© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
23.6.2007
Jason Gibbs
Hà Nội “rock” như thế nào? Lối vào Rock’n’Roll ở Việt Nam
Nguyễn Trương Quý dịch
 1   2 
 
Ví dụ 1 - Khánh Băng (trái), Phương Tâm (bên cạnh), Phùng Trọng (ở giữa), Mary Lynh (nữ bên phải) và ban Dewdrop (Khánh Băng 1968)
Ví dụ 2 - “Người yêu lí tưởng”, sáng tác của Y Vân - một bài hát đầu tiên sáng tác theo kiểu kích động nhạc.
Ví dụ 3 – Hình bìa bản nhạc “Gặp nhau trên phố” của Trịnh Lâm Ngân, với Mai Lệ Huyền và Hùng Cường
Ví dụ 4 - “Gặp nhau trên phố” của Trịnh Lâm Ngân (một bút danh viết chung của Nhật Ngân và Trần Trịnh) - được viết theo nhịp “slow surf”. Từ năm 1967 đến 1971, hai nhạc sĩ này đã viết một chùm ca khúc để lăng xê cho đôi song ca Hùng Cường và Mai Lệ Huyền cho buổi trình diễn tạp kĩ của họ trên truyền hình Sài Gòn (xem ví dụ 3). [4]
Ví dụ 5 – Khán giả tại Đại hội Nhạc Taberd, 1965 (Trường Kỳ 2002, 129)
Ví dụ 6 - Quảng cáo bar Tự Do, với ban nhạc The Strawberry Four (Saigon Daily News (May 4, 1967))
Ví dụ 7 – Ban nhạc CBC (Marlow 1970)
Ví dụ 8 - “Hãy ngước mặt nhìn đời”, của Lê Hựu Hà
Những gốc gác ban đầu của nhạc rock trên thế giới gần như đồng thời với sự kiện chia đôi đất nước Việt Nam năm 1954; đĩa đơn đầu tiên của Elvis Presley được phát trên sóng phát thanh đúng lúc người Pháp chấp thuận triệt thoái khỏi Đông Dương (James 1989, 122). Không lâu sau đó, cố vấn và nhân viên quân sự Mĩ có mặt tại Nam Việt Nam, mang theo cùng với hành lí của họ là những đĩa nhạc phổ thông Mĩ mới nhất. Rock là âm nhạc của thời Chiến tranh Lạnh và thường vô tình biến thành một công cụ tranh đấu trong cuộc chiến ý thức hệ. Ở phương Tây, nó vừa bị xem như kẻ thù nằm vùng lại vừa được coi như một biểu hiện của tự do và hoà bình. Khối Xôviết lại sợ nó vì khả năng tập hợp thanh niên và xoáy vào sự nổi loạn trong họ. Những sự trái chiều về quan điểm văn hoá và ý thức hệ này đã có ảnh hưởng đến nhạc rock ở Việt Nam.

Từ năm 1954 đã có lệnh cấm mọi thứ giải trí phương Tây tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thủ đô Hà Nội (tức Bắc Việt Nam). Rock vào Việt Nam thông qua ngả Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam). Mặc dù dễ bị sự kiểm soát của xã hội trong thời chiến, nhưng rock không gặp phải sự kiểm duyệt nặng nề và thậm chí còn kết hợp chặt chẽ với phương tiện tuyên truyền ở miền Nam. Sau khi Sài Gòn sụp đổ và Việt Nam thống nhất năm 1975, chế độ Cộng sản chiến thắng cấm nhạc rock miền Nam. Dù vậy, nó vẫn là một phần của trí nhớ tập thể Sài Gòn và còn chảy ngược ra Hà Nội. Tuy rằng luôn chỉ có một thị hiếu hạn hẹp, rock đã tìm ra một lớp thính giả say mê hết mình trong giới trẻ có học Việt Nam trong các trường tư thục và đại học Nam Việt Nam. Trong bài viết này tôi sẽ khắc hoạ sự phát triển của nhạc rock ở Việt Nam, bắt đầu từ những khởi điểm ở miền Nam và sự tiến hoá muộn hơn gần như lặp lại ở miền Bắc.


