© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Sách của nhà xuất bản Tri Thức
 1   2   3   4   5   6   7 
12.7.2007
Cao Việt Dũng
Hobbes và Locke
 
Nhìn từ khi mới ra đời, học thuyết về chính quyền của John Locke giống như một đối cực đi ngược hẳn lại học thuyết của Thomas Hobbes. Nhưng nhìn từ ngày nay, với toàn bộ quãng thời gian giãn cách, hai học thuyết đó lại bổ sung cho nhau. Không có cái này nếu không có cái kia, và cái kia giải thích cho cái này; chúng hoàn chỉnh nhau trong thế đối lập căn bản đó. Xuất phát điểm của Locke rất có thể là ý muốn làm khác hẳn Hobbes. Dĩ nhiên mọi chuyện không đơn giản như thế, nhưng điều đáng nói ở đây là hai triết gia tiền Khai sáng người Anh này, một người ủng hộ một ông vua còn một người tham gia âm mưu ám sát một ông vua khác, đã lật vấn đề nguồn gốc, bản chất và cách vận hành của chính quyền hai lần, hai lần đó đụng độ ghê gớm với nhau, nhưng gộp cả hai thì sẽ có một cái nhìn toàn thể về một trường tư tưởng có vị trí không nhỏ trong lịch sử. Đó là trường hợp của Leviathan của Hobbes và Khảo luận thứ hai về chính quyền. Chính quyền dân sự của Locke

Bản dịch cuốn sách của Locke [1] là một khởi đầu đầy hứa hẹn cho những bản dịch tốt các học thuyết chính quyền cổ điển. Sau triết học và lịch sử, cuối cùng cũng đã xuất hiện ở Việt Nam những bản dịch tốt về chính trị học. Điều duy nhất đáng tiếc của “Lời giới thiệu” dài hơn mười trang của bản dịch đó là không có chữ nào dành cho Thomas Hobbes. Sự thiếu vắng này gây ngạc nhiên cho những người có biết một chút về các lý thuyết về chính quyền của dòng tư tưởng Anh tiền Khai sáng này.

Điều tôi vừa viết ở trên dường như có thể dễ dàng phản bác. Thực tế văn bản cho thấy Locke không nhắc đến Hobbes (chỉ có những ám chỉ, khá rõ ràng với người đương thời, nhưng với chúng ta thì không dễ để tìm ra). Nhưng điều này, đến lượt nó, cũng lại bị phản bác. Một văn bản ra đời cách đây vài trăm năm, ngoài văn bản thực tế, còn có dung lượng lịch sửdung lượng quan hệ của nó, trong một hệ thống liên văn bản rộng lớn và một hệ thống tư duy – dòng chảy tư duy trên thực tế không bao giờ đứt đoạn. Số phận của một lý thuyết sẽ ra sao nếu không có tính lịch sử và tính kết nối của nó với các lý thuyết khác? Thậm chí bất kỳ lý thuyết nào cũng sẽ là phi lý nếu chỉ được nhìn riêng lẻ, không quan hệ, không ký ức, và không triển hạn. Khi đó những tiếp nối của nó sẽ không hiển lộ, và một lý thuyết sẽ hiện lên như một đoạn tuyệt tuyệt đối bất bình thường, thậm chí lố bịch.

Không thể hiểu thấu đáo Locke nếu không đặt ông vào quan hệ với những Filmer, Hooker, Barclay, Fortescue (mà trong sách có nêu tên), và trong quan hệ với những nhân vật vắng mặt khác có tác phẩm gây hiệu lực lớn vào thời đó, đặc biệt là Hobbes. Điều này cũng giống như không thể hiểu được Thomas More nếu không đặt ông trong quan hệ với Erasmus. Giới thiệu bản gốc Utopia không thể bỏ qua việc nó được đề tặng cho Erasmus, và ngược lại, Thomas More cũng là người được Erasmus đề tặng Tụng ca sự điên. Sự tồn tại của hai tác phẩm đó có xuất phát điểm ở trong nhau, và một sự giới thiệu chu đáo không thể bỏ qua những điểm không những quan trọng mà còn cốt tử đó. Rất có thể tất cả những cái không thể không đó là một phiền toái tri thức cần thiết cho chúng ta ngày nay, những người đi sau, nếu muốn hướng đến mục đích chu đáo với lịch sử. Hơn thế nữa, những điều không thể không ấy không thể nói là không lý thú.

