Hiện nay có lẽ không có một người nào trong giới văn nghệ trước đây ở miền Nam -và có lẽ cả nước- được yêu mến như Bùi Giáng. Những ai từng sống trong không khí văn nghệ ấy, bây giờ sau khi trải qua thực sự một cuộc bể dâu, dù ở trong nước hay ra nước ngoài đều nhớ tới anh như một đám xanh tươi duy nhất còn sót lại giữa một vùng đã bị sa mạc hóa cằn khô. Có điều lạ là trong những người yêu mến và kính phục Bùi Giáng ấy không ít người chưa từng đọc thơ hoặc bất cứ thứ gì anh viết hoặc đã đọc nhưng vị tất đã hiểu. Không cần. Anh có một ma lực tự nhiên của
đấng tài hoa, và ảnh hưởng của anh trong cõi tinh thần của một số đông người là có thực.
Cuộc sống của anh tại Sài Gòn hiện nay là của một cuồng sĩ, khi thì thu mình trong túp lều của anh tại một khu vườn bên Gia Ðịnh, khi thì lang thang vô định trong cơn điên. Những cơn điên như là
dưỡng chất cho cuộc sống và đặc tính của anh, nó làm cho anh bùng cháy lên, phát tiết một cách thê thảm những gì có trong anh, sống với anh, là chính anh, mà anh không nói ra được. Ngôn ngữ đời thường bất lực. Chỉ có thơ và những cơn điên. Thơ Bùi Giáng tung hoành bên trên lề thói thi ca, cũng như ngôn ngữ và cử chỉ điên khùng vượt ra khỏi khung khổ của cuộc sống xã hội. Bây giờ anh ít làm thơ lắm, còn các cơn điên thì viếng anh gần như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi, nhưng thường xuất hiện vùng chợ Trương Minh Giảng (chỗ Ðại Học Vạn Hạnh là nơi ngày xưa anh từng trú ngụ), đứng giữa đường vung tay điều khiển xe cộ, cử chỉ rất linh động, đặc biệt là đôi mắt sáng quắc bừng bừng. Anh đang thể hiện một năng lực nào đấy đầy ắp trong người anh. Có khi anh múa may trong một lớp áo lòe loẹt, động tác mạnh mẽ chính xác gần như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ với một đối tượng vô hình đang hiện diện ngay trước mặt mình. Ðêm khuya một hai giờ sáng người ta nghe thấy một người vừa đi vừa tranh luận với chính mình, lời lẽ khó hiểu, thì ai nấy đều biết đó là Bùi Giáng. Chỉ có các em nhỏ là im thin thít. Ðối với chúng, "ông Bùi Giáng" là ông ba bị thực sự hiện diện trên cõi đời này. Gầy gò, dơ bẩn, tóc hoa râm có khi dài chấm vai, quần áo tả tơi, hay múa may la hét, đôi mắt sáng rực một cách ma quái sau cặp kính trắng, tất cả thành viên các nhà trẻ vùng chợ Trương Minh Giảng đều thất kinh với hình ảnh ấy. Hình như nhà nào ở khu vực này cũng biết dọa con nít khóc nhè bằng câu "Ông Bùi Giáng đó, nín đi" và câu dọa có hiệu lực tức thì. Nhưng nhiều người lớn khi nói câu ấy thì cảm thấy một nỗi xót xa vô hạn, thương cho một người mà họ biết trí thức và tài hoa, nhưng định mệnh đã buộc anh phải tự thể hiện một cách dữ dội và khác thường như thế. Chính Bùi Giáng sau những cơn điên đều kiệt sức vì đã phung phí năng lực quá nhiều, anh nằm im trong một thời gian, tinh thần tỉnh táo nhưng suy sụp và cảm thấy một nỗi buồn vô bờ bến.
