© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.5.2007
Phạm Công Thiện
Hố thẳm của tư tưởng
(Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay - Thể và tính)
 1   2   3   4 
 
IV. Bóng tối của hố thẳm

Các ngài mong đợi những gì? Ngay bây giờ, ngay phút này, tại đây, các ngài mong đợi những gì? Chúng ta có đang sống không? Có “hiện sinh” không? Có phải chúng ta đã sống quá dễ dãi không? Chúng ta sợ một đời sống lưỡng lự.

Sống là sống lưỡng lự, ngập ngừng, do dự. Phải lưỡng lự, phải hoàn toàn lưỡng lự trong cuộc sống. Hết lưỡng lự là bắt đầu hết sáng tạo; hết lưỡng lự là rơi vào sự nhất định, bị trói buộc vào ý niệm, hết lưỡng lự là bắt đầu chạy đều như một máy điện, bắt đầu đi thẳng; sống là đi vòng, lang thang, đi quanh quẩn, chứ không phải đi thẳng: con đường tắt là con đường của người tầm thường; người sáng tạo là người lang thang lưỡng lự trên một con đường thực dài, con đường quanh co, con đường không về thành phố, con đường băng qua rừng, qua suối, qua núi cao; con đường về Hy Mã Lạp sơn, không phải Hy Mã Lạp sơn của Tây Tạng. mà là Hy Mã Lạp sơn của nỗi lưỡng lự vô biên trong tâm hồn; con người ngập ngừng lưỡng lự là kẻ đi trong đêm tối vào lúc ba giờ khuya, trên một con đường vô tận, con đường không định hướng, con đường yêu ma, con đường chênh vênh giữa một ngàn hố thẳm.

Hãy đập nổ tất cả ngôi sao trên trời để cho bóng tối làm một với con đường, hãy đập nổ hai con mắt để hai bàn chân trở thành con đường của bóng tối; tất cả ánh sáng đều lường gạt; tất cả mặt trời, mặt trăng, tất cả ngôi sao đều là kẻ thù của người sáng tạo. Kẻ sáng tạo là kẻ đi một mình trong lưỡng lự cùng cực. Sống lưỡng lự là sống liều lĩnh, sống bạt mạng, sống lưỡng lự là bước đi dò dẫm và ý thức đến độ đứt gân máu rằng mỗi bước chân là một hố thẳm không đáy; chỉ cần một giây, một tiếng tích tắc, một tiếng đập tim là cuộc đời biến thành Tính Mệnh và sự chết là cử chỉ cuối cùng, đồng thời cũng là cử chỉ đầu tiên, cử chỉ sáng tạo đầu tiên của tất cả thiên tài, của tất cả con người nghệ sĩ trên mặt đất này.

Sống lưỡng lự là nói ấm ớ, nói ấp úng, nói không ra lời, vì sự diễn đạt chỉ là diễn đạt hữu hình, bên ngoài hữu hình là vô hình; thi sĩ là người lưỡng lự bước đi với vô hình; thi sĩ là người nói không ra lời mà vẫn phải nói; nói trôi chảy, nói thông suốt rõ ràng, nói dễ dàng là chỉ bước đi trên con đường tắt, nghĩa là không còn lưỡng lự. Do đó, ngôn ngữ trở thành dụng cụ và biến thành một mớ mồm mép ba hoa lải nhải; người ta nói và nói quá dễ dàng, có thể nói về bất cứ cái gì và lời nói đã trở thành tuyên truyền và tất cả những diễn giả, tất cả những thuyết trình viên chỉ là những kẻ quảng cáo rẻ tiền và con người sinh ra đời trong nông cạn, làm việc trong nông cạn, sống trong nông cạn và chết đi trong nông cạn.

Phải sống lưỡng lự, phải nói không ra lời, phải nói ấm ớ, nói ấp úng, phải nói khó khăn như thế thì nói mới là cử chỉ tối hậu, nói mới là sự chinh phục của ý thức, nói mới là bước đi giữa hư vô và trên Hố thẳm, có thể thì nói mới có nghĩa bị đặt trước sự sống và sự chết, có thế Ngôn Ngữ mới trở thành thiêng liêng, Ngôn Ngữ mới là Nguyên Ngôn, mới là lời nói đầu tiên và cuối cùng của một người cô đơn cùng cực, của một người đã sống và chết cùng độ căng thẳng thần kinh, của một người mà ý thức hắn nổ tung như một triệu mặt trời chấn động.

Các ngài đợi mong những gì?

Tôi không nói về tư tưởng hiện sinh mới và tư tưởng Thiền của nhóm Beatniks ở Greenwich Village và ở Saint Germain des Prés. Tôi khinh bỉ nhóm Beatniks; tôi khinh bỉ tất cả thiền sư; tôi khinh bỉ tất cả triết lý hiện sinh. Tôi không nói về một đề tài, mà tôi chính đề tài. Tôi xin mời các ngài làm một với đề tài, các ngài không phải nghe về hiện sinh mới và Thiền, mà các ngài là hiện sinh mới và Thiền, vì tất cả ý nghĩa tối hậu của tư tưởng hiện sinh mới và tư tưởng Thiền là nằm ngay giờ phút này, tại nơi đây; giờ phút này là giờ phút tuyệt đối linh thiêng, người nói và người nghe chỉ là một người, các ngài nói trong tôi và tôi nghe trong các ngài.

Các ngài đang nghe những gì?

Tất cả chúng ta đều không biết nghe; nghe không có nghĩa là để đồng ý hay bất đồng ý, để phủ nhận hay chấp nhận; nghe không có nghĩa là phê phán, nghe không phải là để so sánh những gì ở hiện tại với những gì mình đã hình dung ở quá khứ. Sống lưỡng lự có nghĩa biết nghe, nghe nỗi chết trườn mình qua cơ thể, nghe tiếng ồn ào của cơ khí đang tàn phá bầu trời và trái đất, nghe sự sợ hãi ngự trị trong con người và biến con người thành một cái gì bần tiện nhất, xấu xa nhất trên đời.

Các ngài có đang sống sợ hãi không? Các ngài sợ dư luận, các ngài sợ người ta nghĩ về các ngài như thế này, thế kia; các ngài sợ nhà tù, sợ ám sát, sợ tai nạn, sợ thất bại; các ngài sợ điên loạn, sợ mất quân bình, các ngài sợ nguy hiểm, sợ chết. Các ngài có dám lao mình xuống Hố thẳm hay không? Các ngài có dám lao mình xuống núi lửa hay không? Hố thẳm đây chính là hố thẳm của tâm hồn mình, núi lửa đây chính là núi lửa hừng hực của ý thức mình. Con đường đi đến tự do toàn triệt là con đường lao xuống hố thẳm và núi lửa. Chỉ khi nào chúng ta dám liều lĩnh, dám bạt mạng, dám yêu hố thẳm, dám yêu núi lửa, chỉ lúc ấy chúng ta mới được mọc cánh và mới được hưởng mùa nổ sao ngây ngất trong phương trời mây đen tuyệt đối và vô hạn.

(Bài này đáng lẽ đã được đọc lại tại Viện Đại học Vạn Hạnh để mở đầu niên khoá giảng dạy Triết lý tỷ giáo, nhưng nhờ một cơn khủng hoảng tâm tư, trong buổi diễn thuyết ấy, tôi đã nói ấm ớ khác đi hoàn toàn để tránh cho thính giả khỏi rơi vào Hố thẳm của Hư vô mà thiền sư Ngộ Ấn ở thời Lý gọi là “Diệu Tính Hư Vô”.)


