© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
12.6.2002
Nguyễn Việt Hà
Có chăng một "ước vọng" ĐTLA?
 
Đọc bài "Sự quan tâm của bậc cha mẹ: 'Ước vọng' ÐTLA và quan niệm 'Căn bệnh truyền nhiễm'" của Trịnh Thanh Thủy về những quan niệm, nguyên nhân cội nguồn và vấn đề ĐTLA, và sau đó, những phân tích trên trang http://www.biblebelievers.com/Cameron3.html#info, tôi không khỏi thấy băn khoăn về những lo lắng và những suy diễn dẫn đến những lo lắng đó. Bản thân tôi làm khoa học, khi đọc những „dữ liệu thống kê khoa học“ của bài báo thì thấy không khỏi nẩy sinh mâu thuẫn cả về số liệu cũng như cách suy luận.

Chúng ta hãy cùng mổ xẻ những kết quả và phân tích của bài trên:

1. Xét về mặt xă hội: bản thân một quan hệ tình dục bao giờ cũng có trao đổi kinh nghiệm tình dục không cân xứng. Ở lứa tuối mới lớn, sự tìm tòi là điều tất yếu trong quan hệ dị tính và đồng tính. Do áp lực môi trường giáo dục kỳ thị ĐTLA ở xung quanh, việc có quan hệ đồng tính ở lứa tuổi này là rất khó khăn. Chính vì vậy xác suất thành công lớn hơn của quan hệ với người đồng tính lớn tuổi dường như là hiển nhiên. Bài viết cũng quên không nhắc đến tỷ lệ tự tử, trầm cảm ở thanh thiếu niên ĐTLA là rất cao. Điều đấy khẳng định sự bế tắc của trẻ vì thiếu thông tin và sự thiếu công bằng của xã hội đối với công tác giáo dục giới tính.

Tại Bắc Âu, nhà trường phổ thông luôn có những giờ giáo dục tình dục và nhấn mạnh tới tính lành mạnh của ĐTLA. Tại thời điểm này, chúng ta cần giúp trẻ nhận thức rằng tình yêu là đáng trân trọng và truyền đạt những kiến thức cơ bản về tình dục an toàn thay vì những thuyết giáo phân loại đồng tính hay dị tính, về một tình dục đúng hay sai. Tại các trường đại học, luôn có phòng tư vấn xã hội và tố chức sinh viên ĐTLA giúp họ tháo gỡ khó khăn trong quan hệ với gia đình, bạn bè và với xã hội bên ngoài.
Cá nhân tôi cho rằng giáo dục tình dục cho trẻ không thể áp đặt khuôn mẫu tình dục nào là „nên“, không „nên“. Điều quan trọng nhất của những người lớn là hãy nói cho trẻ rõ: tình dục chưa hẳn là tình yêu.

2. Nhận định về nguyên nhân ĐTLA, tác giả có xu hướng cho rằng nguyên nhân không phải tính di truyền. Tôi có vài suy nghĩ mong được giải đáp:

