Lý thuyết giá trị thặng dư chỉ có thể là một sự gian lận hay lầm lẫn
Như chúng ta biết, lý thuyết kinh tế học vi mô chỉ ra rằng trong một thị trường kinh tế cạnh tranh hoàn toàn, giá cả thị trường được hình thành luôn bằng với giá thành sản xuất. Nghĩa là nhà sản xuất không thể có lợi nhuận nếu tổng doanh thu của họ chỉ đủ bù đắp cho chi phí phải bỏ ra như: Chi phí nguyên vật liệu, lương và khấu hao để tái sản xuất. Như thế những nhà sản xuất kém hiệu quả, có giá thành lớn hơn giá thị trường không thể nào tồn tại trên một thị trường cạnh tranh hoàn toàn. Đấy chính là điểm cân bằng của một ngành kinh tế thị trường. Ở trạng thái cầu vượt cung, giá thị trường sẽ tăng lên, nhà sản xuất sẽ có lợi nhuận. Chính lợi nhuận này sẽ thu hút các nhà đầu tư khác tham gia vào thị trường, để đến khi cung vượt cầu thì giá thị trường sẽ giảm, kéo theo giảm lợi nhuận của nhà sản xuất trở về số không hoặc âm và kéo theo sự từ bỏ thị trường của một số nhà đầu tư. Cứ như vậy các trạng thái thị trường luôn vận động xung quanh điểm cân bằng.
Để xây dựng lý thuyết ấy người ta đã đưa ra nhiều giả định như:
- Tất cả hàng hóa của các nhà sản xuất là đồng nhất.
- Người tiêu dùng có thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa.
- Một người tiêu dùng và một đơn vị sản xuất khi rút lui hay tham gia thị trường đều không ảnh hương tới thị trường.
- Không một đơn vị kinh tế nào nắm giữ các yếu tố lợi thế trong sản xuất.
Tuy nhiên, trong thực tế không có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo nào có thể thỏa mãn được các điều kiện như vậy, nên lý thuyết không bao giờ có thể phản ánh được một cách trọn vẹn, chính xác những gì đang diễn ra trên thị trường. Nếu xem lý thuyết là một chiếc máy chụp X-quang thì nó chỉ có thể chụp được hệ thống xương cốt của cơ thể sống động là nền kinh tế thị trường vận động không ngừng mà thôi. Nó chỉ có thể mô tả khuynh hướng vận động một cách rất chung trong nền kinh tế thị trường chứ không thể là một lý thuyết tuyệt đối đúng. Trong thực tế không ít thì nhiều mỗi nhà sản xuất đều có những bí quyết hay lợi thế hay bất lợi nào đó so với đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm của từng nhà sản xuất không thể nào đồng nhất. Và người tiêu dùng không phải lúc nào cũng có đầy đủ thông tin về sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu… Nhưng có điều chắc chắn rằng, một thị trường cạnh tranh càng khốc liệt thì lợi nhuận của các nhà sản xuất càng giảm và tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực càng cao hơn.
Cũng tương tự, để xây dựng một phương trình nhằm xác quyết rằng Giá trị thặng dư = Lợi nhuận của nhà tư bản trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có những điều kiện tối thiểu cho nó như sau:
- Trong một điều kiện sản xuất không đổi, sự trao đổi hàng hóa dựa trên giá cả không đổi, bất chấp lượng cung cầu như thế nào.
- Người tiêu dùng hiểu rõ giá trị thực của hàng hóa.
- Quyết định mua sắm của người tiêu dùng không chịu tác động bởi những hoạt động không tham gia trong chuỗi khai thác giá trị (Wertschöpfungskette) như các hoạt động marketing.
Một khi duy trì được tối thiểu những điều kiện trên đây đúng như Marx phân tích: những gì mà nhà tư bản nhận được nhiều hơn những gì họ bỏ ra, rõ ràng đấy chính là họ đã bóc lột giá trị thặng dư do người lao động trong quá trình sản xuất tạo ra.
