© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.7.2007
Mai Hồng
Thời gian huyền thoại trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư
 
1. “Cánh đồng bất tận”, truyện ngắn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, giải thưởng văn học do Hội nhà văn Việt Nam 2006 trao tặng.

Có thể nói, khi viết “Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện một nỗ lực sáng tạo mới của mình. Nhà văn thừa nhận: ".. Tôi muốn thay đổi, muốn làm mới chính mình. Tôi muốn thử sức ở những đề tài khó, gai góc. Tôi cảm nhận được sự nhàm chán của bạn đọc, bạn viết với văn của Nguyễn Ngọc Tư..".

Bạn đọc sẽ có nhiều quan điểm riêng và nhiều cách tiếp cận với cái mới của tác phẩm này. Cứ vin theo lời của chính tác giả, chúng ta có thể ghi nhận “Cánh đồng bất tận” có những biểu hiện "làm mới" thực sự, vì một cách chủ quan nhất, ấn tượng của người đọc về ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư trở nên mới mẻ, thú vị hơn qua tác phẩm. Ấy là một cách nói, nhưng nghiêm túc mà đánh giá, “Cánh đồng bất tận” là một thể hiện mới của chặng văn chương hiện thực lấn dần sang địa hạt huyền thoại trong hành trình sáng tạo của chị. Đó là một trạng thái có thật trong truyện ngắn thấm đẫm chất thơ này khi chúng ta khảo sát kỹ về không gian, thời gian của nó. Trong bài viết này, tôi không muốn nói đến thời gian huyền thoại như là thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư ở “Cánh đồng bất tận”, tôi nghiên cứu thời gian huyền thoại như một sự hiện hữu trong quá trình sáng tạo của tác giả và để lại dấu vết trên tác phẩm, như thế trước hết để đảm bảo chính tính khách quan và tự nhiên của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư.

Diễn đạt một cách đơn giản, thời gian huyền thoại trong truyện kể là cách thức làm cho một câu chuyện hiện thực bị tách ra khỏi bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của nó; câu chuyện hiện thực trở nên phi thời gian, cuộc sống diễn ra trong đó có thể đã, đang và sẽ diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào mà không mất đi ý nghĩa hiện thực chân thật của nó. Mốc thời gian lịch sử, thời gian xã hội trở nên không quan trọng để diễn đạt một hiện thực vĩnh cửu nào đó thuộc về con người. Thời gian huyền thoại thường trải màu sắc bàng bạc của nó qua sự tái điệp thời gian (xét trong trật tự niên biểu) và những câu chuyện xảy lặp từ quá khứ đến hiện tại (của một nhân vật hay của một số nhân vật), những đoạn ngưng của hồi ức, của trữ tình ngoại đề khiến người đọc khó nắm bắt được thời gian, và sự mờ hoá thời gian…

Ám ảnh bởi một chốn - không thời gian trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đuổi theo những dòng thời gian trôi trong ký ức của nhà văn, người viết lấy làm e ngại sợ mình rơi vào một sự phi lý khi khẳng định về một chốn - không thời gian. Nhưng cảm nhận luôn có cái lý riêng của nó, một chốn - không thời gian vì đó là kết quả của một sự ảo/ẩn hoá thời gian. Tình cờ bắt gặp một điểm tương đồng trong cách nhìn về thời gian ảo hoá của Bruce Holland Rogers, người viết xin trích ra để gợi hứng cho những liên tưởng về thời gian trong tác phẩm này:

"Hãy thử quan sát lối kết cấu của Trăm năm cô đơn, cuốn tiểu thuyết của Gabriel García Márquez. Như người đọc cảm nhận được ngay từ trang thứ nhất, bắt đầu với một đội hành quyết, rồi một chuyến hành trình hồi khứ rất dài, thời gian trong thế giới quan hiện thực thần kỳ không phải bao giờ cũng trôi về phía trước. Quá khứ xa xăm thì có mặt ngay trong từng khoảnh khắc hiện tại, và tương lai thì đã xảy ra rồi. Những sự thay đổi lớn lao trong trình tự thời gian của dòng tự sự phản ánh một thực tại hầu như nằm bên ngoài thời gian. Điều này giải thích sự hiện hữu của những hồn ma, những điều linh thị, và cái cảm giác rằng thời gian là một sự tái điệp vĩ đại chứ chẳng phải là một tiến trình đi tới. Trong tiểu thuyết của García Márquez, một số sự kiện nào đó cứ tiếp tục quay trở lại với tiêu điểm của hiện tại, ngay cả cho dù thời gian cứ dần dà trôi xuyên qua ba thế hệ." (“Thực ra, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ là gì?” - Bài đăng trên http://www.tienve.org)