V. Hố thẳm của chiến tranh quê hương

Để thu thập thêm những ý kiến, những cảm nghĩ về 12 năm phân ly, ban chủ biên Đối Thoại đã chia nhau đến phỏng vấn một số những nhân vật đại biểu cho nhiều khuynh hướng chính trị, nhiều tầng lớp xã hội ở đây, và xin trả lời về 3 đề mục:
(cf. nguyệt san Đối Thoại do sinh viên Văn khoa Sài Gòn chủ trương, số mùa Xuân 1967, trang 85-102).

Ở trên là ba câu hỏi của nguyệt san Đối Thoại về chiến tranh quê hương.

Đối với chiến tranh quê hương, tư thế của tôi đã được diễn bày hai lần bằng Anh ngữ:
  1. trong quyển Dialogue, với nhan đề là: The ontological background of the present war in Vietnam (an open letter to Henry Miller);
  2. trong tạp chí Tin Tưởng ở Paris vào năm 1966, với nhan đề là: Mediation upon the Vietnamese War.
Lần trả lời này là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng; từ đây trở đi, tôi đã dứt khoát với chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt trong lòng tôi và cũng đã chấm dứt từ hai ngàn năm trăm năm trước vào lúc Anaximandre bắt đầu khai mở mật nghĩa của chữ “adikia” trong tư tưởng Tây phương; hai ngàn năm trăm năm trôi qua trong lịch sử nhân loại và mật nghĩa của chữ “adikia” vẫn nằm trong tối, vì thế chiến tranh lan rộng tàn phá khắp hoàn cầu, mà chỉ có dân Việt Nam là nạn nhân trầm trọng nhất, bởi vì ngữ thể của chữ Nôm lại là mẫu tự La tinh và chứa đựng tất cả tiềm lực cho cuộc thí điểm của kỹ thuật và cơ khí. Bây giờ tôi đã nhìn thấy rằng tôi đang tham dự một trận chiến tranh còn tàn khốc gấp một triệu lần trận chiến ở Việt Nam; đó là trận chiến trong tâm hồn trước Hố thẳm vô hình, mà Rimbaud gọi là “trận chiến tâm linh” (cf. Adieu in un Saison en Enfer).

Người nào muốn đánh giặc ở Việt Nam thì cứ đánh giặc, nhưng xin đánh giặc với tinh thần của Bhagavadgitâ. Và đây là một mật ngữ khác bằng chữ Phạn, trích từ đoạn 38 chương II của Bhagavadgitâ:

sukhadukhe same krivâ
lâbhâlâbhau jayâjayau
tato yuddhâya yujyasva
nai’vam pâpam avâpsyasi

Đoạn Phạn ngữ ở trên và chữ “adikia” của Anaximandre là những mật ngữ của Đông phương và Tây phương, vì thế không nên dịch ra chữ Việt: không nên biến đổi mật ngữ thành hiển ngữ. Mật ngữ chỉ có thể trở thành hiển ngữ khi nào con người không còn chạy trốn Hố thẳm.

Sau đây là lời trả lời của tôi đối với những câu hỏi của nguyệt san Đối Thoại. Trả lời nhưng không trả lời gì cả, nhưng thực sự thì đã trả lời tất cả, vì lời nói đã được đặt về Uyên nguyên của toàn thể văn minh nhân loại. Chỉ tiếc là người đặt câu hỏi lại là người không biết cách hỏi, cũng như tất cả những phóng viên báo chí đều là những người không biết hỏi, bởi vì ngôn ngữ đã sa đoạ trở thành dụng cụ cho thông tin và không còn là tiếng vọng heo hút ngàn đời của hố thẳm. Báo chí là nơi người ta ba hoa lải nhải, kết bè lập nhóm, lăng mạ, đánh điếm ngôn ngữ: điều đó khiến ta hiểu tại sao Paul Valéry không bao giờ đọc báo. Phóng viên nhà báo như nhân vật chính không tên của William Faulkner trong quyển Pylon lại là trường hợp ngoại lệ: ông khinh bỉ tin tức, khinh bỉ những biến cố quan trọng của thời sự. Đó là những mật nghĩa kỳ diệu của Faulkner.

Tất cả đối thoại đều vô nghĩa, vì đối thoại có nghĩa là phản thoại, nói một cách triết lý hơn thì đối thoại chỉ là “Gegenantrag”.

Và đây là độc thoại của tôi, của một người không biết nói và khi nói thì chỉ nói một mình để chỉ cho mình nghe.

Các ngài còn muốn hỏi nữa không?

P.C.T.


*


Tất cả mọi câu hỏi, dù là câu hỏi tầm thường nhất trong đời sống, đều đòi hỏi sự suy tư tuyệt đối của người hỏi và của người trả lời. Biết cách đặt câu hỏi và biết cách trả lời đều chứa đựng ý nghĩa của việc biết cách đặt mình trước, ngang và trong sự việc và sự vật; nói một cách khác, đặt lại tương thế giữa người và thể, giữa cá thể, tập thể, tư thể và toàn thể, giữa Tính Thể và Thể Tính. Trả lời Một là trả lời TẤT CẢ. Tính thể của Tất Cả là gì? Tính Thể của Thể Tính là gì? Trả lời được những câu hỏi này là trả lời được tại sao có sự việc về 12 năm phân ly. Mười hai năm phân ly nằm trong hai ngàn năm trăm năm phân ly của lịch sử Tây phương, của Vận Mệnh Tính Thể Tây phương.
Muốn hiểu ý nghĩa của 12 năm phân ly chỉ cần suy tư lại từ nền tảng tư tưởng, từ Lai tính (Ereignis) của Suy Thể từ Héraclite đến Heidegger.

1. Nguyên nhân: Đi tìm “nguyên nhân” của bất cứ một sự việc nào là chỉ bị trói buộc vào vòng tròn trùng lý của tư tưởng, tư tưởng theo điệu tiền tưởng (vorstellen) và bị điều động bởi thể điệu “Gestell” mà ông André Préau dùng chữ “Arraisonnement” để dịch chữ “Gestell” trong quyển Vorträge und Aufsätze của Heidegger; do đó, không thể đi tìm nguyên nhân của chính nguyên nhân của việc đi tìm kia.

2. Hậu quả: Cả “nguyên nhân” và “hậu quả” đều nằm trong phạm trù “causalié”, mà phạm trù này cũng nằm trong thể điệu “Gestell” hay “Arraisonnement”; do đó, đi tìm nguyên nhân và đi tìm kết quả chỉ là đi tìm bản chất của chính sự đi tìm của mình, nghĩa là phải đặt lại tính thể (essence) của chính sự có mặt của người tìm; nói dễ hiểu hơn là đặt lại giới hạn của nguyên lý (pricipe), nhất là nguyên lý về nền tảng (Grund), thu gọn lại trong câu của Leibniz: “principium reddendae rationis sufficientis”, việc này đã được Heidegger đề cập rõ ràng sâu sắc trong quyển “Der Satz vom Grund” (Neske, Pfullingen, 1957), tôi không cần phải nói lại dài dòng.

3. Chiến tranh hiện tại có giải quyết được sự phân ly này không?

Câu hỏi thứ ba này đã được tôi trả lời tiềm tàng trong hai câu hỏi trên, bởi vì sự “giải quyết” cũng thuộc vào thể điệu “Gestell” (Aarraisionement) mà thể điệu này đã được thể hiện mãnh liệt bằng cơ khí và kỹ thuật hiện đại (technique moderne), được điều động bởi luận lý học vi tế, mang tên là “logistique moderne” mà Việt Nam là nơi chứng kiến và thể nhận bằng máu, lửa và nước mắt. Chiến tranh không giải quyết mà Hoà bình cũng không giải quyết, vì Chiến tranh và hoà bình là hai ý niệm thuộc về thể điệu “Gestell” và đại diện cho thể điệu này là tư tưởng con người hiện đại, tức là thể điệu tiền tưởng (vorstellen – re-présentation). Đặt lại tính thể của tư tưởng (l’essence de la pensée), nhất là tư tưởng tính toán (pensée), nhất là tư tưởng tính toán (pensée caleulante) là giải quyết được tất cả sự phân ly của con người thời đại, trong đó kể luôn sự phân ly 12 năm của Việt Nam.

