© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
12.7.2007
Linda Nochlin
Ngày nay đã có những nữ nghệ sĩ lớn
Hà Vũ Trọng dịch
Barbara A. Macadam thực hiện
 
Ít có nhà nữ quyền nào có sức ảnh hưởng, dễ tiếp cận về mặt trí thức, vừa có năng lực dồi dào như Linda Nochlin - Giáo sư môn Nghệ thuật Hiện đại tại Viện Mĩ thuật của Đại học New York. Bà cũng là kí giả, nhà phê bình, giám tuyển, và tác giả nhịều sách và khảo luận về các chủ đề, từ chủ nghĩa hiện thực và Courbet đến nghệ thuật miêu tả về khoả thân của các nghệ sĩ đương đại như Jenny Saville và Robert Bechtle. Có lẽ Nochlin được biết đến nhiều nhất với bài viết nền tảng năm 1971 trên tạp chí ARTnews, “Tại sao chưa từng có những nữ nghệ sĩ lớn?” đánh giá những cơ cấu xã hội – phạm vi trải rộng từ việc đào tạo trong học viện đến sự bảo trợ, kinh doanh và những thái độ trong định chế – đã ảnh hưởng đến không chỉ nghệ thuật do nữ giới sản sinh mà cũng còn về tính chuyên nghiệp và địa vị của họ trong lịch sử nghệ thuật.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn Linda Nochlin về nhiều gương mặt của nghệ thuật nữ quyền đương đại, do Barbara A. Macadam là phó biên tập tạp chí ARTnews thực hiện.
Barbara A. Macadam: Bài viết năm 1971 của bà là một sự đánh giá bao quát rất thuyết phục về tình trạng nghệ thuật của nữ giới vào thời điểm đó. Ngày nay bà cho rằng phong trào nữ quyền đang đứng ở vị trí nào?

Linda Nochlin: Tôi cho rằng chúng ta đã làm được nhiều tiến bộ. Đây không phải là thừa nhận theo thời thượng, mà chỉ tuyên bố một sự thật. Tôi cho rằng ngày nay những nữ nghệ sĩ chiếm một vị trí tốt hơn những gì họ đã làm cách đây 30 hoặc 35 năm. Một số nghệ sĩ tuyệt vời nhất có mặt trong mọi chất liệu sáng tác là phụ nữ. Vấn đề là, đối với các nhà sưu tập, các viện bảo tàng, và các giám tuyển, họ còn chưa thực sự thấy rõ sự việc và nhìn ra đang có nhiều nữ nghệ sĩ lớn. Có những nhà sưu tập và những giám tuyển - họ cứ theo thói quen, chây lười, thậm chí ghét đàn bà – chỉ vì là không muốn phiền phức với phụ nữ. Nhưng chuyện này ngày càng thấy ít thường xảy ra hơn, một khi nữ giới chiếm những địa vị nổi bật nhất trong thế giới nghệ thuật với tư cách là những nghệ sĩ sáng tạo. Tôi muốn nói, ai lại chẳng nghĩ đến việc sưu tập tác phẩm của Louise Bourgeois? Nếu không, chắc phải là dở hơi. Hoặc nếu bạn quan tâm đến những ngệ sĩ video, thì thật dại dột nếu không để ý tới tác phẩm video của Sam Taylor-Wood hay Pipilotti Rist, đấy là chưa kể những phụ nữ làm việc trong mọi phương tiện khác nhau thuộc các khu vực khác của thế giới – chẳng hạn như Shazia Sikander, hay Ghada Amer, hay một số phụ nữ châu Mĩ Latin, hay Nhật Bản. Họ là những nhân vật chính, là những người đang làm ra những tác phẩm thú vị nhất và thách đố nhất. Người ta không còn phải tỏ lòng khoan dung khi hướng tới phụ nữ nói chung hay đối với người dân của những sắc tộc khác, như họ thường thể hiện trong quá khứ.

Sam Taylor-Wood, trích cảnh trong video Cuồng loạn (Hysteria), 1997
Anna Baumgart, trích cảnh trong video Xuất thần, cuồng loạn, và những thánh nữ khác, 2004
Shahzia Kikander, Trang sách minh hoạ, Sêri #1,
2005-6
Barbara A. Macadam: Có dễ dàng hơn cho phụ nữ khi mà tính chất trừu tượng đã tiến triển và rồi đi đến chủ nghĩa Ý niệm? Những phương hướng mới này để mà tạo ra nghệ thuật có nghĩa rằng phụ nữ không bị mắc kẹt vào truyền thống hàn lâm, vả lại cũng không phải cạnh tranh với những nghệ sĩ nam giới đã có địa vị ổn cố? Bối cảnh nghệ thuật đã thay đổi như thế nào đối với phụ nữ kể từ 1971?