Rock ở miền Nam Việt Nam

Bảng 1 tóm tắt sự tiến hoá của nhạc rock ở Việt Nam Cộng hoà (VNCH - Nam Việt Nam).

Bảng 1 – Các giai đoạn của nhạc Rock ở VNCH (1954-1975)
  1. Rock là phương tiện giải trí cho người Mĩ và người nước ngoài
  2. Kích động nhạc (cách gọi lúc bấy giờ)
  3. Rock là một phần của các chương trình giải trí tạp kĩ và sàn nhảy
  4. Các ban nhóm nghiệp dư và chuyên nghiệp chia sẻ kinh nghiệm nhạc rock thông qua các buổi biểu diễn chung (nhạc trẻ)
  5. Sự Việt hoá của rock – các ban nhạc rock viết bài hát tiếng Việt (gồm cả các bài hát phương Tây phổ lời Việt và những bài hát Việt Nam thực sự)
Nhạc rock được trình diễn tại Việt Nam sớm nhất thường do các ban nhạc Philippines nhằm phục vụ cho người Mĩ và người nước ngoài khác tại các hộp đêm Sài Gòn. Những ban nhóm này có kèm cặp cho những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên tham gia cùng với họ chơi trong các quán bar và sàn nhảy. Giai đoạn thứ hai là một kiểu nhạc được gọi là kích động nhạc. Đầu tiên là những bài hát rock và pop Mĩ Pháp được người Việt hát và chơi nhạc. Vào đầu những năm 1960, có những bài hát tiếng Việt được viết theo nhịp nhảy như “mashed potato,” “watusi,” “a go go,” và đặc biệt là “twist” -- tất cả chúng đều là những nhịp nhảy đương thời của rock and roll. [1] Những nhịp điệu này được tích hợp trong các chương trình tạp kĩ và tiết mục của sàn nhảy.

Từ cuối những năm 1940, thị trường âm nhạc đô thị Việt Nam được tổ chức theo kiểu Tin Pan Alley – như một doanh nghiệp - người viết ca khúc, nhà sản xuất, dàn nhạc phát thanh và nhạc nhảy, các nhà tổ chức và các ca sĩ thực hiện vai trò của mình trong sáng tác, trình diễn và quảng bá nhạc phổ thông. Vào giai đoạn ba của nhạc rock, những nhà sáng tác dùng các kiểu nhạc rock'n'roll và R&B (rhythm and blues) để mở rộng bảng màu sáng tạo của mình. Điệu twist nói riêng và khiêu vũ nói chung trở thành những trận chiến văn hoá trung tâm của xã hội Nam Việt Nam dưới thời Ngô Đình Diệm (1954-1963). Nó bị lên án như sự lăng mạ luân thường đạo lí và bị cấm trong suốt những hoạt động của Bà Nhu (Trần Lệ Xuân) – em dâu tổng thống. [2] Mặt trận Dân tộc Giải phóng của người cộng sản cũng lên án người Mĩ đã “dạy” thanh thiếu niên Việt Nam học twist. [3]

Do xu thế và tính chất sôi động của nó, rock'n'roll and R&B được đưa vào nhạc của chương trình tâm lí chiến của chế độ miền Nam. Kích động nhạc được dùng như một hình thức để viết những bài hát tình yêu vui vẻ, thường thể hiện những người lính VNCH theo mẫu người hùng đầy hăng hái sôi nổi. Ví dụ 1 là ảnh ban Dew Drop (Giọt Sương), ban nhạc do hai nhạc sĩ rock đầu tiên của Việt Nam cầm chịch là Khánh Băng (guitar) và Phùng Trọng (trống). Hai giọng ca nữ là Phương Tâm và Mary Lynh.

