© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
25.6.2007
Thuận Thiên
Phê bình văn học trên báo chí - lý tính và cảm tính
(Ghi nhận về buổi toạ đàm văn học do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội tối 22/6/2007)
 
"Café Văn học", một sân chơi văn học mở

Từ đầu năm 2007, Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam đã triển khai một hoạt động gây được tiếng vang trong công chúng văn học ở hai thành phố lớn nhất nước, đặc biệt là Hà Nội. Đó là chương trình "Café Văn học" được tổ chức mỗi tháng một lần ở Hà Nội và hai tháng một lần ở TPHCM. Trong mỗi buổi, tuỳ theo chủ đề, "Café Văn học" mời một số nhà hoạt động văn hoá, văn học của Anh quốc và Việt Nam thuyết trình và toạ đàm về các vấn đề khác nhau của văn học Anh (mở rộng ra là văn học tiếng Anh) và văn học Việt Nam, với sự tham dự và đối thoại của một cử toạ gồm rộng rãi những người quan tâm, tức là một thứ diễn đàn mở. Chương trình được xây dựng với sự tư vấn của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu phê bình văn học quen thuộc: Dương Tường, Hoàng Hưng, Phạm Toàn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Chí Hoan, Trịnh Lữ, Trần Tiễn Cao Đăng, Phan Thị Vàng Anh, Nhật Anh, Cao Việt Dũng, Phạm Thị Thu Thuỷ, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trịnh Cung, Phan Đan.

Tại Hà Nội, sau ba buổi tối được sự hưởng ứng khá nhiệt liệt của những người yêu văn học, đặc biệt là các bạn trẻ, với các chủ đề: Trình diễn Thơ (nhà thơ Anh Roger Robinson & các nhà thơ Việt Nam: Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thị Thuý Hằng), Văn hoá đọc (Graham Sutcliffe & Nguyễn Thị Minh Thái), Dịch thuật văn học (Graham Sutcliffe, Dương Tường, Hoàng Hưng, Trịnh Lữ, Hương Lan), tối 22/06/2007 vừa qua, "Café Văn học" tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề "Phê bình văn học trên báo chí - lý tính và cảm tính". Buổi toạ đàm do Mai Chi, người được ban tổ chức giới thiệu là thành viên Ban biên tập mạng talawas, điều phối.

Phần đầu của chương trình là phần giới thiệu văn học Anh. Ông Graham Sutcliffe (giám đốc nghệ thuật của Hội đồng Anh) giới thiệu vắn tắt về thời sự văn học Anh, các giải thưởng văn học tiếng Anh, tình hình phê bình văn học ở Anh; tiếp đó hai dịch giả Trịnh Lữ và Cao Việt Dũng giới thiệu đôi nét về tác phẩm tiếng Anh mà mình đã dịch và được xuất bản trong thời gian gần đây: Cuộc đời của Pi (tiểu thuyết của Yann Martel, giải Booker 2002, Trịnh Lữ dịch, NXB Văn học & Công ty Nhã Nam), Khúc quanh của dòng sông (tiểu thuyết của V. S. Naipaul, giải Nobel 2001, Cao Việt Dũng dịch, NXB Lao động).

Phần chính của chương trình, phê bình văn học Việt Nam, lại chia làm hai mục: "Điểm sách Việt Nam" và Toạ đàm về chủ đề "Phê bình văn học trên báo chí".


Điểm sách: Khen chê thẳng cánh

Bốn nhà phê bình được mời lên "sân khấu": Nguyễn Chí Hoan (Biên tập viên báo Văn nghệ), Nguyễn Hoà (được giới thiệu là "Trưởng phòng Lý luận Phê bình Văn học báo Nhân dân"), Văn Giá (Trưởng khoa Lý luận, Phê bình, Sáng tác Văn học, trường Đại học Văn hoá), Phạm Xuân Thạch (Giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội), trên diễn đàn "miệng" này đã tỏ ra khá thẳng thắn, nhất là trong những ý kiến phê phán.