Linda Nochlin: Sự việc đã thay đổi, nhưng theo những cung cách khác nhau ở những khu vực khác nhau của thế giới. Tôi cho rằng ở những quốc gia thế giới thứ ba, người phụ nữ đang trở về với truyền thống, dù thường là ở ngay trong sự thách thức, đôi khi bằng những cung cách phủ nhận, phê phán. Chẳng hạn, Shahzia Sikander sử dụng những tiểu họa phẩm Batư làm cơ bản cho tác phẩm, nhưng đồng thời lại thường đặt những chất vấn, bà cũng sử dụng phương tiện đương đại gồm video để sắp xếp lại bối cảnh dân tộc của mình. Ghada Amer thì dùng nghề đan thêu cổ truyền để tạo ra những gì được/bị xem là hình ảnh khiêu dâm. Vâng, như thế, họ đang trở về với bối cảnh bản thân, nhưng lại làm bằng những cung cách thường thật sự thách thức.

Barbara A. Macadam: Những phương hướng mới đó để phát minh hiện nay, phải chăng chưa từng có trong quá khứ?

Linda Nochlin: Nhất định rồi. Tôi cho rằng mọi loại phương hướng dành cho tư duy phê phán trong ngôn ngữ thị giác hoàn toàn chưa từng có trước đây.

Barbara A. Macadam: Giờ đây bà có cho rằng phong trào nữ quyền có nghĩa giống với những gì vào thời điểm bà viết cái bài báo lừng danh trước đây?

Linda Nochlin: Tôi cho rằng nó có ý nghĩa hơn thế rất nhiều, mặc dù luôn có những nghệ sĩ phức tạp đang làm việc trong phong trào nữ quyền. Thật là quá đơn giản nếu nói rằng mọi nhà nữ quyền của những năm 1970 đều là những người theo “yếu tính luận” (“essentialist”) – họ đều một tâm một ý. Nhiều người trong số số đó không phải vậy. Tôi không cho rằng Martha Rosler là một nhà yếu tính luận, hay Joyce Kozloff, hay Valie Export, tuy họ vẫn là những nhà nữ quyền.

Barbara A. Macadam: Bà vẫn còn xác định mình là một nhà nữ quyền?

Linda Nochlin: Hẳn thế, nhưng giờ đây tôi tin rằng có những chủ nghĩa nữ quyền (feminisms). Tôi rất cởi mở. Thật là sai lầm nếu cho rằng chủ nghĩa nữ quyền ở khắp nơi là cùng một thứ. Điều quan trọng là nhìn ra được những quan niệm về nữ giới và nữ tính được hình thành như thế nào trong những xã hội khác nhau và từ những dân tộc khác nhau. Tôi cho rằng cũng thật là sai lầm khi người ta xác định tự thân họ hoàn toàn theo yếu tính luận. Nhưng phụ nữ vẫn còn mang tính phê phán. Một số người như Sam Taylor-Wood, đặc biệt khi bà làm việc với hình tượng nam giới – và bà đã làm nhiều thứ về người đàn ông, biểu hiện rất nữ quyền mà không gây ồn ào – bà nêu lên những chất vấn vượt ngoài cái được gọi là nam tính và nữ tính như thể đều đã được ban sẵn rồi. Và tôi tin rằng một số người như Mary Kelly đã minh chứng vào những năm 80 cái căn cước tính dục nảy sinh ở cá nhân gần như không thể tránh được, khi bà sử dụng những tã lót làm chất liệu.

Thực sự, mỗi lần tôi đi đến một một cuộc trưng bày của một nữ nghệ sĩ nào quan tâm đến những vấn đề giới tính, hoặc thậm chí có khi họ không biết mình đang quan tâm đến, tôi đều thấy một dạng thuộc chủ nghĩa nữ quyền mới hơn, thoáng hơn, phê phán hơn, phát minh hơn. Điều này thường thành công một cách vô thức, trái với ý muốn.

Barbara A. Macadam: Về hội hoạ trừu tượng thì sao?

Linda Nochlin: Vào những năm 70, trong khung cảnh của chủ nghĩa Tối thiểu, rất thường thấy các dạng hoa văn, trang trí, tính phì nhiêu, và máu đã tạo ra một phương thức nữ quyền. Không có nghĩa rằng tất yếu phải có những thứ đó, nhưng thường là những ngụ ý về nữ quyền nảy sinh trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định và trong những ý nghĩa nghệ thuật nhất định được uỷ thác. Nếu sự uỷ thác này có những nghệ sĩ nam giới tham dự bằng chủ nghĩa Tối thiểu – [như trường hợp] Donald Judd và Richard Serra – vậy thì sẽ có việc và người như Eva Hesse đảm đương ý nghĩa của nữ quyền. Điều này, một phần vì Hesse đã cố gắng tư duy ở những phía đối lập, theo một dạng thức của đối thoại, và cũng một phần vì bản thân người nghệ sĩ nữ đó muốn dấn thân vào trong một cuộc tranh luận về mô thức.

