông Nguyễn Đăng Thường thì cho một cuộc triển lãm các tác phẩm hậu hiện đại gồm những bức tranh hấp dẫn một cách rất cởi mở trân mình: Kennedy rất “thiền”, Marilyn rất sexy, ba người không đầu không tay rất “quái trạng”, Adam và Eva rất hoan lạc, tranh cu dái rất lòng thòng… Xem các bức tranh này lần đầu thì rất ngất ngây nhưng chưa ngộ, phải xem hai ba bận mới bớt ngây ngất để mà giác ngộ. Trong khi Nhật Chiêu và Nguyễn Đăng Thường phơi bày cái hậu hiện đại khá vô thường (hay bất bình thường?) cho độc giả xem, thì ông Tôn Thất Quỳnh Du xét lại lý lịch của ông Hoàng Ngọc-Tuấn theo truyền thống “chính danh” của Khổng Tử, rất tương phản với truyền thống “danh khả danh phi thường danh” của Lão Tử. Tôi cũng xin được phép nhắc đến các ý kiến ngắn của nhiều độc giả về hậu hiện đại: chúng đều rất là “talawas”, rất là lý thú!

Bây giờ chắc độc giả cũng hiểu lý do của sự hoang mang tôi khi theo dõi cuộc tranh luận về “hậu hiện đại”. Tôi cũng xin mạo muội đề nghị là mình đừng nên dịch post-modernismhậu hiện đạipost- mà dịch là hậu thì các nghệ sĩ hậu hiện đại còn chịu ảnh hưởng của cái vòng kim cô của phạm trù thời gian: đã có hậu thời phải có tiền và có đương thời; mà hễ có đương thời thì lại là hiện đại, nhưng nếu đương thời đã hay đang là hậu hiện đại thì làm sao đây? Đề nghị của tôi là dịch post-modernismviệt hiện đại hay vượt hiện đại để chuyển đổi một từ lệ thuộc nhiều vào phạm trù thời gian sang phạm trù tư tưởng và phạm trù hành động.