© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
21.6.2007
Hà Văn Thuỳ
Hồ Xuân Hương từ phản kháng đến nổi loạn
 
Có nhiều cách hiểu về Hồ Xuân Hương: Nhà thơ cách mạng (Hoa Bằng), Thiên tài hiếu dâm (Trương Tửu), Bà chúa thơ Nôm (Lê Tâm, Xuân Diệu), Người lạ mặt (Trần Bích Lan)... Mỗi cách hiểu đều có cái lý riêng nhưng suy ngẫm lại thì hình như chưa có cái khuôn nào vừa vặn với vóc dáng nhà thơ! Chưa thoả lòng, chúng tôi thử tìm định nghĩa khác.


I. Hành trình Xuân Hương

Văn học sử chỉ hé ra một chút tẻo tèo teo về thân thế và cuộc đời nữ sĩ họ Hồ nhưng lại khép kín không cho ta biết tí gì về quá trình sáng tác của nữ sĩ. Trong nghiên cứu văn chương, quá trình sáng tác là một chỉ dấu đặc biệt quan trọng cho thấy điểm xuất phát cùng sự hình thành, biến đổi về tư tưởng, phong cách của tác giả. Do thiếu hiểu biết về quá trình sáng tác của Hồ Xuân Hương mà 50 bài thơ được coi như của bà tồn tại trong tư thế vừa ngẫu nhiên, vừa tản mạn. Nhận ra hạn chế này nên nhiều nhà nghiên cứu cố gắng sắp xếp chúng. Ông Nguyễn Hữu Tiến trong Giai nhân di mặc ấn hành hồi đầu thế kỷ trước đã dựa vào thơ rồi tưởng tượng ra một "biên niên tác", để qua đó dựng nên một tiểu sử Hồ Xuân Hương. Ông Trần Thanh Mại viết: "Có lẽ chúng ta nên chia thơ xưa nay coi là của Hồ Xuân Hương ra làm ba loại: một loại gồm những bài có tính tư tưởng cao và có phương pháp nghệ thuật thanh nhã, một loại gồm những bài có yếu tố tục, những yếu tố đó nhằm một mục đích yêu cầu tiến bộ và loại thứ ba gồm những bài có tính chất khêu gợi không lành mạnh, những bài có yếu tố dâm". (Nghiên cứu Văn học 1961, dẫn theo Ðỗ Lai Thuý, Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực, Nxb Văn hoá Thông tin 1999). Ông Ðỗ Lai Thuý lại chia làm 6 mục: những bài vịnh vật, những bài vịnh cảnh... Thời gian cho thấy những cách sắp xếp trên đều bất cập. Ông Nguyễn Hữu Tiến đã tiểu thuyết hoá đối tượng nghiên cứu của mình. Cách phân chia của ông Trần Thanh Mại rơi vào thực dụng nên khiên cưỡng không thuyết phục. Cách sắp đặt của ông Ðỗ Lai Thuý không có giá trị học thuật mà chỉ là sự thay tập hợp tản mạn này bằng tập hợp tản mạn khác: Cách phân loại thành “phong cách môn”, “nhân đạo môn”... theo Hồng Ðức quốc âm thi tập chỉ có ý nghĩa đối với những tác giả được biết rõ về tiểu sử cũng như quá trình sáng tác!

Từ những bất cập của người đi trước, chúng tôi nhận ra phải xâu sợi chỉ đỏ xuyên suốt những bài thơ rời rạc của Xuân Hương thành một chuỗi. Ðể làm việc này, chúng tôi sắp xếp những bài thơ hiện có theo quá trình chúng có thể được sáng tạo ra, từ đó mong sẽ dựng lên một lý lịch tâm hồn, thấy được sự chuyển biến của nữ sĩ về con người, tư tưởng cũng như phong cách sáng tạo.