Bùi Giáng sinh năm 1926, con cháu họ Bùi là một tộc lớn gốc ở Vĩnh Trinh, tỉnh Quảng Nam. Năm 1945, anh đang ở độ tuổi hai mươi, vừa đậu tú tài, kết thúc thời kỳ đi học tại Huế. Anh về quê, và trong khung cảnh "lúc kháng chiến xa nhà biệt ly đời gấm hoa," anh bắt đầu cuộc đời chăn bò, chăn dê ở khắp các miền núi rừng, và có lẽ trong chính thời kỳ này anh bắt đầu đi vào thế giới thi ca.
Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
...
Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc với trời đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ.
Cuộc đình chiến năm 1954 là một vận hội đối với anh. Sài Gòn, thủ đô thời ấy, đang chuyển mình để thành một trung tâm chính trị văn hóa kinh tế lớn, cùng với cuộc di cư của đồng bào miền Bắc, bao nhiêu tinh hoa của cả miền Nam đang dồn về đây. Các trường đại học được thành lập, không khí văn hóa khởi sắc trước một vận hội mới. Bùi Giáng đến Sài Gòn, hòa nhập ngay vào không khí ấy. Sau chín năm cắt đứt với học vấn đích thực để thả hồn trong đồi sim với bầy bò hoặc sống "Nỗi lòng Tô Vũ" cạnh bầy dê, giờ đây Bùi Giáng trở lại với chữ nghĩa. Thoạt đầu, anh đến với Ðại Học Văn Khoa, nhưng rồi anh tự học. Anh đọc rộng về triết học và văn học, thậm chí tự học tiếng Ðức để có thể đọc nguyên văn các tác giả Ðức, đi dạy Việt Văn, viết sách giảng luận về văn học (các luận đề văn chương), về triết học (
Tư Tưởng Hiện Ðại 1962;
Heidegger và Tư Tưởng Hiện Ðại I, II - 1963...) dịch sách và viết văn, làm thơ (
Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn, xuất bản trong các năm 1962, 63). Nghe nói có thời gian anh vẽ tranh. Ðó là một con người sung mãn sáng tạo. Các bản dịch của anh dù là triết học hay văn học đều là các sáng tạo đẹp đẽ để nuôi sống được tinh thần nguyên bản. Trong vòng hai mươi năm (1955-1975) Bùi Giáng đã tạo nên một văn nghiệp đồ sộ, và cũng trong thời gian ấy, lúc nhặt lúc thưa, khi nặng khi nhẹ, các cơn điên vẫn đến với anh. Anh không có gia đình.
Từ sau năm 1975, cuộc sống của Bùi Giáng suy sụp xuống một bực, các cơn điên có vẻ mạnh và thường xuyên hơn. Trong vòng đùm bọc của bà con, anh được cư ngụ trong một căn lều nhỏ làm riêng cho anh giữa một khu vườn đầy cây lá. Chỗ ở thích hợp với anh lạ lùng. Nó như một cái am của ẩn sĩ, như "túp lều lý tưởng" cho một nhà thơ, lại cũng là nơi nương náu đầy may mắn của một kẻ không vợ không con không sản nghiệp. Ở đấy anh được yên tĩnh và tự do. Cái góc xanh tươi kín đáo ấy giữa đất Sài Gòn hỗn độn sau 75 là một món quà đặc biệt mà số phận dành cho một kẻ tài hoa lận đận nhưng rõ ràng là cũng có phước có phần.
Cái ông già gầy gò ngoài sáu mươi ấy lấy đâu ra sức lực để trải qua các cơn điên dữ dội của mình? Ðấy là một điều bí ẩn. Ði lang thang hàng chục cây số bất kể nắng mưa, múa may la hét suốt mấy ngày liền, kẻ lực sĩ chưa chắc đã làm được. Hay là anh được "tiếp dẫn" một lực nào từ bên ngoài? Nhìn anh lúc giữa "cơn" sẽ thấy rõ ràng một mãnh lực trào dâng không thể kềm chế, đôi mắt lấp lánh vừa điên dại vừa thông minh như muốn nói nhiều điều, như đã hiểu thấu nhiều điều. Những giây phút thăng hoa cực điểm. Giây phút một con người có thể thành thần.