Kết luận:

Tất cả câu trả lời của tôi có tính cách như ở ngoài đề, sự thực là không phải thế. Những câu trả lời tôi bới đào ngay Hố thẳm của tư tưởng, của con người tư tưởng.

Do đó, con người có biết suy tư và biết suy tư ngay căn bản suy tư của mình không? Đó là câu hỏi quan trọng, vô cùng quan trọng.

Song thoại (dialogue) chỉ có giá trị là khi song thoại được đặt trên tính thể của ngôn ngữ (l’essence du langage) vì “sự vật chỉ trở thành và xuất hiện trong tiếng, trong ngôn ngữ” (cf. Heidegger, Einführung in die Metaphysik, Tübbingen, 1953, p. 10); ý thức được như vậy thì người nói, người hỏi và người trả lời cùng nói lên tính cách Như Nhất (das Selbe) của đời sống và từ đó kinh nghiệm suy tư của tư tưởng gia vĩ đại (như Maitre Eckhart hay Heidegger) cùng trở về xuất hiện lại trong cuộc song thoại thông thường nhất trong đời sống con người, dù là người Việt Nam, dù là trong hoàn cảnh Việt Nam, hoàn cảnh mà Đối Thoại gọi là 12 năm phân ly.


VI. Hố thẳm của chân lý

Từ lâu rồi con người yêu ánh sáng, thờ phượng ánh sáng, chờ đợi ánh sáng. Người ta thường nói ánh sáng chân lý, đồng hoá ánh sáng với chân lý. Ngay cả Heidegger cũng thất bại trong nỗ lực suy tư bên ngoài ánh sáng: trong Aus der Erfahrung des Denkens, Heidegger nói đến “ánh sáng của thể tính”. Gần đây, Heidegger đẩy mạnh tư tưởng đến một bước nữa: làm mai mối cho bóng tối và ánh sáng gặp nhau nơi khoảng rừng thưa mà Heidegger gọi là “Lichtung” (khoáng lâm, khoáng xứ); mặc dù Heidegger đã cố gắng giải thích rằng không phải ánh sáng đã tạo ra “Lichtung”, nhưng Heidegger vẫn chưa thể bỏ “khoáng lâm” mà đi vào “huyền lâm”.

Mấy ngàn năm đã suy tư về ánh sáng, bao giờ tôi mới suy tư và suy tưởng về bóng tối? Đến bao giờ có thể gọi bóng tối của chân lý? Novalis đã kêu gọi đêm tối để chạy trốn ban ngày. Còn tôi, tôi làm thế nào để nhìn thấy đêm tối đang vồ chụp ban ngày; giữa ánh sáng le lói của mặt trời, tôi nuôi dưỡng bóng tối và không chạy trốn ánh sáng. Suy tư trong tương lai phải là suy tư về bóng tối mà không bi quan và không ủy mị. Bóng tối làm mạnh khoẻ ý thức và đời sống của tất cả loài hoa dại. Đừng để bóng tối làm nơi cầu cứu của tất cả sự mệt mỏi. Bóng tối là máu me, máu nguồn của tất cả những dòng máu trong cơ thể con người và sinh vật. Bóng tối cũng là máu của mặt trời. Mặt trời thiếu máu thì mặt trời sẽ nổ banh xác như con chuột cống bị xe cán giữa đường phố Sài Gòn.


VII. Henry Miller con người đã nhảy qua hố thẳm

Cuối năm 1966, tạp chí Synthèses ở Bruxelles có tổ chức một số đặc biệt kỷ niệm sinh nhật bảy mươi lăm năm của văn hào Henry Miller; trên mấy chục nhà văn ở hoàn cầu đã cộng tác vào số tạp chí đặc biệt ấy; Henry Miller có viết thư riêng mời tôi cộng tác vào số đặc biệt trên và yêu cầu tôi đả kích ông nếu thấy cần thiết; làm thế nào đả kích Henry Miller cho được: đả kích Henry Miller không khác gì đả kích mười triệu ngôi sao trên trời.

Henry Miller đã cứu tôi sống từ mười năm nay; nếu không tình cờ đọc được tác phẩm của Henry Miller chắc chắn là tôi đã điên hoặc đã tự tử từ lâu rồi. Dưới đây là bài tôi viết về Henry Miller để cộng tác vào số đặc biệt của tạp chí Synthèses ở Bruxelles, nguyên tác bằng Anh văn, xin khỏi dịch lại Việt ngữ, vì không tiện trong tình trạng kiểm duyệt hiện nay.


Ecce homo: Henry Miller fire for fire

Heidegger is the mole on the penis of Jesus Christ and the birthmark under the armpit of the Buddha. He is also the present incarnation of Milarepa. I want to destroy all the libraries all over the world so that the divine presence of Henry Miller might be felt ecstatically by those who want to taste the strange elixir of the Inscrutable when Dementia and Rapture are being lost amidst the spasmodic orgasms of nouns, adjectives, verbs and adverbs.

Henry Miller is greater, far great that Shakespeare, Dostoyevsky, Whitman, Nietzsche, Heidegger, Goethe or any other geniuses ever existed on earth.

To think the term of “greater” or “not greater” is completely impertinent here as we come across another undiscoverable domain.

To say that Henry Miller is the greatest genius of the whole history of Western and Eastern Culture is only a way of using the verbal process to express what is inexpressible and inevitable.

Angels and devils would have written and dispatched a message entitled “The Birth of the Intangibles from the Spirit of Henry Miller”.

Henry Miller is that which is and that which is not. He is the Real and the Unreal. I have to let him BE and NOT-BE.

Writing and talking about him is Meditation upon Silence through Silence itself.

Phạm Công Thiện
Paris, August, 1966

Phụ lục - Hố thẳm siêu hình học
Phá hủy tư tưởng Heidegger [1]

Phần mở đầu

Thực sự bắt đầu đọc Heidegger từ năm 1959; từ năm 1959 cho đến năm 1969, mười năm đã trôi qua, mười năm đã bay đi như một tiếng chim kêu trong giấc ngủ; mười năm đọc Heidegger, mười năm chèo thuyền trên dòng sông và bao giờ chỉ còn lại “Một con đường giữa đám bèo nổi trên mặt nước” như một câu thơ cuối của Bạch Cư Dị, 浮萍一道開

Viết quyển này, muốn nhìn lại một lần cuối, bỏ lại đằng sau một lộ trình kéo dài mười năm; năm 1959 cũng là năm thực sự bắt đầu đọc Henry Miller và theo đạo Phật Thiền: Henry Miller dạy sống, đạo Phật Thiền dạy thở và Heidegger dạy chết. Đã sống, đã thở, nhưng chưa chết. Cái chết bây giờ chắc cũng xinh xinh như khi hái về một bông sen trắng 忺株白蓮廻.

Khi viết xong quyển này, từ đây trở đi, sẽ không bao giờ đọc Heidegger nữa và cũng sẽ không bao giờ nhắc lại hoặc nói về Heidegger nữa. Sẽ quên Heidegger như quên một đôi giày cũ vứt đi ở một nơi nào đó trên trái đất. Trước mặt đang mở ra những con đường rộng, những con sông dài. Trước mặt đang hiện lên những cánh đồng lúa mọc đòng đòng, những nội cỏ hoa vàng, những khu rừng bông màu trắng. Muốn cảm tạ cuộc đời, nhưng trước khi cảm ơn đời sống, hãy lật ngược đời sống, lật ngược nhờ những gì phù phiếm, ngu dại, vô ích, khô khan, mốc meo, phủ bụi. Qua những gì khô khan khờ dại nhất, một dòng sông mộng mị sẽ được trả lại cho mình, sau khi mình đã nếm mùi vị của một mặt trời cay đắng và đã trải qua cơn đau của một con trăng tàn bạo.