Tôi không cho rằng mọi tác tác phẩm đều được chui ra từ âm âm đạo hay bất cứ gì đại loại thế. Mà tôi cho rằng tác phẩm sinh ra từ chính tư duy của những nghệ sĩ khát vọng và thật sự họ là phụ nữ. Những người phụ nữ này thắc mắc rằng họ sẽ phải đặt để mình như thế nào trong tương quan với ngôn ngữ nghệ thuật ngày nay?

Và đây là một cung cách họ tư duy về nó – rằng tác phẩm có thể được tạo ra từ những gì đó có tính nhất thời; rằng nó sẽ có thể mang tính phản hình học, dù không phải bao giờ cũng vậy; rằng nó sẽ có những tham chiếu hữu cơ cho dẫu nó có trừu tượng; rằng có thể nó dễ tổn thương và dễ tan biến – tất cả đều phải được đọc bằng cách nào đó mang nữ tính. Trong khi đó, những người khác – hay những nam nghệ sĩ, phần lớn, họ đã và đang làm ra những thứ có thể trường tồn.

Barbara A. Macadam: Tôi giả thiết bà cũng có thể vẽ ra những gì có tính mỉa mai, giống như tác phẩm của Beatice Milhazes chạy tuốt tuột một cách công khai, có trang trí kiểu barốc và giống như giải đăng-ten. Trong khi đó, những vấn đề nữ quyền – những vấn đề căn nguyên – đã trở nên ít cấp bách hoặc bão hoà hơn, vậy vấn đề là làm sao để dấn mình với thế giới, hoặc là không?

Linda Nochlin: Tôi không cho rằng vị thế của phụ nữ là sẽ phải ngừng với vấn nạn. Thật là không tưởng. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi phụ nữ bị áp chế, ở một số quốc gia họ không thể nào khởi tố ra toà khi việc kết hôn của họ bị áp đặt. Thậm chí chế độ đa thê đang quay trở lại, và một số hình thức áp chế còn trói buộc trong tôn giáo. Điều này xảy ra trên khắp thế giới. Những vấn đề này chưa thấy có cơ sẽ chấm dứt.

Thậm chí về nghệ thuật, đến giờ trong thị trường, các nghệ sĩ nữ cũng không được trả những giá cả như nghệ sĩ nam có được. Có thể có những ngoại lệ hiếm hoi như trường hợp Louise Bourgeois.

Barbara A. Macadam: Nhưng mà bà ấy cũng không có được giá cao như thế cho đến tận cuối đời.

Linda Nochlin: Vẫn còn có những cuộc tranh đấu trong phạm vị đó, dù phụ nữ là những giám tuyển – những giám tuyển này làm việc cực nhọc và thường được trả hậu hĩnh – và họ là những người giao dịch mua bán. Thế nhưng họ có thường đảm nhận những nghệ sĩ nữ không? Không nhất thiết. Còn như đối với các giám đốc bảo tàng – thử xem coi! – có bao nhiêu bảo tàng lớn mà phụ nữ làm quản lí. Phụ nữ có khuynh hướng điều hành các không gian luân lưu (alternatives spaces) hoặc các bảo tàng mĩ thuật nhỏ, chứ không phải các bảo tàng quan trọng và những thứ tương tự.

Barbara A. Macadam: Nhưng hoàn cảnh đối với phụ nữ đã thay đổi theo điều kiện của tự thân nghệ thuật.

Linda Nochlin: Vâng, bằng những kì vọng, căn cứ theo những gì diễn ra ở những gallery. Tôi cũng sắp nêu ra cái phép chuyển nghĩa (trope) về “phụ nữ là ngoại lệ” luôn luôn đã phổ biến. Bạn hãy nghĩ đến những người như Élizabeth Vigée-LeBrun hay Mary Cassatt hay Berthe Morisot hay Rosa Bonheur – có thể là một trong những nghệ sĩ được hâm mộ nhất thế kỉ 19 – hoặc Georgia O’Keeffe, có khả năng là nghệ sĩ nữ lừng danh nhất của Hoa Kì. Họ không được coi trọng lắm trong những nhóm tiền phong. Người ta không biết chính xác cái liên hệ gì gọi là “phụ nữ là ngoại lệ” [với không ngoại lệ]. Họ giống như những con chim lẻ bầy bên ngoài đã làm được điều gì đó khác thường.

Barbara A. Macadam: Còn những người như Marie Laurentine và Sonia Delaunay? Họ có như vậy không, có được coi là ngoại lệ?

Linda Nochlin: Không hẳn thế. Sonia Denaulay thật tuyệt diệu, nhưng chính chồng bà ta lại được danh. Bà đã làm ra tiền bằng công việc phụ là thiết kế và nghệ thuật trang trí, nhưng Robert lại được coi là hoạ sĩ quan trọng.