Ví dụ 2 – “Người yêu lí tưởng” – Y Vân, 1965:

Em thường hay ước mơ
Mơ người yêu lí tưởng
Với vẻ hào hoa lẫn nét kiêu hùng điểm chút phong sương
Sẽ là chàng chiến binh hay là chàng phi công hay là chàng thuỷ thủ.

Bài hát mở đầu với câu riff ngắn kiểu blues cho solo guitar trượt giữa cấp độ gam âm 4 và 5. Giai điệu chủ yếu là ngũ cung trên mô hình phát triển 12 ô nhịp thể thứ của blues tiêu biểu của thể twist (i-i-i-i-iv-iv-i-i-v-iv-i-i). Giai điệu chú trọng vào quãng bốn hoàn chỉnh và quãng năm, rất giống với quãng âm dùng trong nhạc cổ truyền và do đó khá vừa vặn với ngữ âm tiếng Việt.

Ví dụ 4 – “Gặp nhau trên phố” – Trịnh Lâm Ngân, 1969:

Hỡi cô má hồng bé nhỏ xinh xinh
Dừng chân cho tôi hỏi thăm đôi phút
Hỏi đoá hoa kia có chủ hay chưa?
Hỏi trong đêm Xuân có mơ gì không?
Sao em lặng im mắt quay nhìn xa vời
Cớ làm sao không trả lời?

Tiết tấu của bài “Gặp nhau trên phố” với nhịp trống hành khúc có điểm nhịp đánh kiểu rock. Bài hát cũng có mô hình phát triển 12 ô nhịp như bài “Người yêu lí tưởng” (ví dụ 2) và cũng hướng đến tương tự một tổ hợp quãng âm năm nốt âm nguyên (La-Si-Rê-Mi-Son). Trong “Gặp nhau trên phố,” các bậc thứ tư và thứ bảy trong gam âm nguyên được làm tô điểm và thăng (Rê-Rê thăng và Son-Son thăng), phản ánh đặc điểm của thang âm blues Mĩ lẫn điệu oán của cổ nhạc Việt Nam. Nốt đầu tiên có một sự kéo dài là một gam nửa cung chậm chuyển từ Son thăng sang La, tựa như cách chuyển điệu trên sân khấu cải lương nơi Hùng Cường cũng tham gia. [5]

Cùng thời điểm nhạc rock trở thành một phần của công nghệ giải trí tạp kĩ miền Nam, cũng có một sự bùng nổ trong giới học sinh sinh viên vốn đã cuốn theo các trào lưu nhạc pop quốc tế một cách mê cuồng. Họ thành lập các ban nhóm nghiệp dư, trong nhiều trường hợp đã trở thành chuyên nghiệp đủ để giải trí cho giới quân nhân Mĩ chơi các bản hit pop-rock trong các hộp đêm và các căn cứ quân sự. [6] Thêm vào đó, giới sinh viên học sinh cũng thành lập ban nhóm của mình. Vào lúc khởi đầu, những ban nhóm này có đặc điểm của những ban nhóm “garage” [7] cố gắng hướng tới việc học theo trung thành các tiết mục pop-rock Âu Mĩ. Một thời điểm có tính bản lề là Đại Hội Nhạc Taberd năm 1965 với nhiều ban nhóm sinh viên hát cover (hát lại các ca khúc thịnh hành) tại khán phòng một trường dòng. Ví dụ 5 cho thấy một lượng khán giả rất trẻ và có giáo dục trong sự kiện này, với một vài cha cố ngồi ngay hàng đầu.