Ở “Cánh đồng bất tận”, sự ảo hoá thời gian hay thời gian huyền thoại chỉ đi đến một chừng mực nào đó, nhưng cái phổ thời gian ấy lại được trùm lên rất rộng, hầu khắp toàn văn. Để xoáy vào một không gian sống, nơi mà con người, không phải du mục từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ dòng sông này sang dòng sông khác, từ quá khứ đến hiện tại, mà du mục qua các miền của một cõi đời: Hận, Thù, Nhớ, Thương…

Vì thế, mới có một hình ảnh thời gian phi thời gian/thời gian vĩnh hằng như thế này:

"Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi ..."


2. Trật tự - sự tái điệp thời gian

Tái điệp thời gian là sự trở đi trở lại của thời gian, các tổ hợp chập đôi của thời gian hiện tại - quá khứ, quá khứ - hiện tại, quá khứ - quá khứ của quá khứ/quá khứ hoàn thành cứ dằng díu vào nhau. Thủ pháp đó tạo nên cảm nhận (thực chất là ảo giác) về sự bất tận của thời gian.

Theo cấu trúc của tác giả, tác phẩm gồm 8 phần, có thể lấy đó làm 8 lớp truyện kể:

(Xin lưu ý với bạn đọc một điểm: ngay cả trong mỗi phần của truyện ngắn này cũng có sự sai trật niên biểu, do đó, ở đây, người viết chỉ đưa ra nội dung sự kiện chính của mỗi phần).

  1. phần 1 (4 trang), ba cha con dừng lại ở một con kinh nhỏ nằm vắt ngang cánh đồng, biến cố bất ngờ xảy ra, hai chị em (tôi - là chị - tên là Nương, được nhắc đến tên 1 lần duy nhất trong tác phẩm qua lời người cha, Điền - là em) cứu thoát một người đàn bà bị đánh bầm dập và đưa lên thuyền.

  2. phần 2 (8 trang), người đàn bà sống cùng họ trong cuộc đời du mục, nhiều lần hai chị em thấy ông bố trả tiền cho người đàn bà đó sau mỗi tối ngủ cùng. Dòng thời gian lan sang hồi tưởng về cuộc đời đã qua của người đàn bà, và những biến đổi tâm - sinh lý của Điền.

  3. phần 3 (7 trang), ký ức về người mẹ bỏ nhà.

  4. phần 4 (4,5 trang), sau sự bỏ đi của người mẹ, ông bố thờ ơ với 2 đứa con, quay lưng lại với cuộc sống trên đất liền, để sống cuộc đời du mục trên các con sông. Hai chị em buộc phải tự học cách sống, một cuộc sống bất thường, cay đắng, tù u.

  5. phần 5 (8 trang), trong hành trình du mục, người cha đùa cợt với tình cảm của người đàn bà nhẹ dạ, mời họ lên thuyền rồi bỏ họ lại bên bờ những con kinh.

  6. phần 6 (11,5 trang), nối tiếp dòng hồi ức, người cha tiếp tục lừa gạt những người đàn bà khác, tâm lý không - bình - thường của hai chị em khi bước vào tuổi trưởng thành trong một cuộc sống không có giáo dục, ít giao tiếp với con - người, khoảng cách giữa hai chị em với người cha càng lớn.

    G: phần 7 (9 trang): tiếp nối mạch thời gian khi người đàn bà được hai chị em cứu thoát. Một thời gian sau, dịch cúm gia cầm ào tới, các cán bộ địa phương thản nhiên thi hành lệnh trung ương, thiêu huỷ gà vịt, người đàn bà đi ngủ với những người cán bộ thừa hành mệnh lệnh để cứu vịt cho nhà hai chị em. Điền bỏ đi tìm người đàn bà ấy và không trở lại. Người cha trở nên chú ý đến con gái hơn.