Tuy nhiên, trong thời trước Sôviết và thời kì đầu của Sôviết, thật sự đã thấy phụ nữ ở đó trực tiếp sáng tác nghệ thuật trừu tượng. Đấy là thời điểm duy nhất có cả một nhóm phụ nữ ở trong những phái tiền phong sánh vai với những nghệ sĩ nam.

Barbara A. Macadam: Những nữ nghệ sĩ nào đang phất ngọn cờ đầu hiện nay?

Linda Nochlin: Tôi có thể kể những người như Janine Antoni và Pipilotti và Sam Taylor-Wood và Jenny Saville. Họ vẫn còn trẻ, và còn có một thế hệ trẻ hơn họ nữa. Tôi cho rằng Rachel Whiteread là lỗi lạc và độc đáo, và cũng còn có một cảm quan về đời sống gia đình được che đậy, một phản biện đối với tính hoành tráng võ đoán và cố định của những người như Richard Serra.

Những phụ nữ này chủ tâm làm cho nghệ thuật của họ vướng mắc vào với lạc thú và bạo động. Một trong những người tôi chắc chắn yêu thích nhất là Angela de la Cruz, mà tôi cho là hoàn toàn tráng lệ. Cô ta kết hợp được sự cuồng nộ và tính tao nhã, rất xứng là một nghệ sĩ tầm vóc thế giới. Còn có Sarah Lucas, một nhà nữ quyền mạnh mẽ – mạnh mẽ ít ra là trong những vấn đề giới tính.

Barbara A. Macadam: Giờ đây phụ nữ đã trở nên dễ chịu hơn với địa vị của họ trong thế giới nghệ thuật, bà có cho rằng trong tác phẩm của họ đã có chất hài hước hơn không?

Linda Nochlin: Có tất cả mọi thứ. Và cũng có nhiều bi kịch. Phụ nữ đang làm nhiều tác phẩm tại trung gian – kết hợp hội hoạ, vật thể, thiết trí, trình diễn, và cũng làm nhiều trong nhiếp ảnh.

Miwa Yanagi, Yuka, chromogenic, 2000
Barbara A. Macadam: Nhưng cánh nam giới chẳng phải họ cũng đang làm chuyện đó sao?

Linda Nochlin: Đúng, nhưng tôi cho rằng có một sự dị biệt căn cứ vào sự tráng lệ và tính dễ tổn thương trong tác phẩm của phụ nữ. Tôi cho rằng Cecily Brown, bằng những bề mặt sống động một cách khốc liệt khi đề cập đến tính dục, vẻ đẹp, và sự hiếu động. Tác phẩm của cô không ngừng tạo sự tham chiếu qua sự liên hệ giữa hành động làm tình và hành động vẽ. Brown vay mượn từ truyền thống hội hoạ của thế kỉ 19.

Barbara A. Macadam: Bà đã nêu ra trong bài khảo luận trong thư mục triển lãm “Những phong trào nữ quyền toàn cầu” / Global Feminisms luận (“Những nữ nghệ sĩ trước kia và hiện nay: hội hoạ, điêu khắc, và hình ảnh về bản ngã”) vì sao tính “phản-hội hoạ” trong hình thức của nhiếp ảnh, video, thiết trí, và trình diễn, đã đạt được sự phổ biến trong giới phụ nữ, như nghệ sĩ Úc Tracy Moffatt, bởi vì “họ gắn liền với chủ trương nữ quyền, từ chối sự ngự trị phụ quyền trong kiệt tác hội hoạ”. Những phương tiện này cung ứng một lãnh thổ độc lập cho sự biểu hiện.

Linda Nochlin: Tôi cho rằng một trong những cách tân quan trọng nhất của cuộc triển lãm “Những phong trào Nữ quyền Toàn cầu” là một sự dấn thân không chỉ với vấn nạn trong hội hoạ mà cũng còn bằng những phương thức khác nhau, ở đó hội hoạ tương tác với những truyền thống địa phương.

Và tôi cho rằng giới tính – hay tính bất ổn của giới tính – ngoài thế giới, cũng như trong nhiếp ảnh của Catherine Opie, từ đó bà xuất hiện như một hình tượng Đức Mẹ rõ ràng là đồng tính, đang cho con bú.

Thậm chí còn sửng sốt hơn thế, Hiroko Okada, một phụ nữ, nhại ý tưởng chức năng làm mẹ trong điều kiện nữ tính đặc biệt, bằng một bức hình in máy ink-jet về hai người đàn ông bụng [bầu] to đang mỉm cười vào tình thế của họ.

Bản tiếng Việt © talawas
Nguồn: “Where the Great Woman Artists Are Now”, ARTnews, số tháng 2.2007