Nguyễn Chí Hoan là người duy nhất giới thiệu hai tác phẩm, cả hai đều được ông khen ngợi: Thượng đế và đất sét, (tập truyện ngắn của Nguyễn Nguyên Phước, NXB Phụ nữ & Nhà sách Kiến Thức, 2007) và Biển (tiểu thuyết của John Banville, Trinh Lữ dịch, NXB Văn học & Công ty Nhã Nam, 2007). Nhà phê bình nêu bật "sự đơn giản", thậm chí "đơn điệu" như đặc tính nổi bật, phong cách độc đáo của tác giả Nguyễn Nguyên Phước: "Không có sự kiện, biến cố hay bất cứ một tấn kịch lớn nhỏ nào. Không có một tuyến hay một trung tâm hay một cái gì đại loại như thế để ta có thể tóm tắt lại câu chuyện cho đúng nghĩa như một tóm tắt…", "Không có một dấu vết tu từ nào… Không có bất cứ một sự khoa trương nào…". "Nói một cách ngắn gọn,… tất cả các truyện trong tập này đều được xây dựng từ những ông-uống-chậm-nhìn-quanh-nét-mặt-buồn-bã". Với cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh, Nguyễn Chí Hoan không tiếc lời ca ngợi như một tuyệt tác về cái chết và sự bất tử.

Phạm Xuân Thạch đề cao cuốn Văn chương, thẩm mỹ và văn hoá, tập chuyên luận về văn hoá, mỹ học và văn học của Lê Ngọc Trà (NXB Giáo dục, 2006) như một công trình lý luận Mácxít đáng trân trọng. "Nó góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh lại một cách diễn dịch giáo điều, cơ học và chính trị hoá thô thiển về mỹ học Mácxít ở Việt Nam". Cuốn sách thứ hai được Phạm Xuân Thạch bình luận là một tiểu thuyết vừa "xuất hiện trong một chiến dịch PR hoàn chỉnh và rầm rộ": Đức Phật, Nàng Savitri và Tôi của Hồ Anh Thái (NXB Đà Nẵng & Công ty Văn hoá Phương Nam). Ông đánh giá nó là "một cuốn sách giải trí tốt và có thể mang đến cho người đọc những phút giây thư giãn thú vị". Tuy nhiên, trong tối "Café Văn học" hôm nay, có lẽ lần đầu tiên cuốn sách gây được cảm tình trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã nhận những lời bình luận tiêu cực thẳng thắn và nghiêm khắc: "Lại một lần nữa, một cuốn sách lớn của cuộc đời đã tuột khỏi tay Hồ Anh Thái. Cái làm nên sự thành công về doanh thu và khối lượng độc giả của nó sẽ tiêu diệt nó về mặt nghệ thuật… Sự dễ dãi và hời hợt trong tư tưởng và ngôn ngữ cũng khiến cho cái ý hướng triết lý của cuốn sách bị bóp chết ngay từ trong trứng."

Văn Giá phê phán các truyện ngắn của 12 cây bút nữ thế hệ 8X trong tập Vũ điệu thân gầy (NXB Trẻ 2007): "Đa số… bộc lộ những ý nghĩa hoặc rõ ràng, hoặc mơ hồ, nhưng thảy đều nhẹ, không có khả năng ám gợi, không khiến người đọc day dứt. Chúng nhanh chóng bị chuội đi, không có chất keo dính neo bám vào tâm hồn người đọc. Chữ nghĩa nhanh chóng bốc hơi. Hầu hết chúng là loại truyện một nghĩa."