  7. phần 8 (5 trang), nhân vật tôi (người con gái) bị mấy tên chuyên cướp vịt cưỡng hiếp ngay trước mặt người cha. Tác phẩm khép lại ở những dòng có tính chất hoá giải, "xí xoá" nỗi đau và lòng hận thù, để yêu thương vút bay lên như một lời ca gọi ngây thơ và hồn nhiên.
Dưới đây là niên biểu của truyện:

C1 - D2 - E3 - F4 - A5 - B6 - G7 - H8

Trong đó, các mốc thời gian rõ ràng hơn là:

C1: quá khứ xa nhất của mạch truyện chính, người mẹ bỏ nhà đi khi Điền 9 tuổi, "tôi" 10 tuổi
E3: năm "tôi" 13 tuổi
F4: năm Điền 16 tuổi

Như vậy, thời gian truyện diễn ra trong vòng 7 năm. Mạch kể đi theo trình tự:

A5 - B6 - C1 - D2 - E3 - F4 - G7 - H8

Nhận xét:


3. Xảy lặp - sự trộn lẫn của thời gian

Xảy lặp trong tác phẩm làm trừu tượng hoá thời gian, kiếp người. Những sự giống nhau về hành động, về cảnh huống từ quá khứ đến hiện tại, từ người trước đến người sau sẽ tự nhiên tạo ra sự trà trộn về thời gian, làm cho thời gian trở nên mờ ảo, như không có ranh giới phân định, như không có cột mốc. Bên cạnh đó, sự lặp lại về từ ngữ hé lộ bề sâu của đề tài, của vấn đề trong tác phẩm. Sự lặp lại nhiều lần làm cho tính hiện thực của câu chuyện trở nên mờ nhạt dần, câu chuyện được kể nhiều lần luôn làm cho người ta đón nhận như một huyền thoại, người ta không bắt buộc phải tin vào tính hiện thực của nó (giống như câu chuyện ngụ ngôn về một người kêu cứu).

Ở “Cánh đồng bất tận”, về hành động, có sự xảy lặp của mô-típ mà chính tác phẩm tự tạo ra: mô-típ đón nhận và rũ bỏ, tình thương và thù hận. Người đàn ông (nhân vật người cha) đón nhận người đàn bà (nhân vật người mẹ "tôi"), chắc hẳn phải với một lòng thương, sau đó người mẹ bỏ đi, thì ông ta bắt đầu có sự thù hận, chắc chắn không phải thù hận một người đàn bà mà thù hận cuộc đời vì bị mất niềm tin vào tình thương yêu. Sau này, người cha đón nhận thêm nhiều người phụ nữ khác - như một cách chơi bời/giải toả và trả thù - và lại rũ bỏ họ một cách không thương tiếc, nhưng thực ra, với nhiều người, ông từ bỏ họ vì muốn trả họ về đúng vị trí, thiên chức của mình (như người đàn bà ở Bàu Sen), rũ bỏ vì ông không thể đem lại điều gì tốt cho họ nữa (như đối với "chị").

Người đàn bà bị đánh có cuộc đời và số phận giống như những người đàn bà trên đê, những người đàn bà làm điếm. Chị có khác, hay được tập trung miêu tả sâu hơn họ ở tình thương, khát vọng tình thương. Nhưng cuối cùng chị cũng phải ra đi. Người mẹ bỏ đi và cho đến sau này, khi "tôi" rơi vào cảnh tương tự của người mẹ thì vỡ lẽ rằng, mẹ cũng bị cưỡng hiếp như mình. Những sự xảy lặp ấy khắc hoạ số phận của người đàn bà ở những vùng đất vẫn còn ngập trong u tối. Và thời gian xảy ra những cảnh huống ấy không còn quan trọng nữa, tất cả chúng vẫn như lẩn quất đâu đây, ở bất kỳ góc khuất lấp nào.

Ở mỗi chỗ xảy lặp ấy lại là chỗ tác giả gài vào những chi tiết xoáy sâu hơn vào tâm lý nhân vật. Nhìn chung, nhân vật im lặng trước biến cố. Đó là sự đóng kín của cõi lòng. Vì thế mà các nhân vật dường như đều khoác lên mình một tấm áo của sự bí ẩn, u uẩn. Lòng người cũng như cánh đồng u minh bất tận ấy. Đấy là thế giới thiếu sự đồng cảm và tình thương. Nói đúng hơn, tình thương và sự bao bọc xuất hiện như bản năng. Và do vậy, nhân vật khát, khát cháy những gì thuộc về ánh sáng của con người.

