Tủ sách talawas13.6.2007
Nhất Linh
Xóm Cầu Mới
(Bèo giạt)
Phần thứ hai
(Cầu gẫy)
Chương XXI
Tam chiến Lã Bố
Nghe có tiếng người nói và gọi nhau vang cả xóm, bác Lê gái vùng ngồi dậy lay vai chồng:
"Nước lên to, thầy mày ạ".
Bác Lê trai vẫn nằm yên thong thả nói:
"Nhà mình cao, nước có ngập tới đâu mà lo. Cứ ngủ đi".
Bác Lê gái thắp đèn ra mở cửa nhìn, rồi chạy vào kéo mạnh chồng ngồi dậy. Bác cất tiếng gọi:
"Bé ơi, nước lụt sang đây ngay".
Bác Lê trai cầm cây đèn ra, thấy mực nước không có gì cao lắm. Nhìn Bé tất tả chạy sang, bác cự vợ:
"Gọi nó sang làm gì?"
Bác Lê gái giằng lấy đèn ở tay chồng, bảo Bé:
"Mày xuống đây với tao cho lợn lên nhà".
Bác Lê trai vội cản:
"Cho lên nhà làm gì vội. Đã có sao đâu? U mày chỉ hay cuống quít hão".
Bác không bao giờ sợ nước lụt nhưng bác sợ nhất là trong những ngày nước lớn phải ở chung với lợn. Tuy chuồng lợn có thấp hơn nhà nhưng cũng không thấp hơn bao nhiêu, tuy vậy bác Lê gái hễ thấy nước hơi lên là đã cho lợn lên nhà phòng xa, bác ngăn cản thế nào cũng không nổi. Thành thử năm nào bác cũng phải ở chung với lợn mất ít ngày mà có rất nhiều lần nước chưa vào đến chuồng lợn. Lúc nước rút bác có cái khoái là mình phải, vợ trái, bác lại cự được vợ mấy câu, vợ cứ phải ngồi yên hết đường cãi lại, nhưng dẫu sao bác cũng phải chịu cái khổ ngủ với lợn trong ít lâu. Có lần bác ngăn được vợ nhưng thấy vợ cả ngày cứ đi ra đi vào, rấm rứt, miệng nói lẩm bẩm, hết cốc đầu đứa nọ lại cốc đầu đứa kia luôn tay nên bác nghĩ thà ngủ với lợn còn hơn.
Bác Lê gái biết tính chồng như vậy nên bác phải gọi Bé vì hôm nay Nhỡ kéo xe sang bến Cháy. Nước lên to thế này đường đi sang chắc ngập, Nhỡ có khi dăm mười hôm không về được, nhưng bác Lê gái lúc đó bận lo về lợn nên không lo gì đến con. Vả lại bác nghĩ:
"Nó có thân, nó lo, còn lợn thì nó không biết lo".
Hai mẹ con lấy dây thừng buộc vào chân trước của lợn rồi kéo chúng nó lên nhà. Nhưng chúng nó nhất định không muốn đổi chỗ ở và kêu thét lên như là bị người ta đem đi chọc tiết. Mồ hôi đã ra ướt như tắm trên cả thân người và thân lợn, nhưng lâu lắm mới đến được giữa sân. Bác Lê gái đã mệt lắm. Bé khoẻ hơn mẹ nhưng vì con lợn này kéo lại khoẻ hơn con kia nên cũng chỉ tiến được xa hơn một tí. Bác Lê trai đứng ở hiên nhìn nhưng bác không xuống đỡ tay; bác thấy hai con lợn này khá bướng và chắc vợ con mình khó lòng kéo nó vào nhà được. Lợn khi nó đã sợ thì sức nó khoẻ tăng gấp mấy lúc thường. Bác cất tiếng bảo vợ:
"Thôi cho nó về chuồng. Lợn nó cũng như kiến, nước lụt hay không nó biết trước. Nếu thật nước lụt thì không cần kéo nó cũng lên. Cứ nghe tôi".
Tý vì tiếng lợn kêu to quá nên cũng thức dậy chạy ra. Thấy nước lụt to, nó mừng lắm. Bây giờ vụ hè, nó được nghỉ học, ngày nào cũng đi câu cá để giúp thêm bố mẹ; nếu nước lụt chắc sẽ có nhiều cá hơn. Nó nhìn chị và mẹ loay hoay kéo lợn mà hai bên cứ giằng co không tiến không lùi. Con lợn của mẹ nó đương quay được hẳn đầu về phía chuồng lợn và mẹ nó trong lúc vội nắm lấy đuôi nó kéo ngược nó lại, nhưng lại trượt tay và vì thế con lợn của mẹ nó lùi được khá xa. Bác Lê trai thấy chắc là không tài nào vợ mình kéo được lợn vào nhà. Bác Lê gái chợt thấy Tý vội bảo:
"Mày có xuống giúp một tay không".
Tý chạy xuống kéo nhưng thêm Tý cũng không thêm sức được bao nhiêu. Bỗng Tý bỏ tay ra nói với mẹ:
"Sao bu không kéo từng con một. Cả ba người kéo một con thì dễ hơn".
Bác Lê gái cốc một cái vào đầu Tý:
"Mày nói phải".
Rồi bác thả lỏng tay và con lợn cứ lui dần về chuồng. Tý đứng yên lặng nhìn con lợn nhưng óc nó đương bận nghĩ về câu khen của mẹ. Bác Lê gái cởi dây buộc vào chân con lợn của Bé rồi cả ba người cùng kéo. Nhưng con lợn vì thấy con lợn kia về chuồng chỉ còn mình nó ở lại nên nó càng sợ hơn và càng chống cự một cách kịch liệt hơn. Bác Lê trai bất giác nghĩ đến cái cảnh Tam chiến Lã Bố. Sau cùng bác cũng chạy xuống sân để thêm sức kéo con lợn bất kham. Bỗng Tý chợt nhớ đến cái cảnh mẹ nó thả con lợn kia về chuồng. Nó nghĩ ra điều gì bảo mẹ:
"Con có cách, bây giờ mẹ tắt đèn đi".
Thấy mẹ lưỡng lự, Tý ra chỗ đèn tắt phựt. Trời tối hẳn lại, không ai hiểu gì cả.
"Bây giờ chị kéo con lợn xoay đít về phía nhà".
Bé không hiểu gì nhưng cũng cứ làm theo lời em nói:
"Được rồi, Tý ạ".
"Bây giờ chị đưa dây cho em. Bu thắp đèn lên".
Đèn sáng, Tý cầm lấy dây của chị rồi cố kéo mạnh con lợn về phía chuồng lợn. Bé bật cười:
"Mày kéo ngược rồi".