Thời kỳ thứ nhất

Theo như những nét tiểu sử hiện có thì thân sinh Hồ Xuân Hương là thày đồ, thuộc một dòng văn học của vùng quê văn hoá nổi tiếng là làng Quỳnh Ðôi xứ Nghệ ra Kinh dạy học. Mẹ bà là người con gái xứ Ðông thuần hậu. Thuở nhỏ Hồ Xuân Hương được học chữ, học làm thơ và cố nhiên học tam tòng tứ đức. Nàng là một khuê nữ dẫu không đài các cũng nền nếp con nhà. Ta nhận ra điều này trong bài thơ “Bánh trôi nước”:

Thân em thì trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son!

Bài thơ là lời tự giới thiệu cho thấy tác giả là thiếu nữ chỉn chu, khiêm nhường, cùng với bề ngoài tròn trặn hấp dẫn còn có một tâm hồn trong trắng, có tấm lòng son. Người thiếu nữ này cũng khao khát tình yêu và biết yêu chân thành thể hiện qua bài “Mời trầu”:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Ðừng xanh như lá bạc như vôi!

Khách đến chơi hay mối manh gì đó, nàng thiếu nữ mời trầu. Khiêm nhường lắm vì nàng chỉ có được trầu hôi! Bưng cơi trầu rưng rưng mời khách mà lòng nàng thầm ước ao: duyên thắm lại, đừng xanh bạc như thói đời! Ta như nhìn thấy bàn tay nàng run run, miệng ấp úng lời mời chân thành đến tội nghiệp! Ở hai bài thơ trên, hoàn toàn không có chút gì dâm tục mà chỉ thấy mối chân tình đến tận cùng của người con gái khát khao hạnh phúc.

Nếu chỉ vậy, Xuân Hương sẽ có cuộc đời khác. Nàng sẽ thành mệnh phụ phu nhân vượng phu ích tử sống cuộc sống êm ấm. Nhưng oái oăm thay, trong người thiếu nữ vốn chân chất ấy lại chứa đựng tài năng văn chương cùng những khát khao sống vượt ra ngoài chiều kích bình thường của một khuê nữ.

Với hai vế đối “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”, người thường nhân đã giật mình vì cái khẩu khí ngang tàng khác đời của một nhi nữ. Không chỉ có vậy, hai bài “Mắng học trò dốt” với lời lẽ vừa trịch thượng vừa cay độc: “lũ ngẩn ngơ/ chị dạy làm thơ” rồi “ong non ngứa nọc, dê cỏn buồn sừng...” là những đòn đau đánh vào phân nửa nhân loại đầy tự tôn. Vẫn chưa hết, đòn bồi tiếp lại đụng đến thánh thần: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?” (“Ðề đền Sầm công”). Không chỉ chê bai họ Sầm mà còn là lời thách thức "phạm thượng" đối với giới mày râu! Không dừng ở đó, còn thêm ba bài thơ về các nhà sư: “Kiếp tu hành”, “Sư bị ong châm”, “Sư hổ mang”. Sáu bài thơ trên là những lằn roi mây quất vào giới mày râu cùng giới tu hành. Ðau nhưng họ phải nén chịu vì nàng nói đúng quá: phần đông họ dốt hơn nàng, các nhà sư quả có chuyện hổ ngươi! Ngay cả cái ông thần họ Sầm kia thực ra cũng chẳng đáng để thờ! Giận đấy nhưng không làm gì được! Cùng lắm, "phái mạnh" - kẻ thua cuộc - cũng chỉ có thể cả vú lấp miệng em, mắng nàng là đành hanh, kiêu căng, lăng loàn… vậy thôi!

