© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
9.6.2007
 
Mừng vui còn có hôm nay
(Thanh Thảo, Nguyễn Thuỵ Kha, Trần Mạnh Hảo, Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Đức Tùng trò chuyện về thơ)
 1   2   3 
 
Nguyễn Đức Tùng: Có hai ý sau đây. Một là thái độ của chúng ta đối với những người làm thơ trẻ và thơ mới. Thái độ đó là sự cởi mở, nhìn nhận và ủng hộ. Hai là sự thưởng thức, sự khoái cảm hay cảm thụ. Tại sao đọc những bài thơ của các thế hệ lớp trước, xuất xứ từ miền Nam như Tô Thuỳ Yên, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Nguyễn Bắc Sơn…, xuất xứ miền Bắc như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo… nhiều người thế hệ trước đây, vào thời của họ, thấy rung động và thấy thích, trong khi hiện nay các độc giả trẻ trước những người viết trẻ cùng thời, ở Sài Gòn, ở Hà Nội, ở hải ngoại, còn chưa thực sự tìm được sự rung động đó? Ngoài sự ủng hộ ra, trong thâm tâm các anh có thực sự yêu thích các tác phẩm mới này không? Có thực sự không?

Nguyễn Thuỵ Kha và Trần Mạnh Hảo (ảnh: Trần Diệu Tiên)
Nguyễn Thuỵ Kha: Tôi cho rằng thái độ ủng hộ như anh Nguyễn Đức Tùng vừa nói là cần thiết, nhưng giá trị thẩm mĩ của các bài thơ cách tân lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trong khi chờ đợi những tác phẩm thực sự có giá trị, có lẽ người đọc không nên mất thì giờ vào việc trách cứ họ mà nên tìm hiểu xem tâm trạng của giới trẻ hiện nay là gì. Sau khi người ta đã quá no nê những vết thương chiến tranh, sau khi đã quá thoả mãn những nhu cầu căn bản của xã hội, tâm trạng của họ là một tâm trạng chán chường và buông thả, kiểu như nhóm Beatles ở Anh trước đây. Các bạn trẻ hiện nay ở Việt Nam đang sống khá vui tươi. Các bạn đang làm những điều ra vẻ chống đối với những cái cũ, ra vẻ ta đây là hiện đại, nhưng thật ra các bạn đang lặn ngụp trong những nỗi ê chề và chán chường chật hẹp.

Trần Mạnh Hảo: Anh Nguyễn Thuỵ Kha nói như vậy là đúng nhưng có thể chưa đủ. Các bạn trẻ hiện nay, tôi đọc họ rất kỹ, tôi thấy thế này: họ không có kinh nghiệm sống. Mà kinh nghiệm sống không phải chỉ là vấn đề thời gian.

Nguyễn Đức Tùng: Vậy thì nó là vấn đề của bản lĩnh tâm hồn chăng?

Trần Mạnh Hảo: Đúng thế. Và họ cũng không chạm được đến nỗi đau chung của xã hội. Các bạn trẻ chưa có nỗi đau. Tôi nghĩ rằng không có nỗi đau thì không có thơ ca.

Nguyễn Thuỵ Kha: Thật ra thì thơ họ có biểu hiện chân thành của sự chán nản. Mà chán nản thì cũng là nỗi đau đấy chứ. Có lẽ thế này mới đúng: thơ của các nhà thơ trẻ bây giờ không có cái rung động thật. Họ có thể đau thật, họ có thể chán nản thật, nhưng họ không làm cho thơ của họ trở thành sự rung động. Anh đang ăn uống no say phè phởn thì anh làm cho người ta rung động thế nào được?

Trần Mạnh Hảo: Tôi làm thơ không hề để ý đến chuyện mới và cũ. Theo tôi không có thơ mới và thơ cũ mà chỉ có thơ hay và thơ dở.

Nguyễn Đức Tùng: Eliot có nói: it có điều gì đã từng xảy ra đối với một đất nước có tầm quan trọng sánh được với việc phát minh ra một thể thơ mới (few things happen to a nation as important as the discovery of a new form of verse). Thưa anh, như vậy rõ ràng việc sáng tạo các hình thức mới, làm mới về nghệ thuật là chuyện hết sức quan trọng.