16, VI, 1969


A. Hố thẳm siêu hình học

1. Chính danh

Nhan đề Hố thẳm siêu hình học không phải do tác giả tự đặt bày ra, đó chính là dụng ngữ của Heidegger; nơi trang 194 ở quyển Kant und das Problem der Metaphysik, Heidegger có quy chiếu vấn đề Hố thẳm siêu hình học, tức là Abgrund der Metaphysik (l’abime de la métaphysique), chữ Abgrund có thể dịch là Hố thẳm hoặc Huyền uyên 玄淵, Áo uyên 奧淵, Thiên uyên 天淵, Vô căn 無根, Vô để 無底; chữ Metaphysik có thể dịch là Siêu hình học 超形學, Siêu vật học 超物學, Siêu hữu học 超有學, Siêu tính học 超性學, Hình nhi thượng học 形而上學.

Chữ Hy Lạp meta ta physika dùng để gọi một số đề phẩm của Aristote đã trở thành một môn học quyết định trọn vẹn truyền thống văn hoá Tây phương, meta ta physika của Hy Lạp trở thành Metaphysica của La Tinh, Metaphysik của Đức, Metaphysics của Anh, Métaphysique của Pháp. Tại sao chữ Metaphysik (Metaphysics, Métaphysique) thường được giới học giả Việt Nam dịch là Siêu hình học? Tại sao chỉ có cách dịch này là thịnh hành thông dụng? Điều này nói lên một khả tính nào hiển hiện và những khả tính nào còn được ẩn giấu? Theo tôi, cách dịch trung chính nhất để diễn tả ý nghĩa meta ta physika của Hy Lạp và Metaphysica của La Tinh là Siêu thể học 超體學; những học giả và dịch giả đầu tiên của Nhật và Tàu đã không hiểu ý nghĩa sử mệnh trọn vẹn của Metaphysica (metaphysics, Metaphysik, Métaphysique) vì họ không phải là những tư tưởng gia hoặc triết gia thực sự thấu hiểu ý nghĩa truyền thống Metaphysica của Tây phương, cho nên họ đã dịch sai chữ MetaphysicaSiêu hình học hoặc Hình nhi thượng học hoặc Huyền học; họ đã dịch sai vì họ đã vội vàng đồng hoá ý thức Hy Lạp-La Mã (Tây phương) với đạo học Trung Hoa; chính sự đồng hoá vô ý thức này đã bị qui định từ tính cách vong bản của giới trí thức Nhật và Tàu ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Giới trí thức Việt Nam, khi mới bắt đầu thâu thái những giá trị mới của văn minh Tây phương, đã lười biếng bắt chước Nhật và Tàu, rồi mượn lại những chữ dịch sẵn thông dụng trong giới học giả Nhật, Tàu. Đó là lý do tại sao chữ Việt càng lúc càng mất tinh thần để trở nên tạp nhạp. Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, Việt không ra Việt.

Chữ hình trong Siêu hình học gợi cho chúng ta ý nghĩa của chữ Hình 形. trong Kinh dịch (hình nhi hạ dã vị chi khí… hình chi thượng dã vị chi đạo) mang một ý nghĩa tượng hình hài thanh sâu thẳm siêu việt khác hẳn ý nghĩa physis trong ý nghĩa meta ta physika của Hy Lạp. Đứng trên bình diện ngôn ngữ học và ngữ pháp học, vấn đề tinh nghĩa thường khi không quan trọng bằng quán lệ thông dụng, chữ dịch sai mà được người ta quen dùng thì vẫn được chấp nhận hơn là dịch đúng mà không ai dùng. Vấn đề tinh nghĩa không thành vấn đề lắm đối với ngôn ngữ thông dụng, nhưng đối với vấn đề tư tưởng thì dịch sai một li là tư tưởng đi lạc hướng một dặm. Riêng đối với trường hợp Heidegger thì lại là một trường hợp đặc biệt nhất, vì cả sự nghiệp tư tưởng của Heidegger trong sáu mươi năm trời thật ra chỉ là cố gắng dịch lại tất cả những chữ chính yếu của truyền thống Hy Lạp (Tây phương). Tất cả triết gia và tư tưởng gia đều là những “dịch giả”: Platon dịch lại Héraclite và Parménide. Aristote dịch lại Platon; Kant, Hegel, Heidegger dịch lại triết lý Hy Lạp.

Heidegger đã đem lại một cái nhìn mới lại đối với ý nghĩa của meta ta physika, tức là “dịch” lại ý nghĩa của chữ ấy, chúng ta cũng cần phải dịch lại một số chữ Hán-Việt, chẳng hạn nơi đây thay vì quen gọi Siêu hình học, chúng ta hãy dịch lại là Siêu thể học.

Nhan đề Hố thẳm siêu hình học, quyển này chỉ có tính cách “giả danh”, ý nghĩa trung chính của nó phải được hiểu là Hố thẳm siêu thể học.


2. Chính ngữ

Ngôn ngữ của quyển này luôn luôn có tính cách uyển chuyển và biến động. Dụng ngữ thường gồm những chữ mới được tạo ra để ứng vật và ứng việc; có dùng những chữ cũ đi nữa thì những chữ cũ này cũng mang ý nghĩa mới, chẳng hạn chữ Tính trong quyển này không có liên hệ gì với chữ Tính trong Trung Dung hoặc Tính hiểu theo Tống Nho, cũng như chữ Suất Tính trong quyển này cũng không liên hệ gì với ý nghĩa Suất Tính trong Nho giáo. Tác giả quyển này không bao giờ lập dị, cố tạo ra những chữ mới hoặc những chữ cũ với những ý nghĩa mới; ngôn ngữ của tác giả là ngôn ngữ của một người ý thức cùng độ sự sa đoạ của ngôn ngữ thông dụng. Tất cả tư tưởng của Heidegger là trở về với Ngôn ngữ được hiểu như Chính Ngữ, Chân Ngữ, Nguyên Ngữ, Nguyên Ngôn, Chính Ngôn, Chân Ngôn. Heidegger đưa tư tưởng phụng sự cho chính ngữ, nguyên ngôn. Vấn đề quan trọng nhất trong tư tưởng Heidegger là vấn đề về bản tính, thể tính, của ngôn ngữ (ngôn tính); Heidegger đã sử dụng ngôn ngữ Đức một cách quyết liệt bạo động triệt để; ông tạo ra những chữ mới; ý nghĩa mới ở đây phải được hiểu là ý nghĩa ban đầu, ý nghĩa nguyên thủy, ý nghĩa nằm ngay tại nguồn, nơi căn nguyên của vạn hữu.