Nhưng khi những bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Tranh tố nữ”, “Ðánh đu”, “Cái giếng”, “Cái quạt”, “Quả mít”, “Ốc nhồi” ra đời thì sự thể đã khác! Người ta thích thú reo lên vì kẻ phạm tội bị bắt quả tang: Xuân Hương làm thơ dâm! Tình thế mới xuất hiện: trong khi kín đáo chuyền nhau chép trộm những bài thơ ấy rồi thú vị ngâm nga trong lúc vắng vẻ thì ngoài miệng các bậc chính nhân quân tử đạo mạo cao giọng kết án nữ sĩ không chỉ là kênh kiệu lăng loàn mà con mẹ này còn là kẻ đĩ thoã làm thơ dâm, nguy hiểm cho đạo đức xã hội, đáng phải lên án! Chòng ong ong đốt: chắc là có nhiều cú đòn thù đánh vào nàng thơ. Ðòn đánh cay nghiệt nhất được thể hiện qua Chiêu Hổ. Bằng những bài thơ đối đáp giữa nhà thơ và Chiêu Hổ, ta hiểu tình cảm của hai người đã sâu nặng. Ta cũng mong rằng tài tử kết hợp với giai nhân. Nhưng rồi cuộc tình chấm dứt thật phũ phàng với những lời mắng cạn tàu ráo máng: “Ðù mẹ cái hồng nhan/ Làm đĩ càn!” Rõ ràng từ yêu nhau đã hoá thành mười phụ nhau! Và người bị đau, thua cuộc ê chề lại là nữ sĩ! Với hai câu đối đoạn tình trên, giai đoạn thứ nhất trong sáng tác của Xuân Hương chấm dứt. Ðây là giai đoạn người thiếu nữ Xuân Hương còn trong trắng với ước mơ hạnh phúc, còn gìn vàng giữ ngọc về tình duyên cũng như danh tiếng. Nàng mới làm những bài thơ mắng học trò dốt, bài bác nhà sư hổ mang và những bài mà ý dâm tục còn trong mức tế nhị .

Thời kỳ thứ hai

Từ trước, trong cuộc đấu với đời, Xuân Hương luôn thắng: thắng lũ học trò cười chê nàng ngã, thắng lũ học trò dốt, thắng nhà sư hổ mang, thắng cả thánh thần là Sầm Nghi Ðống... Thất bại với Chiêu Hổ là thất bại đầu tiên của nhà thơ. Thất bại này là cú sốc lớn đánh vào danh dự, lòng tự hào và toàn bộ cuộc sống của nàng! Cùng với Chiêu Hổ, nhiều bạn thơ bạn tình của nàng lần lượt ra đi. Họ có thể hoạ thơ đối đáp với nàng để cầu danh, để mua vui hoặc ỡm ờ tình ngãi nhưng không ai chịu ở lại với nàng. Nàng từ một người được chiều chuộng, săn đón bỗng bị hắt hủi trơ trọi trong cảnh “mẹ già nhà túng”. Trong cô đơn đau buồn, nàng rút vào cuộc sống nội tâm. Ðây là thời kỳ của ba bài thơ “Tự tình” bộc lộ tâm trạng lo lắng bồn chồn của cảnh muộn màng, chăn đơn gối lẻ. Ta thấy đó là những bài thơ trữ tình tuyệt tác, là tiếng kêu than thê thiết của thân phận người phụ nữ. Ở đây không hề có yếu tố dâm tục. Bài “Không chồng mà chửa” cũng được làm ở thời kỳ này: trong hoàn cảnh của mình, nhà thơ thông cảm với chuyện lỡ làng của mọi kiếp đàn bà nói chung và có thể với số phận chính mình? Trong đời thực, thời kỳ này tác giả gặp những trắc trở về duyên phận: hai lần lấy chồng thì cả hai lần phải làm lẽ và làm lẽ cũng không xong: chồng chết sớm! Nàng lại mang cái tiếng khủng khiếp là đàn bà sát chồng! Những bài: “Làm lẽ”, “Phận đàn bà”, một số bài thơ về hang động, “Dỗ người đàn bà chết chồng”, “Bỡn bà lang khóc chồng”, “Khóc Tổng Cóc”, “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” ra đời trong thời kỳ này. Ở những bài thơ vừa kể, yếu tố dâm tục tăng lên. Thời kỳ này chấm dứt cùng với cái chết của ông phủ Vĩnh Tường. “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” là bài thơ tràn đầy nước mắt, nỗi đau và thất vọng.