Tý vừa kéo vừa nói:
"Chị để mặc em".
Con lợn cưỡng lại, Tý lại kéo mạnh hơn một lúc rồi thả dần như là vì đuối sức phải thua. Con lợn lùi, lùi nhanh lắm và thoáng một cái đã tới cửa nhà. Đến cửa con lợn thoáng thấy không phải chuồng nên dừng lại. Tý lúc đó hiểu ý lợn nên kéo tay hết sức mạnh. Con lợn thì không cần về chuồng hay không về chuồng, óc đơn sơ của nó yên trí là chỗ nào mà người ta muốn kéo nó đến là chỗ ấy nguy hiểm và vì nghĩ vậy nó lại hết sức cưỡng lại Tý và lùi tọt vào trong nhà. Tý buộc dây vào cột rồi nói:
"Nào bây giờ đến lượt hai con lợn kia".
Cả nhà cũng bật cười lên một lúc. Bé nói:
"Thằng Tý này giỏi".
Bác Lê gái chống hai tay vào cạnh sườn nhìn con và ngạc nhiên một cách đầy cảm phục:
"Nó đã đi học có khác. Thầy mày xem. Đến thầy mày cũng không nghĩ ra".
Thoáng một cái, cả hai con lợn sau cũng lôi được lên nhà mà không khó nhọc gì. Bây giờ cũng không cần đến tắt đèn nữa; kéo lợn được ra hơi xa chuồng là Bé xoay lợn mấy vòng rồi kéo mạnh về phía chuồng. Con lợn cứ lùi dần rồi lùi tọt vào nhà. Đánh lừa được lợn, Bé lấy làm thích chí lắm và đứng cười như nắc nẻ.
Bác Lê trai không nói gì nhưng bác cũng không ngăn cản được cái vui sướng thấy thằng Tý thông minh như vậy. Trước vụ nghỉ hè bác đã có cái vui sướng Tý được lên lớp nghĩa là được lên ngồi bàn thứ nhất, ngay sát cạnh bàn ông giáo. Ông giáo lại khen:
"Tôi chưa thấy đứa trẻ nào học chóng biết như thế".
Tý đã viết và đọc được chữ quốc ngữ. Trong xóm rất nhiều người nhờ Tý viết hộ thư và cô Mùi bảo nó viết không sai một chữ. Tý lại biết cả tiếng tây nữa; đã có lần nó nói được mấy tiếng với tây đoan và được tây đoan cho nó một hào. Bác lại nghĩ thằng Tuất đứa con bác bán cho cụ đồ Vinh; Tuấn đã đọc được sách chữ nho và viết được văn tự, văn khế. Mấy tháng trước Tuất về thăm nhà, bác có bảo nó viết và bác thấy nó viết nhanh và chữ tốt lắm. Nghĩ đến hai đứa con đều thông minh và đều được học, nghĩ đến Nhỡ và Bé chịu khó chăm làm, đứa con nào của bác đẻ ra cũng ngoan cả, bác Lê trai thấy tương lai của bác đầy hứa hẹn rực rỡ và vì thế bác lại nghĩ đến uống rượu.
Bây giờ thì bác được uống luôn, tuy chỉ được uống ít, những hôm nào có đồ nhắm ngon. Có khi chính bác Lê gái mua rượu và bảo bác uống. Nhưng tối nay bác lại thích uống rượu một cách đặc biệt và may quá nhà lại có sẵn rượu. Nhất là uống rượu vào thì không khó chịu vì mấy con lợn này nữa. Bác cất tiếng nói đùa với Bé:
"Bên cửa hàng có cái gì ăn được thì đem sang đây ăn. Cả nhà chắc đói bụng và nhất là để thưởng cho thằng Tý".
Bác Lê gái nói:
"Phải đấy".
Bé nói:
"Hôm qua bán hết chẳng còn gì cả".
Bác Lê trai ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Bé:
"Nước lụt thế này thì mai chắc cô Mùi không ra được hàng mà làm bánh cuốn cũng chẳng bán cho ma nào. Chỗ tôm mua hôm qua cũng đến hỏng. Chi bằng đem cả sang đây nấu cháo tôm cả nhà ăn cho thoả thuê một bữa mà không mất đồng xu nào..."
Bác nhìn vợ nhanh một cái:
"Chọn những con to nhất để bu mày tẩm bột rán, tao uống tí rượu. Hàng bánh thì không thiếu gì bột, mỡ.
Tý nói:
"Con cũng uống".
Bác Lê gái nhìn chồng mỉm cười, vì phục chồng đã nghĩ ra cách tự nhiên có tôm ăn mà không mất tiền:
"Thầy mày nghĩ phải. Tôi cũng uống một tí".
Bé nói:
"Con cũng thế".
Bác Lê trai cười tươi như hoa; không bao giờ có sự đồng ý với bác hoàn toàn như thế.
Nấu xong cháo bác đánh thức Thêm, Nữa và Thôi dậy. Cả nhà ngồi quanh mâm cháo hơi bốc lên nghi ngút và đĩa tôm rán.
Bác Lê trai nhấc chén mời vợ:
"Bu mày".
Bác Lê gái cũng nhấc chén:
"Thầy mày. Các con ăn cháo đi".
Tiếng húp cháo sùm sụp nổi lên một loạt quanh mâm. Bé nhấc chén uống và gắp tôm rán. Tý không thấy mẹ nói gì nên cũng nhấc chén giả vờ uống để gắp tôm rán. Nữa cũng bắt chước Tý nhưng bị bác Lê gái cốc ngay một cái làm nó rụt đầu và rụt tay lại:
"Hỗn nào. Tôm rán để thầy mày uống rượu".
Nữa tức lắm vì thấy Tý ăn được mà không bị mẹ cốc đầu; nhưng ăn cháo tôm thấy đủ ngon lắm rồi, không có tôm rán cũng không sao, nó tự an ủi thế. Út và Thêm thấy vậy không dám giơ đũa gắp thử.
Bác Lê trai đã uống cạn một chén đúng ngữ vợ quy định; nhưng bác lại muốn uống thêm:
"Tôm hôm nay bu mày rán khéo quá".
Bác mỉm cười nịnh vợ, bảo rót thêm. Bác Lê gái đã ngà ngà say nên cũng rót thêm cho chồng nửa chén nữa.
Bác Lê trai rung đùi:
"Ngày xưa thì Tam chiến Lã Bố, lúc này thì Tam chiến Lợn Bố, còn bây giờ thì Tam chiến Chai Bố".