Ngôn ngữ Việt Nam hiện nay đang sa lầy, vì giới trí thức Việt Nam không bao giờ hội thông được với căn nguyên của tinh thần Đông phương và tiếp thông được với căn thể của lý trí Tây phương. Điều kiện tối thiểu cho bất cứ người Việt Nam nào muốn viết về Heidegger là phải sử dụng chữ Việt một cách vừa “nghệ sĩ” vừa phải tinh mật và tinh nghĩa, cũng phải luôn luôn phải hội giao với không khí huyền mật của ngữ tính uyên nguyên. Viết về Heidegger, điều kiện sơ đẳng là phải tránh dùng “những ý tưởng sáng sủa và biện biệt” theo diệu tri nhận “clare et distincte percipere” của Descartes, vì chính Heidegger đã xác định: “Từ sự đồng thanh âm hưởng với certitudo mà ngôn ngữ của Descartes đạt được sự đồng khí quy hưởng của một clare et distincte percipere” (Aus der Gestimmtheit auf diese certitudo empfängt das Sagen Descartes’ die Bestimmtheit eines clare et distincte percipere). [2]

Ngôn ngữ của Heidegger không có tính cách đồng thanh âm hưởng với Certitudo của Descartes; do đó, người viết về Heidegger phải ý thức triệt để rằng càng cố gắng trình bày Heidegger một cách sáng sủa rõ ràng dễ hiểu, mạch lạc, “theo điệu giáo khoa học đường”, thì càng xuyên tạc lộ trình huyền nghĩa của Heidegger, nhưng trái lại cố ý lập dị làm cho khó hiểu thì tất nhiên không thể là sự việc chính yếu của tư tưởng.

Tư tưởng theo Heidegger, có nghĩa là Cảm Tạ. Tư tưởng chỉ chuyển hoá thành ra Cảm Tạ, khi nào Tư tưởng phụng sự cho Ngôn Ngữ và chuyển hoá ngôn ngữ thông dụng thành ra ngôn ngữ diệu dụng của Trò Đùa, khả dĩ thể hiện được tính cách viên dung đơn giản của thiên, thần, nhân, địa. [3]


3. Chính ngôn

Tư tưởng muốn chuyển hoá thành Cảm Tạ thì phải phụng sự cho Chính Ngôn. Chính Ngôn là Tính ngôn. Tính ngôn là Ngôn ngữ của Tính thể như những cụm mây là những cụm mây của bầu trời: “Die Sprache ist so die Sprache des Seins, wie die Wolken die Wolken des Himmels sind”. [4] Tính phận của tư tưởng là phải thu phối ngôn ngữ để cho lời nói đơn giản được thể hiện (Das Denken sammelt die Sprache in das einfache Sagen), lời nói đơn giản được thể hiện qua sự tinh mật của việc suy tư lập thức (die Strenge der Besinnung), qua sự thậm ngôn (die Sorgfalt des Sagens), và qua sự kiệm ngữ (die Sparsamkeit des Wortes). Heidegger đã thể hiện ba đức tính trên trong chính ngôn kiệm phác sau đây: nơi trang 162 trong quyển Wegmarken:

Doch das Sein – was ist das Sein? Es ist Es selbst. Dies zu erfahren und zu sagen, muss das künftige Denken lernen.

(Nhưng Tính thể – Tính thể là gì? Tính thể là chính Tính thể. Đó là điều mà tư tưởng ngày mai phải học cách thể nghiệm và học cách nói).

Từ sáu mươi năm nay, Heidegger chỉ bận tâm đến một chữ duy nhất, đó là chữ Sein, nghĩa là Tính Thể. Mối bận tâm thực sự bắt đầu từ năm 1927 với quyển Sein und Zeit cho đến tác phẩm cuối cùng mới xuất bản vào năm 1967, quyển Wegmarken. Trên ba mươi tác phẩm dày và mỏng, trên sáu mươi năm trời tập trung tư tưởng một cách bướng bỉnh sâu thẳm, Heidegger chỉ xoay tất cả mọi sự vào một chữ Sein. Bỏ chữ Sein ra ngoài tác phẩm của Heidegger thì không khác gì bỏ chữ Đạo ra ngoài tư tưởng của Lão Tử. Vậy Sein là gì? (Doch das Sein – was ist das Sein?). Heidegger bảo rằng tư tưởng trong tương lai phải học thể nghiệm và học nói; “Sein là chính Sein” (Es ist Es selbst). Tính thể là gì? Tính thể là chính Tính thể. Nói như thế thì gần như không nói gì cả. Bất cứ người nào viết về Heidegger thì phải học cách thể nghiệm và học cách nói: “Vậy Tính thể là gì? Tính Thể là chính Tính thể”. Muốn thể nghiệm và muốn gọi được như vậy không phải là chuyện dễ mà lại là một việc vô cùng khó khăn, vì người thể nghiệm và người nói ấy phải trải qua bao nhiêu cơn đau bệnh tàn tạ của ngôn ngữ thông dụng để rồi mới biết được thế nào là kêu, thế nào là gọi, thế nào là nói; nói tiếng nói ban đầu, nói tiếng nói chính yếu, tiếng nói nghiêm trọng quyết định tính mệnh của con người trên mặt đất.

Điều kiện tối thiểu đối với bất cứ người nào muốn viết hay muốn nói về Heidegger là phải ý thức triệt để rằng gần như không có gì để nói cả. Đây không phải là sự bất lực của tư tưởng hay bất lực của ngôn ngữ diễn đạt mà chính lại là “sức lực trầm lặng của khả tính” (“Die stille Kraft des Möglichen”) khả tính không phải khả tính (possible) của một khả thể (possibilitas), không phải tiềm thể (potentia) như bản thể (essentis) của một hiện thể (actus) của sinh thể (existentia) mà đó là chính Tính Thể (sondern das Sein selbst) [5] . Sức lực trầm lặng của Khả Tính” (Die stille Kraft des Möglichen) là một lời nói đầy ý nghĩa trong những lời nói đầy ý nghĩa nhất của Heidegger, William Barrett cho rằng lời nói ấy chứa đựng ý nghĩa chủ yếu điều động tư tưởng Heidegger [6] nhưng chính Sartre đã lạm dụng ý nghĩa từ ngữ ấy để xuyên tạc Faulkner [7] vì Sartre đã hiểu sai “khả tính” thành ra “khả thể” hay “tiềm thể” (và tất cả sự sai lầm trầm trọng của Sartre bắt đầu từ sự xuyên tạc ấy). Muốn viết hay muốn nói về Heidegger thì cần phải tập sống với “sức lực trầm lặng của khả tính”, nghĩa là trước hết hãy tập sống trong những gì không có tên, những gì vô danh (dann muss er zuvor lernen, im Namenlosen zu existieren); [8] có thế thì mới mong “Tính tương cận”, “in die Nahe des Seins”. Nếu một mai con người có về đến gần bên Tính thể thì phải “hy ngôn tự nhiên”, phải ít nói hay có nói nhiều đi nữa thì chỉ nói có một điều duy nhất: điều đáng nói nhất là con người chưa biết nói. Chỉ có những thi sĩ mới là những kẻ biết nói, nói lời nói nguy hiểm quyết định sự lưu trú của con người trên mặt đất. Còn những người không phải là thi sĩ vẫn chưa biết nói. “Ngôn ngữ vẫn từ chối không để cho loài người nhận ra được thể tính của ngôn ngữ” (Die Sprache verweigert uns noch ihr Wesen) (Wegmarken, trang 150).