Bây giờ Bùi Giáng không bao giờ nói về những gì mình đã trước tác. Với anh những cái đó hình như chỉ có giá trị khi anh đang sáng tạo ra chúng. Xong rồi, quên rồi. Anh là một khối tinh thần đang chuyển hóa chứ không phải là một tác giả thỏa mãn với một sự nghiệp. Nay lo tái bản cuốn này, mai được mời thuyết trình về cuốn kia, anh hoàn toàn chẳng biết một tí gì về những điều như thế. Nếu nói là nói cái bây giờ, mặc dù đó có thể là điều rất cũ nhưng nó phải đang tươi roi rói trong tâm thức của anh. Ðó là chỗ Bùi Giáng rất khác chúng ta, những "người phàm," được hiểu là những con người bám chặt lấy đời sống xã hội với tất cả các hệ lụy của nó. Anh không có gia đình nên chẳng bận tâm về vợ con; không có của cải riêng nên chẳng bận tâm chuyện mất còn; không màng tới địa vị danh vọng (dù là trong văn giới) nên chẳng khổ tâm chuyện hơn thua. Phải chăng như thế anh đã có được các điều kiện căn bản của một bậc chân tu? Bao nhiêu người thực sự thoát khỏi tham sân si như anh? Tinh thần, đời sống, văn thơ anh là một khối không phân biệt, anh đạt đến chỗ nhất quán một cách hồn nhiên. Không biết đó có phải là trạng thái của các bậc hiền triết thời xưa khi tất cả sự sống là một nguyên khối chưa đi vào thế giới ý niệm chẻ nhỏ mọi thứ ra khiến xã hội loài người vừa văn minh vừa điêu đứng? Bùi Giáng hay nói về cõi "lãng đãng phiêu bồng," phải chăng muốn diễn đạt một cách tương đối cái chỗ ngọn nguồn ấy? Trong thơ của anh Bùi Giáng cũng hay dùng hai chữ "cố quận".
Ðất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đổi lời sương thâu.
Người đọc dần dần cảm thấy cố quận không còn là một thực thể địa lý của một thời đã qua mà chính là một vùng tâm thức xa xưa nào đấy trong ý thức tập thể của loài người. Ðây là một hình tượng gợi cảm rất Việt Nam bên cạnh các "tro tàn Hy Lạp," "ba người con gái chiêm bao ở bờ cỏ Phi Châu" v.v... rất tân kỳ của anh. Cố quận ở nẻo mù khơi nào? Có phải như Huy Cận đã viết:
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận muôn trùng ta đi.
nẻo quê chung, cố quận, luôn luôn là một
nỗi niềm trong thâm sâu mỗi chúng ta?
Có lẽ vì tinh thần không vương hệ lụy, thơ của Bùi Giáng tràn đầy một loại ngôn ngữ tài hoa, bình dị, táo bạo, bất ngờ. Ðôi khi như là lời lẽ dân gian nhưng mang tính chất cực kỳ bác học. Ðôi khi như một lời văng tục nhưng lại cực kỳ tài hoa. Và nhất là không theo một đường mòn nào cả. Mỗi câu thơ Bùi Giáng là một lối lạ mới phá nhưng luôn luôn mang đầy đủ bản sắc của anh. Trong tâm thức lãng đãng phiêu bồng, anh nói ra những ngữ, những điệu thuộc về thế giới của anh. Anh xa lạ với những diễn dịch của trí tuệ, lý luận chẻ sợi tóc làm tư của cung cách học giả. Lời thơ của anh lắm khi kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng chúng ta luôn luôn thích thú với sự tập hợp chữ nghĩa ấy, vì thấy nó "hay", gần giống như khi đọc âm chữ Hán một bài thơ Ðường, có khi không hiểu hết nghĩa nhưng tâm hồn vẫn bàng bạc một nỗi cảm hoài. Có thể thơ Bùi Giáng nói được đôi điều rất chân thật với tâm hồn ta, và ta được hưởng ít giây phút sung sướng phiêu bồng mà hầu hết chúng ta đã đánh mất, đã rời quá xa trong cuộc sống đầy phân chia đến chỗ cằn cỗi này. Ta có thể chia sẻ chút nào chăng trong các câu thơ Bùi Giáng viết đã lâu rồi để tự giới thiệu mình:
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
Ngày nay, một cách đùa cợt cho mình là đười ươi, kiểu cách khác hẳn xưa, nhưng điều anh muốn nói hình như không khác:
Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay...