Hay là anh không ủng hộ cố gắng cách tân và cách tân hình thức, mà tôi cho là rất cần thiết, của các nhà thơ trẻ hiện nay?

Trần Mạnh Hảo: Nhưng muốn làm mới hay làm cũ thì cũng phải dựa trên sự xúc động thực sự, không có xúc động, thì anh làm mới cách gì cũng không mới được. Tại sao có những bài thơ mỗi người đọc lại xúc động một cách khác nhau. Đối với một người đọc, mà đọc nhiều lần, thì mỗi lần đọc thì lại có một sự xúc động khác nhau. Chỉ có những tác phẩm làm người ta sảng khoái tinh thần, dù là vui hay buồn, hân hoan hay đau đớn, thì mới gọi được là thơ hay. Vậy cái cốt lõi của sự mới trong thơ là làm cho người ta có những nỗi xúc động mới. Đó là thơ anh mới.

Tôi xin đọc một bài thơ.

Vùng đất tính từ sông Nhật Lệ trở vào đến sông Thu Bồn, chính là vùng đất lãng mạn. Vùng đất ấy nó lạ lắm. Bài thơ này nói về Huyền Trân Công chúa vĩnh biệt người yêu là Trần Khắc Chung, có tên là “Vĩnh biệt tình yêu”.

Vĩnh biệt tình yêu

Đêm mở hàm cá sấu
Nuốt dần em vào chỗ không anh
Châu Ô châu Lý
Hơi thở là gió bấc chạy vòng quanh
Chẳng lẽ em không còn thấy
Gương mặt anh chạm khắc nét Hồ Tây

Cái dáng vóc như sông Hồng vụt chảy
Đôi mắt Việt to hơn mọi thứ trên đời

Em đi
Những giận hờn ở lại tắm sương đêm tháng mười
Những hẹn hò bơ vơ ngoài đường vắng

Rạ rơm còn có mắt
Thương người yêu mất đôi


Đất đâu nỡ ăn lời thề thốt
Xứ Hời xa
Xứ Hời xa hơn chết
Tìm nhau sao được người ơi!
Những con đường ngày nào ta gặp
Giờ cuốn vào ruột em
Cái nhện nào đêm nay giăng tơ
Đừng bắt người yêu mắc lưới

Đêm quê hương
Trái tim em như quả táo non rụng bên đường
Xin anh đừng nhặt
Cứ để tim em phập phồng ngoài gió ngoài sương

Phải em vừa đi qua thời con gái
Qua thời đàn bà
Qua thời xanh cỏ
Người ơi, người chớ xót xa

Em yêu anh như yêu nước Việt
Chưa bao giờ người đẹp như đêm nay
Người là sông Hồng đứng dậy
Cầm gươm tiễn kẻ đi đày

Gà ơi sao vội gáy
Em xin đêm dài thêm một gang tay

Thuyền vua Chiêm tù và đã rúc
Đêm hãy dài thêm bằng sợi tóc
Cho em được nối với anh lần cuối cùng
Nhưng sợi tóc buộc đôi ta đã đứt

Nước Việt ơi
Em yêu người đến sợ hãi
Nước Việt đứng như bờ tre vẫy
Em đi rồi tre đổ lá vào anh

Kìa bóng anh ngoài cổng thành như xoáy lốc
Đừng nhìn
Đừng vĩnh biệt em
Sợ em rơi xuống vực
Tia mắt người dài hơn dây cột chân

Phải nước Việt là anh cầm đuốc
Đứng muôn đời thương nhớ đợi Huyền Trân
(Sài Gòn 1984)

Nguyễn Thuỵ Kha: Bài thơ này hay lắm (mọi người vỗ tay)

Trần Mạnh Hảo: Tôi xin đọc một bài nữa, đã đăng trên báo Văn nghệ Thanh Hoá. Lúc ấy nhà văn Đặng Ái làm chủ nhiệm. Bài thơ đăng xong thì anh ấy bị mất chức. Bài này tôi làm năm 1979.