Về từ ngữ, hay lặp cụm từ "con người", "đồng loại", "người - bình - thường", "người".. Những xảy lặp này thấm đẫm ý vị triết lý. Ở đây, hai chị em, trong cuộc sống du mục rất xa loài người của mình đã vọng về những phẩm chất người. Thèm muốn cuộc sống con người bình thường, ấy là một cách nói, nhưng thực tình không đơn giản chỉ là vậy, cuộc sống con người bình thường trong tâm niệm của nhà văn là cuộc sống tràn ngập tình thương yêu và sự giáo dục/ánh sáng của văn hoá. Cõi vọng của nhân vật được đặt trong thời gian có vẻ dằng dặc và không gian cánh đồng bất tận như vậy là rất xác đáng.

Trong tác phẩm còn hay trở về cụm từ "nỗi nhớ", trở về hình ảnh dòng sông, đặc biệt là cánh đồng. Tác phẩm mở ra ở hình ảnh cánh đồng và kết thúc ở hình ảnh cánh đồng. Men theo cánh đồng với lộ trình lật ngược trở lại, từ hiện tại lần về quá khứ, từ trang cuối lên những trang đầu tác phẩm, chúng ta sẽ nhận ra một triết lý cuộc sống đã được huyền thoại hoá.


4. Quãng ngưng

Về cơ bản, các phần không có sự chênh lệch quá lớn về thời gian sự kiện so với thời gian văn bản. Những nhân vật đều được miêu tả dàn đều, qua những hồi ức (hồi ức cũng chính là những đoạn ngưng). Có nhiều hồi ức, nhiều đoạn miêu tả tạo nên nhiều đoạn ngưng cho câu chuyện. Tất cả tạo nên nhịp kể chậm, đều. Nhịp kể trở nên dằng dặc miên man trong cảnh sống u hoài bất tận trên cánh đồng. Nó đặc tả sự lưu cữu, từ đọng của cuộc sống. Thành ra một chốn - không thời gian. Những quãng ngưng này là những chỗ dừng chân để nhân vật cắt nghĩa cuộc sống.

Ví dụ, tràn ngập hình ảnh cánh đồng với các tên gọi khác nhau. Theo tôi, cánh đồng là ẩn dụ cho một cõi lòng, cõi lòng người hoang sơ tù đọng. Đầu tiên, ở phần D2: hai chị em lạc giữa cánh đồng, hình ảnh giống như biểu tượng con người lạc giữa chính cõi lòng người. Tiếp đó, cánh đồng Chia Cắt, ở phần G7, phải lòng người là cánh đồng u đọng đó nên sự chia cắt là tất yếu. Chia cắt cũng là một xảy lặp nhức nhối khắp chiều dài thời gian! Sự chia cắt với mẹ, với những người đàn bà mà cha rũ bỏ, với chị, với Điền. Trên cánh đồng ấy, có nhiều sự chia cắt mà chỉ có một sự đi tìm, Điền đi tìm chị. Nơi chỉ một lần người cha gọi tên con gái "Nương, ngủ sớm đi!" làm cho người con mắt cay, ngợp nhưng không đủ "hàn gắn sự đổ nát" và "sắp xếp những mảnh vỡ lạo xạo trong lòng". Rõ đấy là cánh đồng thiếu vắng tình thương. Cũng ở G7, đoạn ngưng của nhân vật "tôi" trở về cuộc sống trên cánh đồng tù đọng bao nhiêu năm thì đã mang một ý nghĩa khác, đó là phản ứng lại sự u tù u đọng của cuộc sống. Được miêu tả nhiều chất thơ nhất là đoạn viết về cánh đồng Bất tận, ở H8, cuối truyện, đầy ẩn ý, đó là miền hoang sơ trong cõi con người, miền có những đứa trẻ thất học và những kẻ mang tên Hận, Thù. Nhịp điệu đoạn ngưng bỗng cất lên bay bổng như dọn sẵn cho một sự báo ứng sáp xảy ra. Để hoá giải, để cứu vớt, trong những câu kết mang đậm triết lý nhà Phật. "Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn".

Cái kết này, thực ra là ý hướng đạt đến đạo của người viết trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Tư. Như chị tâm sự: "Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều, vớ được quyển sách nào thì đọc cái ấy. Cũng có điều hiểu được, học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải "bó tay". Ví dụ như mấy lời này: "Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì - dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ" (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương - Tỳ kheo VISUDDHÀCÀRAZ). Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao...". Nên, đó là một mong ước, ngây thơ, thành thực, và đẹp đẽ của người viết văn.