Thời kỳ thứ ba

Sau cái chết của người chồng thứ hai, Hồ Xuân Hương rơi vào khủng hoảng. Không chỉ tai tiếng về thơ phú, bà còn mắc tai tiếng trong cuộc đời: cái tiếng sát phu là cái gông đeo trên cổ nhà thơ! Một điều chắc chắn: không còn người đàn ông nào dám đến một cách nghiêm túc với bà nữa! Bà biết mình sẽ cô đơn cô độc, trơ trọi, không chồng, không con đến suốt đời. Với tâm trạng của kẻ cùi không sợ lở, không còn gì để mất, từ chỗ phản kháng, bà nổi loạn chống lại xã hội. Tuyên ngôn của nữ sĩ lúc này là:

Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời!

Ý nghĩa của cái tuyên ngôn này ra sao? “Chôn chặt văn chương” có thể hiểu, ông phủ là một bồ văn chương. Khi ông chết, cái bồ ấy bị chôn đi? Cũng có thể hiểu là cùng với việc người chồng thân yêu mất đi, bà mất luôn cái hứng văn chương của mình? Chúng tôi nghiêng về nghĩa thứ hai! Còn “tung hê hồ thỉ”? Hồ thỉ tang bồng là cái ý chí là cái ước mơ đạt tới cao xa của con người! Cùng với việc chồng chết, bà không còn gì để ước mơ hy vọng, cũng không còn gì phải gìn giữ, trở nên thí mạng cùi, liều lĩnh coi khinh tất cả, vứt bỏ tất cả, tung hê tất cả! Cùng với hành động nổi loạn này, ta cũng xét đến chứng bệnh thần kinh sinh ra do ẩn ức tình dục tác động, khiến cho thơ bà càng mang đậm yếu tố dâm tục hơn. Lúc này là người tự do, không phải vướng bận với chồng con gì, bà đi thăm thú nhiều thắng cảnh và ở mỗi nơi đều để lại thơ: “Ðèo Ba Dội”, “Kẽm Trống”, “Hang Cắc Cớ”, “Chùa Quán Sứ”, “Ðá ông chồng bà chồng”, “Chợ trời chùa Thầy”, “Một cảnh chùa”, “Cảnh thu”, “Chơi đền Khán Xuân”, “Qua cửa Ðó”, “Tát nước”, “Dệt cửi”, “Trống thủng”, “Trăng thu”, “Ông cử vỏ”. Nhiều bài trong đó không hề có ý nghĩa xã hội nhân sinh, dâm tục chỉ để mà dâm tục, trở thành bệnh hoạn như “Trống thủng”, “Ông cử võ”, “Ðộng Hương Tích”, “Vịnh nữ vô âm”, “Trăng Thu”. Ðàn bà sở dĩ là đàn bà bởi nết yểu điệu thục nữ. Dịch nói đức người mẹ là đức quẻ Khôn (thủy), đức nhu thuận, bao dung, nuôi nấng. Khi người đàn bà không còn giữ được đức trinh nguyên nhu thuận nữa thì đấy là loạn. “Trống thủng” là bài thơ không hề có ý nghĩa nhân sinh nào mà chỉ là sự gợi dục đến mức quá quắt thành trơ trẽn. “Ông cử võ” không có giá trị văn chương ngôn từ nào mà chỉ là sự mô tả trắng trợn cơ quan sinh dục nam, kiểu những tổng kết rất tục của dân gian: lá vông, hạt hồng, lông ấu... Nhưng đấy là dân gian! Một người đàn ông có thể viết ra, làm ra nhưng chắc hẳn không ai dám đứng tên, xác nhận bản quyền loại văn chương như thế! Càng tệ hơn nó lại là sản phẩm ngôn từ của đàn bà, thêm vào đó lại xưng tên nhận họ! “Vịnh nữ vô âm” còn đẩy lên một mức về sự gợi dục. Và dù có cố công, người ta cũng không thể bênh nổi nữ sĩ trong việc đùa bỡn với dị tật của con người, khai thác yếu tố dâm một cách bệnh hoạn mà thiếu đi một tấm lòng. “Ðộng Hương Tích” cũng là sản phẩm của tâm lý nổi loạn đến mức bệnh hoạn. Một danh thắng từng được khen là Nam thiên đệ nhất, không chỉ là nơi thờ phụng mà là cảnh non bồng nước nhược các tao nhân mặc khách đến thưởng thức ngâm vịnh cũng bị hạ thấp xuống, bị dung tục hoá thành cái đó! Khi vừng trăng thanh cao hiền dịu muôn đời cũng bị vấy máu hành kinh đỏ lòm lom thì không thể nào nói khác hơn là ở đây sự phản kháng xã hội đã đến mức bệnh hoạn! Cuộc sống luôn cần chuẩn mực. Nguyễn Khuyến từng chê Tú Xương “đem nho đối xỏ lão này không ưa!” Lời chê trách có lý.