Khuất Nguyên

“Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt”
Sở vương đài tạ không sơn khâu”
(Trích bài “Giang thượng ngâm” của Lý Bạch)

Tóc bạc cả nồi cơm
Ta biết làm gì với chòm râu rơm rác
Với vòm trời úp xuống như nơm
Cây ngô đồng bạn ta mùa thu ăn gần hết

Nước Sở ơi!
Đừng bắt ta nhìn người lịm chết
Hạc bỏ trời
Tùng bách cũng mồ côi
Cả một triều đình bị điếc
Tai Sở vương làm thối lưỡi ta rồi!

Sao chuột không khoét mắt ta đi
Đời ngủ cả chỉ thức toàn mắt lá
Ta đang nhìn thấy gì?
Vua tin dùng chó má
Hoạn quan đi đầy đường
Hiền nhân vào ngực đá

Sao loài lươn không vấy bùn vào hồn ta
Đời đục cả chỉ còn trong nước lã
Hay ta mặc áo giấy vào đi theo ma
Cái xứ sở toàn đeo mặt nạ
Con cáo ngồi thương đứt ruột con gà
Hỡi xác chết trôi làm thuyền cho quạ
Tro trấu nào trang điểm mặt mày ta!

Ta thương triều đình trong tay nghịch đảng
Thuyền độc mộc quốc gia bơi một mái chèo
Mái chèo mang hình lưỡi kẻ nịnh hót
Chó kiêu ngạo nhảy chồm lên bàn độc
Muốn yên thân phải sống thật đói nghèo
Con bò thông minh hơn nhà bác học
Thơ phú nào cũng rặt bọn ăn theo

Sở từ Sở từ
Khúc Ly tao hát đứt cổ
Thơ viết rụng từng đốt tay
Ôi nước Sở
Sao chỉ toàn mật vụ với ăn mày
Muốn nghĩ một điều gì lại sợ
Đêm nhìn lên trời cũng nổi da gà…

Chừng như gió cầm tù hai ốc tai ta
Khi hôn quân vờ làm minh chúa
Thì đất này còn lắm khúc Mịch La

Như vệt nhăn trên vầng trán nước Sở
Nghe sông nấc tiếng tù và
Xin vĩnh biệt mặt trời đoan ngọ
Sao kiếp người lại buồn hơn kiếp ma?

Ta gửi lại một vòm trời hình sọ
Để trầm mình trong chính khúc thơ ta
(Sài Gòn 1979)

Nguyễn Thuỵ Kha: Đóng góp của anh Trần Mạnh Hảo trong những bài thơ có tính cảm khái lịch sử rất là lớn.

Một thân hữu văn nghệ: Hôm nay tôi hân hạnh được đến dự cuộc gặp mặt thú vị và kì lạ này. Tôi chỉ là một độc giả thường đọc các anh. Tôi là một cựu sĩ quan miền Nam. Nghe anh Nguyễn Thuỵ Kha, anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Trần Mạnh Hảo đọc thơ thì tôi nghĩ rằng chúng ta thật là may mắn mà còn có các anh, làm cái gạch nối giữa lịch sử và thế hệ bây giờ. Không có cái gạch nối tâm hồn ấy thì dân tộc chúng ta sẽ lang thang trôi dạt chẳng biết về đâu. May ra còn có một cái nôi, còn có những thứ gì đó như là vong linh truyền lại ở các anh. Người đọc thơ hôm nay vẫn rất yêu thơ và vẫn chờ đợi rất nhiều ở các anh cũng như thế hệ người viết trẻ.

Trần Mạnh Hảo: Tôi xin đọc một bài về Nguyễn Du.

Đêm viết Kiều

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Tố Như)

Đêm đặc thành thỏi mực
Tiếng vạc mài nghiên
Từng giọt, từng giọt máu đêm
Nhỏ xuống Thuý Kiều!