Nguyễn Hoà trân trọng giới thiệu cuốn Số phận các nền văn minh và thế giới ngày nay của Nguyễn Chí Tình (NXB Thanh Niên 2007) như "một công trình khoa học xã hội-nhân văn được tiến hành một cách nghiêm túc" của "một người chưa từng có một tấm bằng từ cử nhân trở lên, đã bỏ ra gần 10 năm suy ngẫm và đọc… rồi tiến hành triển khai ý tưởng khoa học trong hai năm để có một bản thảo viết tay hơn 1500 trang." Ông cho rằng "không phải bất kỳ vị giáo sư, tiến sĩ nào ở Việt Nam hiện nay cũng xác lập được mục đích, có khả năng, động năng tinh thần để tiến hành một công trình khoa học như Nguyễn Chí Tình", và "công trình của Nguyễn Chí Tình đưa tới một tham vấn cần thiết cho những ai làm công việc nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học - lĩnh vực mà theo tôi hiện tại đang ở trong tình trạng của một cuộc khủng hoảng đã tới hạn". Tình hình "khủng hoảng" này còn được ông nhấn mạnh khi nặng lời phê phán cuốn sách nghiên cứu Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh của Nguyễn Thị Hồng Giang, Vũ Lê Lan Hương và Võ Thị Thanh Hà (NXB Hội Nhà văn 2007). Nguyễn Hoà cho biết đây là tập hợp 3 khoá luận tốt nghiệp đại học và luận văn cao học bảo vệ tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà chất lượng của chúng chỉ chứng tỏ "sự dễ dãi trong việc xuất bản đã đến lúc cần phải được báo động" và khẳng định sự có mặt của nó "chỉ góp phần làm nhiễu loạn thêm hoạt động nghiên cứu phê bình văn học vốn đang khá nhiễu loạn của chúng ta".


Bóng tối trong phê bình

Những bất cập của phê bình văn học hiện nay vừa hé lộ trong phần "Điểm sách", đến phần toạ đàm và đối thoại đã sôi động hẳn lên khi nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong thành phần cử toạ đề nghị các diễn giả giải thích về tình trạng có một "bóng tối" rộng lớn sau lưng phê bình và các nhà phê bình. Ông cho rằng "có cái gì đây trong hoạt động phê bình trên báo chí". Ông thừa nhận là trong tình hình hiện nay tất nhiên có những cuốn sách mà "báo chí không được nói đến như Cọng rêu dưới đáy ao của Võ Văn Trực" [1] ; song bên cạnh đó có những cuốn không bị xử lý gì hết, và không phải không có giá trị, nhưng hầu như không báo nào nhắc đến. Ông Ân đơn cử chính các công trình của bản thân như Tư liệu về cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc, các cuốn sách tập hợp tác phẩm báo chí của Phan Khôi.

Người dẫn chương trình Mai Chi cho biết việc tồn tại "bóng tối" trong phê bình ở đâu cũng có, như ở Đức số sách được điểm trên báo chí chỉ chiếm khoảng 3% tổng số sách xuất bản. Đó là do báo chí không thể có đủ đất để thông tin về xuất bản, họ chỉ chọn những gì nổi trội mà thôi. Song ở Việt Nam, vấn đề là tình hình chính trị đã quy định các nhà phê bình được phép soi đèn đến đâu, cho nên nhiều cuốn sách phải nằm trong "bóng tối" và trong tình hình ấy internet đã trở thành công cụ để thoát ra khỏi sự hạn chế.

Nguyễn Hoà nói ông "chia sẻ" băn khoăn của Lại Nguyên Ân, nhưng ông lại đưa ra một nhận định trái ngược: hệ thống báo chí hiện nay cho phép thông tin rất rộng rãi về các tác phẩm, nên nếu nhà phê bình không có chọn lọc, không công tâm, không dám nói "không", thì sẽ khó lòng vượt qua những ràng buộc, hệ luỵ tinh thần và vật chất, những cạm bẫy giữa "biển sách" của thị trường xuất bản, dẫn đến tình trạng như lừa dối người đọc.

Phạm Xuân Thạch xác nhận là có "bóng tối". Ông tâm sự là có những bài viết ông phải chiến đấu hàng tháng để được đăng. Ông khẳng định: "Phải chiến đấu không ngừng với bóng tối, bóng tối có rất nhiều kiểu, có khi chỉ đơn giản là cảm tình của ông Tổng biên tập". (Mai Chi "bình" thêm: "Phải chiến đấu với những thế lực đen tối".)