Bùi Giáng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nguyễn Du và truyện Kiều. Nguyễn Du và truyện Kiều
đã hóa thân vào anh. Ngôn ngữ Nguyễn Du đã biến thành ngôn ngữ của anh tự nhiên như thức ăn biến thành sự sống của sinh vật. Anh gọi
Terre Des Hommes của Saint Exupéry là
Cõi Người Ta, tài tình đến sửng sốt nhưng lại tự nhiên như dùng một tiếng Việt vốn có từ nghìn xưa. Không phải là anh "lẩy Kiều" mà là tạo ra một "ngôn ngữ Kiều." Khắp mọi nơi trong thơ anh, ngôn ngữ ấy luôn luôn lãng đãng như gần như xa:
Chiêm bao hội thoại ngân dài
Ý trong tờ mộng nhớ ngày Việt Nam
Trăng Gò Vấp sương Ða Kao
Huệ lan sực nức niềm khao khát chờ
Tưởng bây giờ là bao giờ
Sát na niệm tưởng chép thơ tặng người...
Dấu bèo phong vận nguy nga
Sống phơi trường mộng đầu hoa cuối cành
Dập dìu quân nhạc đại doanh
Ngàn thu rớt hột thập thành trở cơn.
Về sau chẳng biết vân mồng
Ra sao thế nọ phiêu bồng thế kia...
Gần đây một hôm đang trò chuyện với vài người bạn trong khu vườn cây, đột nhiên anh la lớn:
"Nguyễn Du đâu phải như Trần Trọng Kim 'phân tích', vẽ ra cuộc đời Kiều để nhằm gởi gắm tâm sự này nọ của mình! Nguyễn Du khác hơn nhiều, không phải như thế, không phải như thế!"
Tuy anh không nói rõ về Nguyễn Du là như thế nào -thời gian sau này ít khi anh nói mọi điều một cách khúc chiết- nhưng qua mạch câu chuyện cùng là nhìn anh và nghe anh trong lúc ấy, người đối diện phải hiểu rằng theo anh, Nguyễn Du đâu có bận tâm về những chuyện biện minh cho mình về chuyện thị phi ở đời như trung với triều đại hay làm quan với triều đại khác, Nguyễn Du vượt xa cao hơn những cái đó, muốn trình với đời
nỗi đau khổ của con người trong thiên thu. Nỗi đau như là bản chất vĩnh viễn của cuộc sống, của vô minh nhưng được miêu tả trong thân phận một con người và một hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể. Cũng cụ thể như những cảnh sinh, lão, bệnh, tử mà thái tử Tất Ðạt Ða chứng kiến trong những lần du hành của mình để làm khởi điểm cho một chứng nghiệm cứu đời vĩ đại. Rõ ràng tác phẩm Nguyễn Du cũng là một phơi bày như thế, một đánh động thê thiết đầy nhân bản về thân phận con người, đồng thời cũng hé lộ cho thấy khả năng đầy lạc quan của nó. (Tìm cách diễn dịch Bùi Giáng như thế có thể là... liều mạng, nhưng biết sao, đành phải cố gắng "hiểu" anh với khả năng trí óc và ngôn ngữ hạn chế đời thường của mình thôi).
Người đọc Bùi Giáng trước năm 1975 tất nhiên rất quen thuộc với các "nhân vật nữ" của anh: Kim Cương, Marilyn Monroe, Phùng Khánh..., toàn là những nhân vật có thật của đương thời. Tuy thật nhưng họ hiện diện trong văn thơ anh, như một hư cấu, như một tượng trưng. Tuy được nhắc đến lúc nào cũng như với chút bông đùa, cái mà họ tượng trưng lại vô cùng nghiêm trang: mẫu thân, mẹ. Phải chăng Bùi Giáng muốn nhắc đến cái nguyên lý sinh sôi và êm dịu -yếu tố Nữ- vốn có trong trời đất qua tên những người đàn bà quen thuộc nổi tiếng ấy? Nhưng đây là thuộc phạm vi tư tưởng. Từ sau năm 1975 thơ anh có nhắc đến một người đàn bà khác nhưng với một cung cách khác hẳn. Không bông đùa mà thân mật. Không tượng trưng mà đầy cảm mến. Và vẫn bàng bạc một tâm tư sùng bái như trước kia.