Những sinh viên đã cuốn theo việc học nhạc nước ngoài không thích cái nhãn nhạc kích động vì cảm thấy nó có giới hạn đối với âm nhạc về mặt phong cách. Từ năm 1965, họ đã chọn cái tên nhạc trẻ để làm danh xưng cho phong cách của mình (Trường Kỳ 2002, 106-7). Hơn thế nữa, họ chắc chắn không quan tâm đến những bài hát tuyên truyền quá lộ liễu như kiểu những bài ở ví dụ 2 và 4. Nhà tổ chức rock Trường Kỳ sau này đã giải thích:

Tôi dùng tên "Nhạc trẻ" để thay thế cho tên gọi "Kích động nhạc" vào thời đó. "Kích động nhạc" dùng để chỉ loại nhạc "giựt gân" vào đầu thập niên 60 như twist hay rock and roll được giới trẻ say mê. Nhưng thật sự giới trẻ đâu phải chỉ thích thú với loại nhạc "kích động" hay ồn ào như thế. Họ còn rất thích những loại nhạc khác nữa chứ! Miễn sao âm thanh, tiết tấu có phần trẻ trung và mới lạ. (Trường Kỳ 2005).

Thực tế, nhạc trẻ bao gồm âm nhạc từ loại pop/rock nhẹ nhàng của Bread và The Carpenters, cho đến những bài hát yéyé của Pháp, [8] và rock nặng (heavy rock) của Mĩ.

Một sự kiện mang dấu ấn phát triển nhạc trẻ là Đại hội Nhạc trẻ Quốc tế ngoài trời diễn ra tại Sân vận động Hoa Lư ngày 29-5-1971. Buổi diễn này được Nha Chiến tranh Chánh phủ bảo trợ để gây quỹ cho những người thân của các binh sĩ chết trận Hạ Lào, được đăng tải trên cả tạp chí Rolling StoneThe New York Times. 7000 khán giả, trong đó có 500 người Mĩ đã tham dự sự kiện này với 19 tiết mục từ 5 nước; tuy nhiên chỉ có 10 tiết mục được lên sân khấu do buổi diễn bị rút ngắn vì trời mưa (Trường Kỳ 2002, 353). [9] Báo chí cánh tả chỉ trích đầy ác ý sự kiện này và phê phán giới trẻ tham dự như là “bọn Mĩ da vàng” (cũng sách trên, dẫn báo Tin Sáng). Đài Phát thanh Giải phóng, phát từ chiến khu, lên án Nhạc hội này là “không có gì ngoài việc tụ tập những kẻ ăn chơi vô kỉ luật… tìm kiếm lạc thú và văn hoá ngoại bang chỉ nhằm làm suy đồi văn hoá của ta” (xem chú thích 3).

Phóng viên Gloria Emerson (1971) viết rằng âm thanh tại buổi diễn quá tệ và vì thế những người Mĩ tham dự nghĩ người Việt “chẳng biết gì về rock”. Cô tin rằng người Việt đi xem hôm đó chủ yếu không phải vì âm nhạc mà là để được “đồng hành” (“being together”). Người Việt trên thực tế cũng không nhận thức nhiều lắm đến tính chủng tộc và xã hội của những nguyên gốc âm nhạc từ Mĩ. Trong nhiều trường hợp họ không hiểu những lời họ hát hay nghe nghĩa là gì. Âm nhạc dù sao vẫn cứ giữ một sức hút mạnh mẽ đối với họ - ban nhạc CBC, một trong những ban cover Sài Gòn chơi trong các câu lạc bộ của người Mĩ, đã có một giọng ca chính thậm chí được so sánh với Janis Joplin và Grace Slick. Năm 1970, ban nhạc này đã có một tiết mục lên đến 100 bài và họ cố gắng học thêm bốn bài hát mới hàng tuần (Marlow 1970).

Nhạc rock trở thành một phần của âm thanh đường phố Sài Gòn. Một bản tin của Nha Thông tin chính phủ miền Nam đã viết:

“... tiếng đập... tiếng chan chát từ bên hàng xóm... Trong quán bar và hộp đêm, các ban nhạc khiêu vũ đánh nhạc phương Tây và những thanh niên tóc dài hát bài hát Tây bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, các nhạc công chơi thành thạo các nhạc cụ điện tử và bộ gõ mà cha mẹ họ chưa bao giờ nghe đến” (Vietnam Feature Service 1969).