Bác cười vang nhà vì tìm được câu nói đùa mà bác thấy hay lắm. Bác Lê gái thấy chồng nhắc đến lợn lại sực nhớ cái mưu đánh lừa lợn của Tý, bây giờ bác say nên bác lại thấy nó tài tình lắm. Bác đưa mắt nhìn ba con lợn nằm ở góc nhà; có một con lợn nằm xoay mặt về phía bác, hai con mắt him híp và lóng lánh ánh đèn như đương cười với bác có vẻ đắc chí, bác gái bật buồn cười vì con lợn đã bị lừa mà không biết lại còn cười bác. Đã bắt đầu cười rồi, cái đà nó bắt bác cười mãi cười chẩy nước mắt, ôm lấy bụng. Bác Lê trai tưởng vợ cười vì câu nói đùa lý thú của mình. Sau cùng bác gái nhịn được cười và thở dài một cái:
"Tý ơi mày làm tao suýt chết".
Câu nói của bác nhắc bác Lê trai nhớ lại cái mưu đánh lừa lợn khiến bác cười to. Bé cũng đã say nên cười vang cả nhà. Tý cười theo. Út, Thêm và Nữa trong lúc đó không cười, chúng vội vàng gắp tôm rán ở đĩa rồi dìm xuống cháo. Gắp hết cả tôm trong đĩa dìm được khuất hẳn trong cháo, mà bố mẹ không biết gì cả. Chúng đưa mắt nhìn nhau nhưng chúng không cười. Chúng chỉ mỉm cười với nhau.
Cụ Yểng ở bên kia ghé mắt nhìn sang. Cụ không hiểu vì sao trong lúc nước lụt đang lên to, mọi người trong xóm lo lắng sửa soạn bắc bục thì ở bên bác Lê tiếng cười vang lên như muốn vỡ cả nhà.
Cụ mỉm cười vì thấy gia đình bác Lê lắm lúc như là điên. Cụ nghĩ nghèo nhưng nhà đông con cũng vui và lòng cụ hơi se lại nghĩ đến đời sống hiu quạnh của mình, không có lấy một đứa con hay đứa cháu để an ủi tuổi già.
Chương XXII
Cho đến lúc hai tay buông xuôi
U già lội qua vườn, lên đập cửa đánh thức cả nhà dậy. Một giờ đêm u thức giấc; thấy có tiếng nước chẩy và xa xa vẳng lên tiếng người gọi nhau, u lấy làm lạ mở cửa nhìn ra thì thấy nước sông đã vào đầy khắp vườn. Nước sông mấy hôm nay tuy lên to, nhưng u không ngờ chỉ từ tối đến giờ mà nước đã vào tới vườn, lụt to hơn cả năm bà Lang mất và nguy nhất là sao nước lên chóng thế.
Ông Lang nghe tiếng đập cửa, giật mình hỏi:
"Cái gì thế?"
"Bẩm, nước vào tới vườn rồi. Dậy mau không chết cả bây giờ".
Mạch lúc đó đương thức, ngồi thẳng dậy, véo vào sườn Triết một cái:
"Đâu mau lên, anh. Nước lụt vào nhà. Chị Mùi ơi, nước lụt".
Mùi choàng dậy, cho chân xuống tìm guốc nhưng không dám hạ chân thấp quá. Nàng đánh diêm và mỉm cười; không, nước chưa vào đến nhà. Bỗng nàng ngừng mỉm cười và chau mày, lẩm bẩm:
"Chết chửa, cái vườn rau của tôi".
Nghe tiếng u già, nàng vội chạy ra mở cửa.
"Cô ơi, thế này thì chết cả bây giờ. Thật là chết cả. Bà Cai đâu?"
"Gì mà cuống quít lên thế".
Nàng giơ đèn soi ra vườn. Nước đã ngập hết vườn, mấp mé nền nhà bếp nhưng nhà ở thì nền cao, khó lòng ngập tới.
"Nước lên chóng quá. Bà Cai đâu để tôi cõng sang chùa".
"Chùa thì cao gì hơn đây. Việc gì mà rối lên thế".
"Chùa có gác chuông. Để tôi cõng bà Cai sang trước, có sao thì lên gác chuông. Chậm một tí là không kịp".
Tuy miệng nói thế, nhưng Mùi cũng sợ hãi vì thấy nước lên khá chóng. Nàng cất tiếng gọi to:
"Anh Siêu ơi".
"Gì thế cô?"
"Nước lụt".
"Tôi biết rồi".
Tiếng Siêu trả lời lại bình tĩnh khiến nàng yên tâm. Ông Lang và Triết, Mạch cũng đã ra cửa. Mọi người đều nhìn Siêu đương vác cây đèn, lội bì bõm ngoài vườn và chú ý đến chân Siêu xem nước cao thấp thế nào.
U già đến chỗ bà Cai nằm và kéo dậy, rồi u nói như ra lệnh:
"Đứng lên".
Bà Cai đứng lên. U lại nói:
"Cho hai tay lên vai tôi".
Bà Cai lại đặt hai tay ôm lấy cổ u già, bà nhe răng cười một cách khoan khoái.
Siêu nhìn vào:
"U già làm trò gì thế kia?"
"Để tôi cõng bà Cai sang gác chuông".
Siêu chạy vào đẩy u già ra:
"Đừng làm cho bà sợ".
Chàng kéo tay mẹ ra, mỉm cười rồi đặt bà ngồi xuống giường. Bà Cai có vẻ thất vọng nhưng cũng ngồi xuống.
"Đẻ đi nghỉ".
Chàng đặt được mẹ nằm xuống giường rồi quay lại kéo tay u già ra cửa.
"Có làm sao đã có tôi cõng, không khiến u. U có biết bơi không?"
Câu hỏi của Siêu lại khiến u hoảng sợ cuống cuồng. U lại chạy đến đứng gần bà Cai; nếu nước lên mấp mé hiên thì nhất định u sẽ cõng bà Cai sang chùa. U lại thấy lặng người đi khi nghĩ ra rằng nước lên đến nền nhà thì không sang chùa được nữa. U ngửng nhìn lên mái nhà tìm tòi; khi thấy mấy tấm ván gác ở trên sài nhà, chỗ ấy có thể ngồi được mấy người, u yên tâm.
Siêu cúi xuống nhìn mặt nước một lúc lâu, rồi ngửng lên nói:
"Không sao. Lúc nãy nước lên mau lắm, nhưng bây giờ đã đứng. Hôm kia vỡ đê Vối, nước bây giờ tràn về tới nơi. Nếu nước cứ lên cao mãi thì không biết được, nhưng nếu nước đã đứng lại thì không sợ gì nữa. Chỉ có xuống hay đứng chứ không có lên. Cả nhà cứ tin tôi và đi ngủ đi.