Thomas Hobbes (1588-1679) sống ở giai đoạn trước John Locke (1632-1704). Cả hai đều có ảnh hưởng đặc biệt lớn với các nhà khai sáng sau này, nhất là các nhà khai sáng Pháp (chúng ta nhớ ngay đến Voltaire!). Cả đời ông gắn chặt với gia đình quý tộc Cavendish; ông làm gia sư cho gia đình này (thời đó là bá tước, sau là công tước Devonshire). Trong đời có vẻ như Hobbes từng gặp Francis Bacon (là một trong hai nhân vật được đặt cùng bình diện với Locke trong “Lời nói đầu” của Lê Tuấn Huy, người còn lại là René Descartes: “Cùng với Francis Bacon [...] và René Descartes [...] Locke được xem là một trong những cội nguồn tri thức của phong trào Khai sáng với vai trò của người chủ xướng nhận thức luận Duy nghiệm” – tr.9). Chắc chắn ông đã gặp Galileo ở Ý, và, ở Pháp, nhiều nhà bác học lớn thời đó. Ngay từ đầu Hobbes đã đứng về phía vương quyền. Cuốn Leviathan viết ở Pháp, sau khi Hobbes phải chạy khỏi Anh vào năm 1640, nghĩa là từ khi mới bắt đầu bùng nổ sự đối đầu giữa Charles I và những người theo thuyết nghị viện với kết quả là cái đầu bị chặt của vua Charles I (vào năm 1649); cuốn sách quan trọng khác được viết ở nơi lưu đày là De Cive (thuộc bộ Elementa Philosophica, là tập ba sau hai cuốn khác, De CorporeDe Homine). Mười một năm lưu đày ở Pháp, Hobbes thường xuyên gặp gỡ nhóm các nhà bác học tập hợp quanh Marin Mersenne, thân nhất với Gassendi, và giao du nhiều với những người Anh chạy trốn khác, những người từ 1646 tập hợp xung quanh hoàng thân xứ Wales, con trai của Charles I.

Tuy có quan hệ tốt với Charles II, cuốn sách Leviathan của Hobbes vẫn bị “kiểm duyệt” vì các lý do tôn giáo. Có vẻ như là nhà vua sau đó không cho Hobbes xuất bản gì về các chủ đề có khả năng gây hấn nữa. Cuối đời, Hobbes, nhà tư tưởng có bộ óc hết sức phi chính thống, nếu không nói là chứa đầy những ý tưởng kỳ quặc, sống trong vinh quang và yên bình, thường xuyên nhận được từ những người Pháp hâm mộ những bức thư nồng nàn nhiệt tình. Lý thuyết về chính quyền của ông (như sẽ phân tích ở dưới, trong tương quan với lý thuyết của Locke), có cái gì đó “lệch đường ray” khỏi tư tưởng phổ biến thời đó. Ngay cả lý thuyết về con người của Hobbes (duy vật chủ nghĩa) cũng không hề thuộc về dòng chủ lưu tư tưởng của thế kỷ XVII. Ông hoàn toàn lạc điệu khi sử dụng những từ như automate, dây thần kinh, gân, lò xo... để mô tả con người khi đó đã bắt đầu mang tầm vóc mà chủ nghĩa nhân văn gán cho. Nhìn chung, Hobbes tự đặt mình ra ngoài truyền thống và bối cảnh lịch sử của mình (ông phản đối Aristote, không chịu coi con người là một loài động vật chính trị, vì nhiều lý do, chẳng hạn như ở con người không có chuyện lợi ích chung và lợi ích riêng là một như ở các loài vật khác). Trong khoa học cũng vậy, những gì Hobbes làm đều khiến người ta kinh ngạc. Đến tận năm bốn mươi tuổi ông mới phát hiện ra môn hình học, và bị các nhà toán học thời đó coi là đầu óc có vấn đề vì khăng khăng hình tròn là vuông.