Hành trình được dẫn ra ở trên chỉ là giả định. Những bài thơ xếp trong từng thời kỳ cũng chỉ là ước chừng, có thể hoán chuyển. Ðiều chúng tôi muốn xác định là ba cái mốc: thời kỳ thứ nhất mở ra bằng những bài “Bánh trôi nước”, “Mời trầu” và kết thúc bằng hai cặp câu đối giữa Chiêu Hổ và Xuân Hương. Thời kỳ thứ hai bắt đầu bằng những bài “Tự tình” rồi kết thúc bằng bài “Khóc ông phủ Vĩnh Tường”. Qua từng thời kỳ, cùng với biến động trong cuộc sống, chất dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương tăng dần lên đến độ bệnh hoạn.


II. Thử đánh giá thơ Hồ Xuân Hương

Không ai có thể phủ nhận rằng, những bài thơ hiện cho là của Hồ Xuân Hương được nhiều thế hệ người đọc say mê. Thừa nhận điều này, một câu hỏi nảy sinh: Người ta mê thơ Hồ Xuân Hương vì nỗi gì? Theo thiển ý, trong hơn trăm năm qua, dân trí số đông người bình dân còn thấp. Gặp thơ Hồ Xuân Hương, trước hết, theo bản năng, người ta khoái cái yếu tố gợi dục trong đó, không khác gì mê những câu đố tục giảng thanh hay những câu chuyện tiếu lâm truyền miệng vốn là nguồn giải trí hiếm hoi trong cuộc sống ngưng đọng khép kín thời đó. Họ chưa biết thưởng thức văn chương. Trong khi đó người có học thưởng thức thơ Xuân Hương bằng khoái cảm kép: vừa thích thú cái ý ngầm gợi dục, họ vừa nhận ra trong những bài thơ này một nghệ thuật ngôn từ, thanh âm tuyệt vời! Rồi để chứng tỏ mình thanh cao, trong tiếp xúc qua lại, họ giảng cho dân quê biết cái hay của chữ nghĩa, cái khéo trong mẹo luật làm thơ... Dần dần người dân quê giác ngộ, vượt khỏi sự thưởng thức cái dâm tục theo bản năng để đến với sự thưởng thức văn chương đích thực. Nếu trước đây chỉ tâm đắc cái phần gợi dục của thơ thì bây giờ họ có thêm khoái cảm về ngôn từ về thanh điệu. Sự thưởng thức của họ từ bản năng chuyển dần sang trí tuệ. Rồi từ sự giác ngộ đó, người trước truyền cho người sau, dân trí được nâng dần. Nhưng dù dân trí nâng lên, dù biết thưởng thức văn chương thì sự gợi dục trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn là thứ ma tuý cuốn hút mãnh liệt! Có thể nói, nếu thiếu yếu tố dâm tục thì thơ Hồ Xuân Hương không thể hấp dẫn số đông người đến vậy. Nhìn vào Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ðoàn Thị Ðiểm, Bà Thanh Quan thì rõ: thơ của họ dù hay về nghệ thuật dù thấm đẫm triết lý nhân sinh cũng không lan toả sâu rộng đến vậy trong dân gian.