Bút ta nào phải mũi giáo
Cớ sao từng chữ bị thương
Ta đâu nỡ làm đau tờ giấy bản
Huống hồ em tài sắc
Thương em mà bút đoạ đày em

Phải ta đã cùng em mười lăm năm đất Bắc
Gió bấc ăn dần từng mái tranh
Đêm mọt kêu rụng tóc
Sợi rau muống buộc đôi ta bền chặt
Pho sách thánh hiền không đổi được miếng ăn

Trang giấy lặng như đồng chiêm trắng
Câu thơ ta bắt ốc mò cua
Củ khoai không vùi trong bếp
Củ khoai vùi trong giấc ta mơ

Phải ta đã cùng em đi hành khất
Xòe tay ăn mày núi vòm trời
Ăn mày phù sa hạt gạo
Ăn mày dòng sông biển khơi
Ăn mày con người lòng nhân ái

Đêm nay em theo ta về Phú Xuân
Lưu lạc trên trang sách
Em đừng chết đuối trên dòng sông xoáy nước
Như thuở Tiền Đường
Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác
Đón em về từ cuối màn sương

Ta ngồi viết
Trời đêm Phú Xuân như ao nước đục
Phải em là hồn con cò không siêu thoát được
Đòi thơ nước trong
Những câu hát tha phương cầu thực
Cùng em đòi một tấm lòng

Ta ném mọi giáo điều lên mặt Thần Mày trắng
Để lấy tình yêu Thúc Sinh
Ta trả mũ cánh chuồn cho Hồ Tôn Hiến
Để làm Từ Hải
Ta là anh chài lưới lặn xuống dòng đêm
Tìm lại cho em chàng Kim thuở ấy

Ta ngồi viết
Sông Hương bay thành nét thảo câu thơ
Núi Ngự Bình như anh xẩm ngồi hát
Biển ngoài kia lục bát tràn bờ

Kiều ơi!
Thôi em đừng khóc
Tiếng vạc đã mài hết một thỏi đêm

Cuộc đời dồn chúng ta vào trang giấy trắng
Như dồn tới chân tường định mệnh
Từng đêm ta đập bức tường
Vầng trăng vỡ lúc ta căm giận
Lại nguyên lành khi cất tiếng kêu thương
(Sài Gòn 1982)

Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghe bài thơ của anh Trần Mạnh Hảo ngâm thấy xúc động và nghe bài thơ của anh Nguyễn Thuỵ Kha cũng thấy hay. Bây giờ tôi xin đọc tiếp những phần khác của bài thơ của Szymborska.

Tôi nghĩ rằng để đi đến chỗ nhiều con sông đổ về biển cả, đến ngày dân tộc đoàn viên, chúng ta cần rất nhiều người, làm nhiều việc, trong đó vai trò của văn học nghệ thuật, như anh Du Tử Lê và anh Nguyễn Thuỵ Kha nhấn mạnh, là rất lớn.

Nói như Szymborska, có những người phải xắn tay áo lên để đi nhặt các mảnh vỡ, dọn dẹp đường phố, xây lại nhà cửa, thậm chí chôn cất người chết:

Phải có người đi vác cột, xây tường
Phải có người lắp gương, dựng cửa

(Someone’s got to lug the post
To prop the wall
Someone’s got to glaze the window
Set the door in its frame)

Chúng ta rất muốn thấu hiểu nhau, thương nhau, có như thế thì mới có thể cùng chôn cất quá khứ đau buồn, như trong bài thơ của anh Nguyễn Thuỵ Kha mà lúc bắt đầu tôi có nhắc.

Phải có người lúc này lúc kia
Đào lên được những tranh cãi rỉ sét
Dưới bụi rậm, và liệng chúng ra xa

(From time to time someone still must
Dig up a rusted argument
From underneath a bush
And haul it off to the dump)

Nhưng cũng có người chẳng cần… phải làm gì cả, theo kiểu thơ mộng như thế này:

Phải có người nằm dài trên cỏ
Cao ngập đầu che khuất nhân duyên
Miệng ngậm nhai chơi vài cọng lá
Ngẩn ngơ nhìn mây trắng bay lên

(Soemeone’s got to lie there
In the grass that covers up
The cause and the effects
With a cornstalk in his teeth
Gawking at clouds)

(The End and the Beginning, W. Szymborska, bản tiếng Anh của Baranczak và Cavanagh)

Nguyễn Trọng Tạo: Bài thơ này rất lạ, rất hay.

Trần Mạnh Hảo: Hay lắm.