Nguyễn Chí Hoan cho rằng nếu có sự đồng thuận dễ dàng để trùm "bóng tối" lên một tác phẩm thì thật là không ổn, vì một nền phê bình nghiêm chỉnh thì không thể đồng thuận một cách dễ dàng. Nhưng ông lại nói không chỉ một số tác giả ở nước ta gặp phải tình cảnh đó, mà đó là tình trạng ở nhiều nước khác. Mặt khác, có nhiều lớp bóng tối khác nhau, phải phân định rõ.

Về vấn đề này, nhà thơ, nhà điện ảnh và phê bình văn học Đỗ Minh Tuấn trong cử toạ đặt lại câu hỏi: "Bóng tối hay là sự lãng quên?". Ông cho rằng ý kiến của Lại Nguyên Ân dường như hàm ý là có bàn tay đạo diễn nào đó dẫn dắt nhà phê bình rọi ánh sáng vào đâu, nói cách khác là điều tiết phê bình. Theo ông, trong tình hình hiện nay không ai có khả năng làm việc đó. "Như bản thân tôi, nếu Ban Tư tưởng Văn hoá có bảo tôi không được viết thì tôi vẫn cứ viết, không đăng được trên báo chí trong nước thì tôi gửi lên talawas". Nhưng ông thừa nhận có tình trạng "lờ" và "stop": "Lờ" là món võ siêu đẳng: phóng viên "lờ", tổng biên tập "lờ" vì ngại đụng chạm. Còn stop thì rất khó nói ai stop? Tổng biên tập hay Ban Tư tưởng? Ông cho rằng không có một ai cụ thể có thể chỉ đạo được việc "lờ" hay "stop", mà là không khí bao quát của xã hội nó chỉ đạo. Trong tình hình ấy, nhà phê bình chưa đủ ánh sáng của chính mình (bản lĩnh, trình độ) thì không thể xuyên thủng bóng tối.

Văn Giá lại có một lý giải khác về "bóng tối": ông cho rằng phê bình ở Việt Nam chủ yếu là tài tử, hầu như không có ai được trả lương để chuyên viết phê bình, nên trong điều kiện ấy, nhà phê bình gặp được quyển sách gì và thấy hào hứng thì viết, không ai có trách nhiệm bắt buộc phải làm.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, được biết đến như người viết giới thiệu, điểm sách tích cực nhất trên các báo, khẳng định về "bóng tối" mà Lại Nguyên Ân muốn nói. "Ta hãy xem một tác phẩm như Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, có một bài viết nào về nó trên báo chí trong nước? Và mới đây, Ba người khác của Tô Hoài đã có cả một hội thảo do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức mà muốn biết mọi thông tin về nó chỉ có thể đọc trên mạng talawas." Ông kết luận: "Bóng tối là ở đó"


Phê bình lý tính và phê bình cảm tính

Vấn đề được nêu thành tiêu đề cuộc toạ đàm lại chỉ được đề cập khá muộn, khi một sinh viên trong cử toạ khẳng định phê bình văn học trên báo chí Việt Nam là phê bình cảm tính. Anh đề nghị các diễn giả giải thích nguyên nhân của tình trạng đó: do bản chất "duy tình" của người Việt Nam hay do trình độ của các nhà phê bình chưa đạt đến mức lý tính?

Trả lời câu hỏi này, Nguyễn Chí Hoan cho rằng phê bình thực tế vẫn tuân theo các quy chế lý tính. Nói cụ thể hơn, là các lý thuyết văn học. Hàng chục năm trở lại đây nhiều lý thuyết văn học mới đã được giới thiệu ở Việt Nam. Phê bình dựa trên cơ sở lý thuyết mới đã được tăng cường, hoặc đã vượt ra khỏi những lý thuyết cũ.