Mạch giơ tay giựt giựt mấy cái rồi bảo Triết:
"Thích nhỉ, ngủ ở nhà cũng câu được cá".
Ở bên chùa cũng có tiếng người gọi nhau. Triết lắng tai nghe và hình như chàng nghe thấy cả tiếng sư cô. Triết lại nhìn mặt nước, chàng thấy mình đương mong lời Siêu nói không đúng, nước lụt to hơn, cao mãi để cả nhà phải chạy sang bên chùa; nhưng chàng thất vọng vì quả như lời Siêu nói, lâu lắm mà mực nước vẫn đứng yên.
Một lúc sau, Siêu vác cây đèn đứng lên:
"Thôi, bây giờ thì chắc chắn. Mời chú và cô đi ngủ thôi. Để mình tôi thức xem chừng cũng đủ".
Chàng đưa mắt nhìn Mùi nhanh một cái. Mùi hiểu ý, nói:
"Anh để em cùng thức với, thay phiên. Cứ hai giờ thì thay phiên một lần. Từ tối đến giờ chắc anh chưa ngủ chắc mệt, em thì ngủ đã đủ lắm rồi".
Ông Lang nói:
"Phải đấy cô thức để thay phiên cho anh đỡ mệt".
Nửa giờ sau cả nhà xem chừng đã ngủ yên rồi; u già ngủ ngay cạnh giường bà Cai, thỉnh thoảng u già lại chạy ra nhìn một lúc rồi sau cũng không thấy ra nữa. Mùi thấy được thức một đêm với Siêu là một cái thích thật, nhưng cứ ngồi ở đây gần mọi người thì cũng không có gì thú nữa. Nàng muốn sang hiên nhưng tự nhiên đứng lên lội qua cả một vườn ngập nước là một sự vô lý. Siêu cũng nghĩ thế và loay hoay tìm cách. Chàng nghĩ ra và bảo Mùi:
"Bây giờ ta xuống bếp".
"Anh đói à?"
"Kể thì cũng đói nhưng không phải xuống bếp để tìm cái ăn đâu. Nước có thể lên to ngập được bếp. Cô cần phải xuống xem có cái gì có thể trôi thì buộc nó lại. Lạt đâu?"
"Lạt ở dưới bếp".
Mùi vác đèn rồi vén quần bước xuống nước. Siêu giơ tay:
"Để tôi cầm đèn cho".
"Không anh để em cầm. Anh còn phải buộc cơ mà".
Nhưng Siêu cũng cứ đòi cầm đèn và Mùi cứ cố từ chối. Đi qua mấy cái chum, Siêu bảo Mùi giơ đèn rồi nhìn vào trong. Mùi hỏi:
"Anh muốn uống nước chè".
"Kể thì cũng khát, nhưng... cô đưa đèn tôi".
Chàng lại có cớ nắm lấy tay Mùi:
"Cô ra bể nước đổ vào chum cho đầy. Chum cạn nước thế này thì trôi mất".
Mùi thấy Siêu nói phải và nghĩ chi li từng tí, đưa đèn cho Siêu cầm, ra bể múc nước đổ vào chum. Đổ được mấy gầu, mồ hôi ra ướt cả người, bỗng nàng ngừng lại, nhìn Siêu:
"Anh đứng yên như ông tướng. Anh ra mà múc nước để em cầm đèn cho".
"Cô hay phân bì lắm".
"Em mỏi tay lắm rồi".
Nói thế nhưng nàng cũng cứ tiếp tục múc nước và đổ đầy được cái chum. Siêu nói:
"Thế này thì cái chum không bao giờ trôi được nữa".
"Thế ngộ nước lên cao ngập chum".
"Nếu nước lên cao ngập chum thì cái chum lại càng không trôi được nữa".
Siêu vào bếp nhìn quanh một lúc. Mùi rút ở mái nhà xuống một bó lạt.
"Lạt đây anh ạ".
"Ừ thế thì cô buộc cái chạn này lại. Buộc xong, bao nhiêu nồi niêu ở dưới đất cô đặt nó lên cao".
Một lúc sau, không thấy còn cái gì có thể trôi được, Mùi nói:
"Thế là xong".
Siêu thở hắt ra một cái, tiếp theo:
"Thế là xong. Gớm cầm đèn mỏi rừ cả tay".
Mùi cũng thở nhẹ một cái để cho trong lòng hết hồi hộp. Bây giờ có sang hiên cũng là một sự tự nhiên lắm. Nàng thấy trước cả cái thú một đêm thức với Siêu mà chung quanh thì có nước lụt bao phủ; nàng lại mong khi đã đến hiên rồi, nước lại lên to hơn, to mãi, và nàng lặng người một lúc lâu ngẫm nghĩ.
Cây đèn con để ở bực cửa nhà trên đã tắt. Siêu giơ cao đèn soi cho Mùi đi. Hai người không bảo nhau nhưng đều tiến về phía vườn. Hai người lội lóp ngóp. Mùi vừa đi vừa nghịch giơ chân khoắng nước. Ra đến chỗ gốc cây nhãn, Mùi thấy nước chẩy mạnh và đứng lại:
"Em sợ quá".
Rồi nàng vịn vào vai Siêu. Siêu dịu giọng nói:
"Cô cứ đi".
Chàng nắm lấy cánh tay Mùi dắt nàng:
"Sao chỗ này nước lại chẩy xiết thế anh nhỉ".
"Vì chỗ này không vướng nhà".
Tuy chỗ ấy nước có chẩy mạnh nhưng cũng không đủ để Mùi đi lẩy bẩy và run sợ đến như thế. Nàng ngả cả người nàng vào người Siêu để chàng vực đi.
"Chỗ này có cái rãnh sâu, cô ạ".
Mùi đứng dừng lại:
"Thôi em sợ lắm, em chịu thôi. Quay về đi anh".
"Có gì mà cô sợ thế. Cô em gái tôi nhát quá".
Siêu nói vậy rồi ôm chặt ngang lưng Mùi, nhấc hẳn người nàng lên và đưa nàng sang được qua cái rãnh. Sự thực chàng cũng không nhớ rõ là cái rãnh có ở chỗ ấy không,nhưng chàng cũng không vì thế mà ngượng khi ôm lấy người Mùi và vì chàng đã định tâm từ trước nên lúc ôm lấy người Mùi chàng đủ tĩnh tâm để nhận thấy cái thú được ôm chặt lấy Mùi trong tay mình một lúc, cũng thú như là ôm để hôn nàng nhưng chỉ thiếu cái hôn.