Nguyễn Đức Tùng: Như thế rõ ràng cái hay của thơ là khác nhau. Những nỗi xúc động cũng khác nhau. Đối với người đọc, có khi họ cũng không cần biết tại sao họ xúc động, cũng như người đi vào tiệm ăn, gặp món ăn ngon thì họ thích, mà không cần biết trong bếp người ta nấu nướng như thế nào. Nhưng những người làm thơ là những người nấu ăn, và những nhà phê bình thơ là người đi thẩm định món ăn, nếm thử trước cả những người khác, thì phải biết nỗi xúc động đến từ đâu. Rõ ràng là có sự khác nhau về khuynh hướng thẩm mĩ giữa ba bài thơ, một của anh Hảo, một của anh Kha, và một của nhà thơ Ba Lan.

Nguyễn Thuỵ Kha: Có sự khác nhau về cấu trúc.

Nguyễn Đức Tùng: Cấu trúc của bài thơ anh Nguyễn Thuỵ Kha mới hơn cấu trúc của bài thơ anh Trần Mạnh Hảo, nhưng không có nghĩa nhất thiết là nó hay hơn. Chúng hay một cách khác nhau.

Nguyễn Thuỵ Kha: Tôi là một người viết nhạc. Mà nhạc thì cần có cấu trúc. Thưa với các anh, các nhạc sĩ nắm rất vững cấu trúc. Tôi cũng như anh Nguyễn Trọng Tạo thường mở rộng cấu trúc âm nhạc của thơ. Tôi tìm thấy một lối đi riêng của tôi. Mà nó là cái tạng của tôi. Đó là cái tạng của một người đã từng đi qua những đau khổ trong cuộc đời, đau nỗi đau của chiến tranh và nhân thế. Nỗi đau của những nạn nhân.

Nguyễn Đức Tùng: Tôi đã ngắm rất kĩ hình của nhà thơ Szymborska. Rõ ràng đó là một phụ nữ quý tộc. Về cuối đời, bà sống một cuộc sống tương đối nhàn nhã của tầng lớp trí thức cao cấp, và nói như anh Nguyễn Thuỵ Kha, là trong trạng thái vật chất đầy đủ. Vậy thì tại sao bà lại làm được những câu thơ chiến tranh hay đến nỗi làm xúc động chúng ta là những người trong cuộc, những kẻ thống khổ nhưng lại không làm được những câu thơ như bà. Vấn đề ở đây là sự xúc động và tài năng chứ không phải là những kinh nghiệm cụ thể trong đời sống.

Nguyễn Thuỵ Kha: Tôi rất thích bài thơ anh vừa đọc. Tôi cũng đã từng làm những bài thơ có khuynh hướng thẩm mĩ kiểu đó, khi tôi viết về cuộc chiến ở Quảng Trị năm 1972, trước những tổn thất lớn lao của đồng đội chúng tôi, và sự đau thương của dân tộc chúng ta trên một chiến trường cụ thể.

Tôi ví dụ như thơ Đường, chúng nằm trên một mặt phẳng. Những bài thơ Đường rất hay nhưng đều nằm trên một mặt phẳng như thế. Thơ hiện nay nằm trên một chiếu kích khác, trong một hình khối. Ý của anh Nguyễn Đức Tùng về các khuynh hướng thẩm mĩ khác nhau là rất đúng.

Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Rơi cơn mưa ban trưa
Chợt thấy mình tách làm hai nửa
Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa

Tôi tin rằng ngày xưa các cụ không làm thơ như thế. Làm xong bài thơ này tôi cực kì sung sướng, vì nó nói lên cái tâm trạng của mình, của một người đàn ông thời bây giờ.

Một thân hữu văn nghệ: Tôi là một người đọc của các anh. Nếu xếp loại độc giả thì tôi là một người đọc kiệt xuất (cười). Tôi tin rằng thơ hay phải xuất phát từ nỗi đau chân thực. Nhà thơ mà không hoá thân được với cuộc đời, như anh Nguyễn Đức Tùng vừa nêu về trường hợp nhà thơ Ba Lan, thì dù anh đứng ở đâu, cố làm mới cách gì, cũng không chinh phục người đọc là chúng tôi đây. Anh có nghèo khổ bần cùng mà không làm được thơ hay thì những kẻ nghèo khổ bần cùng như anh cũng chẳng rung động với anh. Thưa anh Trần Mạnh Hảo, đây là lần đầu tiên tôi gặp anh, lần đầu được nghe anh đọc thơ. Nghe thơ thì hiểu được tại sao anh đã dấn thân vào con đường mà anh chọn lựa.