Ðánh giá thơ Hồ Xuân Hương ra sao? Chúng tôi đồng ý với nhiều người đi trước cho rằng, bà là người đầu tiên và duy nhất ở nước Nam đã Việt hoá, dân gian hoá thể thơ Ðường luật đến độ mềm mại uyển chuyển gần với tâm hồn dân tộc Việt nhất. Bà cũng là phù thuỷ sai khiến chữ nghĩa thăng hoa lên bằng tài năng ma thuật. Bà cũng là pháp sư trong việc lồng ý ẩn vào trong những chữ nghĩa thông thường. Có thể nói, thơ Hồ Xuân Hương là phòng trưng bày tranh khoả thân. Nhiều bức đẹp mê hồn nâng ta lên trong khoái cảm lành mạnh thanh cao nhưng trong đó lẫn vào không it những bức tranh thô thiển chỉ có ý nghĩa gợi dục dung tục!

Có cảm tưởng rằng, nhiều nhà nghiên cứu, do ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng, quá say mê với thơ Hồ Xuân Hương mà không bóc tách được những yếu tố tiêu cực này, đã ca ngợi không chọn lọc, nên ý tưởng của họ vừa thiếu khoa học vừa không có lợi cho môi trường văn hoá.


III. Về cội nguồn thơ Hồ Xuân Hương

Trong việc nghiên cứu nữ sĩ họ Hồ, một vấn đề thú vị được đặt ra là tìm cội nguồn của thơ bà. Nhiều tác giả lý giải điều này. Ngay từ rất sớm, Trương Tửu áp dụng học thuyết phân tâm của Freud cho rằng thơ bà là hệ quả của ẩn ức tình dục. Ông Nguyễn Văn Hanh cũng viết cả cuốn sách về đề tài này. Ông Tam Vị cho là do ảnh hưởng của tinh thần phục hưng. Những nhà nghiên cứu đến sau nói theo Bakhtin cho là ảnh hưởng của Lễ hội giả trang (carnival). Ông Ðỗ Lai Thuý phát triển quan điểm của Trương Tửu, cho là hoài niệm phồn thực. Về ý tưởng của ông Ðỗ Lai Thuý, chúng tôi thấy:
  1. Khi phồn thực đã thành tín ngưỡng thì nó trở nên thiêng, không còn khả năng gợi dục nữa. Trong lễ hội phồn thực, việc rước nõ, nường rồi cho nõ nường đụng nhau là nghi lễ thờ cúng thiêng liêng, không còn ý nghĩa gợi dục cũng như khi đứng trước tranh tượng Ðức Mẹ đồng trinh, con chiên không còn cảm giác dâm. Vì vậy, tín ngưỡng phồn thực không thể là cội nguồn sâu xa cho những bài thơ gợi dục của Hồ Xuân Hương.

  2. Theo nghĩa Việt - Hán thì hoài niệm là tưởng nhớ về cái đã mất, chẳng hạn hoài niệm về thời niên thiếu, về người mẹ đã qua đời... Phồn thực là việc hiện có, hiện sinh (mà rõ ràng, ngày sau mức độ còn cao hơn ngày trước). Như vậy, nói theo kiểu ông Thuý, hoài niệm phồn thực là tưởng nhớ về cái đang còn, đang có. Một sự vô nghĩa, khác nào đang ôm vợ trong tay lại tưởng nhớ về chính người vợ đó!

  3. Tục thờ phồn thực là tín ngưỡng cổ của người Việt nhưng từ lâu, do ảnh hưởng quan niệm Phật giáo, đặc biệt là thời Trần, cho là dâm tục nên Trần Thái Tông đã bài bác, cấm đoán. Vì vậy, tục thờ này hầu như bị xoá trong tín ngưỡng Việt. Những gì còn lại chỉ là dư ảnh. Dư ảnh mờ nhạt lại bị bài xích của tín ngưỡng phồn thực mà sinh ra được một Hồ Xuân Hương thì theo lô gíc đó, những sắc tộc đang thờ phồn thực như Chăm, Khmer... hẳn sẽ sản sinh ra nhiều nhiều Hồ Xuân Hương?!
Vì những lẽ trên, chúng tôi cho rằng hoài niệm phồn thực tưởng như phát hiện hay ho nhưng là một khái niệm vô nghĩa!