Vấn đề quan trọng trước khi so sánh hai nhà tư tưởng là tên cuốn sách của Hobbes. Leviathan xuất hiện trong Cựu ước (“Isaiah”, và nhất là “Sách của Job”) và cả Talmud. Con quái vật biển to lớn và kỳ quặc này gây sợ hãi, nhưng là tạo vật của Chúa. Saint Augustin cho Leviathan là con quỷ của ham muốn. Trong truyền thống Thiên chúa giáo, nhiều khi nó được đồng hoá với quỷ Satan. Những tính chất đối nghịch phức tạp của nó tạo cảm hứng lớn cho sáng tác nghệ thuật sau này, cùng với Behemoth, một quái vật khác (có nơi nói đây là một cặp, Behemoth là con đực và Leviathan là con cái). Con mèo quái đản trong Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov tên là Behemoth và có ít nhất hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng tên là Leviathan: tiểu thuyết của Julien Green (bằng tiếng Pháp: Léviathan) xuất bản năm 1927 và gần đây là tiểu thuyết của một nhà văn (hậu) hiện đại, Paul Auster. Moby Dick của Herman Melville cũng sử dụng lại hình ảnh này theo một cách ẩn dụ khác. Nhìn chung, Leviathan là một quái vật biển, to lớn, đáng sợ, nhưng quyến rũ. Cuốn Leviathan [2] của Hobbes bàn về con người, sự hình thành xã hội và nhà nước lý tưởng – Commonwealth.

Các nhà tư tưởng lớn không phải bao giờ cũng là những người độc đáo. Cả Locke và Hobbes đều xuất phát hoàn toàn giống nhau: giải thích tại sao con người không chấp nhận luôn trạng thái tự nhiên như nó vốn có và bao hàm sự tự do, sự độc lập của mỗi cá nhân, không chịu kiềm toả và áp lực nào từ trên xuống thông qua các thể chế, mà lại bước chân vào đời sống xã hội với đủ thứ luật lệ đi kèm, kể cả nguy cơ của chế độ chuyên chế. Nhưng Locke cho rằng trạng thái tự nhiên đó là tốt đẹp, người ta muốn bảo vệ nó nên chấp nhận một quyền lực mạnh hơn (“Khi người ta sống với nhau theo lý trí, không có một phẩm vị thế tục cao hơn nào trong cộng đồng, với thẩm quyền để phán xử giữa những con người đó, thì đây đích thị là trạng thái tự nhiên.” – Khảo luận..., tr.52), còn Hobbes thì cho rằng trạng thái tự nhiên đó là xấu xa, trạng thái tự nhiên chính là trạng thái chiến tranh, nên cần áp đặt quyền lực nhà nước vào để chấm dứt cái tình trạng mọi người là kẻ thù của mọi người đó (“Cái nguyên do cuối cùng, mục đích, ý đồ, mà con người theo đuổi, họ, những người về bản chất yêu tự do và thích được thống trị người khác, khi tự ấn định cho mình những hạn chế để rồi sống trong đó ở các nền Cộng hoà, là nhằm được tự phòng vệ và sống hạnh phúc hơn bằng cách đó: nói cách khác là thoát được ra khỏi cái tình trạng chiến tranh khốn khổ đó, cái tính trạng mà tôi đã chỉ ra là hậu quả tất yếu của những dục vọng bản chất của con người, khi không có quyền lực hiện hữu nào giữ yên chúng, trói chúng lại, thông qua nỗi sợ bị trừng phạt” – Leviathan, tr.173. Nguyên do là vì các luật tự nhiên trái ngược hẳn với các dục vọng tự nhiên của chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng có thiên hướng “thiên vị, kiêu ngạo, thích trả thù, và nhiều đức tính tương tự khác” – ibid.) Trong trạng thái ấy (khi mỗi người tự mình thực thi công lý, chẳng hạn giết kẻ trộm, không có can thiệp từ bên ngoài), hoà bình là điều tất yếu, với Locke. Nhưng Hobbes lại không chấp nhận trạng thái đó, vì nếu không có xã hội và những điều đi kèm, thì con người chỉ có thể sống trong đau khổ, chém giết, và nghèo khổ. Với Locke, hoà bình là và phải là tiêu chuẩn, còn với Hobbes, lúc nào cũng có chiến tranh, hoà bình chỉ là một dạng khác của chiến tranh (gần với tư tưởng của Hitler? bởi khi Hitler tuyên chiến với Mỹ thì lời tuyên bố đó chỉ thuần tuý mang tính biểu tượng, vì tình trạng chiến tranh đã trở thành thường trực và bình thường vào thời của các chế độ phatxit trước và trong Thế chiến II). Từ đó mà cách giải quyết và giải thích khế ước xã hội của hai người hoàn toàn khác nhau: Locke coi xã hội (dân sự) là điều tốt vì tính mạng, sự an toàn, và sở hữu của các cá nhân trong đó được một quyền lực cao hơn đảm bảo; Hobbes lại nghĩ xã hội giống như một thứ quyết định luận, người ta phải chấp nhận nó nếu không muốn bị giết.