Đến nơi, Mùi đứng lại rửa chân:
"Ở đây lại cao hơn bên nhà. Bên nhà ngập thì sang đây cũng tiện".
Nàng đi rón rén rồi đến ngồi ở giường, hai chân bỏ thõng không chạm đất, ống quần vẫn vén cao ngang đầu gối:
"Ồ, em quên không đem guốc".
"Cô lấy guốc tôi mà đi".
Chàng ngồi xuống với đôi guốc đặt cạnh chân Mùi; bỗng chàng yên lặng nhìn hai chân ướt nước của Mùi một lát, hai bàn chân nhỏ xinh và cái bắp chân tròn tròn và chàng nghĩ nếu được ôm lấy hai bàn chân lúc đó mà hôn chắc cũng thích như là hôn môi nàng. Chàng với cái khăn lau giắt ở chân giường và lúc cúi, mặt chàng gần sát vào hai chân của Mùi, chàng biết là có thể cầm lấy chân Mùi và lau chân cho Mùi nếu chàng tìm ra được một câu khôi hài hợp lúc, nhưng vì tìm không ra được câu khôi hài nào nên chàng đành đưa khăn cho Mùi:
"Khăn đây, cô lau chân cho khô. Cô lại định đợi tôi hầu như ngày còn bé à?"
Chàng đã tìm được câu khôi hài hợp lúc. Mùi không cầm lấy khăn và cũng không cúi nhìn xuống. Nàng thẫn thờ nói:
"Ờ nhỉ, thuở bé sao em ghét đi guốc thế, mà anh thì lại cứ bắt em phải đi guốc. Hễ chạy chơi chân không được một lúc là anh đem em đi rửa chân và lau chân một ngày không biết đến mấy bận. Em đến tức. Nhưng bây giờ nhớn rồi, em phải lau lấy chứ?"
Nàng nói thế nhưng lại khẽ đưa hai bàn chân ra như đợi. Siêu thấy rờn rợn khắp người nửa vì thú nửa vì sợ.
"Có nên không?"
Tuy chàng đã cầm lấy bàn chân mà chàng không biết chàng đã bắt đầu lau từ lúc nào. Mùi vờ như không nhận thấy Siêu lau chân mình; để yên một lúc rồi chàng giật mình cúi xuống giằng lấy cái khăn:
"Còn bé bỏng lắm đấy!"
Siêu đưa khăn cho nàng rồi đứng lên. Chàng bàng hoàng quá nên không thể nào nói đùa được nữa, yên lặng đi ra ngồi ở ghế mây. Chàng không ngờ được lau chân Mùi lại là một cái thú rạo rực đến như thế. Mùi lau xong cho hai chân lên giường, với cái quạt phe phẩy. Một lúc sau nàng đưa mắt nhìn Siêu. Siêu cũng nhìn lại Mùi. Hai người yên lặng nhìn nhau một lúc lâu rồi Mùi mỉm cười nhẹ một cái. Siêu cũng mỉm cười lại. Hai người đều mỉm cười vì những cái mưu mô từ nãy đến giờ, thức để thay phiên, xuống bếp để cốt sang hiên, sợ nước chẩy để được tựa vai, bịa ra cái rãnh để được ôm người, giả vờ đùa nghịch để được lau chân mà cả hai, người nọ đều biết rõ người kia chỉ vờ vĩnh; nhưng lại vì vờ vĩnh khéo lắm nên người nọ có thể tưởng tượng người kia không vờ vĩnh.
Siêu nói:
"Này cô, tôi thấy nước lụt tôi lại lo".
"Anh lo cho cái vườn rau của em phải không?"
"Không phải tôi lo cho vườn rau của cô đâu, vườn rau đằng nào cũng hỏng rồi".
Mùi hỏi:
"Lo gì cơ anh? Mà anh cũng biết lo cơ à?"
"Cái cầu gẫy".
Mùi mỉm cười vì thấy độ này Siêu hay nhắc đến chiếc cầu luôn.
"Nhưng nước có chẩy mạnh gì đâu mà anh lo cầu gẫy".
Nàng mỉm cười rồi nói tiếp theo:
"Chẩy cũng có hơi mạnh đủ để làm trôi em đi nhưng không đủ mạnh để trôi được cái cầu".
"Cô không hiểu. Không phải sợ nước mạnh. Nếu chỉ có nước không, không sợ. Nhưng một bên thì móng nhà, một bên thì đường cao ngăn nước lại, bao nhiêu bèo, rác, gỗ đều đến tụ lại ở bên trên cầu, cái nguy ở chỗ đó".
Mùi lại hỏi:
"Thế cầu gẫy thì làm sao. Cầu gẫy thì sở Lục Lộ mới chữa lại thành cầu mới chứ".
"Cô ngớ ngẩn lắm. Họ đã nhầm một lần, họ không ngu đến nỗi lại nhầm lần nữa. Nếu cầu mà gẫy thì là xong".
"Xong cái gì cơ anh".
"Xong cả cái Xóm Cầu Mới này. Cầu gẫy thì không ai sang đây cân gạo nữa".
Thấy Mùi cau mũi như muốn cãi lại, chàng nói luôn:
"Cô đừng cãi, không ai dại gì sang tận đây cân rồi phải chở hàng chục bao gạo qua đò; mà cô, rồi cô cũng hết cả mong ở cân gạo để làm giầu và để nuôi chim công. Nước lụt và cô phải nhớ là vùng này sở dĩ được mùa luôn mấy năm là nhờ các vùng cao bị hạn hán. Nước lụt, vùng này cũng hết cả gạo mà cân. Ông Đường Kế Nghiêu..."
Nghe tiếng Đường Kế Nghiêu, Mùi thoáng nhớ lại hôm thức với Siêu và uống rượu say năm ngoái. Nàng hỏi Siêu:
"Vợ ông ta tên gì nhỉ?"
"Ai biết được tên vợ một ông Tổng đốc bên Tàu. Mà sao óc cô loăng quăng thế. Hỏi tên vợ ông ta làm gì?"
"Thế sao độ nào anh lại bảo là em giống vợ ông ta".
Siêu ngơ ngác:
"Tôi bảo cô giống vợ ông ta? Tôi biết thế nào được mặt vợ ông Tổng đốc tỉnh Vân Nam. Cô mơ ngủ à?"
"Anh không nhớ à? Hôm em mặc cái áo ba-đờ-suy của anh năm ngoái..."
"À, đấy là ông Đường Minh Hoàng, vua bên Tàu đã chết hai nghìn năm nay rồi".
Mùi cười:
"Anh không biết mặt ông Tổng đốc Vân Nam, sao anh lại biết được mặt vợ một ông vua đã chết hai nghìn năm?"