Phạm Xuân Thạch thì khẳng định: nòng cốt của phê bình là lý tính, nhưng nó không thoát ly cảm tính. Nhất là khi cái mới xuất hiện, nó thường "cãi lại" mọi lý thuyết đã có, do vậy nhà phê bình phải "đánh hơi" để nhận biết. Ý kiến của ông được sự hưởng ứng của một người trong cử toạ (tự giới thiệu là người làm khoa học tự nhiên). Ông nói rằng: ngay triết học hiện giờ cũng được coi là mang tính chủ quan, tức là cảm tính. Điều quan trọng là người phê bình có đặt chuẩn mực nhất định cho mình tuân thủ hay không?

Phạm Xuân Nguyên lại đề cao trực giác của người viết giới thiệu, điểm sách trên báo. Ông cho rằng phê bình trên báo chí là phải có ý kiến ngay trước những tác phẩm mới, phải "tức thì, bây giờ, ở đây", phải khẳng định ngay: hay hay dở. Như thế người viết phải "đặt cược" uy tín của mình vào bài viết, phải chấp nhận đó là một nghề "nguy hiểm". Văn Giá ủng hộ quan điểm này, vì theo ông, báo chí là thời sự, người viết phê bình trên báo phải có tiếng nói đồng hành với đời sống văn học, và họ phải "được quyền sai".

Nguyễn Hoà nhắc đến quyển sách Hái giữa đôi bờ của nhà phê bình quá cố Thiếu Mai để ủng hộ quan niệm phê bình là sự hài hoà lý tính và cảm tính. Song ông khẳng định phê bình trên báo chí hiện nay là "khủng hoảng, nhiễu loạn, cảm tính". Thí dụ được ông đưa ra là hiện tượng Hồ Anh Thái (đây không phải lần đầu tiên ông lớn tiếng về chuyện này) luôn được một số cây bút thân hữu lăng xê trên báo chí. Tình trạng phê bình cảm tính (hiểu với nghĩa tiêu cực) này Nguyễn Hoà cho là "chưa có hy vọng thay đổi ít nhất là trong 5, 7 năm nữa". Khi Mai Chi hỏi: "Vậy theo ông làm thế nào để thoát ra?", Nguyễn Hoà tuyên bố: "Tôi tin ở thế hệ mới. Tôi chỉ là một gạch nối, chỉ là người giữ trật tự cho thế hệ mới làm việc." Và ông khẳng định các tiêu chí cơ bản của phê bình phải được dạy từ trong nhà trường, các nhà phê bình phải được đào tạo chuyên nghiệp (ông cho biết bản thân cũng chỉ được học trường văn hoá quần chúng, không biết thế nào lại nhảy ra viết phê bình văn học, và lại "nói to ra phết" - có lẽ vì "méo mó nghê nghiệp"!). Song: "khi chính các ông thầy còn trình ra những cuốn sách phê bình rỏm thì biết làm sao?"


*


Ngoài những vấn đề nổi bật được bàn luận sôi nổi trên đây, cuộc toạ đàm còn đề cập một số khía cạnh khác của phê bình văn học trên báo chí và phê bình văn học nói chung, như: vai trò phát hiện của phê bình, phê bình viết và phê bình rỉ tai… Tiếc rằng vì thời gian hạn chế (tất cả diễn ra trong vòng 2 giờ), vì chủ đề toạ đàm đã rộng lại không được xác định trọng tâm từ đầu nên buổi "Café Văn học" chỉ mới xới lên một số vấn đề thú vị và đôi lúc chạm đến những vấn đề nghiêm túc thật sự sống còn của phê bình văn học Việt Nam. Thế cũng đã là bước đầu đáng ghi nhận trên con đường xã hội hoá, dân chủ hoá đời sống văn học nước ta.

© 2007 talawas



[1]Truyện của Võ Văn Trực (NXB Hội Nhà văn & Công ty Võ Thị), vừa bị chính NXB quyết định thu hồi do áp lực của cấp trên, sau khi phát hành được gần 1 tháng.