Học hỏi những người đi trước, chúng tôi cho rằng, việc áp dụng Freud để lý giải ca Hồ Xuân Hương là một giải pháp khoa học. Chỉ có thể cắt nghĩa thơ Xuân Hương là kết quả của sự thăng hoa tinh thần do bệnh lý thần kinh ẩn ức tình dục. Nhưng nếu tuyệt đối hoá điều này và coi là nguyên nhân duy nhất thì rơi vào phiến diện. Chúng tôi cho rằng hiện tượng này có cơ sở xã hội sâu xa hơn.

Theo thiển ý, những dòng suối cội nguồn làm nên hợp lưu thơ Hồ Xuân Hương là:
  1. Yếu tố xã hội: Thời đại mà Hồ Xuân Hương sống, xã hội Việt Nam có những biến chuyển sâu sắc. Cùng với sự lung lay mục nát của thể chế quân chủ là một phong trào vùng dậy quật khởi của nhân dân mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn. Những biến động xã hội này tạo ra tinh thần dân chủ chưa từng có, làm cho con người được giải phóng về thể chất cũng như tinh thần. Ðây thực sự là thời kỳ phục hưng trong lịch sử Việt Nam.

  2. Yếu tố văn hoá: Ðược tinh thần phục hưng cổ vũ, hàng loạt tác phẩm lớn ra đời: Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Hoa tiên truyện, Truyện Kiều, thơ bà Thanh Quan, Ðoàn Thị Ðiểm... Cùng với văn chương bác học, văn chương bình dân cũng đua nhau nở rộ: nhiều truyện thơ Nôm khuyết danh, càng nhiều hơn những truyện dân gian trong đó có loại truyện tiếu lâm. Những truyện dân gian này mang hai nội dung chính: chống lại sự áp bức bóc lột, đạo lý cổ hủ, hoặc giả đạo đức trong xã hội. Nội dung khác là tục và dâm phản ánh nhu cầu đòi giải phóng bản năng, vừa như vũ khí đấu tranh, vừa giúp giải toả ẩn ức tính dục trong xã hội thanh giáo đóng kín. Thời kỳ này do biến động xã hội nên con người cũng chuyển dịch nhiều, những câu chuyện nhanh chóng được truyền từ nơi này đến nơi khác, kích thích những tác giả dân gian sáng tác hay nhuận sắc những câu chuyện vừa nghe được.

  3. Yếu tố cá nhân: Hồ Xuân Hương thuộc nền nếp con nhà nhưng gia cảnh không cho bà được sống sung túc và học cao để gia nhập tầng lớp quan liêu. Vốn học và gia cảnh chỉ cho phép bà ở mức cuối cùng của trí thức sống lẫn cùng dân gian. Với hồn thơ thiên bẩm, với vốn liếng thi ca học được, bà trở thành một trong những tác giả quần chúng vô danh mọc lên như nấm. Những tác giả khác, sau khi làm ra vài bài thơ hay câu chuyện được lưu truyền thì có thể vì hết tài không còn làm được nữa, cũng có thể vì làm ra những bài thơ, câu chuyện tục tĩu chống báng mà bị phản ứng gay gắt của hương chức của gia tộc nên tác giả "nghỉ chơi". Ðiều này khá phổ biến. Tôi từng chứng kiến khoảng 30-40 năm trước, làng tôi có một bà ngoài 50 tuổi, mới đọc thông viết thạo qua lớp bình dân học vụ nhưng có biệt tài làm câu đối và ghép thơ thất ngôn bát cú nói về những việc đáng cười đáng chê xảy ra ở thôn xã. Tôi còn nhớ lúc đó có anh T quá nghèo nên hay ăn trộm vặt. Một lần T bị bắt quả tang, dân quân dong lên xã. Hôm sau anh về nhà, được xã cho cái áo và mấy bơ gạo. Cũng lúc đó, hai anh em ông N và Ð là cán bộ thôn, tranh một đống phân đánh nhau vỡ đầu phải đi cấp cứu. Lập tức câu đối: Tổng T. ăn trộm trên khen thưởng/ N, Ð tranh cứt tổn nhà thương được truyền tụng. Sau đó còn mấy bài thơ nói về việc gian lận công điểm trong tổ đổi công. Chính quyền gọi lên cảnh cáo. Trở về bà không làm thơ vè nữa. Nhiều tác giả dân gian mai một như vậy.
Riêng Xuân Hương, do hoàn cảnh là dân chợ, mới ở Thăng Long đời thứ hai, cha mất sớm, không bị ràng buộc vào gia thế, chẳng sợ gì điều tiếng và vì có thực tài nên bà cứ làm thơ, ngày càng nhiều, ngày càng thách thức dư luận và trở thành tác giả.