Về phần mình, Hobbes cho rằng nếu không có một quyền lực đứng trên, con người sẽ triền miên ở trạng thái chiến tranh, khi tất cả chống lại tất cả. Ngay cả khi người ta tập hợp lại thành một cộng đồng, một xã hội, thì số lượng của cái tổ chức đó cũng phải dựa trên số lượng tương ứng của kẻ thù, phải đủ để chống cự lại. Ông cũng ủng hộ quyền lực nhà nước rất mạnh, được phép can thiệp, đè nén, áp bức những gì chống lại nó, chẳng hạn như các hội nhóm, phường hội, tranh luận chính trị... Trong trạng thái tự nhiên, không có chính quyền, chiến tranh sẽ liên tục nổ ra, triền miên, như một điều kiện sống, vì người ta phải tranh giành nhau những nguồn lực hạn chế, vì nỗi sợ người khác, và ham muốn vinh quang. Cuộc sống sẽ cô độc, nghèo khổ, “nasty, brutish, and short” (xấu xa, tàn bạo, và ngắn ngủi). Bất tuân chính quyền là tự sát, vì sẽ đưa chúng ta trở lại trạng thái đó, mất an ninh, vô chính phủ. Do đó, bất tuân là sai trái. Hobbes cho là chỉ một người, một ông vua, mới có quyền cai quản dân chúng. Một ông vua ra quyết định, viết luật, và thống trị những người còn lại. Ngược hẳn lại, theo cách nào đó, với Locke, dân chúng điều khiển chính quyền.