Ví dụ 6 và 7 là hình một bản quảng cáo hộp đêm năm 1969 cho ban nhạc The Strawberry Four (Bốn quả dâu tây) trên tờ Saigon Daily Post và một bức ảnh ban nhạc CBC. Ban nhạc thứ nhất ở trên với nhạc sĩ sáng tác kiêm nhạc công guitar Đức Huy và giọng ca Tuấn Ngọc, đều nổi lên trong bối cảnh âm nhạc di cư Việt Nam sau năm 1975.

Đầu những năm 1970 là lúc bắt đầu một tiến trình mà Trường Kỳ đã gọi là Việt hoá của nhạc trẻ – sáng tác lời Việt cho ca khúc pop rock phương Tây (2002, 360-1). Quan trọng hơn, đây là lúc ban nhạc Việt Nam đúng nghĩa đầu tiên trình diễn những bài hát của mình bằng tiếng Việt – Ban Phượng Hoàng. Với vẻ ngoài lãng mạn, họ viết về hoàn cảnh sống của thanh niên Sài Gòn. Trong hồi kí về giai đoạn này, Trường Kỳ viết về vai trò của âm nhạc đối với thế hệ mình: “Họ dùng âm nhạc để nói lên khát vọng của mình, để nói lên sự phẫn nộ đối với một cuộc sống nhiều giả dối. Và nhất là để bộc lộ được quan niệm của mình trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống” (2002, 312).

Bài hát “Tôi muốn” của Lê Hựu Hà diễn tả khát vọng được trở lại với lòng trung thực và giản dị của tạo vật đang sống trong thế giới tự nhiên. Trong “Hãy ngước mặt nhìn đời”, tác giả nói về thế giới giả dối mà anh tìm cách từ bỏ.

Ví dụ 8 - “Hãy ngước mặt nhìn đời”, của Lê Hựu Hà

Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười
Ta không cần cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Ta không cần cuộc đời
Toàn những khoe khoang và thấp hèn

Bài hát nhịp rất nhanh này dùng một tiết điệu xáo trộn tương tự với những ban nhạc Anh (British Invasion) thời kì đầu. [10] Ca từ là sự cố gắng an ủi một người yêu khi đối mặt với thói đạo đức giả, dối trá và đê tiện của thế giới người lớn. Tình yêu của họ là một sự trốn thoát khỏi tình trạng không chịu đựng nổi: “Ta chỉ cần một người/ Cùng với ta đợi chết mỗi ngày.” Một bài khác là “Hãy nhìn xuống chân” của Lê Hựu Hà tiếp tục chủ đề này, tuy nhiên trong bối cảnh của xã hội bất yên trong chiến tranh.

Ví dụ 9 - “Hãy nhìn xuống chân”, của Lê Hựu Hà

Hãy nhìn xuống chân thấy ước mơ đang chết dần
Sao còn giết nhau mãi giết nhau không hối tiếc

Sao còn mãi mê mãi mê chia chác bạc tiền.

Một bài khác được Phượng Hoàng chơi, “Mặt trời đen” của Nguyễn Trung Cang, mô tả ẩn dụ về thế giới nghiệt ngã này.

Ví dụ 10 – “Mặt trời đen” – của Nguyễn Trung Cang

Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Đời hằng mong thoát đi, đi khung trời xa
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.