Ta từng biết: tính cách làm nên số phận. Một con người cá tính mạnh cùng tài năng siêu việt lại phản kháng mãnh liệt lề thói của xã hội, tất nhiên bị xã hội trả thù khốc liệt! Ta trách Chiêu Hổ bội bạc nhưng trong chừng mực nào cũng phải thể tất cho chàng. Chàng đỗ đạt, là “phương diện quốc gia” nên phải giữ gìn trong mọi quan hệ. Ngay chúng ta ngày nay, muốn nên người thì chuyện chọn vợ tìm chồng cũng phải vừa mắt tổ chức. Ðố anh nào rắp ranh nghé cấp nọ cấp kia mà dám dính vào một người đàn bà tai tiếng cỡ Xuân Hương?! Thất bại trong cuộc đời, nhất là trong cuộc sống lứa đôi đã đẩy Xuân Hương từ người phản kháng đến mức nổi loạn. Khi mặc cảm nổi loạn đẩy lên cao, lúc đó ẩn ức tính dục cũng phát triển thành thứ bệnh tâm thần, nó khiến nhà thơ nhìn cái gì cũng mang màu sắc gợi dục. Bệnh lý này tạo nên sự thăng hoa của tinh thần ở mức nào đó nhưng khi bị đẩy lên thái quá, lại cho ra những sản phẩm bệnh hoạn, đó là những bài thơ gợi dục quá đà.

Với cuộc đời trần tục, Xuân Hương là người thất bại ê chề: không chồng không con, không danh phận. Ngay cả thơ bà cũng không được xã hội thừa nhận: không tuyển tập văn chương đương thời nào nhắc đến bà. Ngay trong tộc phả bà cũng không có được một dòng tên! Không khác gì Ðạm Tiên trong Truyện Kiều, cả cuộc đời nàng chỉ còn lại nấm mồ vô chủ! Ðấy là ngón đòn thù mà xã hội cay nghiệt giáng lên số phận kẻ dám chống lại nó!

Do không có văn bản xác thực nên việc nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương vô cùng khó khăn. Nhiều người muốn bóc tách những bài thơ mà họ cho là lộn sòng ra khỏi thơ được coi là của Xuân Hương. Nhưng điều này dường như bất khả thi vì nếu có sự lộn sòng thì tác giả dân gian đã nhại Xuân Hương đến mức tuyệt chiêu nên không thể phân biệt được đâu là thực đâu là giả. Cũng như trong ngụ ngôn Êdốp không tách nổi nước sông khỏi nước biển! Trong tình hình như vậy, chúng ta buộc phải dùng biện pháp tình thế là chấp nhận những bài thơ hiện có là của Xuân Hương. Nhưng khi bình giảng phải làm rõ những mặt hạn chế trong thơ bà đồng thời có sự phê phán cần thiết. Nếu bỏ đi những bài như “Ông cử võ”, “Trống thủng”, “Vịnh nữ vô âm”, “Trăng thu”, tập thơ bớt được phần tục tĩu mà vẫn không mất đi phẩm chất vốn có.

Sài Gòn, 7.2004

© 2007 talawas