Đặt vấn đề về hình thành chính quyền một cách “thiện tâm” như đã trình bày ở trên, Locke chỉ còn lại một việc là đưa ra các lập luận nhằm bảo vệ xã hội dân sự tốt đẹp đó. Ông viết: “Xã hội dân sự là một trạng thái hoà bình giữa những người sống trong đó, loại trừ được khỏi trạng thái chiến tranh nhờ vai trò của người phân xử.” (Khảo luận..., tr.276). Người phân xử (thiết chế chính quyền) không loại trừ tự do của cá nhân, mà bảo vệ anh ta. Đối nghịch với đó là nền quân chủ chuyên chế: “nền quân chủ chuyên chế [...] thật sự mâu thuẫn với xã hội dân sự, và vì thế không hề là hình thức của chính quyền dân sự. Vì mục đích của xã hội dân sự là để tránh những phiền phức của trạng thái tự nhiên, và nó cũng chính là phương cách giải quyết cho những phiền phức tất yếu theo cùng với trạng thái này, ở việc mỗi người đều là quan toà cho trường hợp của riêng mình, bằng cách thiết lập một thẩm quyền được nhận biết mà mỗi người của xã hội dân sự đều có thể cáo kiện đến do có bất kỳ tranh cãi có thể nảy sinh, và đó là thẩm quyền mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ. Nơi đâu mà những con người bất kỳ không có một nơi có thẩm quyền như vậy để cáo kiện đến hầu có được quyết định cho sự khác biệt bất kỳ nào đó giữa họ, nơi đó người ta vẫn sống trong trạng thái tự nhiên, và vì thế mỗi người họ là một quân vương chuyên chế đối với những người sống dưới quyền thế của họ.” (tr.128-129). Tuy sử dụng ngôn ngữ của Kinh thánh (“nơi mà không có bộ máy tư pháp thế tục để quyết định những tranh cãi giữa mọi người, thì Thượng đế nơi trời cao sẽ là người phán xử đó.” – tr.312), nhưng người dân đã được Locke trao cho một vị thế rất lớn: “Nếu tranh cãi nảy sinh giữa quân vương với một số người dân, ở một vấn đề mà luật pháp lặng im hay không rõ rệt, và sự việc có một hệ quả lớn, tôi thiển nghĩa người trọng tài thích hợp, trong trường hợp này, phải là cơ quan quyền lực của nhân dân.” – ibid.

Nhưng Hobbes thì khác hẳn. Chính quyền (hay Cộng hoà, hay Leviathan) đơn giản là một điều tất yếu, không thể xoá bỏ: “Những người là thần dân của một vị quân vương không thể, nếu ông ta không muốn vậy, vứt bỏ chế độ quân vương và quay về với tình trạng hỗn loạn của một đám đông không thống nhất” (Leviathan, tr.180). Cộng hoà theo nghĩa mà Hobbes định nghĩa có thời gian tồn tại ngang bằng với thời gian tồn tại của loài người. Do đó nếu Cộng hoà sụp đổ, thì “trách nhiệm thuộc về con người không phải với tư cách họ là vật chất của Cộng hoà, mà với tư cách là những kẻ tạo ra và cho phép thành lập nó.” (tr.342) Nguyên nhân hàng đầu của sự sụp đổ một nền Cộng hoà là khi thành lập nó, người ta tạo ra quyền lực không đủ lớn để đủ sức cai trị (tr.343).

Ảnh hưởng của Hobbes chủ yếu là vào thời đó: ông là người phản đối Nghị viện Anh, phản đối hệ thống giáo hoàng của Pháp, và sự phản đối đó lôi kéo được nhiều người đi theo. Locke thì đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà cách mạng Mỹ (tuyên ngôn độc lập, các điều luật liên bang, hiến pháp...) Điều này cũng dễ hiểu, vì những gì Locke phát biểu trong tác phẩm của mình chính là nền tảng của chủ nghĩa tự do cổ điển. Chẳng hạn như: “Con người sinh ra [...] với một địa vị tự do hoàn hảo và sự thụ hưởng không bị kiểm soát đối với tất cả các quyền và những ân huệ của luật tự nhiên, một cách bình đẳng như bất kỳ ai khác hay như với tất cả lượng người có trên thế giới này.” (Khảo luận..., tr.124-125), và nữa: “Salus populi suprema lex [Hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao], đó dứt khoát là một quy tắc chính đáng và căn bản” (tr.213).