Tuy nhiên, với kết quả trong những điều kiện nhất định, lược bỏ hết các yếu tố tác động khách quan được đem ngược trở lại, ốp vào thực tế, không đảm bảo được những điều kiện như đã giả định, còn tồn tại đầy đủ tác động của những yếu tố ngoại vi và xem nó như là một chân lý tuyệt đối đúng thì là sao có thể chấp nhận cho được. Lợi nhuận của chủ tư bản không phải là hoặc không chỉ là toàn bộ hay một phần giá trị thặng dư do sức lao động tạo ra. Chẳng hạn bằng các nhóm đối chứng, người ta thử đánh giá hiệu quả một chương trình quảng cáo cho một sản phẩm mới. Nhóm người A không được xem chương trình quảng cáo sản phẩm và họ chỉ chấp nhận trả mức giá là 10 USD cho một đơn vị sản phẩm ấy. Cũng sản phẩm tương tự, nhóm người B được xem chương trình quảng cáo và họ đồng ý mua sản phẩm ấy với giá 20 USD. Trong khi giá thành sản xuất là 15 USD. Bản thân chương trình quảng cáo ấy không hề làm gia tăng hay làm giảm bớt giá trị của sản phẩm. Trong trường hợp như vậy thử hỏi ông Marx tính sao cho ra giá trị thặng dư mà nhà tư bản bóc lột người lao động?
Có ai định giá bằng nhau cho bức tranh của danh họa Picasso hay bản sao y chang, thậm chí còn... "đẹp hơn" của bất kỳ một họa sĩ tập sự nào được không?
Dù chuyên về các giải pháp tối ưu hóa trong sản xuất nhưng tôi phải ý thức rằng sự thành công của một nhà sản xuất không chỉ đơn thuần được quyết định duy nhất bởi giá thành hay chất lượng sản phẩm, mà những hoạt động không hề tạo nên một chút giá trị gia tăng nào như marketing luôn đóng một vai trò sống còn đối với doanh nghiệp. Bởi nhu cầu của con người luôn bị chi phối do rất nhiều yếu tố tâm, sinh lý, văn hóa, không gian, thời gian... vô cùng phong phú trong thực tế. Một người có thể biết rõ chất lượng thực của đôi giày hãng A và hãng B là như nhau nhưng anh ta vẫn mua đôi giày của hãng A dù nó đắt hơn mà không mua của hãng B bởi đơn giản ngôi sao bóng đá anh ta yêu thích luôn dùng nó hàng ngày trên… vô tuyến. Những điều tương tự như vậy không hề xa lạ trong nền kinh tế ngày nay.
Cũng như vậy, thí dụ, những công ty may mặc chi trả cho công nhân mức lương không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu nhưng nhiều khi vẫn thua lỗ không có nghĩa là họ không bóc lột sức lao động.
Theo tôi, hiện tượng người bóc lột người luôn diễn ra hàng ngày và sẽ luôn tồn tại chừng nào con người còn sống trên trái đất này mà không thể nào giải quyết được, nó thuộc vào phạm trù đạo đức. Bất kỳ một nhà tư tưởng lớn nào cũng vậy, thường đặt ra cho mình những vấn đề bức thiết trong xã hội đương thời nhưng có một chiều kích vĩnh cữu. Nhà tư tưởng Marx đối với vấn đề nhức nhối người bóc lột người trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản mới hình thành cũng là như vậy. Tuy nhiên, vấn đề đáng lên án ở đây là: những suy tư, giải pháp đề ra của một cá nhân được tuyệt đối hóa, chân lý hóa cho mọi thời đại bất chấp thực tế hàng ngày diễn ra như thế nào là không thể chấp nhận được.
Thiết nghĩ rằng, những gì được cụ Hà Sĩ Phu trình bày ở những thời điểm trong quá khứ là rất cần thiết, một khi không ít người còn tin vào học thuyết Marx như là một chân lý. Nhưng ngày nay chủ nghĩa Marx ở bất kỳ phương diện nào cũng chỉ là một nhãn hiệu không hơn trong các chính sách của nhà nước Việt Nam. Bởi vậy, tôi cho rằng, tranh luận về Marx lúc này không cần thiết nữa, không giả quyết được một vấn đề gì ngoài việc sinh ra mối bất hòa. Ngoài ra, cũng nên bỏ hẳn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa" trong câu “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Bởi có thêm cái đuôi ấy chẳng tích sự gì mà chỉ e rằng dù nền kinh tế thị trường nước ta có phát triển cỡ nào đi nữa cũng khó được thế giới chấp nhận mình đã có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Như vậy, nó chỉ có thể làm khó, gây bất lợi cho doanh nghiệp nước mình mỗi khi bị điều tra bán hàng phá giá về một mặt hàng nào đó mà thôi. Bởi người ta chỉ tính giá thành ở một đất nước có nền kinh tế tương đương (có thể chi phí sản xuất ở đây cao hơn) mà không phải tại nước mình, dù nền kinh thế thị trường của họ chẳng khá gì hơn mình.