Siêu nói:
"Vì vợ ông Đường Minh Hoàng là một người đẹp tuyệt thế..."
Mùi ngắt lời:
"Thế mà em giống vợ ông ta".
Siêu nhìn Mùi có vẻ ngắm nghía một lúc lâu rồi gật gật đầu:
"Nhưng mà thôi, bây giờ nói chuyện ông Đường Kế Nghiêu. Ông Đường Kế Nghiêu khác; ông này là Tổng đốc tỉnh Vân Nam; tỉnh ông ta mất mùa luôn nên ông ta cần mua gạo bên ta chở sang mà vì thế độ này việc cân gạo mới thịnh vượng thế. Ông Đường Kế Nghiêu vẫn mua gạo thật nhưng vùng này thì không có gạo mà bán nữa. Hết cân gạo thế là hết một nửa Xóm Cầu Mới. Hàng bánh cuốn và nước chè của cô cũng mất một nửa số khách hàng. Chị Bé sẽ thất nghiệp. Hiệu thuốc đau mắt cũng mất hết cả khách hàng ở bên kia cầu. Tiện cầu thì họ đến đây mua thuốc, nếu phải qua đò thì họ sẽ đến mua cả thuốc ở hiệu Thụ Đức ở phố Phủ. Bà Ký Ân nếu không xoay nghề khác thì cứ nuôi sáu cô gái ấy cũng sẽ hết dần cả vốn. Bác Huệ, lão Nhai, Hai Liên, mẹ Liễn cũng hết cả cách sinh sống. Lại còn các thuyền buôn gỗ, củ nâu, nồi đất..."
Mùi mỉm cười nhìn Siêu ngạc nhiên. Đến ở đây gần một năm trời, thỉnh thoảng mới ra phố chơi, cả ngày cứ chúi mũi vùi đầu vào sách, vào các thuốc hoá học, óc vớ vẩn như ở trên cung trăng thế mà lại để ý đến cả bên Tàu mất mùa có liên can đến việc cân gạo của nàng, lại để ý đến đời sống của cả dân xóm, nhớ rõ tên của những người mà có lẽ chàng chưa biết mặt và nói ra một cách mạch lạc như là đầu óc lúc nào cũng nghiền ngẫm về những việc đó. Như các thuyền củ nâu, nồi đất Mùi nghe thấy Siêu nói đến nhưng không hiểu có liên can gì đến chiếc cầu gẫy. Nàng muốn biết xem Siêu nói ra sao, nên giục Siêu:
"Các thuyền buôn làm sao cơ anh?"
"Có chiếc cầu, họ không đi được nữa nên họ phải đỗ ở bến xóm. Nếu cầu gẫy thì cái gì ngăn họ đi, họ sẽ xuống đỗ thẳng ở bến Phủ, như thế tiện hơn. Canh cá riêu của cụ Yểng có ngon mấy đi nữa nhưng không giữ họ lại được và vì ế khách quá cụ cũng đâm buồn về ở với cháu nhất là cháu cụ lại mới đẻ được đứa con giai".
Mùi ngắt lời:
"Ồ, sao anh biết cháu cụ Yểng mới đẻ con giai".
Nàng thấy Siêu nghĩ rất đúng về các thuyền buôn nhưng nàng không ngạc nhiên bằng thấy Siêu biết được cả cháu cụ Yểng mới đẻ con trai. Siêu đáp:
"Ấy thế, nhà bác Phiến buôn củ nâu rồi cũng đến dọn nhà lên Phủ, cả nhà bán áo quan nữa. Rồi khối nhà cho thuê..."
Nói đến đây Siêu hơi giật mình rồi cười lên một tiếng tiếp theo luôn:
"Như thế còn ai! Cô thử tính xem. Ông Năm Bụng hai năm nữa con thi đỗ, ông ấy cũng đi. Còn lại hoạ chăng có hai cụ Huế, bác Bút, bác Lê. Độ mười năm sau rồi chỉ còn mình nhà bác Lê như mười hai năm trước".
Mùi có cái cảm tưởng là sự thực sau này sẽ đúng như lời Siêu nói và nàng thấy hơi buồn.
Còn Siêu thì chính chàng, chàng không lo cầu gẫy. Chàng lại mong cho nó gẫy. Gần một năm trời về ở xóm, chàng đã sống một quãng đời thật êm thú ở cạnh Mùi. Bây giờ đã đến lúc chàng yêu Mùi cũng đắm đuối như yêu Chi và tình yêu đổi ra như thế từ ngày chàng biết chắc là Mùi yêu lại mình; nhưng mà cái tình yêu Mùi khác hẳn tình yêu Chi, nó hình như đằm thắm và chắc chắn hơn vì chàng vừa yêu Mùi như một người tình nhân lại vừa yêu nàng như một người bạn hoàn toàn hợp với chàng.
Từ độ định ngỏ tình yêu hôm câu cá đến giờ đã hơn nửa năm, nhưng chàng không định tâm ngỏ tình yêu một lần nào nữa. Tuy chưa ngỏ nhưng người nào cũng biết chắc chắn là người kia yêu mình và người nào cũng biết rõ là người kia biết thế, nhưng cả hai vẫn làm như không ai biết cả. Siêu chỉ mong ước được sống thế này suốt đời, không bao giờ lấy Mùi và cũng không bao giờ xa Mùi ra.
Trước kia chàng thích giầu nhưng mới đây chàng mới tìm ra là cần phải nghèo thì mới có thể ở với Mùi mãi được. Chàng thấy nếu giầu thì Mùi dễ bị bắt buộc đi lấy chồng, chàng cũng dễ bị bắt buộc đi lấy vợ. Nhà nghèo thì Mùi phải ở nhà nuôi cha và nuôi em đi học và Triết chàng thấy học dốt lắm, chắc chẳng bao giờ đỗ để Mùi có thể đi lấy chồng được, mà còn nghèo thì còn cứ phải ở nhờ cái nhà này mãi và ở đây chàng lại thấy thích hơn cả ở quê làng. Vả lại chàng thấy trước cả cái thú của cuộc đời nghèo vật lộn với sự sống ở cạnh Mùi. Nếu cần chàng sẽ bỏ cả việc tìm tòi và giúp đỡ Mùi trong bất cứ công việc gì mà xưa nay chàng vẫn ghét. Ra đụng chạm với đời ở cạnh Mùi chàng không ngượng ngập, dút dát như trước nữa. Chàng thấy trước cuộc sống như thế có ý vị lắm.