     2a. ĐTLA được sinh ra trong một “cấu trúc gia đình” - Family: Female And Male, I love you (tôi cũng chơi chữ một tý), vậy tại sao vẫn còn những 10% kiên quyết là ĐTLA cho dù những luật cấm đoán dã man thời trung cổ và ngày nay tại những nước có tôn giáo, ý thức hệ độc đoán gây ảnh hưởng lớn. Phải chăng họ là đám người thích bạo loạn cho dù những ngăn ngừa hà khắc? Tác giả có thể lý giải điều này?
Hơn nữa số liệu nghiên cứu mà tác giả đưa ra là từ trước những năm 1970, thời gian mà ngay tại nước Mỹ và Tây Âu, câu hỏi ĐTLA có phải di truyền hay không không là nổi cộm. Câu hỏi này mới chỉ được xã hội Mỹ và giới di truyền học của Mỹ quan tâm đến hơn một thập kỷ nay. Thành ra vin vào kết quả này liệu có là lôgíc? Vấn đề này đang được tranh cãi rất nhiều. Bản thân tôi để ngỏ vì nó không là một chủ đề có tính khoa học chân chính. Nó là một vấn đề chính trị, trộn với mầu sắc khoa học giả hiệu lợi dụng những cơ hội mà khoa học hiện tại chưa thể vén lên hết được mọi bí ẩn khó khăn. Một điều tôi tự rút ra là bản thân các nền văn minh thực sự sẽ không đi tìm nguyên nhân cơ chế tại sao Eva lại hấp dẫn Adam? Nếu Eva không hấp dẫn Adam hoặc ngược lại thì đó là một vấn đề thực sự lo lắng? Thế còn ĐTLA ở khỉ và các động vật cấp thấp thì sao? Chúng ta cũng đổ tại truyền thông, thông tin như bài viết hàm ý?! Ở đây tác giả có thể viện lẽ về một sự „dậy dỗ“ không đến nơi đến chốn của khỉ và động vật? Nếu giả sử không di truyền là đúng thì ĐTLA là một vấn đề xấu xa cần ngăn chặn?
Thành ra, tôi cho rằng đi tìm nguyên nhân của ĐTLA không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao mọi người biết tôn trọng quyền cá nhân trong một cộng đồng: từ gia đình cho đến xã hội. Giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức rõ dù với tập tính tình dục gì mà không gây hại cho người khác, hãy tự tin bước vào đời.

     2b. Khi đi sâu phân tích cấu trúc về gia đình để khẳng định tính bất hợp lý của DTLA, tôi nhận thấy tác giả đã „quên“ mất tỷ lệ ly dị tại Mỹ và Tây Âu cũng như tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều đó nói lên rằng duy trì một công thức „gia đình“ kiểu mẫu như tác giả nêu có điều gì đó không ổn, ngay cả trong một gia đình có cả hai giới. Một phần ba trẻ em tại các nước phát triển chỉ sống với bố hoặc mẹ. Liệu chúng ta có thể kết luận được những điều gì đó trầm trọng với chúng? Liệu phần lớn số trẻ này sẽ là ĐTLA hết nếu theo suy luận như tác giả?
Đây cũng là một khoảng trống lớn khiến người ta không thể há miệng mà không mắc quai, rằng ĐTLA là do nhân tố xã hội.
Gia đình là kết quả của tình yêu và vì tình yêu như tác giả muốn bảo vệ. Tức là thành tố quan trọng nhất của một gia đình ĐTLA đã có đủ. Nếu gia đình cần phải có đầy đủ cha mẹ và con cái của họ, thì những nền văn minh dân chủ cần phải ngăn chặn những cặp dị tính không thể sinh con? Bạn hãy thử tưởng tượng điều ấy xảy ra đối với toàn xã hội?
Tôi xin phép không sa đà vào những suy luận kiểu như vậy.

     2c. Vấn đề ổn định gia đình không phụ thuộc vào việc các thành viên là ĐTLA hay dị tính. Nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn định là những áp lực xã hội và gia đình lên các cặp. Tuỳ thuộc vào mức độ áp lực và bản lĩnh cũng như bản chất của việc xây dựng lứa đôi mà quan hệ ấy có bền vững hay không. Nếu nhìn vào thống kê về tỷ lệ ly dị của các cặp dị tính thì chúng ta thấy sự ổn định ở các cặp này cũng không phải chắc như gỗ lim và có xu hướng ngày càng bất ổn định hơn. Quá trình phá vỡ gia đình của các cặp di tính còn bị níu lại bởi những vấn đề chung nếu có: con cái, tài sản và vấn đề luật pháp. Chính những nhân tố chung này khiến họ gắn bó với nhau hơn khi có vấn đề rạn nứt, một quan niệm khá phổ biến ở những nền văn hoá phương Đông. Trong quan hệ ĐTLA, những cái chung đó không thể có bởi lý do xã hội phần lớn đã tước đoạt quyền của họ: quyền nhận con nuôi như những cặp vô sinh dị tính, vấn đề hôn nhân, quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng ở những quốc gia dân chủ chưa hợp pháp. Tình trạng còn đen tối hơn rất nhiều ở những nước chưa đề cập tới quyền bình đẳng hoặc còn kỳ thị ĐTLA. Như vậy, so sánh sự ổn định giữa các cặp ĐTLA và dị giới là một sự so sánh khập khiễng. Thay vì phân tích tính bất ổn định ở họ, chúng ta cần phải bàn để làm sao họ ổn định hơn.