4. Chính nghĩa

Chính nghĩa là Chính đạo. Trong khoảng mười lăm năm gần đây, Heidegger thường nói và dùng nhiều lần chữ Weg, nghĩa là Con Đường, tức là Đạo. Trong lời tựa mở đầu quyển Wegmarken, viết tại Freiburg i. Br. đầu mùa hạ năm 1967, Heidegger đã viết chữ Weg đến bốn lần mà không viết chữ Sein một lần nào cả. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ. Con đường tư tưởng Heidegger càng lúc càng đi sâu vào “huyền chi hựu huyền”, càng lúc Heidegger càng ít nói hay có nói đi nữa thì vẫn là nói mà không dùng ngôn ngữ thông thường, không dùng ý nghĩa thông lệ: chính nghĩa được phục hồi cùng với sự “qui căn”. Khi đã qui căn rồi thì nói nhiều chỉ thêm đau lòng thôi. Không còn gì đau lòng và “cao đạo” cho bằng lời nói bi đát và bi tráng của Khổng: “Ta muốn không nói gì cả” thực ra nói cho cùng tận thì Khổng “vô vi” hơn Lão và chính Lão mới “hữu vi” hơn Khổng. Nói rất nhiều để rồi một sớm mai hồng bỗng nói: “Ta muốn không nói gì nữa cả”. Khi nói về Nietzsche, Heidegger viết: “Tốt hơn là các ngài nên tạm thời hoãn lại việc đọc Nietzsche và trước hết các ngài nên nghiên cứu Aristote trong mười hoặc mười lăm năm” (Darum ist es ratsam. Sie verschrieben die Nietzschelektüre einstweilen und studieren zuvor zehn oder fünfzehn Jahre hindurch Aristoteles) [9] . Bắt chước Heidegger, chúng ta cũng nên nói: “Tốt hơn các ngài nên tạm thời hoãn lại việc đọc Heidegger và trước hết các ngài nên nghiên cứu Khổng Tử trong mười hoặc mười lăm năm”. Có hiểu được Khổng thì ta mới hiểu được Lão và có hiểu được Khổng Lão thì may ra mới hiểu sự im lặng “mặc như lôi” của Phật. Chúng ta phải bỏ ra mười hoặc mười lăm năm để nghiên cứu Không vì hiện nay Đông phương đã mất gốc, đã trụi lá. Không còn gì chua xót và mỉa mai cho bằng sự đảo ngược chính nghĩa trong câu chuyện sau đây giữa Heidegger và một nhà trí thức Nhật Bản mà Heidegger có ghi lại trong tập Unterwegs zur Sprache (Trên đường về ngôn ngữ) (Pfullingen, Neske, 1958).

Heidegger và nhà trí thức Nhật Bản bắt đầu câu chuyện và ngậm ngùi nhắc lại một người bạn đã mất, bá tước Nhật Bản, tên là Kuki; trước kia, bá tước Kuki đã từng là sinh viên của Heidegger trong nhiều năm trời. Nhà trí thức Nhật Bản cho Heidegger biết về Kuki; từ ngày Kuki về Nhật, ông ấy chỉ giảng dạy về nghệ thuật và thi ca Nhật Bản, ông ấy đã áp dụng Thẩm mỹ học Tây phương để tìm hiểu nghệ thuật và thi ca Nhật Bản. Heidegger đau đớn liền vội hỏi ngay:

"Ông ấy đã cần phải làm cái việc như thế sao? Ông ấy lại đi cầu cứu thẩm mỹ học sao?"

"Tại sao không?” Nhà trí thức Nhật Bản trả lời và tỏ vẻ ngạc nhiên.

Heidegger đau đớn giãi bày:

“Vì thẩm mỹ học là môn học đã xuất phát từ tư tưởng Tây phương, xuất phát từ triết lý Tây phương, và tất nhiên những thứ này vẫn hoàn toàn xa lạ với tư tưởng Đông phương.”

Nhà trí thức Nhật Bản đồng ý với Heidegger nhưng vẫn cho rằng Đông phương cần phải áp dụng những môn học Tây phương.

Heidegger đau đớn hỏi lại:

“Nhưng tại sao? Tại sao Đông phương các ông lại cần phải dùng Thẩm mỹ học Tây phương chứ?”

Nhà trí thức Nhật Bản ngây thơ trả lời:

“Bởi vì Thẩm mỹ học Tây phương có thể cung cấp cho chúng tôi những ý niệm cần thiết để lãnh hội nghệ thuật và thi ca của đất nước chúng tôi.”

Heidegger đau đớn hỏi lại:

“Đông phương phải cần có những ý niệm sao?” Nhà trí thức Nhật vui sướng trả lời:

“Vâng đúng vậy, từ ngày chúng tôi tiếp xúc với tư tưởng Tây phương thì chúng tôi mới ý thức rằng ngôn ngữ của chúng tôi thiếu hẳn thế lực của hệ thống ý niệm, thiếu hẳn thế lực phân giới những đối tượng và giao hệ chúng với nhau một cách phân minh.”

Heidegger thất vọng đau đớn hỏi lại:

“Có thực ông nghiêm trang cho rằng đó là điều thiếu thốn trong ngôn ngữ các ông?”

Câu chuyện giữa Heidegger và nhà trí thức Nhật Bản còn tiếp tục, nhưng chúng ta hãy ngừng nơi đây, vì có tiếp tục nữa thì chỉ thêm đau lòng thôi. Nhà trí thức Nhật Bản trên cũng là tượng trưng cho những nhà trí thức Đông phương hiện nay, đặc biệt là những nhà trí thức Việt Nam.

Một người như Heidegger, đứa con của Tây phương, đã nắm cái học của truyền thống Tây phương trong mười đầu ngón tay, mà lại làm kẻ binh vực cho Đông phương, đang khi đó thì những nhà trí thức Đông phương lại làm con thiêu thân chui mình vào ngọn đền huyễn hoặc của Tây phương?

Đến bao giờ Đông phương mới trở về gốc rễ của mình? Chỉ có một chính nghĩa duy nhất đó là “qui căn”, có qui căn thì mới dốc lòng giữ được im lặng (“thủ tinh dốc”). Chúng ta chỉ “phục mệnh” cho Đông phương khi nào chúng ta đã “qui căn viết tĩnh” (Đạo đức kinh, XVI).

Hố thẳm Siêu hình học xuất phát từ Hố thẳm của Siêu thể học Tây phương và là Hố thẳm của toàn thể truyền thống văn hoá Tây phương. Phá hủy tư tưởng Heideggerphá hủy cùng với sự phá hủy của chính Heidegger, phá hủy Heidegger trong sự tự phá hủy của chính truyền thống văn hoá Tây phương. Đằng trước con đường của Heidegger còn có Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, đằng sau con đường của Heidegger còn có Henry Miller. Sau Heidegger chỉ còn có Henry Miller, và sau Henry Miller chỉ có sự im lặng Hố thẳm.

Lúc bấy giờ, nói như Heidegger, “Ngôn ngữ không còn là một sự thể mà con người đang chiếm hữu mà chính Ngôn ngữ lại chiếm hữu con người[10] . Lúc bấy giờ, nói như Heidegger, con người không hỏi nữa mà “chính Tính thể hỏi trong con người”:

– “Es” fragt im Menschen. [11]

Nói một cách “qui căn” thì con người không còn “vấn đạo” chính đạo lại vấn con người. Một tư tưởng gia vĩ đại của Việt Nam mà ít người Việt Nam nào để ý, đó là Thượng sĩ Huệ trung Trần Quốc Tảng ở đời nhà Trần [12] . Thượng sĩ Huệ trung, một thiền sư của Việt Nam có nói một câu mà chắc chỉ có Heidegger ở nền văn minh Tây phương thế kỷ XX mới hiểu nổi tất cả ý nghĩa tối cao tột đỉnh:

"Thế nào là đạo?"

"Đạo không có trong câu hỏi
Câu hỏi không có trong đạo."