Vì thế Siêu mong cho cầu gẫy. Nhất là nếu cầu gẫy thì chàng có cái cảm tưởng rõ ràng hơn là được sống cách hẳn với thế giới bên ngoài, ở một nơi biệt lập riêng sống một đời thần tiên cạnh Mùi.
Mùi đưa mắt nhìn Siêu vì thấy chàng cúi mặt dáng tư lự. Một lúc Siêu ngửng lên nhìn Mùi, nhìn tận sâu vào hai con mắt đẹp và đương mở to của nàng, thẫn thờ nói:
"À còn lại cô với tôi ở đây".
Mùi chớp mắt một cái và nước mắt nàng như muốn trào ra. Nhưng miệng nàng thì lại mỉm cười và đầu khẽ gật gật như hiểu hết cả ý nghĩa trong câu nói của Siêu. Nàng nói rất khẽ như là nói riêng với mình:
"Thích nhỉ".
Mùi cho chân xuống, xỏ vào guốc:
"Bây giờ em đi nấu cháo cho anh ăn nhớ. Lúc này ăn cháo phải biết là ngon. Ăn cháo dễ thức hơn anh ạ.
Nàng làm như hai tiếng "thích nhỉ" là chỉ về việc ăn cháo. Ngừng một lát rồi Mùi tiếp theo:
"... Và để em uống một tí rượu nữa".
"Cô thì cũng đến nghiện rượư mất".
"Lúc vui uống một tí, thích chứ. Anh bằng lòng đi".
Thấy nàng nói thế như là người nàng đã thuộc hẳn về chàng rồi, Siêu gật gật:
"Cô thì cái gì tôi cũng phải chiều. Nhưng mà cô láu lắm. Nước lụt thế này ai là người đi nấu cháo nếu không phải là tôi".
Mùi mỉm cười:
"Ờ nhỉ? Thế mà bây giờ em mới nghĩ ra. Thế thì lại càng nên ăn cháo lắm".
Siêu vội cầm cái cốc, vén quần bước xuống nước. Không biết lần này là lần thứ mấy chàng phải đi rót rượu trộm. Cứ độ một tháng thì lại xẩy ra một việc - hoặc Mùi dỗi, hoặc Mùi có cái gì vui hay buồn để bắt chàng đi rót rượu. Còn Mùi đêm nào cũng nằm bên hũ rượu, chỉ việc giơ tay với mà nàng không uống bao giờ. Mùi nói với chàng như thế và chàng cũng tin chắc đó là sự thực. Chàng không thích uống lắm nhưng lần nào chàng cũng chiều Mùi và chàng cũng thấy thích mỗi lần Mùi đòi uống rượu; chàng thấy muốn hoàn toàn hợp tính nhau thì phải chiều cả những tính xấu của nhau. Mà Mùi lại ít tính xấu quá nên chàng cũng muốn Mùi có một hai tính xấu và như thế thân nhau hơn. Không phải là yêu nhau hơn đâu, thân nhau hơn thì đúng hơn.
Siêu rót rượu trộm đã thạo và tài lắm; bao nhiêu lần mà không ai bắt gặp được. Mà nếu ai biết, chàng cũng đã sẵn câu trả lời. Chàng không thường thường chế rượu thí nghiệm là gì. Kể ra hai ba giờ sáng, nước ngập đầy vườn mà cần đến rượu thì cũng hơi kỳ quặc, nhưng các nhà nghiên cứu đã nẩy ra được một "ý tưởng lớn" thì cần gì ngày đêm, phải thực hành ngay.
Đêm ấy Mùi uống ít hơn mọi lần. Uống rượu và ăn cháo xong, Mùi thấy say bàng hoàng vừa thích, Siêu bảo nàng nằm ngủ ở giường để chàng thức một mình. Chàng ngồi xuống ghế mây và lấy một mảnh bìa che một bên đèn cho Mùi nằm khỏi chói mắt. Mùi nằm xuống nhưng cũng không cố ngủ. Nét mặt nàng khuất trong bóng tối của tờ bìa trông êm dịu và hai con mắt đen hẳn lên. Siêu đọc sách, chốc chốc lại ngửng nhìn Mùi một lúc. Mùi cũng nhìn lâu lại chàng; cả hai người đều say nên không ngượng ai cả. Có một lần Mùi lim dim mắt lại, Siêu tưởng nàng đã ngủ yên nên đưa mắt từ mặt nàng xuống đến ngực, ngừng lại ở hai bên vú phồng lên, rồi nhìn cả người nàng cho đến chân như muốn vuốt ve nàng bằng mắt nhìn. Mùi biết nên nàng thấy rờn rợn khắp người. Nàng lại nhớ lại lúc Siêu lau chân nàng, sao mà thích thế; nàng hơi tiếc, lúc đó nàng đã có ý tưởng lấy hai chân quặp lấy bàn tay Siêu và nếu làm như thế chắc Siêu đã ôm lấy chân nàng ngay. Nhưng nàng đã quá ư rút rát, bây giờ say bàng hoàng lại thấy Siêu nhìn khắp người, Mùi thấy trong lòng rạo rực, đầy thèm muốn. Nghĩ thế nàng bỗng mở to mắt thật nhanh nhìn Siêu để tỏ cho Siêu biết là nàng bắt gặp được Siêu nhìn trộm người nàng và đã hiểu ý Siêu cho chàng chết ngượng. Siêu vội nói:
"Cái quạt đâu ấy nhỉ. Cô không nóng à".
Siêu thấy mình cũng nhanh trí, tìm ngay được câu giảng giải cái lối nhìn đưa khắp giường của mình.
"Quạt đây anh ạ".
Nàng ngồi nhỏm dậy đưa quạt cho Siêu và có ý đặt tay mình cho chạm vào lòng bàn tay Siêu. Nàng muốn Siêu lúc đó nắm hẳn lấy tay mình rồi kéo nàng vào lòng, nhưng Siêu cầm lấy quạt rồi lại ngồi ngay xuống ghế. Nàng lại về giường nằm, ngực còn phập phồng thở mạnh, nhưng biết là không xẩy ra chuyện gì nữa.
Mùi đi ngủ lúc nào không biết. Lúc nàng tỉnh dậy thì Siêu không có ở hiên. Ánh nắng qua lá cây chiếu vào làm nàng thấy chói cả mắt. Có tiếng chim hót vang lên trong ánh sáng. Trời yên gió. Nàng nhìn ra vườn và thấy mực nước không lên cao hơn bao nhiêu. Bỗng nàng giật mình:
"Chết chửa, sao anh ấy không đánh thức mình, bây giờ cả nhà đều biết là mình ngủ ở bên hiên".