Giới trẻ hôm nay hình như không có những nỗi đau lớn lao như thế hệ trước đây. Nỗi đau của họ nhỏ bé tầm thường cạn cợt. Thế thì làm sao họ có thơ hay được?

Nguyễn Thuỵ Kha: Tôi xin nói ngay rằng giới trẻ hiện nay cũng có những nỗi đau riêng của họ, mà tôi tin là chân thực. Ví dụ Ly Hoàng Ly trong bài thơ sau đây:

Trên con đường ngập mùi nước hoa Chanel
Vất mùi thật của mình vào đống rác
Đi qua mùi của chính mình và bịt mũi

Như thế là nỗi đau chân thực đấy chứ. Tôi ủng hộ họ và tôi dìu họ đi.

Nguyễn Đức Tùng: Ý của anh Nguyễn Thuỵ Kha về nỗi đau của giới trẻ là đúng và tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ tiếc là trong trường hợp bài thơ cụ thể này, nỗi đau của Ly Hoàng Ly, mặc dù có thể là có thật như anh Nguyễn Thuỵ Kha nói, nhưng hình như chưa đủ sức làm tôi xúc động. Nó chỉ mới dừng lại ở một ý tưởng. Có thể đó là một ý tưởng chân thật. Nhưng ý tưởng thơ không thì chưa đủ để thành thơ. Mặc khác, cái gì không làm tôi xúc động, thì nó không có thật đối với tôi.

Trần Mạnh Hảo: Thơ của mỗi người bắt nguồn từ những trải nghiệm lịch sử khác nhau. Thế hệ chúng ta trải qua những cuộc chiến tranh đẫm máu như trong thơ của anh Nguyễn Thuỵ Kha. Sau cuộc chiến tranh, nhân dân hai miền thì mất trắng, nhưng trong những cái đau khác nhau. Thế hệ ngày nay có lẽ không kế thừa được những nỗi đau đó chăng?

Nguyễn Trọng Tạo: Nhân dân miền Nam mất trắng trong sự đau đớn, nhân dân miền Bắc mất trắng trong sự đau buồn.

Nguyễn Đức Tùng: Thế hệ trẻ hiện nay cũng không nhất thiết phải có những trải nghiệm lịch sử như các anh. Tôi nhớ lại một bài thơ ngắn, của một nhà thơ Mỹ hoặc Canada viết khi còn trẻ mà tôi quên mất tên, có những câu mang máng xin tạm dịch như sau:

Trong đám tang của cha tôi
Mẹ tôi mặc chiếc áo đầm màu đỏ
Cả khu phố ai cũng bảo mẹ tôi là người đàn bà sexy

Chỉ tôi biết
Đó là chiếc áo duy nhất của bà

Nguyễn Thuỵ Kha: (Im lặng một lúc)… Hay lắm. Thơ như những dòng sông đến từ muôn phía, chảy muôn hướng khác nhau, nhưng đều đổ về biển cả, là thứ chung nhất của con người.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ của thế giới hiện nay, thơ hậu hiện đại, theo tôi là như thế. Đó là một thứ thơ giản dị, trực tiếp, tác động đến người đọc qua một trường thẩm mĩ khác. Trường thẩm mỹ hậu hiện đại. Hình như đó chưa phải là thứ thơ được hiểu, và được dịch ra tiếng Việt hiện nay, khắp nơi.

Trần Mạnh Hảo: Bài thơ này hay mà rất đơn giản. Mới mà không có gì là khó hiểu cả.

Nguyễn Thuỵ Kha: Giản dị, chứ không đơn giản.

Nguyễn Đức Tùng: Xin anh Nguyễn Thuỵ Kha và các anh khác nói những lời cuối cùng trước khi chúng ta kết thúc cuộc trò chuyện hôm nay.