5. Từ bỏ tính xác định về thời gian

Đáng chú ý là, thời gian trong “Cánh đồng bất tận” không có những con số cụ thể của năm tháng. Thời gian có khi được tính theo số tuổi, nhưng tuổi đời người cũng chỉ là cụ thể hoá của một sự ảo hoá. Thời gian được tính và được nhắc nhiều theo mùa, mùa mưa, mùa nắng. Và như vậy, màu thời gian cũng đồng nghĩa với hai màu đó. Người viết chưa có đủ điều kiện thời gian để đếm bao nhiêu lần "mùa" được nhắc tới. Cuộc sống, cõi đời có bao nhiêu mùa? Không tính được. Và như thế, thời gian trong “Cánh đồng bất tận” không phải là thời gian xác định hay cố định, nó có thể nằm trong bất cứ dòng chảy nào trong lịch sử thời gian. Nó là thời gian của hàng trăm năm trước thì cốt truyện cũng hợp lý, nó là thời gian của hiện tại thì câu chuyện cũng chân xác, là thời gian của tương lai thì kiếp du mục ấy vẫn còn có thể diễn ra. Xét từ dấu hiệu ngôn ngữ, dịch cúm gia cầm có thể là một dấu hiệu chỉ thời gian hiện tại, thời gian xã hội những năm gần đây, nhưng nó lại không có ý nghĩa quan trọng, nó chỉ là một sợi dây nối kết thời gian lỏng lẻo hiện thực tác phẩm với thực tại cố định ngoài cuộc sống.

Ta hãy xem lại những cụm từ chỉ thời gian, đo thời gian chạy dọc tác phẩm: mùa hạn, suốt một quãng đường, chiều hôm đó và cả ngày hôm sau, sáng sớm ngày thứ ba, mùa đến sớm, mùa mưa vẫn còn xa lắm, có những ngày, trưa ấy, những chiều, một bữa tôi chiêm bao, suốt nhiều năm sau đó, đứa 10 tuổi ... đứa 9 tuổi, lần đầu tiên hai chị em tôi, sau này, quãng thời gian ấy, mùa du mục của chúng tôi kéo dài liên tục từ mùa mưa sang nắng, rồi lại mưa, mùa khô năm tôi 13 tuổi, trời đất ủ dột nhìn mưa vào mùa, có lần, đến 16 tuổi, suốt những năm tháng sống tù đọng trên đồng; bây giờ, gió chướng non xập xoè trên khắp cánh đồng Bất tận, sau này... Đấy là thời gian vật lý, thì kéo dài trong 7 năm mà cảm giác thời gian lê thê, hoà nhịp với thời gian của sự du mục triền miên. Là thời gian của tâm trạng, thời gian của hồi ức, hồi tưởng, thì đấy là thời gian bất tận của cõi đời, cõi người. Do nhà văn có ý hướng đến Phật giáo mà thời gian có những khi mang tên Hận, Thù, Nhớ, Thương...


6. Tôi cho rằng, “Cánh đồng bất tận” viết về thời gian của kiếp người, du mục qua những miền nhân cách, tính cách, số phận con người. Không gian trong truyện không có gì mờ ảo, vì nó là một không gian mà sự sống phủ lớp áo bàng bạc bất tận. Nhưng thời gian trong truyện đã được ảo hoá một cách thông minh và tự nhiên/ngẫu nhiên. Màu sắc huyền thoại của thời gian cộng với ý nghĩa phổ quát của cốt truyện, nhân vật làm cho tác phẩm chuyển tải được một hiện thực vĩnh cửu của con người. Đó là vấn đề về ánh sáng và tình thương trong cuộc sống con người, những hằng số nghệ thuật của mọi thời đại. Do vậy, “Cánh đồng bất tận” là một tác phẩm văn chương hiện thực pha màu huyền thoại, mà huyền thoại bao giờ cũng là một nghệ thuật của sự phi thời gian, của sự tồn tại vĩnh hằng. Chạm đến tấm màn của huyền thoại, là Nguyễn Ngọc Tư đã bắt gặp trong quá trình sáng tạo của mình một phương cách giữ màu tươi mới cho tác phẩm văn chương.

© 2007 talawas