如可是道
道不在問
問下在道


B. Chính nghĩa của sự phá hủy

1. Nền tảng của sự phá hủy

Có một câu của Heidegger, một câu làm nền tảng cho mọi cuộc phá hủy trên đời này, một câu thật gọn nói lên sự thất bại cao lớn của Heidegger, cũng đồng thời nói lên sự vĩ đại bi tráng của Heidegger, câu nói ấy đã được Heidegger nói lên sau khi ông đã phá hủy tư tưởng Heidegger, câu nói đen tối sâu thẳm, thăm thẳm như Hố thẳm, “uyên uyên kỳ uyên”, 淵淵其淵 đó là câu nói giản dị này:

“Không ai có thể nhảy qua chính bóng mình”.
(Keiner springt über seinen Schatten). [13]

Heidegger viết câu trên để nói về sự phá hủy của Nietzsche nhưng đồng thời nói luôn về chính sự phá hủy của Heidegger đối với Nietzsche và đối với cả truyền thống Tây phương? Nietzsche không thể nhảy qua bóng của Nietzsche mà Heidegger cũng không nhảy qua được chính bóng của Heidegger. Bất cứ kẻ nào muốn phá hủy tư tưởng Heidegger thì cũng không thể nhảy qua được chính bóng hắn. Như thế nền tảng của sự phá hủy cũng có nghĩa là sự phá hủy chính nền tảng ấy; ở đây không phải là “chơi chữ”, việc “chơi chữ” tất nhiên không phải là sự việc chính yếu của tư tưởng: câu vừa rồi chỉ muốn diễn tả ý nghĩa trừu tượng sau đây: căn thể của hư vô có nghĩa là hư vô của chính căn thể ấy; nói theo ngôn ngữ của Heidegger trong tập Beiträge zur Philosophie (1936-1938): “Tính thể là căn tính (Grund) trong chân lý của tính thể nhưng lại cũng là một căn tính mà không có căn để, căn tính được hiểu như là vô căn, tức là “Hố thẳm” (Abgrund). Căn tính được hiểu như là Hố thẳm lại đồng thời là “căn tính mà không phải là căn tính” (Ungrund); nó che lấp và chôn vùi chính sự lập căn của nó và nó chỉ là “nguyên căn” (Urgrund) khi được hiểu là Hố thẳm và như là căn tính mà không phải là căn tính”.

Theo tinh thần triệt để của câu này thì nền tảng của sự phá hủy là căn tính, nhưng điều khó khăn nhất trong việc phá hủy tư tưởng Heidegger là: chính Heidegger đã tự phá hủy một cách triệt để rồi, vì chính Heidegger đã ý thức rằng căn tính phải được hiểu như là “Hố thẳm” (Abgrund). Như vậy chỉ còn có một cách duy nhất là nhảy. Phá hủy chỉ là phá hủy bên này biên giới, nhảy qua biên giới là Hố thẳm: Hố thẳm gởi sự phá hủy xuống lòng đời, Hố thẳm là căn tính của sự phá hủy, phá hủy căn tính không có nghĩa là phá hủy Hố thẳm mà chỉ có nghĩa là phá hủy sự phá hủy, mà phá hủy sự phá hủy thì chỉ có nghĩa âm u là: Hố thẳm lên tiếng kêu gọi Hố thẳm.

Trở lại ngôn ngữ bình thường thì phá hủy tư tưởng Heidegger có nghĩa là biết hỏi một cách “uyên uyên kỳ uyên” hơn cả câu hỏi của Heidegger. Nói theo Heidegger ở trang cuối cùng quyển Einführung in die Metaphysik:

Biết hỏi có nghĩa là: biết chờ đợi, dù là chờ đợi trọn một đời… Điều chính yếu là đúng thời, nghĩa là đúng lúc và có được một sự kiên chí chính đáng.” (Fragen können heisst: warten können, sogar ein Leben lang… Die rechte Zeit, d.h. der rechte Augenblick und das rechte Ausdauern) [14] .

Biết hỏi “uyên uyên kỳ uyên” hơn cả Heidegger là biết hỏi theo cách “hiếu vấn” 好問 của vua Thuấn, biết chờ đợi theo “sĩ mệnh” 俟命 (đợi mệnh), đúng thời theo “thời trung” 時中, đúng lúc theo “trung tiết” 中節, sự kiên chí chính đáng theo “đốc hành” 篤行.

Biết hỏi là biết chờ đợi, dù chờ đợi trọn đời (Fragen können heisst: warten können, sogar ein Leben lang). Sự phá hủy triệt để nhất được thành tựu nơi Niềm Chờ Đợi “uyên uyên kỳ uyên, hiệu hiệu kỳ thiên”, niềm chờ đợi bên Hố thẳm của Thiên Thanh (Hoelderlin: Und hoch vom Äther bis zum Abgrund nieder…) như một lần đã được nói lên nơi trang cuối cùng của chương II của quyển Im lặng hố thẳm, 1967. [15]

Tư tưởng chính yếu, tư tưởng trung tính, đưa dẫn đến sự chờ đợi, sự chờ đợi “thăm thẳm như Hố thẳm, lồng lộng như trời cao” 淵淵其淵浩浩其天. Khi đi vào lãnh vực trung tính của tư tưởng thì tất cả mọi sự bài bác, phủ nhận, phá hủy đều trở nên ngớ ngẩn, ngờ dại, khờ khĩnh, vô nghĩa (Alles Widerlegen im Felde des wesentlichen Denkens ist töricht) [16] . Trong lãnh vực của đồng thể (l’identique) và dị thể (le différent) thì sự phá hủy chỉ bị lệ thuộc vào luận lý học, nhưng trái lại trong lãnh vực của Nhất tính và Đồng tính (domain de l’un et du Même) thì sự phá hủy chỉ có nghĩa khi mình thấy được sự vô nghĩa của chính sự phá hủy. Nền tảng của sự phá hủy là tính thể của chân lý, mà “tính thể của chân lý là chân lý của tính thể” (das Wesen der Wahrheit ist die Wahrheit des Wesens) [17] . Đây không phải chỉ là việc “đảo ngược chữ nghĩa” một cách dễ dãi, đây cũng không phải là lời nói mang ý nghĩa thông thường; trái lại, đây là lời nói của sự chuyển tính (die Sage einer Kehre) ngay trong lòng sử tính của Tính thể (innerhalb der Geschichte des Seyns). [18]


2. Sự phá hủy nền tảng

Giữa sự phá hủy và nền tảng hiện ra một Hố thẳm ngăn cách: đó là sự ngăn cách giữa sự phá hủy nền tảng và nền tảng của sự phá hủy. Đây không phải là biện chứng pháp, vì biện chứng pháp chỉ có thể xuất hiện sau sự ngăn cách Thiên Uyên ấy. Ý nghĩa của Thiên Uyên 天淵 trong Khổng học đã bị xuyên tạc trong mấy ngàn năm cũng như chính nghĩa của Trung Dung 中庸 từ mấy ngàn năm đã bị xuyên tạc ở Á Đông, vì “trung dung bất khả năng” 中庸不可能 là “bất khả năng” là giải thích ý nghĩa của “hoặc dược” 或躍 trong hào cửu tứ quẻ Kiền của Kinh dịch: đây là nói lên giây phút trầm trọng bi tráng nhất của Khổng Tử. Theo tôi, “trung dung” phải được hiểu như có ẩn nghĩa là “được”, “trung dung” không có nghĩa là chiếc cầu bắt qua giữa “uyên uyên kỳ thiên” “hiệu hiệu kỳ thiên” mà lại chính là “dược” (cái nhảy, le saut, Satz). Tất cả sự vĩ đại bi tráng của Khổng Tử [19] là nằm nơi tâm điểm này, vì giữa sự phá hủy và nền tảng hiện ra một Hố thẳm. “Trung dung” không phải là nền tảng ở giữa “thái quá” và “bất cập” mà là một cái nhảy phóng từ nền tảng; không thái quá, không bất cập không có nghĩa là chuẩn bị để nhảy; hào cửu tứ của quẻ Kiền trong Kinh dịch: “hoặc dược tại uyên” 或躍在淵 mang nghĩa “dược tại uyên” là “nhảy vào Hố thẳm”. Khổng Tử muốn nhảy và muốn chuẩn bị cái nhảy cho thiên hạ, nhưng thiên hạ lại không chịu nhảy và xuyên tạc “sự chuẩn bị để nhảy” của Khổng Tử thành ra một “chủ thuyết trung dung” đứng lì lại trên bờ và che lấp phủ vùi Hố thẳm. Từ khi Hố thẳm bị che lấp vùi đi thì người ta bắt đầu nói nhiều đến “xây dựng”, “thiết lập”, và sợ hãi khi nghe nói đến “phá hủy”, “phá hoại”, “hủy diệt”, rồi càng lúc ý nghĩa uyên nguyên của sự phá hủy đã chìm mất và sự phá hủy chỉ còn có hai ý nghĩa: hoặc phá hủy một cái gì đó để xây dựng một cái gì đó, hoặc phá hủy để mà phá hủy.