3. Vấn đề nhận con nuôi: cá nhân tôi cho rằng bản thân bố mẹ nuôi dậy con cái bằng tình cảm và trách nhiệm thiết tha để giáo dục chúng chứ không phải chỉ vì có sự xuất hiện đàn ông hay đàn bà sẽ làm „cân bằng“ trẻ. 10% trẻ được sinh ra dưới mái nhà dị tính, có thể „hoàn hảo“ hoặc thiếu vắng một ai đó, nhưng họ vẫn trở thành ĐTLA. Điều đó buộc chúng ta phải nghiêm chỉnh nhìn nhận về vai trò giới tính của cha mẹ trong việc dậy con cái. Hơn nữa có rất nhiều trẻ chỉ có một cha hoặc một mẹ, nhưng đa số chúng vẫn thành dị tính tình dục. Điều này cho thấy lo lắng về một gia đình thiếu „cân bằng“ hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học nào cả. Quan điểm rằng cha mẹ ĐTLA sẽ dẫn đến việc con cái cũng ĐTLA là thiếu xác suất thông kê trên diện rộng vì đến nay, chưa có trẻ nào những cặp ĐTLA nhận làm con nuôi đã đến tuổi trưởng thành vì luật mới ra chỉ vài năm. Những trường hợp con cái của ĐTLA với khác giới cho thấy chúng phát triển bình thường. Vấn đề này ngày càng có xu hướng được thông qua về mặt luật pháp ở các nước Bắc Âu.

4. Viết về mối nguy đe dọa dân số khi ĐTLA „bùng nổ“ do lây lan: ĐTLA đã tồn tại ngoài ý muốn của mọi xã hội, và loài người vẫn có đến 6 tỷ như ngày nay. Trong vòng 50 năm nữa, chúng ta sẽ có 10 tỷ người với tốc độ tăng dân số theo như dự báo của Uỷ ban dân số thế giới của Liên hiệp quốc. Như vậy, những lo ngại của tác giả là có cơ sở?

Tác giả sử dụng khái niệm „lây lan ĐTLA“? Liệu tác giả có thấy quá trình đảo ngược lây lan dị tính đối với ĐTLA trong tình trạng họ vẫn chịu sự áp đảo như hiện nay? Tôi cho rằng thông tin đại chúng tại Việt Nam góp phần cho sự bóp méo về vấn đề ĐTLA, khi vẫn gắn liền ĐTLA với cụm từ „tệ nạn xã hội“ như mại dâm nam, truyền bệnh AIDS. Chúng ta cần phải bình tĩnh và tách bạch khi đề cập đến một vấn đề nhậy cảm đối với một xã hội phát triển thấp so với thế giới.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng có rất nhiều ước vọng trong cuộc sống nhưng định hướng tình dục không thể là một ước vọng hay lựa chọn. Sẽ thật mỉa mai cho những nguời bị ném đá cho đến chết chỉ vì ngủ với người cùng giới. Tôi muốn đem đến cho các bạn một cái khác: tự do trong suy nghĩ và hành động trên cơ sở tôn trọng người khác - điều mà chúng ta cần dậy cho chính chúng ta và con cái.

Thân mến