Một thân hữu văn nghệ: Trong khi chờ đợi, tôi xin đọc câu thơ của Nguyễn Du, xin phép cụ có sửa lại tí chút để hợp với tâm trạng của chúng ta bây giờ.

Mừng vui còn có hôm nay.

Trần Mạnh Hảo: Ngồi ở đây có rất nhiều người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, như anh Du Tử Lê, anh DVT, NĐM, HS… phía miền Nam, và như anh Nguyễn Thuỵ Kha, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo và bản thân tôi, từ miền Bắc. Tôi nói thật với các anh, cuộc chiến tranh vừa qua thật là đau đớn và gian khổ. Chính tay tôi đã chôn biết bao nhiêu đồng đội của mình. Để lại mẹ già, vợ dại, con thơ. Chúng ta chịu tổn thất như thế, và một phía trở thành kẻ chiến bại, một phía trở thành kẻ chiến thắng, nhưng cả hai đều đau khổ như nhau. Những người mang tiếng là chiến thắng mà có lương tâm thì nào có sung sướng gì. Và còn biết bao nhiêu điều khác nữa, ví dụ như sự nhìn nhận lẫn nhau giữa văn học miền Nam và văn học miền Bắc mà anh Nguyễn Đức Tùng đã đặt ra hết sức đúng đắn. Nhưng muốn thế thì chúng ta phải được tự do bày tỏ ý kiến của mình. Thế mà chúng ta vẫn không có tự do. Tôi thách chính quyền, thách các nhà trí thức, các nhà thơ nhà văn, tranh luận với tôi là chúng ta đang có tự do hay không. Tôi muốn được tranh luận công khai với chính quyền.

Tôi nghĩ rằng chính quyền có nghe được tiếng nói chân thực của người nghệ sĩ thì họ mới biết cách mà làm cho xã hội này tốt lên được.

Tôi nghĩ rằng cái xương sống của thơ, cái cốt tủy của thơ là nằm ở chỗ nói lên những sự thật như thế. Những điều tôi nói nghe ra có vẻ không phải là thơ, nhưng thơ là gì, chính là cuộc sống. Anh là nhà thơ, mà anh lại không quan tâm đến cuộc sống, đến lịch sử, đến số phận của dân tộc, thì anh là cái gì?

Tôi bận đi đòi tự do thì có thể tôi sẽ không làm thơ hay thật, nhưng tôi đòi các điều kiện cho các anh được tự do sáng tác và xuất bản. Như thế là tôi đã gián tiếp làm cho cả nền thơ Việt Nam được hay lên. Tôi chịu thiệt một mình cũng không sao. Nhưng thơ của một nhà thơ đi đòi tự do chưa chắc đã dở đâu. Thơ là điều tâm huyết nhất của chúng ta, thế thì nó phải nói được cái tâm huyết ấy.

Tôi cũng như anh Du Tử Lê đã tham gia vào cuộc chiến tranh này. Chúng ta đều ân hận về cuộc chiến tranh đó, nó đã làm cho dân tộc chúng ta chia rẽ tang thương. Theo ý của tôi cuộc chiến tranh Nam Bắc vừa qua thật là vô ích. Văn nghệ sĩ là đầu tàu của dân tộc, trói văn nghệ sĩ là trói cái đầu tàu của dân tộc, thì làm sao chúng ta phát triển được. Ông Nguyễn Văn Linh cũng nói tương tự. Rồi đến ông Võ Nguyên Giáp cũng tuyên bố trên báo chí rằng Đảng đã trở thành cái bình phong của tham nhũng. Thế là tôi đã có đến hai, ba đồng minh, nghĩa là đồng minh trong những phát biểu của họ.