Đây là âm nhạc đúng với chủ đề của rock - tuổi trẻ đi tìm chỗ đứng của họ trong thế giới, thường là đả phá những sự dối trá của thế giới, như Pattison đã kể đến, “sự đồi bại và sự ngăn cản những điều tự nhiên của các thể chế xã hội” bao gồm một sự “thù hận các thể chế” (1987, 173). Nhạc sĩ Phạm Duy đã miêu tả nhạc của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và ban Phượng Hoàng là có chất ảo tính và viết rằng ông nhận ra một hương vị ma túy của loại nhạc này. Ông xem những ca khúc của họ như loại nhạc mới nhất thời đó và phản chiếu sự đấu tranh của giới trẻ Việt Nam trong thời kì một xã hội suy đồi (1991, 156; 290-1). Nó khắc hoạ sâu xa hơn tình trạng tuyệt vọng của những người trẻ tuổi trong một xã hội sa vào một cuộc chiến không có hồi kết và chế độ quân dịch bắt lính luôn cận kề.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Belz (1972, 90-94) mô tả các bước khiêu vũ trong sự tiến hoá của nhạc rock’n roll Mĩ đầu những năm 1960.
[2]“Saigon Regime Bans Songs for Twisting,” New York Times April 2, 1963, 9.
[3]“Liberation Radio Scores South Viet-Nam's First International Rock Music Held Festival Held to Benefit Families of Killed Soldiers.” Phát thanh trên Đài Phát thanh Giải phóng bằng tiếng Việt lúc 14h GMT, tháng 5-1971. Thư mục 2321830006 tại kho dữ liệu Virtual Vietnam Archive, ĐH Texas Tech University http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive.htm
[4]Phỏng vấn Nhật Ngân tại Garden Grove, California, 2-11-2006.
[5]Trong một bài viết trước, tôi đã xem xét sự chuyển điệu của thể oán trong những bài hát bolero Việt Nam (Gibbs 2005). Kết luận của tôi dựa vào phần bàn luận về các thể điệu trong Le Tuan Hung (Lê Tuấn Hùng) 1998. Hung khẳng định sự ảnh hưởng của hệ thang âm bình quân bảy nốt trong các thể điệu Việt Nam. Tương tự như vậy, Van Der Merwe bàn về hệ thang âm này trong những phân tích về âm nhạc châu Phi và Âu (1989, 118-145). Tuy nhiên, nhạc cổ truyền Việt Nam nhấn mạnh đến quãng bốn thấp hơn và quãng bảy và những đoạn ngưng cách quãng lớn trong khi nhạc châu Phi được xây dựng thành một thể thức chia cân đối quanh quãng ba trung hoà.
[6]Tùng Giang đã viết một hồi kí chi tiết về những kinh nghiệm chơi nhạc cho người Mĩ thời gian này (2005, 32-53). Ông đề cập đến nhiều lực lượng lính ông đã chơi cho họ. Các sĩ quan thích nghe nhạc nhẹ, hạ sĩ quan thích nhạc đồng quê, còn lính GI thích cả rock lẫn nhạc đồng quê (45).
[7]Garage band nghĩa là một ban nhạc nghiệp dư tập và chơi nhạc trong gara.
(http://en.wikipedia.org/wiki/Garage_band)
[8]Yéyé là cái tên chỉ những bà hát phổ thông và nhạc rock tiếng Pháp mang ảnh hưởng Mĩ trong những năm 1960. Xem http://fr.wikipedia.org/wiki/Y%C3%A9y%C3%A9
[9]Cùng với 12 ban nhạc Việt Nam có các ban nhạc của Philippines, Indonesia, Thái Lan, Nam Triều Tiên và Mĩ. Ban của Mĩ có tên là Sound Symposium và gồm các thành viên của ban nhạc quân đội số 266 (“The Saigon Rock Festival Rolls,” Rolling Stone July 6, 1971, p. 16). Nhà tổ chức festival Trường Kỳ tả lại cảm giác chán nản trước màn trình diễn cứng nhắc của người Mĩ (2002, 350).
[10] British Invasion là một thuật ngữ chỉ sự “xâm lăng” của những ban nhạc Anh trong thị trường nhạc quốc tế từ năm 1964-1967. Họ có ảnh hưởng từ nhạc blues, rhythm and blues và rock của Mỹ. Những ban nhạc tiêu biểu như The Beatles, The Rolling Stones, The Who và the Kinks. (http://en.wikipedia.org/wiki/British_Invasion)
Nguồn: How Does Hanoi Rock? The Way to Rock and Roll in Vietnam, tham luận tại Há»™i thảo của Society for Ethnomusicology (Há»™i Nhạc dân tá»™c học), Honolulu, Hawaii, MÄ©, ngày 16.11.2006.