Tâm tùy thị hiện sát na
Căn do Hoàng thị đầu hoa Chiên Ðàn
Cội trồng ánh ngọc cưu mang
Tờ rung Hoa Tạng dư vang vô ngần.
Hoàng thị... Ðó là một người có thật, trong họ hàng bên ngoại mà Bùi Giáng gọi bằng dì (nhưng tuổi nhỏ hơn Bùi Giáng ít nhất một giáp). Cũng vốn là giòng dõi thi văn, người dì từ lâu đã lấy làm khâm phục ông cháu tài hoa họ Bùi, và nhà thơ của chúng ta, trong những cơn vật vã sau 1975, luôn luôn nhắc đến người dì một cách trìu mến. Ðây lại là một "nhân vật nữ" nữa của Bùi Giáng, nhưng nhờ sự gần gũi họ hàng, nhờ sự chăm nom thăm hỏi từ xa của người dì, nhân vật nữ này trong thơ Bùi Giáng không thăng hoa để thành một tượng trưng của ý niệm triết học mà lại thành một tình thương mến pha nhiều màu sắc trân trọng nặng tính chất đời thường.
Giữ ngọc gìn vàng trân trọng chút
Nghìn thu cổ lục sẽ mai sau
Hoàng Trang Thy Thỵ còn vang mãi
Cùng điểm quần thoa điểm điểm màu
Ân lộc nghìn kho lả lướt chào
Chùm chùm xuân sắc hộ xuân trao
Hồ Hương Ðoàn Ðiểm Thanh Quan huyện
Cùng xiết bao quần cân quắc cao.
Rõ ràng phong cách thơ Bùi Giáng bỗng chững chạc lại trước dì Trang. Hình như đã lâu lắm thơ anh phóng túng như một chàng đãng tử không nhà, bỗng trở nên lễ giáo như một thời nào trẻ trung chàng còn đang vòng kèm cặp của nghiêm đường. Người dì đã làm nhà thơ nhớ lại nếp xưa? Ta hãy đọc bài
Hoàng Hoa Giữa Phố mà tác giả làm để riêng tặng dì Trang, để thấy thêm một chút phong cách xưa của anh:
(Màu con mắt bên mùa xuân xiêu đổ
Ở bên kia nhìn ngó lại bên này
Gió lắt lay bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay)
Hoàng Hoa phố chợ niệm tình
Chép câu ủy tạ chưa đành bởi đâu
Hoàng Hoa Phố Thị hương màu
Ði thiêm thiếp cõi mai sau lạ lùng
Hoàng hoa tinh thể não nùng
Từ mai hậu với vô cùng Hôm Nay
(Kính tặng Dì Trang)
Và bài Tưởng Niệm, cảm hứng từ một câu thơ của dì Trang:
"Mừng mãi chưa quên nỗi bẽ bàng"
(Hoàng Trang Thị)
Chim xa cất cánh bay vù
Nhớ Lâm Tuyền Mộng đất phù du hoa
(Hồi sinh hồng lệ trao quà
Từ bình nguyên rộng lại nhà thăm nhau)
(Em về mấy thế kỷ sau)
Ngồi bên gốc cây
Ngủ trên ngọn sóng
Ði giữa trời mây
Tần ngần nghe ngóng
(Buồn vui như thể thân mình
Ai chia nửa máu ai giành nửa xương)
Cũng trong khu vườn ấy, một lần Bùi Giáng kể:
"Khi ta còn nhỏ, khoảng bốn năm tuổi, mỗi khi mẹ đi vắng, ta nhớ ghê lắm, ngồi một mình đầu hè trông ngóng mẹ về. Nhưng khi mẹ ta về, bà không ngó tới ta, mà chạy thẳng vào nhà ôm lấy thằng em của ta!..."