Bây giờ tôi đọc thêm một bài nữa về Lý Bạch:

Thơ hay có thể bị vua bắt
(Tưởng nhớ thi thánh Lý Bạch)

“Bạch giả thi vô địch
Phiêu nhiên tứ bất quần”
(Trích trong bài “Xuân nhật hoài Lý Bạch” của Đỗ Phủ)

Bóng đuổi ta ù té chạy
Khi thấy mặt mình dưới suối
Ôi trăng sáng đến mềm môi
Sáng đến chẳng còn gì để ta chơi với kiến

May còn bông lau trắng núi Nga My
Bướm Trang Tử làm đời ta ấm ớ
Trời cứ lầm ta với cái ly

Chỉ sắc đẹp Dương Quý Phi mới giúp ta biết được
Khi tắt rồi ngọn lửa về đâu?
Nhưng sắc đẹp lại câm hơn bóng nước
Ta đành ôm mây trắng trên đầu
Hỏi Trần Tử Ngang lối rẽ về thời trước
Trời xanh còn che nổi Hoàng Hạc lâu?

Ôi tuyết trái mùa rắc mạt cưa
Ta không mướp đắng hoá ra thừa
Rượu kia đâu dễ làm say núi
Đá cứ vô tình khinh nắng mưa

Thời thế làm đầu ta mốc thếch
Bá Di, Thúc Tề có thể thoát được thóc nhà Chu
Nhưng không thoát nổi vệt nhọ giữa trời của Cuội
Hằng Nga ơi! Trăng còn phải ở tù

Ta trả “Thanh Bình điệu” cho Đường Minh Hoàng
Gió cũng bị đày đi Dạ Lang
Cổ ta vừa với gông vua lắm
Đố vua gông nổi mùa thu vàng?

Vũ trụ là hũ rượu suông không đáy
Nên giời cũng cũng cùm được thằng say
Gió kia không sống cũng không chết
Thổi lên cho lá được ăn mày

Bớ sông Hoàng Hà đổ trời xuống đất
Sao bóng ta vẫn núp rình ta
Mèo rình chuột ta rình trăng mọc
“Nguyệt hạ độc chước” ơi! Một cộng không bằng ba

Thơ viết xong trăng chừng tái mặt
Uống say đến mức sắp thành ta
Thơ hay có thể bị vua bắt
Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà

Bớ thuyền say khướt trăng làm lái
Rượu ghì trăng xuống uống nhau chơi
Hồn ta làm cá cho trăng lưới
Nghìn năm ta chết đuối giữa trời
(Sài Gòn 1977-1979)

Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn tất cả các anh chị đã nhận lời tham dự buổi gặp mặt, đặc biệt những người đã cất công đi từ rất xa, nhiều dặm đường. Tôi có một kỉ niệm lúc còn nhỏ, vào lúc chiến cuộc miền Nam lan rộng, giao thông cách trở, tôi đã thấy cha tôi đi bộ một ngày một đêm để đến thăm một người bạn cũ. Ông lại mất thêm chừng đó thời gian để quay về nhà. Hôm qua chúng ta đã mừng vui gặp nhau suốt ngày, đã trao đổi biết bao suy nghĩ về văn chương, thời cuộc. Buổi thảo luận về thơ hôm nay sinh ra từ cảm hứng của ngày hôm qua.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp các anh, ngay cả anh Du Tử Lê. Tôi đọc anh Du Tử Lê nhiều, và đã viết một cuốn sách về anh hẳn hoi, đã trao đổi thư từ suốt một năm trên email, nhưng chưa bao giờ chúng tôi gọi phone cho nhau. Như một thứ quy ước tinh thần. Tôi cũng được đọc thơ Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, và gần đây Nguyễn Thuỵ Kha. Rất yêu mến thơ các anh. Nhưng đây là lần đầu tiên thực sự gặp nhau ngoài đời. Tôi nhớ lại một câu thơ, mà tôi đọc được hồi mười hai mười ba tuổi. Lúc đọc nó thì tôi còn nhỏ quá nên không nhớ là của nhà thơ nào, đành xin lỗi tác giả.

Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi”

Tôi hy vọng rằng một ngày kia tất cả những người ra đi sẽ về lại bên nhau đầy đủ, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mang theo cả những người không bao giờ còn có thể về lại được nữa.

Chia sẻ và thấu hiểu, kính trọng và tha thứ. Trên chiếc chiếu của tình tự dân tộc và của thơ ca Việt Nam.

Một lần nữa, xin cám ơn các anh.

© 2007 talawas