Xưa nay nàng vẫn sợ nhất là để cho người nhà, bất kỳ ai, hơi nghi ngờ về việc riêng giữa nàng với Siêu; nàng thấy trước là nếu có ai nghi ngờ thế, tình yêu sẽ mất hết cả vẻ thầm trộm của nó và như thế mất cả thú vị; nàng lại sẽ phải xa Siêu để cho mọi người hết nghi ngờ. Việc ngủ ở bên hiên của Siêu cũng không để cho ai nghĩ ngợi gì lắm nhưng tự nàng thấy việc đó táo bạo quá, nên tránh không để ai biết thì hơn. Siêu xưa nay hay giữ gìn thế, sao không đánh thức nàng mà lại bỏ đi sang bên nhà và tất phải nói là nàng còn ngủ ở bên hiên.
Nàng ngồi dậy thì vừa thấy Siêu vén quần lội nước qua vườn. Tay chàng bưng một cái chén to. Chắc là chén đầy vì Siêu đi cẩn thận sợ sóng sánh.
"À cô vừa dậy. Sao cô không ngủ thêm tí nữa. Có nước chè nóng đây".
Mùi bước xuống giường đỡ lấy chén rồi ngồi xuống ghế mây:
"Chết chửa sao anh lại để em ngủ đến nửa ngày thế này? Bên nhà mọi người đã dậy chưa?"
Nghe hai câu ấy hỏi cùng một lúc, Siêu hiểu ý và mỉm cười:
"Muốn cho cô khỏi mang tiếng là lười, tôi bảo chú là cô thức cả đêm qua cho đến sáng và vì mệt lả người nên cô nằm ngủ gục ở trên ghế mây. Ai cũng có vẻ tội nghiệp cho cô và nói thế xong tôi cũng thấy tội nghiệp cho cô cho nên tôi phải pha chè Liên Tâm để cô xơi cho tỉnh. Mời cô xơi. Nước lụt ngang giời mà phải hầu cô bốn bận: hầu cháo, hầu rượu, hầu chè..."
Siêu định đùa tiếp theo: "và hầu lau chân" nhưng ban ngày ban mặt, chàng thấy trơ trẽn quá nên không dám nói ra. Mùi cũng tinh ý thấy chàng nói hầu mình bốn bận mà chỉ kể có ba, nàng cũng biết là chàng định nói đến việc lau chân nhưng ngượng không dám nói.
Mùi ngừng uống đưa mắt nhìn Siêu mỉm cười:
"Anh khéo lắm. Sao anh cứ tìm cách che chở cho cô em gái hư thân mất nết, uống rượu, ngủ trưa như em".
Siêu nói:
"Ấy thế, số giời định thế. Mà không biết số giời định tôi còn phải chiều cô em gái hư này đến bao giờ mới thôi... có lẽ cả đời".
Chàng cười để cố che cái cảm động khi nói những câu nói đùa nhưng đầy ý ngầm mà chàng biết Mùi cũng hiểu cả. Mùi chớp chớp mắt:
"Thế thì em chỉ mong hư thân cả đời, anh ạ".
Giọng nàng dịu hẳn lại khi nàng tiếp thêm:
"Vâng... cả đời... cho đến lúc hai tay em buông xuôi".
Lúc nói câu sau, thong thả, Mùi tưởng như là nàng đương ngỏ lời nói yêu Siêu trọn một đời nàng. Mùi giơ tay với cái khăn tay, mắt lại chớp chớp.
"Thôi bây giờ em đi rửa mặt".
Siêu quay mặt nhìn ra vườn rồi lại ngửng nhìn trời ngắm nghía, bắt chước Mùi chớp chớp mắt và mỉm cười một mình. Siêu quay mặt đi vì không muốn cho Mùi ngượng và chàng cũng ngượng; chàng biết là Mùi sắp ứa nước mắt nên với khăn chứ không phải đi rửa mặt và chàng đợi cho Mùi đủ thì giờ lau thật khô nước mắt như không từng có khóc bao giờ. Chàng thổi sáo miệng, cố bắt chước tiếng một con chim hót gần đấy. Một sự vui mừng nở ra trong lòng chàng, tràn ngập cả người chàng lúc đó và đọng lại yên tĩnh mênh mang cũng như nước lụt ngoài kia tràn vào và đọng lại ngập đầy vườn. Chàng thầm nhủ:
"Cho đến lúc hai tay buông xuôi, anh cũng thế".
Quả đúng như chàng đoán, sau lưng chàng lâu lắm cũng không có tiếng chân bước. Đoán mắt Mùi đã khô chàng quay lại và ngạc nhiên thấy mình đoán sai cả, rõ ràng Mùi không khóc. Nàng ngồi dựa lưng vào ghế mây, hai bàn chân bắt tréo và tay bỏ thõng cầm lỏng cái khăn tay; dáng nàng thờ thẫn và nàng nhìn vào quãng không, hai con mắt như nghĩ ngợi. Siêu ngừng lại yên lặng ngắm Mùi. Sao nét mặt nàng lúc đó Siêu lại thấy dịu dàng thế. Mùi vẫn không nhìn lại Siêu nhưng biết là Siêu đương nhìn mình; nàng mím miệng cắn một bên môi và vì thế cái lúm đồng tiền hiện ra ở một bên má nàng. Hai hàng lông mi dài và cong cong của nàng thong thả hạ thấp xuống một tí, hàng mi dưới lại hơi vòng lên như cười và con ngươi nàng hơi rung rung sáng. Cả hai con mắt nàng Siêu thấy như đương trông ngắm một thứ gì đẹp lắm, chàng cảm thấy như là nàng đương nhìn thấy cả cái hạnh phúc của đời nàng. Siêu muốn cúi ngay xuống và hôn vào hai con mắt thân yêu ấy, hai con mắt mà chàng cũng thấy như là biểu hiệu cho sự sung sướng của cả một đời chàng.
Chàng cất tiếng hỏi Mùi, giọng rất khẽ và dịu dàng:
"Em... em tôi nghĩ gì đấy".
Mùi lúc đó mới ngước mắt nhìn lại Siêu. Nàng chớp mắt, đầu hơi nghiêng và để yên một lúc như đương nghe ngóng. Rồi nàng nói với Siêu:
"Em ấy à? Em đương nghĩ đến cái vườn rau của em".
Nguồn: Nhất Linh - Trong Tá»± lá»±c Văn Ä‘oà n. Xóm Cầu Má»›i (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Má»›i, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bà y: Nguyá»…n TÆ°á»ng Thiết. Copyright © Nguyá»…n TÆ°á»ng Thiết. Bản Ä‘iện tỠđăng trên talawas do Nguyá»…n TÆ°á»ng Thiết cung cấp.