Trong Bùi Giáng, niềm khát khao Mẹ không lúc nào vơi, dù là lúc còn thơ hay khi tóc đã bạc. Dù niềm khao khát có thể thăng hoa thành nguyên lý Mẹ phổ quát, nhưng trong đời sống của anh lúc nào cũng cần có những "mẫu thân" nâng đỡ suốt đường đi. Dù các mẫu thân ấy có thực một cách hư cấu hay hư cấu một cách rất thực, thì vẫn là một niềm an ủi êm dịu cho tâm hồn dằng dặc khao khát vỗ về của nhà thơ.
Bùi Giáng như một ngọn lửa cháy liên tục mấy mươi năm nay trong thế giới thơ ca -của anh và của chúng ta. Ngọn lửa có khi thu lại thành một đốm nhỏ, có khi bùng lên dữ dội, có khi bị gió bão lắt lay, nhưng vẫn là nguyên một ngọn lửa ấy từ đầu cho đến bây giờ. Anh không bao giờ tự phủ nhận mình để bắt đầu lại từ đầu -nghĩa là tắt ngọn lửa của mình đi để thắp lên một ngọn theo kiểu khác hẳn. Anh cũng thoát khỏi các hệ lụy của đời thường để không lâm vào cảnh lúng túng hoặc đối đầu khi hoàn cảnh hoàn toàn thay đổi. Ở giữa đời mà quả thực anh không dính dáng với cõi trần. Nếu đừng hiểu chữ ung dung tự tại một cách quá chặt chẽ thì quả là anh đã đạt tình trạng ấy, theo kiểu của anh. Trước sau anh nguyên vẹn. Có thi nhân nào của Việt Nam trải mấy mươi năm qua mà được như anh? Sau tháng Tư 1975, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... vào Nam trưng thơ tình của mình ra trong cung cách làm công tác để chứng tỏ rằng trong chế độ của họ thứ hàng nào cũng được sản xuất cả. Họ đã trưng một ít hàng-mẫu-không-bao-giờ-bán của một cơ cấu sản xuất toàn là quốc doanh. Quần chúng miền Nam cảm thấy một bãi khô cằn mênh mông. Giữa sa mạc với những viên đá đen đúa lăn lóc, Bùi Giáng trở thành một ốc đảo xanh tươi mát rượi, ốc đảo duy nhất còn lại giữa một miền Nam cháy da sau khi "thằng bán tơ kia dở dói ra" đủ các trò ma mãnh để đổ vào khuôn tất cả mọi sinh hoạt tinh thần. Anh càng lang thang, càng lên cơn điên dữ dội, càng điêu linh tàn tạ, nhưng cùng lúc anh đang đóng vai trò của một sứ đồ tự do, bản thân anh là một bài ca đầy cảm hứng cho nỗi khát khao tinh thần tự do của xã hội. Anh thành một chỗ tựa cho bạn bè cũ và một sức mạnh cảm hóa đối với người mới đến. Anh tượng trưng cho sự "ngoài vòng cương tỏa" mà người văn nghệ chân chính nào cũng thèm muốn. Ngọn lửa của anh được giữ cháy liên tục là biểu tượng cho một truyền thống tinh thần không bị đứt. Ngọn lửa ấy không phải cháy do một thứ nhiên liệu trần thế nào nên các sức mạnh trần thế không dập tắt nó được. Anh như là một loại người nhà trời xuống để giúp con người ra khỏi được tai họa do chính sự dại dột của nó gây ra. Anh không có và không cần hào khí của một dũng sĩ rút gươm đương cự với con chằn tinh gian ác. Nơi anh không có sự phân biệt ta và nó. Chỉ là một khối tinh thần vật chất lãng đãng phiêu bồng.
Nhưng tất cả chúng ta luôn luôn cần và biết ơn cái lãng đãng phiêu bồng ấy.
Saigon 21-6-1992
(Giao Điểm, 1992)