Sự phá hủy nằm trong hai ý nghĩa này, hai nghĩa tuy khác nhau, nhưng thực ra chỉ là một; phá hủy để xây dựng và phá hủy để phá hủy đều có nghĩa là “bất khả năng” của một cái nhảy: không thể nhảy qua chính bóng mình. Chỉ có thể nhảy qua bóng mình là nhảy vào Hố thẳm (dược tại uyên), nhưng chỉ có thể nhảy vào là khi nào tương quan giao hệ giữa sự phá hủynền tảng phải được hội thông trong tư tưởng như là bị Hố thẳm ngăn cách mà vẫn thân cận nhau trong Đồng tính: đồng tính ấy có nghĩa là nền tảng của sự phá hủy chính là sự phá hủy của nền tảng; đồng tính không phải là đồng thể, sự dị biệt thể tính phải được hiểu như là đồng tính của thể tính tức là Như tính, vì thế sự dị biệt thể tính (la Différence ontologique) phải được hiểu như thế: Hố thẳm phải được hiểu như là Hố thẳm, như là chính Hố thẳm (Es ist Es selbst).

Nền tảng là để đứng mà nhảy, và nhảy là nhảy vào nền tảng, phá hủy là nhảy để đứng, nhưng xây dựng là đứng để nhảy; nhảy để đứng và đứng để nhảy là chuẩn bị cái nhảy tối hậu. Chuẩn bị cái nhảy tối hậu thì phải biết chờ đợi “biết hỏi, biết chờ đợi, dù là chờ đợi trọn đời”.

Khoa học nền tảng và tư tưởng phá hủy chỉ có tương giao trung tính là khi nào Hố thẳm giữa khoa học và tư tưởng, giữa nền tảng và sự phá hủy, được hiểu như là Hố thẳm không thể lấp đầy được. Heidegger đã chỉ tỏ dấu hiệu của con đường: “Từ những nền khoa học cho đến tư tưởng thì không có chiếc cầu bắc ngang nào cả, mà chỉ có một cái nhảy. Cái nhảy đưa mình, chẳng những qua tới bên bờ khác nhau, mà còn là một chỗ lưu trú hoàn toàn khác hẳn. Cái gì tự mở bày ra với sự lưu trú ấy thì không để cho chứng minh được, nếu chứng minh có nghĩa; suy luận diễn dịch từ những tiền lập thuận ứng và nhờ sự hỗ trợ của cả chuỗi lý lẽ, từ những mệnh đề phán từ quan thiết với sự trạng… [20]

Phá hủy đúng nghĩa là phá hủy tối hậu, không có nghĩa là phá hủy bằng cách “chứng minh” (démontrer) mà có nghĩa là “chỉ tỏ” (montrer) bằng dấu hiệu (Signe). Dấu hiệu, chữ Đức gọi là Zeichen, [21] Heidegger trong Sein und Zeit đã định nghĩa: “Một dấu hiệu chỉ tỏ điều được chỉ tỏ” (Ein Zeichen zeigt auf das Gezeigte) [22] . Phá hủy là đặt nền tiền lập trong chân lý tương hoà ứng thuận thì chỉ có nghĩa khi sự tương hoà ứng thuận (Übereinstimmung) này được đặt nền tảng nơi sự tương giao, tương quan, tương tính, giao tính (Beziehung) “Bất cứ sự tương hoà ứng thuận nào cũng đều là một sự tương quan giao tính, nhưng không phải bất cứ sự tương quan giao tính nào cũng là một sự tương hoà ứng thuận” (Jede Übereinstimmung ist eine Beziehung. Aber nicht jede Beziehung ist eine Übereinstimmung). Sự chỉ tỏ dấu hiệu là một tương giao, nhưng không phải là sự tương hoà ứng thuận giữa dấu hiệu với điều được tỏ bảy (aber keine Übereinstimmung von Zeichen und Gezeigtem). [23]

- Hết -


[1]Bài này chính là bài diễn thuyết tại Trung tâm Văn hoá Đức quốc, ngày 9 tháng 11 năm 1969 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật tám mươi của Heidegger.
[2]Martin Heidegger, Was ist das - die Philosophie?, Neske, Pfullingen, 1966, trang 27.
[3]Martin Heidegger, Vorträge und Aufsätze, Pfullingen, 1954 (Essais et Conférences, Gallimard, 1958, trang 214).
[4]Martin Heidegger, Wegmarken, V. Klostermann, Frankfurt, 1967, trang 194.
[5]Martin Heidegger, Wegmarken, trang 148.
[6]W. Barrett, What is Existentialism, Grove Press, N. Y, 1964, trang 166 (“The silent power of the possible”, one of his most telling phrases, is the keynote to his thought).
[7]Sartre, Situations I, trang 70 – 80.
[8]Heidegger, Wegmarken, trang 150.
[9]M. Heidegger, Was heisst Denken? M. Niemeyer, Tübingen, 1961, trang 70.
[10]Cf. Egon Vietta, Die Seinsfrage bei Martin Heidegger, Stuttgart, 1950, trang 74.
[11]Vietta, op, cit, tr. 88.
[12]Thượng sĩ Huệ Trung, Ngữ Lục, Trúc Thiên dịch, Đại Học Vạn Hạnh xuất bản 1968.
[13]M. Heidegger, Einführung in die Metaphysik, trang 152.
[14]M. Heidegger, Einführung in die Metaphysik, trang 157.
[15]Im lặng hố thẳm, An Tiêm, 1967, trang 103.
[16]Heidegger, Über den Humanismus, Frankfurt am Mai, 1951, trang 23 sq.
[17]M. Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit, 1954, trang 26.
[18]Vom Wesen der Wahrheit, trang 26.
[19]Richard Wilhelm, chú giải hào cửu tứ của quẻ kiền trong Kich Dịch: “một khả tính song đôi được bày ra cho vĩ nhân: hoặc vĩ nhân có thể bay bổng lên cao và đóng vai trò quan trọng ở đời, hoặc vĩ nhân có thể rút lui về với nỗi cô đơn và tu dưỡng bản thân. Hoặc vĩ nhân theo con đường của kẻ anh hùng cái thế hoặc theo con đường của đạo sĩ ẩn dật” (Richard Wilhelm, I Ging, Das Buch der Wandlungen, E. Diederichs, 1967, trang 29: Eine doppelte Möglichkeit liegt vor dem bedeutenden Mann: entweder sich aufzuschwingen und im grossen Leben massgebend zu sein oder sich zurückzubilden: derWeg des Helden oder des verborgenen Heiligen)
[20]Vorträge und Aufsätze, 1954 trang 134.
[21]Hố thẳm tư tưởng, 1967, trang 55 – 73.
[22]Sein und Zeit, 1960, trang 215.
[23]Sein und Zeit, 1960, trang 215.

Nguồn: Phạm Công Thiện. Hố thẳm của tÆ° tưởng - Đặt lại căn nguyên tÆ° tưởng hôm nay-Thể và Tính. Tái bản lần thứ ba (Có thêm bá»›t đôi chút). Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.