Có điều gì đó, trong quan hệ giữa lý thuyết của Hobbes và Locke, giống như quan hệ giữa Mạnh Tử và Tuân Tử ở “nhân chi sơ tính bản thiện” và “nhân chi sơ tính bản ác”. Không thể kết luận ai đúng hơn ai, nhưng có vẻ như phải có cả hai nền tảng đó thì con người mới có khả năng được nhìn nhận toàn diện. Chính quyền (hay thiết chế nhà nước) cũng chỉ có thể được xem xét ở bình diện rộng khi được đẩy về các cực lý thuyết khác nhau, được xem xét từ những con người có cách tư duy không hề giống nhau.

Cả hai lý thuyết, của Hobbes, và của Locke, đều bắt đầu và kết thúc ở Kinh thánh, khi đó không đơn giản là một cuốn sách, và cũng không giống bây giờ, một tác phẩm văn chương, mà bao trùm như một ý thức hệ, thậm chí, một hệ hình tư tưởng chi phối toàn bộ hoạt động tinh thần và trí tuệ của con người. Không thể có chuyện một nhà tư tưởng thời đó không suy nghĩ về và dựa trên cuốn sách đó, cũng như không thể có chuyện con người thời nay không check mail hàng ngày.

Số phận của hai học thuyết này rất khác nhau. Kịp hoà nhịp với chủ nghĩa nhân văn và rất thuận tiện để các nhà Khai sáng lấy làm tiền đề, Locke trở thành nhân vật bậc thầy của lý luận nhà nước và chính quyền của thời hiện đại. Con quái vật Leviathan của Hobbes thì chìm sâu xuống biển. Con quái vật rất nghịch mắt và đáng sợ đó cũng chỉ xuất hiện rất ít lần trong kinh điển Thiên chúa giáo. Nhưng không thể từ chối là nó đẹp một vẻ quyến rũ phi chính thống, và sự biến mất không đồng nghĩa với không có khả năng xuất hiện trở lại, đột ngột và bất ngờ.

Tuy rất rõ ràng rằng Hobbes bảo vệ quyền lực quân vương, Locke bảo vệ quyền lực nhân dân (điều này thì cũng không hẳn: Locke dự phần âm mưu ám sát James II, nhưng sau đó lại từ nơi lưu đày về Anh trên thuyền của công nương Mary), nhưng phụ tá một Thượng đế tốt bụng và phò trợ một Thượng đế xấu tính, có lẽ điểm khác nhau duy nhất giữa Hobbes là Locke là ở chỗ đó. Về đấng chí tôn đó, hai người có những diễn giải hoàn toàn khác nhau: Locke cho rằng “tất cả đều là đầy tớ của một chủ nhân tối thượng, được sai phái vào thế giới này do lệnh của ngài và cho công việc của ngài.” (Khảo luận..., tr.36), và nữa: “Thượng đế, khi tạo nên con người như một sinh vật như thế, theo xét đoán của riêng ngài, sẽ là không tốt nếu cho họ trơ trọi chỉ có vậy, nên đã đặt họ dưới những nghĩa vụ mạnh mẽ [...] đưa họ vào đời sống xã hội, cũng như khiến họ thích hợp với hiểu biết và ngôn ngữ để duy trì và thụ hưởng xã hội đó.” (tr.117) Còn Hobbes thì chọn sản phẩm xấu xa và đáng sợ nhất mà Chúa tạo ra làm tên cho tác phẩm của mình, và, với ông, người được tất cả nhất trí chọn làm người duy nhất cai quản là một “vị chúa phàm trần” (Leviathan, tr.178)



[1]Khảo luận thứ hai về chính quyền. Chính quyền dân sự, Nhà xuất bản Tri Thức, 2007; người dịch: Lê Tuấn Huy.
[2]Tôi sử dụng bản tiếng Pháp: Thomas Hobbes, Léviathan, traité de la matière, de la forme et du pouvoir de la république ecclésiastique et civile, Éditions Sirey, 1983; người dịch: François Tricaud. Các phần trích dịch tiếng Việt: Cao Việt Dũng.
Nguồn: Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng số 10 (20/5/2007), đăng lại trên talawas vá»›i má»™t số chỉnh sá»­a.